Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

LÃNG DU THEO ĐƯỜNG TÀU




                                 

K hoác vội cái ba-lô lên vai, ông Phan bước ra cửa, qua hai tầng cầu thang xuống đến cổng chánh, đồng hồ chỉ đúng 5g30. Ông nhắm hướng nhà ga thong thả bước. Ông không muốn đi taxi. Ông muốn đi bộ, một là đỡ tốn kém, hai là vẫn giữ được buổi tập đi bộ buổi sáng thường ngày dù rằng cự ly có thể ngắn hơn chút đỉnh. Đường phố buổi sớm mai mát rượi, không khí trong lành. Quả thật, nếu đi taxi thật là phí của. Ông Phan thoải mái khoác tay từ chối lời mời gọi của những người chạy xe ôm. Tự nhiên ông mỉm cười, suy nghĩ nếu giờ này mà ngồi sau lưng một ông xe ôm chắc phải chết với cái áo gió, hoặc cái áo sơ mi nhiều ngày không giặt vì phải nín thở trong suốt đoạn đường dài.

Con đường nhỏ dẫn vào nhà ga bây giờ khang trang hơn nhiều. Cách đây hơn ba chục năm, ông giận gia đình “ra riêng” dẫn vợ và hai nhóc con đến khu vực này thuê được một phòng trong một căn nhà cố sống lây lất mấy năm trời. Khu đất trống ngay ngã ba hồi xưa thường làm chỗ cho con nít đá banh, bây giờ là một nhà cao tầng ngất ngưởng, ngó lên không thấy hết chiều cao.

Bước vào phòng đợi của nhà ga, nhìn bao quát, ông Phan thấy tươm tất với những dãy ghế ngồi bằng kim khí sáng bóng, đủ tiêu chuẩn đón khách nước ngoài đang ngồi rải rác đâu đó chờ giờ lên tàu. Bên tay phải là phòng toa-lét. Ông Phan bước vào đó theo nhu cầu đang nhuốm phát. Đúng là ở đâu cũng vậy. Toa-lét là nơi bẩn thỉu nhất. Đương nhiên! Tuy nhiên ở đây có lẽ người ta đã cố gắng hết sức để chứng tỏ đất nước đang phát triển và ga Saigon cũng đang đi lên, nhưng rủi ro thay nhìn chung vẫn còn nhếch nhác. Có nơi bị bể chưa được thay. Không lẽ thời buổi này còn “chờ kinh phí”?

Tàu từ từ lăn bánh, ông Phan đã ngồi yên vị vào ghế. Ông đi hạng “ghế mềm” và ghế ở đây được sắp xếp giống như trong một chiếc xe đò. Ghế có chốt kéo để nằm duỗi chân cho thoải mái giống như trên máy bay. Hai bên có cửa sổ với kính chắn cố định để không ai có thể cho tay ra ngoài cửa sổ, và có màn che nắng với màu sắc dễ chịu.

Tính ra từ nhỏ tới lớn ông Phan chưa từng đi du lịch bằng xe lửa, ngoại trừ một lần duy nhất ông đi xe lửa từ Saigon đến Mỹ Tho khi ông còn là một cậu bé Hướng đạo sinh 12, 13 tuổi.

Thật ra ông Phan không thích đi du lịch trong nước cũng như đi ra nước ngoài. Lý do mà người ta gán cho ông và vợ ông là “no money” (không tiền), trong khi những lý do mà ông viện ra thường không được ai chấp nhận. Cũng được. Ông không cần phải mở hầu bao cho họ xem là ông có thừa tiền để đi du lịch bất cứ nơi nào trên toàn thế giới, rồi ông còn làm ra vẻ không có tiền thật bằng cách ông xác nhận họ nói đúng. Chỉ có một lần ông xin visa đi Mỹ để thăm con cái lại gặp ngay một bà Mỹ ở Tổng lãnh sự Saigon “làm mình làm mẩy” không đồng ý cho ông đi. Khỏe thôi! Sự việc này càng củng cố cho ông Phan cái ý nghĩ không muốn đi du lịch. Hiện nay ông muốn đi du lịch ở đâu, ông thoải mái lên máy vi tính gọi ngay tên quốc gia mà ông muốn “tham quan ảo”, ông sẽ nhận được không biết bao nhiêu thông tin cùng hình ảnh về quốc gia ông thích đến. Có khi ông còn biết nhiều chuyện hơn nhưng người đã trực tiếp đến tham quan quốc gia đó. Nhiều người bạn cùng tuổi ông bị “gao”, tim mạch, đường đậu, tăng-xông phải chịu nằm nhà chứ đời nào dám đi đâu. Như vậy số lượng người cùng tuổi ông không muốn đi du lịch không phải là ít. Bà xã ông cũng vậy. Nhiều năm nay bà đem lòng “mê” cái máy vi tính. Hơn nữa bà còn phải đi dạy nhiều. Mỗi ngày khi rảnh rang bà ngồi vào máy, chat với con, tiếp xúc với những học viên qua mạng. Có khi quên cả nấu ăn, nhưng may thay có ông Phan nhắc nhở hoặc chính ông Phan vô bếp làm phận sự “sơ cứu” trong khi chờ đợi bà chính thức bắt tay vào công việc nấu nướng.

Lần này ông Phan đi Nha Trang không phải nhằm mục đích du lịch mà là do những người bạn cũ mời gọi ông rối rít sau khi họ chạy ba đồng bẩy đỗi tìm được số điện thoại của ông. Những người này cũng làm việc với ông tại một công ty yến sào tại Nha Trang. Làm chung được ba bốn năm gì đó, công ty đột nhiên sập tiệm, ông Phan dẫn vợ con về Saigon. Rồi không có liên lạc. Ba bốn chục năm sau mới nối lại được đường dây thân hữu. Họ mừng rỡ, cứ vài ngày gọi ông một lần bảo nhanh chóng ra Nha Trang nhìn ngắm vẻ đẹp tuyệt vời của miền cát trắng kẻo không còn kịp nữa vì tuổi hạc mọi người đã cao quá rồi.

Thế là ông Phan khăn gói lên đường. Nhưng ông Phan nhẩm tính, một lần đi phải làm được nhiều việc. Ông sẽ phải ghé Phan Thiết để thăm một vài người bạn khác. Những người này cũng đã từng làm việc chung với ông ở Nha Trang. Sau khi công ty giải tán họ về quê Phan Thiết kiếm nghề khác làm ăn. Có một người về trồng thanh long hưởng thụ cuộc sống an nhàn thoải mái.

Trước lúc ra đi ông nói với bà vợ là sẽ đi xe lửa vì thấy đi xe đò tai nạn dữ quá. Hình ảnh chiếc xe khách bay lơ lửng trên vài cầu ở Cần Thơ, hay tai nạn như xe khách lọt xuống đèo, xe tải đụng xe khách… làm ông khiếp vía, rụng tim. Ông xin ông Trời cho hai chữ bình an bằng cách để ông đi xe lửa có lẽ chắc ăn hơn.

Trong toa xe hành khách ngồi trật tự thoải mái, có người bật ngửa ghế ra lim dim ngủ. Âm thanh kịch kịch của bánh xe lửa lăn trên đường sắt đều đều, không ồn ào như ông tưởng, càng dễ ru người ta vào giấc ngủ.

Lần đầu tiên đi xe lửa nên ông ngoan ngoãn ngồi yên một chỗ ngoại trừ một lần ông phải đi nghiêng qua nghiêng lại giữa hai hàng ghế để sử dụng toa-lét. Ông chợt nghĩ ra cái tiện lợi khi đi xe lửa là ở chỗ này đây. Đi xe khách người ta thường phải nếm cảnh ngồi chịu đựng, kềm hãm cái nhu cầu hết sức cấp thiết đó mà không dám kêu tài xế dừng xe để “cho ngộ lái”. Ông Phan còn nghe người ta nói trên xe lửa có cái “goong búp-phê” tức là nguyên một cái toa xe được dùng để làm căn-tin. Hành khách có thể đến đó ăn uống nhậu nhẹt. Lần này ông Phan đi có một mình nên đành phải nhịn cái thú này. Ông ước gì trong tương lai ông rủ vài người bạn ở Saigon đi ra Nha Trang chơi, sẽ vào căn-tin lưu động này lai rai trong khi xe lửa đang chạy. Thời gian chờ đợi sẽ ngắn đi.

Ngồi trước mắt ông Phan là một phụ nữ xinh xắn khoảng ngoài 30 tuổi đang ngủ gà ngủ gật. Cô đang bị say xe… lửa. Khi cô mới bước lên tàu và vào chỗ ngồi, ông Phan thấy cô có dáng dấp rất thanh thoát với ba vòng thẩm mỹ vừa phải. Ông định lựa lời làm quen nhưng chỉ một lúc sau cô mở giỏ hành lý rút nhanh một bao nylon chụp lên mặt, ông Phan biết ngay cô đang ói. Thấy tội nghiệp ông gọi một cô tiếp viên vừa đi ngang:

- Cô ơi, trên xe có túi nôn không?

- Không có bác ơi!

Xe lửa đang trên đà cải tiến mà không chuẩn bị túi nôn cho hành khách. Ông Phan quay sang một anh chàng người nước ngoài ngồi phía tay trái ông:

- Anh bạn, có mang theo thuốc say xe, say sóng gì đó không?

Ông đoán mấy người nước ngoài chắc thế nào cũng có chuẩn bị.

- Rất tiếc, không có nhưng đợi tôi tìm cách giúp cô ấy.

Nói rồi anh ta đi loạng choạng về phía sau đến chỗ một người nước ngoài khác nói lô bô gì đó rồi chỉ tay về hướng này. Ông Phan quay lên nhìn cô gái, thấy cô có vẻ ngất ngư. Lọn tóc đẫm mổ hôi dán lên trán làm tăng vẻ mệt mỏi của cô. Ông khách nước ngoài đã quay trở lại, anh ta đưa cho cô gái hai vòng dây thun màu đen có gắn một miếng bìa cứng hình vuông mỗi cạnh chừng 2 cm, chính giữa có một núm bằng đầu ngón tay út. Anh ta bảo cô này đeo vào tay sao cho cái núm đó ấn vào giữa cổ tay, và giữ yên như thế cho đến khi khỏi hẳn sẽ trả lại cho anh ta. Sau khi đeo hai vòng dây thun vào hay tay, cô ngả người ra sau nhắm mắt ngủ hoặc lắng nghe hiệu quả của một phương pháp trị liệu mới. Ông Phan cũng mong sao có ông thần “dây thun” nào đó mà cô đang đeo ở tay giúp cô thoát khỏi “kiếp nạn” nho nhỏ này.

Xe dừng ở ga Long Khánh. Có khách mới lên xe. Sau lưng anh chàng nước ngoài lúc nãy có trống hai hàng ghế được bốn chỗ ngồi. Khách mới lên là một gia đình gồm có 5 “khẩu”, hai người cha mẹ khoảng gần năm chục tuổi và ba người con, cô con gái lớn khoảng 16, 17 và hai cậu con trai một khoảng 15 và một khoảng 12. Cả gia đình này chiếm ngay bốn cái ghế trống đó. Hai người lớn chiếm ngay hai ghế phía sau. Người chồng thì vừa đủ ấn chặt vào ghế, và người đàn bà hơi dư hai miếng mỡ bên hông nên phải hạ cái tay gác của ghế, không thì khó mà nhét được cái bụng của bà ta. Còn ba người con thì không sao nhét được vào khoảng trống của hai cái ghế, cho nên cậu nhỏ nhất phải ngồi chồm lên phía trước để cho anh và chị ấn được vào sâu trong ghế. Ông Phan chợt nghe tiếng cậu con trai lớn càu nhàu:

- Không chịu mua năm vé cứ để con ở nhà cho yên tâm.

- Không sao đâu. Xe còn nhiều chỗ trống. Ông bố trả lời.

Nghe giọng nói của mấy người này, ông Phan biết họ từ một nơi nào đó bên kia bờ sông Bến Hải. Một lúc sau, người cha khều vào vai người con gái:

- Qua ngồi với mẹ.

- Bố đi đâu?

- Dưới kia có ghế trống.

Nói rồi ông ta đứng dậy đi về phía cuối toa. Đứa con gái bước qua ngồi vào ghế trống bên cạnh mẹ. Hai cậu con trai ngồi lọt thỏm vào hai cái ghế “mềm” và, dĩ nhiên, rất êm ái.

Ông Phan nhìn ra cửa sổ ngắm phong cảnh rừng núi để quên cái màn xiếc “tiết kiệm vé xe” vừa rồi. Rồi ông ngà người ra phía sau, thong thả rút điện thoại bấm nút nhắn tin:

“Gần tới Phan Thiết. Đi xe lửa quá tốt. Rất tiện nghi và an toàn, không sợ… xe tải tông”.

Ông cho máy vào túi quần nhưng lại phải lấy ra vì có tiếng chuông hồi đáp:

“Hay quá vậy. Em muốn đi quá chừng”.

Ông cho điện thoại vào túi quần.Lần này chắc là nó nằm yên. Được lắm, bà xã rất thích, ông Phan định khi nào có lễ được nghỉ bắt cầu nhiều ngày hoặc vào dịp nghỉ hè, ông sẽ dẫn bà đi một chuyến để “đổi gió” chắc sẽ giúp ích được phần nào cho sức khỏe của bà.

Loa phóng thanh vừa cho biết tàu đã vào ga Phan Thiết, hành khách nhôn nhao chuẩn bị xuống ga. Cô gái say xe lửa bây giờ đã tỉnh dậy sảng khoái như không có chuyện gì xảy ra. Cô tháo hai vòng dây thun đưa cho anh chàng người nước ngoài, tươi cười nói lời cảm ơn bằng tiếng Việt. Anh chàng người nước ngoài chắc cũng hiểu được câu nói của cô gái bản xứ xinh đẹp này. Không hẹn mà nhiều người chung quanh ông Phan đều xuống tàu ở ga Phan Thiết ngoại trừ hai ông bà và ba đứa con lúc nãy và mấy người ở phía sau vẫn ngồi yên tại chỗ vì chưa đến ga của họ.

Rời xe taxi, ông bạn đưa ông Phan đi vào con đường đất ngoằn ngoèo, hai bên là những dãy thanh long xanh mướt cao vừa quá đầu người. Người ta trồng thanh long trên những cọc xi-măng. Những dây thanh long ôm thân cọc khi lên đến đỉnh cọc thì thả ra chung quanh giống như cái đầu của anh cầu thủ Hà Lan Ruud Gullit thời xa xưa. Nhiều cọc đã có quả còn non trong rất đẹp mắt.

Nhà ông bạn vừa mới xây rất khang trang, hiện đại, bên cạnh một căn nhà cũ, theo ông cho biết, căn nhà nhỏ này trước đây ọp ẹp, nay cũng được sửa chữa dành cho vợ chồng một người con gái. Ông bạn có một đàn con với số lượng cũng thuộc vào hàng kỷ lục. Tám nhân khẩu. Chỉ có một ông con trai được một cháu nội, và bảy trái bom nổ chậm may mắn thay đã gả chồng đầy đủ trăm phần trăm, với số lượng cháu ngoại cũng lên đến cả chục. Thấy đàn con cháu của ông bạn, người ta ai cũng đoán được tuổi tác của ông cũng phải gần tám chục.

Cơm nước được dọn lên ngay sau đó. Bàn cơm chỉ có ba người. Người thứ ba là ông con rể của anh bạn. Bà xã của anh bạn vì sức khỏe không được tốt lắm nên để mọi người tự do. Ba người, ba đôi đũa tự do múa kiếm trên một đĩa cá nục hấp còn bốc khói và một đĩa mực xào cũng còn nóng xông lên một mùi thơm hấp dẫn. Ông Phan thấy sống trong một thành phố biển có khác, bữa cơm thường gồm những món hải sản và đặc biệt luôn luôn tươi sống. Ông Phan gắp một miếng cá nục hấp chấm vào đĩa nước mắm nhĩ cá cơm đã dầm ớt rồi cho vào miệng, ông thấy hai hàm răng như tê cứng lại, phải mất gần hai tíc tắc ông mới nhai được và nuốt trôi miếng cá. Một hớp bia kèm theo đã làm cho ông Phan vô cùng thích thú:

- Quá đã! Quá đã!

Gần đến 3 giờ chiều, ông bạn nhắc nhở:

- Xe tới rồi. Qua nhà ông bạn kia, chắc ổng đang chờ đó.

Hai người đứng dậy ra xe. Ông Phan sực nhớ:

- Nhờ anh nói đệ tử này sáng mai đưa tôi ra ga Mương Mán để đi Nha Trang.

- Yên trí tôi sẽ dặn nó.

Ông bạn kia đang ngồi trước nhà ngó ra đột nhiên đưa tay lên vẫy vẫy khi chiếc taxi của chúng tôi chạy trờ tới. Mọi người bước vào nhà, ông bạn kia cười hề hề:

- Chờ ông quá trời, ông ra mà không báo mấy giờ đến, làm chuẩn bị không kịp. Bây giờ thì xong rồi. Anh Tám khoẻ không?

Bạn ông Phan cười nhẹ:

- Cũng bình bình.

Bà vợ ông chủ nhà bước ra:

- Chu cha, ổng chờ miết. Ổng nói sao đi rồi mà không nói đi hồi nào. Đùng một cái hô tới rồi. Trở tay không kịp.

- Trở tay trở chân chi vậy. Có gì ăn cũng được. Đơn giản mà!

- Thôi ráp vô. Mệt không? Ra sau rửa mặt cho mát.

Đó rồi mọi người vô bàn thưởng thức một vài món hải sản của Phan Thiết. Ông Phan nghĩ lần này ra Phan Thiết ăn được những món đồ biển ở đây thật là ngon miệng. Muốn ăn hải sản phải đến những nơi có biển rộng, có những con người suốt đời gắn liền với những chiếc ghe câu, những thuyền thúng mới tận hưởng hương vị đậm đà thơm ngon của từng miếng cá, từng con ghẹ, con tôm. Đó là cái khoái khẩu chỉ khi ăn hải sản ở đây mới có. Như vậy điều kiện một món ăn được gọi là ngon là phải kèm theo cái cảm giác khoái khẩu. Cao lương mỹ vị, kỳ trân, bát bửu chưa chắc gọi là ngon. Giống như mấy ông Tây hồi xưa trong bát quốc liên quân ngồi ăn óc khỉ với Từ Hi thái hậu chắc chắn không thấy ngon chút nào. Có người phải lẻn ra ngoài để ói. Gớm!

Lai rai đến tối mịt lúc nào không hay. Mấy món hải sản đã cạn, thùng bia chỉ còn lại vài lon cuối cùng. Ông bạn già của ông Phan đứng dậy:

- Thôi về coi bả ngủ nghê gì chưa.

Ông Phan đứng dậy đưa ông bạn già ra đón taxi về. Tội nghiệp, ông già tám mươi bây giờ phải về chăm sóc bà xã chắc cũng xuýt xoát tuổi ông. Bà yếu hơn ông nhiều. Không chừng đây là lỗi tại ông, tại ông hồi xưa bắt bà sinh con cái nhiều quá. Bây giờ ông phải chăm sóc bà cho biết vất vả khổ cực, bù lại cho bà ngày xưa.

Mấy người con của ông bạn chủ nhà đã để sẵn tấm nệm ngoài hiên, bên cạnh khoảng đất trống trên đó những người con ông bạn đã vun lên những luống rau cải xanh tươi mà ông cho biết đã gần đến ngày thu hoạch. Ông Phan vén mùng chui vô ngả lưng xuống nệm duỗi chân cho xương sống kêu rắc rắc, ông bạn cũng chui vô nằm bên cạnh. Ông Phan hỏi:

- Ông còn nhớ cái gì hồi xưa không?

- Nhớ cái gì? Hồi xưa giỡn không?

- Vậy chớ cái bà bán căn-tin hồi đó kết ông quá trời, đâu rồi?

- Tan hàng rồi. Ông cũng biết mà!

- Ờ há!.

Vậy là xong câu chuyện. Hai ông già ngủ hồi nào không biết.

Sáng hôm sau, người con rể của ông bạn già kia đến chở ông Phan lên ga Mương Mán, nơi đây ông sẽ đón tàu ra Nha Trang, kết thúc chuyến đi thăm bạn bè ở Phan Thiết. Hai vợ chồng ông bạn già cho ông Phan tá túc qua đêm rất tử tế, khi từ giã ông bà cũng cố nói theo:

- Rình rình khi nào bà xã vui, xin phép trở ra chơi vài bữa nữa nhe!

Đúng 9g30, tàu khởi hành. Đi tàu lửa khoẻ chỗ này. Cứ đúng giờ là chạy. Không như những xe khách dù, đến giờ làm bộ khởi hành nhưng thật ra chạy lòng vòng một lát chờ rước khách thêm. Có khi chạy rong hoài vẫn không đủ khách, chủ xe đem bán mớ hành khách này cho xe khách thực sự khởi hành.

Đây là chuyến tàu Nam Bắc, khởi hành từ Saigon, ghé ga Mương Mán sau đó đến những ga khác tiếp tục hành trình ra Bắc. Đặc biệt khi ngồi trên xe lửa ông Phan không hề thấy sốt ruột mong được tới nơi sớm chừng nào tốt chừng nấy. Ông cũng không màng nhìn qua của sổ để nhìn phong cảnh dọc đường vì xe lửa thường chạy qua những vùng đồng không mông quạnh, những khu rừng cây che khuất tầm nhìn, hoặc những vách núi trùng trùng điệp điệp. Không mấy khi thấy xe chạy qua những khu phố xá, hoặc khu dân cư.

Người bạn tình nguyện ra ga đón ông Phan chưa từng gặp lại ông sau bốn chục năm xa cách, còn ông bạn đã từng vô Saigon gặp lại ông Phan bất ngờ bị bận việc không ra kịp để đón ông, nhưng nếu sắp xếp được sẽ ra ga để gặp ông cho vui.

Ông Phan theo rất đông hành khách xuống ga Nha Trang và chẳng mấy chốc tất cả đều được xe hơi, taxi, hoặc xe máy đến đón đi gần hết, còn lại ông Phan và vài người khác thơ thẩn bước qua lại trước cổng ga.

Cuối cùng cũng có một người ăn mặc tề chỉnh chạy xe máy đến, chạy rà rà trước cổng ga, trước mặt ông Phan nhưng không nhận ra ông, tưởng là một người nào khác. Trong khi đó ông Phan có thể xác nhận đây chính là ông bạn từng làm việc chung với ông ngày xưa rồi. Ông kia đậu xe lại cách ông Phan chừng hơn một mét, lấy điện thoại ra gọi một người nào đó, ông Phan biết là ai rồi và quay mặt ra hướng khác nhưng vẫn nghe rất rõ:

- Tới nhà ga rồi.

- …

- Chưa gặp,

- …

- Ừ ra đây đi.

Ông bạn này đã có số điện thoại của ông rồi nhưng không hiểu sao vẫn chưa gọi ông. Ông Phan lấy điện thoại vẫn quay mặt về hướng khác, gọi ông bạn này:

- Sao rồi, tới chưa?

- Tới rồi, ông đang đứng đâu vậy?

- Đây nè.

- Đâu?

- Cách ông một thước.

Rồi ông Phan quay lại, mặt đối mặt, ông Phan cười khà khà:

- Đứng đây nãy giờ mà ông nhìn không ra.

- Chu cha, ông đây he?

Ông bạn lúc nãy nói không ra được cũng vừa tới, ông bạn này nói liền:

- Nhìn ổng không ra, mầy ơi!

- Rồi, lên xe về!

Ông quay lại nói với ông Phan:

- Lát nữa tôi quay lại nhà nó.

Ông Phan ngồi sau lưng anh bạn “nhìn ổng không ra”, tha hồ ngắm cảnh vật chung quanh. Ông Phan nhận ra dễ dàng khu phố trước mặt nhà ga. Đướng sá có rộng rãi hơn. Khu Mã Vồng hồi xưa lụp xụp bây giờ tương đối tươm tất sáng sủa. Trước mặt nhà ga mọc lên một nhà cao tầng làm cho con đường có vẻ tân thời một chút. Ra đến đường Trần Phú dọc bờ biển. Hình ảnh bãi biển trắng xóa, dài, xa tắp không còn nữa mà bị che chắn để làm những khu “rì-zọt”. Con đường dài dọc theo bờ biển nên thơ ngày xưa, bây giờ được mở rộng ra giống như con đường ở trung tâm thành phố. Còn chăng là những mảng xanh của biển giữa các khe hở của những khu “rì-zọt”,hay là tiếng rì rào của hàng dương trong từng cơn gió mát, và phía xa là hình dáng “em nằm xõa tóc đợi chờ anh”(1) trên dãy núi Cô Tiên.

Nhà ông bạn nằm trong một khu dân cư mới xem rất bề thế, sát chân núi, đường tráng nhựa khang trang. Ông bạn vừa dọn thức ăn ra bàn vừa kể:

- Nhiều dân Nha Trang hồi xưa ở trong phố đã rút vô núi ở. Đất này hồi đó rẻ mạt, mua dễ lắm. Ông thấy không? Yên tĩnh, yên tĩnh.

- Quá tốt.

Ông bạn hồi chiều đã quay trở lại. Mọi người ráp vô bàn. Ông Phan tu liền một hơi bia mát đến tận ruột. Ông bạn chủ nhà giới thiệu với ông Phan:

- Nghe nói ông ra Nha Trang, bà xã tôi ra tận bến để mua hải sản “ưu tú” về đãi ông nè.

- Hải sản “ưu tú”?

- Đúng. Đây là loại thượng hạng mới bắt từ dưới biển lên, còn dính cọng rong.

- Còn hải sản không có “ưu tú” ở đâu?

- Trong nhà hàng, Họ sử dụng hóa chất rồi hóa phép thành hải sản thượng hạng. Ăn vô biết liền.

- Đi chơi đâu cũng phải có thổ công hướng dẫn mới được.

- Đúng vậy!

Tối đó ông Phan được ông bạn chủ nhà dành cho một phòng riêng để ngủ qua đêm, giúp ông không phải tốn tiền khách sạn. Bạn ông đã cho ông biết trước rồi, nên ông mới dũng cảm đi du lịch ba lô như thế này.

Trưa hôm sau ông Phan được mời đến nhà một người bạn khác, cao niên hơn, nhà ở bên cạnh đường rầy xe lửa, cho nên cứ khoảng chừng hai, ba chục phút có một chiếc xe lửa chạy qua. Tiếng ồn đinh tai nhức óc. Không hiểu sao vợ chồng ông bạn già này chẳng thấy có gì là khó chịu. Ông Phan nhớ lại khi ngồi trong xe thì không thấy ồn ào chút nào. Ông bạn đi cùng với ông Phan hỏi ông chủ nhà:

- Khu này chắc con nít đông lắm phải không ông?

- Đúng rồi, xe lửa chạy hoài như thế này đâu có ai ngủ được. Cha mẹ không ngủ được, số lượng con nít cứ bình tĩnh gia tăng.

Bữa ăn hôm nay không có hải sản mà là món thịt nướng với chả ram, cuốn chung với bánh tráng. Đây cũng là món đặc sản của Nha Trang. Ở Saigon cũng có nhiều nhà hàng bán món đặc sản và còn có thêm bún cá, bún sứa vv... Gặp món khoái khẩu cộng thêm mấy chai bia, mọi người ăn uống no nê.

Ông Phan trở về nhà ông bạn đánh một giấc ngon lành cho đến khi đồng hồ báo thức của cái điện thoại reo vang, ông Phan lồm cồm ngồi dậy sắp xếp đồ đạc vào ba-lô rồi nhờ ông bạn chủ nhà chở ra nhà ga xe lửa cho kịp chuyến khởi hành về Saigon lúc 7g tối. Ông mong về lại Saigon để nghỉ ngơi liên tiếp trong vài ngày, bù lại mấy ngày đi du lịch kiểu tây ba lô chỉ có ăn với nhậu cũng hơi thấm mệt, dù thăm được bạn bè là mục đích chính.

Xe lửa đã khởi hành được hơn nửa giờ đồng hồ, ông Phan rảo mắt nhìn lại đầu toa đến cuối toa đang chứa đầy khách. Tiện tay ông rút điện thoại nhắn một bản tin về cho bà xã, có lẽ bà sẽ rất hài lòng.

“Xe đã khởi hành từ lúc 7g. Về đến nhà khoảng 4g sáng. Em ngủ ngon!”.

Không đầy một phút sau, điện thoại ông sáng lên với giòng nhắn tin hồi đáp:

“Anh về rồi trở ra ga mua hai vé đi Nha Trang với em tối mai. Em đã cho học trò nghỉ ít ngày để đi du lịch”.

(1) Câu này nhớ được do truyền khẩu. Không biết tác giả.




VVM.25.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .