Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TRUYỆN Ở HIỆU CẮT TÓC




đường Tuệ Tĩnh thành phố Uông bí có hiệu cắt tóc mang tên Ông Toản .Gọi là hiệu cho nó oai, chứ thực ra chỉ là tấm bạt được móc nối với mái che hàng hiên kéo xuống và được buộc vào hai cột sắt để che nắng che mưa cho khách.

Hiệu cắt tóc của ông được bắt đầu làm việc lúc 9 giờ, 11 giò rưỡi nghỉ trưa đến 13 giờ rưỡi lại tiếp tục cho đến 16 giò rưỡi . Đồ nghề cắt tóc của ông được sắp xếp gọn trong một cái hòm gỗ để lên một xe đẩy có hai bánh xe do ông tự thiết kế và chế tạo,cùng mấy cái ghế nhựa để khách ngồi . Ông còn đem theo cả chiếc đài bán bán dẫn để nghe tin tức và mấy tờ báo để khách xem.

Ăn sáng xong là ông mở cổng đẩy xe ra phố, vừa đi vừa hát bài hát gì đó mà ông ưa thích, thường là bài Anh Trương Chi . Ông vào nghề cắt tóc không phải vì nghèo, mà vì ông thích thế. Ông vốn dĩ là cán bộ phân xưởng đường sắt thuộc mỏ Vàng danh trước đây . Học xong chương trình Trung cấp Đường Sắt là ông được điều về Mỏ Vàng danh để quản lý đoạn đường sắt Vàng Danh – Cảng Điền Công (Uông Bí), làm nhiệm vụ kéo than ra cảng để bán cho khách hàng. Hồi đó cán bộ trung cấp là có giá lắm.

Nay cả hai ông bà đều có lương hưu. Ông bà sinh hạ được ba người con : Cậu cả là Kỹ sư Khai thác Mỏ, đang làm việc ở Công Ty Than Vàng Danh. Cậu hai là kỹ sư Vỏ Tầu đang làm việc ở Hải Phòng. Cô con gái út là Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh đang công tác tại Hà Nội. Ông rất tự hào là ông có người mẹ sống được 100 tuổi, tết vừa rồi được Chủ Tịch nước tặng quà.Ông cho rằng nhà có phúc có đức Mẹ ông mới có tuổi thọ như vậy.

Các con ông bảo ông “Bố đừng đi làm nghề cắt tóc nữa”. Ông nói với các con “không được làm việc tao thấy nó ngứa ngáy chân tay lắm”.

Để đảm bảo sức khỏe cho mình, không bao giờ ông bỏ bữa. Phương châm văn hóa ẩm thực của ông là không được để đói nhưng phải biết ăn đói . Ngồi vào bữa việc đầu tiên là ông ăn rau, ăn vã thức ăn uống chén rượu nhỏ, phải ăn cho được hai lưng cơm .

Người ta đến với ông ngoài việc cắt tóc còn để đàm đạo về thời cuộc , tình hình chiến sự ở ở đâu đó trên thế giới, tình hình vỡ nợ công của mấy nước Đông Âu. Hết chuyện thế giới đến chuyện trong nước, chuyện chính trị, chuyện tư tưởng chuyện đạo đức của người già người trẻ mà báo chí và đài truyền hình đã phát. Cả chuyện tai nạn giao thông ở mọi miền đất nước. Ông hỏi khách : “ông có tin tình hình tai nạn có giảm được không”. Hỏi xong ông lại tự trả lời “ Phải phấn đấu giảm chứ, nhưng khó đấy! vì cuộc sống bây giờ nó đầy đủ quá, con người lại thích di chuyển, xe máy nhiều, ô tô lắm, đường thì hẹp lại xấu...Đôi khi khách hàng của ông còn được mời về nhà ông để thưởng thức tách cà phê Trung nguyên...

Mọi người đều khen ông là con người có tâm có tầm trong cuộc sống, khen ông dạy dỗ con cái công thành danh toại. Mọi người đều quý ông cái tinh thẳng thắn cương trực, chính cái tính nóng nảy ruột ngựa của ông nên việc phấn đấu sự nghiệp của ông có nhiều khó khăn, chỉ lên đến bậc phó phòng là bị “đứt chân”, Ông có tấm lòng thương người, có những trường hợp người đi xe đi tầu bị móc mất ví, đến xin ông tiền, ông sẵn sàng cho tiền cứu giúp. Có những ông thiếu tiền dùng vào việc chi tiêu gì đấy đến vay, ông sẵn sàng cho vay không tính lãi. Cũng có những lần có vị khách cắt tóc xong, sờ đến ví lại để quên ở nhà, ông liền vui vẻ cười xí xóa luôn...Có những vị khách rút ví trả ông 20.000 đồng ( các hiệu đều lấy công như vậy) Ông cười đây là hiệu cắt tóc của người cao tuôi chỉ lấy 5 hoặc 10 nghìn thôi! Người dân vẫn có nhận xét với nhau “ Người già thường tốt!”.

Cũng có hôm ông kể về các vị quan chức đánh bạc tới con sô 5 tỷ đồng, thật là con số “khủng”, nghe đâu vị cán bộ đó lại đang được suy tôn là chiến sĩ thi đua và chuẩn bị được phong chức cao hơn cơ đấy, thế mới nguy chứ!...Giọng ông trùng hẳn xuống, đã rút ra kết luận là cái thời này có nhiều chuyện buồn thật, không mê được : Ông kể một loạt ông già làm trò ma quỷ với con trẻ, nhiều thanh thiếu niên hư đốn làm chuyện đồi bại với cả bà già, nhiều vụ con giết cha, cháu giết bà, người yêu cắt cổ người tình...ôi phức tạp thật. Ông kết luận : Do con ngươi mà ra hết, công tác giáo dục chính trị mọi chỗ mọi nơi đều bị buông trôi, nhà trường đoàn thể it quan tâm bảo ban nhắc nhở, gia đình thì chỉ lo làm ăn kinh tế... nên nó thế.

Một ông lão khoảng 75-76 tuổi sau cái thở dài đến thượt, ông nhìn mọi người rồi đưa ra nhân xét : Tôi thấy, Đảng viên bây giờ không được như trước, sa sút cả tư tưởng, cả trình độ và cả nhận thức, chi bộ họp hành có ra gì đâu, chỉ nghĩ đến lợi ích nhóm thôi, cả các vị lãnh đạo cũng thế, các ông thấy thế nào? Ông nào cũng thích có “bồ” và giầu sang!

Hôm nay, thì mọi người lại nói đến chuyện mấy ngôi chùa trong vùng vừa khánh thành. Ai cũng có một nhận xét là nhà chùa bây giờ sao mà giầu vậy, chùa nào cũng xây dụng hoành tráng khang trang bề thế” “ chùa nào cũng đúc tượng, đúc chuông to quá.

Một ông khách thắc măc là tại sao chùa chiền mới xây dụng xong vẫn cứ sử dụng chữ Trung Quốc để trang trí là sao? Ông nói đến những hàng chữ đắp nổi trước cửa đền cửa chùa, những hoành phi câu đối...đều dùng chữ “tượng hình” : Chữ Nho - chữ Trung Quốc - ? Là tại sao lại không dùngViệt Ngữ mà lại dùng chữ Nho? Thì được trả lời đại ý đây là loại chữ truyền thống của đền chùa ! Cũng có ý kiến thì cho răng đây là chữ của Nhà Phật đâu phải chữ Trung Quốc. Những ý kiến trên không biết đúng sai thế nào ? Rồi ông nói nhà nước ta đã có nhiều văn bản phải dùng Việt Ngữ, trường hợp vẫn phải sử dụng ngoại ngữ thì nhất thiết phải viết Việt Ngữ to phía trên còn Ngoại ngữ phải viết nhỏ ở phía dưới.Thiết nghĩ đền chùa cũng phải có quy định như thế mới phải! Ông nói : Nước ta đã có nền độc lập vững bền và dài lâu như thế rồi cho nên việc sử dụng Việt Ngữ cho đền chùa mới xây dụng là một việc cần thiết,hợp lý và đúng đạo lý, để sau này con cháu chúng nó biết ông cha nó đã đấu tranh cho nền độc lập tự do cho văn hóa của nước nhà như thế nào chứ?

Một hôm, có ông khách vừa bước chân đến hiệu, Ông đã tỏ ra bực bội để kể về những loại hàng giả, tràn lan hàng giả từ cái rẻ nhất như cám – người ta đã nghiền trấu mùn cưa để trộn vào cám để đem bán cho người dân chăn nuôi lợn gà. Có cám giả, phân giả, rượu giả...Cái đắt nhất như vàng cũng có giả .Cái khăn mặt, rõ ràng nhãn mác ghi 100% là cotton nhưng mua về chỉ dùng ít ngày thì sự thấm nước và sự mềm mại đặc trưng của bông đã hoàn toàn biến mất, khăn trơ ra toàn sợi nhựa, như vậy khăn mặt cũng làm giả, rồi hóa đơn GTGT giả,tiền giả,thuốc chữa bệnh giả, mỹ phẩm của các bà các cô giả, xà phòng giặt giả... Con cua chỉ vài lạng, người ta lấy dây chuối phơi khô, bện to như sợi dây chão để “chói” con cua rồi dội nước thật nhiều cho nước ngấm vào dây buộc làm tăng trọng cho cua, để người mua phải trả tiền oan 2-3 lạng cua giả. Diều con gà thì cũng được nhồi nhét bột nhào nước cho thật căng mọng để tăng cân... Ôi giả dối quá, thất đức quá ...Đó là việc giả ở chợ búa, còn ở chính trường : Sĩ quan Quân Đội Giả, Cán bộ Trung Ương giả, Nhà báo giả. Kỹ sư giả, Thạc sĩ giả,Tiến sĩ giả. Báo cáo thành tích thì có : Số liệu giả, lỗ giả, lãi giả, dự án trồng rừng giả (ma) ,Công ty giả (ma ).... Đúng là thật giả lẫn lộn nhiều cái giả trông lại như thật, cái tưởng thật lại hóa giả...Rồi những ngày gần đây lại rộ lên cái chuyện Tiên Lãng ở Hải Phòng , Văn giang ở Hưng Yên... Các ông đều tỏ ra bực bội về chuyện cưỡng chế thu hồi đất ở nơi này nơi kia vừa làm sai luật vừa làm sai cả đạo lý !

Hiệu cắt tóc của Ông Toản đã mặc nhiên trở thành Câu Lạc Bộ , một địa điểm gặp nhau của những ông già khu tôi. Cứ đến hẹn lại lên , ngày nào không đến được hiệu cắt tóc ông Toản là cảm thấy nhơ nhớ.Những hôm ông vắng mặt về quê giỗ chạp hoặc nhức đầu sổ mũi, vắng là mọi người cảm thấy bồn chồn lo lắng dùng ĐTDĐ gọi xem ông làm sao?. Có một ông nêu sáng kiến những chuyện mà chúng ta kể cho nhau nghe ở đây, có thể “nhặt nhạnh” tập hợp lại , hư cấu thêm tý chút là thành những câu chuyện hay có thể in thành sách được đây. Ông đề suất : Tất cả những người đến cắt tóc ở đây, đều được ghi vào “Kỷ Yếu” để làm kỷ niệm, ông đã vui vẻ kể là ở Ngã Năm thành phố Uông Bí ta, có một ông cao tuôi như chúng ta chuyên bán vé số, vửa ra được tập truyện 200 trang với tên đề : “Những đêm trăng”và bây giờ đã trở thành nhà văn của thành phố rồi đấy...




VVM.29.4.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .