Vài
hàng về Ambrose Bierce (1842 - 1914?)
Đối
với Ambrose Gwinett Bierce, thế giới là một nơi đầy những
tuyệt vọng, bị làm cho suy đồi bởi một sinh vật tiến
hóa sau cùng: con người. Để trốn tránh cuộc đời, ông
viết về cái chết và thế giới bên kia. Khí giới để
chống lại sự tuyệt vọng của ông là óc khôi hài đen,
làm thành một tính chất đặc thù cho những tác phẩm của
ông.
Sự bất mãn cuộc đời
của Bierce dường như đã phát sinh từ nhỏ. Ông là người
con út trong một gia đình nông phu nghèo ở Ohio có 9 người
con. Khi còn là một đứa trẻ ông đã tỏ ra ghét gia đình,
cha mẹ cũng như tất cả mọi người trong nhà trừ một
người anh tên Albert.
Suốt thời gian nội chiến
Nam Bắc Mỹ, Bierce gia nhập vào quân đội miền Bắc theo
học một năm tại trường quân sự Kentucky khi được 17
tuổi. Trước khi giải ngũ, Bierce mang cấp bậc trung úy.
Ông rất được bạn dồng đội ngưỡng mộ, và những
kinh nghiệm chiến trường giúp ông chất liệu để sáng
tác một số trong những truyện thành công nhất. Nhưng cũng
vì những kinh nghiệm ấy mà Bierce càng có quan niệm đen
tối hơn về thế giới loài người.
Sau chiến tranh, ông đến
San Francisco và sinh sống bằng một số công việc, khởi
đầu là gác dan. Sau đó viết báo và trở thành chủ báo.
Năm 1872, Bierce đến Luân
Đôn để lo một công việc cho tờ báo. Lúc này ông đã
lập gia đình chừng 1 năm. Trở về San Francisco năm 1876
trong tình trạng sức khỏe suy giảm cùng với 2 người con
nhỏ. Đứa thứ 3 được sinh ra sau khi gia đình về lại
California.
Từ năm 1887 đến 1896,
ông viết một vài tiết mục đặc biệt cho tờ San Francisco
Sunday Examiner và về sau những bài báo này phần nhiều được
in thành sách. Vào thời đó, tư tưởng của Bierce ảnh hưởng
rất mạnh đặc biệt là trên vùng duyên hải miền Tây.
Những năm sau ông cộng tác với một số nhật báo ở thủ
đô Washington và viết truyện ngắn cho các tạp chí.
Nhưng Bierce vẫn là mẫu
người của thất vọng chán chường. Ông thiếu hẳn những
đặc tính cần thiết cho một gia đình êm ấm cho nên thảm
kịch luôn luôn xảy ra. Năm 1889 người con trai lớn của
ông bị giết chết trong một trận đấu súng với tình
địch. Hai năm sau đứa kế bị chết vì rượu. Và sau nhiều
năm khốn khổ, cuối cùng vợ ông ly dị vào năm 1904.
Năm 1913, Ambrose Bierce trốn
chạy mọi người và những nơi chốn quen thuộc. Mệt mỏi,
tuổi già, bệnh tật và không còn sáng tác nữa, ông qua
Mễ Tây Cơ, lúc bấy giờ đang ở trong tình trạng rối
loạn vì làn sóng cách mạng. Từ đó không còn ai gặp Ambrose
Bierce đâu nữa.
Sau đây mời các bạn
đọc NGƯỜI SONG SINH, một trong những truyện ngắn của ông:
A nh thường hỏi tôi về những kỷ niệm trong cuộc đời của những người anh em sinh đôi. Đặc biệt anh muốn biết rằng tôi, Henry Stevens, có bao giờ nhận thấy một chuyện gì không thể cắt nghĩa được bằng các định luật thiên nhiên mà khoa học đã vạch ra hay không. Đây tôi xin kể cho anh nghe.
Như anh biết, tôi và John trông giống nhau như hai giọt nước. Thật vậy, ngay cả ba má tôi cũng không thể nào phân biệt được một khi chúng tôi muốn đồng hóa với nhau. Thuở nhỏ, ba má thường bắt chúng tôi mặc quần áo khác nhau để dễ nhận nhưng vì chúng tôi hay thay đổi y phục lẫn nhau để đánh lừa mọi người nên ông bà cũng bỏ ý định đó. Suốt thời gian sống chung dưới một mái nhà, mọi người đành phải chấp nhận tình trạng khó xử này và gọi cả hai chúng tôi bằng một tên "Jehnry"
Sau khi dọn đến California chẳng bao lâu thì gia đình chúng tôi bị ly tán bởi cái chết của ba má tôi trong cùng một tuần lễ. Nhà cửa thì phải đem bán để có tiền trang trải nợ nần của cha tôi lúc sanh tiền. Chị tôi phải trở về miền Đông sống với người bà con ở đó. Anh em tôi, khi ấy được 22 tuổi, nhờ lòng tốt của gia đình anh, mỗi người tìm được một việc làm tại San Francisco ở hai khu phố khác nhau để kiếm sống. Vì công việc nên chúng tôi không thể ở gần nhau và rất ít khi gặp gỡ, nhiều lắm là mỗi tuần một lần. Người quen thuộc chẳng có ai nên sự giống nhau khác thuờng của chúng tôi ít được biết đến.
Một buổi chiều nọ, khi tôi đang thả bộ trên đường Market Street thì có một người đàn ông ăn mặc sang trọng đón tôi lại với vẻ thân mật và bảo:
- Stevens này, dĩ nhiên tôi biết anh ít thích đi chơi đâu lắm, nhưng tôi đã có nói chuyện về anh cho vợ tôi nghe và bà ấy hẳn rất thích nếu anh đến dùng cơm chiều với gia đình tôi vào một ngày nào đó. Hay là 6 giờ chiều mai anh đến nhé?...
Lời mời mọc rất ân cần đến nỗi tôi khó lòng từ chối. Mặc dù chưa từng gặp nguời đàn ông này bao giờ cả nhưng tôi cũng buột miệng trả lời:
- Cảm ơn lòng tốt của ông Margovan. Tôi cũng rất sung sướng nhận lời mời. Nhờ ông chuyển lời cảm ơn của tôi đến bà nhà và nói rằng tôi sẽ đến.
Sau khi từ giã, người đàn ông tiếp tục bước đi. Rõ ràng là ông ta đã lầm tôi với anh John. Đó là sự lầm lẫn mà tôi rất quen thuộc và tôi thường không muốn đính chính làm gì trừ khi sự việc có tầm quan trọng. Nhưng lạ một điều là tại sao tôi lại biết tên người đàn ông đó là Margovan? Tôi chưa từng nghe đến tên đó, cái tên cũng như người mang tên đều hoàn toàn xa lạ đối với tôi.
Sáng hôm sau tôi vội vã đến chỗ làm việc của anh John và kể lại câu chuyện gặp gỡ đó. Nghe xong, anh nói với vẻ suy tư:
- Lạ thật!... Margovan là người duy nhất làm cùng sở mà anh biết rõ và có cảm tình. Mới sáng nay, khi gặp ông ta bỗng nhiên như có một động lực vô hình nào bắt buộc anh phải nói: "Ồ, xin lỗi ông Margovan, hôm qua tôi quên hỏi địa chỉ của ông…". Ông ta cho địa chỉ nhưng anh không biết để làm gì. Bây giờ mới hiểu. Anh sẽ đến đó để dự bữa cơm chiều…
Sau vài lần lui tới, anh ta quen cô gái lớn của ông Margovan tên Julia và hai người yêu nhau rồi đính hôn với nhau.
Vài tuần lễ sau khi tôi được báo tin về sự đính hôn này nhưng trước khi tôi có dịp đến nhà nàng thăm viếng cho biết mặt, ngày nọ tôi bỗng để ý tới một thanh niên đang đứng tại khu Union Square và dường như đang chờ đợi một ai. Một lúc sau có một cô gái ăn mặc hợp thời trang bước đến và hai người nắm tay nhau đi. Có một cái gì thúc đẩy tôi tò mò muốn biết họ làm gì nên vội kín đáo bước theo. Đến một khu phố nọ, khu phố ít được kính trọng nhất của thành phố, họ nhìn quanh quất một lát rồi vội vã bước vào một căn nhà với vẻ lén lút. Dĩ nhiên ta chỉ có thể đoán họ làm những gì trong đó mà thôi.
Một tuần lễ sau, John dẫn tôi đến nhà người vợ tương lai của anh và tôi nhận ra ngay nàng là cô gái mà tôi đã vô tình theo dõi. Dù sao thì lúc đó tôi cũng không để ý rằng nàng khá đẹp.
Chúng tôi ở lại suốt buổi chiều với gia đình Margovan và sự giống nhau của hai anh em tôi đã nên những trò vui thân mật. Lựa dịp chỉ có mình tôi với Julia, tôi nói với nàng bằng giọng nghiêm nghị nhất:
- Cô Julia, không cứ gì hai anh em tôi mà cả cô cũng rất giống với một người nữa. Tôi đã gặp người ấy chiều thứ ba trước tại khu Union Square…
- Cô ta giống em lắm sao?
Nàng hỏi, cố giữ cho giọng nói bình thường nhưng mặt thì cứ nhìn xuống mũi giầy. Tôi bảo:
- Giống lắm… Tôi đã nhìn không chớp mắt và bước theo cô ta đến khi… Julia, tôi nghĩ rằng cô đã hiểu rồi chứ?...
Gương mặt Julia tái xanh nhưng vẫn yên lặng. Sau đó nàng ngước mắt lên nhìn tôi:
- Anh muốn tôi phải làm gì? Anh nói đi, tôi sẽ vâng theo.
- Julia, tôi không muốn cho cô phải khó xử. Tôi sẵn sàng giúp cô được tự do khỏi cuộc kết ước hôn nhân này.
Nàng lắc đầu, buồn bã và tuyệt vọng. Tôi hơi cảm động:
- Vẻ xinh đẹp của cô đã làm tôi phiền muộn. Tôi kính trọng sự ngay thẳng cũng như cảm thông sự buồn khổ của cô. Nếu cô có đủ nghị lực để hành động theo lương tâm thì cứ làm những gì mà cô cho là tốt nhất. Nếu không thì chỉ có trời mới giúp được chúng ta. Dĩ nhiên tôi chống đối cuộc hôn nhân này nhưng sẽ giải thích cho mọi người hiểu bằng một cách khác.
Rồi tôi bỏ đi không nói thêm một lời nào nữa. Khi gặp lại mọi người tôi cố giữ vẻ thản nhiên nói:
- Vậy mà cũng khá tối rồi đó chứ. Tôi cũng vừa chào từ giã cô Julia xong.
John cùng ra về với tôi. Trên đường đi anh hỏi tôi có nhận thấy gì khác lạ trong cách cư xử của Julia không.
- Tôi nghĩ rằng cô ấy bị bệnh, vì vậy tôi đã xin phép ra về.
Sau đó chúng tôi yên lặng không chuyện trò gì thêm nữa cả.
Chiều hôm sau tôi về nhà khá muộn, run rẩy vì trời lạnh và sương xuống đầy, quần áo cũng như đầu tóc đều bị ẩm ướt. Việc xảy ra hôm trước làm cho tôi cảm thấy bồn chồn và muốn bệnh.
Khi ngồi sưởi ấm bên ánh lửa rực sáng, tôi lại càng cảm thấy khó chịu hơn bao giờ hết. Những cảm giác kinh hãi tràn ngập trong tư tưởng tôi mạnh mẽ đến nỗi tôi phải cố hồi tưởng những kỷ niệm buồn để xua đẩy nó đi. Tôi nghĩ đến cái chết của ba má tôi và cố hình dung lại cảnh biệt ly sau cùng ở giường bệnh và trong nghĩa trang.
Thình lình từ trong tư tưởng tôi nghe rõ ràng một tiếng kêu thét hãi hùng như tiếng kêu giờ hấp hối. Và tôi nghe đó là tiếng của người anh song sinh của tôi, dường như vang lên từ đường phố bên ngoài cửa sổ.
Tôi nhảy lại phía cửa sổ và tung mạnh hai cánh ra. Ngoài đường vắng hoe, chỉ có một người cảnh sát đang đứng tựa lưng vào một gốc cây bình thản hút thuốc.
Tôi đóng cửa, lại ngồi bên ngọn lửa và nhìn đồng hồ: đã mười một giờ rưỡi khuya. Bỗng dưng tôi lại nghe tiếng kêu hãi hùng đó một lần nữa và lần này như vang lên từ phòng bên cạnh. Nỗi sợ hãi lan tràn khắp thân thể và tôi bất động trong giây lát.
Vài phút sau tôi thấy mình đang vội vã bước trên một đường phố xa lạ. Tôi không biết tôi đang ở đâu, đang đi đâu nhưng chẳng bao lâu tôi bước lên thềm một ngôi nhà nọ, có 2 hay 3 chiếc xe đậu bên ngoài.
Chuyện gì xảy ra ở đó thì anh đã biết. Trong một căn phòng, Julia Margovan đang nằm bất động, cô ta đã uống thuốc độc tự vẫn mấy tiếng đồng hồ trước. Trong phòng khác John Stevens nằm trên vũng máu, anh ta đã tự sát bằng cách bắn vào tim. Khi tôi ào vào phòng, vẹt đám y sĩ qua một bên tiến đến đặt tay lên trán John, anh mở đôi mắt nhìn vào khoảng không rồi từ từ khép lại và không một lời trăn trối.
Tôi ở vào trạng thái như người mất hồn, suy nhược đến 6 tuần lễ cho đến khi được tỉnh trí trở lại nhờ sự săn sóc của gia đình anh. Những chuyện đó anh đều biết cả nhưng có một điều tôi vẫn giữ bí mật cho đến ngày nay:
Vào một đêm trăng sáng vài năm sau biến cố nói trên, tôi đi đến khu Union Square do một ý tưởng vô tình thúc đẩy. Vì đêm đã khuya nên khu phố vắng tanh. Những kỷ niệm năm xưa chợt hiện về trong tâm trí khi đến nơi mà tôi đã có lần chứng kiến cuộc gặp gỡ định mệnh. Tôi ngồi trên băng đá kê dưới bóng cây hồi tưởng lại cảnh tuợng đau lòng. Bỗng tôi thấy từ xa, một người đàn ông chậm rãi tiến lại và bước đi trên lối đi dẫn về phía tôi. Hai tay hắn chắp sau lưng, đầu cúi xuống, đi thơ thẩn như không có chủ định gì. Khi hắn tiến lại gần, tôi nhận ra hắn là gã thanh niên mà tôi đã nhìn thấy đi với Julia mấy năm trước cũng tại nơi đây. Nhưng y đã thay đổi kinh khủng: gầy, xanh xao và y phục xơ xác. Với một mục đích không rõ ràng nào đó hiện ra trong trí, tôi đứng dậy và nhìn và thấy mình đứng ngay trước mặt hắn. Hắn từ từ ngẩng đầu lên và nhìn tôi. Tôi không có lời nói nào để có thể mô tả được sự khủng khiếp đã làm biến đổi toàn thể gương mặt của hắn, một vẻ kinh hãi khôn cùng. Hắn nghĩ rằng đã gặp một hồn ma! Nhưng dù sao hắn cũng còn đủ can đảm để hét lên:
- Mầy… John Stevens…
Hắn giơ cánh tay run rẩy lên và như muốn đưa quả đấm vào mặt tôi nhưng rồi hắn ngã ngay xuống đất khi tôi bước đi.
Có người tìm thấy hắm nằm chết. Không ai biết thêm gì nữa, kể cả tên tuổi hắn./.