Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      
minh họa Nguyễn Lý Phương Ngọc


GIẤC MƠ CUỐI ĐỜI
CỦA CHÚ BÉ DƯỚI
ĐÁY ỐNG BÊ TÔNG




                        

C hú bé dần tỉnh lại giữa cảm giác đau đớn toàn thân, trong bóng tối đen kịt bao trùm không gian chật cứng và lạnh giá. Chú đã nhận ra nửa thân người mình chìm trong bùn và nước. Khát và đói khiến chú không thể ngửi thấy nước có mùi gì, nhưng bản năng sinh tồn của một đứa trẻ 10 tuổi giúp chú cảm nhận được trọn vẹn sự cô đơn, lạnh lẽo từ khối bê tông nhớp nhúa tỏa ra đang ngấm vào hồn chú như một thứ chất độc… Kiến thức khoa học thường thức của một học trò lớp 5 cho chú hiểu rằng: cái lạnh từ bên trên đang dồn xuống mỗi lúc một mạnh để cướp nốt chút hơi ấm từ thân thể thoi thóp của chú thoát lên, theo chiều hẹp và thẳng đứng…

Không, là một võ sư tương lai, ta không thể chấp thuận cái định luật vô tình và bất công với ta như thế! Không, ta phải bằng mọi cách tồn tại để trước mắt kiếm cho ra 60 ngàn đồng một cách lương thiện, để bằng hai tay kính cẩn trao cho sư phụ như một võ sinh nghèo song đầy niềm kiêu hãnh - số tiền võ phí không phải ngửa tay xin ai, không thèm lấy cắp của ai (trừ xin cha mẹ mà không nổi, nhưng chẳng ai biết tình tiết này, vì vậy coi như danh dự của ta được trọn vẹn)!

Ý nghĩ đó tựa ánh chớp lóe, không ngờ lại là cội nguồn sức mạnh tinh thần vững chắc nhất của chú lúc này. Mặc dù thân hình nhỏ thó, hạng “võ sĩ nhẹ cân” song chú tự biết mình nhanh nhẹn như một con rái cá, lại được lớn lên giữa những cánh rừng tràm bạt ngàn ngập nước theo mùa cùng các loài sen, súng, nơi "muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh", được bơi lội và thả hồn suốt ngày vào dịp nghỉ hè giữa thiên nhiên mênh mông như tất cả những đứa trẻ nhà nghèo mang bóng dáng của cậu bé rừng xanh hoang dã Tarzan!

Ông nội chú, một cựu chiến binh thời chống Mỹ, một lão nông, cũng là một nhà hoạt động bảo vệ Môi trường chuyên bênh vực rùa, rắn, các loài chim quý như Sếu đầu đỏ vùng Đồng Tháp Mười, đã kể cho chú nghe câu chuyện về Tarzan nọ cùng nhiều câu chuyện khác như Robinson Crusoe, Hoàng tử Bé, những cuộc phiêu lưu của Tômxoayơ… Vô tình chú đã học được đôi ba kỹ năng sống cần thiết của người không may rơi vào hoàn cảnh bất lợi – những điều chú đã không học được ở nhà trường – từ mẫu giáo tới lớp cuối cấp phổ thông cơ sở mà lẽ ra chú phải được học!

Ông nội chú quả là một “người thầy đầu tiên” của một đứa trẻ ham hiểu biết, ham hoạt động. Kỷ niệm sâu đậm nhất trong đời chú là lần ông thưởng chú được kết nạp Đội Thiếu niên Tiền phong: hai ông cháu ngược sông vài cây số bằng trẹt gỗ - loại phương tiện thông dụng ở Đồng Tháp Mười - để đến một cánh đồng sen bát ngát và đẹp như vùng Thiên Thai, rồi tới một căn chòi dựng bằng cây, lá của một bạn chiến trường cũ đang xây dựng khu Du lịch homestay. Ông đã chiêu đãi thằng cháu đích tôn món cá lóc nướng quấn lá sen non chấm mắm me, món lá ốc bươu nướng tiêu. Chú còn được nếm cơm hấp lá sen, tép đồng xào bông điên điển, cá trê vàng chiên nước mắm gừng, đọt lục bình xào tỏi, rồi được tham quan nhà triển lãm các các vật dụng quen thuộc của nông - ngư dân vùng này hàng trăm năm trước như cà ràng, nồi đất, phản, nôm, xuồng thu hoạch lúa ma, v.v. Ông bảo: “Nếu cháu yêu thích nghệ thuật ẩm thực, ông sẽ dẫn cháu tới đây thường xuyên học nghề nấu các món đặc sản vùng ta. Học xong, về với ông đây làm du lịch, thu bộn tiền con ạ”. Chú chỉ gật đầu lấy lệ để ông vui lòng, nhưng trong bụng thì thề với mình: “Ta sẽ trở thành võ sư!”.

Kỷ niệm đó chợt khiến chú ứa nước miếng trong cái miệng khô cong như ruộng hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long mà chú được thấy qua tivi… Cái mơ ước trở thành võ sư, chú mới chỉ tâm sự với đứa em gái đang học lớp 1 và cô bạn gái thân cùng lớp - hai đối tượng hay bị lũ trẻ làng bắt nạt; và cái đích cụ thể, rành rõ, cao quý của chú là cần học võ để trước hết bảo vệ hai sinh linh yếu ớt, nhút nhát mà chú rất yêu quý này. Thực ra, ông nội chú không biết được rằng, cái động lực làm Võ sư của thằng cháu lại xuất phát từ chính ông, từ những câu hát thơ Lục Vân Tiên mà ông học được từ nhỏ, rồi truyền lại cho con cho cháu. Tâm hồn nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Tử Trực đã âm thầm nảy mầm trong trái tim bé nhỏ của chú để trở thành khát vọng cứu đời - giúp đời hoạn nạn, khổ đau; cái khát vọng ấy của chú, ông chú, ba má chú, các thầy cô giáo chú chưa có dịp để hiểu, nhưng chú không lấy làm điều, thậm chí coi như một bí mật lý thú của riêng chú… Cuốn sách “Đồng Tháp nhân vật chí” ông được tặng mà chú vẫn lén giở xem, chú ưa thích nhất những trang viết về Khu Di tích Gò Tháp, nơi thờ phụng Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều; cũng như chú mấy lần bắt ông kể về ông Truyền - người đầu tiên của Đoàn 180 sử dụng súng B40 bắn cháy xe tăng M41 của địch ở cự ly 7m, mở màn phong trào “tiêu diệt xe tăng Mỹ”, bởi chú lờ mờ cảm thấy: đó mới thực là những ông Hộ Pháp chắc chắn giỏi võ thuật, binh thư, có khả năng bảo vệ những gì tốt đẹp, mong manh dễ vỡ của thế gian này…

Thế nhưng, khát vọng lớn của chú đang có nguy cơ bị đổ sụp tan tành, chỉ vì cầy cục chạy vạy mãi mà vẫn không đủ 60 ngàn đồng trả cho thầy dạy võ, khi đã quá hạn mấy ngày!

Lớp võ thuật chỉ gồm năm đứa – bốn đứa học lớp 5, một đứa lớp 6 - đã cắt tiết gà ăn thề buổi kết nghĩa tự xưng “Ngũ Hổ Tháp Mười”. Thầy dạy võ của bọn chú xuất thân một gia đình võ thuật nổi tiếng khắp vùng, cũng là bạn chiến đấu cũ của ông nội chú, nguyên là một chiến sĩ đặc công vùng Tháp Mười. Ông vui vẻ chấp thuận dạy võ cho mấy đứa trẻ cùng làng, với bài học vỡ lòng không phải là các chiêu thức Đánh - Đỡ, mà là: “Người có võ cao cường là người chỉ tung chưởng khi bất đắc dĩ phải tự bảo vệ bản thân hay bảo vệ người yếu thế trước nguy hiểm đe dọa bởi kẻ ác…” Ông cho bọn chú xem bộ phim Mỹ “Chú bé Karate” và kể lại nhiều câu chuyện cực hấp dẫn về võ thuật Đông – Tây, có chuyện khiến mấy đứa phải chảy nước mắt thương cảm bởi ông võ sĩ thua chỉ vì không được ăn một miếng bit-tết trước khi vào cuộc đấu… Còn học phí, ông bảo: ông đã có lương hưu quân đội, lại vẫn đi đánh cá kiếm thêm cho hai ông bà già, con cái trưởng thành hết, vì vậy, học viên nhí nuốn trả bao nhiêu và bằng gì cũng được, thậm chí ông cho nợ lâu dài! Mấy đứa chụm đầu với nhau: Thầy không muốn nói miễn phí, là muốn kích thích ý chí tự lập tự cường thôi mà. Vậy, thống nhất là mỗi tháng của đợt học, mỗi học viên gửi thầy 60 ngàn đồng coi là khoản bồi dưỡng sức khỏe cho thầy.

Những tháng trước, số tiền ấy đối với chú chẳng là gì! Tiết kiệm tiền ăn sáng ba má cho, ra sông suối câu cá bắt lươn, vay nóng bạn nhà giàu… Nhưng tháng này, má chú bị ốm, ba chú cắt tiền ăn sáng, đoạn sông chú vẫn câu cá đã bị quây lại để làm resort tư nhân, đứa bạn nhà giàu béo ụt ịt vốn ghen tức với bọn học võ đã lắc đầu từ chối – dù lãi xuất vay chú đề nghị cao hơn. Cực chẳng đã, chú nhằm lúc ba vui vẻ uống xị đế nhắm ổi xanh với bạn nhà nông, gãi tai xin tiền. Ba chú cau mày lắc đầu theo kiểu đã biết cái mục đích xin tiền mà theo ông là vô bổ, nhưng chú lại nhìn thấy ánh mắt bất lực xót thương của ông… Theo rủ rê của bạn cùng gia cảnh, chú ra công trường cách nhà 2 cây số để lượm phế thải, sắt vụn bán cho một bà ve chai và một lò rèn nông cụ duy nhất trong vùng.

Chú nghe nói đấy là công trường xây dựng Khu Du lịch sinh thái, hình như có dính đến Tâm linh gì gì đó. Tới nơi, chú đã thấy hàng chục đứa trẻ lam lũ quanh vùng cũng đang ráo riết cạnh tranh nhau làm cái công việc mà hai đứa đang chuẩn bị làm, nghĩa là hai đứa chỉ có việc nhặt nhạnh thứ rơi rớt của đồ phế thải sau khi đã bị “càn quét” sạch sẽ! Có điều an ủi chú là, qua chuyện trò của lũ trẻ kia, chú biết rằng tương lai của Khu Du lịch này sẽ rất khang trang, du khách quốc tế - nội địa đến nhiều và tiêu tiền thoải mái, nhất là các món đặc sản mà chú may mắn được thưởng thức và được nghe kể năm ngoái tại khu Du lịch gia đình của bạn ông: bọn trẻ nghèo chắc chắn sẽ có cơ kiếm ăn được tốt hơn. Chỉ nhìn quy mô các hệ thống giàn giáo, bãi cọc bê tông khổng lồ thì có thể hình dung ra rõ rệt bóng dáng nay mai của Khu tiêu thụ tiền khủng này…

Nhưng chú không ngờ nổi rằng, một trong những cái cọc bê tông có đủ điều kiện đi vào sách Guiness quốc gia-quốc tế kia sẽ là cái mồ chôn chú và mọi ước mơ của chú!

Lúc này, có thể đã quá trưa, hơn một ngày trôi qua, trong hình thù một “bức tượng người chôn sống”, chú vẫn chưa thể nhớ ra vì sao mình đã rơi vào cảnh ngộ này! Chú chợt cồn cào một cơn khát, khi mà cái đói như trốn biệt đâu mất, dành trận địa cho cái khát đốt cháy tim gan chú. Cái khát nước là nguyên cớ chính làm chú kiệt sức, và thứ nước chẳng biết màu gì đang xộc lên mũi chú thứ mùi không tả nổi khiến chú lả người đi mê mệt… Hình như có một cái dây cứu hộ kèm chiếc neo thuyền vừa thả xuống, đụng nhẹ vào chú, chú tỉnh người, mừng rỡ nắm lấy, bặm môi lại để lấy thêm sức, chuẩn bị hỗ trợ cho người ở trên kéo lên. Nhưng sự cố gắng này đã làm chú rã rời thân thể, vắt kiệt sức sống còn lại của chú. Chú buông tay, chút ánh sáng lờ mờ như ma trơi từ xa lắm phản chiếu tới chỉ đủ chú thấy chiếc neo thuyền cứu hộ kia đang đung đưa kêu gọi, tìm kiếm tuyệt vọng. Trong những hơi thở cuối cùng, thở một cách khẽ khàng, tiết kiệm, ở nơi cách biệt mặt đất cõi nhân gian với một tầng Địa phủ, chú chợt mê man trong một giấc mơ… Giấc mơ kỳ diệu, diễn ra trong câu hò Đồng Tháp văng vẳng mà ông nội chú từng hát và kể lại: đó là câu hò của một nữ nghệ sĩ hát cho bộ đội nghe, nhưng bộ đội nghe xong không vỗ tay mà lại khóc:

Giọt lệ chia ly trĩu nặng lòng người chiến sĩ
Buổi trùng phùng ta giữ kỹ trong tim
Dù cho đá nổi mây chìm
Đố ai ngăn được cánh chim về đàn…

Còn nội dung của giấc mơ, chú sẽ giấu kín, vì kể ra thì sẽ rất xấu hổ… Nó diệu kỳ nhưng giản dị. Diệu kỳ vì nó sẽ giúp chú duy trì được sự sống cho tới khi người lớn kịp cứu chú thoát khỏi nơi đây. Giản dị, vì đó chỉ là một bữa tiệc nhỏ chú mời cả nhà, bằng tiền thưởng cuộc thi võ thiếu niên Tỉnh sẽ tổ chức năm tới, trong đó nhất định phải có món cá lóc nướng quấn lá sen non chấm mắm me mà chú từng được ăn lần đầu để nhớ cả đời, món ăn mà ba má và cô em gái tội nghiệp của chú chưa bao giờ được biết… Và chú chợt nghĩ trong nụ cười héo hắt, giấc mơ kỳ diệu đó sẽ chẳng ai ngờ nổi: món cá lóc đặc sản kia, nếu xuất hiện ngay lúc này, chỉ một miếng thôi, nhất định sẽ giúp chú hồi phục sinh lực mạnh mẽ, giống như ước mơ thê thảm của nhà võ sĩ trong truyện ngắn Mỹ “Miếng bít-tết” mà thầy dạy võ từng kể: chỉ cần có miếng bít-tết trước trận đấu quyền anh khốc liệt, chắc chắn ông sẽ thắng để đoạt giải thưởng lớn, một giải thưởng có thể giúp ông nuôi sống vợ con mình trong vài năm… Linh hồn chú bay đi cùng câu chuyện buồn và giấc mơ đẹp, giản dị nhưng kỳ lạ này.




VVM.25.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .