T huở nhỏ cắp sách đến trường, trước khi ra khỏi nhà, mẹ tôi bao giờ cũng kiểm sóat lũ con xem quần áo có chỉnh tề không? Đầu tóc có chải chuốt nghiêm chỉnh không. Lúc ấy, chải đầu là đầu ngôi phải thẳng, không bao giờ được đầu bù tóc rối đến trường. Nhà tôi đông anh chị em nên áo quần của đứa lớn sau lại để cho đứa bé dùng. Quần áo rách thì vá lại mặc. Đầu gối thủng thì píc kê cho dầy. Quần áo lành thì mặc đến lớp. Áo quần vá thì mặc ở nhà hoặc mặc đi lao động. Áo lành hay áo rách đều phải giặt giũ tinh tươm. Quần áo giặt xong gấp lại ngăn nắp. Ô tủ của ai người ấy tự xếp cho gọn gàng. thời ấy làm gì có máy giặt, xà phòng cũng thiếu. Khi giặt thì phải trải áo quần ra cái ván giặt bằng gỗ, xát xà phòng rồi dùng bàn chải giặt cọ đi cọ lại. Cọ xong lại phải giũ cho sạch , vắt kiệt, rũ bớt nước rồi đem phơi ngòai sân. Công việc giặt lắm công đọan nhưng mẹ tôi, chị tôi giặt và các em mỗi người một việc. Đứa múc nước, đứa ôm chậu quần áo ra phơi, đứa thu quần áo khô gấp lại và xếp thành chồng quần áo cho từng người không lẫn lộn.
Sáng sáng, phân công nhau dậy sớm quét nhà, chẻ củi, đun nước…Việc nào ra việc ấy. Mẹ tôi kị nhất chuyện quét nhà ẩu. Bà ghét nhất thói quét vội quét vàng “một nhát đến tai, hai nhát đến gáy” và kị hơn cả là đống rác bụi không hót ra đổ vào thùng rác mà tống vào gầm giường “khuất mắt trông coi”! Đứa nào tống rác vào gầm giường mẹ tôi vớ được thì thế nào cũng ăn mấy cái cán phát trần quật vào mông cho nhớ.
Cái nếp nhà ấy nó trở thành cái lệ bất thành văn mà hầu hết các gia đình Hà Nội xưa ai cũng thế. Nhiều gia đình còn có những luật lệ rất nghiêm. Bạn bè đến chơi nhà bao giờ cũng phải khoanh tay chào bố mẹ, các anh các chị. Gọi nhau thưa gửi phải xưng là anh, là chị, là cậu chứ cấm tiệt xưng hô “mày tao chí tớ”. Có gia đình còn treo cả roi mây trên tường để thể hiện cái uy nghiêm và kỉ cương gia giáo.
Tôi còn nhớ câu chuyện mãi sau này, khi ông bố vợ tôi đã trở thành nghệ sỹ có tên tuổi tới thăm cụ bạn vong niên sống với nhau từ thời chống Pháp trong Thanh Hóa , nhà Sử học Đào Duy Anh. Lúc này cụ đang ở trong khu tập thể Kim Liên. Khi thấy bố đến thăm cụ, Anh Đào Thế Tuấn, con trai lớn của cụ tuổi đã cao, có địa vị trong xã hội nhưng thấy khách của bố đến thăm vẫn khoanh tay chào theo đúng lệ nhà. Bây giờ các cụ đã mất cả, Bác Giáo sư Viện sỹ Đào Thế Tuấn cũng đã nghỉ hưu nhưng mỗi dịp gặp Bác tôi lại nhớ đến chuyện xưa.
Cái nếp nhà ấy nó tạo cho mỗi thành viên trong gia đình một tác phong sống giản dị, quy củ và quan tâm đùm bọc lẫn nhau. Không tranh giành mà biết chia sẻ, nhường nhịn. Ra đời, cái nếp ấy sẽ có ích cho xã hội biết bao.
Lớn lên, chúng tôi mỗi người một ngả. Người đi bộ đội, kẻ đi học, người lên rừng, kẻ xuống biển. Sống gần cả đời người trong chiến tranh, trong tập thể. Cái nếp nhà xưa ở một số người Hà Nội đã mai một dần.
Thời ấy, anh nào chải đầu bóng mượt, quần áo phẳng phiu thì bị quy là tác phong tiểu tư sản. Lắm người phải tỏ ra nhếch nhác một tý để được lòng mọi người, được nhận xét, đánh giá là “có tác phong quần chúng”. Anh nào nghèo, nhếch nhác một chút là được đánh giá tốt. Có anh cố gắng tập hút thuốc lào, ăn mặc lôi thôi để đi thực tế về nông thôn rít điếu cầy, ngồi bệt cho ra vẻ quần chúng. Dép cao su tám quai áo quần một màu xanh thợ cho gần gũi với mọi người. Chị em thanh niên, phụ nữ thì ai cũng một cái quần lụa thâm và cái áo sơ mi cũn cỡn. Làm gì có mốt nọ mốt kia hở lườn hở rốn như ngày nay. Cái áo dài Hà Nội một thời được coi như biểu hiện của lối sống tư sản, tiểu tư sản nên bị tiệt nọc. Người ta cắt vạt áo dài đi để sửa thành áo cánh. Chỉ còn bà nội tôi mặc áo dài nâu, thắt bao lưng sồi, chít khăn mỏ quạ đeo xà tích bạc, có chùm chìa vôi, đi dép da trâu xỏ một ngón chân…Ăn vận khi đi lễ dưới đền Lừ.
Thời ấy, kinh tế khó khăn, nhà cửa chật chội. Nhiều cán bộ không có nhà ở phải ngủ trên bàn làm việc ở cơ quan. Cái toa lét trong cơ quan thì được sửa đi để làm văn phòng cho Viện trưởng Viện phó. Cái gầm cầu thang của biệt thự cũng quây lại kê được chiếc giường cho cán bộ độc thân tá túc. Trong các gia đình Hà Nội thì vách liếp ngăn xẻ mỗi phòng cho mấy hộ gia đình. Nhà xí chung, bể nước chung, chầu chực cả đêm để hứng từng xô nước máy. Đồ đạc vứt chỏng gọng, mỗi người xí một góc làm cái bếp. Xếp mấy hòn gạch đặt cái bếp dầu thế là thành bếp. Rác rưởi thì tiện đâu đổ đấy. Sống khổ, sống chật và túng thiếu nhưng tối lửa tắt đèn vẫn có nhau. Thủ trưởng và nhân viên cũng chẳng hơn nhau mấy. Không mấy kẻ ăn trên ngồi trốc. Có chức có quyền cũng không có đâu bạc tỷ mà tham nhũng, vơ vét.
Hà Nội đổi mới có mấy chục năm mà dổi thay nhiều lắm. Cái thay đổi lớn nhất trong hệ thống nhà cửa có lẽ là hệ toa lét đã được cải tạo. Diện tích nhà ở tuy chưa thỏa mãn nhưng đã tăng dần . Xe cộ đã lên đời. Từ cái xe đạp cọc cạch mà cả đời đi làm nhà nước may lắm mới được tính điểm bình bàu cho mua giá phân phối tới chỗ gần như ai cũng sở hữu một chiếc xe máy. Lắm kẻ xây nhà lầu, biệt thự, đã sắm được ô tô xịn làm đường sá luôn tắc tị khói mù, đinh tai nhức óc. Nhà nào cũng ti vi màu máy video. Công sở thì chỉ một cơ quan cấp phường cũng bề thế hơn cả phủ tòan quyền thời Tây…
Mọi thứ đều thay đổi, cuộc sống vật chất so với xưa khác một trời một vực. Cái đổi mới về vật chất nó làm cho cuộc sống dẽ chịu hơn nhiều lần.
Vật chất đổi thay nhưng đau lòng thay, cái nề nếp của xã hội, của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng xã hội cổ truyền cũng dần dần tan biến mất. Xưa người ta gọi nhau là đồng chí, nay thì quay lại lối xưa gọi các “đồng chí thủ trưởng”, các vị có chức có quyền là “quan chức”. Có quan chức tham nhũng cả chục tỷ trăm tỷ tiền bạc của nhân dân. Chẳng còn mấy ai giữ được cái nếp nhà xưa. Con cái bỏ rơi bố mẹ già, trẻ con trốn học chơi game giết cả người thân, bà nội để cướp tiền . Trong nhà, ngòai ngõ rác bẩn vứt tứ tung . Ra đường thì mạnh ai nấy chạy, bất chấp cả đèn xanh đèn đỏ. Đi hội thì chen lấn xô đẩy bứt hoa bẻ cành tàn phá cả hội hoa mà thành phố tốn công tổ chức…
Đã đến lúc cần phải xây dựng lại cái nếp nhà và cả cái nếp xã hội. Khi nếp nhà chẳng còn, luật pháp không nghiêm thì có giàu có đến mấy cũng đổ xuống sông xuống bể tất mà thôi. Hỡi ôi !
Hà Nội của ta
Thủ đô yêu dấu !