Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         

tù nhân khai thác vàng tại gulag Kolyma

ĐƯỜNG TỚI ĐỊA NGỤC




Nguyên bản: КОЛЫМСКИЕ РАССКАЗЫ
     (CÂU CHUYỆN TỪ KOLYMA)


     ĐÔI LỞI VỀ TÁC GIẢ VÀ TẬP TRUYỆN :
     Varlam Tikhonovich Chalamov (tên Nga: Варла́м Ти́хонович Шала́мов) sinh ngày 18 tháng 6 năm 1907 tại Vologda và mất ngày 17 tháng 1 năm 1982 tại Moscou.
      Nhà văn, nhà báo và nhà thơ, Varlam Chalamov là một người đã sống sót được sau hơn 17 năm trong Gulag.
     Ông đã trải qua phần lớn thời gian bị giam cầm từ năm 1937 đến năm 1951 trong các trại lao động cưỡng bức tại vùng Kolyma ở Sibérie , một phần là vì ông ủng hộ Leon Trotsky và ca ngợi nhà văn chống Liên Xô Ivan Bunin. Năm 1946, trước cái chết, ông trở thành trợ lý y tế trong khi vẫn còn là một tù nhân. Ông giữ công việc này trong suốt thời gian thụ án, sau đó thêm hai năm nữa mặc dù đã được trả tự do, cho đến năm 1953.
     Từ năm 1954 đến năm 1978, ông viết một bộ truyện ngắn về những trải nghiệm của chính ông trong các trại Gulag.
     Bộ truyện này được sưu tầm lại và xuất bản thành sáu tập, gọi chung bằng tựa đề Kolyma Stories (Kolyma Tales)- Câu Truyện Từ Kolyma.
     Bản thảo gốc Câu Truyện Từ Kolyma được đưa sang Mỹ năm 1966 rồi xuất hiện trên tờ New Review trong những năm 1970 và 1976. Phiên bản tiếng Nga chỉ xuất hiện trên bản in vào năm 1978 tại Luân Đôn bởi cơ sở Overseas Publications Interchange Ltd . Năm 1980, John Glad đã xuất bản Kolyma Tales từ các bản dịch của chính ông, trong đó có tuyển tập các câu chuyện. Cuốn sách tiếp theo, Graphite, cung cấp thêm những câu chuyện từ Kolyma Tales.
     Колымские рассказы (Kolyma Tales) xuất hiện lần đầu tiên ở Liên Xô vào năm 1989 và được người dân Liên Xô xếp hàng để mua.
     Vào năm 2018, phần đầu tiên của ấn bản tiếng Anh hoàn chỉnh . Bộ sách bao gồm ba tập truyện đầu tiên đã được New York Review of Books xuất bản với bản dịch của Donald Rayfield. Ba tập truyện còn lại được xuất bản tiếp vào năm 2020.
     Những "Câu Chuyện Từ Kolyma" được coi là kiệt tác của Chalamov và là "biên niên sử cuối cùng" về cuộc sống trong các Gulag.
    Toàn bộ Câu Chuyện Từ Kolyma dựa trên hai lĩnh vực: kinh nghiệm cá nhân và lời thuật lại về những câu chuyện đã nghe. Các câu chuyện dựa trên cuộc sống của các tù nhân (chính trị hoặc chuyên nghiệp) trong trại tù và mối quan hệ của họ với chính quyền. Chúng ta tìm thấy lời kể của những tù nhân đã trở nên hoàn toàn thờ ơ, mất trí trong những điều kiện man rợ, giết người và tự tử một cách vô cảm.
    Viết về việc bị giam cầm dưới chế độ Staline nhưng Chalamov chỉ đề cập một lần đến Joseph Staline trong bộ sách, chỉ một nhận xét ngắn gọn về bức chân dung lớn của Staline treo trong văn phòng của một cơ quan hành chánh. Có thể vì qúa ghê tởm khi nói đến Staline nên Chalamov không muốn đề cập tới tên của kẻ sát nhân này.
     Bộ sách được chia thành năm phần: Truyện kể Kolyma, Bờ trái, Người thợ xẻng bậc thầy, Tiểu luận về thế giới tội phạm và Sự phục sinh của cây thông rụng lá.
     Chúng tôi xin được lần lượt giới thiệu cùng qúy độc giả những "Câu Chuyện Từ Kolyma".

     TỪ VŨ


♣ ♣ ♣


C on tàu Koulou đã hoàn tất chuyến hải hành lần thứ năm qua vịnh Nagaïevo vào ngày 14 tháng 8 năm 1937.

Đã tròn 45 ngày những "kẻ thù của nhân dân" - cả những người ở Moscow - đã có mặt ở trên tàu. Sự êm đềm của những đêm hè nóng nực, niềm vui ngớ ngẩn của những người được áp giải, ba mươi sáu người một xe… Đám tù nhân phơi làn da xám ngoét của mình trước ngọn gió thiêu đốt xuyên qua các kẽ hở, hý hửng như những đứa trẻ thơ. Các huấn lệnh pháp lý đã được đóng lại. Tình trạng của mỗi người đã được quyết định.

Bây giờ họ đang đi đến vùng đất Vàng, đến Kolyma, đến các trại cải tạo ở Viễn Đông Bắc Sibérie, nơi mà người ta nói rằng họ sẽ được sống như trong một giấc mơ. Hai người trong toa không cười – tôi là một trong những trại đến Viễn Đông Bắc này, tôi biết đó là gì và một người cộng sản khác ở Silesia, Weber, người Đức – một tù nhân Kolyma đã bị đưa vê Moscow để hỏi cung thêm. Khi những tiếng cười dại dột khích động của đám tù trong khoảnh khắc lắng xuống, Weber lắc bộ râu đen của mình rồi nói, “Bọn họ vẫn chỉ là những đứa trẻ con. Họ không biết rằng họ đang bị người ta dẫn đến nơi hủy diệt thể xác họ ».

Tôi cũng còn nhớ Omsk với những phòng tắm tráng lệ của nó – một khu liên hợp vệ sinh của quân đội - sau khi chúng tôi đã được tẩy giặt từ đầu tói chân thật sạch sẽ, quần áo ướt đẫm còn nực mùi thuốc khử trùng, chúng tôi được phép nằm ngay ngắn dưới nền xi-măng trong sân nhìn mặt trời mùa thu ấm áp bao quanh bởi những đám mây xám nhỏ. Lá cây vẫn còn màu tím.

Một trung úy của Ủy Ban Nhân Dân Nội Chính (NKVD) tiến lại gần chúng tôi, mập mạp, râu cạo nhẵn nhụi, ngón tay cái giấu sau chiếc thắt lưng da hầu như không giữ được cái bụng phệ của anh ta. Đó là người "đại diện" của NKVD đi cùng đoàn xe. Có gì khiếu nại không? Không, chúng tôi chẳng có gì, chẳng còn gì để khiếu nại, vả lại không phải nghe chúng tôi phàn nàn mà ông trung úy này gần gũi thân cận hơn với những người tù nhân chúng tôi.

Cái mồm đầy mỡ của người trung úy và những hình dáng xương xẩu, đôi mắt hốc hác của những tù nhân vẫn luôn khắc sâu trong ký ức tôi.

- Ví dụ như anh, anh ta vừa nói vừa dùng mũi giày sáng bóng thúc thúc vào người tù nằm cạnh tôi, “Trước đây anh làm gì vậy?”

- Tôi là giảng viên toán tại trường đại học.

- Chà, thưa ông giảng viên, không chắc rằng ông sẽ quay được lại nghề cũ của ông. Ông sẽ có một việc làm khác hữu ích hơn nhiều… Không nghe một tù nhân nói tiếng nào anh trung úy tiếp tục phát triển tư tưởng của mình:

- Tất nhiên, tôi không thể đưa được ra lời khuyên cáo với Nhà nước hay với Đảng, nhưng nếu ai đó hỏi tôi phải làm gì với các anh, tôi sẽ nói: chúng tôi chỉ cần đưa tất cả các anh đến một hòn đảo phía bắc nào đó – chẳng hạn, Đảo Wrangel – và để các anh ở đó, cắt đứt mọi liên lạc. Câu hỏi sẽ được giải quyết trong chớp mắt. Nhưng chúng tôi đưa các anh đến các kho Vàng, chúng tôi muốn các anh làm việc ở các Mỏ Vàng này. Vì vậy, các ông giảng viên, các ông sẽ được làm việc ở đó ...

- Còn mày, sao mày lại ở đây?. Viên trung úy dõi mắt về phía Volodya Ivanov, một anh chàng trẻ có mái tóc đỏ, người phủ kín từ đầu đến chân những hình xăm đặc trưng của thế giới dân anh chị. Lòng trắc ẩn có thể nghe thấy rõ ràng trong giọng nói của viên trung úy.

- Tôi là một giáo viên ở công xã Bolchevo* . Điều luật 58** . Siglard *** .

- A-a-a…

Và viên trung úy NKVD bỏ đi.

Tôi nhớ lại dưới hầm tầu nơi một Khrenov nào đó gia nhập với chúng tôi – mặt mũi sưng húp, bước đi thiểu não chậm chạp. Anh ta cũng sẽ đến Kolyma nhưng không mang theo hành lý nào. Ngược lại, anh ta lại có một tập thơ nhỏ với chữ ký của Maïakovski **** , một món quà do chính tác giả tặng. Đối với bất kỳ một ai quan tâm, ông ấy đưa ra chỉ một trang có "Bản tường thuật của Khrenov về Kuznetskstroy", rồi đọc:


     tôi chắc chắn rằng
     sẽ sinh ra
     thành phố.
     tôi chắc chắn rằng
     những nụ hoa trong vườn.
     Vì rằng đất nước
     Liên Xô
     mang
     những người đàn ông
     giống như
     những người đó !


Khrenov bị bệnh tim rất nặng. Nhưng không quan trọng vì thậm chí người ta còn gửi đến Kolyma những người bị cụt chân hay những bệnh nhân lao ở giai đoạn cuối của bệnh hoặc những người già ở độ tuổi bảy mươi. Chẳng thể thương xót cho lũ “kẻ thù của nhân dân”.

Khrenov đã được thoát chết nhờ căn bệnh của anh ta. Anh ta sống cho đến khi mãn hạn tù với quy chế một người tàn phế, sau đó được trả tự do rồi chết ở Kolyma với tư cách là một công nhân tự do - anh ta là một trong những "người may mắn".

Nhưng sự may mắn thì tôi không biết nó là gì: sống sót sau những cơn đau khổ lớn hoặc chết trước khi chiụ đựng nổi nó?

Tôi nhớ rất rõ chuyến đi thứ năm của tầu Koulou đã kết thúc như thế nào.

Con tầu đã đến vịnh Nagayevo vào ban đêm nên việc lên bờ bị hoãn lại cho đến ngày hôm sau. Sáng từ hầm lên boong tầu , tôi nhìn mà lòng vô cùng lo lắng.

Một cơn mưa lạnh đang rơi. Trên bờ, người ta có thể nhìn thấy những ngọn núi cằn cỗi, màu rỉ sắt, bao quanh bằng những đám mây xám đen. Những dãy lán gỗ vây bọc bởi lớp hàng rào thép gai. Một con đường hẹp đi về phía xa và về phía những đỉnh cao, và tất cả những ngọn núi này, vô số kể...

Ba ngày trong trại chuyển tiếp, dưới những chiếc lều vải ướt sũng bởi cơn mưa dai dẳng. Công việc của chúng tôi là phải mò mẫm tìm đường đến vịnh Vessiolaïa. Rồi lên xe tải: con đường chính ngoằn ngoèo giữa những ngọn núi, liên tục leo dốc, qua mỗi khúc quanh thì trời càng lạnh hơn, không khí càng hanh khô hơn, rồi ngày 20 tháng 8 chúng tôi đến nơi, chúng tôi đã đến mỏ Partisan, thuộc Sở Mỏ Bắc Bộ.

Vì sao tôi vẫn biết rằng lần vượt Koulou năm 1937 lại chính xác là lần thứ Năm?

Bởi lẽ trong mười lăm năm, tôi đã phải nhớ nó vì vô số cuộc điều tra dân số được gọi là "xác minh chung" tại đó. Bởi lẽ trong những lần chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ trại này sang trại khác, tôi đã phải đối mặt với cùng một loạt câu hỏi.

Mỗi ngày mà đức Chúa trời tốt lành đã ban cho thế gian thì người ta bắt buộc tù nhân chúng tôi phải trả lời :

     . Họ ?

     . Tên, phụ danh ?

     . Điều luật số mấy ?

     . Thời gian bị giam?

     . Ngày đến Kolyma?

     . Trên tầu nào?

     . Số vượt biển của tàu ?

Ba câu hỏi cuối cùng được hỏi trong các cuộc gọi trình diện. Những câu khác, nhiều lần trong một ngày.

Có những người đàn ông không muốn nhớ lại những ngày tồi tệ. Họ chỉ thích những kỷ niệm đẹp. Đó là một trong những quy luật khôn ngoan của cuộc sống, chắc chắn là một yếu tố của sự thích nghi, một cách để giải quyết mọi việc. "Nếu mọi người được đối xử theo giá trị của họ thì ai sẽ thoát khỏi đòn roi?" Những lời này của Hamlet (1) không phải là một lời đùa cợt cũng không phải là một câu nói hóm hỉnh. Nếu người ta không thể có khả năng quên, thì ai có thể sống? Nghệ thuật sống là nghệ thuật quên đi.

Đây là lý do tại sao không thể có mối quan hệ bạn bè nào được thiết lập khi các điều kiện rất khó khăn. Những điều kiện đó rất đau đớn, không ai muốn nhớ tới chúng. Tình bạn chỉ có thể có khi điều kiện “khó khăn vừa phải”, khi còn đủ chút thịt đè trên xương. Phần thịt còn sót lại cuối cùng chỉ nuôi dưỡng hai cảm giác: tức giận và thờ ơ.

Tất cả những gì tôi sắp kể ra đây chắc chắn sẽ được làm mịn, làm mềm câu chuyện. Thời gian chỉ bóp méo tỷ lệ thực sự của các sự kiện.

Ở Moscow, người ta đã ám sát Tukhachevski, Iakir, Dzidzievski, Schmidt. Iejov đã đưa ra báo cáo đầy đe dọa của mình trước phiên họp của Ủy ban Trung ương Đảng , tuyên bố rằng trong các trại cải tạo thông qua các trại lao động "kỷ luật đã bị nới lỏng", và trong các bài báo, người ta ngày càng bắt gặp các cụm từ về "sự hủy diệt vật chất của kẻ thù" và về "nghĩa vụ thanh lý những người theo chủ nghĩa Trotsky"; nhưng mỏ vàng nơi chúng tôi đến vẫn cho phép có cuộc sống “tốt đẹp” như trước.

Thiết bị mùa đông mới toang đã được chuyển đến những tù nhân mới đến. Trong xưởng của người thợ đóng giày, có một thùng dầu cá mà họ lấy ra để phết lên da giày. Người ta cho phép những người mới đến được nghỉ ba ngày dưỡng sức, họ được dẫn đi xem “công việc sản xuất”: họ được cho xem bộ mặt của mỏ, xem cái xẻng, cái cuốc, cái cửa xích và xe cút kít, máy Osso có hai cánh tay và một bánh xe.

Trạm y tế vắng tanh nhưng những người mới tới không ai quan tâm đến cơ sở này.

Công việc làm là : mở mỏ – kéo đặt rồi nổ mìn, lăn bằng tay xuống hầm để từ đó xe ngựa kéo chở quặng đến những bồn gỗ súc rửa.

- Đó là một công việc khó nhọc, nhưng nó cho phép anh kiếm được nhiều tiền có khi lên đến mười nghìn rúp một tháng vào mùa, mùa hè. Ít hơn một chút vào mùa đông. Trong thời gian cực lạnh (-50° trở xuống), người ta không làm việc. Vào mùa hè, người ta làm việc mười giờ một ngày và thay đổi ca mười ngày một lần. Thời gian còn lại “tích lũy” và được tạm ứng vào ngày 1 tháng 5 và số dư vào ngày 7 tháng 11. Vào tháng 12, người ta làm việc sáu giờ, 4 giờ vào tháng 1 , 6 giờ vào tháng 2, 7 giờ tháng 3, 8 giờ tháng 4, tháng 5 và cả mùa hè – 10 giờ một ngày.

Nếu các anh làm việc tốt, các anh có thể gửi tiền về nhà. Các quản giáo giải thích với chúng tôi, những người tù mới đến trong chuyến tham quan.

Có ba loại tiêu chuẩn về khẩu phần ăn: công nhân xuất sắc, công nhân "sốc" và công nhân bình thường. Suất ăn của công nhân xuất sắc bao gồm một cân bánh mì và một bữa ăn nóng hổi ngon lành. Nếu chúng tôi làm 110% định mức, chúng tôi có khẩu phần của công nhân sốc, đối với 100% và thấp hơn khẩu phần của công nhân thường, tám trăm gam bánh mì và một số lượng ít đồ ăn nóng hơn.

Về chuyện khám xét sức khỏe chia mọi người ra thành bốn loại:

. Thứ tư: có sức khỏe tốt.

. Thứ ba: không thật hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng có thể làm bất kỳ công việc thể chất nào.

. Thứ hai: làm công việc nhẹ , dễ dàng.

. Thứ nhất: người phế tật.

Một phạm nhân thuộc nhóm thứ hai được giảm 30% tiêu chuẩn. Đó là lý do tại sao "căn bệnh công nhân xuất sắc" xuất hiện, những người thực hiện công việc phục vụ và được ưu ái khi thiết lập khẩu phần ăn cho họ. Loại thứ ba kém thuận lợi nhất - thường là dành cho đám tù trí thức. Đó là những quy tắc thiết lập từ thời của Berzine , giám đốc đầu tiên của Kolima, nhưng vẫn tồn tại khi đoàn tù nhân của chúng tôi bị gửi đến mỏ Partizan.

Tại Moscow, số phận Berzine đã được niêm lại. Người ta chuẩn bị và nhân lên các mệnh lệnh khác – rượu mới này đổ vào chiếc bầu da cũ. Cùng lúc những chỉ thị hướng dẫn cũng được đưa ra nói về lý do của việc thay thế này. Những mệnh lệnh và hướng dẫn kỷ luật mới này được đưa đến Kolyma bởi những người đưa thư đi cùng chuyến tầu với đám tù nhân chúng tôi.

Kỷ luật đến mức một sợi tóc không được rơi khỏi đầu tù nhân nếu Moscow không ra lệnh. Moscow biết tất cả mọi thứ và quyết định số phận của từng người trong số hàng triệu tù nhân ở đây. Quyết định của trung ương, một khi được đưa ra, sẽ đi xuống “theo cách phân cấp”, từ trung tâm cho đến ngoại vi.

Những hoạt động liên quan đến gì ? Phản ứng dây chuyền, hay lực ma sát? Không. Mọi người đều sợ hãi, mọi người tuân phục và thực hiện mệnh lệnh được ban từ trên cao. Mọi người đều phải cố gắng thực hiện. Và cần phải được biết , được nhớ.

Tất nhiên, sự sống và cái chết ở đây có nhiều thực tế hơn. Một ký giả chập chững đã viết một bài báo được coi là sấm sét tại Moscow nói về việc tiêu diệt những kẻ thù của nhân dân ở Kolyma, một tên cướp đã chộp lấy một thanh sắt và giết chết một ông già - một "kẻ đi theo chủ nghĩa Trotsky". Và ông già lại được những người ở Kolyma coi là “người bạn của nhân dân”.

Tại mỏ, có một chiếc lều được trưng bày cho mỗi người mới đến với sự tôn trọng đặc biệt. Tại ngay địa điểm của chiếc lều đã có bảy mươi lăm tù nhân Trotskyist đã từ chối không chịu làm việc.

Vào tháng 8, những tù nhân này nhận được khẩu phần lương thực cuối cùng . Vào tháng 11, tất cả đều đã bị xử bắn.

Ghi Chú:
* Bolchevo, công xã Xô viết dành cho những tội phạm trẻ tuổi ở gần Moscow
** Điều luật truy bắt những kẻ tình nghi hoạt động phản cách mạng.
*** Tội phạm được xác định bởi một chữ viết tắt nào đó.
**** Vladimir Vladimirovitch Maïakovski thi sĩ Nga (1893-1930).
(1) Tên một vở kịch của William Shakespeare.

                                                       ♣ Mời đọc tiểu sử của VARLAM CHALAMOV ♣



VVM.01.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .