Q uân y viện Pleiku sáng nay nhận thêm mười mấy thương binh được chở về bằng trực thăng. Những chiếc băng ca đưa thẳng đến phòng cấp cứu. Những người bị thương nặng nằm im như chết, những tấm poncho trùm lên ngang mũi, ngang cổ, máu thấm ra ngoài. Một số nhẹ hơn nằm im thiêm thiếp, thỉnh thoảng nhăn mặt rên khe khẽ. Đa số đều là lính trẻ.
An mở mắt nhìn lên trần, nghe dưới chân đau buốt tê cứng. Quạt trần xoay tít khiến anh chóng mặt. An không rõ số phận cái chân mình sẽ thế nào và cũng không còn đủ sức gượng dậy lật tấm drap ra nhìn, mà cũng có thể không đủ can đảm để nhìn.
Nửa mê nửa tĩnh, An biết mình đang được đưa lên bàn mổ, một lúc thì không còn biết gì. Đến khi tĩnh lại, thấy mình nằm trong phòng hồi sức với nhiều thương binh nằm gần kín phòng, một số người mặt mày trắng bệch, đờ đẫn, chắc là những thương binh mới vào.
Nằm được một buổi thì An được biết chân mình bị gãy và đang băng bột, anh mừng thầm, may mà không bị cưa. Sau một lúc định thần, An đưa mắt nhìn quanh gian phòng một lượt, như định vị nơi mình sẽ ở lại không biết bao lâu, cho đến khi sức khỏe phục hồi mới ra khỏi viện.
Mấy chiếc quạt trần quay đều, gần mỗi đầu giường có một tủ nhỏ dùng chung cho hai người sát giường, nhìn chung khá sạch sẽ tiện nghi. Người nữ trợ tá mang thuốc đến giường An, dặn chia ra bốn phần, mỗi ngày uống hai phần.
Vài thương binh gần giường cười chào vui vẻ khi An mở mắt sau một lúc mê mệt khá lâu, chắc là nhờ có thuốc giảm đau nên vết thương không quá đau nhức như anh tưởng.
Trời về chiều, các phần ăn được mang đến tận giường, người cơm, kẻ cháo, sữa. An chỉ uống một ly sữa, xong lại thiếp đi. Khi thức giấc, lại thấy mọi người đang ngủ. Cảm giác đói bụng làm anh khó chịu, nhưng miệng khô đắng không muốn ăn uống gì. Mớ lùng bùng trong trí nhớ hiện ra, trận đánh ác liệt tổn thương khá nhiều, đồng đội lao lên rồi ngã xuống, khói đạn, tiếng thét, người chết người bị thương, và An nhớ mình ngả xuống sau một tiếng nổ kinh hoàng.
Lặng đi khá lâu, tiếp là hình ảnh Nhung. Không biết giờ đây Nhung đang ở đâu, đời sống sẽ như thế nào? Lòng anh cuộn lên biết bao xót xa, lòng mong ước nếu giờ này có Nhung bên cạnh. Đau đớn cả tinh thần lẫn thể xác, An thấy tâm hồn quá trống trải, lúc nặng nề trì trệ, lúc như đang nhấc bổng lên cao.
Khí lạnh đêm khuya ở vùng cao thấm vào tận ruột gan, đêm miền núi tĩnh lặng, hoang vắng, chỉ còn nghe tiếng vọng lúc gần lúc xa của đại bác dội vào đâu phía núi, trên đỉnh đồi, lời nhắc nhở không quên của chiến tranh đạn lửa. Rồi An chẳng còn biết gì, cho đến khi ngọn nắng yếu ớt mang theo chút hơi ấm mặt trời chiếu vào phòng bệnh, rét buốt mới tan dần.
An mở mắt, cười chào với mấy thương binh bên cạnh giường và muốn được sự cảm thông vì từ ngày hôm qua đã quá mệt mỏi đau đớn nên chưa chào hỏi ai được. Người gần gũi trước tiên là Phúc, nằm cạnh giường, bất ngờ An nghe Phúc nói tiếng miền Trung xứ Huế. Phúc cũng nhận ra An là đồng hương nên hai người thân thiện nhau rất mau. Có thể là do sự ngẫu nhiên, hoặc bệnh viện có chủ ý cho những thương binh cùng quê nằm gần nhau.Tuổi tác hỏi ra, Phúc hơn An tám tháng tuổi, xuất thân từ Thủ Đức, cũng vừa đến nằm đây gần một tuần. Tuy vết thương khá nặng ở cánh tay, cũng đang băng bột, nhưng trông Phúc vui vẻ khỏe khoắn.
Trao đổi thêm câu chuyện, được biết gia đình Phúc định cư ở thành phố Pleiku này gần sáu năm nay vì ba Phúc chuyển lên đây làm việc. Trước kia gia đình ba mẹ Phúc ở Huế, trong Thành nội. Phúc có người anh là Trung úy Thông tin đóng quân ở Đà Nẳng, một chị gái đã có chồng, một em gái đang làm ở bệnh viện tỉnh này, ngành Hộ sinh, và một em trai còn đi học. Hai người trao đổi thêm vài chuyện nữa thì thấy có vài người qua lại ngoài hành lang, tay xách giỏ. An nhìn ra và đoán là người đi thăm bệnh nhân.
Phúc nói:
- Hôm nay chủ nhật, thân nhân vào nhiều hơn thường ngày. An mới vào hôm qua, chắc không có ai. Có báo tin cho người nhà biết không, tôi sẽ nhờ người đánh điện giùm?
- Chưa cần Phúc à, thoát chết là may rồi, gia đình anh em ở xa khó mà lên đây thăm được, nói chi cho mẹ tôi thêm lo - An đáp xuôi và không biểu lộ buồn vui gì trên nét mặt. Đầu óc anh đang nhớ đến mẹ và dặn lòng sẽ không cho mẹ biết chuyện này.
Phúc hỏi tiếp:
- An có vợ con gì chưa?
- Chưa, còn Phúc?
- Lính trận đi mãi nên cũng chưa tính đến chuyện lập gia đình.
- Lông bông vậy cũng khỏe, chẳng phiền lụy đến ai.
Câu nói ấy khiến Phúc nhìn An thật lâu, như vừa hiểu ra một điều gì.
Có vài người đi vào phòng, xách giỏ đến giường người thân để thăm nuôi. Một cô gái đến bên giường Phúc, tóc uốn quăn thả chấm vai từng lọn nhỏ, dáng người thon thả, gọn gàng trong chiếc quần tây màu da bò, áo sơ mi vàng nhạt. Cô lấy trong giỏ ra một gói nhỏ và nói:
- Anh Phúc, sáng nay mẹ bận việc không vô thăm anh được, mẹ biểu em đem đồ cho anh đây. Mấy thứ anh dặn trong gói đó, còn đây là cam, pom, sữa.
Không nhìn thẳng cô gái nhưng tai An đang lắng nghe âm thanh giọng nói quen thuộc quê hương, tiếng Huế nhẹ nhàng trong trẻo, thỉnh thoảng pha vài tiếng địa phương xứ người ngồ ngộ khiến An chợt nhìn sang, một thoáng vui vui dâng lên rồi lắng xuống, ánh mắt hờ hững xa vời, rồi thân thể bỗng nhẹ đi như không còn trọng lượng. An nhắm nghiền mắt vì chóng mặt.
Phúc vẫn nằm trên giường nói với em gái:
- Em gọt pom giùm anh, cắt trái cam luôn.
Cô gái làm theo lời anh, cắt gọt xong, đặt tất cả trên dĩa rồi quay sang dọn dẹp.
- Em gọt xong xuôi hết chưa?
- Dạ rồi.
- Rồi thì em để đó cho ai ăn, ở đây toàn là người què cụt – Phúc cười nhìn em.
Cô gái bỏ vỏ các thứ vừa gọt vào bịch nylon, lấy dĩa trái cây đặt trên giường cạnh Phúc. Phúc chỉ lên tủ nhỏ :
- Em lấy dĩa để ít cam lên tủ cho An.
- An nào? Cô gái vừa hỏi vừa nhìn sang giường bên cạnh có vẻ như chưa quan tâm vì không biết đó có phải là người mà Phúc vừa nói tới.
Phúc không trả lời, chỉ hất đầu qua phía giường cạnh mình:
- Đó, mới vào hôm qua.
- Đang ngủ mà.
- Chắc là chỉ nhắm mắt vì mệt chứ không phải ngủ, em cứ đặt trên tủ cho anh ấy.
Tuy An nhắm mắt nhưng vẫn nghe hết mấy câu đối thoại bên cạnh giường mình, do đó anh mở mắt, nói với nụ cười gượng gạo :
- Cám ơn cô.
Phúc nói:
- Em lấy giùm tờ báo nơi anh Lâm cho anh.
Cô gái bước sang bên giường Lâm lấy tờ báo đưa cho Phúc, nói đùa :
- Què quặt như mấy anh cứ nằm đó mà sai, sướng quá hỉ!
Một thương binh trẻ nằm sát tường lên tiếng:
- Sao em không nằm đây để tụi anh lo cho.
Cô gái nhăn mặt:
- Anh Thăng không được trù ẻo em nghe, xúi quẩy lắm đó.
Cả phòng cười theo. Cô gái nói với anh:
- Thôi em về anh Phúc. Còn dặn gì nữa không?
- Chiều có vô, nếu tiện thì đem thêm cái bình thuỷ.
Cô gái mở to mắt nhìn anh:
- Ở đây cũng có nước sôi, còn đem bình thủy vô đây làm gì, cần thì hỏi người ta.
Phúc trả lời:
- Nhà mình hết con nít rồi Lệ Chi à. Còn ở đây em nhìn xem, toàn là trẻ em chưa biết đi, em tiếc gì cái bình thuỷ mà không mang vào, để mà chế tí cà phê với nước trà uống cho tĩnh táo.
Lệ Chi lại cười :
- Chế nước trà thì phải có cái bình trà, mang vô mang ra phải mệt không. Lại có tiếng của Thăng : -Thôi chịu khó đi Chi, vài bữa chân đi được, anh mang về giùm em.
Chi ngúng nguẩy :
- Cái anh này, không biết thân còn líu lo cái miệng.
- Anh biết thân biết phận lắm Chi à, mới líu la cho nó đỡ sầu, em lại cấm, tội nghiệp anh. Thăng là người vui tính nhất phòng. Khi nào Chi vào, Thăng cũng có vài câu trêu chọc, nhờ vậy mà không khí trong phòng bớt buồn tẻ.
Lệ Chi và vài người thăm viếng xong vừa ra về, căn phòng trở lại yên tĩnh. Người coi báo, kẻ đọc sách. Hai người nằm giường phía bên phải, có vẻ đứng tuổi, đang trao đổi với nhau vài tin tức chiến sự và dự đoán tình hình thắng bại trên các chiến trường, trên hội nghị vừa đánh vừa đàm. Miền Trung biểu tình chống chính quyền, sinh viên học sinh bãi khóa xuống đường, biểu tình phản chiến, đuổi Mỹ về nước, tiểu thương đình công bãi thị. Phong trào phản chiến cũng đang diễn ra ở Mỹ, phản đối chính quyền Mỹ đưa chồng con họ qua tham chiến miền Nam Việt Nam.
Quân Đồng minh tham gia chiến trận với lực lượng hùng hậu, đủ các loại vũ khí đạn dược tối tân, nhưng quân số và hỏa lực của quân Bắc Việt vẫn rất mạnh, gấp hơn nhiều lần, hai bên bất phân thắng bại, các vùng xôi đậu ngày càng nổi thêm dấu xóa trên bản đồ miền Nam. Nhiều trận địa kinh hoàng, bom rơi đạn nổ quanh các tỉnh thành, thương binh tử sĩ có đến hàng trăm. Những xác lính Mỹ cuộn trong poncho đưa về từ trực thăng, những chiếc quan tài vội vàng chuyển lên máy bay C.130 đưa về nước, tất cả hầu như thường xuyên, ngày nào cũng có.
Những câu trao đổi bình luận gần giường khiến An chú ý nghe dù đã biết hết những chuyện này, mở mắt nhìn lên trần nhà, mỏi mệt nhưng không trăn trở được vì chân còn tê cứng. Vài ngày lại có thương binh nhập viện, nhất là mỗi khi nhớ đến đồng đội đang còn ngoài mặt trận. Suy nghĩ miên mang như thế kéo dài khiến An cảm thấy mình suy sụp.
Phúc sợ An mệt mỏi sinh ra nằm mê mệt nên nhắc nhở:
- An ăn tí cam cho khoẻ đi An, tí nữa có nước sôi, khuấy thêm ly sữa uống cho lại sức. Lúc mới vô đây ai cũng vậy, từ từ sẽ khỏe.
An cầm cam ăn, cam ngọt nhưng miệng anh đắng ngắt. Phúc châm điếu thuốc Jet mời An.
- Cám ơn Phúc, miệng tôi đắng lắm - An nói nhỏ.
Phúc rít một hơi xong hỏi An:
- An thích hút thuốc gì?
- Tôi quen hút Con Mèo.
- Để chiều Chi vào tôi biểu mua Con Mèo cho anh.
- Thôi được, đừng làm phiền cô ấy.
- Anh đừng ngại gì cả, cứ xem như em út trong nhà. Mấy anh em nằm đây gia đình ở xa nên cũng hay nhờ em nó mua giùm các thứ, nhà tôi ở gần đây, không có gì bất tiện.
- Hai anh em Phúc, người nào cũng sốt sắn vui tính - An nói lên nhận xét.
Phúc trao đổi cởi mở :
- An cố lên, nguy hiểm qua rồi, vui khỏe lên.
An cười gượng:
- Là do tôi mệt quá.
Chiều mang các thứ vào cho Phúc, Chi chợt nhìn sang giường An, anh đang nằm im nhắm mắt, mặt đỏ phừng. Chi hỏi Phúc có biết là An đang sốt không? Phúc nói trưa nay An ăn rất ít, người mệt mỏi. Bác sĩ khám và nói không phải do nhiễm trùng.
Nghe vậy Chi suy nghĩ An yếu sức do mới bị thương và dị ứng với khí hậu nên chỉ cảm sốt chứ không có gì đáng lo ngại, uống thuốc sẽ khỏi.
Phúc nhắc nhở :
- Em coi sóc giùm An kỹ một tí, cứ dằng dai trông tội nghiệp.
Chi nhìn sang An một lúc, ái ngại:
- Coi bộ anh ấy mệt nhiều, bác sĩ cho thêm thuốc gì không?
- Có rồi, hình như có thuốc bổ nên An nằm mê suốt buổi, để yên cho An ngủ, em cứ pha sẵn ly sữa để đó.
Đến bên giường An, Chi khuấy sữa xong lấy một tờ giấy nhỏ đậy lên, đưa mắt nhìn kỹ An, khuôn mặt anh hốc hác quá khiến cô chạnh lòng.
Chi bước sang giường Phúc hỏi nhỏ:
- Có nên thức anh ấy dậy uống sữa không? Để nguội khó uống.
- Nếu dậy được thì tốt.
Chi quay qua, khẽ lay tay An:
- Anh An, dậy uống tí sữa.
An mở mắt, cơn sốt làm mắt anh đỏ ngầu, lờ đờ nhìn Chi, nghe miệng lưỡi mình khô đắng, uể oải không muốn dậy. Thấy vậy Chi nói:
- Để em đỡ dậy, ráng lên.
Nói xong Chi đỡ lưng An lên, một tay với lấy ly sữa. Nghề nghiệp của Chi quen đỡ đần chăm sóc phụ sản nên việc này đối với cô không mấy ngượng ngùng.
Phúc nằm bên này nhìn sang, nói với An:
- An ráng uống ly sữa, cần gì cứ nói với Chi. Em nó biết rõ thuốc men lắm, sẽ lo cho mau khỏi thôi.
An nhìn Chi với đôi mắt biết ơn:
- Cám ơn cô - rồi nghiêng người nằm xuống.
Chi hơi băn khoăn:
- Anh có cần nhắn người nhà không? Tình trạng như thế này cần phải có người nhà chăm sóc.
- Cám ơn cô, một vài hôm sẽ bớt, không sao.
- Anh cần gì nữa không?
- Cám ơn, khi nào cần tôi sẽ nhờ cô.
- Thôi anh nằm nghỉ .
Chi chuẩn bị ra về, Phúc dặn theo:
- Chiều mai em cố gắng vô sớm, nhớ mang thêm cam và sữa.
- Dạ.
Gần nửa tháng nằm viện không có người đỡ đần, An phải cố gắng tự lo cho bản thân, mong cho mau khỏe, cũng giống như nhiều thương binh xa nhà trong phòng này. May mà có Chi quan tâm chăm sóc, các nữ trợ tá tận tình, và nhờ anh em chung quanh quan tâm giúp đỡ nhau nên mọi việc có phần nào dễ chịu, tuy trong lòng An không mấy yên ổn, cứ băn khoăn như thiếu vắng điều gì, hình bóng Nhung đâu dễ nhạt nhòa trong tâm tưởng. Nhiều đêm dài không ngủ được nhưng anh không để ai biết, nhất là Phúc bên cạnh.
Chiều hôm sau Chi vào sớm, chưa kịp hỏi gì thì Phúc đã khai:
- Hồi hôm anh An ngủ ít lắm và ho hơi nhiều, sáng nay người vẫn còn nóng. Tay anh như thế này nên không giúp được gì cho An cả.
Chi hỏi:
- Bác sĩ nói thế nào?
- An không cho mời bác sĩ, nói để uống hết thuốc, nếu không bớt mới xin khám lại.
- Vậy để chờ xem.
Chi bước sang giường An, anh vẫn nằm nhắm mắt. Cô sờ tay lên trán, hơi nóng hâm hấp, cô nói nhỏ:
- Anh thấy trong người thế nào, mệt lắm không?
An gật đầu, Chi hỏi tiếp :
– Có rát cổ không?
An lại gật đầu, không nói lời nào.
Đặt tay lên trán An một lần nữa xong Chi kéo chăn lên cổ cho anh, rồi trở lại ngồi bên giường Phúc, lục tìm trong chiếc xách nhỏ một lúc, lấy ra mấy viên thuốc đưa cho Phúc, dặn :
- Gần đi ngủ anh nhớ đưa cho anh An uống hai viên. Chắc là khí lạnh khiến anh ấy ho, uống hai viên thuốc đó sẽ bớt ho.
- Em hỏi thử An có ăn cháo, ở ngoài có bán.
Không hỏi nhưng Chi đi ra ngoài mua tô cháo mang vào, chờ bớt nóng, Chi qua bên giường An:
- Anh An ráng dậy ăn chút cháo cho đằm bụng để uống thuốc.
Sợ phiền lòng Chi nên An gượng ngồi dậy húp hết tô cháo.
Tự nhiên Chi cười, khen:
- Tốt lắm.
Nghe tức cười, đôi môi khô của An cũng nhích lên một tí.
- Tí nữa sắp ngủ, anh uống thêm hai viên thuốc em đưa nơi anh Phúc - Chi lại dặn - Ráng ngủ ngon đêm nay, mai sẽ khỏe.
- Cám ơn cô.
Chi nói nhỏ vừa đủ cho An nghe :
- Sao anh cám ơn mãi vậy.
An bào chữa, giọng yếu ớt :
- À, tại vì … không biết nói thế nào với cô. Nếu không bằng lòng thì lần sau tôi sẽ không nói như thế nữa.
- Cũng không được gọi bằng cô – Giọng Chi làm ra vẻ nghiêm túc nhưng có kèm theo một nụ cười. An thầm nghĩ “hóa ra bây giờ ta trở thành trẻ con, còn Chi như là người chị được quyền sai biểu, cũng hay hay”.
Trước khi đi Chi dặn :
- Anh nhớ đắp chăn kín ngực và cổ.
An không biết nói gì, chỉ giữ im lặng, mắt nhìn theo Chi cho đến khi cô ra khỏi cửa. An biết sự đau đớn thế xác như thế này là do ảnh hưởng từ tinh thần, biết vậy nên anh tự cố gắng bớt suy nghĩ về Nhung cho vơi đi. Không gì mãi bâng khuâng cho bằng tình xa tình nhớ.
Ngày hôm sau tự nhiên An thấy nhẹ trong người, cũng do sức trẻ nên mau vượt qua, và An bỗng nhớ tới một nhân vật trẻ tuổi, trong truyện ngắn của Max Shulman. Khi cảm thấy lòng mình đã yêu rồi, anh ta nói với Polly:“Polly, anh yêu em. Đối với anh em là tất cả thế gian này, là mặt trăng, là những vì sao, những thiên hà của khoảng không vũ trụ. Em yêu dấu, xin em hãy nói là em sẽ chỉ hẹn hò với anh mà thôi, bởi vì nếu không, đời sẽ bằng vô nghĩa. Anh sẽ mỏi mòn. Anh sẽ bỏ ăn. Anh sẽ lang thang trên trái đất này, tiều tụy, tả tơi”.
Bây giờ An mới thấy gần đúng như những lời ấy. Thiếu Nhung, mọi sự hình như không còn ý nghĩa. Biết đâu, lời của Shulmen đã trở thành chân lý. Trước đây, An đã buồn cười vì sự uỷ mị hơi quá đáng đối với trình độ học thức của Shulman, tất cả sẽ “tiều tụy, tả tơi” nếu không gặp được nàng. Chàng ta hơi ngông chăng, ví nàng là tất cả mọi sự trên đời.
An không đặt để Nhung ở ngôi vị tuyệt đối như thế, anh chỉ biết đó là Nhung, tình yêu đầu đời của anh, trái tim của anh. Thiếu Nhung anh thật sự hụt hẩng trống trãi, chỉ cảm thấy khí lạnh của đá và sương muối nơi đây. An đã bị ảnh hưởng câu văn này khá sâu rồi chăng.
Chiều nữa Chi lại vào thăm, Phúc nói thấy An đỡ lắm rồi, ăn uống ngon miệng.
- Vậy cũng được rồi, chỉ cần cái chân mau lành để còn tháo bột.
Phúc kéo tay em gái lại gần, nói thật nhỏ :
– Nè Chi, anh hỏi thật, em đã có người yêu chưa?
- Chi vậy?
Phúc cười:
- Ở đây mà gặp được người đồng hương là quý lắm em à. Em cố gắng chăm sóc cho An mau khoẻ, nói vậy là em hiểu rồi. An chưa có vợ.
Chi đưa mắt sang giường An, suy nghĩ “Mình có thể làm được công việc anh Phúc nói không, với một con người yếu ớt tiều tụy như thế này?”. Nhưng cô tự nhủ, dù gì thì cũng phải cố gắng lo cho anh ấy bình phục chứ không thể kéo dài tình trạng này.
Chi có vài người bạn trai muốn làm thân nhưng cô chưa để tâm yêu thương ai. Ở miền cao đầy nắng bụi mưa bùn này, rừng núi thâm u, tuy sống ở đây gần sáu năm nhưng cô vẫn thấy lạc lõng giữa những người quen biết không cùng chung tiếng nói. Biết An là người đồng hương, tình cảm gần gũi chợt len đến, bỗng dưng cô thấy chạnh lòng trước khuôn mặt hốc hác xanh xao của An, và khó mà hình dung được khuôn mặt thật của anh trước kia như thế nào, giờ này chỉ còn là góc cạnh. Trông An già đi, khô gầy với đôi mắt trũng sâu. Chi hơi tội nghiệp cho An, dù sao thì cũng không thể thờ ơ với anh trong hoàn cảnh này.
Chi bước qua gần An, ngồi cạnh giường. Nghe động, An mở mắt.
Chi hỏi :
- Anh có thấy đỡ chút nào không?
- Có. Đỡ nhiều rồi.
- Hồi hôm ngủ được không?
- Có
- Sáng giờ có ăn uống gì không?
- Có.
Chi bật cười :
- Anh làm như trả bài - Xong Chi đặt tay lên cổ tay An bắt mạch một lúc rồi nói cho An biết : – Mạch hơi yếu nhưng không sao, người nào bị thương mới vào đây cũng vậy, anh ráng tĩnh dưỡng sẽ qua khỏi thôi, chân bó bột cũng khá lâu rồi, khỏe lên mà còn tập đi.
An nhìn Chi tỏ vẻ biết ơn cùng với nụ cười làm vui. Chi nhìn một thoáng vào hai cái hốc sâu đôi mắt An và nói với giọng của một thầy thuốc:
- Em có đem theo nhiều thuốc bổ, uống vào giấc ngủ sẽ dễ chịu hơn.
An chưa kịp trả lời thì Chi đã đứng dậy đi ra ngoài, một chốc mang vào tô phở, lấy đôi đũa quậy sợi phở lên cho nguội. An tự động ngồi dậy, cám ơn Chi trước khi ăn.
- Lại cám ơn - Chi nói nhỏ.
Tự nhiên An thấy ngon miệng, một thoáng vui trong lòng, một phần không muốn để mất lòng cô gái. Thấy An ăn hết tô phở, Chi yên bụng. Trước khi về, cô dặn lại An nhớ uống thuốc của cô đưa. An gật đầu vâng theo.
Ra đến cửa bỗng nghe tiếng của Thăng :
Chi ơi, sao mà chỉ một tô phở vậy, ganh tị lắm rồi nghen.
Cái anh này, chọc quê người ta hoài.
CHƯƠNG XVI
C hừng hơn một tuần Phúc được ra viện, có dặn khi An ra viện thì ra ở lại nhà Phúc để còn tập đi đứng cho mạnh chân mới về quê được. Thời gian này Chi vẫn ra vào chăm sóc cho An. Gần nửa tháng sau An được xuất viện và tận tay cô dẫn anh lên xe về nhà mình.
Cả nhà vui vẻ đón chào, ai cũng mến anh nên sự hòa hợp khá tự nhiên cởi mở, không ai nghĩ anh là khách lạ và xem như người thân trong gia đình, một phần cũng do bản chất dễ dung hòa của An.
Tuy vậy, tâm tư vẫn chút thoáng buồn, nhớ quê nhớ người. Với chân cẳng như thế này, anh không thể về quê gặp mẹ, sợ mẹ buồn. Và không thể về nơi phố Huế, sẽ như thế nào để khỏi gặp bóng dáng Nhung đi về đâu đó trên những con đường quen thuộc thân thương. Ở đây có lẽ là nơi thích hợp để anh dung thân trong thời gian chờ đi đứng được bình thường trở lại.
Mỗi buổi chiều An thường ngồi ngoài hiên cửa nhìn hoàng hôn xuống mau giữa bốn bề núi rừng, cây cối lau lách buồn hiu, vài cánh chim chiều tìm tổ bay về. Thấy vậy, Chi lại xúc động nghĩ rằng, chiều nào An cũng ngồi đợi mình về, luôn trên môi anh một nụ cười chào đón, không vồn vã nhưng thắm tình. An biết Chi đã dành nhiều tình cảm cho mình, biết mình sẽ đón nhận như thế nào cho phải nhân phải nghĩa, bởi Phúc và Chi đã sốt sắn đưa An về nhà chăm sóc chờ ngày tháo băng.
Không tự dối lòng mình khi đôi lần cảm xúc trước chân tình của người con gái Huế, tiếng nói ngọt ngào, bản tính chân thành, quán xuyến. An trông đến ngày đôi chân đi lại được mạnh mẽ để ít ra trước mắt Chi, anh không còn là kẻ tật nguyền để cô khỏi phải vất vả vì mình.
Đến ngày tháo bột, Chi nghỉ làm, đưa An vào viện. Sau đó dặn anh phải chuyên cần tập đi, nhất là những khi cô vắng nhà. Khi có thời gian rãnh rỗi, Chi cầm tay An dẫn đi quanh sân, quanh vườn, đôi lúc vui vẻ cười đùa thân mật tự nhiên.
Hơn hai tháng ở lại đây là khá lâu đối với An, một phần cũng do sự níu kéo của mọi người trong nhà. An biết Chi đang trông chờ anh một cử chỉ, lời nói ân cần, mặc dù trong thâm tâm anh nghĩ không lẽ người con gái này lại thương yêu một người không lành lặng như anh.
Những lúc vườn không, nhà vắng, An có vài cử chỉ thân tình gần gũi với Chi, vừa để tỏ lòng biết ơn, vừa dò xét ý tình. Thấy Chi có vẻ mở lòng mở dạ, lòng anh cũng ấm lên chút tình thương mến giữa miền núi rừng xứ lạ.
Ba má Chi rất quý mến An, cả nhà hết lòng chăm sóc cho anh mau hồi phục, lại không muốn rời xa. Ở lâu trong nhà cũng buồn, An hẹn với Chi ngày mai chủ nhật cùng ra phố uống cà phê nghe nhạc.
Ngồi trong quán, An nhắc lại câu nói lúc ở nhà với Chi :
Tuần sau anh sẽ về nhà, sẽ cố gắng phục hồi sức khỏe và tìm công việc gì đó để làm. Lâu ngày không về, chắc là mẹ trông lắm.
Mẹ anh bằng tuổi mẹ em?
An đoán chừng:
Cũng khoảng gần sáu mươi, thấy còn khỏe mạnh, mau mắn lắm.
Về nhà, anh nhớ cho em gởi lời thăm mẹ.
Câu nói của Chi khiến An xúc động, cầm tay Chi, anh nói nhỏ :
Anh sẽ viết thư cho em.
- Để em đi mua vé cho anh.
- Em bận đi làm, để nhờ Phúc mua giùm.
- Anh đi xe hay máy bay?
- Đi máy bay. Đường bộ lúc này hay bị đặt mìn nguy hiểm lắm.
An cầm bàn tay Chi, cô vẫn để yên tay mình trong tay anh. An cảm nhận sự thân tình phải có trước khi chia tay. Dù sao, An vẫn đang cần đến một bàn tay ấm áp, lời nói dịu dàng, nghe như bản năng của trái tim cần nhịp đập yêu thương.
Đường về quê không còn xa lắc bởi lòng An đang nôn nóng, hơn cả năm nay chưa về lần nào, chỉ vài lá thư thăm hỏi, chắc mẹ trông lắm. Xe hàng ngừng gần ngõ, An bước vội qua cổng, thấy mẹ đang ngồi trước hiên nhà, An cố gắng tạo dáng đi bình thường đến gần mẹ:
Giờ này mẹ chưa nghỉ trưa sao còn ngồi đây?
Mẹ mừng quá đẩy ghế đứng lên :
Uả con về rồi hở? Mẹ có nhận thư của con, bình an cả hai đứa là mẹ mừng. Mẹ vừa ăn cơm xong, chưa muốn ngủ nên ngồi đây, lâu rồi cũng quen.
Câu nói của mẹ hàm chứa nhiều ý khiến An xót lòng,“lâu rồi cũng quen” có nghĩa là mẹ thường ngồi đây trông chờ hai đứa con ở xa trở về. Mẹ côi cút làm sao! Cuối cùng thì An không giấu được việc anh đã bị thương ở chân, nằm viện hai tháng ở Pleiku, giờ về đây kiếm việc gì làm để được gần mẹ. Nghe lời nói của An, mẹ anh rất vui, hai khóe mắt rưng rưng.
Quanh quẩn bên mẹ chừng nửa tháng, An lên phố Huế tìm gặp những người bạn thân lúc còn học trường Quốc học và ở Ký túc xá. Có người bạn đang dạy học ở một trường tư thục biết hoàn cảnh, giới thiệu An vào dạy môn toán cùng trường. An rất vui mừng vì sự may mắn không ngờ tới, và thêm may mắn nữa là được ở tại Ký túc xá với danh nghĩa sinh viên đang học tiếp chương trình cử nhân.
Ký túc xá sinh viên chỉ cách nhà Nhung một cây cầu, nhiều lần đến nhà thăm viếng, An được mẹ Nhung cho biết Nhung đã lập gia đình ở Nha Trang. An rất mở lòng khi biết Nhung đã có tổ ấm, không còn một mình cô đơn nơi xứ lạ quê người, cảm giác vững tin khiến anh càng vui vẻ với công việc, lòng vơi thương nhớ.
Thư đi tin lại với Chi, An nói sẽ lên Pleiku thăm gia đình Chi trong thời gian nghỉ tết. Phúc rất vui khi thấy An trở lại, tức là muốn tiến đến với em gái mình, điều mà Phúc rất mong muốn. Ba của Chi cũng cho biết, trước khi lên đây công tác, gia đình ông ở Huế, đường Mai Thúc Loan trong Thành Nội, hiện cho hai người cháu ở quê lên ở lại, học trường Quốc học. Nếu hai người nên vợ nên chồng thì sẽ về đó ở, lâu nay cũng có nghe Chi nói đã làm đơn xin thuyên chuyển về Huế.
An thấy nhẹ lòng khi nghĩ đây cũng là cuộc hôn nhân trọn tình trọn nghĩa. Anh trao đổi với ba mẹ Chi việc cưới hỏi sẽ vào dịp hè sắp tới cho rộng rãi thời gian. Chi cũng muốn vậy, để có thời gian chờ quyết định chuyển công tác về Huế vì có thâm niên và được sự thông cảm của cấp trên. Nghe đâu sẽ có quyết định vào tháng chín.
Vài ngày ăn tết cùng gia đình Chi thật đầm ấm, niềm vui no tròn. Phúc cũng báo tin cho cả nhà biết mùa xuân năm tới anh sẽ cưới vợ.
Đúng ngày dự tính, mẹ và vợ chồng người chú của An lên Pleiku, cùng với người anh ở Sài Gòn cũng lên tham dự lễ cưới. Nhìn cô dâu chú rể cân xứng vừa đôi, ai cũng thấy lòng mỹ mãn. An thầm nghĩ, tất cả đã được an bài, tự nhủ sẽ làm đầy đủ những gì của một người chồng, cần phải yêu thương Chi hết lòng, đáp lại tình yêu của Chi với muôn vàn ân nghĩa. Kỷ niệm xưa không mất, nhưng dòng đời thì phải cuốn theo, một hạnh phúc dung dị, một mái ấm đơn sơ nhưng thắm thiết chân tình.
Xong lễ cưới, chú thím của An về trước, mẹ An còn ở lại chơi thêm vài ngày. Thấy ba mẹ Chi còn quyến luyến nên An ở lại đến khi hết hè, An về chuẩn bị dạy học vào niên khóa mới. Mọi việc trôi tròn khiến ai cũng nhẹ nhàng thỏa mái. Thời gian sau, Chi được chuyển về Huế, mẹ An cũng đã lên ở với An lâu nay. Ba người ở nhà dưới, hai người cháu ở trên gác.
An rất vui lòng khi thấy mẹ vui vẻ tươi cười hơn khi ở quê, còn quán xuyến việc đi chợ, nấu nướng.
Chi nói:
- Để con đi làm về ghé chợ mua thức ăn, mẹ đi chợ chi cho mệt.
- Chợ gần đây có ba bước, đồ ăn nhiều mà dễ mua, con đi làm về nghỉ ngơi cho khỏe, mẹ làm bình thường có mệt nhọc gì đâu, giúp được cho hai đứa là mẹ vui lắm rồi, chỉ cầu cho có sức khỏe.
Chi thấy mẹ sốt sắn lo cho mình, cô mua khăn len áo ấm cho mẹ lúc trời sắp vào đông, và rất động lòng khi thấy mẹ ôm chiếc áo len vào lòng, thể hiện thâm tình trong lời nói:
Con thế này là mẹ vui lắm rồi, ruột thịt cũng vậy mà thôi. Mới chung sống có mấy tháng, thấy mẹ và Chi yêu thương gắn bó, An cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc của mẹ là hạnh phúc của anh, anh phải trân quý giữ gìn.
Cũng nhờ có cuộc sống mới, với mẹ, với người vợ vừa quen hơi bén tiếng, thời gian êm ả trôi qua. Những buổi tối Chi có ca trực ở bệnh viện, An thường ra quán cà phê ngồi một mình, đường phố vắng bóng một người nên đường phố không vui, những ca khúc trữ tình ngân nhẹ như lời vỗ về xoa dịu.
Trời đang thu, những cơn gió nhẹ lay bay, lá sầu đông rơi rụng bên đường như khơi như gợi, không trống vắng nhưng không tràn đầy. Rồi anh trở gót quay về, nơi có Chi với vòng tay hơi ấm, vun đắp yêu thương.
Thời gian nữa, biết vợ có thai, anh thầm cám ơn Chi, nhờ nàng mà anh có được niềm vui và lẽ sống.
CHƯƠNG XVII
N hung sinh bé gái đầu lòng, càng lớn bé càng giống bà nội nên Hòa rất cưng. Mới mấy tháng mà hai chân cứ chống thẳng muốn đứng lên, hai mắt lúc nào cũng mở to ngơ ngác tròn vo như hai viên bi. Hòa gọi tên con là Bé Bi. Thật tình Hòa rất thích con trai nhưng thường tự an ủi “Con gái đầu lòng cũng được thôi, nhưng đứa thứ hai phải là con trai, nó sẽ làm đầu đảng”. Mỗi lần đi cà phê hoặc đi chơi đâu không mang con gái theo thì lại giả bộ nói với bé, nhưng cố tình cho Nhung nghe “Nếu Bé Bi là con trai thì đi đâu ba cũng chở đi theo rồi”. Lúc nào cũng nếu là con trai thế này, nếu là con trai thế nọ, tức là anh mong muốn con trai lắm lắm. Nhung nghĩ, nếu lần sau sinh con gái chắc là anh sẽ thất vọng nhiều.
Ngày nào gần đến giờ Hòa về, bà nội cũng bồng cháu đứng trước cửa đón. Nghe tiếng xe của Hòa là bé nhào mình ra, hai tay đưa tới. Niềm vui này cầm chân được Hòa ở nhà nhiều hơn lúc trước, giúp được cho Nhung một số công việc, ẳm bồng, khuấy sữa, có khi giặt áo xống của bé. Làm việc nhà khá hăng hái nhưng thói quen đâu có dứt được, thỉnh thoảng có những buổi tối đi quên đường về, nhiều lúc về trễ nhưng Nhung lâu nay hơi thấy lạ, mặt mày ra vẻ nghiêm túc, chỉ sương sương hơi bia, lại cầm một xấp giấy tờ đựng trong cái chemise bằng nhựa màu trắng, xong ngủ ở divan, lâu nay vẫn thế.
Biết vậy nhưng Nhung không ý kiến gì, chỉ gợi ý hỏi qua thì anh nói có những việc phải làm mà cô không thể biết được, cô cũng không hiểu anh có việc gì mà bí mật đến thế. Mỗi tuần vài lần, chiều đi dạy về, ăn xong cơm tối lại đi, tám chín giờ tối về thức khuya chấm bài, cộng sổ, rồi lại mở xấp giấy ra xem. Thấy lạ nhưng Nhung chỉ để bụng, không tìm hiểu gì cho thêm nhiều chuyện.
Bé Bi ngày càng già tháng, mọc răng, tập lật tập bò, khi thì sốt cao khi tiêu chảy. Nhung vừa đi dạy vừa chăm sóc con vất vả là thế, đêm hôm khuya khoắt còn canh giấc ngủ cho con. Khi con hết bệnh thì mẹ bệnh, sức khỏe cô có phần sút giảm, người hay bơ phờ mệt mỏi.
Sáng ra, mặt trời lên cao. Hoà mở mắt không thấy Nhung dậy sớm để chuẩn bị đi dạy như thường khi, anh vào phòng thấy mặt vợ đỏ nhừ, mắt nhắm nghiền không biết có anh vào. Anh đặt tay lên trán Nhung và giật mình thấy nóng quá.
Nhung mở mắt thấy Hoà, cô giận dỗi quay mặt vào trong.
Hoà hỏi :
- Em bệnh hồi nào?
- Thôi đi, hỏi làm gì.
Hoà xuống giọng:
- Anh có làm gì mà em bực mình, sao giờ này chưa dậy đi dạy?
- Không thấy sốt à?
- Biết rồi, uống thuốc chưa?
- Rồi
- Ăn gì chưa?
- Có gì mà ăn?
Để anh đi mua.
Kệ tui
- Đừng có nói bậy, để anh đi mua phở.
Thấy hai tô phở đem về với ổ mì, Nhung giục:
- Anh ăn trước đi, còn đến trường xin phép cho tui nghỉ ngày nay, rồi đi dạy kẻo trễ, phần của mẹ để đó.
Những ngày sau Hòa ra vẻ chân chỉ không ai bằng, đi đi về về với nét mặt ưu tư như có điều gì lo lắng. Không thể giấu được với Nhung, anh nói về một số hoạt động của Đảng này Đảng khác như ẩn ý rằng anh đang hoạt động trong một Đảng nào đó, ra khỏi nhà là đi có việc, đi chơi giải trí chỉ là thỉnh thoảng, ly bia ly rượu chỉ là làm cảnh.
Nhung có biết ít nhiều về các Đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng là hai Đảng đang hoạt động mạnh trong thời điểm này mà hầu như ai cũng biết. Việc Hòa nói là sự thật, nhưng không rõ anh thuộc Đảng nào. Hai tổ chức Đảng phái này chủ trương phong trào yêu nước, ngấm ngầm chống chính quyền. Gần đây nghe tin một số bị bắt hoặc bị thủ tiêu. Trong lúc ở trường học,chính tay Nhung ký tên mình vào danh sách Đảng Dân Chủ đã được đánh máy sẵn, dành cho giáo viên các trường học. Ai cũng hiểu đây là Đảng của Chính quyền Quốc gia, một hình thức gần như ép buột.
Tình hình thời gian gần đây rất nhiều biến động, dân trong thành phố không yên tâm sinh sống. Lựu đạn nổ ở các rạp chiếu bóng, đường xe tàu thường xuyên bị gài mìn. Các phi trường, cơ quan quân sự, đồn bót thường bị pháo kích, vài ba hôm lại nghe nhà sập, dân chết. Không khí chết chóc bao trùm căng thẳng khắp nơi.
Những bài báo Hòa mang về gần đây nhiều tin tức quan trọng đáng lo ngại. Chiến sự đang khốc liệt trên các mặt trận miền Trung và Lục tỉnh miền Nam. Quân đội Bắc Việt chuyển đủ loại vũ khí có sức công phá rất mạnh, lực lượng rất hùng hậu gấp mấy chục lần lính Quốc gia, áp đảo trên các chiến trường. Theo tin tức báo đài và từ các trận chiến đưa về, bộ đội dùng chiến thuật biển người tấn công vũ bão, quyết chiếm miền Nam.
Những cuộc càng quét của quân đội Mỹ tại các tỉnh Tây nguyên và các vùng quê ngày càng lan rộng. Quân Bắc Việt quyết chiến đến cùng, hai bên chết và bị thương có đến hàng ngàn người trên mặt trận, kể cả lính và nhiều sĩ quan Mỹ tử trận.
Hàng ngày trên quốc lộ, những chiếc GMC chở xác quân nhân về đồn trại ai cũng thấy, rất thương tâm. Nội chiến không biết kéo dài đến bao lâu, biết bao cô nhi quả phụ mất chồng mất cha, tất cả chỉ biết cúi đầu chấp nhận. Đất nước đang chiến tranh, bom rơi đạn nổ ngay trong thành phố, dân lành đứng ngồi không yên.
Lệnh thiết quân luật ban hành khắp các tỉnh.
Nhung thường nhắc nhở Hòa:
- Anh hay gặp nhiều người, nói năng phải dè chừng, không phải ai cũng đáng tin tưởng đâu. Bàn tán nhiều coi chừng tai vách mạch rừng.
Hòa tĩnh như không:
- Là em chưa biết đó thôi. Tình hình này không có nơi nào người ta không xôn xao bàn tán. Ai cũng đang hồi hộp lo sợ, nơi nào bây giờ cũng có thể là trận địa, chẳng đâu ăn yên ở yên được.
- Gần đây một số giáo sư, sinh viên bị bắt ra Côn đảo. Anh coi chừng thận trọng việc đi đứng. Đảng Dân Chủ sờ sờ ra đó, hình như đang dò xét đường đi nước bước với mấy Đảng gì đó của anh.
Hòa như chấp nhận sự đã rồi, dặn dò:
- Em đừng nói đi nói lại với ai nghe không.
Biết Nhung hiểu được phần nào nội tâm của mình, Hòa thấy hơi dễ chịu trong lòng. Thật tâm anh đã sinh hoạt trong Đảng từ lâu, trước tình hình đất nước đang cơn binh loạn, nhiều phe phái, nhiều lực lượng chống đối của thành phần trí thức phản chiến. Lại nghe trên các phương tiện thông tin đài báo, sự hiện diện của quân Bắc Việt vào miền Nam có đến hàng trăm ngàn vừa lính chính qui vừa lực lượng du kích địa phương, với đầy đủ vũ khí xe tăng, đạn pháo hỏa tiễn gấp nhiều lần so với Việt Nam Cộng Hòa, gây xôn xao dư luận trong mọi tầng lớp nhân dân trong nước và trên thế giới.
Tiếp đến là các trận đánh ác liệt liên tiếp ở các tỉnh miền Nam, Đồng Xoài, Bình Gĩa, Mộ Đức, Chu Lai và lan rộng các tỉnh Tây Nguyên, ngày nào cũng có thông tin cập nhật trên đài báo. Quân đội Cộng hòa thua nhiều trận phải tháo chạy, bỏ lại chiến trường có đến hàng trăm xác lính Việt Nam và lính Mỹ, chưa kể số mất tích, bên quân Bắc Việt số lượng thương vong cũng tương đương.
CHƯƠNG XVIII
K hoảng gần nửa tháng 3/1975 Nhung tới trường buổi sáng, bất ngờ thấy trong các phòng học đầy người di tản. Học sinh lần lượt ra về theo lệnh của thầy Hiệu trưởng, một số em tò mò còn ôm cặp đứng ngoài cửa lớp hoặc trước cổng trường nhìn vào nghe ngóng, một đỗi thì không ai biểu ai, tất cả đều hấp tấp chạy về nhà để báo tin cho gia đình, chỉ còn một số giáo viên trong trường phải ở lại theo yêu cầu của Ban Giám Hiệu.
Trao đổi với số người chạy nạn, mới biết họ chạy về từ Ban Mê Thuột. Lính Cộng hòa thua trận rút quân hết. Quân Giải phóng hoàn toàn làm chủ Tây nguyên, tiếp tục tiến về Giải phóng đồng bằng ven biển. Dân Kontum, Daklak trên đường chạy về Phú Yên, Nha Trang, rất nhiều người bị trúng pháo chết giữa đường, vợ lạc chồng, con lạc mẹ. Những người thoát nạn về đây đa số mất dép, chạy bằng chân không, nhiều người hai chân còn rướm máu ung mủ sưng phù.
Các trường học trở thành nơi tị nạn cho người di tản, giáo viên phân phát gạo sấy, thịt hộp cho họ, vừa làm vừa lo lắng nghe ngóng tình hình. Các thầy cô xong việc cũng theo nhau ra về, rồi chẳng thấy ai trở lại trường những ngày sau đó. Không biết số phận những người tị nạn tiến thối thế nào khi hai chân của họ đang còn đau đớn không đi được và nhiều người không còn tiền bạc, bởi nhiều nguồn tin cho biết Quân Giải phóng sắp tiến đánh Nha Trang, hai tỉnh cách nhau chỉ hơn 100km.
Nhung về đến nhà đã thấy Hòa ẳm con đứng chờ ở cửa, nói rằng bộ đội đang tiến về Nha Trang. Một số đồ đạc của mẹ đã cho vào bao bị nhưng Hòa nói là mẹ cứ ở nhà, lớn tuổi rồi không cần phải chạy đi đâu, chỉ có công viên chức nhà nước mới sợ mà chạy thôi.
Nhung vội sắp xếp áo quần và một số đồ dùng cần thiết vào giỏ xách, rồi đưa cho mẹ ít tiền để ở lại chi tiêu. Hòa biểu Nhung ra chợ mua thêm ít thức ăn và bánh trái để dành cho em bé lúc đi đường. Sau đó anh xách xe đi theo dõi tình hình, bởi tin tức từ Đài phát thanh giờ này chỉ là những lời trấn an không còn đáng tin tưởng, chỉ còn biết tin vào những lời đồn ngoài đường và bà con hàng xóm. Người nói sẽ chia từ Nha Trang đến Phan Thiết, người nói chia đến Cam Ranh. Người bảo Phan Thiết mất thì Sài Gòn sẽ mất. Từ đó mạnh ai nấy suy đoán và tự quyết định lấy số phận của mình.
Làn sóng người Nha Trang và các vùng phụ cận bắt đầu di tản ùn ùn trên mọi ngã đường. Xe hơi, xe máy chở đầy người hướng về quốc lộ phía nam. Một số phân vân giữa đi và ở lại, chẳng ai đoán định được tình hình. Người đi thì nổ máy xả ga. Người ở lại thì tìm lánh đến những nơi xa đồn bót, xa phi trường để tránh bom đạn pháo kích.
Lúc trở về nhà, Hòa vẫn chưa dứt khoát nên ở hay đi mặc dù mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng. Anh nói mẹ cứ yên tâm ở lại, vì sẽ không kham nổi chuyến đi, mà cũng chưa biết đi đâu, người ta chạy đâu thì mình theo đó. Sau đó anh liên hệ với người gần nhà gởi gắm mẹ. Hàng xóm có người không đi, mẹ anh mới yên tâm ở lại.
Vợ chồng Hòa nghĩ bản thân là giáo viên không làm gì liên lụy, có thể ở lại hoặc không nên chạy xa làm gì cho khổ vì có em bé. Cho đến tối vẫn chưa quyết định, mặc dù rất sốt ruột vì thấy ngoài đường xe chạy không ngớt về một hướng, thành phố trở nên vắng vẻ lạ thường.
Sáng mai, Nhung hỏi ý kiến Hòa:
- Bây giờ tính sao đây?
- Theo nguồn tin khá chắc chắn là có thể chia từ Phan Thiết, mà cũng có thể đánh tới Sài Gòn, thì chắc chắn Nha Trang sẽ xảy ra trận chiến, mình dạy học, không có gì phải quá sợ, quan trọng bây giờ là tránh bom đạn.
- Nhưng mà nghe nói họ sẽ rút móng tay tất cả.
Nguồn tin này đã truyền khá lâu rồi chứ không phải mới nghe. Nhung lo sợ thật sự và đã cắt tận móng từ mấy hôm nay rồi. Hòa cũng có nghe đồn chuyện này nên không ý kiến gì. Có điều anh đang nghĩ tới chuyến đi sẽ rất vất vả. Nếu không đi thì thôi, đi thì phải đến tận Sài Gòn bởi ai cũng nghĩ quân Giải phóng không dễ gì đánh vào Sài Gòn.
Suy nghĩ một lúc, Hòa quyết định :
- Ngoài đường nhiều gia đình con cái còn nhỏ họ vẫn đèo đi trên xe, em thấy không.
- Hay là chạy về nhà quê ?
- Thôn quê có thể là bàn đạp của du kích nằm vùng, có thể họ sẽ kết hợp với quân chính qui từ Ban Mê Thuột xuống.Thôi chuẩn bị đi em, mình đi cho rồi.
Nhung giấu kỹ một số tư trang trong lai áo của Bé Bi, chỉ để một chiếc nhẩn vài phân phòng lúc đi đường, nhưng cũng giấu vào nơi kín đáo. Cô ôm con ngồi sau, trước hai chỗ móc xe là hai giỏ xách đầy ắp thức ăn vật dụng và một bình xăng đầy.
Ra tới quốc lộ, mọi loại xe máy đều nhập vào nhau cùng đi, lâu lâu có những chiếc xe nhà binh và xe hơi nhà chở đầy người vượt qua rất nhanh. Qua khỏi cải lộ tuyến, xe kéo dài thành từng đoàn đầy đường. Tiếng hỏi thăm tình hình hòa với tiếng xe nổ khiến không khí giữa đường sôi động hẳn lên, ai cũng phập phồng nôn nóng.
Chạy thêm chừng vài cây số bỗng nghe nhiều tiếng nổ lớn từ phía sau dội lại. Người thì đoán đang đánh nhau ở Nha Trang, người thì chắc chắn là kho xăng nổ vì thấy cột khói đen bốc cao, rồi tất cả vội xả ga cho xe chạy thục mạng. Không có xe chạy ngược chiều nên xe nào cũng thuận đà rú ga. Những xe yếu máy hoặc chở trẻ em thì chậm lại phía sau nhưng cũng tăng hết tốc độ. Sau đó là những tiếng nổ long trời liên tiếp phía sau.
Nhung nói vừa đủ cho Hòa nghe:
- May mình chạy kịp, không biết ở Nha Trang bị gì?
Gần trưa xe đến Cam Ranh, Hòa nói có người em bà con tên Hiền ở đây, chắc phải ghé lại nghỉ ngơi, lo cho em bé ăn uống rồi đi tiếp. Bất ngờ khi đến nhà Hiền thì trong nhà đã đầy người di tản, một số là bà con của vợ chồng Hiền, một số là người đi theo cùng đoàn, tất cả đang suy tính không biết nên đi hay nên ở. Ngoài quốc lộ, xe hơi xe máy vẫn chạy liên tục khiến ai cũng nóng lòng.
Quân, chồng của Hiền và người em trai đều là sĩ quan quân đội Cộng Hòa vừa chạy thoát về đây cách mấy tiếng, thấy xe chạy ngoài đường không ngớt, vội ra sau vườn đào lên mấy cây súng, hấp tấp từ biệt vợ con, lên xe jeep đi ngay vì biết quân Bắc Việt lấy được Nha Trang thì lấy Cam Ranh là việc dễ dàng, chỉ cách nhau chừng 50km, phải lo mà chạy.
Vài tiếng súng nổ rất gần khiến Nhung và Hiền giật mình, vừa nghe nguồn tin có cướp rất nhiều trên đường, bắn chết cả người đi đường lấy của, ai cũng lo lắng bồn chồn, nhưng gần nửa tiếng sau thì xe jeep của Quân quay trở lại, nói rằng quân cướp bắn phá đầy đường không thể đi qua được vì là xe nhà binh, tụi nó sẽ bắn trước. Quân nói thấy cướp chặn lại thì phải giấu súng, chẳng lẽ bắn nhau, biết ai sống ai chết, nhưng những xe di tản vẫn liên tục chạy vì không thể nào trở lui được.
Một đêm căng thẳng trôi qua. Suốt đêm không ai dám nói tiếng to, không dám để đèn sáng. Nghĩ đến cướp mà khiếp hãi còn hơn sợ Việt cộng tràn vô. Đến khi trời rạng, trong nhà vẫn chưa ai có ý kiến, cho đến khi có tiếng xe qua lại ngoài đường mới dám mở cửa, người di tản trên đường càng lúc càng nhiều. Quân lái xe jeep ra một góc đường quang cách xa chừng vài trăm mét, bỏ xe lại đó và chạy bộ về nhà.
Trên đường bỗng có nhiều xe máy chạy ngược lên hướng trên, người trên xe toàn là thanh niên ăn mặc thường dân, có người còn mặc quần đùi, kẻ mặc áo may-ô, một lúc lại thấy họ chạy trở về, trên xe có mấy bao gạo và nhiều bao đồ đạc, nghe nói họ lấy ở các cửa hàng tạp hóa không có chủ. Một vài xe jeep nhà binh chở thanh niên mặc civil, tay người nào cũng bồng súng trường súng lục chĩa mũi lên trời. Hỏi ra thì biết họ là những quân nhân đang tháo chạy vì có nguồn tin Cam Ranh đang tiếp tục bị đánh chiếm. Nghe vậy, không ai còn kịp suy nghĩ, cả nhà vội ăn lót lòng rồi lên xe chở nhau lên đường. Vợ chồng Quân và mấy người con chạy đến chỗ để xe jeep, lên xe phóng nhanh. Vợ chồng Hòa cũng lên xe vội ra đường.
Ra khỏi thị xã vài cây số, thấy nhà cửa hai bên đường đóng kín. Thỉnh thoảng có một vài xác chết đắp chiếu nằm bên lề đường, quang cảnh thật khủng khiếp lạnh người. Đi thêm một quãng nữa thì những xe phía trước bị chặn lại.
- Bị cướp rồi.
Hòa kêu nhỏ và nhìn phía trước thấy bọn cướp đang dùng súng uy hiếp, lục lạo trên những chiếc xe bị chặn.
Hoà phanh xe lại quan sát tình hình. Nhung sợ khiếp ẳm con sát vào lòng chờ Hòa quyết định. Bỗng anh quay xe lui khi thấy bọn cướp cho những chiếc xe kia chạy đi, sợ nếu đi tới sẽ bị chặn khi chúng đang rãnh tay, nhưng đằng sau lại có hai chiếc xe hơi nhà và mấy xe máy khác đang nhanh đà vượt lên rồi bất ngờ bị nhiều mũi súng chặn lại. Một xe hơi và hai chiếc xe máy đang bị lục soát, số kia chạy thoát. Thừa cơ, Hòa quay xe lại, phóng qua đám cướp cùng với đoàn xe đang từ phía sau tiến lên. Chưa kịp mừng thì Hòa thắng gấp xe. một mũi súng lục ngăn bánh xe trước. Tên cướp mặc đồ lính còn rất trẻ, khoảng trên dưới hai mươi, mặt đỏ gay bị mấy vết sướt đang rướm máu, giọng lè nhè :
- Có gì tự động đưa ra không tao bắn.
Thấy bộ dạng của nó khó thuyết phục, hình như vừa mới đụng độ cướp giựt của ai rồi, Nhung vội mở banh miệng cái xách ra, giọng mất bình tĩnh:
- Anh cứ mở ra xem, toàn là quần áo với mấy đồ dùng em bé chứ không có gì hết. Tôi có ít tiền đi đường đây.
- Không biết - tên cướp lắc đầu - Vàng đâu, không đưa tao lục có tao bắn.
Bé Bi thấy thái độ hung hãn của tên cướp sợ qúa khóc to lên. Nhung vội lấy hộp phấn mở ra, đưa khâu vàng cho tên cướp, năn nỉ :
- Tôi chỉ có chừng đó, nếu anh lục mà có thêm thì tôi chịu. Anh cho cháu đi.
Tên cướp cầm lấy khâu vàng, mắt liếc quanh người Nhung một lượt rồi nhìn sang em bé đang khóc, buột miệng:
- Thôi cho đi.
Hòa hú hồn cho xe nổ gấp, nhưng phía trước lại còn một đám cướp khác đang chui đầu vào chiếc xe hơi lục lọi, anh liều mạng phóng qua luôn. Đi thêm một quãng khá dài qua hết khu thị xã, không thấy gì thêm nhưng vẫn chưa hết hãi hùng.
Lại phải đối đầu với nguồn tin khác trên đường, nếu đi vào Sài Gòn thì phải qua Rừng Lá, nơi đó đang giao tranh quyết liệt, bom đạn nổ sát đường không thể liều mạng qua được. Nhưng nếu quay trở lại thì không xong, do đó Hòa cứ cho xe chạy liều tới trước cùng một số xe khác đang quầng lui quầng tới tiến thối lưỡng nan. Thêm được vài cây số thì gặp một chiếc xe GMC chở đầy người đang lừng khừng đứng giữa đường vắng, lưỡng lự không biết nên đi tiếp hay quay lại, cũng vì nguồn tin Rừng Lá đang đánh nhau. Có người trên xe ý kiến rằng nếu sợ qua Rừng Lá thì xe cứ vào tới Phan Thiết rồi hãy tính, trong đó có ghe thuyền nhiều, có thể tiếp tục vào Sài Gòn bằng tàu thủy.
Hoà tới trước đầu xe trao đổi một lúc với người tài xế, xong đưa cho ông ấy một số tiền rồi quay lại đưa hai mẹ con Nhung lên sau xe. Nhung hỏi Hoà sao không đưa xe lên luôn? Hoà nói xe quá chật, không thể nào chen chân người huống gì là xe.Vì thấy có em bé tội nghiệp nên ông tài xế nói với bà con nhín cho một chỗ trên đống đồ đạc ngổn ngang. Hai cái xách đưa lên sàng xe làm chỗ lót ngồi. May mà trời không nắng gay gắt nên mọi người đỡ vất vả.
Hoà bịn rịn nói với Nhung :
- Anh sẽ chạy xe theo phía sau.
- Liệu có chạy theo kịp không? – Nhung lo lắng.
- Không sao, xe chạy tốt lắm, em cứ lo cho con.
Lời nói vội vàng đó gần như lời tạm biệt đầy lo ngại, trong cảnh chạy đua sắp tới khó mà biết được mọi sự sẽ diễn ra như thế nào khi chồng một nơi vợ con một nẻo. Nhung rưng rưng nước mắt khi xe GMC nổ máy. Cô thấy Hòa đạp vội cho xe nổ máy ngay và bám sát phía sau xe lớn. Có những đoạn đường bị ổ gà, hoặc khi xe GMC chạy nhanh quá Hoà không đuổi kịp, hai xe cách nhau một khoảng hút tầm mắt, khuất sau đám bụi mù. Những lúc ấy cảm giác sợ hãi xâm chiếm lấy Nhung, những người trên xe cũng đang hồi hộp dõi theo anh. Chắc anh cũng biết khôn khéo giữ vững tay lái né tránh, chỉ cần một trục trặc nhỏ từ phía Hòa thì chỉ có trời mới biết được mọi sự sẽ như thế nào. Thật là một tốc độ chết người. Nhung chỉ biết ngồi yên cầu nguyện.
Quãng đường khó khăn rồi cũng vượt qua, xe dừng lại nghỉ ở trại thuốc lá Vĩnh Hảo. Trại bỏ không chẳng còn một ai. Mọi người trên xe xuống hết, người đi vệ sinh, người tìm giếng nước rửa ráy, xong tất cả dỡ thức ăn ra ăn vội vàng.
Vợ chồng Hòa ăn mì với thịt hộp, may mà em bé chịu ăn mấy miếng. Hoà rất yên bụng khi đang ở cạnh vợ con. Nhung hỏi anh có thấy mệt lắm không? Anh trả lời vẫn bình thường.
Nhung thắc mắc :
- Anh coi xe còn đi nổi tới Phan Thiết ?
- Không sao, xe đi rất ngon, vừa mới đổ thêm xăng. May nó không lấy bình xăng với không lục túi anh.
- Vào Phan Thiết rồi làm sao đi tiếp?
- Nghe người ta nói Phan Thiết sẽ có ghe đi Sài Gòn, để tới đó rồi tính. Nhiều người chứ đâu phải một mình mình, em đừng lo.
- Chắc là phải đi ghe chứ còn tính toán gì nữa. Đường bộ sẽ bị cướp, không dám đi xe nữa, sợ quá rồi. Hoà biểu đồng tình :
- Đúng rồi, đường bộ cũng rất nguy hiểm, kiểu như hồi sáng đã thấy ớn lạnh, nhưng hình như chỉ đoạn đường đó thôi, qua khỏi Cam Ranh không thấy gì. Mà sao em gan dữ vậy - dám cam đoan với nó.
Nhung kể lại :
- Tại thằng đó nó say em mới chịu mất chỉ vàng vì sợ nó bắn ẩu, chứ nếu nó không say thì hy vọng năn nỉ được, cùng lắm thì chỉ có nước liều thôi.
Hoà còn thắc mắc :
- Em nói vậy chứ may mà nó không lục, anh hồi hộp quá trời, lính mà cũng ăn cướp, thấy mấy thằng chứ không phải một.
- Em đã khâu lận trong áo quần, có lục nó cũng không tài nào tìm thấy mới dám nói liều, chỉ sợ nó lấy luôn cái xách mới thua, nhưng không lẻ nó bắn thật.
- Chớ không à, mấy cái xác phủ chiếu bên đường là do cướp nó bắn chứ ai.
Ăn uống vừa xong, tài xế vội vàng lên xe, mọi người vội lên theo. Nhung định nói với Hoà tìm cách đưa xe lên, nhưng thấy xe chật quá không chen chân lọt nên lại thôi. Cuộc hành trình tiếp tục theo cách cũ, cũng hồi hộp không khác gì cảnh xe đua trong phim ảnh.
Đoạn đường trường tiếp nối có vẻ yên hơn trước, xe chạy nhanh nhưng không quá khẩn cấp, chỉ mong mau cho đến Phan Thiết. Gần ba giờ chiều, xe sắp vào thành phố nhưng phải ngưng lại hỏi người qua đường vì thấy phía trước một cột khói bốc cao lên trời, tất cả hoang mang không hiểu điều gì. Một người đàn ông nhìn lên xe trả lời thật lớn:
- Coi chừng cướp.
- Cướp đâu? – Người lái xe hỏi.
- Bên đường không thấy sao? nhưng mà yên rồi, tụi nó vừa mới rút đi.
Mọi người nhẹ nhõm. Nhung thấy Hoà đang hỏi thăm mấy người qua đường ở dưới. Tài xế cua xe qua đường Đồng Khánh, hai căn phố kề nhau đang cháy dỡ, lửa ngọn đã tắt nhưng khói đen còn bốc cao ngùn ngụt. Hai căn phố này là nguyên nhân của cột khói lúc nãy, hai cửa hàng bị cướp và bị đốt. Xe đổ gần một cây xăng, tất cả leo xuống. Hoà cảm ơn người tài xế rồi đỡ hai mẹ con Nhung xuống xe. Thấy nhiều người vào quán, Hòa đưa vợ con vào một quán nước ngồi nghỉ. Bé Bi mệt phờ nhưng không khóc lóc gì, có lẽ bé đã hiểu có điều gì đáng sợ đang diễn ra chung quanh. Hoà gọi nước ngọt, xong kéo ghế ngồi gần vợ, ôm con vào lòng như lâu ngày mới gặp nhau, xong ôm qua vai Nhung hỏi han:
- Em mệt lắm không?
- Mệt lắm - Cô nói không ra hơi.
- Nếu còn ráng được thì nên đi tiếp vì sẽ có tàu thuỷ cho mình đi, lúc nãy anh có hỏi rồi, ghe nhiều lắm.
- Lúc trên xe cũng nghe người ta nói, họ sẽ đi tàu thuỷ ngay trong đêm nay, ta nên đi luôn cùng với họ.
- Em có ráng được không? Nếu trật chuyến tàu mà phải đi xe thì chắc chắn rất khó khăn.
Nhung nhìn chồng, ánh mắt đầy thương cảm, khi ngồi trên xe cô cũng cảm giác như thế, khi nhìn Hòa một mình chạy băng băng phía dưới, chỉ một khoảng cách nhỏ nhưng biết bao là cách trở tai ương mà anh vẫn cố chạy theo kịp mẹ con cô.
Hoà uống hết phần nước ngọt còn lại rồi giục:
- Bây giờ ta ra bến tàu, nếu gặp chuyến thì đi luôn.
Cảnh bến tàu không ngờ lại đông ngoài sức tưởng tượng. Hoà đưa mắt nhìn xuống bến, ghe tàu đậu san sát có đến vài chục chiếc, ghe nào cũng đông kín người. Trên những tấm ván dài bắt làm cầu, hành khách lách né nhau chạy lên chạy xuống, chen chúc với những người bốc vác, tiếng gọi nhau ơi ới.
Mới nhìn, Hoà chẳng biết ghe nào còn chỗ, tìm cho ra chủ ghe là một điều rất khó. Anh cứ đứng nhìn dáo dác mãi. Nhung phải giục :
- Để xe em trông, anh đi hỏi thử.
Hoà nhập vào đám đông, khoảng mười lăm phút sau anh trở lại và cho Nhung biết tin vui, là tàu sẽ nhổ neo liên tục nhiều chuyến. Nội trong đêm nay, tất cả ghe tàu đều rời bến hết, tàu nào đầy khách thì đi trước. Chuyến tàu mình đi sẽ rời bến vào lúc sáu giờ chiều.
Hoà đưa ý kiến :
- Vậy là mình không cần gấp, còn nhiều thời gian, ta đi kiếm gì ăn trước khi lên ghe.
Gần năm giờ rưỡi, hai người lên ghe nhưng không ngờ ghe đã có rất nhiều người lên trước, nhiều người đang ăn uống, nhiều người đã ngủ, tất cả ngồi nằm đến gần hết chỗ. May mà có mua vé, nếu không cũng gay go khi phải kiếm cho ra một chỗ để ngồi. Mặt mày Bé Bi hơi có thần sắc. Hoà ẳm con trên vai, vỗ lưng cho con ngủ. Bé còn phải chịu mệt hơn mười mấy tiếng nữa cho đến sáng mai. Hoà nhìn sang Nhung, cô đã nằm nhừ trên sàn tàu, đầu kê trên xách áo quần.
Trời nhá nhem tối thì tàu nhổ neo. Tuy mệt nhọc nhưng tất cả đều nhẹ nhàng khi nghe tiếng máy nổ của con tàu sắp rời bến. Hai chiếc khác cũng tách bến theo sau nên không gian biển trở nên vui vẻ, mọi người yên tâm tin tưởng vào chuyến đồng hành xuôi về nam.
Biết tàu đã rời bến, Nhung muốn ngồi dậy nhìn quanh một lượt nhưng không dậy nổi, mở mắt lại thấy chóng mặt. Cô nhắm nghiền mắt cho đến khi ngủ quên trong cơn mệt mỏi. Không biết bao lâu, Nhung nghe cảm giác đầu mình được nâng nhẹ lên, cái xách kê đầu dược kéo ra và đầu cô được đặt lên một chỗ êm ái hơn. Nhung mở mắt ra, thấy Hoà ngồi cạnh, tay ôm con vào lòng, đầu cô đang kê lên chân anh. Cô dần dần khoẻ lại, cũng nhờ không khí trong lành và gió biển thoáng mát.
Bé Bi đã ngủ say. Nhung yên tâm vì Hoà đã quấn kín mình con bằng một chiếc khăn lông lớn, và cô bắt đầu làm quen với tiếng nổ đều đều, với nhịp điệu lắc lư của con tàu. Thấy Hòa có vẻ mệt mỏi, Nhung ngồi lên đỡ lấy con:
- Em thấy khỏe rồi, để em bồng con, anh nằm nghỉ một lát.
Trao con cho Nhung xong, Hòa đặt lưng xuống sàn tàu, nhắm mắt. Nhung muốn nhìn tường tận cảnh lênh đênh trên biển đêm mà không bao giờ nghĩ sẽ có lần thấy lại. Con thuyền nhỏ chơi vơi giữa màn đêm bất tận, trời nước bao la, cảm nhận như chạm được bí mật của vũ trụ ngàn khơi, ở đó như vọng lên tiếng nói đầy thách đố của hiện hữu mong manh. Con đây, chồng đó, trong nghịch cảnh thế này, con tàu này có thể trôi êm tùy bao dung của biển cả, thuận lòng cho một cuộc tháo chạy tử sinh. Bầu trời bắt đầu chớp ánh sao đêm. Sóng dưới mạng tàu vỗ nhẹ, cho mọi người cảm giác một niềm tin an lành, đi được là rất mừng mặc dù chưa biết sẽ đến nơi nào.
Dãy núi xa mờ in đậm một phía cùng ánh sáng ngọn hải đăng cho biết tàu chạy gần bờ, để thấy yên tâm không tưởng như đang bấp bênh giữa biển khơi. Mới biết quyền sống trên đất lâu nay tưởng là bất biến, bây giờ trở nên xa vời như không chỗ tựa. Xa xa cuối tầm mắt, di chuyển một vài chấm sáng nhỏ, có lẽ là những con tàu nhổ neo đi trước.
Nhung bắt đầu nghĩ tới mẹ của Hòa, không biết bây giờ ra sao, và cả mẹ và các em cô ở Huế không biết đang ở đâu, mẹ cô rất nhát gan. Trải qua trận Mậu thân kinh hoàng, trận mùa hè đỏ lửa Quảng Trị, ba mẹ sợ súng đạn đã dẫn cả đàn con vô Đà Nẳng ở cả tháng trời, hao tốn bao nhiêu tiền của. Lần này chắc bà sẽ chạy tới trời, không biết có chạy vô tới Sài Gòn không, và chạy bằng cách nào. Hy vọng gặp lại cha mẹ, gia đình thật là điều mong manh, băn khoăn trong ý nghĩ đó, Nhung mỏi mệt ôm con đặt lưng bên Hòa. Mọi người trên tàu hầu như đã ngủ hết, chỉ nghe vài tiếng thì thầm nho nhỏ.
Nhiều người thức giấc trước khi trời rạng sáng, họ ngồi thành từng nhóm nhìn quanh biển. Dần dần cảnh biển rực rỡ buổi sớm mai đã thức tĩnh tất cả, phút chốc hầu như ai cũng tạm quên những nguy nan trước mắt để hưởng phút giây thỏa mái giữa cảnh đẹp thiên nhiên biển trời. Nhiều người thích thú đứng lên nhìn mặt trời mọc trong ánh hồng ấm áp ban mai, thật là một buổi bình minh tuyệt vời trên biển.
Tuy không phải là chuyến tàu du lịch nhưng ai cũng có cảm giác thông thoáng sau một đêm ngủ giữa trời nước mênh mông. Theo tay chỉ của Hòa, Nhung thấy một khối tròn sáng rực trồi dần lên từ đường chân trời, mặt trời đang lên. Ánh dương tỏa sáng khắp cùng như mở ra một ngày mới đầy sức sống, tất cả như vừa được hồi sinh.
Hai người say sưa ngắm mặt trời lên, sóng nhấp nhô lóng lánh đón chào.
Nhìn sang trái, xa xa là những dãy núi đồi nối liền dải đất liền thoai thoải gần bờ.
Nhung nói với Hòa :
- Cả đêm tưởng tàu lênh đênh giữa biển, hóa ra tàu chạy gần bờ.
- Chỉ có em mới tưởng vậy. Ai mà dại cho tàu ra giữa biển. Dải đất liền bây giờ như miền đất hứa đó em.
Nhung tán đồng:
- Biển đẹp quá. Chắc sẽ không bao giờ thấy lại lần nữa.
- Đúng vậy. “Không thể tắm hai lần trên một dòng sông”.
Dòng sông của tâm tưởng. Một cảm giác lãng du trong bối cảnh lưu dân chẳng thể nào quên.
CHƯƠNG XIX
T àu cập bến Vũng Tàu khoảng bảy giờ sáng. Người trên bến đứng sẵn chật ních từ hồi nào, là người từ những chuyến tàu cập bến trước đó. Đa số dân di tản từ các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, họ đi trên những chuyến tàu hàng lớn và những xà lang của Mỹ hoặc của hải quân Việt Nam. Nhiều người ở tỉnh xa, lênh đênh mấy ngày nay, đói và lạnh nên chết khá nhiều, còn bị cướp bắn chết rồi đôi xuống biển. Có xà lang gần như toàn xác chết, không ai còn dám xuống tìm kiếm người thân dù chỉ tìm trong may rủi.
Các ghe nhỏ mới di tản hôm qua từ Phan Thiết thì tương đối bình yên, khi đến Vũng Tàu là họ lên bờ đi ngay. Giữa cảnh hỗn loạn, không rõ số phận của số người chết trên xà lang sẽ như thế nào. Nhung bồn chồn nghi nghi ngờ ngờ, không biết trên những tàu lớn nhỏ đó có gia đình mình không. Mẹ cô rất nhát bom đạn, chắc chắn không bao giờ chịu ở yên một chỗ, nhất là trong cơn đại loạn này, nhưng lực bất tòng tâm, vợ chồng cô chỉ ở lại bến chừng một lúc để hỏi thăm tin tức trong vô vọng giữa rừng người xa lạ, và không còn thì giờ để chần chờ, vội vàng rời khỏi Vũng Tàu.
Không thể tưởng được cảnh thành phố Sài Gòn lại vắng vẻ tiêu điều đến thế. Nhà cửa hai bên đóng kín. Đầu cầu, xác một chiếc trực thăng cháy sém nằm trước một ngôi nhà cửa nẻo tan hoang, những dãy phố tường vách đầy vết đạn. Như vậy là Sài Gòn cũng đã lâm trận, sẽ có đánh lớn tại trung tâm thành phố nay mai, không chừng Dinh Độc Lập sẽ bị bỏ bom, nhiều người đi đường bàn tán như vậy. Càng đi càng thấy đường phố hoang vắng đến lạnh mình, có lẽ tất cả đã tản mác về vùng ngoại ô để tránh giao tranh. Nhung mở địa chỉ nhà cậu Hưng ở khu Trung Chánh và Hòa thẳng xe về hướng đó sau khi tìm đổ thêm xăng.
Càng đi càng thấy đường về ngoại thành có vẻ yên ổn hơn. Dân địa phương biết tình hình căng thẳng nhưng vẫn ở yên vì không biết phải chạy hướng nào.
Cậu Hưng dạy lái xe trong trường Quân vận, bị cấm trại cả tháng nay, mợ có vẻ trông ngóng nhưng theo tin đồn thì tình hình chiến sự còn rất căng thẳng.Tổng Thống Thiệu bỏ rơi Huế, tiếp tục Đà Nẳng bị chiếm đóng, quân lực miền Nam không đủ sức chống cự, cả quân số và vũ khí, là điều thuận lợi quá sức để mở đường cho quân Giải phóng dễ tràn vô Qui Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết. Quân đội Cộng Hòa liên tục thất trận, binh lính dần tan rã, lớp bỏ súng chạy thoát thân, lớp tự sát, lớp bị bắt. Bộ đội vào chiếm đóng nhưng không giao tranh tại thành phố như mọi người lo sợ. Chỉ còn Sài Gòn là yếu điểm cuối cùng, hai bên sẽ có trận đánh lớn và ai cũng nghĩ quân Giải phóng sẽ thắng.
Ở lại nhà cậu Hưng hơn nửa tháng khá yên ổn. Trong thời gian này, lại có thông báo của Bộ Giáo dục Sài Gòn sẽ cho tất cả giáo viên đang tị nạn được lãnh lương vào ngày 1/5. Vợ chồng Hòa yên trí phần nào về thông tin này và chờ đến ngày 1 sắp tới. Với lại đời sống vùng ngoại ô này khá dễ chịu, gạo cơm lúa mới, cá đồng tươi ngon. Ban ngày, cảnh đồng quê với những con đường làng xanh ngát mát rượi, chưa có dấu bom đạn. Mỗi sáng sớm chuông nhà thờ Trung Chánh rung vang đánh thức con chiên đi lễ. Nếu chiến tranh chấm dứt thì người thôn quê ở đây sẽ sống trong cảnh thanh bình no ấm.
Đến ngày 21/4, Tổng Thống Thiệu từ chức, trao quyền cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương bảy mươi bốn tuổi, thề tử thủ Sài Gòn, trong lúc trên ba triệu dân thủ đô đang nơm nớp chưa biết giờ nào sẽ bị oanh tạc và pháo kích từ hai phía. Dân chúng miền Nam ngày càng mất tin tưởng khi biết hàng ngàn lính và nhân viên cao cấp của Mỹ, với các tướng lãnh Việt Nam lên máy bay ra khỏi nước.
Mỹ đã bỏ biết bao tiền của, xương máu cố thủ miền Nam Việt Nam, hầu ngăn chặn làn sóng đỏ sẽ bành trướng vào các nước Châu Âu, nên đã đưa cả trăm ngàn lính Mỹ sang tham chiến với vô số vũ khí hiện đại, nhưng hàng trăm cuộc hành quân Mỹ Ngụy đều thất bại vì Quan chức các ngành trong chính phủ và lực lượng lãnh đạo quân đội quá sơ hở, lỏng lẽo chủ quan để đặc công miền Bắc mặc sức cài vô số cán bộ tình báo nằm vùng len lỏi hoạt động tận sào huyệt guồng máy quốc gia, thậm chí còn giữ những chức vụ trong yếu trong Quốc hội, ngay trong Dinh Độc lập, tướng tá chỉ huy trong quân đội Việt Nam cũng là điệp báo Cách mạng, giựt dây, đảo lộn mọi kế hoạch quân sự, ngăn cản các cuộc tiếp quân và khí giới của Cộng Hòa, tạo điều kiện cho quân Giải phóng và vũ khí tràn vào bất tận, kéo Mỹ lún sâu vào vũng lầy chiến tranh, để cho quân dân Việt Nam chìm ngập triền miên trong cảnh chết chóc đạn bom không lối thoát.
Và những ngày tiếp theo cho một Sài Gòn hấp hối cũng nằm trong kế hoạch đã vạch sắn giữa ba bên. Sài Gòn đang bị siết chặt, hàng vạn dân đều nghĩ thành phố này sẽ thất thủ thảm bại, khắp thế giới đang hồi hộp chờ đợi từng giờ từng phút. Trong nước, hàng triệu con tim từ Nam chí Bắc đang hướng về Sài Gòn chờ giờ điểm, bằng một giải pháp nào đó để Sài Gòn không thành bình địa, cứu sống dân lành vô tội theo như suy đoán của dư luận, lo ngại nước đã đến chân.
Sau trận chiến thắng Củ Chi, quân Bắc Việt tiếp tục kiểm soát Hốc Môn, lính Mỹ và lính Cộng Hòa thất trận liên tục tháo chạy, gần như hoàn toàn tan rã. Sáng ngày 28/4/75 từ phía Tây Ninh, quân Bắc Việt từ Hốc Môn tiến về Sài Gòn, pháo binh di chuyển trên trục lộ chính dài dặc, cùng với chiến xa, Molotova chở đầy súng ống đạn dược, bộ đội hiên ngang tiến chậm trên đường từng bước như vào nơi không người, vừa bắn pháo lên phía trên vào các Trung tâm Huấn luyện, các đồn trại hai bên đường dẫn lên thủ đô.
Tiến quân gần cửa ngõ Sài Gòn là nắm chắc phần thắng trong tay, toàn binh đội miền Bắc đã biết Chỉ huy quân đội và Quan chức của chính phủ Việt Nam đã bất lực trước hỏa lực và lực lượng hùng hậu của đoàn chiến binh bộ đội thừa thắng xông lên với ý chí quyết thắng.
Lúc sau thấy cậu Hưng về từ ngã ruộng sau lưng nhà, không còn mặc quân phục, trên người chỉ mặc chiếc áo vải trắng và quần đùi, chân đi đôi dép nhựa. Cậu nói trong đồn mọi người đã chạy hết không còn ai.
Dân trong vùng đang do dự vì sợ ở giữa hai lằn đạn trên đường tiến quân của bộ đội. Cuối cùng nghĩ ra cách phải chạy về Hốc Môn mặc dù quân Giải phóng đang tràn lên từ hướng đó, dân đành phải di tản một bên lề đường, trên đường toàn là bộ đội đang di chuyển.
Bà con bàn tính một lúc rồi quyết định băng ruộng, gia đình cậu Hưng và vợ chồng Hòa cũng đi theo ngõ ruộng, ruộng sát đường cái, may là vừa gặt xong, mọi người chạy tắt trên đồng. Ngoài đường cái bộ đội hoàn toàn làm chủ, tiếp tục tiến dần lên phía trên. Dân làng đang di tản lo sợ sẽ bị pháo từ phía trên xuống và máy bay bỏ bom, ai cũng nghĩ chắc chắn sẽ có chuyện đó, phải đành chịu trận vì giữa giữa ruộng đồng đâu có cây cối gì để núp, gọi là để che con mắt. Hòa ôm chặt Bé Bi trên tay, luôn vỗ về cho bé khỏi khóc.
Di chuyển ven ruộng gần nửa tiếng đồng hồ vẫn không nghe thấy gì, ai cũng nghĩ Sài Gòn đã thua trận tan rã không còn người chiến đấu, nên không nghe thấy bom đạn bắn trả. Trên trời, trực thăng và máy bay Dakota quầng đảo ở một độ cao ngoài tầm, bộ đội bắn tên lửa lên nhưng mũi đạn không chạm tới máy bay, chớp chớp vài giây rồi những tia lửa rơi xuống lả tả, hết đợt này đến đợt khác.
Tuy đang đứng giữa trận địa nhưng mục kích cảnh nầy cũng thích mắt, hấp dẫn và ngoạn mục như đang xem đoạn đánh nhau trong phim chiến tranh. Có điều là hai bên không chạm súng, máy bay Dakota chỉ mục đích dò thám rồi bay đi.
Lâu lâu lại nghe pháo từ trong các lô cốt phía trên bắn ra, đạn nổ giữa đường tiến quân của bộ đội. Có thể những cứ điểm này chưa được lệnh buông súng, còn tử thủ đơn độc quanh thành phố. Vài chiến sĩ bộ đội chết và một số bị thương, các đồng đội đào mấy huyệt bên đường và chôn ngay những quân binh xấu số. Đoàn xe tăng, chiến xa Cộng quân vẫn từ từ tiến lên không nao núng, bắn pháo liên tục lên phía trên, bộ đội đi bộ cầm súng chĩa thẳng về phía trước trực chiến.
Không lâu thì bắt đầu nghe tiếng phản lực cơ từ trời nam rẽ những đường bay xé gió và quầng đảo kinh khiếp trên không. Dân di tản còn giữa ruộng tuyệt vọng vì biết thế nào bom cũng sẽ nổ trên đầu mình, bởi dân di tản và bộ đội đang ở cùng chung một trận tuyến. Nhìn quanh chỉ là cây cỏ bụi bờ lấp thấp, chỉ còn việc chạy cho nhanh giữa đồng không và tin tưởng vào ơn phước rủi may.
Khi máy bay tiến đến gần, ai cũng mất tinh thần mặt mày nhợt nhạt, bắt chước nhau chạy đến núp sau những tấm bia ở những ngôi mả gần nhất. Thật là che mắt chứ không phải che người. Khi không lại chạy vào con đường tuyệt mạng, nhưng B.52 chỉ lướt ngang đầu mà không thả quả bom nào, vài phút sau lại nghe nổ ầm ầm ở một nơi xa hơn. Có thể họ không có lệnh bỏ bom nơi đây hoặc từ trên máy bay họ thấy dân chúng người già em bé di tản rất đông trên ruộng nên mang bom thả vào núi, tránh cảnh đổ máu cho dân lành.
Quân Giải phóng siết chặt vòng vây, tiến dần vào cửa ngõ thủ đô. Trước thế cùng, Trần Văn Hương chọn người kế vị là Đại tướng Dương Văn Minh lên nhậm chức Tổng Thống gần cuối ngày 28/4/75, Lãnh tụ của Thành phần thứ ba, chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc, tuyên bố ủng hộ Cách mạng để hạn chế sinh mạng và tài sản cho dân Sài Gòn.
Tất cả dân cả nước đều bám sát radio để theo dõi diễn biến từng giờ từng phút. Đến ngày 29/4 quân Giải phóng đã tiến sát nội thành, hoàn toàn làm chủ và tuyên bố sẽ tấn công tối hậu vào Sài Gòn vào nửa đêm. Dân thành phố chen lấn nhau di tản trên các bến tàu và phi trường trước những đợt pháo kích kịch liệt từ các phía, chết trên bến tàu và trên sân bay rất nhiều.
Cuộc di tản có chủ ý nhân đạo nên dù chết dù sống, dân chúng đều dồn về các bến tàu và phi trường có tàu lớn thủy quân và máy bay C.130 đợi sẵn. Những chiếc máy bay quân sự và trực thăng lên xuống liên tục di tản gia đình người Mỹ, hàng trăm ký giả báo chí Châu Âu và những gia đình người Việt Nam làm sở Mỹ. Dân thường cũng tràn vào, chen chúc lấn ép nhau lên theo bất kể sống chết. Gần tản sáng, chuyến máy bay di tản các nhân viên sau cùng của Mỹ cùng một số người Việt rời khỏi Tòa Đại sứ dưới những tràng đại liên của quân Cộng xé rách bầu trời.
Lính dù và Thủy quân lục chiến bị đánh bại ở mặt trận Xuân Lộc chưa có lệnh buông súng, được lệnh tập trung về lập vòng đai quanh Sài Gòn chiến đấu bảo vệ thủ đô. Gần trưa 30/4, bộ đội tiến sát bao vây tứ phía. Các mũi tiến công của quân Giải phóng chĩa thẳng vào trung tâm thành phố bắt đầu trận công kích đại qui mô quyết định số phận Sài Gòn. Tin thất trận lan ra tới tấp, binh sĩ Cộng hòa có lệnh buông súng rút quân, tan rã hoảng loạn.
Nhiều người đặt giả thuyết, nếu Mỹ ra tay thả bom để cứu vãng thủ đô thì thành phố Sài Gòn sẽ thành biển máu. Lòng dân vô cùng hoang mang khiếp hãi không biết tính toán của các nhà Lãnh đạo quân sự và Giới chức chính phủ thế nào. Thôi thì Sài Gòn mất hay còn cũng không quan trọng bằng mối hiểm nguy của sinh mạng muôn dân. Cầu trời cho ngưng ngay tiếng súng dù phải chấp nhận giải pháp nào. Đó cũng là điều mong ước của hàng triệu trái tim Việt Nam đang khắc khoải nghe ngóng chờ đợi.
Gần trưa 30/4 chính quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, quân Giải phóng làm chủ Dinh Độc lập, xuất hiện với những chiến sĩ vinh dự thắng trận, giải phóng ách thống trị o ép kềm kẹp mấy mươi năm của Mỹ Ngụy. Cuối cùng, thủ đô không tang hoang như mọi người dự đoán, có lẽ cũng là kết quả đầy mong muốn của giới cao cấp hai phía, cũng như ý nguyện toàn dân. Cuộc chiến tranh tương tàn hơn hai mươi năm thực sự chấm dứt từ giờ phút này. Phải lắng hết can đảm để tin đó là sự thật, để tin đất nước từ nay sẽ không còn bom đạn máu đổ thịt rơi, không còn chết chóc tang thương. Bắc Nam một nhà.
Sáng mùng 1/5, dân chúng khắp thủ đô đều đổ ra đường, biểu ngữ và cờ giải phóng tung rợp trời. Những chuyến xe hàng, xe lam chật ních từ các vùng ngoại ô thẳng hướng về thành phố. Đa số tò mò muốn lên Sài Gòn để biết bộ mặt thành phố như thế nào khi vừa được giải phóng, một số đi tìm người thân và muốn biểu dương tinh thần Cách mạng . Đó là lý do khiến tất cả các con đường Sài thành người xe chen chân không lọt. Đàn bà, trẻ con trong lòng xe, đàn ông, thanh niên ngồi trên mui và đu quanh xe, tay cầm cờ Giải phóng hoan hô vang dậy, cũng là do sự phát động quần chúng của quân Giải phóng. Tất cả đều một lòng chào mừng chiến thắng, chào mừng Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, chào mừng ngày hòa bình thống nhất đất nước.
Ở các vùng lân cận, tất cả đều dồn ra mặt đường, lân la nói chuyện với bộ đội trấn giữ hai bên đường, họ nói chuyện thân mật vui vẻ với dân, toàn là nói tiếng Bắc, nhận thuốc lá của các chú các bác đưa hút. Trước buổi giao thời, dân khắp nới đang lắng nghe tin tức từ người xuôi kẻ ngược, bụng dạ xao động ngổn ngang.
Hôm sau vợ chồng Hòa lên thành phố, đường sá đông người, hầu như ai cũng hối hả, họ đang trên đường hồi cư. Hòa tìm đến Trung tâm tị nạn Giáo dục ở số 4 đường Duy Tân để biết tin tức. Rất nhiều người đã đến trước rồi, nhưng chưa có tin tức gì chính xác dành cho giáo viên từ các nơi di tản đến, tiền lương Bộ Giáo dục Sài Gòn hẹn trả đã đi luôn theo ngày ba mươi tháng tư rồi, không ai có được đồng nào.
Vài ngày tiếp, chính quyền Cách mạng thông báo lưu dung tất cả các giáo viên trước giải phóng, cũng là may mắn lắm rồi. Những giáo viên di tản có thể về nhiệm sở cũ hoặc ở lại miền Nam công tác tùy ý. Hòa và Nhung quyết định về Nha Trang.
CHƯƠNG XX
V ề đến nhà, Hoà rất vui mừng khi thấy mẹ và em gái bình yên vô sự. Anh Khang và anh Hiếu đã trở về đông đủ sau khi quân ngũ tan rã. Mẹ hay lập đi lập lại với Hòa, khi kia đừng đi thì khoẻ hơn và hai vợ chồng Hòa đỡ mất gần bảy chục ngàn tiền lương tháng 5. Thành phố Nha Trang chỉ pháo kích vào phi trường và những cơ quan quân sự, nhà dân bị hư sập nhưng không nhiều, chỉ có kho đạn với các trạm xăng dầu là nổ mạnh trong vòng một hai ngày là quân Giải phóng tiếp thu. Ở nhà chẳng có việc gì xảy ra và công ăn việc làm ổn định bình thường gần cả tháng nay rồi. Hòa không nói đi nói lại lời nào, trong lòng chỉ nghĩ, vậy mà ở Sài Gòn mình lại rất lo lắng cho mẹ và em gái ngoài này.
Phần Nhung thì không phải thắc mắc gì vì thư nhà ở Huế nằm chờ sẵn hai lá. Được biết khi xảy ra biến cố, gia đình ba mẹ cô và các em chỉ chạy tới Đà Nẳng ở hơn nửa tháng tại nhà bà dì, rồi trở ra bình yên.Tuy cuộc tháo chạy của quân và dân Huế và các vùng phụ cận Quảng Trị, Quảng Điền, Phong Điền…hết sức khốn khổ và đẩm máu do bị pháo và bị ngăn chặn ở cửa biển Thuận An và trên Đèo Cả, do họ tưởng cứ chạy được vào Sài Gòn là yên.
Tất cả quân nhân công chức của chính quyền cũ bây giờ gọi là ngụy quân ngụy quyền. Mỗi người tự lường được tội lỗi của mình để khai báo, kiểm điểm tự thân và biết việc học tập sẽ lâu hoặc mau. Hai người anh của Hòa cũng đang chuẩn bị chia tay vợ con, đi cải tạo là phải đi và chưa biết lúc nào trở về. Đó cũng là qui luật sau mỗi cuộc chiến, từ trước đến nay.
Hôm sau, vợ chồng Hòa đi trình diện Bộ Giáo dục Nha Trang để nhận nhiệm sở. Nhiệm sở cũ ở thành phố không còn chỗ, hai người phải về dạy tại các huyện. Nhung đang có con nhỏ nên được dạy cách nhà chưa tới năm cây số. Hòa về làm Hiệu phó một trường gần mười cây số. Xe máy có cũng như không vì xăng đắt đỏ hiếm hoi và đồng lương quá hạn chế, chỉ 5 - 7 chục đồng, phần nhiều những người có xe máy đều để không, chỉ dùng xe đạp. Xe máy của Hòa để lâu bị chuột cắn đứt dây phanh dây thắng, rồi cũng đem bán đắt bán rẻ.
Bé Bi được gởi vào nhà trẻ đến chiều mới đón về. Gạo cơm có tiêu chuẩn, thịt cá rau quả cũng phải mua bằng tem phiếu, thậm chí muốn ăn ly chè cũng phải có phiếu, gạo cơm tháng nào cũng độn khoai khô hoặc sắn khô, có tháng độn bắp xay. Kỳ nào gặp được bắp nếp thì hầm thật dẻo, xáo một ít thịt tiêu chuẩn trộn vào, màu mè mắm muối thấm tháp ăn cũng ngon chứ không có cảm giác của món cháo heo. Ngẩm nghĩ kỹ thấy nồi cám heo không hẳn là khó ăn, chắc là cũng như vậy thôi. Khoai sắn độn cơm không quen thì nấu riêng ăn buổi lỡ cho đỡ tiền quà.
Có nhiều giáo viên nam hoàn cảnh gia đình khó khăn phải nghỉ dạy làm nhiều nghề chân tay kiếm sống như sửa xe, đạp cyclo hoặc ra chợ trời mua bán đồ cũ. Giáo viên nữ ngoài giờ dạy còn buôn bán thêm nhiều mặt hàng vặt vảnh như thuốc lá, bánh kẹo, đồ gia dụng như mắm muối, đậu mè. Có cô giáo nghỉ dạy đi buôn hàng chuyến Ban Mê Thuột, cà phê, khoai, sắn, bơ... Có lời được một thời gian, lại bị bắt sạch vốn vì buôn mặt hàng cà phê quốc cấm. Có mấy người bạn giáo viên ngoài Quảng Trị, Đông Hà thì đi buôn đường Lào, thuốc tây, thuốc lá, đồng hồ.
Ở trường, Hiệu trưởng toàn là người miền Bắc, theo sâu theo sát vừa chuyên môn vừa tư tưởng giáo viên lưu dung, việc dạy dỗ đòi hỏi rất nhiều công sức. Ngoài việc soạn giáo án và nhiều loại sổ sách báo cáo rườm rà, giáo viên phải lao động sản xuất trồng bắp trồng khoai nếu trường có đất rộng ở ngoại thành, hẳn nhiên là năng suất không đạt như nhà nông chuyên nghiệp. Mỗi giáo viên buột phải nuôi một con vật hay trồng một cây gì đó ở nhà gọi là có lao động sản xuất (một cây một con) để đạt thành tích và xếp loại trong mỗi lần tổng kết học kỳ.
Những buổi họp phê bình kiểm điểm căng thẳng đủ điều như tra như tấn mỗi tuần một lần, lê thê kéo dài, phần thì Hiệu trưởng phê bình, phần thì giáo viên phê bình nhau ưu khuyết điểm. Những lần phân chia hàng hóa thực phẩm theo tiêu chuẩn thi đua hoặc phân theo hoàn cảnh, hết sức chi li cũng đủ gây nên sự ganh tị chia rẽ giữa các đồng nghiệp. Những buổi xếp hàng chờ mua cá, mắm, gạo, thịt phải so tính chi tiêu từng đồng một cũng khó lòng đủ cho cả tháng, mất hết thì giờ.
Hòa không sống quen được với cảnh nầy, không muốn bị áp lực từ một ai. Từ thuở nhỏ anh đã trực tánh, không thích chìu lòn nịnh bợ. Bây giờ nghe bạn bè chỉ bày cách làm ăn mới, thấy nhiều người ra ngoài làm việc gì cũng kiếm được khá tiền, nhiều hơn tiền lương, lại thỏa mái hơn. Nhìn chung, buổi giao thời cũng có nhiều cách làm ăn kiếm tiền, do đó Hòa cố gắng được ba niên khóa thì xin nghỉ dạy, mặc dù chưa dứt khoát sẽ làm việc gì rõ ràng cụ thể.
Mẹ Hòa không ý kiến, còn kể, Ông ngoại của Hòa lúc trước là Quan Bố Chánh, đất làng quê gần Huế khá nhiều, có ruộng cò bay thẳng cánh, giàu có nhất làng. Mỗi lần đi thăm lúa là ông cưỡi ngựa hoặc đi thuyền. Trong nhà nuôi cả chục thợ cày, thợ gặt. Khi bà mới được sinh về, phải bọc trong tấm vải điều mới đưa lên cho ông coi mặt. Sau này ông làm Công chức ở Hội Quảng Tri tại thành phố Huế, gần cầu Gia Hội. Tính ông quan liêu nghiêm khắc lắm. Hòa càng lớn càng giống tính tình của ông ngoại, không chịu để ai đè đầu cỡi cổ, nói nặng nói nhẹ là anh không chịu.
Nhung biết Hòa nghỉ dạy nhưng sẽ không chịu làm những việc vặt vảnh tay chân như một số bạn đồng nghiệp đã nghỉ dạy như anh, và chính cô cũng không muốn anh làm việc gì ngồi ngoài góc đường góc phố. Anh theo một vài người bạn quen ra chợ trời tìm cách mua bán gì đó cô cũng không rõ, vì chợ trời là môi trường đang phát triển khắp các tỉnh thành miền Nam, mua đi bán lại toàn đồ cũ hoặc những đồ dùng từ nước ngoài gởi về cho người thân.
Hòa mượn tiền của Nhung làm vốn, lâu lâu cũng có ít lời, có khi đem tiền lời về cho vợ, có khi một hai tuần không thấy lời cũng chẳng thấy vốn. Lúc này về nhà hay xỉn, lè nhè những chuyện không đâu. Không biết nghe ai xúi giục mà trong ý nghĩ Hòa lại tin tưởng một chuyển biến tình hình chính trị chính quyền mới. Nhung nghe rất trái tai nhưng không ý kiến đôi co, anh sẽ cho rằng đó chỉ là suy nghĩ của đàn bà, mặc dù cô đã nghe dư luận phong phanh ít nhiều một số thành phần chống đối trong các tỉnh miền Nam, nhiều người đã bị bắt. Riêng cô hiểu đó là điều không tưởng.
Nhung đang giảng dạy ở trường, nhất cử nhất động đều bị theo dõi từng cử chỉ lời nói. Cho đến nhiều năm sau cô mới biết vì sao có nhiều giáo viên bị trù dập, do một giáo viên phụ trách Công đoàn nói lại. Những giáo viên có chồng đi học tập cải tạo bị cho nghỉ dạy, những người có thân nhân ngụy quân ngụy quyền đều bị theo dõi để đánh giá lập trường tư tưởng.
Được lưu dung cho dạy lại là nhà nước khoan hồng lắm rồi, mọi việc đều phải làm theo chỉ thị một chiều của nhà trường. Mỗi kỳ nghỉ hè là phải tập trung các trường học tập chính trị. Thét rồi mọi tư tưởng chính trị, giáo dục đều thuần thục nhuần nhuyễn không ai kém ai trong nhà trường.
Vừa hòa bình thống nhất vài năm, nghĩ đến một cuộc thay đổi lớn là cạn suy nếu không nói là do ý đồ của một số tổ chức phản động ngấm ngầm, rồi cũng phải nhờ bàn tay cường quốc khối Tự do kéo ra khỏi tù ngục.
Nhung thường nói với Hòa :
- Trước mắt là anh nên làm một việc gì đó cụ thể để có tiền lo cho gia đình vợ con. Xem người ta làm được gì thì bắt chước làm, cũng nhiều giáo viên nghỉ dạy họ vẫn làm có tiền mang về cho vợ con dư sống.
- Thì anh cũng đưa tiền chớ không à.
Nhung cười khan :
- Anh có đưa mỗi khi một ít lâu nay cộng lại được nửa số vốn mượn của em, xong là xúy xóa.
- Thôi em mua cho anh cái máy ảnh ra biển chụp hình.
- Không thể làm vậy, em không muốn anh làm việc đó. Nhung trả lời gọn.
- Đó là em nói chứ không phải anh đâu nghen, có gì đừng đổ thừa. Anh làm việc gì cũng được hết.
Không trả lời nhưng Nhung biết Hòa lợi dụng cớ chính đáng để sau này dễ bề tránh trách nhiệm, cô lạ gì bản tính rộng rãi phóng khoáng của anh. Khi đã ra khỏi cái khuôn khổ gò bó được rồi thì còn gì thỏa mái hơn, tuy nhiên cô cũng hy vọng anh cũng biết lo lắng cho gia đình chứ không đến nỗi, chẳng qua là do chưa có công việc thích hợp.
Thời gian gần đây bỗng thấy anh đi ra đi vào đóng thùng hẳn hoi, hỏi thì anh nói đang học sửa máy quạt tủ lạnh gì đó nơi nhà một người bạn tên Hùng.
- Chà - cơm đâu bây giờ còn đi học nghề - Nhung nói nửa đùa nửa thật.
- Tuy chưa làm có tiền nhưng cũng đỡ tiền phê pháo. Lâu lâu có hàng sơn sửa, Hùng đưa chút ít do mình có phụ công. Đây, có mấy đồng Hùng đưa cho anh tiêu vặt đây.
Hòa móc trong túi được vài đồng nhàu nhò đưa cho vợ.
- Thôi cất đi mà tiêu tiện tặn lại.
Thừa cơ, Hòa cất ngay tiền vào túi, cười gượng xong đóng thùng tử tế, lại đạp xe đi. Gần tối Hòa về, dựng xe ở cửa, làm ra vẻ tỉnh táo nhưng nhìn qua Nhung biết là anh có uống.
Cô chỉ hỏi nhẹ :
- Uống rồi phải không?
Hòa gật gù :
- Ờ, sơn xong cái tủ lạnh, Hùng biểu uống với nó một chai cho vui.
- Chớ không đưa tiền ?
Hòa cười cười :
- Có, nhưng mà anh mua quà cho con nó rồi, còn đây một ít nè.
Hòa đưa tay vào túi giả bộ như sắp lấy ra, nhưng sao mà lâu lắc. Nhung im lặng nhìn xem thử anh làm gì. Lại thấy lục qua túi khác, túi trên túi dưới lục mãi được mấy tờ nhỏ.
Đưa tiền cho Nhung có vẻ ít ỏi, Hòa làm ra vẻ ngạc nhiên :
- Cái thằng này nó thối tiền lộn - Hòa giả bộ nhăn nhó.
Nhung cười :
- Thằng nào mà thối lộn, có mấy đồng mà để người ta thối lộn không biết a. Uống bia rồi tiền trong túi nó bò ra chứ ai mà thối lộn. Làm ăn kiểu này rồi tui cũng chẳng có đồng nào.
- Thì từ từ anh “tốt nghiệp” đã, rồi sẽ mở làm riêng. Mới học có mấy tháng, vừa học vừa phụ chắc phải dài ngày chứ không mau được.
Nghe Hòa nói cũng có lý, thôi kệ để anh làm gì thì làm, miễn có quyết chí trong công việc, việc này phải cần thời gian lâu mà lại thích hợp theo ý của hai người. Mẹ con Nhung cũng còn tiêu chuẩn nhà nước, ráng chi tiêu đủ với mấy chục đồng lương.
Bé thứ hai từ khi sinh ra cho đến nay đã được hai tuổi, vẫn chưa sắm được chiếc mũ đôi giày nào cho tử tế. Hòa đi đâu về thì gọi Bé Bi ra, hai cha con đồng ca “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, râu Bác dài ...”. Rồi thì “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng ...”, cha con hát hò một lúc thì anh lo tắm rửa, lấy cơm cho con gái ăn.
Kể ra, thành tích chăm sóc con cái cũng khá tốt nhưng tính ra ba bảy hăm mốt bởi thì giờ đến học nghề ở nhà Hùng gần hết cả ngày. Khi cô hỏi thì anh giải thích nghe ra có bài bản thứ lớp làm như đã học việc được rồi nhưng phải phụ giúp cho Hùng một thời gian để cho có tình có nghĩa. Cô nghe cũng xuôi tai, nhìn chung bây giờ gia đình nào cũng có những khó khăn riêng, mà Hòa nói gì nghe cũng có lý.
Sáng mai tĩnh táo thấy dĩa cơm chiên đạm bạc sẵn trên bàn, Hòa ăn qua loa chan tí mắm, để phần trứng gà luột cho hai con, còn mở lời thuyết trình này nọ như để Nhung động lòng không ghét bỏ lạnh nhạt với anh.
Nhiều lúc mượn rượu, Hòa cũng bày đặt ca cẩm:
- Vợ chồng thương nhau hay ghét nhau cũng vì tiền. Có tiền mua tiên cũng được. Cái hạnh phúc nhỏ nhoi trong nhà này chỉ cần một tháng có chừng một trăm đồng là đầy đủ. Anh sẽ làm có tiền đưa thêm cho em.
Rồi lập lại:
- Có tiền mua tiên cũng được phải không Bé Bi?
- Dạ phải.
Hòa giả vờ đánh trống lãng :
- Ôi. Giỏi quá - còn cu Bin nữa, phải không cu Bin?
Bé Bi đưa mắt nhìn sang em một lát rồi trả lời:
- Em Bin không biết nói.
.................. CÒN TIẾP