- L ão Điều chết rồi!
Đang tập thể dục ngoài sân nghe thấy thông báo, tôi ngước nhìn ra. Trời tang tảng sáng. Ông Thạc đang đứng ngoài cổng, nói với qua hàng rào như truyền đạt một tin quan trọng.
- Vào đây đã! Điều nào?
Ông Thạc bước vào hai bước rồi ngừng:
- Điều đại gia ấy!
- Sao lại thế được? Ông vào đây, tôi pha nước!
- Ông cứ tập đi. Tôi còn phải về. Trưa chờ tôi mang xe, ta lên viếng cho chu tất.
Thạc bước đi ngay. Tôi bỏ dở bài tập, bước vào nhà mà lòng cứ băn khoăn, ám ảnh về gia đình ông Điều. Cả hai ông bà là cán bộ công nhân trong công ty. Bà cấp dưỡng ngành ăn Đèo Nai. Ông làm trưởng phòng vật tư Mông Dương. Cả hai vị trí ấy, chẳng nói thì ai cũng biết, người bình thường bất cứ thời nào cũng chẳng thể đói. Hơn nữa, gặp buổi nhộn nhạo, trời ngủ. Ai có gan lấy cắp tài sản chung tùy theo năng lực và chỗ đứng từng người.
Khi ông bà về hưu, lương tháng khá lắm. Khá với đồng lương hưu chỉ đủ nuôi dưỡng họ không gặp khó khăn, còn ốm đau nguy kịch thì khánh kiệt. Nhưng trưởng phòng vật tư thì đúng là chuột sa chĩnh gạo. Chuột sa chĩnh gạo nhưng lão biết dừng. Khi đã no nê rồi tội gì mà tham. Tham thì thâm. Lão về, không biết cướp trộm tài sản được bao nhiêu. Bề ngoài, lão vẫn bình thường. Tuy chưa xo xúi đến mức phải vay mượn nhưng luôn mồm kêu khổ. Nhà có mỗi thằng con trai. Tên là Khá mà học hành ấm ớ. Những năm tháng nhộn nhạo ấy, không có sự rèn cặp khắt khe thì đụt kém về mọi mặt cũng là chuyện thường. Do mánh mung quan hệ nhằng nhịt, lão đưa tiền vào góp vốn với những cơ sở kinh doanh. Đi đêm về hôm, không kể giờ giấc. Một vài năm, vợ chồng lão kéo nhau về làm ăn tại Lào Cai. Tôi nghe nói, tiền của Điều nếu đổ có thể đè chết mấy chục người. Ông bà lại chỉ có thằng con. Nó học thế nào mà năm hai mươi tuổi mới tốt nghiệp lớp mười hai. Ba năm ôn thi Đại học. May quá, cháu đã đỗ một trường dân lập.
Hôm trước gia đình làm cỗ to mời cả hàng xóm láng giềng mà không nhận tiền mừng, mừng cháu vào đại học. Tôi cũng được nhắn lên:
- Ông cứ mua vé xe từ dưới ấy lên đây! Mọi việc đã có tôi!
Biết rõ nguyên cớ, tôi bảo:
- Làm gì phải cỗ bàn to thế? Cầu cho cháu học được thì thôi. Việc gì phải…?
Lão quàng rộng cánh tay ôm lấy vai tôi, thủ thỉ:
- Chả giấu gì ông! Nhà tôi bốn đời nay mới được thằng con đỗ tú tài. Tôi có thể cung cấp tiền ăn tiêu đến hết đời nó, đời con nó không phải lo nghĩ nhưng sau đó ra sao? Ít nhất nó cũng phải biết tiền bạc từ đâu mà ra chứ? Bố mẹ đã ít chữ khổ rồi, phải lo cho con.
Thằng con học Đại học, lão chăm chú cung cấp đủ mọi điều kiện. Thuê nhà, sắm sửa mọi đồ dùng cần thiết, lão đưa cho con mười lăm triệu:
- Bố mẹ trông cậy vào con. Cố gắng học hành cho tốt. Mọi tài sản của bố mẹ sau này cũng là của con thôi! Tất cả tiền thuê nhà bố lo rồi. Con cầm số tiền này, ăn tiêu cho đúng mực. Cái gì cần mua thì mua. Hai tháng sau, bố lên đưa tiếp.
Thằng bé vâng dạ luôn mồm. Mẹ nó còn cho thêm không biết bao nhiêu. Ông bà làm, thằng con học. Như thế, gia đình coi như êm ấm.
Sau hai tháng, ông bố lên thăm con. Đến nơi nó ở không thấy. Tìm hỏi chủ nhà, bà đưa chìa khóa, đon đả:
- Ông cứ vào nghỉ. Cùng lắm, tối đến, chúng nó về thôi!
Ông ra ăn cơm bụi, về chờ tới tối. Nhà cửa trống trơn. Cái giường ông sắm không còn. Nằm nghỉ, ông phải rải mấy tờ báo mang theo, xoay xở mãi. Những thứ ông mua cho nó không thấy dấu vết. Cái điều hòa hãng MITSUBISHI mới tinh. Cái máy vi tính Chip Intel Core i5 để bàn, máy vi tính xách tay apple không thấy. Cái xe SH cũng không. Chắc nó mang đi học rồi.
Ông chờ mãi. Thành phố lên đèn một lúc, nó kéo một lũ bạn về. Cả trai cả gái tới hơn chục đứa. Thấy bố, chúng chào hỏi tíu tít. Ông không tiện hỏi. Một thằng bạn nó gọi điện thoại. Nhoáng cái, không kịp để ông biết hết tên chúng, mấy người đã đưa đồ ăn thức uống, toàn những sơn hào hải vị đến. Chúng trải mấy thứ đã gấp ra, mời bác. Chúng ăn như gió lốc. Thoáng chốc, sạch tất cả mọi thứ. Bọn con gái mang bát đĩa ra rửa. Mấy thằng con trai gọi cafe. Người ta mang đồ uống đến rồi khuân vác bát đĩa đi. Loáng cái, tất cả từ từ rút. Trơ ra còn hai bố con. Lão hỏi:
- Đồ đạc đâu hết cả rồi?
- Đồ đạc nào? Những thứ không cần thiết con cho đi ở rồi, để làm gì chật nhà. Bố không thấy sao? Ăn uống vẫn đầy đủ!
- Xe máy đâu?
- Thiếu tiền, con bán rồi!
- Trời ơi! Bố mua số tiền bằng cả tiền thuê người dọn dẹp cửa nhà, hầu hạ gia đình hàng chục năm đấy!
- Thôi! Mua làm gì lắm mà bố còn kêu? Bố kể lể nhiều quá! Con học hành cũng khổ chứ sung sướng gì đâu?
- Ai làm gì mày mà mày khổ?
- Bố nói nữa, con bỏ đấy. Bố có thích thì đi mà học lấy!
Chửi chán rồi, lão lại phải sắm sửa cho đầy đủ từ manh chiếu đến cái bát ăn. Mua cho nó cái vi tính để nó ngồi gõ, cái xe để đi lại rồi nộp tiền thuê nhà cho nó.
Sau đó, lão chẳng thèm lên nữa mà tin vào một sự vu vơ cho đỡ mệt mỏi. Mọi sự để vợ liệu. Tiền của lão cuốn theo những chuyến đi xa chạy hàng có khi cả tháng trời.
Bà ở nhà lo lắng thường trực, chỉ sợ những cuộc thoại đến.
Sợ cũng chẳng được.
Reng reng!
- A lô!
- Bác đấy ạ! Cháu tên là (Cương, Cường, Tráng, Kiện…) gì đó. Cháu nghĩ tình cảm anh em giữa cháu và Khá nên gọi báo cho bác. Khá đã mượn xe của cháu, mang cầm cố ở đâu rồi. Cháu định báo công an. Trước khi báo, nghĩ đến các bác cũng như cha mẹ cháu, cháu nhắc để bác biết tình hình như thế.
Thế rồi, những tập tiền lại được chuyển lên. Nào có ít. Không nhớ bao nhiêu lần.
Tết đến, lão Điều về. Thằng con đưa ngay một con bạn đến, giới thiệu:
- Đây là bạn học cùng lớp với con. Em tên Lan. Lan chào bố mẹ đi!
Con bé nhanh nhẹn, thưa gửi tử tế nhưng nó ở lì nhà lão, không đi. Đến bữa, hai đứa xuống ăn uống rồi lại kéo nhau đi hay lại đưa nhau lên buồng riêng trên tầng hai. Chướng mắt quá, ông gọi nó vào, mắng cho một trận. Hôm sau, hôm sau nữa, chúng nó đi biệt. Tối tối kéo nhau về, cho tới khi hết tết.
Lão chưa kịp đi chạy hàng thì đã thấy nhà hàng chuyển đến tập hóa đơn đòi thanh toán số tiền hai đứa đã nghỉ và ăn ký nợ.
Năm sau, lại đứa khác.
Hơn ba năm, tiền xếp phải cao hơn người gấp mấy lấn, nó cũng mang cái bằng về. Không đi một mình, Khá kéo đứa bạn mới, giới thiệu cùng bố mẹ.
Hai ba ngày, một tuần, nửa tháng cũng không thấy con bé đi. Hỏi, nó nói át. Hai đứa dính nhau như sam. Bà khôn khéo, mềm mỏng, tìm cơ hội gạn hỏi riêng, biết nó là con ông Khuy nhà ở trung tâm thị xã Đông Triều.
- Mẹ cháu bán hàng gần Khu di tích lịch sử Đồn Cao đó bác!
Không hỏi thêm gì được nữa, mấy hôm sau, bà tức tốc tìm tới, hỏi thăm. Đúng là bố mẹ nó, tên ấy, ở đấy thật. Hỏi đến con cái, bà chủ hồ hởi:
- Cháu nó đi học, bác ạ! Chắc trong tháng này, chờ lấy được bằng thì cháu nó về!
- Thế cháu có chỗ nào chưa?
- Chưa! Phải lo cho cháu công ăn việc làm tử tế đã. Bà ạ! Bây giờ con nào cũng phải có thu nhập, nghề nghiệp ổn định. Không thế về làm dâu, người ta khinh cho. Khổ con rồi khổ cả mình.
Ông bà cũng tốt. Con bé vẫn là niềm tự hào trong đáy mắt bố mẹ. Bà quyết định nói hết sự thật với chủ nhà hàng. Hai người sững sờ, mời bà ở lại rồi sắp xếp theo bà sáng mai ra luôn. Bà trình bày ý định của mình rồi xin phép. Đằng nào chuyện cũng đã bốc mùi, ông bà ra tìm cách đưa cháu về.
Bà về nhà. Trưa hôm sau, ông bố tìm đến. Bà gọi chúng:
- Khá ơi! Có người tìm con này!
Chúng bá cổ bá vai, dìu nhau từ trên gác xuống. Vừa chớm cầu thang, thấy ông, chúng vội rời tay nhau. Đứa con gái lên tiếng:
- Bố! Sao bố lại ở đây?
Ông bố tím mặt nhưng giữ lễ, ngọt nhạt giục con về. Con bé khăng khăng:
- Bố cứ về đi! Hai ba ngày nữa, làm xong đáp án, nghiệm thu công trình, nộp bài xong, tự khắc con về thôi!
Ông bố nói năng nhũn nhặn. Cuối cùng, nó hứa về. Lên dọn dẹp đồ đạc, chúng ra ra vào vào rồi chuồn đi đâu mất. Ông bố đợi mãi. Bà lên thì gian phòng trống không.
Tuần sau, thằng Khá về. Nó đi một mình.
- Con bé đâu?
- Nộp xong bài, nó về nhà rồi! Chuyện riêng của chúng con, bố mẹ hiểu sao được. Không phải việc mình thì đừng chõ mũi. Mai con lên trường thu dọn đồ đạc! Mẹ đưa con mấy chục!
- Làm gì mà những mấy chục? Tiền bạc có phải cứ muốn là có đâu?
- Mẹ không đưa, con không đi nữa!
Rồi bà cũng phải đưa cho nó chục triệu. Nó đòi ba. Lằng nhằng câu nọ câu kia. Cuối cùng, nó cầm mười lăm triệu ra đi… Ai không biết, nhẹ dạ cả tin, tưởng nó tìm đường cứu nhà trước khi cứu nước.
Bà chưa kịp mong nó về thì chủ nhà nghỉ Xuân Mai đưa giấy báo nợ đến. Thì ra, cả tuần vừa qua, hai đứa chúng nó ăn nghỉ tại đó rồi bịn rịn chia tay không hẹn ngày gặp lại.
Nó đi hơn ba tháng rồi lại mò về. Bà héo hắt, âm thầm chịu đựng. Ông được vợ khuyên nhủ, bỏ tiền ra, chạy chọt, xin cho nó làm tổ trưởng trong một công ty tư nhân.
Được hơn hai tháng, nó đòi lấy vợ.
- Mày lấy ai?
- Lấy ai mà chẳng được! Bố mẹ cứ hỏi người nào đấy. Bây giờ thích thì ở dở thì bỏ. Có cổ hủ như ông bà xưa đâu mà phải chọn lựa!
Ông bà nhờ người mối lái cho nó cô vợ xinh xắn đang làm nhân viên ở Công ty Đá Bàn. Hỏi ý nó, nó lấp lửng:
- Lấy cũng tốt nhưng phải ở nhà, phục vụ bố mẹ, không làm công ty công teo gì nữa. Lấy chồng mà chồng không nuôi nổi vợ thì vứt!
Chả biết chồng hay vợ vứt. Cô con dâu về nhà ấy, sống cuộc sống khá tươm tất. Cô cũng ngoan hiền, ra tay giữ néo chồng đâu được mấy năm.
Nhấm nhẳng, chồng mắng vợ khóc như thời tiết nắng mưa rồi ba đứa con cũng lần lượt theo nhau ra. Cây một cành nhưng cành sai quả.
- Em cứ đẻ thoải mái. Mình còn nhờ được ông bà, cứ đẻ!
Làm trong công ty dăm năm, Khá bỏ. Nó về nhà, chăm vợ chăm con. Ông bà nhắc nhở chán rồi quyết định cho nó đi học lái xe. Độ bảy tháng, ông bà mua cho vợ chồng nó chiếc FORD TRANSIT mười sáu chỗ… Có xe rồi, nó lái chở người đi các tỉnh. Đã có bố lo cho mọi thủ tục, giấy tờ nên cũng chóng vánh. Nó về, khoe vợ những đồng tiền đổi mồ hôi nước mắt mới có được. Vợ mang khoe bố mẹ chồng. Ai cũng mừng. Mừng vì lẽ khác chứ mấy đồng tiền bọ cạp chả đáng là gì so với của cải mà ông bà bỏ ra.
Nhưng đó cũng là món tiền do nó làm ra mà ông bà nhìn thấy một lần duy nhất. Nó đưa xe vào liên kết chở khách đi các tỉnh. Tuần về một lần; nửa tháng, một tháng rồi ba tháng về một lần. Ông bà thấp thỏm chỉ sợ tai họa gì xảy ra. Thấy chuông điện thoại reo, ông đã nghĩ đến chuyện xấu.
Nghe xong, ông nói với cả nhà:
- Nó cầm xe rồi! Bà đưa tiền tôi đi chuộc!
Cũng may, nó cầm cả xe lẫn giấy tờ, bằng lái. Ông mất ba trăm triệu lấy được xe về. Bàn với vợ, do mối quan hệ gì đó ông bà sẽ sang Úc theo diện bảo lãnh. Tiền hưu của hai người ngót chục triệu để lại cho vợ nó nuôi cháu.
Chưa kịp tiến hành thì nó về. Vài hôm, nó mang cả xe cùng giấy tờ cầm cố được bố chuộc lại, đi không nói cho gia đình biết. Không còn cách nào hơn, bà đồng ý cùng ông lên công chứng, nhất trí chuyển bất động sản cho các cháu, nộp di chúc vào văn phòng luật sư. Bà về lặng lẽ như cái bóng. Tháng sau, ông bà đi Ô-xtrây-li-a rồi nghe nói định cư ở đó.
Sau hai năm, ông bà nhớ cháu không lúc nào nguôi. Ông về nước. Bà về nước. Ông không mang gì. Bà dúi cho con dâu mấy trăm triệu. Tuy không cùng đợt nhưng mỗi người đều có ý đưa cả con dâu và các cháu sang vì thấy chúng khổ quá. Từ ngày ông bà sang Úc, không mấy khi nó về nhà. Nếu về chỉ nã tiền vợ, ở vài hôm lại đi. Nó là cái nợ ông bà không biết bao giờ trả hết. Vợ con đi rồi, nhà đấy, nó cứ ở nhưng không thể bán. Nơi thờ tự gia tiên sau này để cháu. Điều này đã được cơ sở pháp lý chấp nhận rồi. Đó là nơi duy nhất mà ông lấy chỗ để niềm tin bấu víu.
Hôm cả nhà sang bên ấy, nó cũng không về. Ông ở nhà một mình. Đằng nào nó cũng mang dòng máu ông. Ông đi thăm khắp phường phố, nhà bạn bè thân thiết, những người cùng làm, tâm sự vài điều và đợi nó.
Nó về hai hôm, ông treo cổ tự tử ngay trước căn phòng nó ở.
Đón xe đi viếng người hàng xóm cũ, nghe mấy ông láng giềng mới nói thế, tôi thở dài thở ngắn. Những người khổ vì con cái, đã ai như ông Điều chưa?
Không! Vô tình hay cố ý, chật vật hay thảnh thơi, mỗi người một cuộc sống một trách nhiệm với cộng đồng, với bản thân! Biết đâu, sau cái chết của ông, dù muộn mằn, thằng Khá sẽ tu tỉnh lại.