Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



ĐẾN TRƯỜNG SAO CHÁY




N ăm lên sáu tuổi, một buổi sáng thức dậy, tôi ngỡ ngàng thấy mình đang ở trên ngọn cây, chung quanh yên tĩnh, chỉ nghe xa tiếng chim rừng và ngửi thấy mùi hương kỳ lạ. Anh Lành cho biết khuya đêm trước chúng tôi tản cư đến đây và đang ở trên một nhà chòi giữa bưng Tràm.   

 Chòi này của Bác Tu, một thổ dân, bạn của Ba tôi. Chòi được gác trên tám nhánh cây cổ thụ. Cột chòi là những thân cây tràm lớn hơn một vòng tay ôm. Sàn và vách làm bằng vạt cây nhum khá chắc. Mái lợp vỏ tràm dày khum khum như vòm cung. Phía sau, một chái bếp nghiêng sát  mặt sàn, nơi để nhiều chum vại, treo đầy bắp giống và lá thuốc. Phía trước, một chiếc thang dây dẫn đến mảnh đất bên những gốc tràm, ở đó neo hai độc mộc nhỏ. Chòi ở giữa bưng sâu, xa bờ, nên độc mộc là phương tiện để đến nhiều nơi khác.  

Nhánh tràm phủ xanh cả vòm trời. Lá non thả xuống như liễu rủ, phơn phớt hồng  trước nắng mai. Hoa tràm thoảng nhẹ mùi hương trong lành ngọt ngào như để thu hút lũ ong rừng. Rễ tràm dệt những thảm rêu xanh với vài khóm hoa dại bên đám cỏ bàng ở mé nước. Khi nhàn rỗi, Ba tôi cùng bác Tu thường đến đó ngồi câu cá uống rượu ngắm trăng, giống như hai ẩn sỹ.                                                     

Cuộc sống ở đây bình dị êm ả. Buổi sáng, khi con chim sớm hót, cả nhà bác Tu bơi độc mộc qua cánh rừng phía tây, về phía nương rẫy. Buổi chiều, khi mặt trời chạm ngọn cây Sộp, bác Tu trở về neo độc mộc vào bụi hoa mua, sát chân cầu thang. Lần nào, bác cũng gùi về một ít vật kiếm được trong ngày như củ khoai, trái rừng, con thịt. Buổi tối, cả nhà quây quần bên vại lửa trò chuyện, đôi khi Bác Tu nói lối đôi câu tiếng Thổ, nghe rất lạ nhưng rất êm tai. Có lẽ, tôi làm quen với tiếng Thổ ở đây.            

Lương thực gần như không bao giờ thiếu, ngay cả khi hạn hán, lũ xuống, mất mùa. Lúa ăn giáp hạt. Gạo giã chày tay dùng hàng ngày, dư ra chút ít cho vào chum để dành.

Thế mà nhà Bác Tu có đến bốn chum gạo dư, bên cạnh các chum đựng nếp, đậu mè và muối hạt. Cá đồng lớn nhỏ đủ loại ở lòng bưng, chỉ cần rê một miếng mồi, cắm vài cần câu, đặt một cái lờ, cá ăn không hết.Thịt chim muông cũng có sẵn trong rừng.Thịt cá ăn không kịp, phơi khô treo giàn bếp, phòng khi giông bão lũ rừng không thể giương cung đặt bẫy đặt lờ. Rau cải hành ớt trồng ngay hốc cây dưới chòi. Quanh năm, cần thứ gì có thức ấy, không cần mua bán nhưng đôi khi có sự trao đổi thức dư thừa để lấy vật thiếu như thuốc men quần áo chăn mùng mắm muối.                   

Nơi bưng Tràm, ngày mát đêm lạnh suốt hai mùa mưa nắng. Nắng xuyên qua cành lá trên ngọn cây cao, hiếm khi chói chang nóng bức. Một vại lửa đặt giữa chòi sưởi ấm bao đêm lạnh. Vài khúc củi tràm chắc đượm than tí tách ánh lửa, khói tỏa hương trầm dỗ ngon giấc ngủ. Bầu không khí thanh khiết, dân cư sống yên lành no đủ nên chẳng thấy ai ốm đau. Sốt rét ngã nước là mối lo lớn nhất. Để chống bệnh chói nước, bà con nhắc nhau uống chín ăn chín, đêm ngủ giăng mùng, đốt lửa xông lá đuổi muỗi. Riêng bác Tu luôn trữ sẵn ít kí-nin, vài hũ rượu thuốc. Bác đã luống tuổi, râu tóc bạc trắng nhưng da dẻ hồng hào, giọng nói sang sảng, phong thái điềm tĩnh ung dung.

Chừng đâu vài tháng, chúng tôi dời về Xóm Rẫy. Buổi sáng ra đi, chị Liêu kéo độc mộc đưa chúng tôi đến bìa rừng. Từ đầu lối mòn, nhìn lại bưng Tràm, tôi mới thấy chòi bác Tu tựa như ngôi nhà sàn của người miền núi. Nhà sàn dựng trên đất. Nhà chòi của bác treo lửng ngọn cây giữa khung cảnh tĩnh mịch nhưng đẹp lạ thường.             .     .                     
   

Một chuyến xe trâu, một ngày đàng, chúng tôi xuôi theo hướng Nam về thôn Hòa Minh đến Xóm Rẫy, xóm tản cư của ngư dân Hồ Tôm, chạy Tây đến đây đi biển, khai hoang làm vườn.Bên Suối Cát, dưới chân Động Nhọn, lớp Vỡ Lòng ru vang tiếng ê a. Thầy Biện, cô Loan mở thêm lớp, lập Trường Xóm Rẫy. Tôi làm quen với con chữ, ráp vần, đặt câu tại đây. Những con chữ thơm lựng hoa rừng, câu văn ngây thơ như đọng lại tiếng chim chiều.  

Một hôm máy bay dội bom nát thôn Hòa Minh. Cửa nhà Xóm Rẫy thành tro than. Má tôi tản cư ngược lên rừng Sao Cháy và dựng một ngôi nhà vách nhum mái lá trên đồi cây cổ thụ. Nhà nhìn ra rẫy lúa, mương rau dại. Tôi theo anh chị đi học tại trường Sao Cháy, cách nhà một láng cỏ lương. Ngoài viêc dạy tại lớp, Thầy Hai Thắng còn cho chúng tôi biết nhiều điều về quê hương đất nước, mỗi khi họp mặt.  Bác Sáu Ngọc đọc vài câu của Truyện Kiều hay Lục Vân Tiên, trong lúc nghỉ ngơi giữa buổi dọn rẫy làm mùa.  Dì Hai Tuất, thiếm Út Ruộng, vừa chằm lá vừa ngâm nga vài câu hò của ruộng đồng miền Cửu Long, nghe dịu êm một thoáng buồn xa quê. Trường Sao Cháy giúp chúng tôi biết Cộng thêm tình yêu thưong,Trừ dần sự đau khổ vì chiến tranh, Nhân lên kiến thức về cuộc đời, Chia niềm vui nỗi buồn cho nhau, vì tương lai của quê hương. .   

  Thế rồi, Đình Chiến 54 chia đôi đất nước, Ba Má tôi về Cái Bè thăm quê, tôi về Tân Lý thăm Mẹ. Con đường học vấn của tôi trở nên gập ghềnh.


                                                        

VVM.29.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .