Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



ĐƯỜNG VỀ
CÕI NIẾT BÀN





S áng hôm ấy, chú Kiển lôi mười hai đứa chúng tôi từ trong giàn lạnh ra, xếp vào hai cái hòm gỗ gọi là quan tài. Đáy quan tài được rải lớp cỏ khô, để hút ẩm và chống hôi. Trên lớp cỏ là tấm vải trắng tinh. Sau khi xếp chỗ cho từng đứa, chú đắp cho chúng tôi một tấm vải khác, cũng màu trắng tinh. Rồi chú đậy nắp quan tài, dùng đinh chốt chặt lại. Khi cả hai chiếc quan tài được đưa vào nơi trực chờ bàn giao, chú lặng lẽ đốt ba nén hương tiễn biệt chúng tôi. Chú nói bằng giọng tiếc thương bùi ngùi: "Thay mặt bố mẹ các cháu, cùng tất cả các bác các cô các chú trong bệnh viện phụ sản, chú cầu mong các cháu được an lành may mắn trên đường về cõi niết bàn vĩnh viễn!"

Cõi niết bàn, tôi nghe nói thật tuyệt vời. Về nơi ấy là dứt mạch nhân sinh, không còn thọ thân chịu khổ. Nơi ấy hoàn toàn sạch trong. Con người không hiềm khích lẫn nhau. Không ai đè nén áp bức ai. Chỉ có bình đẳng, bác ái ngập tràn cuộc sống chung.

Cõi niết bàn chính là thiên đường của mọi kiếp người khi đã thoát trần. Tôi hình dung cánh cửa thiên đường luôn luôn rộng mở đón nhận chúng tôi. Bởi chúng tôi đều là những hài nhi khốn khổ nơi trần thế. Chín đứa bị phá bỏ khi còn là bào thai, do những toan tính ích kỷ ghê tởm của cha mẹ. Còn ba đứa sơ sinh, mỗi đứa một cảnh ngộ riêng. Thằng Sắn vừa ra đời thì mẹ chết liền. Nó đầy bệnh, buộc phải sống trong lồng kính, được làm người chưa trọn ba ngày. Tên nó thể hiện nỗi khát khao của người mẹ, cốt sao có sắn khoai no bụng là hạnh phúc lắm rồi. Nó rất thương mẹ, thỉnh thoảng lại khóc hu hu. Đứa thứ hai không tên. Mẹ nó chửa hoang, vác bụng đến bệnh viện trút vội con ra, rồi chuồn thẳng. Bà ta còn quá trẻ. Vì chơi bời trác táng, lại nghiện hút, nên con bà chỉ sống nổi vài giờ. Đứa thứ ba chết do phía các thày thuốc gây nên. Mẹ nó không đẻ được, nhưng các thày thuốc cứ vô tư ngồi chờ “phong bì” đút lót. Khi nó chết ngạt trong bụng mẹ rồi, mới được người ta gắp ra.

Đấy, số kiếp nơi trần thế của mười hai đứa chúng tôi là vậy. Đáng thương lắm, phải không ạ? Nên tôi chắc mẩm rằng, đường về cõi niết bàn của chúng tôi sẽ được ưu tiên chiếu cố hơn người. Mặt khác, chú Kiển đã chuẩn bị hồ sơ cho chúng tôi thật chu đáo. Mỗi đứa đều được chú ghi số thứ tự, họ tên, ngày sinh, ngày mất, đính theo phần xác và dán cả trên nắp quan tài. Đứa nào chưa có tên, chú ghi tên mẹ kèm theo. Hồ sơ từng đứa còn được chú lưu tại sổ sách của bệnh viện để dễ dàng phúc đáp, khi các gia đình tìm kiếm con em họ. Tuy thế, những đứa con bị bỏ rơi được cha mẹ quay lại hỏi han vỗ về thì hiếm lắm. Họ quay lại chẳng qua vì sợ đất trời thần phật trừng phạt, chứ chẳng vì thương vì nhớ chúng tôi. Thấy chú cẩn thận quá, tôi cất lời thưa: "Chú ơi, chú khỏi mất công lưu giữ sổ sách chúng cháu làm gì. Một tuần lễ chúng cháu nằm trong giàn lạnh đợi chờ người thân là quá đủ rồi. Người cha người mẹ nào còn chút lương tâm, họ đã không nỡ vứt bỏ xác con". Rất tiếc là, chú không tài nào nghe được tiếng nói của tôi. Nếu nghe được, hẳn chú sẽ tìm lời an ủi động viên chúng tôi. Có thể còn giúp chúng tôi những việc khác nữa. Chẳng hạn, chuyển lời chối trăng của chúng tôi đến các bậc cha mẹ. Chúng tôi, đứa nào chẳng mang nỗi niềm bức xúc, khi mình bị bỏ rơi. Cớ sao chúng tôi bao giờ cũng là vật bị hy sinh để bảo vệ lợi ích riêng của cha mẹ. Phải chăng nơi trần thế này, con người và quỷ ác không mấy khác nhau. Những người tốt phải chăng là quá hiếm?

Với chú Kiển, chúng tôi cho rằng đó là con người tuyệt vời. Sự tận tâm của chú khiến chúng tôi cảm phục hết lòng. Mười mấy năm qua, chú chuyên tâm làm việc này, không chút lơ là. Một chú đón nhận và đưa tiễn gần mười nghìn thân phận xấu số như chúng tôi, mà không chút tính toán thiệt hơn cho mình. Cũng chẳng hề sợ hãi. Sợ lũ chúng tôi vì hờn oán cha mẹ, đâm giận cá chém thớt, trút đổ tức giận vào chú. Sợ máu me tanh hôi. Còn cả những mầm bệnh nguy hiểm, như là HIV đe dọa. Khối đứa chúng tôi bị HIV từ cha mẹ truyền sang. Chỉ một chút sơ ý, chú bị lây dễ như chơi. "Chú ơi, chú là người quá tốt quá hiếm ở nơi cõi trần. Chúng cháu xin kính chào chú nhé!". Đó là những câu nói cuối cùng của tôi, khi chú tiễn biệt chúng tôi.

Tôi cứ nghĩ, người nhà Phật đến đón chúng tôi. Lên cõi niết bàn mà! Hoá ra lại là đại diện của Công ty Môi trường. Anh này còn rất trẻ, bộ mặt lầm lì, da xạm, môi thâm. Trong suốt thời đoạn tiếp xúc, không hề mở miệng nói gì. Cứ như anh bị cưỡng bức làm việc vậy. Anh lặng lẽ bê chúng tôi lên chiếc xe hòm, rồi nổ máy phóng tít mù, không thèm tránh ổ gà trên đường. Khiến chúng tôi va nhau liên tiếp, đau nhăn mặt. Đến cạnh cái lò khói mù mịt, anh lại lặng lẽ bê chúng tôi vào nhà lạnh, và lặng lẽ ra khỏi nhà thật nhanh. Trong nhà này có tới hai chục đứa lau nhau trứng gà trứng vịt như chúng tôi, đã chờ trực ở đây gần trọn bốn tuần lễ. "Chờ làm gì?" - tôi hỏi. "Để hoả táng chứ làm gì!" - chúng đáp. Còn giải thích: "Hoả táng tức là đốt xác bọn mình trong cái lò khói mù mịt ấy. Các cậu có nhìn thấy cái lò ấy không?". Tôi lại hỏi: "Sao phải đốt?". Chúng bảo không rõ lắm thủ tục này. Chỉ nghe ông lão ở phòng bên giải thích là, phải tẩy trần hoá giải gì đấy. Trước khi đến cửa Phật, ai cũng phải rửa sạch bụi trần. Một đứa trong lũ chúng tôi lẽ lưỡi lắc đầu: "Eo ơi... thế thì nóng thấy mồ!". Tôi nói: "Sao không chôn bọn mình xuống đất. Xưa nay người ta vẫn chôn đấy thôi.". Chúng nói: "Đốt sợ nóng, thế chôn thoát cực hình à? Chôn cũng tắc thở bởi thiếu không khí. Có khi hết thở, nếu nước ngập quá nắp quan tài.". Và chúng dẫn lời ông lão phòng bên bảo: Đốt xác vừa giữ được vệ sinh môi trường, vừa đỡ mất đất. Đất thuộc các vùng thành thị bây giờ đắt khét. Người sống không đủ đất ở, thì kẻ chết phải chịu sự sắp đặt khắc nghiệt là lẽ đương nhiên. Một xác người chết đem chôn, mất mấy mét vuông đất; trong khi một mét vuông đất xây lên nhà cao tầng, có thể chứa mấy trăm lọ tro, hoặc hàng nghìn di hài tập thể. Nên thời nay, các lò đốt xác hiện đại và thủ công, thi nhau mọc ra là sự dễ hiểu.

Bỗng có tiếng cất lên từ buồng bên: "Các cháu nhắc gì lão đấy?". Và ông lão xuất hiện. Tôi mau miệng chào ông, rồi hỏi: "Ông ơi, ông ở đây lâu chưa?".

Lão đáp: "Lâu chưa bằng lũ nhỏ đến trước các cháu. Nhưng lâu so với những người lớn tuổi". Tôi: "Vì sao thế hả ông?". Lão ngập ngừng: "Là vì ông không có ai đưa tiền lót tay những người cai quản cái lò thiêu này". Mấy đứa trố mắt ngạc nhiên, không hiểu điều ông vừa nói. Liền được giải thích: "Tiền lót tay là thứ tiền đưa thêm, ngoài số phải nộp chính thức, các cháu ạ. Khoản ấy, người trần gọi là khoản chi tiêu cực. Bất cứ việc gì, muốn được giải quyết nhanh, đều phải chi khoản ấy. Những ngày vừa rồi, ông biết có một ca thiêu bỏ qua mọi thủ tục giấy tờ. Họ dùng tiền tươi nộp thẳng cho người đại diện. Sau đó, thi hài đưa đến chẳng phải xếp hàng với ai. Thế là, chỉ qua một đêm đã thấy họ bê lọ tro chuồn thẳng". "Thế bao giờ thì đến lượt ông?". "Trước sau ắt phải đến lượt. Bao giờ thì không biết được. Còn với các cháu là những trẻ vô thừa nhận, mỗi tháng họ chỉ giải quyết có một lần".

Tôi vốn tò mò, thích biết nhiều chuyện. Nên hàng ngày hay bám ông để hỏi han. "Thế sau khi đốt xác thì ông có lên niết bàn với chúng cháu không?". Ông nói: "Không đâu. Ông không đủ tiêu chuẩn niết bàn". "Vậy niết bàn dành cho những ai ạ?". "Cõi ấy, chỉ dành cho những người theo đạo Phật vô tội thôi. Để lên được, phải dày công tu luyện lắm. Tuy nhiên, ngày nay tiêu chuẩn đã được nới rộng thì phải. Nghe nói bất kỳ ai cũng có thể lên cõi niết bàn, nếu họ muốn. Đương nhiên là phải có tiền lo liệu mọi thủ tục. Rồi đây, khi các cháu đặt chân đến cửa chùa sẽ biết sự thể rõ rành". "Ông ơi, nếu không lên niết bàn thì ông ở đâu?". "Ông ở cái nhà để di hài phía trước chúng ta kia kìa. Nơi ấy ai ai cũng được thuê một cái ô hình chữ nhật, chỉ rộng hơn quyển sách thôi. Ở tập thể mà". Sau giây lát, tôi thấy nước mắt ông ứa ra. Ông buồn vì không được lên niết bàn. Bởi thời trẻ ông phạm tội giết người, phải ngồi tù bảy năm. Nên ông rất sợ sự trừng phạt của cõi âm nay mai. Ông bảo, kẻ nhiều tội lỗi sẽ phải leo cầu vồng lửa, hoặc bị chó ngao xéo giày. Bỗng ông rùng mình bủn nhủn. Tôi vội đỡ, để ông ngồi lại thế cân bằng.

Liền đó, tôi chứng kiến một đám tang rõ to. Hơn hai chục ô tô đưa. Với gần hai trăm vòng hoa. Tôi cứ nghĩ, khi sống ở trần người này giữ chức sắc gì to lắm. Hoá ra ông ta chỉ là thợ đổ thùng hố xí của Công ty Vệ sinh trước kia. Sở dĩ có sự tiễn đưa rầm rộ rùm beng, là nhờ anh con làm Tổng giám đốc một đơn vị kinh doanh có sức chi phối rộng khắp Bắc Trung Nam. Đám tang là cái cớ để thiên hạ hợp thức việc trả ơn người con thôi. Tôi nghe những người đưa tang nói thế. Họ lại nói, tiền phúng viếng phải tới bạc tỷ. Và, Đám tang còn là dịp để các nhóm quan chức lợi dụng việc phúng viếng, dùng tiền công ra Bắc vào Nam ăn chơi xả láng. Ông lão thì bảo: "Số tiền mất mát vô lý dịp này, nếu đem xây nhà cho ngưòi nghèo phải được mấy trăm căn hộ. Nhưng mà...". Thấy ông ngập ngừng, tôi hỏi: "Nhưng mà sao hở ông?". "Là ông nghĩ, xưa nay thường chỉ những người nghèo mới thật sự thương yêu đùm bọc nhau thôi!". "Thế người giàu thì xấu hả ông. Vậy khi chết, người giàu khó lên niết bàn, ông nhỉ?". Ông lắc đầu: "Ông không dám nghĩ người giàu xấu bụng. Còn việc lên cõi niết bàn, sự thể thế nào ông cũng chẳng hiểu bao nhiêu. Ông già nua lẩm cẩm rồi, nói trước quên sau là sự thường tình. Các cháu tuy bé bỏng, nhưng ở cõi âm này, tầm hiểu biết không thua kém bất kỳ ai đâu”. “Thật thế hả ông. Sao ông biết?”. Ông bảo, điều này người trần ai cũng rõ cả. Nên mới có câu, đại ý là: Kẻ một tuổi khi chết, linh hồn khôn ngoan am hiểu gấp mười lần lúc sống. Mười lần là cách nói cho vần thôi. Thực ra là, sự khôn ngoan am hiểu đạt đến tột cùng. Nên nhiều linh hồn trẻ đã hoá thánh. "Rồi đây - ông nói - còn điều gì chưa biết, các cháu sẽ tự biết hết".

Do ham biết, tôi nghe lỏm được cuộc đối thoại của mấy người ở tổ lò thiêu như sau: "Việc chúng mình rút ngắn thời gian thiêu, xem ra không ổn". "Vì sao?". "Thì đấy, nhiều loại xương chưa cháy hết!". "Không cháy, cứ việc bỏ. Người nhà họ biết đếch đâu. Họ chỉ biết nhận lọ tro, nhiều ít thiếu đủ, ô-kê tuốt!". "Nhưng làm như thế, phải tội thì sao?". "Tội lội xuống sông! Tớ gánh việc này năm sáu năm nay, kể tội thì khối. Song chẳng có linh hồn nào quật đổ tớ. Vẫn to khoẻ như voi. Cậu bảo, làm việc gì cũng nghiêm chỉnh, có mà ăn cám. Phải láo nháo mới tiết kiệm được nhiên liệu. Mới có khoản dư để mà chia thưởng cho nhau chứ. Tớ chỉ sợ ít tiền thì đói dài. Chính cái đói dài mới đáng sợ. Nó quật đổ chúng mình bất cứ lúc nào".

Nghe chuyện ấy, ông lão bảo: "Người âm không làm gì được người trần đâu. Nếu làm được thì cõi trần không cần mở những cuộc chống tham nhũng. Và cũng không cần nhà tù, toà án làm gì. Người âm trị được người trần thì những kẻ trộm cắp đục khoét tiền bạc của dân, những kẻ điêu toa giả dối giết người, đã bị quét sạch từ lâu. Chẳng qua người trần đề cao sức mạnh người âm là để lấy đó răn dạy nhau thôi. Cháu cứ ngẫm mà xem!". Tôi thấy ông nói đúng. Bằng chứng là cách làm ăn gian dối ở tổ lò thiêu vẫn cứ trôi chảy lâu nay. Ngay trong lũ mười hai đứa chúng tôi, nếu báo oán được, nhiều đứa đã không tha tội cha mẹ nó. Chúng đành cố quên đi, để tìm sự thanh thản, chờ ngày về cõi niết bàn - nơi thiên đường vĩnh viễn.

Hôm đến lượt chúng tôi được đốt xác, trước lúc phóng hoả, nhiều đứa cũng run. Chỉ lo bỏng rát tận linh hồn. Nhưng khi lửa đỏ rừng rực bao bọc quanh xác chúng tôi, mới biết linh hồn không hề đau đớn. Song vẫn cứ lo. Lo những người ở tổ lò thiêu để vương vãi xương cốt chúng tôi. Ông lão bảo, xương cốt bị vương vãi, e sau này linh hồn đau nhức kinh niên. Biết vậy, nhưng chúng tôi đành xác định cam chịu tai ương. Coi đó là hoạn nạn cuối cùng ở chốn trần gian. Nhưng chắc đâu đã là cuối cùng. Bởi chúng tôi còn phải đi qua cửa chùa. Nghe nói, cai quản nhà chùa đâu chỉ có Phật, còn cả sư sãi mấy tầng cơ mà.

Cùng đợt đến cửa chùa, lũ chúng tôi gồm ba mươi mốt đứa. Năm cỗ quan tài chứa xác chúng tôi, nay được thay bằng năm cái lọ gốm đựng tro, gọi là di hài tập thể. Mỗi lọ mang một số thứ tự, kèm tờ giấy ghi tên từng đứa - dựa theo hồ sơ chú Kiển bàn giao. Người đại diện nhận chúng tôi xong, xếp luôn vào túp lều bán mái áp sát đầu hồi ngôi nhà ngang sau chùa. Người này không mặc quần áo nâu, tự xưng là ông tự. Ông nói chúng tôi đợi ở đây, chờ nhà chùa giải quyết sau. Nhà chùa là ai? Chắc chắn không phải ông. Quyền giải quyết hẳn thuộc về những vị bề trên - sư thầy, sư ông, sư cụ gì đấy. Nhưng, bao giờ chúng tôi mới được gặp bề trên? Chúng nó xui tôi hỏi ông tự để biết ngày giờ cụ thể. Tôi lắc đầu. Nếu có hỏi thì ông cũng không nghe được tôi nói gì. Bởi ông là người trần.

Suốt buổi chiều ngày đầu tiên, vì lạ nước lạ cái và sợ vi phạm lề luật nhà chùa, chúng tôi chỉ biết nằm ngồi vạ vật tại chỗ. Sáng hôm sau, để bớt tù cẳng, chúng tôi rất muốn lang thang ngắm phong cảnh chùa. Song vẫn e ngại. Ngay lúc ấy, hai đứa nhãi nhép xuất hiện. Chúng hỏi bọn tôi từ đâu đến. Tôi nói: "Bệnh viện Phụ sản". Chúng đáp: "Thế thì thân phận bọn mình giống nhau. Chúng tớ cũng từ Phụ sản tới đây". Bọn chúng có mặt tại chùa trước chúng tôi cả tháng trời. Có mấy đứa đến đây lâu hơn nữa. Nhưng chỉ có hai mươi đứa chấp nhận ăn chực nằm chờ thủ tục để lên niết bàn. Mười tám đứa khác thì đã rời chùa theo ba hướng. Hướng ít nhất, gồm hai đứa tình nguyện đầu thai trở lại làm người nơi cõi trần. Ba đứa khác bỏ trốn. Chúng gia nhập đám linh hồn không nơi nương tựa, lang thang vi vút đó đây. Thoải mái. Tự do. Số này tồn tại ngoài vòng cương toả của Thần Phật. Vì thế, chúng thường gây nên không ít tai ương đối với cõi âm, và cả cõi trần. Cõi trần gọi chúng là những con ma. Hướng thứ ba gồm mười ba đứa xin trở về trần làm cỏ cây nơi đại ngàn heo hút. Con người ở cõi trần vì hám lợi trước mắt, đã huỷ hoại quá nhiều rừng đầu nguồn. Hậu quả là, thảm hoạ môi trường liên tiếp xảy ra, đe dọa nghiêm trọng sự sống của họ. Chúng nguyện làm cỏ cây với ý đồ nhằm góp phần ngăn chặn thảm họa, gìn giữ ngôi nhà chung của muôn loài.

Tôi tranh thủ hỏi: "Tớ muốn biết vì sao lên niết bàn chậm trễ hơn các hướng khác?". Cả hai đứa cười cười như có ý chế giễu sự chậm hiểu trong tôi. Đứa con gái giục bạn: "Anh Sinh nói đi!". Sinh bảo: "Tớ nghĩ các cậu sẽ chẳng lạ cái lý do vì sao. Lên niết bàn tức đến nơi sung sướng nhất, bao giờ chẳng đầy khó khăn. Trước hết phải đạt tiêu chuẩn ba đời nhà mình ở nơi trần thế không mắc tội lỗi lớn, thì mới được tuyển vào trường Phật học. Rồi phải học đến toát mồ hôi sôi nước mắt ấy chứ. Phải hiểu sâu lịch sử, giáo lý, pháp hạnh, nghi lễ, kinh điển... về đạo Phật, mới có thể tu luyện để thành đạt. Nhưng đó mới chỉ là nấc thang thứ nhất trên con đường dài đầy thử thách. Lên cõi niết bàn, đừng tưởng dễ xơi đâu!". Tôi không ngại học tập rèn luyện, nhưng lạ tai về cái tiêu chuẩn đề ra, bỗng thốt lên: "Ba đời! Thế thì chẳng phải đứa nào cũng biết rõ gốc gác nhà nó. Mà sao cứ phải lôi mấy đời trước vào làm gì. Sao bảo ai làm người nấy tự chịu?". "Tớ nghĩ, chúng mình không nên bình luận đúng sai. Chỉ cần nhận rõ tiêu chuẩn quy định để mà đối chiếu, xem mình có lọt cửa không. Còn sự đúng sai thì đâu chẳng có, dù nơi trần thế hoặc là cõi tiên. Tớ hỏi các cậu, dưới trần tuyển người xuất khẩu, làm công việc quét tuyết với dọn nhà, thì cần gì phải trình độ học lớp Mười hai. Nhưng vì đói nghèo, ai chẳng muốn lao đi làm thuê, nên những người giữ quyền hành phải nặn ra tiêu chuẩn ấy để mà hạn chế nhau. Cũng là để tạo cơ hội cho họ ăn của đút nữa. Phải chăng tiêu chuẩn lên niết bàn cũng giống vậy thôi? Hiểu như người trần - kể cả các nhà tu hành cấp cao, đến sư sãi bên dưới - là không am tường thực tế cõi âm. Xét thấy các vị tu hành chỉ biết tụng niệm những điều Phật dạy từ hàng nghìn năm trước, coi cõi âm là thiên đường sạch bong, là chân lý bất di bất dịch. Nhận thức như thế là sai lầm to!”.

Một đứa trong lũ chúng tôi hỏi: "Ngoài tiêu chuẩn ba đời trong sạch, còn những thứ gì?". "Thứ gì nữa, rồi các cậu sẽ được nhà chùa phổ biến. Không lo mù tịt đâu". Tôi hỏi: "Vì sao còn một số đứa đến chùa trước Sinh mà vẫn phải chờ đợi ở đây?". "Số ấy đều có vấn đề cần xác minh. Có đứa không hiểu gì về gốc gác nó. Có đứa thì cố tình giấu giếm tội lỗi của cha mẹ. Các cậu cần nhớ, ở cõi trần có thể gian dối khai man, hoặc đi bài đút lót người thi hành công vụ là êm xuôi; còn cõi âm cõi Phật giấu giếm không ổn đâu, sẽ bị lật tẩy tức thời… Thế mà không hiểu sao, ngay tại cửa Phật, cụ thể là ở nhà chùa này này, cũng xảy khối điều không hay lắm". "Sao Phật không trừng trị?" - câu hỏi của đứa khác. Sinh nói: "Có thể là... Phật vốn nhân từ, nên dễ châm chước". Tôi nói: "Cậu kể vài chuyện không hay xem nào". "Thích nghe à? Thì kể! Mình kể chuyện trai trên gái dưới giữa tiểu nam tên Oa với tiểu nữ tên là Thục để các cậu nghe. Sự việc xảy ra chưa lâu đâu. Nghe bảo, sư ông bắt được quả tang, rồi thỉnh lên sư cụ. Sư cụ mở hai hướng thoát cho họ. Một là ăn năn hối cải để tiếp tục nương tựa cửa Phật. Hai là hoàn tục. Cuối cùng, tiểu Oa nguyện hối cải lỗi lầm. Được sư cụ thỉnh cầu, Phật chấp nhận; nhưng phải chuyển đi chùa khác, rất xa. Còn tiểu Thục xin hoàn tục. Bởi trước khi xảy ra điều tiếng với tiểu Oa, đã mấy lần tiểu Thục bị sư ông gợi dục, tuy không thành. Nên tiểu Thục sợ khó yên thân ở chốn tu hành… Rồi thì, chuyện sư phá thai cũng có. Nhưng lâu lắm rồi. Các cậu biết vậy thôi nhé!”.

Tôi coi đó đều là chuyện dễ xảy ra ở đời. Sư sãi nơi cửa chùa cũng là con người bằng xương bằng thịt, chứ đâu phải gỗ đá hoặc đất sét. Cho dù họ có ăn chay, tụng niệm miệt mài đến đâu, cũng không thể diệt dục hoàn toàn. Muốn hoàn toàn thì phải thiến, như công công quan hoạn trong cung vua. Nghe tôi bày tỏ quan điểm, lúc đầu chúng nó phản đối lý lẽ tôi đưa ra. Cũng như chúng không tin ở chốn tu hành có chuyện trai trên gái dưới, càng không tin câu chuyện sư phá thai. Mà, bằng chứng về chuyện sư phá thai lại sờ sờ ngay trong lũ chúng tôi. Thằng mang số 23/06/05 (gọi tắt là 23) chính là con một bà sư. Điều này nó chỉ nói riêng với tôi. Tôi thì không tiện lấy nó làm dẫn chứng. Liền đánh bài lảng bằng việc nằm khoèo nghêu ngao mấy câu ca cổ. Những câu ca này tôi thuộc từ lúc nằm trong bụng mẹ. Do một lần cha tôi đọc đi đọc lại cho bà nghe, và bình dẫn cái thực cái hay của bài. Tưởng chúng nó cười đùa ầm ĩ, không thèm để ý; hoá ra đến cái đoạn anh chàng đi chơi trăng thò tay bóp vú cô gái đội gạo, thì chúng hò nhau trật tự để nghe tiếp. Tôi vờ làm cao, nói: "Hết rồi!". Đợi chúng nó nịnh, tôi mới thủng thẳng xướng mấy câu còn lại: "... Dâng gạo lên chùa cúng Bụt, Bụt ngoảnh mặt đi, Ông Thích Ca mỉm miệng cười khì". Rồi tôi hỏi: "Chúng mày hiểu thế nào về thái độ Bụt và Thích Ca?". Sau một hồi tranh cãi, xem ra chúng hiểu cũng tựa lời bình dẫn của cha tôi. Bụt ngoảnh mặt đi bởi giận, bởi làm ngơ, và biết đâu có cả chút ghen ghen. Còn cái mỉm miệng cười khì của Đức Thích Ca vừa thể hiện sự cảm thông, vừa thích thú nữa. Quả là cuộc sống nơi trần tục có sức cuốn hút hấp dẫn lắm lắm. Khiến cho Đức Phật trên cao cũng không tránh khỏi những phút giây rung động, xao xuyến cõi lòng.

Thấy bọn chúng có vẻ siêu siêu về phía tôi trong cách nhìn cách nghĩ, lại muốn tiếp tục được nghe chuyện, tôi liền nói quan điểm của mình đối với chốn tu hành. Rằng chùa chiền chỉ là một xã hội thu nhỏ. Nếu xã hội rộng lớn có trộm cướp tham nhũng, có đấu đá chém giết, có thông dâm bán dâm… thì đều có thể xảy ra bên trong chùa chiền.

Không ngờ điều tôi nói ra làm nhiều đứa thở dài. Bởi chúng đã quá sốt ruột trước chuỗi ngày chờ trực, từ ở bệnh viện đến nơi lò thiêu. Tại cửa chùa này, nguyện vọng của chúng tôi xem ra việc giải quyết cũng khó chóng vánh hơn. Đã vậy, lại nghe nói người nhà chùa không ít phức tạp, nên niềm tin của chúng vào cõi niết bàn có phần bị dao động hoang mang. Khiến thời gian chờ trực đâm dài lê thê, làm chúng nó càng nóng lòng sốt ruột. Trì như tôi rồi cũng sốt ruột bồn chồn.

Thế là chúng tôi đã chờ đợi năm ngày tại đây mà vẫn không thấy nhà chùa đoái hoài gì. Tôi mới hỏi chúng nó: "Các cậu có công nhận nhà chùa quá bận không?". Chúng nói: Chẳng bận bịu gì! Nói nhà chùa là tôi ám chỉ hai vị sư bề trên thôi. Gồm sư cụ và sư ông. Hai vị này giữ quyền giải quyết thủ tục ban đầu cho chúng tôi lên cõi niết bàn. Gần một tuần qua, tôi thấy ngày nào các vị cũng dành quá nhiều thời giờ để ngủ. Ngủ đêm ngủ ngày, chiếm tới hai phần ba thời gian. Rồi lệnh khệnh lạng khạng với ba bữa ăn. Nom các vị ngồi nhâm nhi thư thả một cách khác thường, khiến những ai có việc cần thỉnh cầu dễ phát điên. Lại còn lệ ẩm trà sớm chiều nữa chứ... Vậy lấy đâu thời giờ dành cho công việc. Mà xem ra công việc cũng chẳng có gì. Những ngày qua, tôi chỉ thấy hai vị gõ mõ tụng kinh vào buổi tối mười tư và sáng tối ngày rằm. Còn những ngày khác, việc tụng niệm hình như được phân cho hai tiểu (một nam, một nữ) đảm nhiệm. Tôi cũng chưa hề thấy các vị nghiên cứu kinh sử. Việc chân tay càng không đến lượt. Hẳn vì lối sống hưởng lạc và sự chậm chạp lười nhác đã làm chai sạn đầu óc các vị rồi. Nên sư cụ tuổi chưa tới bảy mươi mà nom như tám chín mươi, hom hem ốm yếu. Sư ông mới ngoài năm mươi đã thấy sập sệ. Vậy sao không hưu. Hoặc từ chức. Còn trụ bám chùa đến chết à? Thật vô lý quá! Giống như ngoài đời, những người giữ chức sắc cao đều không tự nguyện rời ghế. À mà... tôi so thế là sai. Nhà chùa làm gì có luật hưu và luật từ chức. Song, dù cảm thông đến đâu, trong tôi vẫn thấp thoáng ý nghĩ bất bình về cách sống và làm việc của các vị. Nó già cỗi và trì trệ không khác nơi cửa quan ngoài chùa.

Thế mà, hôm qua trả lời câu hỏi của tôi, cả hai cô tiểu đều nói các sư dưới trần bận nhiều việc lắm. Vì thế danh sách chúng tôi chưa được thỉnh cầu lên Phật. Tôi ngỏ ý nhờ hai tiểu hỏi sư cõi trần, nhằm đốc thúc tiến độ công việc mau lẹ hơn. Được hứa sẽ giúp nhanh. Liền đó tôi nghĩ: Không biết các tiểu này nói với người trần bằng cách nào? Tôi và hai tiểu cùng ở cõi âm; người trần không nghe được tôi nói, tất không thể nghe các cô nói. Có lẽ đó chỉ là lời hứa để chúng tôi vui trong chốc lát. Mới hay, cõi âm không hẳn khác cõi trần. Lời nói còn xuông thì việc làm khó lòng tin được.

Tôi thở dài ngán ngẩm. Danh sách chúng tôi chẳng biết bao giờ mới đến tay Phật? Cho dù một ngày gần đây có thể lũ chúng tôi được sư cụ và sư ông trình Phật, nhưng còn phải qua bao khâu trung gian, hẳn không thể mau chóng được. Cứ nhìn sự sắp xếp thứ hạng thờ cúng trong chùa, thấy rõ tầng tầng lớp lớp trung gian nơi cửa Phật. Sự phân cấp phân quyền như thế, làm sao tránh khỏi trì trệ trong công việc hằng ngày. Sao nơi đây không thực hiện cải cách, bỏ bớt trung gian, thực hành "một cửa". Có thể cũng là vấn đề nan giải, chẳng khác cõi trần. Bởi cải cách thì đụng chạm đến cả hệ thống trị vì. Ai mất ai còn, ắt sinh đấu đá lẫn nhau. Giữ được ghế ngồi thì còn đặc quyền đặc lợi. Mất ghế là mất hết. Tôi nghĩ thế, có thể không đúng thực tế nơi cửa Phật, nhưng đúng với trần gian. Ở trần gian, mấy năm nay nhiều nơi đã thực hành cải cách, song kết quả không đáng kể. Từ "nhiều cửa" thu còn "một cửa" vẫn chẳng mấy hay. Nên người dân hài hước nói rằng: "một cửa" nhưng phát sinh... "nhiều khoá".

Nghĩ đến trần gian, tôi chán ngắt. Chỉ còn hy vọng sự tốt đẹp nơi cửa Phật thôi. Vậy mà từ hôm bước đến chùa này, niềm tin trong tôi mỗi ngày nhạt phai thêm. Nhưng tôi vẫn hy vọng. Hy vọng vào các Đức Phật bề trên sáng láng. Tôi khát khao được gặp trực tiếp các ngài để bày tỏ nguyện vọng. Mà sao không thấy? Chẳng những không thấy Đức Phật Thích Ca, cả Phật A Di Đà và Di Lặc cũng không. Trong các buổi lễ, tôi chỉ thấy tượng ba ngài ngồi bất động tít trên cao. Các ngài vắng mặt thì tìm đâu ra các vị Bồ tát để mà nhờ vả. Kể ra thì dễ hiểu thôi. Các Ngài đâu chỉ trị vì cái chùa cỏn con ở ngoại đô này. Trong tay các ngài còn hàng nghìn hàng triệu chùa lớn chùa nhỏ trên khắp thế gian cơ mà. Được biết, chùa này xây dựng nửa thế kỷ rồi, nhưng các Ngài chưa một lần hạ giá tới dây. Liệu bao giờ? Có lẽ chẳng bao giờ! Thôi thì, các Ngài không bao giờ hạ giá chùa này cũng được. Cốt sao lòng từ bi bác ái của các Ngài bao trùm khắp mọi kiếp sinh linh, từ cõi niết bàn đến nơi trần thế. Cốt sao bộ máy thừa hành đạo pháp của các Ngài tận tâm tận sức, vận hành trôi chảy, thông suốt quanh năm. Được thế thì âm dương, muôn dân trăm họ an hưởng đại phúc đời đời.

Thế nhưng theo quan niệm người trần, Phật luôn luôn ngự tại mọi nơi thờ cúng. Phật tường tận tất thảy ý nghĩ và việc làm của mọi kiếp sống, cả nơi trần thế lẫn cõi âm. Thực ra, điều đó chỉ là sự tưởng tượng của con người. Sự tưởng tượng có thể khởi nguồn từ một nhóm người đưa ra, nhằm đạt mục đích trị vì của họ. Rồi cứ thế nó được nhân rộng mãi ra, qua mọi kiếp sống. Bởi số đông con người vốn ngu dốt, nên u mê cả tin. Sự thật ở cõi âm cõi Phật đâu phải như vậy.

Giờ đây tôi là kẻ thuộc cõi âm. Bước đầu tôi nhận ra rằng, Phật khó lòng thấu hiểu ý nguyện chúng tôi. Vì mấy tuần nay chúng tôi luôn cầu Phật độ trì cứu giúp, song không đứa nào nhận được tín hiệu hồi đáp. Hiểu nỗi niềm chúng tôi, một lần vị Tổ sư khai sơn chùa động viên an ủi, khuyên chúng tôi nên cầu Đức Quan Thế âm Bồ tát. Vì Ngài thường hiện thân vào tất cả tầng lớp chúng sinh, để cứu chúng sinh thoát mọi tai ương. Nghe vị Tổ sư khuyên, ngày đêm chúng tôi cầu đến mỏi mồm bỏng họng vẫn chẳng thấy gì. Như thế, làm sao tôi tránh khỏi nghi ngờ. Nghi ngờ tính chân thực ở lý thuyết Phật. Nghi ngờ niềm tin vào các Đức Phật. Nghi ngờ cả cõi niết bàn. Niết bàn có phải là thiên đường, như những lời quảng bá? Hay niết bàn cũng khốn khổ như cuộc sống ở trần gian. Nơi trần gian người ta khuyên làm việc hết mình, hưởng thụ thì thắt lưng buộc bụng, để dồn tiền của xây dựng tương lai. Mà sao tương lai cứ mãi mịt mù? Tôi nghe nói, hơn mười năm qua xã hội Việt có phát triển đấy, nhưng mà mặt trái tởm lợm cũng diễn ra không dừng, khó lòng ngăn chặn được. Phải chăng vì thế chúng tôi - những đứa trẻ vô tội ở cõi trần, trở thành nạn nhân của mọi thói sống ích kỷ tởm lợm ấy?

Bỗng tôi thêm một lần oán giận cha mẹ mình. Họ hy sinh tôi chỉ vì cái ghế ngồi của ông, và cả cái túi tiền của bà. Họ không phải vợ chồng. Tình tự với nhau, ông chỉ cốt thoả mãn dục vọng mà thôi. Bà thì cốt nhiều tiền để nhàn cư mát mặt. Khi chót mang bầu tôi, bà dấn vượt lên chiếm đoạt ông làm chồng. Nhưng ông không sao bỏ được người vợ già xấu xí. Trong khi đó, tôi cứ lớn lên từng ngày trong bụng mẹ. Nếu không cưới được nhau, cái bụng phềnh phàng của bà sẽ là bản cáo trạng ông. Vợ ông, và cả nhạc phụ - đấng đã nâng đỡ ông từ vô danh tiểu tốt trở thành nhà lãnh đạo, đứng đầu cái vụ quan trọng của một cơ quan trung ương nhiều quyền thế - sẽ không tha tội cho ông. Ông không chịu mất hết! Liền chọn cách duy nhất là hy sinh đứa con, cho dù tôi đã được bảy tháng tuổi. Và với điều kiện, ông phải sang tên cho bà ngôi nhà gần chục tỷ đồng, cùng việc chu cấp khoản tiền vốn giúp bà sống thanh thản ung dung lâu dài. Đau thắt ruột mà ông đành chấp thuận. Từ đấy, họ coi nhau như kẻ thù. Tôi cũng hết thiện cảm với họ. Không riêng họ, cả với số đông người ở nơi trần thế, tôi đều không ưa. Có thể là tôi sai lầm. Nhưng dễ dàng thay đổi làm sao được. Dù sao, ý nghĩ sai đúng trong tôi cũng là do con người nơi trần thế tạo ra.

... Cho đến một hôm, khoảng non tháng gì đó - kể từ khi chúng tôi đến cửa chùa, lần đầu tiên được người nhà Phật gọi hỏi nguyện vọng từng đứa. Tôi từ chối thẳng thừng việc đầu thai trở lại làm người. Còn hướng lên cõi niết bàn, tôi chưa hẳn muốn, nên ngập ngừng trả lời nước đôi. Bởi hôm trước tôi gặp sáu đứa từ trường Phật học trở về, nói rằng: Chúng phải bỏ trường vì lý do khổ hạnh cực kỳ. Ngày lại ngày, chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường ẩm mốc. Tụng niệm kinh Phật như cuốc kêu mùa hè. Hoặc ngồi thiền lặng lẽ từ bi, gần như bất động. Ăn uống thì nhạt nhẽo đạm bạc, làm sao tránh khỏi suy dinh dưỡng. Như thế trí huệ không thể sáng láng được. Bỗng tôi trợn tròn mắt bởi câu nói “Chúng tao bỏ trường nhằm tránh dấn thân theo những tà thuyết dị đoan!”. Câu nói ấy có phải là ý nghĩ cực đoan? Tuy nhiên, tôi không quá bận tâm trước câu hỏi mình thầm đặt ra. Chỉ biết rằng, sự nghi ngại về cõi niết bàn luôn đeo bám đầu óc tôi.

Cõi niết bàn? Đừng tưởng bở. Húc vào không khéo lại xơi cú lừa cũng nên. Có khi nguyện làm thân phận cỏ cây là đắc sách nhất. Nghe đâu có vị danh nhân dưới trần, sau gần một đời lên voi xuống chó, cuối cùng đã phải thốt lên: "Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo". Liệu hướng ấy có phải là tuyệt diệu?...




VVM.01.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .