Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      
tranh sơn mài của họa sĩ Trần Văn Hà


TIẾNG CHIM BÌM BỊP



     T hằng Suốt lách mũi ghe vào sát mé bờ, gác mái chèo xuôi theo lòng ghe xăng xái bước ra phía trước kéo sợi dây lòi tói quấn mấy vòng quanh cây sào, bước lên bến nhanh nhẩu :

- Có nhà không ông Hai ơi?

Ông Hai đang nằm võng, phì phèo điếu thuốc giồng, huơ huơ tay xua màn khói thuốc, nhỏm dậy nhìn xuống bến nheo mắt :

-Ai vậy?... Thằng Suốt hả? Lâu quá không thấy bây đem cây giống xuống bán?

- Con mắc đi học, bây giờ hè mới đi được nè.

- Chà giỏi dữ ha.

Thằng Suốt lom khom bước vô nhà, mon men tới trước bàn thờ xá xá mấy cái ngõ ý chào ông bà khuất mặt khuất mày, xong nó quành lại chiếc ghế xộc xệch ngồi xuống:

- Năm nay nhãn có lý hông ông?

- Đỡ, thứ nhãn xuồng cơm vàng này người ta ưa lắm, mối lái mới tới cân của qua hơn trăm cần, ngặt nó cho trái không nhiều lắm.

- Cái giống nó vậy đó, nhưng cũng nhờ con cung giống tốt ông mới đặng mùa, bữa nay đãi con à nghen.

- Gì chớ cơm nước chuyện nhỏ, nhưng mày giúp tao một tay, tao đi kéo cá, bây hái rau, mỗi người một việc cho nhanh, dọn lên lai rai.

Chẳng bao lâu thì chiếc cà ràng nơi chái bếp đã hồng lên ngọn lửa nồi nước sôi ùng ục . Món cá hấp cải bẹ xanh bốc mùi hành tỏi thơm lừng. Ông Hai đứng lên xoa tay:

- Đã hông mậy ? Khách quý nghen, con cá nặng gần hai kí cho mày quắc một bữa, đi làm nước mắm đi, cây ớt bên hè đó.

Thằng Suốt nhanh chân chạy ra cây ớt hiểm chín đỏ lặt một nắm, ớt này cắn một cái đã hết biết. Ông Hai dọn thức ăn lên bộ ván ngựa đen bóng, ông không quên xới chén cơm đặt lên bàn thờ, đốt mấy nén nhang. Lúc thằng Suốt bưng chén nước mắm lên thì cơm nước đã dọn xong, ông Hai bê ra keo rượu ngâm trái nhào màu nâu sẫm rót ra cái ca lớn:

- Tao nhờ thứ này mà đỡ nhức tay chân, làm một ly đưa mồi cho nó trơn.

- Con chút chút thôi à.

- Bi nhiêu thì bi, không ép.

Nhìn ông Hai uống nghe cái ót bắt thèm. Nhà ông Hai như một bảo tàng chiến tranh thu nhỏ: bộ ván ngựa đen bóng chắc có từ lâu đời, không chừng nó lớn tuổi hơn ba thằng Suốt nữa à. Chưng ngựa, bề mặt trầy xước, lổ chổ vết đạn, vết miểng trái pháo. Thời chiến tranh nó được giở ra làm nấp hầm tránh bom đạn . Vùng đất này qua hai thời kháng chiến được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Ông Hai chép miệng:

- Mạng người còn khó giữ nói chi vật ngoài thân.Riêng cái tủ thờ với những nét hoa văn chạm khắc sắc sảo cũng đồng chung số phận, vài mãnh mẻ sứt lớn, vài dấu đạn xuyên phá, lam nham chỗ mọt tạt, hai cái chân quỳ hình đầu lân bị một mảnh bom phạt cụt mất đầu, ông Hai chêm vào đó mấy miếng gạch thẻ

Để nó còn có chỗ đứng vững vàng trong nhà. Trên đó có một bức họa chân dung anh bộ mặt trẻ măng, ngồi chung với bài vị ông bà. Chỗ thờ phượng lúc nào cũng được ông Hai lau chùi sạch sẽ. Thằng Suốt thắc mắc, ông Hai là thợ khéo tay sao hổng chịu sửa. Mà cần gì phải sửa- thằng Suốt tự nghĩ, vì ngày ngày ông già thui thủi một mình, hết vườn thì ruộng rồi việc xóm việc làng, hơi đâu mà dồn sức cho việc không đâu, sửa hay không thì nó cũng là tủ thờ. Mỗi năm thằng Suốt chở cây giống xuống miệt này một lần, lần nào nó cũng ghé qua nhà ông Hai. Tình cảm một già một trẻ phát sinh từ một đợt lũ lớn làm chết hết cam quýt, nên người dân ở đây chuyển sang trồng giống cây khác như : nhãn , xoài cát Hòa Lộc....Người vùng quê là vậy đó, thấy cái nào dễ ăn là làm, người này theo chân người kia rầm rộ chuyển đổi giống cây trồng. Ghe cây giống của thằng Suốt có dịp xuôi ngược tới mọi nhà, lần hồi nó trở thành thân quen với bao gia đình, nhất là ông Hai, có biệt danh ''Hai cô đơn'' mà xóm làng đặt cho ông để phân biệt với ''Hai lò rèn'', ''Hai mía đường" ... trong vùng. Ông vừa nhắm nháp ly rượu vừa gắp lá cải bẹ xanh cuốn cá chấm nước mắm vừa giục:

-Cuốn mạnh tay lên Suốt, nam thực như hổ coi mậy.

Thằng Suốt vừa ăn vừa ngó quanh quất căn nhà, điều nó lấy làm lạ là mấy cái cưa, búa , đục...sao lại treo lủng lẳng ở phía bàn thờ, thoáng nhìn đã biết lâu không xài đến vì cái nào cũng rỉ sét hết trọi, nó định hỏi nhưng lại thôi. Nó gấp tiếp thức ăn cho ông Hai, rót thêm rượu. Bộ ván ngựa lưu niên hình như cũng biết góp vui với hai người nên lúc ông Hai ngẩu hứng khua động chân tay, nó cũng phụ họa theo nhịp nói cười. Ban đầu thằng Suốt không để ý, đến khi nhịp lắc nó có chiều nhiều hơn, nó đâm lo không khéo một già một trẻ văng xuống đất. Ông Hai đang ngon trớn nói cười hể hã vụ trúng mùa, thấy nét mặt hơi lạ của thằng Suốt nên chú ý ngó nó. Vốn nhanh nhạy, nó lẹ chân bước xuống chỗ bộ đồ nghề vừa nói:

- Để con gỏ vài mũi đinh là yên chuyện.

Nhìn điệu bộ thằng Suốt ông Hai ngăn lại:

-Búa, ông để dưới bếp.

- Còn....?

-Đồ thờ.

Thằng Suốt hơi bị sượng trước câu nói của ông Hai, nó te te xuống bếp tìm cây búa, tìm đinh đóng lại chân bộ ván ngựa mà lòng không khỏi thắc mắc nên phải hỏi:

-Sao thờ ba thứ này ông Hai ?

Ông già nghiêng nghiêng mái đầu bạc phơ nhìn ra mé vườn ngắm ngọn nắng pha trên tàng lá như chừng phỏng định thời gian chờ ai đó sẽ về. Một cơn gió thổi qua vài chiếc lá cà na vàng úa rơi lả tả, Suốt thấy ánh mắt già Hai đượm buồn:

Cách đây cũng lâu lắm rồi vùng Ngã Bảy có ông Cả Sửu rất giàu có, đất ruộng cò bay thẳng cánh. Còng lưng trên vùng đất đó là đám tá điền nghèo khổ, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn cơm không đủ ăn áo không đủ mặt. Ông Cả uy quyền đến con chim con cá trong điền của ông không ai dám đụng tới. Ông có tật mê hát bội. Nơi nào có gánh hát về là ông bắt chèo ghe đến tận nơi xem rồi rước về làng để ông được cầm chầu. Gánh nào được ông Cả cầm chầu thì đào kép nơm nớp lo sợ, lở trật nhịp thì chết với Cả. Lần đó gánh bầu Mộng ghé lại, cô đào chánh là cô út Nguyệt, hát hay lại đẹp như tiên nên ông Cả mê dữ lắm, bao gánh hoài không chán, cuối cùng có ý rước về làm bà Tư. Chuyện Cả mở hầu bao lấy tiền bao gánh là chuyện thường. Nhưng chuyện lập bà Tư thì nhanh chóng đến tay các bà cả, bà hai, bà ba. Ba bà ức lắm bàn tính mưu kế hại đào Nguyệt. Đánh đập thì không dám sợ khó yên thân với ông chồng trăng hoa, chi bằng mướn người thủ tiêu là tốt nhất. Bà cho gọi Hai chèo, một lực điền thường xuyên chèo ghe đưa ông Cả đi đây đi đó nên rất rành đường và cũng biết rõ mặt con đào Nguyệt, cho Hai chèo số tiền gọi thêm thằng Năm Tà, Sáu Thẹo đánh cho con đó một trận rồi chở đến khúc vắng quăng xuống sông cho cá rĩa. Anh Hai chèo nhận lệnh chủ nhưng không nở hại người nên chia tiền cho hai anh em bạn, còn anh lén đến cho cô đào Nguyệt hay, sẳn ghe anh chèo đưa cô thật xa khỏi tai mắt mấy bà vợ ông cả. Cô đào Nguyệt vừa sợ uy quyền ông Cả , cũng chán ngán cảnh hát xướng, lòng biết ơn anh lực điền hiền lành tốt bụng nên gá nghĩa vợ chồng. Họ sống đời thương hồ ít lâu rồi ghé lại vùng này. Thời đó ở đây còn hoang vu lắm, cò, diệc...hàng đàn đậu trắng ruộng nên còn có tên gọi là "vườn cò". Chung quanh toàn lau, sậy, bần tràm um tùm, xa xa có mới có một vài cái chòi của dân vào khẩn đất hoang. Họ lên bờ chặt cây làm nhà khẩn đất định cư, anh Hai đốn cây rừng làm chèo bán. Dần dần ghe thương hồ qua lại càng đông thường ghé nhờ anh hai sửa mái chèo gẩy, khi thì lợp lại cái mui ghe mục nát, khi thì ráp bánh lái xuồng, hay đóng cái mũi chẹt bị bể...Anh Hai lực điền có thêm nghề sửa chèo, sửa ghe riết rồi thành danh Hai Chèo.

Thằng Suốt ngồi im lặng nãy giờ, lòng thương cảm mấy người trong câu chuyện của ông Hai kể, lòng nó hơi ngờ ngợ...nhưng nó lại hỏi:

-Còn cái tên Vịnh Chèo ?

- Thì cũng từ đó mà ra, mới đầu là vịnh Hai Chèo. Riết rồi người ta kêu gọn Vịnh Chèo.

Thằng Suốt đưa mắt nhìn ra con sông, từng giề lục bình bồng bềnh mang theo cánh hoa tím biếc trôi xa, trôi xa vô định. Tiếng máy tàu đò, máy ghe qua lại trên sông tành tạch rẻ nước chạy ngang qua phá vở cái không khí yên tĩnh của làng quê, nó chép miệng định nói gì với ông Hai, nhưng rồi cái dấu ấn có vẻ huyền hoặc hoang sơ kia lôi tuộc nó đi xa mãi, xa mãi vào giấc ngủ.

Thằng Suốt ngủ lâu rồi mà ông hai vẫn thao thức. Ngoài sông tiếng chim bìm bịp kêu nước lớn gợi ông nhớ bao chuyện xưa.

Từ ngày cô đào Nguyệt lấy anh Hai Chèo, họ sống êm ấm hạnh phúc, Út Nguyệt cũng siêng năng cần mẫn. Họ sinh được đứa con trai đặt tên Tâm. Thằng bé được năm tuổi, thông minh lanh lợi. Nhiều lúc anh bắt gặp gương mặt buồn dàu dàu của vợ, hình như cô Út nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ tiếng trống chầu, nhớ lời ca, điệu múa. Có lần anh bắt gặp cô ra sau vườn tập tuồng một mình, lòng anh mơ hồ lo sợ. Nghe có gánh hát bầu Mộng về hát ở xóm trên, Út Nguyệt bồn chồn, đứng ngồi không yên, cô cứ xuống mé sông nhìn xuồng ghe qua lại như mong ngóng điều gì. Thấy cảnh vậy không đành lòng anh Hai mở lời :

-Nếu má thằng Tâm muốn đi xem hát thì đi, để con tui coi chừng cho

Ánh mắt Út Nguyệt sáng lên, cô chạy vội lên nhà thay cái áo bà ba bông hường, tha chút dầu dừa cho tóc láng mướt, ngắm trong kiếng thấy mình thiệt đẹp rồi thong thả xuống mở dây xuồng chèo riết. Dù trời mưa Út Nguyệt cũng không bỏ một đêm hát nào coi tới vãn tuồng mới dìa, mặt mày tươi rói, nói cười luôn miệng, có khi còn mua cho cha con thằng Tâm mỗi người một cái bánh lá dừa ăn khuya. Thấy vợ vui vẻ, Hai Chèo cũng mừng. Một hôm anh có chuyện phải lên chợ đến chạng vạng mới về, thấy nhà cửa lạnh tanh, đèn đuốc không có, thằng con ngồi khóc tỉ ti trước sân vì đói và sợ. Không hỏi anh cũng biết chắc là Út Nguyệt bỏ đi rồi, cô theo gánh hát vừa nhổ sào sáng nay. Cô là con tằm nhả tơ chưa hết nên còn phải vương nợ. Hai cha con sống dật dờ hơn tháng trời, anh bỏ công đi tìm nhưng đào Nguyệt như bóng chim tăm cá. Cuối cùng anh sống cảnh gà trống nuôi con, lòng hy vọng có ngày Út Nguyệt quay trở về. Anh bỏ luôn nghề sửa chèo, mỗi lần nhỉn thấy bộ cưa đục lòng anh xót đau không chịu nổi. Thằng Tâm mười lăm tuổi trốn nhà theo bộ đội. Còn mình anh thui thủi với miếng ruộng mãnh vườn, ai tản cư đi đâu mặc kệ, anh cứ bám làng, bám đất mà canh tác. Thỉnh thoảng anh nghe tin đào Nguyệt lấy anh soạn tuồng nào đó cuộc sống cũng không khá, có lúc thì được tin Út Nguyệt chết vì bệnh lao phổi...Nhưng tin về thằng con một lần duy nhất từ ngày nó đi là đơn vị nó gởi giấy về báo rằng nó hy sinh trong trận đánh cầu Cái Sình. Anh bỏ ăn bỏ uống cả tuần mới gượng dậy nổi, ra chợ mướn thợ vẻ hình thằng con theo trí nhớ, đem về đặt ngồi chung với ông bà đốt nén nhang hằng đêm cho ấm cúng. Từ khi thằng Tâm đi bộ đội nhà anh Hai Chèo trở thành điểm liên lạc, nơi nuôi giấu cán bộ, miếng vườn sau nhà anh cho đào mấy chục cái hầm ngụy trang để nuôi giấu thương binh trước khi chuyển ra tuyến sau, tham gia dẫn đường cho bộ đội đánh đồn, phá bót, dụ địch, chiêu hàng, tổ chức một nhóm ca cổ, dựng những tuồng hát kêu gọi lòng yêu nước đánh giặc,giữ làng…. Hòa bình tham gia công tác ít lâu anh xin nghỉ. Anh Hai Chèo ngày trước là ông Hai cô đơn bây giờ với cuộc sống vui thú ruộng vườn.

Cuộc sống tự do tự tại khiến ông cảm thấy dễ chịu. Tiếng gà đã gáy sang canh hai, ông mới ngủ thiếp đi.

Tiếng mỏ công phu của sư cụ già chùa bên làm thằng Suốt giật mình thức giấc,nó mở cửa bước ra bên chái hè đứng đái, đột nhiên nó thấy một người đàn bà mặc đồ hát tuồng ở đâu đi xăm xăm vào nhà vén mùng ông Hai đúng nhìn hồi lâu rồi qùy xuống lạy mấy lạy, lau nước mắt, nó cãm thấy toàn thân nổi da gà, sợ quá nín đái luôn. Nó lẹ lẹ kéo quần lên định hỏi ai thì thấy người đàn bà bước ra đi một hơi xuống bến sông rồi tan biến vào lớp sương mờ mờ, thằng Suốt dụi mắt, dụi mắt -chả lẻ có ma-?.??. Lúc ăn cơm thằng Suốt kể lại cho ông Hai nghe, ông Hai giọng bùi ngùi:

-Tới bây giờ cổ mới chịu trở về nhà, vậy là cổ đi thiệt rồi, đi trước qua. Cổ là cô đào Út Nguyệt đó.

Thằng Suốt nghĩ: Hèn chi vùng đất này nổi danh về đờn ca tài tử. Tiếng bìm bịp lại kêu vang lên bên kia bụi Nga đang độ nở bông trắng xóa. Ông Hai nhìn theo ghe thằng Suốt lui dần, nói vói theo:

- Nước lớn rồi đó, về xuôi nhẹ chèo./.




VVM.16.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .