Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      





NGƯỜI THIẾU PHỤ
BÊN HỒ






T rời đã bắt đầu chạng vạng. Những người khách cuối cùng đã rời khỏi căn nhà và đi xa. Căn nhà mới còn mùi vôi vữa bỗng trở nên vắng lặng. Bóng tối cô đơn phủ lên chị. Dư âm tiếng cười nói rộn rã của những người hàng xóm, được chị mời đến dự ngày giỗ của anh; - và cũng kết hợp ngày chị sửa được cái nhà mới từ túp lều tranh đổ nát bao nhiêu năm-, còn văng vẳng bên tai chị nhưng không lấn át được tiếng ếch nhái côn trùng từ dưới hồ vọng lên. Chị nhìn vào di ảnh anh mờ sau hương khói và hai cái bóng đèn thờ đỏ leo lét, cố nén tiếng thở dài…

Bao kỷ niệm nồng nàn vừa thương đau, chợt về trong chị…

Tình yêu êm đềm giữa anh và chị bắt đầu dưới mái trường Trung học. Keo sơn và đậm đà theo thời gian. Anh hơn chị hai lớp. Sau khi đậu Tú tài toàn, anh lên Đà Lạt học Đại học ngành Toán Hóa Sinh (SPCN). Còn chị lần lượt cũng vào Đại học Sư phạm Saigon.

Xa nhau, nhưng anh và chị đều gởi gấm cho nhau những nhớ thương dâng đầy, hẹn ngày được sống chung dưới một mái nhà.


Sau 1975, Anh tốt nghiệp và đi xin việc. Cái lý lịch của anh đã đẩy anh làm giáo viên các trường Trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa…

Chị ra trường sau đó. Thương anh, chị xin chuyển về cùng trường với anh. Anh chị cùng xây dựng riêng cho mình một tổ ấm trong thiếu thốn đói nghèo. Nhưng với anh chị đó là thời gian vô cùng hạnh phúc. Anh chị thường quấn quít bên nhau sau mỗi buổi dạy. Đùa giỡn, chăm sóc cho nhau.

Anh chị dường như đã quên đi cái không gian hiu quạnh xung quanh mình. Hạnh phúc đó vỡ òa khi anh chị có được một thằng cu kháu khỉnh dễ thương. Anh sung sướng quay ra quấn quít với cậu con trai mà bớt để ý tới chị. Chị thầm trách anh nhưng rồi chị cũng quen dần. Dẫu sao đứa con ấy cũng là của chị.


Niềm vui chưa nhiều, nỗi buồn lại ụp đến. Lý lịch của anh, lần nữa buộc anh nghỉ dạy. Thiếu thốn xảy ra triền miên trong gia đình ba miệng ăn.

Anh quyết định ra gần cái bờ hồ hoang sơ gần trường, tự tay khai khẩn một mảnh đất để trồng ngô khoai, rau cải…

Là thư sinh thành phố, bây giờ tập tểnh thành anh nông dân làm những công việc cực nhọc, nhiều khi thấy anh về với bộ dạng của người kiệt sức khiến chị ứa nước mắt...

Mảnh vườn nhờ đất màu mở cộng thêm sự cần cù và kiến thức của anh, nay đã có màu xanh mượt mà của nương ngô, líp cải… Rồi túp nhà tranh nho nhỏ cũng đã được hình thành. Chị và con chuyển về ở hẳn với anh. Chị giúp đỡ anh sau những giờ dạy: Nhặt nhảnh phân bò từ đàn bò thả rong của bản làng, nhổ cỏ, bắt sâu, xuống tận hồ xách nước tưới rau.

Anh đào được giếng khơi, đêm đêm rủ chị ra cùng tắm. Anh và chị lại được dịp vui đùa cùng nhau.

Nhà nuôi được vài con gà để lấy trứng cho thằng cu nó ăn. Anh cũng trồng cho chị mấy luống hoa đẹp mà chị ưa thích. Cuộc sống dầu chưa no đủ nhưng dễ thở hơn trước… Lát đát có nhiều nhà nữa đến định cư bên hồ.


Thắm thoát thời gian trôi qua. Vườn nhà anh chị giờ đã có cây trái. Đàn lợn, bầy gà táo tát đông hơn. Hoa lợi nhiều hơn. Nhưng tất cả thứ đó cộng thêm lương hưu của chị cũng không đủ cho thằng con chuẩn bị vào Đại học ở Saigon. Bàn tới bàn lui anh chị quyết định bán tất cả những thứ gì bán được để anh và con vào Saigon. Anh sẽ đi tìm việc nuôi con. Còn chị ở nhà chăn nuôi, chăm lo mảnh vườn… phụ họa thêm cho con và anh.

Đến Saigon. Anh thuê căn phòng nhỏ chỉ chục mét vuông gần trường Đại học của con. Anh sắm chiếc xe máy cà tàng (được lắp ráp từ bộ phận của đủ các loại xe cũ thải ra) để chạy xe ôm - Khách hàng phần lớn là các bà, các cô buôn bán ở chợ. Tiền kiếm được chẳng có bao nhiêu, anh kiếm nhiều việc khác để làm thêm: phụ hồ, khuân vác hàng xe tải… Được cái, anh hiền lành dễ mến nên trong xóm có việc gì đều kêu anh làm…

Bạn bè ở Saigon tặng cho anh một máy vi tính. Đêm đêm, anh mày mò nghiên cứu, học những môn học của con để giảng lại cho nó. Nhờ đó, thằng nhỏ học rất tiến bộ. Nó đã có học bổng…


Thương nhớ con và anh, chị lăn lội vào Saigon thăm. Ngày gia đình đoàn tụ chan hòa bao niềm vui, nỗi nhớ. Anh bắt con gà trống to, - mà anh kể là đã nhặt được từ lúc con gà bằng nắm tay, anh nuôi nó bằng thức ăn thừa của hàng xóm và rau rác, chỉ hai tháng sau con gà lớn rất nhanh -, để chiêu đãi chị.

Nhìn anh và con ăn mặc lùi sùi, thấy thương. Chị ra chợ lựa mua một ít quần áo “xổ”, về nhà sửa lại cho hai cha con. Tội nghiệp, thằng bé nhăn nhó khi phải bận bộ đồ không vừa đến trường, nhưng chìu mẹ, nó không dám kêu ca.

Một hôm trong lúc soạn quần áo của anh và con để đi giặt, chị thấy một tờ giấy rớt ra. Phiếu bán máu của anh. Hỏi anh, anh nói đã bán máu một vài lần mỗi khi hụt tiền lo sách vở cho con. Đêm ấy, chị nằm úp đầu xuống gối khóc rưng rức…

Sống khổ cực và lo lắng nhiều cho con, anh ngã quỵ. Chị đưa anh trở về Pleiku để chăm sóc.


Chị giờ như thân cò oằng mình với nhiều gánh nặng trên vai. Cái lo thuốc men cho chồng, lo tiền học cho con, nên nét thanh xuân trên chị biến mất.

Chị già nua trước tuổi!

Một ngày trời mưa nhỏ.

Anh nói thèm ăn cá đồng, chị lặn lội xuống hồ giăng lưới bắt cá (cái công việc mà trước đây chỉ do anh làm). Cái lạnh thấu xương của nước hồ làm răng của chị đánh vào nhau cằm cặp. Rồi chị cũng bắt được một ít cá giết. Bếp lửa được nhen lên, chị vừa kho cá vừa sưởi ấm và nghe anh nằm trên giường nói về những ước mơ của mình. Ánh mắt trìu mến của anh luôn hướng về phía chị, bữa đó anh ăn được nhiều cơm hơn.

Có tiếng chuông phone đổ, thằng bé báo tin đã đậu tốt nghiệp Đại học. Đêm đó anh nắm chặt tay chị, cười nói thật vui. Nhưng đến nửa khuya, tiếng nói anh vơi dần, chị giựt mình nhỏm dậy. Anh đã ra đi trong hạnh phúc, trong sự mãn nguyện…


Ngày lại ngày chị sống cô đơn bên hồ. Thằng con đã có việc làm, Nó muốn chị vào sống với nó. Nhưng chị nói, còn phải ở lại chăm sóc cho anh, đêm đêm đốt lửa sưởi ấm anh. Nó đành dành dụm ít tiền gởi về cho chị sửa nhà.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai


(Hoàng Hạc Lâu - Tản Đà dịch)

Bài thơ anh thường ngâm cho chị nghe như còn văng vẳng đâu đây. Trong khói sương của mặt hồ chị mơ thấy bóng anh về…

tháng 4 năm 2012




VVM.25.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .