L ần nào cũng vậy, hễ đọc lại truyện ngắn mà Thụy đã viết về Lão Say nước mắt chị lại chảy dài không ngăn được.
Ký ức cựa mình tỉnh thức với những vết sẹo bỗng đỏ tấy lên như sắp chảy máu. Rõ ràng là cơn đau ở bên trái ngực, rất sâu, chị biết làm sao để thoát khỏi nó đây?! Chị chỉ còn biết cúi sát vào nó, cố giữ tiếng khóc đừng bật ra khỏi cổ họng và không để người khác nhìn thấy chị nước mắt đầm đìa. Chị tự vỗ về cho đến khi cơn đau chìm xuống, ru cho nó ngủ, giận hờn mình đã không thể giết chết nó cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Chị là người cùng quê và cùng thời với Lão Say, hay nói đúng hơn, từng làm việc dưới quyền ông ấy. Trong khi ông ấy đi cải tạo 12 năm thì sau khi trình diện ở quê chị chỉ phải học tập cải tạo 12 ngày (chắc do chị chỉ là nhân viên đả tự và có cái chân đang bị bó bột vì tai nạn giao thông trong cái ngày cuối cùng đầy hỗn loạn đó).
Về quê, chị mở một quán rượu nhỏ ven bãi cát cách thớt cá chợ Vàm chỉ bằng chiều dài của một con tàu đánh cá. Thuỵ từng nói:" Người say cả đời như chị không nên mở quán rượu".
Say cả đời ư?
Hồi trẻ, trong lần dự sinh nhật ông ấy trong dinh, chị không ngăn nổi mình, đã nói với Thụy là chị yêu ông ấy, bất kể ông ấy đã có vợ con. Lúc đó quả thật chị đã uống gần một phần ba chai Whisky.
Trong đám cưới chị với Huy, Thụy hoảng hồn bịt miệng chị khi chị ném ly rượu vỡ tan tành và nói sẽ bỏ Huy ngay hôm đó (vì đã mở màn cho đám bạn bè chế nhạo đôi chân "chấm phẩy" của chị). Nhưng không phải chị mà là Huy đã bỏ đi sau khi chị cắm một cú đấm thẳng vào gương mặt đỏ phừng, bóng nhẫy của hắn trên giường cưới.
Tiếp ngay sau đó là cơn say suýt chết làm chị gần như liệt giường cả tuần lễ. Chị đã uống hết số rượu còn lại của đám cưới, một mình với nỗi buồn điên.
Đó là những lần say không nên có trong đời một người đàn bà. Nhưng chị biết không phải Thuỵ muốn nói tới những lần say đó. Điều mà Thụy muốn nói là chị vẫn mãi sống với quá khứ- cái quá khứ đã lên men- thứ men làm người ta cứ mãi chìm trong đắng cay, nuối tiếc, rã mục từng ngày mà không thể thoát ra. Thứ men sầu thảm đó cũng đã từng ủ chín trong câm lặng của Lão Say cho đến hết cuộc đời. Nhưng làm sao ta có thể quên đi những ngày tháng thanh xuân tươi đẹp nhất của đời mình- với tất cả tráng lệ, bi hùng của một thời quá khứ? Thuỵ gọi nỗi niềm bi hận đó là cơn say dài cả đời người, chị còn biết nói gì hơn khi chính mình đến giờ chưa tỉnh lại! Chỉ mong thời gian (hay điểm kết thúc của thời gian?) có thể hoá giải mọi thứ để người người được an yên.
Nhưng làm sao để an yên, an tịnh, an nhiên, an bình ... hay bất cứ thứ an nào khác, khi mà mỗi một lần tháng tư về thì tâm tư người Việt khắp nơi trên dải đất này và cả bên kia bờ đại dương lại rực lên những ánh lửa từ tro tàn quá khứ. Lửa "hờn đau vong quốc". Lửa "chiến thắng vinh quang". Chỉ có ánh lửa sum vầy trong mắt mẹ già chín mươi lăm tuổi là vẫn tắt ngấm im lìm. Mẹ chỉ còn nhớ mỗi một việc, khi thấy cán bộ xã đi dài dài trong xóm nhắc treo cờ, rồi khắp nơi cờ xí rộn ràng, cái loa ngoài chợ mở hết cỡ mấy bài nhạc đỏ với giọng ca lúc thì líu ríu, lúc thì ồm oàm, mẹ lại bước đến cái bàn thờ giữa nhà và khóc. Ở trên đó, hình hai đứa con trai của mẹ đặt hai bên hình của người cha. Thằng anh Việt Cộng hi sinh ở trận Gò Táo trong những ngày cuối cùng của chiến dịch. Thằng em Quốc Gia tuẫn tiết khi Bộ chỉ huy khu thất thủ. Đó là hai người anh của chị. Mẹ quên hết nhưng vẫn nhớ như in nỗi đau xé lòng khi cuộc chiến tranh kết thúc không đứa con trai nào trở về bên mẹ. Đó là nỗi đau đớn oan khiên của người đứng giữa hai bên trong cuộc chiến. Còn những mất mát đau thương, những đọa đày tàn khốc, những oán hận hằn sâu... vẫn còn nguyên trong ký ức. Chỉ là một sự khâm liệm, vùi chôn, thậm chí hỏa thiêu rắc tàn tro xuống biển hay thả bay trên núi đồi làm phân cho cây cỏ. Nhưng cho đến bây giờ, đã gần nửa thế kỷ rồi, người ta vẫn không thể nào quên, như vẫn nghe đau ở một bộ phận cơ thể đã bị cắt lìa từ lâu.
(Lần cuối nghe tin về Thụy chị được biết Thụy đang sống ở một nước châu Á với mấy đứa con, lâu lắm rồi đã mất liên lạc, coi như thêm một mảng sụt lở của đời mình, chìm sâu đáy nước...)
Gọi là quán rượu vì đó là nơi bán rượu, thật ra nó giống một cái chòi đáy dựng chon von ngoài biển. Từ nơi này, gần cả cuộc đời của chị đã trôi theo những con nước miệt mài đổ ra sông Soài Rạp rồi trôi ra biển lớn. Còn lại bây giờ là người đàn bà của gió, của cát, của men cay và nắng cháy, âm thầm một bóng bên sóng vỗ rạt rào.
Khách hàng của chị là những người đàn ông đi biển trở về với gương mặt nâu sạm và nụ cười rạng rỡ. Chị quen dần với tiếng nói cười bỗ bã, tiếng chửi thề, nói tục và những câu chuyện tiếu lâm của họ. Trên người họ nào thùng, nào lưới... mùi khô cá, mùi mồ hôi, mùi biển cả... quyện vào nhau thành một thứ mùi mà chị gọi chung là mùi ngư phủ. Họ bước vào quán như cơn bão nhỏ, quăng con khô cá đuối, nắm khô mực hoặc bó khô cá chình, cá khoai... lên bàn rồi kêu dăm ba xị đế. Chị nói một đôi câu gì đó cho có rồi lẳng lặng cời than nướng khô. Mùi khô nướng bay lên thơm lừng, cái quán nhỏ của chị bỗng trở nên ấm cúng như gian bếp của một gia đình đông đúc nào đó.Trong chốc lát chị đã quên đi nỗi cô đơn vô tận của mình. Chị im lặng ngồi nhìn họ như một vong hồn ngồi nhìn người sống trên cõi thế gian. Rồi họ ra khỏi quán, để lại cho chị một đống ngổn ngang, mấy tờ giấy bạc nhàu nát và sự trống rỗng của con tàu đã lênh đênh hàng tháng trời ngoài biển cả, trải qua bao nhọc nhằn sóng gió, vượt trùng khơi về đến đất liền để rồi cho hết không giữ lại gì. Chị như lòng tàu tối đen, sâu hút, chỉ còn nỗi chờ đợi về chuyến hải trình kế tiếp, cứ thế mãi cho đến lúc chỉ còn lại xác tàu cũ mục neo nhấp nhô nơi bãi bờ nào đó mặc tình cho sóng bủa.
Lần đầu gặp lại Lão Say, chị sững sờ đứng im như hoá đá (dù đã biết tình trạng của ông qua lời Thuỵ trước đây). Lúc đó mắt chị cay sè nhưng không giọt nước mắt nào rơi xuống. Chị chờ một tiếng gọi thoát ra từ đôi môi khô nẻ kia, chờ một ánh mắt, mơ hồ thôi cũng được, rằng ông đã nhận ra chị, người nữ trợ tá năm xưa. Nhưng ánh mắt vàng úa của ông trôi ngang qua chị và vương lại trên mấy keo rượu màu cánh gián để trên kệ. Chị run rẩy kéo chiếc ghế cho ông ngồi nhưng hình như đối với ông đó là một hành động xa xỉ. Ông vẫn đứng đó, già nua, ốm yếu, đưa về phía chị một cái chai không và chờ đợi. Cảm giác sụp đổ bao trùm lấy chị, một cách vô tri giác chị đong đầy chai rượu cho ông, số rượu đổ ra ngoài hẳn ít hơn nước mắt đang chảy ngược vào lòng chị. Chị đưa chai rượu cho ông bằng hai tay, nhét lại tờ giấy bạc vào túi áo ông, tê dại không biết phải giữ ông lại bằng cách nào. Ông rời đi, nhẹ nhàng, im lặng như nước biển trôi qua kẽ tay chị hay như ánh chiều tà lặng lẽ tàn phai. Hồi lâu chị mới hoàn hồn chạy theo và đi sau ông một quãng. Bước chân ông loạng choạng, nhấp nhô như đang bước đi trên ngọn sóng. Chị cứ đi theo như thế, gần như vô thức, cho đến khi ông rẽ vào con hẻm tối tăm nhất của xã Vàm.
Ngoài lần gặp đó thỉnh thoảng ông cũng ghé vào quán, đó là những phút giây mong đợi nhất của chị. Những cơn khóc chập chờn nhức nhối trong lồng ngực, trong tim phổi và trên hai hốc mắt của chị mỗi lần gặp ông. Ước gì chị có thể ôm lấy ông mà khóc cho thoả thuê, tan vào ông, chìm trong ông một lần thôi, với nỗi đau từ thuở trước, khi đất trời chưa sụp đổ nát tan. Nhưng ông vẫn xa vời vợi như đã từng dù đang đứng trước chị cách mấy bước chân.
Có khi ông cũng chịu ngồi xuống ăn tô cháo hàu chị nấu sẵn, nhìn vu vơ trong quán khi chị nhẹ nhàng lau mặt, lau tay cho ông lúc không có ai. Chị cố gợi chuyện nhưng ông không nói lời nào, chỉ nghe tiếng cười lục khục trong cổ ông. Duy nhất có một lần ông lẩm bẩm điều gì đó khi đột nhiên nhìn sâu vào mắt chị. Chỉ một giây thôi, chị tưởng như thấy lại hình ảnh người chỉ huy năm ấy. Một chuỗi ngôn từ rối rắm cuộn vào nhau rồi tan ra, trôi dạt về đâu đó trong không gian. Chị cố gạn lọc từng âm tiết trong giới hạn của khoảnh khắc loé sáng đó, nhưng câu nói của ông giống như những viên sỏi đã chìm xuống đáy hồ.
Rồi hàng mấy tháng trời trôi qua không thấy ông trở lại, chị nôn nao mong ngóng, lo sợ có điều gì không hay xảy ra cho ông. Chị cũng đã đi tìm, con hẻm nhỏ kéo dài đến đám dừa nước là hết. Dăm ba ngôi nhà lợp lá bạc màu mưa nắng nằm cách nhau bởi những bụi ô rô gai góc. Chị không gặp một ai (có lẽ họ đã ra biển hay ở ngoài thớt cá) nhưng nếu có gặp chị cũng không biết sẽ phải hỏi thăm như thế nào, với tư cách gì, sẽ nói sao với gia đình ông ấy...
Cho tới khi đọc được truyện ngắn của Thụy đăng trên một tờ báo trong nước, chị mới bàng hoàng biết Lão Say đã ra đi. Đâu có lẽ nào Thụy hư cấu một kết cục bi thảm như vậy cho người thân của mình. Chị đấm vào ngực mình, nghẹn ngào, uất ức. Sao có thể lặng thinh, có thể vô tình, có thể thản nhiên đến vậy, hỡi ta, hỡi người! Từ quán rượu đến căn nhà nào đó trong con hẻm chỉ chưa đầy một cây số, sao có thể như hai hành tinh xa xôi? Giờ đây chị biết tìm ông ở đâu, làm sao có thể ăn, có thể ngủ, có thể thở... khi lúc nào chị cũng nghĩ tới việc ông chết ở đâu đây mà chị không hề hay biết! Điều đó còn đau đớn gấp trăm lần khi ông mất hút trong một chiều tháng tư điên đảo mà không một lời giã biệt.
Chị đứng trước cửa quán giữa trời nắng chói chang, nhìn ngút mắt bãi cát đen chạy dài theo triền sóng. Ngọn gió thổi từ biển về cuộn chặt với cái nắng thiêu đốt phả vào người chị hơi thở của đất trời bỏng rát. Chị đi lần xuống bậc thềm xi măng bên hông thớt cá, nơi chuyển các loại hải sản đánh bắt được từ ghe, tàu lên bờ cùng với những cây đòn dài nhún nhẩy dưới sức nặng của những khiêng cần xé đầy ắp cá tôm và nước đá. Chị đứng ngâm mình trong làn nước, biển tràn vào chị, nắng và gió càng quấn tròn nóng rát, càng mặn đắng màu da, những nếp nhăn trên gương mặt càng hằn sâu như vết cắt.
Quán rượu vẫn cheo leo ngoài bờ cát, cũ, già, quạnh hiu giống như chị vậy. Mấy cái bàn đã quá liêu xiêu, trong quán chỗ nào cũng ram ráp cát, đó là quà tặng của biển khơi gửi về theo gió. Lâu lâu mới có vài người bạn đáy bước vào quán, họ muốn uống một vài ngụm trước khi xuống tàu ra khơi hoặc sau khi trở về từ biển cả. Cái cõi tạm hoang liêu này của chị vẫn chắt chiu từng cơn gió, từng tiếng sóng, từng hơi rượu ấm, từng tiếng cười nồng và những bước chân của biển. Tất cả những thứ đó là niềm vui, là hạnh phúc, là tài sản của chị, có lẽ cho đến khi chị gửi nắm tàn xương trong đó.
Trên một cái kệ nhỏ trong quán là chân dung của Lão Say, không hoa, không hương. Với một chút tài hoa từ thời thiếu nữ còn sót lại, với bàn tay run run vì tuổi tác, chị đã vẽ ông ấy theo trí nhớ, một hồi tưởng hỗn mang giữa quá khứ và hiện tại. Người đàn ông trong bức vẽ không có tuổi, ai từng biết ông trước đây có thể nhận ra vầng trán uy nghiêm và nét tinh anh trong đôi mắt. Còn ai biết ông sau này cũng có thể gặp lại Lão Say với nụ cười ngây dại và vô số vết hằn của tháng năm trên gương mặt.
Với chị, những vệt than vẽ nên bức chân dung vẫn đượm nồng ánh lửa, gió thổi có thể làm tắt những tia lửa nhỏ nhưng sẽ làm bùng lên ngọn lửa lớn.
Vì còn một điều quan trọng mà chị chưa nói với ông, có lẽ ông sẽ quay lại, ít ra là trong một giấc mơ nào đó của chị.