Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      
tranh của họa sĩ Đặng Văn Cấn


NGÓ LUI NGÓ TỚI…



                                (Tặng Trần thị Cổ Tích và Quảng Ngãi yêu dấu)

B ước chân Cẩm Tú khựng lại ngay cái ngạch cửa với thoáng kinh hoàng! Dưới ánh sáng nhợt nhạt của ngọn néon mét hai cũ kĩ trong căn nhà cũ kĩ ẩm thấp bít bùng, nổi bật lên khuôn mặt cháy đen kì dị!>

Hình như thừa biết ánh mắt lãng tránh tế nhị của Tú, Xuân Hiểu cười thoải mái:

- Qua đợt xạ trị, tóc rụng là chuyện bình thường, phải không? Nhưng có lẽ hiếm ai da bị sạm đen như mình.

Hiểu rướn khuôn mặt dị dạng ra phía trước, buộc Tú phải nhìn thẳng vào. Xót xa! Nhói cả tim gan! Chưa bao giờ Tú gặp trường hợp nầy, và càng không bao giờ hình dung được Buổi Sớm Mùa Xuân lại đến nông nổi như thế nầy! Không phải nước da đen bình thường của người da vàng! Lẽ ra Hiểu đừng cố gắng một cách tuyệt vọng bôi lên lớp da kia màu phấn trắng. Chẳng cứu vãn được gì. Lại đau lòng thêm. Và càng đau lòng thêm khi Hiểu cố gắng che mái tóc lưa thưa đã bạc trắng bằng màu nâu nhạt, nhưng không thể. Vậy mà qua tin tức từ bạn bè và qua những cuộc gọi thăm Hiểu, Tú chỉ được biết Hiểu ung thư cổ tử cung, giai đọan đầu, đã được chữa trị.

- Dẹp dùm cái bộ mặt đau khổ cho tui nhờ đi bà!- Xuân Hiểu vẫn luôn giữ nụ cười tươi tắn trên môi. Tiếng nói hòa trong tiếng cười - Nè, ăn miếng mứt gừng tui làm, coi ngon không?

Tú ngạc nhiên:

- Xuân Hiểu làm mứt?

- Chứ sao! Mình còn làm bánh nữa. Bồ coi nè: bánh bó, bánh thuẫn, bánh đậu xanh…

Hiểu đưa Tú lát bánh bó. Chu choa, mùi bánh của tuổi thơ. Bánh bó mau mốc nên thường sát ngày Tết má Tú mới làm. Bột nếp rang chín- thơm phức. Mè, đậu phụng rang chín- thơm phức. Dừa non, cà rốt xắt sợi- giòn tan. Ngồi bên cạnh để má sai vặt, Tú ngưỡng mộ dõi theo đôi bàn tay khéo léo của má đang nhồi bột. Nước đường thắng lên, đang nóng sôi. Má phải nhanh thoăn thoắt kẻo phỏng tay. Và kẻo nước đường bị nguội thì không thành bánh vì bột nếp sẽ không dẻo và không kết dính được với các vật liệu kia. Thoáng chốc, những cây bánh nhiều màu sắc dài chừng ba tấc, bề mặt vuông vuông tròn tròn, đường kính độ năm phân nằm xếp hàng bên nhau trên cái mâm đồng. Hấp dẫn mê hồn! Và cũng đôi tay khéo léo kia, những lát bánh đều như in được cắt ra với đường dao sắc sảo, rồi lăn qua lớp bột nếp chín khô mịn. Xong. Những lát bánh rìa ở hai đầu được chia cho chị em Tú đang chầu hẫu há miệng chảy nước miếng. Tú không dám nuốt ngay, cứ ngậm để dành trong miệng thật lâu. Ngày đó Tú mê nhất lọai bánh bó dừa. Niềm vui trong nỗi nhớ ùa về…

- Ê, đang hoài niệm hả, cái mặt ngây ra kìa?

Tú tủm tỉm cười, nó đi dép trong bụng mình. Bạn cũ có khác. Xuân Hiểu lại rót đầy ly trà cho Tú.

Phía sau lưng Xuân Hiểu, trên bức tường cũ kĩ ố vàng là bức tranh cũng cũ kĩ, quen thuộc. Tú còn nhớ bữa đó là ngày giáp tết, học sinh đã được nghỉ học. Và chính Tú ngồi pha màu cho Hiểu vẽ. Bức tranh miêu tả mùa xuân. Có mai vàng tung cánh đua nở, có bướm rực rỡ nhởn nhơ bay. Trên cao, bầu trời xanh ngát gợn vài sợi mây trắng yên bình. Góc dưới là bài thơ Xuân hiểu (*) được Hiểu nắn nót bằng nét chữ học trò tròn trịa:

Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dỉ quy
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi

Tú nhấp ngụm trà. Ngậm ngùi với cái nhìn xa xăm của Hiểu. Giờ thì bắt đầu đây. Chắc Hiểu sẽ kể. Nhiều lắm. Và chắc không ngoài cái đề tài muôn thuở của đàn bà là chuyện chồng con, chuyện hạnh phúc gia đình. Dưới làn da đen cháy kì dị kia, sau đôi mắt, làn môi mỏi mệt dường như đang cố gắng vui vẻ kia, hẳn chất chứa bao điều u uẩn.

Nhưng Hiểu bỗng lãng nhách:

- Ông xã đi chúc Tết, chắc khuya mới về. Thằng Lộc chở vợ con đi chơi. Mình ở nhà tiếp khách.

- Xuân Hiểu cảm thấy thế nào khi lên chức bà nội?

- Già thêm.

- Còn gì nữa?

- Vui vui buồn buồn.

Tú muốn hỏi, muốn biết tâm tình của bạn, nhưng có lẽ Xuân Hiểu né tránh. Chuyện cứ loanh quanh bên lề, không như Tú nghĩ và mong.

Hiểu tiễn chân Tú ra cổng. Phố đã sáng đèn tự lúc nào. Chuyện vẫn tiếp tục. Chuyện của đứa nầy đứa kia... Vừa lắng nghe, Tú vừa hít thở thật sâu: “ Trời ơi, hoa gì thơm quá? Mùi thơm ở đâu ra vậy?” . “ À, hoa hạnh phúc. Bồ biết không, mấy bữa gần Tết, cứ tối đến, nhà mình thoang thoảng mùi thơm. Tựa như nguyệt quế, dạ lan, mai chiếu thủy, lài… phải không? Mình tò mò ra vườn tìm. Chẳng có cây nào có hoa cả. Có lẽ hương hoa nhà ai đưa qua. Rồi tối hôm kia, mình ra đóng cổng. Lại hương thơm- thơm nồng nàn, thơm lạlùng! Tưởng chừng ngay bên cạnh mình. Mình hít hà. Ông xã mình trong nhà cũng hít hà. Bọn mình lại hè nhau đi tìm. Chẳng thấy. Đành chịu thua! Bỗng …ngay trước mặt mình! Ừ, ngay trước mặt mình Tú à, là chùm hoa! Chùm hoa trắng lấp lóa! Mình kinh ngạc. Chùm hoa đó ngay sát chỗ mình đứng, ngay trước mắt mình. Hóa ra, ban ngày, những bông hoa li ti kia khép kín lại trong màu nâu hồng nhạt, trốn vào kẻ lá. Rồi đêm về chúng lặng lẽ nở bung ra… Đây! Nó đây nè! Cũng ngay bên cạnh Tú nè!” Đúng vậy, ngay trước mặt Tú, một chùm hoa trắng dài chừng chục gang tay, buông dài xuống, đang tỏa ngát hương thơm!

Đôi bạn siết tay tạm biệt không biết tới lần thứ mấy nơi cánh cổng đầy ắp kỉ niệm. Cánh cổng lại níu chân. Hệt ngày bé thơ… Giọng Tú chùng xuống: “ Tụi mình đã có những ngày tháng đáng yêu biết bao…” Hiểu xúc động : “Ừ! …Mình vẫn thường ngó tới ngó lui, ngó quanh ngó quất để thấy đời dài hơn rộng hơn và thêm tin yêu hơn!”.

Câu chuyện có vẻ như bây giờ mới bắt đầu. Nhưng Tú bỗng giật mình, giọng dứt khoát: “Thôi, để mình tới Đông Nghi, kẻo khuya mất!” .


Đông Nghi sẽ hoàn toàn bất ngờ đây! Hình dung đôi mắt tròn xoe kinh ngạc của Nghi, Tú thích thú mỉm cười!

Thương Nghi ghê! Tội nghiệp Nghi ghê! Chừng nầy tuổi Nghi vẫn một mình ở với mẹ già. Mà mẹ già thì như chuối chín cây. Không biết mai nầy Nghi sẽ sống ra sao?

Nhà vắng tanh. Tú réo inh ỏi “ Nghi ơi Nghi à!”

Nghi chạy ra, tròn mắt . Tú đứng nghiêm, cao giọng :

- Ngạc nhiên chưa?

- Đồ quỷ! Sao không báo trước?

- Muốn làm quà cho bạn bè chơi!

Cắn hạt dưa, tán dóc một hồi, Nghi lôi Tú lên xe. Cái xe Chaly cà tàng kêu pạch pạch pạch chở đôi bạn lòng vòng thị xã, rồi ra bờ sông.

- Người ở phương xa về thích ăn món gì ?

Tú ngẫm nghĩ hồi lâu. Reo lên “ Ram nướng đi!”

Ram nướng, nước lèo, bánh tráng và rau sống, rau sống có chuối chát, khế chua. Ôi! Món ăn quê nhà! Hấp dẫn thiệt!

- Nói chuyện cho đã đi, để cứ thòm thèm qua điện thọai.

- Ừ thì nói…Chúc mừng…năm mới!

Nghi cười. Mắt môi đều cười. Chiếc mũi thanh tú cũng nheo cười. Tú thoáng bắt gặp tia nắng hạnh phúc thắp sáng khuôn mặt Nghi. Quanh Nghi như bừng ánh hào quang. Và tất nhiên Nghi trẻ đẹp ra hẳn so với hồi hè năm ngoái.

Nghi vẫn chưa thôi tròn mắt tròn môi ngạc nhiên tò mò việc Tú một mình về quê ăn Tết. Tú cười cười lãng chuyện. Chắc người ta cho là mình giận chồng giận con gì đây.Tú lại nhắc Nghi:

- Nói đi chớ. Nói cho đã cái miệng của người đang yêu và được yêu đi! Để cứ thòm thèm qua điện thoại đường dài, rồi xanh mặt chép miệng tiếc tiền.

Qua điện thọai đường dài, Đông Nghi đã say sưa quên đất quên trời khoe về ông bồ của mình. Chàng đang định cư ở nước ngoài. Tú thắc mắc: “ Xa quá! Vậy làm sao mấy người …hun nhau được?” “ Thì…hun… môi xa…” “ Lãng mạn quá ta! Ổng li dị vợ hả? ” “Không! Góa vợ”. “ Hai người gặp nhau mấy lần rồi?” “ Đó đâu phải là điều quan trọng!” “ He he, vậy là mấy người yêu nhau trong tâm hồn trong lí tưởng phải hông? Rồi mấy người tính răng?” “ Răng rứa cái gì! Nghĩ về nhau. Ấm lòng. Quá đủ rồi! Ổng nói vậy. Ta đây cũng vậy. Tú biết không, tụi nầy hạp nhau kinh khủng. Gặp nhau qua điện thoại miết không chán… Nhìn nhau qua webcame miết không chán… Cám ơn điện thoại internet. Rẻ rề. Tha hồ nghe nhau… thở!” . “ Úy trời!” Tú la lên bai bải.

Nghi lỏn lẻn:

- Tình yêu đích thật đó à nghen!

- Đồng ý! Hổng lẽ tới tuổi nầy còn yêu giỡn chơi! Tú bĩu môi trêu.

Đông Nghi tiếp tục, con mắt có đuôi nhìn xa vạn dặm: “Tuyệt vời lắm mi ơi! Cuộc đời nầy sao mà đáng yêu đáng sống. Ta như muốn bay lên bay lên... Buổi sáng mở mắt ra, nhớ tới chàng, lòng ta rạo rực. Ta làm việc, hồi nào rảnh, nhớ tới chàng, ta hát vang. Cuối tuần ta và chàng nói chuyện một lần, có khi ba, bốn tiếng đồng hồ. Tay cầm cái ống nghe tới mỏi nhừ luôn (mà lúc đó thì không nghe mỏi, tối ngủ mới thấm, nhưng không sao, ta xoa dầu gió xanh) . Có thể hè nầy thu xếp được công việc, chàng về với ta. Mi ơi! Ta đang yêu và đang được yêu, thử hỏi trên đời nầy còn gì sung sướng hơn! Hở mi? ”

Cẩm Tú chăm chú nghiên cứu Đông Nghi. Không sao, nó vẫn bình thường. Thậm chí rất bình thường nữa là đằng khác.

- Vậy rồi ổng sẽ bảo lãnh Nghi qua bển?

Nghi tròn xoe mắt:

- Bảo lãnh? Bảo lãnh làm quái gì! Tao ở đây, sống với mẹ. Sống trong và sống với tình yêu. Cứ như vậy chẳng hạnh phúc lắm ru?

Khuôn mặt sạm đen kì dị , tiếng cười hòa lẫn tiếng nói của Xuân Hiểu lại ám ảnh Cẩm Tú:

- Đông Nghi ơi, bồ nghĩ sao về Xuân Hiểu?

- Nghĩ sao là nghĩ sao?

- Khuôn mặt của Hiểu…

- Ừ, tội nghiệp nó. Hồi đầu mới thấy, ta cũng hơi sờ sợ, riết rồi quen. Nó đi mấy cái thẩm mỹ viện rồi nhưng cũng không ăn thua. Nhà nó xập xệ vì căn bệnh đó.

- Bệnh thì có thể không đến nỗi nào, một đồng nghiệp của Tú vẫn sống phây phây hơn chục năm nay với cái bụng rỗng tử cung và một giỏ to hồ sơ bệnh án.

- Ừ, hi vọng Xuân Hiểu sẽ như vậy.

- Nhưng điều Tú muốn hỏi là Xuân Hiểu sống như thế nào với khuôn mặt đó?

Nghi lại tròn to đôi mắt vẫn còn đẹp chán dù màu sắc có tàn phai.

-Tú vừa mới gặp nó mà!

-Ừ, mình cảm thấy… Hình như…

- Hình như cái gì? Xuân Hiểu vẫn sống khỏe, sống vui. Tú biết không, ông xã Hiểu cưng nó dễ sợ luôn. Nó thật có phúc. Thỉnh thoảng ta tới thăm. Thường thấy hai ông bà đẩy chiếc xe nôi đưa cháu nội đi dạo sau vườn…

- Vậy mà sao… Tú thấy đằng sau khuôn mặt Hiểu là nỗi buồn đau bất hạnh của phận người, phận đàn bà. Tuổi thanh xuân, sức trẻ… đều đem dâng hiến, hi sinh cho chồng con… để cuối cùng, khi thảnh thơi, thấy tới lúc có thể sống cho mình, ngồi soi gương thì không còn gì nữa hết.

Đông Nghi lại tròn mắt:

- Ê, coi chừng Cẩm Tú hơi bi quá giàu tưởng tượng đó. Thế nào là hi sinh? Thế nào là sống cho mình? Coi lại cái dzụ nầy à nghen! Xuân Hiểu là người vợ, người mẹ hiền thục, biết bằng lòng với cuộc đời. Biết biến nghịch cảnh thành thuận cảnh. Còn mi dạo nầy ra sao?

Tú cười cười, chậm rãi cầm miếng bánh tráng mỏng xé tư ra, chỉ lấy một phần, bộ tịch sành sõi:

-Ăn như vầy mới là khôn. Bánh tráng nhiều thì giảm mất hương vị của ram, rau.

Tú thong thả thưởng thức hương vị quê nhà. Thôi, nói ra Nghi sẽ cho rằng Tú sống trên mây trên gió. Hôm Tú về, xe chạy tới Phan Rang thì giao thừa. Đài FM chúc mừng năm mới. Rồi liên tục phát sóng những bài ca xuân vui tươi, say đắm đến nao lòng. Tài xế quay lại chúc mừng năm mới. Tú chúc lại rồi nằm dài ra băng ghế (chuyến xe giao thừa trống trơn), tiếp tục ngắm bầu trời thăm thẳm mênh mông đầy sao bên ngoài và ngắm nghía nỗi cô đơn dịu dàng trong lòng mình. Cảm xúc rất lạ. Rất thi vị. Chưa từng có. Đường sá vắng tanh. Hẳn người người đang sum họp trong gia đình, đang cúng giao thừa. Số khách rất ít ỏi trên xe say ngủ. Chắc họ mệt nhoài vì phải dốc cạn sức lực để mưu sinh, không kịp mua vé trước, đến nỗi phải đi chuyến xe cuối cùng của năm cũ nầy về với gia đình. Còn Tú nổi hứng, thèm tìm lại hương vị Tết ở chốn quê xưa. Háo hức cảm giác tự do, không bị gò bó trong vai bà chủ nhà với đủ lệ bộ đã thành bài bản cũ mềm chán ỏm chán òm của ba ngày Tết, cứ y chang nhau, mấy chục năm, như những bản photocoppy: Sáng mở cửa ra tiếp khách, chúc qua chúc lại chừng đó câu, khách về, dọn dẹp. Rồi tranh thủ đi chúc Tết, cũng vậy, chúc qua chúc lại, chúc tới chúc lui chừng đó câu. Chuyện của Tú vậy thôi. Có vẻ như khùng khùng điên điên. Nói ra làm gì. Khéo bày Nghi lại mắng cho!


* Buổi sớm mùa xuân
(Trần Nhân Tông)

Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay
Song song đôi bướm trắng
Phất phới sấn hoa bay


(Bản dịch của Ngô Tất Tố)




VVM.16.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .