Đ ã ngoài bảy mươi nhưng răng lão An còn tốt lắm. Nghe ai khen, lão khoái đến tận cuống tim nhưng giả bộ đau khổ, thở dài trông thật thiểu não:
- Ôi dào! Nó ngốn hại của thế gian hàng trăm tấn rau lá củ quả rồi đấy mà chả được làm tướng xưng vương gì. Chưa mất cái nào. Tôi vẫn thường nguyền rủa nó mà nó có chịu gẫy rụng cho đâu.
Lão làm chủ trang trại ven thung núi, rộng dăm héc ta. Từ đầu những năm chống Mỹ, cả gia đình sơ tán lên đấy, mở rộng đất hoang đồi trọc sống cùng với người Sán Dìu. Chuyện về săn bắn, rừng rú, lão kể nghe phải hết nghìn lẻ năm đêm. Những khẩu súng săn tự tạo của người Mông, người Nùng được đổi bằng sắn khoai gạo muối. Lão cùng thanh niên bản luồn rừng săn báo sói nai hoẵng...Rừng ngày ấy ngàn vạn cây. Những gốc cây lão có nằm gối đầu lên rễ mà ngủ cả ngày cũng không sợ nắng. Ba bốn chục năm rồi. Rừng cây kiệt quệ như sức lão. Chúng mày không biết chứ. Ngày ấy, voi hùm cũng phải sợ tao.
Hòa bình trở lại, tiếc công sức bỏ ra, lão ở núi không muốn về phố. Về mà làm giàu, về mà dựng xây. Tao già cần thảnh thơi, xa lánh bon chen phiền phức. Quen thung quen thổ rồi. Quen việc quen người rồi. Đứa nào thích thì về. Tao thích thì tao ở...
Các con lão dần dà lớn đi công tác, học tập, làm lụng ở xa. Mấy năm sau, vợ chết. Lão chôn cất, cải táng, mang hài cốt về chôn ngay đầu lối, nơi bắt đầu có hàng ngàn gốc chè tươi “giại nắng”. Ngày làm cật lực, tối tối lão thường nấu ấm chè tươi đặc đãi bạn từ đồi bên sang hoặc uống một mình rung đùi ngâm đi ngâm lại câu thơ từ thời đồ đồng bên tảng đá cạnh mộ vợ hay lầm bầm chuyện trò với trăng sao, thần núi, thần rừng. Lão thồ hàng xuống phố xuống chợ để cho và để bán rồi vào chỗ tôi, ở chơi tới tàn ngày. Không hề nghiện thứ gì. Đó là điều đặc biệt, thậm chí không ngờ với người ở nơi hẻo lánh. Rượu không, thuốc không, cà phê và trà tàu cũng không mặc dù cà phê và chè trong vườn lão không thiếu. Riêng chè tươi nấu đặc rót có vẩn vàng lúc nào lão cũng đả được hàng bát bất kể đói no sáng tối trưa chiều. Không có cũng thôi. Lão khoe năm vừa rồi đã có ba mươi bảy đoàn “quang” quan trong nước, ngoài nước đến thăm vườn lão.
Tôi sửa lại: - Tham quan chứ!
Lão bảo: - Không! Chữ tham phải đổi thành quang. Chè tôi lấy giống ở làng Non, Thanh Liêm. Bởi vậy, khách đến phải minh bạch, không thể là tham quan ô lại được.
Lão rất thích đại cảnh: cây ngàn, thác núi...không ưng cây bị người giằng giữ, níu kéo, buộc thúc, xén uốn, cắt tỉa. Xin của tôi một cây sộp trong chậu mang lên vườn. Vài năm sau, cây cao ba bốn mét. Rễ phụ quét loạt xoạt ngay đầu ngõ. Sang xuân, hàng ngàn búp mập mạp, đỏ hồng, tơ non, thập thò mở lá trên cành trơ trụi. Sương đọng như nước. Vườn lão chỗ cây cho bóng, cây cho gỗ, cây ăn quả, cây làm thuốc, cây cần săn sóc, cây để tự nhiên...thành lối thành hàng. Các cháu lão lên , thoáng cẳng, chạy nhảy quên ăn quên về đến nỗi bố mẹ chúng phát bực. Những tốp thợ đường dây, công nhân lâm trường, công nhân địa chất, thợ đường dây, thăm dò khảo sát...thường nghỉ ở nhà lão. Hàng hóa họ còn liên hệ, mua bán, đổi chác, chuyên chở...giúp. Xe qua lại nhiều, bốc cả bụi hồng bụi xám thả vào vườn chè. Đôi khi vào vụ làm không hết, việc dồn đạp, lão lại sang mé bên kia núi nói với trường, với đoàn, với mấy ông Sán Dìu. Họ đến làm rồi lấy công bằng hàng hóa. Khi đôi gà trống choai, khi mấy đôi chim bồ câu, lúc bao bắp, lúc cây sơn chi to hoa sáu cánh thơm, lá lại bé xíu. Khi thịt thú rừng kho, lúc hàng rổ đào, mơ, mận. Ai cho cây cảnh lão cũng nhận. Nhận rồi lại cho. Có bữa trời mưa, lão mang xuống tôi cây đào bích bảy tấc uốn hình mâm xôi con gà của ông bạn xa tặng. Lão khen đẹp thì có đẹp nhưng chẳng thích cái người ta cố tình vặn vẹo.
Tôi ở Cẩm Bình, gần chợ, thức ăn không thiếu. Chưa có tiền, người bán cho chịu. Vậy mà khi lão tới, cả nhà cứ cuống lên bởi gặp tính khí thất thường. Hôm lão thích món dân dã. Rau lang luộc chấm nước mắm Thanh Hà. Tôi phải đội nón dầm mưa xuống vườn cô giáo Chiêm xin hàng rổ ngọn khoai lang về, ngắt lá, luộc vừa chín tới, đổ ra rổ chấm ăn với mắm ngấu trộn tỏi ớt. Hai ngón tay bóp nhẹ vào cuống ngọn, lão gật gật lắc lắc rồi ăn như hùm đổ đó. Tuổi cổ lai hi rồi mà lão chén tì tì. Lão khoe ở đồi, đánh mỗi bữa ba bát đầy cơm. Ở nhà tôi, lão chủ yếu nhai mồi nhắm. Cuối bữa, lão đưa bát giục chất cháy vào, không có cháy mới lấy cơm. Cháy cơm đưa ra còn mềm, cầm một lúc mới cứng, nhìn mới thấy thơm. Nghe tiếng nhai cháy của lão cũng thấy vui tai. Nó côm cốp côm cốp, răng rắc răng rắc đều đều đều đêu, nhỏ dần, nhỏ dần. Thuốc nam thuốc bắc chẳng chắc bằng cơm. Đó là câu lão thường nói khi đưa bát chờ người xới.
Mùa xuân, lão xuống núi. Người ướt lướt thướt. Sương cuộn cả vào nhà. Hơi nước từ quần áo, từ mồm miệng tỏa ra nghi ngút. Lão thích ăn ruốc nấu với khế, cà chua, hành, răm, rau diếp đắng. Phải là rau diếp cao ngồng, ngắt lá, nhựa trắng đùn ra như sữa. Không có rau diếp dùng bồ công anh, xà lách, cải soong...thay thế, lão lại làu bàu.
Lần khác, lão lại muốn ăn tôm, ăn sò. Sò huyết cho vào xoong đun to lửa. Nước sôi sủi bắc ra ngay. Có hôm lão ra oai, bắt nướng. Vỏ còn khép. Khi ăn phải cạy bằng dao, kim băng, móng tay, chấm nước mắm mật gừng, đủ các vị mặn ngọt cay chua. Tôm rảo còn bò, lão luộc, bóc vỏ, chấm nước mắm hạt tiêu, ăn hàng cân. Có hôm lão ra chợ, mua dăm chục con rốc to về, tìm cối giã. Chúng tôi thường để người bán xay nhuyễn ngay ở chợ khỏi mất công. Lão không nghe, lấy bát làm cối, cán dao làm chày, vừa giã vừa nạt nộ chúng tôi dốt kém, không biết thưởng thức, không biết ăn ngon. Mắm tôm lọc nước, gạn vào nấu. Lão thái hẹ, thả bún mang ra. Mắm tôm lão chọn phải đúng mắm chợ Cồn, Văn Lý hoặc chí ít cũng đưa vào từ đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn.
Thích ăn gỏi cá dưa kiểu phủ Kiến, lão dùng dao mỏng sắc lạng hai bên lườn cá đem giần băm trộn với giềng già giã nhỏ, chấm nước mắm chanh ớt, ăn với nhiều loại lá chát: si, sắn, lộc vừng, răng cưa, vọng cách... Lão hay ăn gỏi cá: trắm, chép, mè, trôi... Cá làm sạch, không rửa, bọc giấy báo thấm khô, xóc thính. Xương cá được ninh trong nồi áp suất cho nhừ nhuyễn đến sền sệt rồi điều bỗng rượu nếp cái, ớt tươi, mật thành thứ bột lỏng có mùi thơm đặc trưng, vị chua cay ngọt giữ đúng cái gu nông thôn thuần túy chứ không lủng củng xương như nước chấm gỏi ở nhà quê. Đầu cá, lão mang nấu riêu, thái nghệ, băm ít củ chuối bỏ vào. Đuôi cá kho với tương Bần. Trông lão ăn, ai cũng thích. Mấy đứa trẻ con nhìn lão, nhìn nhau, bưng miệng cười.
Rủ tôi lên vườn, lão ra chợ mua giò chả. Theo lão, giò chả ngon chỉ có ở chợ Lạc Quần thời xưa. Thịt tươi nóng thêm tí muối đưa ngay vào cối, giã vụng. Có nước mắm ngon và mì chính cánh cũng bằng thừa, chẳng để làm gì. Lão đến hàng, lựa thịt tươi pha chút muối, giã, gói, luộc giò hoặc để nguyên cả bọc lá thơm rán chả. Lão ngồi bên xem, chỉ dẫn, chờ mang lên đồi. Có khi khoái lên, lão ăn nóng ngay giữa chợ.
Vườn đồi của lão bề thế. Hai hàng ngâu hoa trắng (nguyệt quế), hoa vàng đứng ngay ngắn dọc lối vào. Cây sói rừng cao hơn mét, quả mọng đỏ, phủ bóng lên ngôi mộ vợ lão. Hàng rào là rặng cây bụi: chè mạn, găng ta, giềng núi, đậu khấu, sa nhân...Cây móng rồng có hoa ba cánh vàng dày, thơm nồng nàn. Dây trứng gà hoa to kết từng chùm hồng trắng, thoang thoảng hương. Những cụm ba kích, bách bộ ngoằn ngoèo, đan kết vấn vít với nhau. Nấm linh chi mọc từng vầng bên bờ suối.
Nhà lão bồ to bịch nhỏ đựng đầy sắn khoai khô. Gác bếp từng chùm bắp ngô giống, lúa giống...treo trĩu cả thanh ngáng. Những gói cá khô, thịt thú rừng như nhím, dũi, tê tê...Lão khoe những ngày ậm ạch, mưa không mưa được, nắng chẳng nắng cho, đi đào ổ mối thì nhất. Gà được cải thiện không phải cho ăn. Tê tê ở đâu đó tối cũng lần về chờ lão bắt. Ở rừng đồi phải chuẩn bị sẵn, nếu mưa là mưa như trút, liên chi hồ điệp. Cả tuần ngồi bó gối. Đất trời trắng đục một màu nước.
Lão đãi tôi bữa ăn đầy tính man rợ theo như lời lão. Ăn lông uống tiết. Các cụ ngày xưa hay chữ gọi là nhụ mao ẩm huyết. Đầu tiên là trứng vịt lộn dạng trái vải ăn với gừng, rau răm, hạt tiêu, mì súp. Ăn tiết với hành củ tỏi củ nướng chín, uống rượu tự ngâm với đuôi tắc kè và ba kích. Lão kể mỗi loại tiết phải ăn với loại gia vị khác nhau mới phù hợp và cảm được hết cái ngon. Tiết canh vịt ăn với mùi tàu, hạt tiêu, chanh, quất. Tiết canh chó ăn với húng quế, mơ lông. Tiết canh lợn ăn với kinh giới, húng, mùi, răm, ngổ. Tôi nghe nói cứ tự hỏi một người ăn thúng uống thùng như lão làm sao có nhiều tinh tế trong ẩm thực vậy.
Tiệc giò chả và các món trứng lộn, tiết canh, gỏi cá được bày ra thì ông lang Hồng tới. Ông người Việt gốc Hoa nhưng gọi người Việt gốc tre ông cũng không tự ái. Chả biết gì về quê cha đất tổ nhưng tiếng Quan hỏa, tiếng Quảng Đông, tiếng Anh ông nói gần như tiếng Việt. Cách cho đơn, phương pháp bào chế Đông y cũng do người Việt cung cấp, đào tạo và chỉ dẫn. Ông mang từ phố lên cho lão An khóm lan màu tím được trồng trong thạp men xanh Đông Thành. Được mời nhập tiệc, ông không chối từ nhưng bảo chờ. Ông ra đồi lấy thêm những loại rau ăn ghém của cây thân gỗ: si, sắn, lộc vừng...mặc dù đã có lưng rổ mơ tam thể, đinh lăng, hành, răng cưa, vọng cách...
Ông Hồng sợ ăn gỏi cá dễ mắc bệnh gan. Tôi sợ tiết canh nhưng khi chiêu ngụm rượu ngâm đuôi tắc kè và ba kích vào thì bất kể. Những năm xa xôi trước đây, ngày còn làm ở lò mổ ngành đời sống mỏ Đèo Nai, lão An luộc ba con lợn bao tử, ăn hết với mần tưới, húng dũi và ngổ.
Lão An coi gia đình tôi là chỗ thân tình, đi lại, ăn ngủ tự nhiên, thoải mái phô diễn tính cách của mình. Bà tôi gọi lão là chú. Chú ít hơn tuổi con bà. Bố mẹ tôi gọi lão là chú, coi như em. Đôi lúc còn quát tháo, nạt nộ, hãm bớt những gì hơi quá đà. Chúng tôi từ lớn đến bé cũng gọi chú, coi lão như cha. Các con lão công tác xa, ở thành phố. Năm thì mười thoảng mới bìu ríu lũ lượt con cháu lên chơi với lão. Lão cũng nhiều lần công khai nói khi lão chết cứ chôn ngay cổng trang trại cạnh chỗ vợ nằm. Tiền lão chia đều cho những đứa cháu. Còn đất đồi trị giá vài trăm triệu sẽ tặng lại cho tổ chức nhân đạo làm nơi tĩnh dưỡng các cụ già cô đơn không nơi nương tựa.
Nhưng lão khỏe lắm. chúng tôi còn mệt mới theo kịp. ăn khỏe, uống khỏe, làm khỏe mà chả nghiện gì. Tưởng lão ở trong núi buồn nhưng vào mới thấy vườn đồi chẳng hôm nào vắng. Người làm hộ, người đến chơi, khách quen, khách lạ...Chưa ăn xong bữa đã thấy thày giáo Quang ở trường sau núi mang lên cho lão chậu lan ITALI có lá bắc trắng to bao quanh vòi hoa được trồng trong châu Bát Tràng. Đặt chậu ra góc vườn, lão lại bứng cho ông lang Hồng cây chè ô rô Ninh Thái đã mấy năm dưới hòn đá treo tranh. Lão cười hả hê, bảo nơi lão ở chưa thể gọi là tấp nập nhưng ấm hơi người. Thế là đủ. Tấp nập mà làm gì. Chúng tôi cũng đồng ý thế. Tấp nập mà chi.