S áng nào ông Sáu “thi sĩ” cũng mua đứt chỗ ngồi dưới gốc cây cau đuôi chồn trong sân quán Nga Trại cho tới quá trưa.
Lần đầu tiên đến quán, cái tên quán nghe vừa lạ vừa quen đã làm ông mất cả ngày lục lọi trong trí nhớ già nua và trong đống sách cũ mèm mới tìm ra lai lịch của nó (khổ nỗi cái điện thoại đời cố hỉ của ông làm gì ới được chú Gu-gồ mà hỏi!). Nga Trại là tên một ngôi làng cổ nằm đâu đó trong tỉnh Bắc Giang đã cùng với một ngôi làng lân cận kết chạ* và giao ước trai gái hai làng không được lấy nhau từ hàng bao thế kỷ. Vì thế có những mối tình bỗng một chiều dừng lại, cắt đứt đớn đau khi nhận ra quê hương bản quán…
Đó là quê gốc của thằng Khướu và chính nó cũng là kết quả của một mối tình không được chấp nhận theo lời kể của cha nó. Đó là người đàn ông cùng độ tuổi với ông Sáu, lúc nào cũng mờ ảo giữa đám khói thuốc lào và chỉ mở miệng khi con chó mực trong nhà bỗng nhảy xổ ra đuổi khách. Bao năm rời bỏ quê hương, Nga Trại chỉ còn là hoài niệm trong cuộc đời trôi nổi của hai cha con nơi đất khách quê người.
Thằng Khướu thì hoàn toàn trái ngược với cha, nó hót như khướu tối ngày. Nhiều khi ngồi ở quán, ông Sáu muốn trầm tư mặc tưởng một chút cũng không được. Nó rất khoái cái biệt danh “thi sĩ” của ông và ưu ái cho ông nhiều thứ đến nỗi ông đã cho nó bức thư pháp mà Hội VHNT Tỉnh đã tặng khi ông đạt giải ba cuộc thi văn chương Miền Châu Thổ. Thằng Khướu trịnh trọng treo bức tranh lên chỗ mà ai cũng phải nhìn thấy khi bước vào quán Nga Trại. Ba chữ “Mặc như lôi” được viết theo lối chân tự là tên tác phẩm đạt giải của ông Sáu, thằng Khướu bắt ông giải thích mấy chữ đó chắc cũng đã đến lần thứ mười lăm rồi chứ không ít (mặc dù ông chỉ giải thích đơn thuần về mặt chữ nghĩa)! Còn trong tác phẩm 7.800 chữ của ông, sự Im lặng của một Cư sĩ trước câu hỏi của một Đại Bồ Tát được chuyển hóa thành câu chuyện bình thường của hai người bạn trong căn phòng đặc biệt tại một dưỡng đường mang tên Minh Đạo, khi họ đang quá cái tuổi cổ lai hy. Đêm nọ giữa hư tịch của đất trời, một trong hai đã Im Lặng mãi mãi, người còn lại một mình trong trạng thái đồng ấu cũng điềm nhiên Im lặng và không gian nơi đó cũng Im lặng vô biên…
Cái quán nhỏ nằm trên con đường nhỏ chỉ có hai cha con và con chó mực, nhưng phải nói cà-phê của thằng Khướu ngon nhất ở thị trấn này. Một điều rất đặc biệt đối với ông Sáu là cà-phê ở đây lại ngẫu nhiên phảng phất hương vị của mấy chục năm về trước khi ông Sáu còn trẻ ở Sài Gòn và thường lui tới Mười-Tô Trà Gia ở đường Phát Diệm Cầu Kho. Lúc đó ông chỉ khoảng hai mươi mấy tuổi và làm kế toán cho vựa cá Năm Biện, một đại lý thuộc chợ cá Trần quốc Toản lúc bấy giờ.
Cà-phê ngon là thế nhưng ít khách vãng lai có lẽ vì cha thằng Khướu chỉ cho mở toàn những chùm đĩa quan họ, chèo hoặc cải lương, cùng lắm là nhạc đỏ và cũng có lẽ do không có cô tiếp viên nào để thỏ thẻ hỏi han rồi bưng bê cho khách, đi tới đi lui dọn chỗ này, dẹp chỗ kia… Khách của quán chỉ toàn những bác xe ôm, những cô chú công nhân quét rác vừa trải qua đêm không ngủ để làm sạch từng ngõ phố, những ông già bà lão bán vé số hoặc những cặp đôi sồn sồn vào quán cứ đem chuyện riêng tư ra đổ vãi vào tai người khác…
Cho nên ông Sáu “thi sĩ” mới dời đô ra tuốt ngoài gốc cây cau cho yên tĩnh. Phần nhiều những ý tưởng văn chương của ông nảy sinh bên gốc cau này, tất nhiên là vào những khi thằng Khướu bận pha cà-phê cho khách! Lắm khi để được ngồi một mình, ông đã cầm chiếc điện thoại cà tàng áp bên lỗ tai như đang nghe ai đó (chiêu này cũng khá phiền vì không lẽ nghe điện thoại lâu như thế mà cứ nín thinh hoài!). Ông cũng đã từng bỏ Nga Trại để ngồi đồng ở một quán khác nhưng vì nhớ chỗ ngồi quen thuộc, nhớ cà-phê thằng Khướu nên lại trở về bên gốc cau để làm một dây trầu mỏng manh, còi cọc, có mà như không, tháng ngày lặng lẽ leo bám nhọc nhằn vẫn không với được tới những buồng trái xanh biếc trên cao.
Thật ra, ngoài chỗ ngồi và cà-phê còn một lý do nữa khiến ông không thể rời Nga Trại. Mỗi buổi sáng từ gốc cau, ông kín đáo phóng tầm mắt xa tận cuối đường để ngóng chờ một bình minh khác, một vầng dương khác dịu dàng hơn, gần gũi hơn đi ngang qua Nga Trại. Đó là cô Hoa Đất (ông không biết tên cô nên tự gọi cô bằng cái tên đó vì cô là chủ nhân của một cái shop chuyên bán các loại hoa làm từ đất sét nhuộm màu). Cô khoảng chừng vừa chạm tuổi bốn mươi, dáng người cao ráo, tóc dài búi gọn sau gáy và giắt ngang một cây trâm gỗ chạm hình hoa sen. Dù luống tuổi nhưng cái dáng vẻ thanh tân vẫn còn phảng phất nơi cô qua những màu áo dịu nhẹ với những họa tiết tinh tế, qua chiếc lưng thẳng và những bước chân nhẹ nhàng chậm rãi, qua đôi bàn tay không sơn móng xách giỏ đánh đồng xa nhè nhẹ… Cô đã hớp hồn ông Sáu bởi gương mặt mộc sáng bừng dưới ban mai, bởi nụ cười thoáng hiện gần giống La Joconde khi cô biết mình đang được soi từng bước chân mà vẫn bình thản đi qua không nhìn vào quán, không nhìn ông lấy một giây! Cô đi khuất rồi, ông tiếp tục chờ cô trở về với tách cà-phê giờ trở thành tách trà âm ấm thoảng hương lài mà thằng Khướu đặc biệt pha riêng cho ông.
Có lần ông đĩnh đạc bước vào shop hoa, giả bộ ngắm nghía, hỏi han, tìm kiếm đủ thứ gần cả tiếng đồng hồ để được đứng bên cô, được nghe giọng kim vẫn còn trong vắt của cô. Khi cô khéo léo chuyền ông qua cho cậu nhân viên trẻ măng để vào đứng sau quầy, lúc bấy giờ ông mới hướng mắt về phía cô và hỏi giá chậu hoa thủy tiên treo trên cao. Lần đó ông cứ buồn bực mãi vì không được chính cô tận tay trao chậu hoa đó cho ông. Đến giờ mấy nhánh thủy tiên vẫn tươi rói không cần ông chăm sóc, cô Hoa Đất vẫn đều đặn ngày hai lượt đi về, vui thú sáng tạo bên những cánh hoa muôn hồng nghìn tía mà không cần biết có ông trên đời! Dưới đôi tay ngón dài thon nuột của cô, không biết đất đã lặng lẽ hóa thân cho vẻ đẹp hay vẻ đẹp đã hiến dâng mình cho chất liệu của nghìn thu.
Những bài thơ của ông Sáu vẫn vỗ cánh bay lên mang theo nỗi niềm khắc khoải của một tâm hồn trót trao mình cho thú đau thương! Những cánh chim trúng tên rơi lịch phịch trước shop hoa, đáp xuống những trang báo văn nghệ của tỉnh, đậu trên bốn bức vách trong quán cà-phê của cha con thằng Khướu… Ông Sáu âm thầm nuôi dưỡng mối tình của loài chim hót khan suốt đêm dài rồi chết giữa bình minh rạng rỡ.
Như thế đã rất nhiều ngày tháng trôi qua, âm thầm, tĩnh lặng, đến nỗi ông Sáu tưởng như thời gian đã dừng lại, cái khoảnh khắc hiện tại đã bước vào bức phù điêu hay thạch tượng, đã đọng lại trong bức tranh thủy mạc hay tấm ảnh trắng đen hoặc đã rơi vào di cảo của văn chương.
Mùa lũ lại về không cần hò hẹn, nước dâng tràn khắp nơi, mênh mông, trắng xóa. Ruộng đồng, vườn tược bị nhấn chìm trong từng cơn lũ nối nhau không dứt, con phố nhỏ đã trở thành con sông tự lúc nào. Khi ông Sáu chợt thấy bước chân mình bỗng lao đao nặng nhọc, bàn ghế trong quán Nga Trại bỗng một ngày chồng chất lên cao, rồi cả cái gốc cau già cũng ngập chìm trong nước… mới hay nước không còn thập thò mấp mé mà đã thành cơn lũ lớn mất rồi! Thằng Khướu tuyên bố đóng cửa Nga Trại, cũng không dời quán về đâu cả, trên tấm bảng viết bằng phấn trắng nguệch ngoạc cũng không hẹn ngày tái ngộ. Con chó mực nhà thằng Khướu phóng tuốt lên bậu cửa sổ có trồng hoa mười giờ đang bắt đầu hé nở, nó ngồi ngay ngắn với hai chân song song trước ngực và nhìn ông bằng đôi mắt ánh vàng. Ông Sáu nghe lòng mình hụt hẫng, chơi vơi. Từ chỗ ông đang đứng nhìn về phía shop hoa chỉ thấy một dòng trường giang mờ đục lặng lờ. Chỗ ngồi đợi như một vùng sơn thạch đã không còn dù chỉ là một chút rong rêu. Mùi cà-phê thấp thoáng mong manh từ quá khứ lại thất lạc thêm một lần nữa. Mặt trời chói lọi của riêng ông cũng đã ngủ vùi đâu đó, cánh chim tình nương náu trong trái tim già cỗi của ông Sáu bỗng ủ ê, nghẹn giọng không lời!
Ông Sáu trở về thành phố- chắc phải nói rõ là thành phố nào vì bây giờ nhiều thành phố quá! Đứa con trai lớn đang ở trong ngôi nhà của ông đã tự tiện đập bỏ tường rào để cho thuê mặt bằng, một cái quán Cờ Tây hiện đại không thua bất kỳ một cái "rét-tô-răng" nào đã chình ình ở đó. Mặc dù không có tiếng chó sủa nhưng tiếng ồn ào kinh khủng hàng ngày vẫn đưa ông Sáu vào những cơn ác mộng với đủ loại chó, và những cảm xúc thi sĩ nơi ông đã bị thui cháy không thương tiếc!
Sau mấy ngày lủi thủi trên sân thượng với cái chòi lá và vài ba cây kiểng bị bỏ chết khô mà ông đã tạo dựng trước đây, ông Sáu đành “thưa” với thằng con để “xin phép” nó sang chơi nhà đứa con gái thứ. Ông không ngạc nhiên chút nào trước cặp mắt sáng ngời của con dâu và nụ cười vô nghĩa của đứa con trai khi ông quảy túi đi ra khỏi căn nhà của chính ông với cõi lòng nặng trĩu. Ông đã quen chiều theo ý các con như một sự bù đắp cho những thiệt thòi mà chúng nó phải chịu, từ cái hồi vợ ông lẳng lặng rời bỏ ba cha con ông để bước xuống cái nhà bè tráng lệ của một tay đại gia thủy sản, cùng hắn sang tận xứ Cam hay Lào, Thái gì đó rồi biệt vô âm tín cho đến giờ.
Cũng may nhà con gái ông trồng khá nhiều loại cây cảnh, tất nhiên là ở trong chậu thôi (vì nó ở trên chung cư mà), lại có nuôi mấy chú chích chòe, chào mào và cả một con két nữa. Những con chim nhốt trong lồng nhưng tiếng hót lảnh lót chẳng kém chim ở sân vườn nhà quê, nơi ông về ẩn dật bấy lâu nay. Có điều nếu tinh ý sẽ nghe ra trong tiếng hót là cả một sự nhớ tiếc không nguôi, là lời kêu van thống khổ, một nỗi tuyêt vọng cam đành… Tiếng hót của chúng không thể nào có được cái thanh thản, khoáng đạt của tự do khi xoãi cánh vô tư giữa vườn lá xanh um hay bầu trời bao la bát ngát…
Con gái ông sống một mình với đứa con mới 3 tuổi, nói kiểu bây giờ như bọn trẻ hay nói là "síng-gồ mom" gì đó. Sau cuộc hôn nhân gãy đổ, đường công danh của nó lên vù vù, bây giờ đã là CEO của một tập đoàn kinh tế lớn. Nó mừng rỡ khi thấy ông chịu ở lại trông con cho nó, có điều ông phải ở trong căn hộ khóa kín cùng với cái camera hoạt động xuyên suốt và số điện thoại của bảo vệ chung cư, của đội cứu hỏa thành phố, v.v.. và tất nhiên là của con gái ông nữa! Thức ăn của hai ông cháu thì cô osin bán thời gian đã làm sẵn từ sáng sớm lúc con ông đang còn ở nhà, ông chỉ chịu khó cắm nồi cơm điện và hâm lại đồ ăn cho nó bớt lạnh chút thôi. Đứa cháu ngoại xinh như công chúa của ông giống hệt mẹ nó ngày xưa, ông làm mấy bài vè dạy cháu bi bô, cả con két có sắc lông phỉ thúy kia cũng ngọng ngịu học lóm được vài từ. Niềm vui đơn sơ giúp ông nguôi ngoai nỗi buồn giận con cái, nỗi nhớ nhung khu vườn rộng ở quê, cái quán cà phê thị trấn và con đường mà cô Hoa Đất vẫn đi ngang… Tất cả vẫn còn ngập chìm trong nước lũ hay đang hoang hoải giữa sình lầy?!
Rồi ông Sáu lại nôn nao thu xếp để về quê và tìm đến quán Nga Trại trong một buổi sáng đẹp trời (sau này ông ước gì mình chưa bao giờ trở về và đến Nga Trại lần đó).
Không như ông tưởng, con đường quen thuộc ngày nào đã sạch sẽ khang trang hơn trước, nhiều ngôi nhà mới mọc lên đẹp không thua gì ở thành phố lớn. Ông Sáu chậm bước lại một chút vì ngờ ngợ không biết phải cái quán cũ đây không?! Một hàng cau trồng thẳng tắp trước quán xen kẽ với những cây dương xỉ xanh biếc dưới gốc, ông đưa mắt tìm cây cau ngày trước nhưng không thấy đâu nữa. Bàn ghế cũ kỹ trước đây đã được thay thế bằng những bộ bàn ghế trắng tinh, trên mỗi bàn có một lọ hoa hồng đỏ thắm. Nếu không có hai chữ Nga Trại trên tấm bảng treo trước quán chắc ông Sáu không tin đó là quán cà-phê của cha con thằng Khướu. Tấm bảng cũng đã thay mới, nó được làm gọn lại và phủ một màu tím xanh pha ánh bạc huyền hoặc. Ông thấy buồn buồn nhưng cũng bước vào và chọn một chỗ ngồi sâu ở phía trong quán, mùi hoa cau thoang thoảng vây quanh. Thay cho những khúc quân hành trước đây là một điệu Bolero trữ tình rất thích hợp cho những đôi đang ngồi nghiêng đầu vào nhau thì thầm trò chuyện hoặc lặng lẽ cầm tay nhau… Ông Sáu bỗng thấy bối rối và lạc lõng vô cùng, sao không thấy thằng Khướu đâu hết, con chó mực cũng không còn nằm bên thềm cửa sủa khách, cả bức tranh thư pháp của ông cũng không còn treo chỗ cũ…
-Dạ, ông anh dùng chi?
Ông Sáu giật mình, trái tim ốm yếu của ông suýt ngừng đập. Cô Hoa Đất đang đứng trước mặt ông với nụ cười tươi tắn mà lần đầu tiên ông nhìn thấy ở cô. Sau gần mười giây im lặng ngỡ ngàng, khi cô Hoa Đất hỏi đến lần thứ hai ông mới trả lời với một giọng khàn đặc mà chính ông cũng không nhận ra đó là giọng nói của mình. Cô đã đi vào phía trong để lại ông với tâm trạng bàng hoàng, hoang mang khôn tả. Khách ra vào càng lúc càng đông, một lát sau chính thằng Khướu đem cà-phê ra cho ông, nó vui mừng khi thấy ông và sà xuống chiếc ghế trống bên cạnh ông hót tía lia. Sau vài phút hỏi qua hỏi lại, khi nó quày quả vào trong để phụ làm cà-phê cho khách thì ông Sáu cũng đã biết khá đủ sự tình. Thì ra cô Hoa Đất của ông có một cái tên rất đẹp là Thu Ba mà thằng Khướu gọi là cô Ba – cô Ba và cha nó đã “quen nhau” hàng chục năm nay lúc cô chỉ mới ngoài ba mươi. Khi mùa lũ đi qua, cô Ba đã sang lại tiệm hoa cho người khác và về với cha thằng Khướu sau một lễ ra mắt đơn sơ chỉ với hai bàn tiệc cho hai họ ở quán Nga Trại.
Ông Sáu chưa bao giờ buồn đến thế, phin cà-phê đã rơi đến giọt cuối cùng mà ông vẫn không động đậy. Ông không dám uống thêm vị đắng vào lòng hay ông đã âm thầm hóa đá mất rồi?! Cô không chỉ là Hoa Đất đơn sơ, bình dị mà cô còn là Thu Ba, làn sóng thu dịu dàng là vậy mà đã cuốn hồn ông xa tít mù khơi! Từ trong góc quán nhìn ra, buổi sáng vẫn trong veo nhưng lòng ông Sáu đã quá chiều tà, một chút tình hoàng hôn chín rụng chẳng ai hay, mong sao nó hãy cứ héo khô và đừng bao giờ nẩy mầm trong đất!
Ông Sáu rời quán mà không gặp lại cô Hoa Đất và thằng Khướu. Ông dằn tờ giấy bạc dưới bình trà đã lạnh tanh tự bao giờ và bước đi những bước chân chập chùng như có vô vàn tơ rối bủa giăng. Con đường bỗng dài như vô tận, như biết rằng sẽ không còn một lần nào nữa những bước chân này quay trở lại- dù chỉ để đi ngang qua Nga Trại.
Từ đó ông Sáu không còn làm thơ được nữa. Việc này có vẻ đi ngược lại với nhân thế thường tình tự cổ chí kim- người ta thường làm
thơ và làm thơ rất hay khi đau khổ vì tình yêu. Còn ông, cảm xúc lão niên thi sĩ chỉ còn trong những giấc mơ về sáng- trong mơ ông đứng chờ
cô Hoa Đất dưới gốc si già để hái tặng cô đóa mộng cuối cùng.
(*) Chạ nghĩa cổ là làng, kết chạ là kết nghĩa anh em giữa các làng (đã là anh em thì không được lấy nhau, không thù địch nhau).