Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



CÕI NGƯỜI


H ơn nửa thế kỷ sau, cụ bà mới biết rằng, người đổi tên làng Lều tổng Ghềnh Trúc thành thôn Quyết Tâm xã Thắng Lợi chính là ông chồng của cụ. Lúc ấy ông là thành viên Ban lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở địa phương. Trong quan niệm của ông, cách mạng đã thay đổi số phận của cả đất nước, đồng thời cũng thay đổi số phận của mỗi đời người, cái tên làng Lều tổng Ghềnh Trúc là không thể chấp nhận được. Nó gợi đến một thời xa xưa cách đây đã hơn 600 năm, đói rét và heo hút. Vào thời ấy, một ông bố và ba người con trai họ Trần nào đó đã đưa cả gia đình trôi dạt về đây để tránh sự truy nã và chém giết của họ Hồ. Ông đổi họ thay tên, dựng một dãy lều chăn vịt bên bờ con sông Lương êm ả và hoang vu, đầy rắn rết và ma quái. Sự có mặt của dòng họ Đặng ở làng Lều và sự ra đời của làng Lều là như vậy.

Một chiều nọ, có con thuyền nhỏ ghé vào bến làng Lều. Lúc đó, dòng sông Lương mờ mịt khói sóng. Lau sậy lao xao trong gió nhẹ. Một chàng trai trẻ bước lên, dáng bước rất nhanh và hơi ngoằn ngoèo, đầu chúi về phía trước, áo chàng lóng lánh như dát bằng những vẩy bạc. Chàng gặp ông Đặng đang cầm cây sào tre, đầu sào buộc lủng lẳng nắm lá chuối khô, để xua đàn vịt đang chạy tán loạn bên bờ sông. Ông mặc quần nâu cộc ngang đầu gối, áo nâu hở ngực, đầu quấn một miếng vải cũng mầu nâu. Cái cằm hơi nhọn của ông trễ xuống, chòm râu thưa sợi đen xen sợi trắng lởm chởm.

Cháu muốn đổi cho ông đàn vịt này, chàng nói. Để lấy cái gì? Lấy một đàn vịt khác, béo đẹp hơn, đông gấp trăm lần. Ở đâu ra? Ông hỏi. Đó là việc của cháu. Để làm gì? Ông lại hỏi. Đó cũng lại là việc của cháu. Chàng rành rọt trả lời.

Trên cái trần trắng màu cháo lòng của tôi, đang hiện lên cái dáng tính toán của ông Đặng. Ông ngắm chàng trai. Đầu chàng bóng mượt, cái miệng hơi nhô ra, môi chụm hẳn lại như một cái mỏ và khi nói miệng chàng loe rộng như một cái loa, hai mắt ti hí sáng lạnh lẽo. Vịt nhiều thế thì chăn làm sao được. Ông nói với chàng. Không cần phải chăn. Ồ… Anh bịp ta à? Ông kêu lên. Cháu nói là đàn vịt không cần phải chăn, không cần phải làm chuồng, không cần phải cho ăn, không cần phải lùa đi lùa lại như thế này. Chàng nói dứt khoát.

Ông Đặng không nghe chàng trai nữa. Trông cái dáng ông ngúng nguẩy mới buồn cười làm sao. Ông cho anh ta là một gã đại bịp, một tên càn quấy nói lăng nhăng. Ông định gọi lũ con trai ra để đuổi gã đi cho khuất mắt và nếu gã giở trò gì thì các con ông sẽ cho gã mấy hèo.

Ông không tin cháu à? Chàng trai chạy theo ông. Tin đồ ba bị làm sao được. Ông ném câu trả lời về phía sau. Này, chàng trai quát. Đứng lại!

Ông Đặng cảm thấy hai chân bỗng đông cứng và lạnh toát, không sao cất bước được. Chàng trai đã đứng trước mặt ông.

Ông không tin cháu phải không? Chàng ghé sát vào mặt ông, đôi mắt ti hí sáng lạnh. Hãy trông đây! Chàng giơ một ngón tay lên trời rồi đột ngột hai bàn tay vỗ vào nhau ba tiếng. Từ chân trời phía đông, một đám mây bạc bất ngờ hiện ra, lát sau đã thấy lóng lánh trong ánh nắng những tia chớp nho nhỏ dịu nhẹ, mong manh. Đã trông thấy cánh trắng của những con chim đầu đàn.

Cò à? Ông Đặng hỏi.Vịt! Chàng đáp gọn lỏn.

Quả là vịt thật, bởi cái mỏ dẹt của nó không sao lẫn được với bất cứ loại thú có cánh bay nào. Rồi hai chân như hai cái bơi chèo. Và cánh. Cánh vươn lên đập xuống nhịp nhàng thanh thoát như của các loài chim di cư. Ông thấy lạ quá. Chúng lập tức vây quanh ông ngút ngát. Cả một bãi sông bỗng đầy những tiếng kêu cạc cạc quen thuộc. Lũ vịt chăn của ông sợ hết hồn, chúng quẩn vào chân ông. Bây giờ ông mới thấy chúng xác xơ, gầy guộc, thiểu não làm sao.

Chàng bảo, giọng đầy uy lực: Thế nào? Đổi được chứ? Ông bằng lòng đi! Thế vịt của tôi gầy còm thế này, anh lấy làm gì? Cũng chẳng gầy lắm đâu! Chàng nói. Đàn vịt của ông cháu lại biếu ông thôi. Ông ăn, ông bán hay ông cho ai, cũng tùy ông cả. Chỉ có điều, ba ngày sau, cháu quay lại đây, nó không còn nữa. Thế đàn vịt kia của anh, tôi nuôi thế nào? Ông hỏi. Đàn vịt ấy là của ông. Cháu sẽ hướng dẫn ông cách xua chúng bay đi và cách gọi chúng trở về. Chàng nói tiếp. Cứ năm ngày một lần, ông sẽ thấy bến sông này trắng xóa những trứng vịt. Nếu đúng như thế, ta chỉ dùng một nửa số trứng vịt, nửa còn lại ta chia cho dân làng. Ông vui vẻ nói. Đúng như thế! Ông hãy tin cháu, đúng như thế!

Dù còn nửa tin nửa ngờ, nét mặt ông Đặng đã lộ rõ vẻ hoan hỉ. Trông dáng ông đi mới tung tăng hồ hởi làm sao. Ông gọi lũ con trai, con dâu, đến chào chàng. Và tối đó, ông quyết định làm một tiệc rượu rất thịnh soạn để thết chàng. Ông cho nổi một dàn lửa bên bờ sông và con sông Lương hiền dịu trong xanh, bỗng thành một dải đồng đỏ được nung chảy. Hàng trăm con vịt được vặt lông, lông vịt bay trắng xóa cả một vùng sông bãi. Những con vịt nướng chín trên dàn lửa đó, mỡ chảy xuống xèo xèo. Ánh lửa hắt lên mây trời rồi từ mây trời tỏa xuống, làm cho các sân nhà cách đó dăm ba dặm, nhuếnh nhoáng hồng, như vầng mặt trời đang bay lên từ một biển sóng.

Chưa bao giờ, các chòm xóm rải rác hai bên bờ con sông quanh năm vắng lặng và quạnh hiu này, được chứng kiến một cảnh bình minh vừa hùng vĩ vừa quái dị như vậy vào lúc hoàng hôn. Những con gà trống non tơ và hiếu thắng, tớn tác ngay trước cửa chuồng, bất ngờ thi nhau gáy inh ỏi. Những con gà mái dậy thì, mỏng môi hay hớt và dại dột, chẳng hiểu sao bỗng nhẩy choi choi, như góc sân trước cửa chuồng là một chiếc chảo rang nóng mà chúng vừa dẫm phải. Rồi hớt hải, chúng vội vàng gáy theo bằng những âm thanh vụng về và cụt lủn. Lập tức, chúng bị một chiếc đòn gánh lia vào đầu.Và cổ chúng cũng lập tức bị vặn gẫy để tránh một điềm gở mà gia chủ cảm thấy như đang đến với mình rất gần.

Những chiếc thuyền từ bên kia sông tới tấp chèo sang. Những người ở bên này ùn ùn kéo tới. Trên cái trần của tôi, bóng người người trùng trùng điệp điệp, chen lấn nhau, ngút ngàn. Họ tò mò muốn biết điều gì đã xảy ra. Ông Đặng không ngờ trong những xóm làng hẻo lánh ở hai bên bờ sông này, người ở, lại nhiều đến như thế. Họ đến vì ông chăng? Vì chàng trai, vì đám lửa đang cháy bên bờ sông, hay còn vì một lẽ gì khác? Ông lờ mờ nhận ra có một cái gì đó khác thường đã dến với ông và gia đình ông, nhưng là cái gì thì ông không thể hình dung ra được.

Ông quyết định cho lên dàn lửa toàn bộ đàn vịt của ông và của các con ông trong đêm nay, cho mua từ các làng bên những hũ rượu to kềnh càng, còn nút kĩ bằng những bọc lá chuối khô quấn chặt, cảm thấy ở mình cái đam mê cháy túi của một kẻ đánh bạc. Ông dẫn chàng trai đi chào dân làng, thăm các đám thực khách mà hầu hết ông không quen biết, đang ồn ào ngả nghiêng say.

Họ uống rượu bằng những chiếc bát doãng trơn lòng men xanh lam, tay xé đôi, xé ba những con vịt đang chín tới. Họ nhai nhồm nhoàm, vừa nhai vừa nhẩy múa quanh những đống lửa còn rừng rực cháy và mặt họ cũng phừng phừng như lửa, còn bỏng rát hơn lửa. Quần áo rách tơi tả vá chằng vá đụp, có người cửi trần, chỉ mặc quần đùi hoặc đóng khố, có người còn đội trên đầu một chiếc nón cũ nát bật vành hoặc đã thủng chóp. Những câu hát lạ tai mà ông không bao giờ hiểu được ý nghĩa của nó. Những động tác khuyềnh chân múa tay chẳng theo một thể thức nào. Ánh lửa khi thì hắt những hình ảnh lung linh ấy lên mây trời, lúc thì chiếu những hình ảnh nguệch ngoạc ấy xuống mặt đất, hoang dã và đầy đột biến như ở thời tiền sử. Tất cả nhập vào nhau, tạo thành một ấn tượng man rợ hùng tráng mà ông chưa thấy bao giờ:

Tà hăn pha sí son
Tà hăn pha sí son
Khấm khí phương xa cô đô cô đô
Hà chi hô hô hô
Oằn chi lô lô lô
Khấm khí phương xa cô đô cô đô
Tá hằn pha chén say
Tá hằn pha chén say ...

Ông và chàng trai đi đến đâu, mọi người đều dãn ra và cung kính cúi chào, điệu bộ họ khúm núm đến tức cười. Trong cơn tưng bừng đầy hứng khởi của men rượu, chàng trai bước đi lảo đảo và ngoằn ngoèo như rắn bò. Chàng bỗng cất cao đầu, đôi môi loe rộng ra như một cái loa, tiếng chàng sang sảng: Hỡi các bạn! Những người cày ruộng và đánh cá sông, tôi là bạn của các bạn đây. Xin đừng chào tôi như thế.

Ông Đặng chập chờn thấy trong đôi mắt ti hí sáng lạnh lẽo của chàng rờn rợn cháy cái ánh lửa của một thời binh đao.

Ông và chàng quay về bến sông. Điều ngạc nhiên là ông không ngạc nhiên một chút nào khi thấy dãy lều cũ đã biến mất. Thay vào đó là tòa ngang dãy dọc của những lâu đài nguy nga mà hàng trăm năm sau, còn lưu lại trong kho tàng ca dao của địa phương:

Bốn lần cửa đóng bức bàn
Tòa ngang dãy dọc chan chan lầu hồng
Vịt giời bay rợp bến sông...

Trong tòa chính của lâu đài, ba con trai ông đang ngồi tiếp khách với dáng đường bệ của những ông chủ và cô cháu gái 16 tuổi, trưởng nữ của người con trai cả của ông đang rót rượu mời. Một mâm rượu mới được dâng lên để ông tiếp chàng. Khi cô đến bên chàng dịu dàng cúi xuống rót rượu, qua cổ áo màu hồng tươi khoét không rộng lắm của cô, chàng vẫn thoáng thấy đôi bầu vú nhỏ nhắn và gọn chắc của cô đang thơm lừng như trái thị chín và khi cô quay sang mâm bên, chàng thấy đôi mông của cô mát êm và tròn lẳn như hai quả trứng vịt đung đưa trong màu váy hồng dịu mềm. Người chàng bỗng tỏa ra hơi nóng, và sức nóng loang ra từng đợt nhẹ đủ để ông Đặng cảm thấy khi chàng nâng bát rượu lên ngang đầu mời ông. Ông đã lờ mờ nhận ra mối quan hệ thầm kín giữa đứa cháu gái của ông với chàng và nghĩ đó có thể là lời giải thích cho mọi việc làm khác thường của chàng đối với ông và các con ông.

Ông chợt nhớ có lần, vào lúc vầng trăng đã nhạt sáng, từ dưới thuyền bước lên, ông thoáng thấy trong lều, trên giường của cháu gái ông, loang loáng những vẩy bạc óng ánh mà ông không hiểu là cái gì. Và lát sau, những vẩy bạc ấy biến mất. Ông nhìn chằm chằm vào những vẩy bạc dát trên áo chàng và cố nối những liên tưởng ấy vào với nhau, nhưng chúng rời rạc và chập chờn như một ảo ảnh.

Ta không biết nói với anh thế nào cho phải, ông nói với chàng, nhưng có điều này anh phải giúp ta ngay, là chia vịt ra làm ba đàn khác nhau cho ba con ta. Ta già rồi… Cháu định phân chia bằng màu sắc có được không ạ, chàng nói. Vịt của bác Cả màu tím, của chú Hai màu vàng, chú Ba màu xanh…

Em không thích màu tím. Em thích màu đỏ cơ! Nàng vội nói.

Vậy thì vịt của nhà em màu đỏ. Chàng quyết ngay.

Sau này, làng Lều, tổng Ghềnh Trúc, có ba dòng họ Đặng khác nhau. Đó là Đặng Hồng, Đặng Thanh và Đặng Hoàng. Con cháu nhiều đời lấy lộn lẫn nhau, đẻ con sinh cháu cho nhau và hăm hở lao vào cuộc sinh sát, chém giết lẫn nhau, chỉ có đôi ba người già vào lúc tỉnh táo nhất của đời mình, bập bõm trong hơi rượu, mới nói cho lũ trẻ hay rằng, cả ba họ ấy, phân chia ra chỉ bởi màu sắc của lũ vịt giời, thực ra là một họ, có chung một cụ thượng tổ là lão già chăn vịt, tránh nạn nước mà trôi dạt về đây. Nhưng bọn trẻ, không những không tin mà còn thường đem ra làm chuyện chế nhạo, và coi đó chỉ là chuyện nhảm nhí của những lão gần đất xa trời, chìm ngập trong rượu và thịt chó.

Bấy giờ, mọi người đang ăn uống nói cười ngả nghiêng, chưa hết ngạc nhiên về uy quyền trong giọng nói nũng nịu của cô con gái anh Cả đối với chàng trai đầy những phép mầu thì ngoài cửa tòa nhà, hiện ra ba vị bô lão, mặt đỏ râu bạc, quần áo trắng, lững thững bước vào. Trên trần nhà của tôi, bóng ba vị ấy bước lên mới đẹp đẽ, đầy tự tin và cao cả làm sao. Cốt cách ấy sau này, ta chỉ còn trông thấy trong những đoạn phim lịch sử của nước Tầu. Ba vị không chào hỏi ai, ung dung bước đến trước mâm rượu của ông Đặng và chàng trai, quì xuống đồng thanh nói: Kính chào bệ hạ! Chúc bệ hạ vạn tuế!

Các thực khách sởn da gà, im phắc. Có tiếng choang choang rơi vỡ bát đĩa.

Ông Đặng đứng vụt dậy, trợn mắt: Ai …ai…ai… ông bỗng nói lắp. Ai là … là bệ... bệ hạ của các người? Dạ thưa, ai nuôi được dân thì người ấy là vua của dân. Ba ông già cùng đáp.

Gia vệ đâu! Ông quát. Trói cổ ba lão điên này lại, giam chặt vào nhà kho cho ta, để ta nộp lên quan trên trị tội.

Nỗi sợ hãi truyền kiếp bỗng run rẩy trong cơ thể ông Đặng. Ông nhận ra dòng mồ hôi lạnh buốt đang chảy dọc sống lưng và bỗng chốc ướt sũng cạp quần mình. Ông chợt thấy những cuộc tàn sát đẫm máu của cha con Hồ Quí Ly. Nhiều bậc trung thần cùng cha chú, anh em ông và 370 người khác, cả người già và trẻ con từ một tuổi trở lên, cùng một lúc đã bị chặt đầu, bị chôn sống, bị dìm xuống nước cho đến chết. Những xác chết ném sấp ngửa bên đường cái quan cho hổ tha quạ rỉa, không được chôn cất, cũng không ai dám chôn cất. Người quen gặp nhau ở ngoài đường không dám cả đưa mắt nhìn nhau. Ban đêm, cô bác qua nhà, con cháu cũng không dám cho ngủ nhờ. Ngay cả bố mẹ đến cũng phải đi bẩm báo, và lập tức nha dịch đến nhà nhìn tận mặt, với sợi dây thừng trong tay. Chính quyền nhà Hồ đã được dựng dần lên trong một cơ chế như vậy. Nỗi sợ hãi đã giúp ông và ba trong số năm con ông may mắn trốn thoát, đã đưa ông đến nơi xó xỉnh này với họ khác tên khác. Nỗi sợ hãi ấy, bỗng chốc ngập tràn tâm hồn ông. Ông lập cập nói với các thực khách: Xin các vị cứ…cứ bình tâm. Không ai trong chúng ta liên can với… với ba tên phản nghịch ấy.

Cuộc vui đã mất hết cái hồn vía của nó. Nhiều người cảm thấy nỗi hiểm nguy đã rình rập ở phía trước bèn lục tục ra về. Ông gọi người con trai thứ ba lại bên, bảo anh ta ra ngay nhà kho, trực tiếp canh cửa và chỉ đi chỗ khác khi nào ông đến. Người con cả thay ông tiếp chàng. Ông thủ một nậm rượu trong nách áo, dự định sẽ mời mỗi lão già một chén và hỏi cho ra lẽ.

Ông bước ra ngoài sân, ngẩng lên trời thấy vòm sao đã nhạt sáng. Lẫn trong màu tím nhạt của đêm đầu thu, những con vịt đỏ thắm đã bay về. Cánh chúng bay rợp cả bến sông trong ánh phản quang của những đám cháy còn dang dở. Dọc triền sông, cuộc vui cũng bắt đầu tàn.

Nhà kho nằm trên một gò đất rộng mọc đầy trúc. Nghe đâu hàng ngàn năm trước, con sông Lương đã chảy qua đây. Những cây trúc dại cao ba bốn tầm với của tay người. Anh Ba vẫn đứng đó. Trước mặt anh, cửa nhà kho, chiếc khóa lớn vẫn đóng chặt. Ông hỏi: Ba lão già thế nào? Gia vệ trói chặt tay rồi đẩy vào nhà kho. Anh nói. Chính con trực tiếp kiểm tra lại nút trói. Con cho buộc liên hoàn sáu tay người vào với nhau rồi mới trực tiếp khóa cửa. Chìa khóa, con vẫn cầm đây. Có lão già nào nói gì không? Ông hỏi. Có! Anh trả lời. Có một lão nói rằng, ta chỉ tiếc trước khi bị trói không được uống một chén rượu.

Rượu đây! Ông Đặng rút trong nách áo ra nậm rượu và giục con: Mở cửa mau!

Cửa mở. Trong ánh nến sáng bừng, cả hai cha con ông Đặng đều kinh ngạc. Ba ông lão đã biến mất. Chỗ ba ông lão ngồi là chuỗi dây trói còn trút lại với sáu cái lỗ tròn như nhau và nối liền nhau. Ông Đặng bảo con lục tìm giữa đống sọt giành lộn xộn ngổn ngang, thường dùng vào việc đựng trứng vịt và bản thân ông trực tiếp kiểm soát từng lỗ thoáng của gian nhà kho. Các lỗ thoáng chỉ nhỏ bằng hai bàn tay và tuyệt không hề có bất cứ một dấu vết sây sát nào.

Thế này là thế nào? Ông Đặng hỏi. Thế này là thế nào? Anh Ba hỏi.

Hai cha con cùng một lúc hỏi cùng một câu, cùng bàng hoàng nhìn vào mặt nhau và cùng không hiểu đã xảy ra điều gì. Ông Đặng phải tự tay véo vào đùi mình, thấy rõ ràng là mình đau, mới biết là mình không phải đang mê ngủ. Ông bước ra ngoài kho và thấy thấp thoáng sau những cành trúc cao lơ thơ là một vòm trời đang ửng hồng, ở đó đang bay lượn những đàn vịt màu đỏ thắm với hàng ngàn cánh rộng sải ra mênh mông. Màu đỏ của cánh chúng nghiêng chao bồng bềnh hắt xuống mặt đất, làm hồng hào thêm mái ngói của những tòa lâu đài nguy nga và dòng sông Lương tím ngát đang mang mang sương khói…

trong tiểu thuyết CÕI NGƯỜI




VVM.23.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .