Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




NGƯỜI CỦA PHẬT



   

VII-THỨC TÂM TRUNG


 

N hật đảo chính Pháp. Phong trào cách mạng như những đốm lửa cháy lan ra các vùng miền. Có chút kiến thức và chữ nghĩa, Lý Tấn nghe chừng thời thế bắt đầu xảy ra những biến cố. Ông phủi tay buông bỏ mọi thứ quyền bính chức sắc để về nhà lo tính, cơ hồ vực lại gia đình bằng con đường làm ăn khác.

Biết tin, Trương Nhất, Lê Cương kéo Lý Ngãi và Lang Đặng mang rượu đến nhà tỉ tê với ông:

-Cơ sự thế này. Bác phải nghe chúng tôi! Không nên bỏ chức sắc! Bát nước nóng sẽ nguội dần. Bác phải tiếp tục nắm quyền bính cho họ nhà…

-Cảm ơn tấm lòng các huynh đệ! Lý Tấn nâng chén với bằng hữu. Ông gạt bộ ấm sứ sang bên: Tôi quyết rồi! Tôi đã xin từ quan. Tiện thể đắm đò nhân được rửa trôn! Đây là cơ trời để tôi chuyển sang nghiệp buôn bán! Anh em ta vẫn ấm lạnh có nhau mà…

Theo bạn bè bên phố huyện khuyên rủ và cũng là để nguôi ngoai nỗi đau buồn, Lý Tấn ra chợ bến tàu Hòn Gai mở hiệu buôn bán hàng tạp hóa. Bà cụ Đĩnh đã không ngăn nổi con trai. Vả lại, ý định Tấn muốn dời mẹ, tự mình làm nên một việc gì đó, không hổ tiếng “nhà con một”!

Cửa hiệu ở chợ Hòn Gai quay hướng ra vịnh. Những dãy núi đá lô xô, trùng điệp như long chầu hổ phục. Những hòn đảo nứt nẻ, những cây cối bám kẽ đá nhấp nhô, la đà ngay trước cửa. Tàu, thuyền tấp nập ra vào, neo đậu, ngả bóng trên nền mặt nước xanh lục. Gió biển lúc mặn mòi mát rượi, lúc tanh nồng mùi cá tôm lùa vào tận những chiếc giường chiếc tủ.

Lý Tấn buôn bán chủ yếu các mặt hàng tạp hóa, vải vóc. Hàng hóa các loại từ Hải Phòng, Móng Cái theo ca nô lên bến, tỏa về các ngả. Ông dần dần làm quen và thu hút được nhiều khách hàng. Tứ hải giao tình. Khách Hoành Bồ sang. Khách Tiên Yên, Ba Chẽ đến. Khách Quảng An, thường là dân chài lưới, thuyền vận tải đi biển ghé vào. Cả những khách Hoa kiều. Quanh cửa hiệu của ông cũng có tới chục cửa hiệu người Hoa. Họ lập nghiệp ở đây đã từ lâu. Cha con ông cũng nhanh chóng chan hòa với các chủ hiệu và dân xóm phố, rất thân tình, cởi mở. Thỉnh thoảng ông làm nộm rau muống trộn con quéo, làm gỏi ngán bóp hoa chuối đãi họ. Ba Lam vốn sành làm món gói ngán hoa chuối. Ngán nguyên con, cô đem chà rửa sạch vỏ, mổ tách lấy ruột cho vào bát to. Nước cốt của chúng được hứng vào một cái âu hoặc bát để trộn bóp vào gỏi. Cho ruột ngán vào bát to, dùng cặp đũa cả giã tướp. Bắp chuối (hoặc thân cây chuối hột chưa ra buồng, chọn đoạn dưới) rửa sạch, thái mỏng, rang vừng lạc, ướp hạt tiêu, muối hoặc mắm cốt Cát Hải vừa độ... Tất cả trộn đều cùng rau gia vị, bóp mềm, vắt chanh, đơm đĩa đem ăn ngay. Nhắm gỏi với rượu Vị Hương ông đem từ Quảng An ra, ông Ba Xí Xộ lại tấm tắc: Ngon lắm! Thật tuyệt vời! Tưởng quắt tai bác ạ!

Ông Ba Xí Xộ rất mê món rượu ngán. Ngán buộc chữ thập bằng sợi lạt dùng hoặc bóp trẹo đi, cho hấp tái, Ba Lam ngồi bên mâm bổ vỏ từng con, lấy ruột còn tươi lòng đào bỏ vào cốc, lấy đũa dằm tướp, đánh nhuyễn. Sau đó chế rượu trắng vào, khuấy đều. Cốc rượu nổi màu hồng huyết dụ. Rót ra các chén nhỏ. Chủ khách nâng lên tợp một ngụm, vị men cay thơm của rượu hoà trong vị mằn mặn ngai ngái của ngán ngấm dần, lan toả... Nhắm rượu ngán với gỏi ngán được cảm giác ngất ngây, lơ mơ như thấy cả gió nắng và đất trời vùng sông biển tụ về. Ông Tùng Ngân, ông Ba Xí Xộ, cô A Múi… thỉnh thoảng lại theo cha con ông khi đi xe ô tô, lúc xuống tàu thủy về chơi thăm Quảng An, đi dò ngang sang vùng làng đảo Hà Yên. Họ thích thú thả bộ trên con đường nhỏ với lối mòn khúc cong khúc lượn quanh quanh giữa hai vạ cỏ ra cánh đồng, ngắm những cây cầu gỗ, những con thuyền lẵng, thuyền nan đẩy bằng sào lướt nhanh, những chặng đăng, chặng vó bè ngả bóng mặt sông…

Cửa hiệu tạp hóa hoạt động được dăm năm. Đang bén người bén khách, bỗng gặp nhiều trở ngại và tình trạng hàng hóa ế ẩm. Ban ngày xuất hiện nhiều cặp mắt cú vọ nhòm ngó, soi mói. Đêm đêm lại có kẻ gõ cửa. Tiếng giày đinh. Tiếng qui lát súng. Tiếng người thét… Xem chừng khó làm ăn, Lý Tấn lại chuyển bốc cơ nghiệp buôn bán về Quảng An để được gần vợ con. Và cũng là tránh mọi phức tạp, nhiễu nhương; tránh bọn chủ mỏ Tây, bọn Việt gian Việt cách lôi kéo, rình rập.

***

Năm 1945, phong trào cách mạng dội lên như sóng. Ngày 20-7, nhân dân tỉnh lỵ Quảng An ào ạt nổi dậy cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp. Dân các làng xã làng đảo vượt sông Tranh kéo sang phố huyện.

Tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các thân hào chí sĩ, lực lượng cách mạng và nhân dân địa phương bầu Lý Tấn làm chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Lụa Vân. Bà Lễ Đĩnh khuyên con: Thời thế thay đổi. Cố gắng tham gia con ạ! Cụ nội từng dạy “quốc loạn thức tâm trung”. Rồi “Thất phu hữu trách!” Thời bình cầm bút. Thời chiến mài gươm! Nước dâng thuyền nổi! Nhà ta sẽ cơ hồi đổi khác!

Giúp việc với Lý Tấn trong Ủy ban cách mạng lâm thời xã Lụa Vân có Lý Văn Đạo làm phó chủ tịch, Dương Đức Tiếp thư ký Ủy ban. Sau này, Dương Đức Tiếp về tỉnh làm phó Ty công an, rồi Trưởng ty Thủy sản. Còn Lý Tấn, ông đã làm tròn bổn phận một thân hào chí sĩ, một chủ tịch Ủy ban lâm thời, rồi bàn giao cho người khác sau Tổng tuyển cử. Lặng lẽ lùi lại, không một chút hụt hẫng, ông lại lao vào công việc buôn bán, kinh doanh…

Thực dân Pháp tăng cường, mở rộng đánh chiếm các tỉnh lỵ, các vùng quê. Đầu năm 1947, đưa nhiều tàu chiến chiếm được Quảng An, chúng tiếp tục đem quân tây đen, tây rạch mặt đổ bộ càn quét, khủng bố vùng làng đảo. Xóm Cổ Thành bị chúng đốt cháy hơn chục nóc nhà, xăm tìm hầm bí mật và uy hiếp nhân dân. Hơn chục nóc nhà cùng thóc lúa bị thiêu trụi chủ yếu là của người họ nhà Lý Tấn có con em đi hoạt động cách mạng. Thực dân Pháp biến vùng làng đảo thành vùng tề ngụy, chống phá cách mạng rất gắt gao. Chúng cho xây đồn bốt khắp các làng xã nhằm phong tỏa, phá vỡ các cơ sở Đảng và càn quét lực lượng Việt Minh đang phát triển. Gia đình Lý Tấn đã ủng hộ Cách mạng và kháng chiến khá nhiều vàng. Những chiếc nhẫn, những đôi hoa tai, dây chuyền vàng đã được tháo ra từ ngón tay, từ vành tai những người đàn bà, các cô con gái trong nhà, dồn lại cho vào chiếc ống cân...

***

Một hôm, Lý Tấn bảo mẹ: Thà “ăn cơm mắm cáy ngáy o o, còn hơn chén thịt bò nằm lo ngay ngáy” mẹ ạ! Đoán biết Lý Tấn chán việc quyền bính với buôn bán, lại định về quê làm ruộng, bà Lễ Đĩnh lựa lời: Giàu nhà quê không bằng quét lê thành thị con ạ! Lúc này bà đã cảm nhận ra những gì đó có thể làm thay đổi kinh tế gia đình bằng con đường buôn bán, giao thương:

-Phố huyện ngay bên sông đây thôi, chân đi chân về làm ăn mới có cơ hội phát tài! Xã hội có tao loạn làm sao cũng biết thế, biết đường mà tránh. Là người có chữ, phải lo tu tỉnh bản thân để khỏi bị dập vùi!

Nghe lời mẹ, Lý Tấn tiếp tục thuê nhà mở cửa hàng ở phố huyện, buôn bán thuốc lào và các thứ hàng tạp hóa. Cái biển quảng cáo “Thuốc lào Nhân Mỹ” do ông họa sĩ Kỳ Dương vẽ hình một cụ già tóc bạc phơ ngồi hút điếu cày, nhả làn khói trắng vào không gian như một bức tranh quê là lạ lập tức được những người dân phố thị chú ý. Danh tín hiệu thuốc lào Nhân Mỹ lan truyền khắp nơi. Khi chủ ngôi nhà đòi lại nhà thì Lý Tấn đã dư dả đồng vốn. Ông thuê một căn nhà khác ở phố chợ Rừng. Căn nhà lợp tôn tuềnh toàng được tu sửa rộng rãi, sáng sủa. Năm sau, nhà chủ này chuyển về quê làng Giang Yên, gạ bán lại cho ông. Mừng quá, ông cho xây dựng một ngôi nhà mới, mở ra hai mặt đường và chợ. Khách đến mỗi ngày một đông. Mối thuốc lào từ Tiên Lãng, Vĩnh Bảo thồ hàng sang. Cha con không phải đi xe đò tận nơi mua cất. Tiếng điếu cày rít vui cả một góc phố.

Thời gian ấy, bến Cống Mang mạn bờ nam sông Tranh tấp nập thuyền bè qua lại và vào neo đậu. Thuyền nghề đi về giương buồm hạ buồm như một rừng bươm bướm trú ngụ, ngợp ngàn mặt nước. Những mảng bè tre gỗ rải ran trong bờ ra tận lạch sông. Bến Cống Mang nhanh chóng thành một cảng nhỏ giao thương buôn bán rất sầm uất giữa các nơi với cư dân vùng Hà Yên. Thấy bên đây có chiều hướng buôn bán được, Lý Tấn bàn với các cô con gái: Cửa hiệu phố huyện đã ổn định, thầy sẽ mở một cửa hiệu thứ hai bên Cống Mang. Cha con mình chân đi chân lại để giữ khách!

Ông lại về làng quê, ra ven đê Cống Mang lập tiếp một cửa hiệu bán hàng tạp hóa, tiếp tục mở mang nghiệp thương mại nơi cống bến cửa ngõ phía đông vùng Hà Yên. Cửa hiệu “Nhân Mỹ” bên phố huyện tạm để chị em Tư Dẫm, Minh Sánh trông coi, bán hàng. Ông và Ba Lam gây cơ sở mới bên Cống Mang. Trong cửa hàng, Lý Tấn buôn bán đủ các thứ cung cấp cho đời sống dân sinh, cho nghề đóng thuyền, xảm thuyền như dầu mỡ, hắc ín, dây dợ, đinh sa, bát đĩa… và cả những cỗ quan tài phục vụ cho các đám tang. Và chính những cỗ quan tài này đã che chở, cứu sống nhiều cán bộ cách mạng bí mật thoát khỏi nanh vuốt địch.

Tại đây, được cách mạng giác ngộ, Lý Tấn đã bí mật nuôi các cán bộ Việt Minh nằm vùng đang hoạt động. Mỗi tháng một lần, bà Cả và các cô con gái lại đội gạo từ nhà ra Cống Mang cho hai cha con. Nhưng kỳ thực trong đó nhiều chuyến đem gạo để tập kết chở bằng thuyền nghề tiếp tế cho Việt Minh hoạt động bí mật dưới Áng Dài, Cát Bà. Mỗi kỳ “áng” cần gạo, mẹ con bà lại thay nhau xay thóc giã gạo thâu đêm…

Một buổi sáng tháng Tám, trời nắng gay gắt. Khách mua hàng vừa đi khỏi. Chợt có tiếng súng đằng Cống Lá vọng lại. Làng nước có sự! Giật mình, Lý Tấn định sai cô con gái Ba Lam đóng cửa hiệu lại thì hai bóng người như cơn gió mạnh đột ngột thốc vào nhà. Ông kịp nhận ra hai cán bộ Việt Minh: Ôi! Chú Tuấn! Chú Tường! Họ hổn hển: Địch đang đuổi! Bác cho trốn…

Không kịp suy tính, Lý Tấn gọi Ba Lam xúm đến. Hai cha con nhanh tắp mở nắp hai chiếc quan tài, ấn hai ông nằm duỗi dài vào đó rồi đạy lại. Xong, vội vàng khiêng mấy chiếc khác chồng lên, rồi lấy chiếu phủ kín gọi là để chống bụi. Chỉ để hở hai đầu trốc áo quan khắc chữ “Thọ”. Ông còn nhanh trí giục Ba Lam kịp xuống bến sông trong đồng, lấy sào khuấy nước cho đục ngầu, rồi vứt chiếc mũ cói cũ rách xuống như thể có người vừa bơi sang bên kia, để lừa địch. Tên quan hai Pháp và bọn lính ập tới. Chúng hồng hộc vây quanh. Tên sếp bang bốt Cống Mang quát hỏi: Ông có thấy hai thằng Việt Minh chạy qua đây không? Lý Tấn đánh liều chỉ xuống bến sông:

-Dạ! Dạ! Vừa nãy có hai thằng đội mũ cói bơi qua sông vào ruộng lúa! Chắc cũng chạy xa lắm rồi!

Bọn lính liền sục xuống bến sông thấy nước còn đục, thấy cả chiếc mũ cói nổi lềnh bềnh trôi trên mặt nước, bèn vừa chỉ trỏ vừa bắn bâng quơ mấy phát súng sang bên kia cánh đồng đang mùa lúa trỗ ngập đầu... Cả toán địch vào nhà.

-Mặc kệ Việt Minh Việt cách! Ta làm một chầu đã các ngài! Cha con Lý Tấn bình tĩnh bật bia, soda đầu gấu bày ra mời. Chúng còn gợi chuyện Lý Tấn làm cơm. Vậy là hai cha con mất cả một buổi chiều thịt gà, thổi cơm, dọn mâm rượu thịnh soạn thết đãi chúng. Khi chúng đi khỏi, hai ông Việt Minh Phùng Tuấn và Trần Tường mới được hai cha con dỡ đám áo quan để nhảy ra. Hai gương mặt tím tái. Người họ ướt đằm như vừa tắm dưới sông ngoi lên. Phùng Tuấn nhăn nhó: Suýt vỡ mẹ nó bong bóng trâu. Tẹm nữa thì tồ trong áo quan!

Ba Lam cười ngặt nghẽo, lấy bát hứng những giọt mồ hôi trên mặt họ rỏ tong tỏng: Tưởng hai anh thành bã rượu trong đó! Phùng Tuấn và Trần Tường chạy đổ ra bụi chuối, đứng tồ tồ một lúc rồi mới vào nhà, tranh nhau nói:

-Từ lúc cạo đầu mảnh chai đến giờ mới gặp cú này. Mẹ cha nó. Chúng thì nốc vào. Mình thì muốn tháo ra, mà không được! Nằm trong mà tức anh ách…

-Bác với cô giỏi thật! Xin chịu! Xin chịu…

Hai ông ký cốc cảm ơn, hứa sẽ báo cáo với cấp trên ghi vào thành tích. Lý Tấn cười mà bảo rằng: “Gia bần tri hiếu tử. Quốc loạn thức tâm trung” các chú ạ! Cũng như “Lê Lai cứu chúa” thôi mà! Có gì đâu mà phải ơn với huệ! Anh em làng nước mình cả! Giả như tôi lâm vào cảnh này, các chú cũng phải sẵn lòng!

Lại nói về Phùng Tuấn. Ông ta là một “con hùm xám” trong vùng. Nhiều lần  xuất quỷ nhập thần, ra tay quật ngã hoặc nổ súng vào bọn lính, ông đã khiến chúng khiếp sợ và kiềng nể. Nhắc đến Phùng Tuấn là chúng phải dè chừng. Bọn Phòng Nhì Quảng An từng treo giá cao, thách đố với các đồn cắt đầu Phùng Tuấn. Một hôm nhận nhiệm vụ móc nối cơ sở, Phùng Tuấn đội một thúng thóc, trong giấu bó tài liệu cùng khẩu súng lục, giả người đi đong thóc trên chợ Đông về. Không ngờ Tuấn bị một tên chỉ điểm phát hiện, theo dõi. Hắn mật báo cho bọn bang tá đồn Cống Mang. Bang tá lập tức cho lính đón lõng. Biết bị lộ, Tuấn vẫn bình tĩnh đi. Đến đoạn đường bốt Bản Trung thì giáp mặt bọn lính. Mặc chúng lăm lăm súng đề phòng, ông vẫn cười thản nhiên. Bất thình lình Tuấn móc bó tài liệu và khẩu súng, hắt luôn thúng thóc vào mặt chúng và bắn liên tiếp. Bọn địch không kịp trở tay. Lúc chúng tỉnh ra thì ông đã biến mất vào các lối ngõ ngoằn ngoèo, thoát ra cánh đồng. Một lần khác tháp tùng một cán bộ cấp tỉnh, hai người vừa dưới bờ sông đi lên, thì bị rơi vào ổ phục kích. Tuấn nhanh trí đẩy đồng chí cán bộ xuống sông bơi trở lại sang bên kia. Còn mình hai tay hai súng lục vừa bắn vừa chạy, chống trả quyết liệt và thoát khỏi vòng vây. Bọn lính các bốt từ đó càng kháo nhau về “con hùm xám” như một chuyện thần thoại.

Một lần cũng tại ngôi nhà hàng ngoài Cống Mang. Phùng Tuấn đang ăn cơm với Lý Tấn thì Ba Lam phát hiện: Thầy ơi! Lão sếp Khương đang đi tới, về hướng nhà mình! Lý Tấn vội ấn Phùng Tuấn vào buồng trong. Ông bảo Ba Lam bày sẵn cỗ tổ tôm ra chiếu cùng chai rượu. Sếp Khương vào thật, rất tự nhiên như mọi bữa từng ăn cơm với ông. Ba Lam vốn khéo nấu các món ăn ngon và tích sẵn món nem chua  của nhà hàng Hoa Lâu, nên hắn rất thích la cà và muốn ăn cơm ở đây. Giờ này hắn vác xác đến bất ngờ thế này là rất gay cho Phùng Tuấn và gây tình huống khó xử cho Lý Tấn. Ba Lam lấy rượu, nem chua và xé mực khô bày ra đĩa mời. Sếp Khương không ngần ngại ngồi xếp bằng trên chiếu rồi giục: Ba Lam! Tìm mấy chân tổ tôm!

Vừa lúc đó, không ngờ Phùng Tuấn bị hắt hơi. Tuấn nhô ra ngay trước cửa buồng, chĩa súng lục vào sếp Khương, nghiến răng: Ngồi yên! Không tao sẽ bắn vỡ sọ! Sếp Khương cũng không phải tay vừa. Nhanh như cắt, lừa lúc Phùng Tuấn bước thêm một bước, vạt áo giắt phải chiếc then cửa buồng bị vít lại, hắn đã rút súng lục chĩa thẳng: Nếu ông nổ, tôi cũng không nể! Hai con hổ gườm nhau. Hai mũi súng lăm lăm. Hai ánh mắt cháy rực. Lý Tấn nhao tới, đứng chen giữa, vỗ ngực: Hai thằng cùng là liền em! Nhằm vào tao đây! Bắn đi! Bắn!

Hai mũi súng từ từ hạ xuống. Nhưng ngón tay Phùng Tuấn vẫn còn giữ cò. Sếp Khương cười khẩy:

-Quân tử thì đút súng vào bao! Nể bác Lý, đây làm luôn! Và hắn nhét súng vào bao trước.

Hai con người tản ra khỏi ngôi nhà. Nhưng từ đó không thấy sếp Khương lai vãng tới cửa hiệu. Nguồn tin tức từ bốt Cống Mang không thể rò rỉ ra ngoài. Sau đó mấy tháng, Lý Tấn bị triệu sang Phòng Nhì Quảng An, nhưng bị chúng hỏi về việc khác, chứ vụ hai cao thủ giáp súng nhau thì chắc sếp Khương đã giấu biệt đi! Dù sao hắn cũng không khỏi nghĩ về cái uy của con hùm xám Phùng Tuấn và đặc biệt cái tình của Lý Tấn…

Sau này hai ông Phùng Tuấn và Trần Tường sống ngoài tuổi 80. Phùng Tuấn không có con, ông nhận một đứa con trai về nuôi. Cả nhà quanh năm bờ sông bãi sú, sắm thuyền vận tải đội cát đội đá, đánh chã tôm làm lụng kiếm sống. Có đận ông phải theo đám sơn tràng vào rừng Lập An chặt tre nứa, chặt gỗ đẽo mái chèo về chợ Đông An bán. Nghề này cư dân Hà Yên gọi là nghề “đẩy móc”, chặt tre gỗ lao xuống thác, rồi đóng bè mảng đẩy từ cửa rừng vượt chặng sông hơn hai chục cây số mới về đến bến. Phải mò mẫm đẩy cả đêm, trốn chui trốn lủi qua các chặng kiểm lâm, rất vất và, cực nhọc. Bởi tính bộc trực, ngang tàng, nói thật mất lòng, không màng phiền lụy, nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Đôi lúc nghe Phùng Tuấn kể lể công thần, lớp cán bộ đương thời và lớp sau thường moi móc ông ta cái “phốt” nhập nhèm tranh tối tranh sáng trong cải cách ruộng đất. Ấy là cái vụ thấy ngoài nhà thờ họ để bộ tràng kỷ, tủ chè của địa chủ Vũ Văn Vách bị tịch thu, bố con ông lén khiêng bộ tràng kỷ về nhà “dùng tạm”. Bộ tràng kỷ này vẫn còn đến ngày ông ta qua đời…

Tuổi trẻ vô tư, hăng hái vì nghiệp lớn, kiêu hãnh trong ánh hào quang của con hùm xám. Cuộc sống về già, Phùng Tuấn đơn chiếc trong chiếc áo đại cán cũ nhàu sờn mép, đặc sệt mồ hôi; không ít khó khăn và cũng không hiểu tại sao ít được nể trọng. Phùng Tuấn mất, đám tang chỉ lèo tèo. Ông tựa một hòn sỏi chìm xuống đáy sông… Phùng Tuấn mất đâu một năm, vẫn còn hai, ba lần giấy của Tòa án huyện về làng gọi mang tiền sang nộp phạt án chặt tre gỗ lậu. Lần thứ ba, sốt ruột quá, công an phó xã Phan Văn Chèm lẳng lặng bảo đội thi hành án: Các anh theo tôi! Anh ta dẫn đội ra cánh đồng, trỏ vào ngôi mộ dài đoàng đoàng chưa xanh cỏ ngay đầu nghĩa trang: Đấy! Ông ta nằm ở đây! Các ông xuống mà đòi!

***

Bà Cả có một cậu em tên là Ngàn con ông chú cũng bí mật hoạt động Việt Minh. Một lần, bị địch phát hiện đuổi từ xóm Dưới qua xóm Giữa, đến xóm Ngoài, cậu Ngàn chạy len lỏi qua các mảnh vườn thông thiên. Bí quá, cậu nhảy qua rào, đánh liều vào luôn nhà Lý Tấn: Bọn địch đang truy đuổi em!

Ông bà Lý Tấn bối rối, chưa biết xử trí thế nào thì Ngàn trèo tót ngay lên hai tấm phản gác trên hai cây xà nhà, nằm bẹp xuống. Tay lăm lăm khẩu súng ngắn, cậu thò cổ ra hiệu: Chúng nó đến!

Vừa kịp nhìn ra, đã thấy bọn địch đập ngõ. Bà Cả vờ xuống bếp tìm nón, nhưng chính là để lấy bình tĩnh, rồi chạy ra mở cổng. Trong này, Lý Tấn vội lấy miếng giẻ chuyên lau kỷ chè tràng kỷ vừa giặt xong lau mồ hôi; đoạn ông moi mấy chai rượu trên bàn thờ xếp lên bộ ván. Chưa yên, ông lại bê luôn hũ rượu rắn khệ nệ đặt lên. Hàng chai hũ được che bên ngoài, đề phòng bọn chúng tò mò. Vẻ mặt ông tỉnh bơ như bình thường… Bà Cả lích kích mở cổng. Chúng kéo ồ vào sân hoạnh họe: Có thấy tên Việt Minh thấp lùn chạy vào đây không?

Bà Cả ngơ ngác, lắc đầu quầy quậy: Nhà tôi kín cổng cao tường thế này… ma nào vào được! Ông tươi tả ra mời chúng ngồi xuống bộ tràng kỷ:

-Mấy khi các chú đến nhà, xơi nước đã. Mặc mẹ Việt Minh! Ta làm mỗi vị một trản rượu cho vui! Con Lam con Dẫm đâu, rửa ấm tích! Bu nó pha trà. Mau! Ba Lam và Tư Dẫm đang giặt giũ ngoài ao chạy vào mang các thứ ra bể cọ rửa. Bà Cả nhanh tắp pha trà Vân và bưng đĩa bánh rán ra mời. Mấy tên lấc láo nhìn khắp nhà và gầm giường, xó tủ. Một tên nghển cổ nhìn lên bộ ván. Ngay lúc ấy, ông nhảy lên kỷ chè đứng vói tay bê hũ rượu xuống: Hũ rượu Ngũ xà này ngâm đã ba năm. Mời các ông xía vía!

-Tốt! Tốt quá! Bọn địch tranh nhau lao nhao: Còn gì bằng? Ba năm quá đủ ngấm. Ngon phải biết!

-Cảm ơn ông Lý! Sao lại thuộc anh em chúng tôi thế?

-Ông Lý có đám rượu quí, cất cao cẩn thận quá?

-Không giấu trên cao thì thằng cháu con bà chị mỗi lần sang chơi nó lại nhăm nhe… Ông cười hề hề, ghé miệng hũ rót từ từ ra cái âu chuyên: Nói gì thì nói, “Tửu phùng tri kỷ ẩm…” rượu ngon phải tùy người uống…

-Khà… Nặng men lắm! Quả là ngon thật! Đúng là thứ rượu một người uống hai kẻ sướng… Không trách ông Lý đẻ liền quí tử!

Cả bọn chúi mặt vào hũ rượu, rót, nâng chén, khen lấy khen để và tán phét… Một tiệc ngọt bất đắc dĩ diễn ra ngay dưới hai tấm ván. Chủ khách giao đãi tự nhiên. Hơi rượu cùng mùi bánh rán thơm ngon thật quyến rũ. Tình huống lúc đó vô cùng gay cấn. Dưới bàn trà, bọn địch vừa uống rượu vừa nhí nhố.

Trên bộ ván chỉ cách hai mét, ông cậu đang nằm nín thở. Chỉ cần ông bà Lý Tấn sơ sẩy một tẹm hoặc cậu em bị hắt hơi, cựa mình một chút là tình huống sẽ khác.

Địch đi khỏi, nghe chừng đã yên, Lý Tấn đỡ cậu em tụt xuống. Mặt mũi sứt sát do gai cào, đầu tóc Ngàn dính bết mạng nhện. Cậu hắt hơi mấy cái liền. Bà Cả nghiêm mặt, trách: Cậu liều thật! Định giết anh chị đấy à? Ngàn tủm tỉm cười trừ:

-Phải tuyệt đối tin tưởng ông anh bà chị chứ! Với lại anh xếp đám rượu lên… cũng làm em một phen hú vía!

-Có vậy mới đánh lừa được chúng nó!

-Cái Lam nhổ cho cậu mấy cái gai gẫy ngậm sau lưng. Lúc nãy buốt lắm mà không dám cựa quậy… Ngàn đảo mắt vào hũ rượu: Anh rể rót em xin một chén!

***

Minh Tầm ra đời, như một viên ngọc mới được Trời thương tình thay thế. Một buổi sáng đang cày ruộng cho vụ mùa, bà Hai trở dạ. Sau cơn đau lưng quăn thắt, bà kịp bỏ trâu, bò lên bờ ngồi xuống bờ cỏ. Tầm khóc chào đời trên cánh đồng. Bà bẻ cây roi tre, đưa lên miệng tước vội lấy thanh cật mỏng để cắt rốn cho con. Thằng bé đỏ hỏn giãy đạp. Bà cởi áo ngoài bọc lại và đặt nó vào ổ rơm, ngay trên bờ ruộng.

Được con trai, Lý Tấn mừng lắm. Bà Lê Đĩnh càng mừng hơn, hít lấy hít để bụng thằng cháu: Cha tổ mày! Cục vàng của bà! Trời bù cho nhà ta đây rồi! Ngắm thằng bé, bà lại nhìn xa về phía cửa sông Vân Cừ: Giá thằng anh mày còn thì nó bế mày đi chơi. Nó còn thì lớn lên sẽ gánh vác công việc cho mày, nhưng chưa chắc đã có mày… Thành người thì cố mà gánh vác sự nghiệp và nhớ cúng anh mày cháu nhá…

Liên tiếp quãng mười lăm năm, liền ba con trai nữa ra đời. Người làng ai cũng tấm tắc nhà Lý Tấn gặp hồng phúc! Bốn thằng trai, vuông một cỗ “Tứ tử trình làng”! Mọi người gặp ông thường chắp tay: Chào cụ Tổng! Lý Tấn vội xua tay: Đừng! Hết thời rồi! Đừng chào thế! Các chú cứ gọi tôi là Tổng Cu cho vui! Phú quý phù vân. Con cái mới là vô giá. Của cải với chức vị chỉ là đám mây trôi... Từ đó, dân làng hàng tổng lại đổi cách gọi Lý Tấn là “Lý Cu” hoặc  “Tổng Cu”. Mặc dù ông không còn quyền bính gì cả. Người ta vẫn gọi ông theo chức sắc ngày trước như một cách bày tỏ lòng kính trọng. Làng có việc, các kỳ hào lý dịch thường nằng nặc “mời cụ Tổng lên chiếu trên”. Lý Tấn ngồi giữa các cụ phụ lão tóc bạc râu dài, huơ tay từ chối: Cảm tạ! Cảm tạ. Ngồi đây cũng được! Trên dưới đều vậy cả!

-Nhưng để cụ ngồi đó chúng tôi thấy bất nhã quá!

-Không sao! Ngồi đâu cao đấy! Các chú cứ nghĩ như thế là tốt lắm rồi!

Giữa đám đông, ông lại kể những mẩu chuyện vui và đọc những câu ca dân dã tếu táo: “Sinh ra vốn dĩ là dân. Cố đấm dần dần cũng được thành quan. Hết quan rồi lại hoàn dân. Hoàn dân rồi lại dần dần vào quan” hà hà... Cuối cùng… ai cũng “vào quan”!... Phải không các bác các chú? Tôi xin cáp tiền, đố các bác các chú ai không “vào quan” đấy! Ai nấy ngớ ra. Rồi chợt hiểu, họ gật gù:

-Hoàn dân rồi lại dần dần vào quan”! À… vào quan… Chúng tôi hiểu rồi! Chí phải chí phải…

-Nhưng phải từ từ đã! Nhân đây kể các bác các chú nghe câu chuyện xưa ở làng ta: Bà cụ Bát Niên gẫy gánh giữa đường. Góa chồng, tuổi xuân xanh thoáng qua lúc nào không hay, một mình bà sống thui thủi dưới căn nhà gianh. Mùa cấy gặt đi làm thuê, đổi công. Mùa nông nhàn lặn lội trên các xứ đồng mót lúa. Ngày ba tháng tám tay sọt tay cuốc mót khoai.

Mỗi lần đi mót khoai, bà lại tranh thủ hái lượm thêm ít lá thuốc, cây thuốc đem về bán cất cho ông Lang Quả. Ông Lang Quả có hiệu thuốc nam gia truyền ở chợ Đình. Ông cũng có một đứa con trai. Thằng bé được mười tuổi thì vợ ông chết. Trong cảnh “Uyên minh khứ hậu vô tri kỷ” (Gà mái mất đi, gà trống không có bạn), ông ở vậy nuôi con. Đến lúc anh con lấy vợ, sinh cháu nội cho ông, rồi ông mới cho chúng nó ra ở riêng. Một mình ông một cửa hiệu nhỏ. Hàng tháng, mỗi phiên chợ, bà Bát Niên vẫn đều đặn đến bán giao các loại lá và cây thuốc cho ông. Sau những lần nán lại trò chuyện, thêm hiểu cảnh nhau, dần dần họ nẩy sinh tình cảm với nhau. Lời ra tiếng vào, dân làng thêm thắt mỗi người một câu, ai cũng mong muốn cho hai mái đầu bạc chụm vào. Ông cần bà nồi cơm ấm nước, nâng khăn sửa túi. Bà cần ông khỏi người đời trêu chọc và… nói thật với các chú… còn lạ gì… cho ấm chỗ nằm!

-Chí phải! Bác nói đúng ý chúng tôi đang nghĩ! Mọi người nhao nhao.

Cuối cùng hai ông bà nên duyên. Ông bảy nhăm. Bà bảy hai. Ngày ông Lang Quả sắm lễ xin cưới bà Bát Niên cũng thật vui. Toàn hàng xóm với các bậc bạn bè lão nhiêu. Người tóc bạc phơ, kẻ nhuốm muối sương. Người hút thuốc lào, kẻ bỏm bẻm nhai trầu. Cười nói cứ như hội làng. Nhưng bất ngờ nhất vẫn là cái hôm bà Bát Niên cắp nón về nhà chồng mang theo của “hồi môn”.

-Có gì mà bất ngờ hả bác? Đám đông nóng lòng hỏi.

-Các vị cứ từ từ… Đấy là vào một chiều. Trên đường làng, người ta thấy một trai tráng kéo một chiếc xe kéo. Trên xe có một khối hình vuông dài, phủ một tấm lụa điều. Thỉnh thoảng, tấm lụa điều lại lật bay phấp phới hở mấy chỗ góc xe, để lộ những hình vẽ chữ Thọ tròn với cả hình con rồng, con phượng. Theo sau là bà Bát Niên trong bộ quần lĩnh áo the, khăn đóng. Miệng bà nhai trầu, đỏ cả khóe môi. Qua chặng đường cái giữa hai làng, chiếc xe rẽ vào cửa hiệu ông Lang Quả và qua cánh ngõ vừa mở, dừng lại trước sân. Ông Lang Quả cùng hai gia nhân ra đón, vẻ mặt đầy phấn khởi. Khi tấm vải lụa được lật khỏi chiếc xe, trước mắt mọi người hiện ra nét nẹt một… cỗ áo quan sơn màu đỏ tươi! Ông Lang Quả trố mắt: Sao? Sao bà… lại chở thứ này về? Ôi! Thế… thế ông không hiểu đây là thứ gì? Biết rồi! Đây là… là… Khổ lắm! Đây là của hồi môn của em đó! Phải tích cóp bao nhiêu năm làm thuê, gánh khoai sắn, cùng tiền bán lá thuốc cho ông mới sắm được. Nhưng nó là tiền… là mồ hôi nước mắt… Bà Bát Niên cười tươi rói: Mai kia về giời, con cái chúng mình nó đỡ phải lo!

 Trong tiếng cười hỉ hả của mọi người, Lý Tấn kết luận: Thua bà Bát Niên các bác các chú ạ! Ai mà chẳng “vào quan”!


VIII- GIÓ ĐỔI MÙA


 

T iếng sấm Chiến thắng Điện Biên phủ rung chuyển cả nước, đem tin vui đến tận thôn cùng ngõ hẻm. Người dân thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Bầu trời, cánh đồng, dòng sông ngập tràn nắng mới. Đường quê sáng láng, rực lên màu cờ đỏ sao vàng. Lý Tấn tham gia trong nhóm dẫn đầu đoàn dân làng sang phố huyện, miệng hô tay phất lá cờ đỏ sao vàng đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Đấy là những anh bộ đội đầu đội mũ bọc lưới, mặc áo trấn thủ màu xanh lá cây, bồng súng bước uy nghi. Các cô gái chỉ trỏ, nhận ra trong đó có các anh em con bà cô, ông bác cũng đang tươi cười vẫy lại dân chúng...

Cuộc sống trong hòa bình lập lại vi vu tiếng sáo diều, tiếng ca hát trên cánh đồng làng, bờ tre, bến nước.

Bà Lễ Đĩnh mất. Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn chưa hề nghe thấy lời tiếng dân gian nào thán trách con trai. Người ta vẫn gọi Tấn là ông Lý, ông Tổng một cách thân thiện và trìu mến. Bà thực sự mãn nguyện về con trai một thời trai trẻ gánh vác việc làng nước. Nó đã khiến bà nở mày nở mặt. Coi như nó đã giúp bà hoàn thành sứ mạng với nhà chồng. Bà cầm tay con nắm chặt: Còn Ba Xâm, dù thời buổi thế nào con cũng để nó ở lại nhà mình! Nó câm điếc, nhưng hiếu thuận con ạ!

-Vâng! Mẹ an tâm! Coi như chú ấy mãi là con cái nhà ta!

-Con còn nhớ không? Ngày rằm tháng bảy năm ấy, nếu mẹ không kịp tới ngõ chùa có lẽ thằng bé chết đuối không ai biết. Rõ khổ, mới năm cái tuổi đầu. Không rõ nó từ đâu đến, con cái nhà ai lại đi nom chuồn chuồn ở vạ sông? Lúc mẹ hô hoán người đến cứu vớt nó lên, thấy trên bờ vẫn còn một chiếc lờ đơm cá mại đựng những con chuồn chuồn. Mà cũng lạ sao không có ai đến nhận nó? Đằng đẵng mười mấy năm nay… Chả lẽ nó là con Trời con Bụt?

-Con ai thì con, cá vào ao nhà mình, mình nuôi mình quý phải không mẹ? -Ừ… Hay là Trời thử nhà ta?

-Vâng! Nhà ta bao giờ cũng thiếu người! Câm điếc nhưng Ba Xâm sáng việc lắm mẹ ạ!... Tấn sẽ sàng đặt đôi bàn tay mẹ trở lại. Nhìn con trai lần cuối, bà nở nụ cười với ánh mắt tràn trề thương yêu và kỳ vọng.

Đám tang cụ Lễ Đĩnh đông nghịt người từ hàng xã hàng tổng đổ về. Người đi đưa tang kéo dài từ đầu làng tới cuối làng. Hồi ấy, làng xóm còn đầm trì, mộc mạc, nhưng con người ăn ở với nhau thật đầy ắp nghĩa tình. Trong lễ đưa tang, trướng và câu đối viếng bay rợp trên con đường ra cánh đồng sau vụ gặt tháng mười. Tuy Lý Tấn mười năm không còn quan chức lý dịch gì, nhưng cái tiếng nhân hòa của ông vẫn còn âm hưởng trong dân gian, nên gia đình vẫn được trọng nể và tôn vinh. Sự tôn vinh không cần bằng sắc, hô hào. Làm quan, đến lúc “quy cố viên” để vẫn kẻ lui người tới, quả thật không phải chuyện dễ! Vị thần nể cả cây đa! Người đi đưa tang rì rầm bàn tán như vậy. Lo chu tất tang lễ xong, cửa nhà trống huếch đến một thời gian dài. Là người con hiếu nghĩa, khi vắng bóng, vắng hơi mẹ, Lý Tấn vô cùng hẫng hụt. Lúc này đã là người đàn ông đứng tuổi, song ông vẫn cảm giác như còn tấm bé trong vòng tay mẹ. Mất mẹ, ông như con thuyền bị cắt khỏi bến đậu, bơ vơ trên dòng sông dưới vòm trời, ngoài xa chân mây đang ẩn hiện những cơn giông. Mất mẹ, coi như mất đi một chỗ tựa của một bức thành lũy vững vàng! Phải vài tháng tĩnh tâm, ông mới tiếp tục trở lại cửa hiệu. Rồi ông bán cửa hiệu Cống Mang cho một người cùng xóm. Từ giã ngôi cửa hiệu tràn ngập những làn gió biển mặn mòi trước mặt và hương lúa đồng ngan ngát sau lưng, ông chỉ giữ lại ngôi nhà “Thuốc lào Nhân Mỹ” ở chợ Rừng. Phụ giúp có Ba Lam và Minh Sánh. Hai chị em đã cùng cha vực lại cơ nghiệp buôn bán lên một thời mở mặt với dân phố. Mỗi bận kiểm hàng, kiểm tiền và bao gói hàng hóa, ông vẫn không quên dạy các con: Làm gì cũng phải trọng chữ “Tâm” chữ “Tín”. Buôn bán chỉ ăn lãi một ít thôi, mỗi thứ một tý gọi là lấy công làm lãi. Cóp ít thành nhiều. Tích tiểu thành đại mới bền lâu! Chớ “mài dao một năm chém một giờ!” coi như công cốc!

***

Cuộc cách mạng Cải cách ruộng đất diễn ra. Như một cơn bão lớn bất ngờ đổ vào vùng đất Hà Yên với những con sóng gió dữ dằn.

Đầu năm 1955, cũng như các làng xã ở Hà Yên, làng Lụa tổ chức mít tinh rầm rộ trên khu ruộng Lò Ngói chào đón các Đội cải cách ruộng đất. Tất cả trẻ già trai gái nón mũ nhấp nhô, đứng ngồi nghe phổ biến chủ trương. Đội cải cách đã thâm nhập vào các gia đình nghèo khổ nhất để bắt rễ, xâu chuỗi, ôn nghèo, gợi khổ, phát động quần chúng đấu tranh với giai cấp cường hào, địa chủ. Đội bồi dưỡng một số bần cố nông thành những cốt cán của phong trào. Trong quá trình vận động của tự nhiên và xã hội, sự kiện, sự việc, con người nào cũng có hai mặt. Đáng tiếc do hạn chế về tư tưởng và tầm nhìn văn hóa của những người thực hiện ở làng quê, mặt tích cực, tươi sáng đã không át nổi mặt tiêu cực, ấu trĩ và tối đen của nó. Bóng đêm đã vô tình trùm tỏa, phủ lấp, gieo bao nỗi oan ức lên nhiều nhà giàu vô tội.

Ruộng đất của mọi nhà giàu lấy ra chia cho bần cố nông. Nhưng trong quá trình thực hiện, cơn bão đấu tranh giai cấp “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ” đã bị đi lệch đường lối, gây ra không ít thảm cảnh. Không khí nông thôn và cuộc sống nông dân vùng làng đảo đang từ tưng bừng náo nhiệt bỗng dưng bị xáo trộn, lảo đảo như người say thuốc mất phương hướng. Các Đội cải cách đã bất chấp thực tế, tình cảnh, tình người và lý lẽ. Hôm trước còn trú ẩn, ăn uống chén chú chén anh ở nhà địa chủ, hôm sau những người đi đấu tố đã đến trói gô địa chủ lại với những mũi súng dân quân du kích chĩa sau lưng, áp tải ra sân đình, sân nhà thờ họ.

Trong dân gian vùng quê này hầu như không có địa chủ nào đến nỗi cường hào gian ác. Trong vòng chu vi ba mươi nhăm cây số đê, thủy tổ các dòng họ từng chung một nguồn cội, một con thuyền ra đi từ kinh thành Thăng Long, dân các làng xã ra trông thấy nhau vào trông thấy nhau, chỗ nào cũng dây mơ rễ má, họ hàng hang hốc. Cả làng cũng như một ngôi nhà. Người ta sống nể nhau vì tình hơn trọng của cải. Trên một vùng đất giáp mặt với biển cả, trải qua bao đời người, dân làng và chức sắc phải chung lưng dựa vào nhau chống chở thiên nhiên, chống chọi với giặc cỏ, cướp biển, với quan lính triều đình thường xuống phách lối, gây phiền hà, nhũng nhiễu... để tồn tại hương thôn. Các nhà giàu chủ yếu chỉ đăm đăm sắm trâu tậu ruộng, có của ăn của để thì mở buôn bán giao thương. Họ không có ý thức cạnh tranh, giành giật, dùng mọi mưu ma chước quỉ đè lên nhau, cướp đường sống của nhau. Dân nghèo thì cấy trồng gặt hái, làm nghề chài lưới, nghề thủ công, dạy học... Nhà nào cảnh neo đơn, ít ruộng đất, ít lao động thì hết mùa hết thóc, đạm bạc rau cháo, bữa có bữa không. Nhà nào đói khổ quá, không biết tính đường làm ăn thì cho người đi ở đợ, cày thuê cấy mướn kiếm bữa qua ngày... Nhưng, các đội “Ba cùng” đã quá khích, phát động quần chúng ôn nghèo kể khổ. Đa số bần cố nông bị cốt cán Đội mớm lời vu oan giá họa, nói không thành có, kéo thù oán cá nhân vào đấu tranh giai cấp. Nhất Đội nhì Giời! Đội bảo gì cũng phải nghe. Đội sai đâu giáng đó, đâu cũng phải đến. Nhiều nhà giàu bị bất ngờ quy tố vào thành phần địa chủ “ngồi mát ăn bát vàng”. Giậu đổ bìm leo. Người ở đấu chủ nhà, hàng xóm đấu hàng xóm. Con đấu cha, chửi rủa cha, cháu đấu chú, vợ đấu chồng, con rể đấu mẹ vợ, con dâu đấu bố chồng… Nào địa chủ bắt người ở ăn cơm chó, người cày nhịn đói kéo cày… Nào địa chủ hiếp vợ bần cố nông ở chuồng trâu, cạnh cối xay. Nào địa chủ ra ruộng chọc cây xuống nước bảo thợ cấy: trời này mà các người kêu rét?

Trên đường làng chốc chốc lại có một đoàn thanh thiếu nhi đi cổ động gõ trống ếch vang dồn cùng tiếng hô khẩu hiệu rầm rĩ: Đả đảo cường hào! Đả đảo địa chủ! Đả đảo giai cấp bóc lột! Nông dân làng Lụa Vân vùng lên! Chia ruộng cho nông dân bần cố nông! Năm Sánh và Tư Dẫm cùng bọn trẻ xóm cũng đi trong đoàn cổ động ấy, vô tư vung tay, thẳng miệng hô đả đảo đến khản tiếng.

Trên các sân đình, sân nhà thờ họ diễn ra những cuộc đấu tố đau xót, đẫm nước mắt và sau này tỉnh ngộ, nghĩ lại cười ra nước mắt! Các nhà giàu, chức sắc bỗng thành tay trắng, dở khóc dở mếu, thậm chí có những người cùng đường, bị đẩy vào bi kịch đã tự tử ngay trong bồ thóc, thắt cổ treo trên xà ngang, cắn lưỡi ngoài bờ ruộng... Nhiều gia đình hỡi ôi không biết tránh đi đâu. Đêm đen đặc, cửa nhà đóng im ỉm, đèn đốt leo lét.

***

Cũng như các nhà giàu, các thân hào chí sĩ khác, gia đình Lý Tấn cũng bị xơ xác trong vòng bão đó, bị đội cải cách quy địa chủ vì có nhà gỗ lim, sân gạch, có nhiều ruộng nhiều trâu, có cửa hiệu buôn bán bên phố huyện... Các tài sản này đều là thành quả lao động từ thời cụ Lễ Đĩnh để lại và ông bà đắp đầm, cày ruộng, buôn bán ngoài phố huyện thêm cặp vào mà kế tục làm nên. Ông bà bị quy kết đúng các điểm, không cãi vào đâu được: Trí: chồng biết tiếng Pháp, đích thị là tay sai gián điệp của thực dân Pháp; biết chữ Nho, đích thị là tư tưởng phong kiến. Phú: Gia đình máu mặt có năm gian nhà ngói, tủ chè sập gụ, vườn trên ao dưới. Địa: vợ cai quản hàng chục mẫu ruộng. Hào: chồng từng làm lý trưởng, chánh tổng. Đã là lý trưởng, chánh tổng ắt có tội với nông dân!

Trên sân đình Lụa, giữa vòng vây nhung nhúc những người, ông và bà Cả bị trói giật cánh khuỷu, đứng chờ đến lượt. Ông đầu tóc rũ rượi, gương mặt chữ điền râu ria nham nhở. Bà Cả bịt kín nửa mặt bằng tấm khăn vuông đen, run như dẽ gà, chăm chăm nhìn xuống đất. Trước khi đấu Lý Tấn là cuộc đấu ông Xã Thành, anh rể, bạn “cọc chèo” của ông. Chị cu Phới hiền lành chân chỉ, hàng xóm bên nhà ông Xã Thành bị xúi bẩy, te tái đứng dậy:

-Xã Thành nghe đây! Mày đã nhiều ruộng lắm trâu, nhiều cày bừa, lại nuôi lắm ngan ngỗng, lắm vịt nhiều chim… Ngỗng vịt quàng quạc cả đêm làm xóm láng mất ăn mất ngủ…

Tay Cu Mại đi ở theo mùa nhổ mạ, gặt lúa cho nhà ông cũng nhảy ra. Chiếc khăn đầu rìu màu nâu xỉn quấn chặt lấy cái đầu mum múp cá rô:

 -Đúng rồi! Tôi đi ở tôi biết nhà này nhiều trâu, nhiều vịt, nhiều thóc lắm gạo, lắm ngỗng, lắm chim… Người không có cơm mà ăn, nhưng chuồng vịt, chuồng chim nhà nó bao giờ cũng những thóc là thóc! Ăn lắm đẻ nhiều, đẻ toàn con gái... Thóc dư gạo mục cho con rể nó phá…

Đội Thẩm bật cười: Con gái kệ họ. Con rể cũng kệ họ. Quan trọng là… Đánh đổ giai cấp địa chủ cường hào, đem quyền lợi chia cho bần cố nông. Nếu lắm của cải thế thì ắt do bóc lột bần cố nông mà có…

Tí Chảnh vợ Cu Mại cũng băm bổ trỏ tay vào mặt ông Xã Thành: Mày là thằng bóc lột! Chúng tao làm quần quật duốt ngày chí đêm, hầu hạ dạ vâng vợ chồng mày, phục dịch đám con gái, phục dịch cả đàn ngỗng đàn chim. Ngồi mát ăn bát vàng, duốt ngày ngắm vuốt chim cò…

Cu Mại gạt vợ ra, xơi xơi một hồi: Chim của giời mày đánh bẫy về làm của mình… Với lại lười, không chịu quăng lưới bắt cả, lại bắt hai con chim cốc mò cá… chỉ việc xơi… Cốc mò cò xơi… Con chim cũng bị bóc lột. Súc vật nhà mày căng diều thóc gạo, còn chúng ông bốc cơm nguội, khoai khô… Có đúng không?

-Dạ… Dạ! Nhưng chiều nào vợ ông bà cố nông cũng đem một rá gạo của nhà con về nấu cơm cho trẻ con ăn ạ!

-Đấy là công chúng tao. Kể ra ông… ơ mày phải cho một thúng mới phải!...

-Dạ! Nhưng…

Đến lượt nhà Lý Tấn. Khi hai du kích điệu ra giữa sân, bà Cả đái cả ra quần, nước đái chảy lênh láng trên nền gạch vuông. Người nào đấu tố cũng đến trước mặt trỏ tay, vạch tuột vành khăn, băm băm xỉa xói. Tay Đĩ Lẽ do Lý Tấn thời làm lý trưởng thuê chuyên việc xẻ đất đào ao, đào mương thoát nước dọc đường… đã chực sẵn. Lẽ vuốt mặt đỏ gay,  xắn tay áo như kẻ sắp lao vào keo vật:

-Tôi có ý kiến! Kể ra phải bắt cả vợ hai Lý Tấn ra đấu cho đủ bộ ba… Đội Thẩm khoát tay: Không cần! Vợ hai Lý Tấn thuộc bần cố nông. Để đảm bảo thời gian, chỉ cần đấu đại diện hai quả nhân này! Đề nghị bà con đi vào chất lượng!

-Được rồi! Nghe đây vợ chồng Lý Tấn! Tao đến xin cơm, mày cho tao cơm chó ăn thừa với hai quả cà thiu. Y như Dương Lễ đối xử với Lưu Bình… Đúng không?

-Dạ!

Đĩ Hạ là vợ Đĩ Lẽ quần ống thấp ống cao bước ra. Đám người đằng sau chợt bịt mũi khìn khịt. Mùi nước đái trẻ con từ người chị ta bốc khai khẳm. Đĩ Hạ nhảy cẫng lên, dí ngón tay vào trán bà Cả: Cho tao vay thùng thóc, mày lấy đũa bếp gạt miệng thùng rồi bắt khi trả phải trả hai thùng đầy có ngọn. Đúng không ?

-Dạ! Dạ… Không biết!

-Thóc khô mày tưới nước lên. Thóc lép mày bảo thóc mẩy. Đúng không? Mày còn bắt tao cho thằng cu Phiêu con mụ Hai nó bú rình. Nó cắn vú tao đứt cả chuỗm… Có đúng không?

-Dạ!

Xăm xỉa một hơi một hời, Đĩ Hạ ngồi thụp xuống ôm bụng, người toát mồ hôi hột, thở hổn hển: Đói với mệt quá! Từ sáng đã phải đấu mấy trận liền! Vợ chồng Lý Tấn ngơ ngác, chỉ còn biết khoanh tay gật đầu. Không gật không xong! Thấy Lý Tấn trân trân nhìn Đội Thẩm, một người đeo súng đứng sau ấn đầu ông xuống. Đội Thẩm dõng dạc gọi Cả Phin, con rể ông bà: Cả Phin đâu? Có đây không? Đến lượt anh vào tố! Không sợ gì sất! Đã có Đội bên cạnh. Bị bóc lột những gì anh cứ tố! Đám đông đẩy Cả Phin ra sân. Mặt bệch như đít nhái, Cả Phin lấy sức bình sinh, run run trỏ mặt bố mẹ vợ: Ông là… Bà… là…

-Đề nghị gọi cho đúng! Mày chứ… sao lại bà? Một xâu chuỗi lên tiếng.

-Dạ… Chúng mày… Ông… Bà… không cho tôi lấy cái… cái Luyến. Tôi… phải quì lạy cắn rơm cắn cỏ … Phải nộp… nộp con lợn cưới bẩy mươi ký lô…

Cô Luyến con gái thứ hai của ông bà Lý Tấn hiền lành và thuần phác, chỉ lo làm lụng. Cổ cày vai bừa, cùng dì Hai đảm đương mọi việc đồng áng, không quản nhọc nhằn. Theo trâu cày khỏe. Cấy hàng sào ruộng không biết mỏi lưng. Cả Phin là con một gia đình nghèo khó, chuyên làm chân sào cho các thuyền buôn gạch ngói miền trên. Những thuyền vật liệu trẩy từ làng gốm Bát Tràng, Hương Canh, Đáp Cầu về bến Cống Mang, Bến Ngự rồi trẩy ra các nơi Cẩm Phả, Ba Chẽ, Tiên Yên... Anh ăn khỏe làm khỏe, tháo vát. Lúc ngược nước, nhảy lên bờ kéo thuyền chạy phăng phăng. Nên các chủ thuyền rất thích thuê Cả Phin đi ở chân sào. Luyến có nhiều trai làng nhòm ngó, nhưng chỉ ưng anh chân sào hiền lành hạt bột. Bà cụ Đĩnh và ông Lý Tấn đã không theo các nhà giàu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, không hề phân biệt giàu nghèo, đã gả cô cho Cả Phin.

Làm nghề chân sào thuyền vận tải cực nhọc, nhưng phải đến khi lấy vợ, có bốn mặt con, Cả Phin mới cất được một ngôi nhà gỗ tạp lợp mái lá cuồi. Luyến mắn đẻ và dễ đẻ, sòn sòn năm một. Đi gánh nước cũng đẻ tụt cạnh bờ ao, vội giất tàu lá chuối lót ẵm con mang về. Ngồi đun bếp cũng đẻ rơi ra đám rơm khô… Nhà vợ chồng Luyến ở gần, dăm bữa nửa tháng bà Cả lại cho cô Tư Dẫm bê gạo bê rau sang cho chị. Nên khi bị buộc tố bố mẹ vợ, Cả Phin ấp úng là phải. Vừa lúc đó, Luyến hớt hải ở đâu rũ khăn xộc vào: Không đấu không tố gì sất! Về ngay! Về ngay! Ai bảo mày tố thầy mẹ tao? Thầy mẹ tao cho vợ cho con. Có tội tình gì?...

-Chúng… chúng nó xúi… xúi tao… Cả Phin ấp úng vì nghẹn cổ.

Luyến túm cổ áo Cả Phin xô đám đông lôi ra ngoài: Đêm xuống chuồng trâu mà ngủ Phin nhá! Xui ăn cứt gà cũng ăn à? Cả Phin nhùng nhằng: Đéo ở nhà nữa! Tao ra thiền đây!... Đám đông nhốn nháo. Bỗng nghe tiếng sấm ì ùng rung chuyển. Tiếng ì ùng mỗi lúc một gần, ngay ở ngọn tre. Mấy xám đùn lên những tổ mối khổng lồ. Bầu trời đang sáng chợt tối sầm nhanh chóng. Một cơn giông xuất hiện. Ào ào gió lốc. Mưa xối xả. Sấm sét chạy ngay trên đầu đẹt đẹt, sáng lóe. Phông màn, khẩu hiệu gãy đổ lả tả. Sân đấu tố tung tóe như ong vỡ tổ.

Đội cải cách còn cho người lẻn sau hè các nhà địa chủ giỏng tai nghe ngóng. Ngôi nhà gỗ lim của Lý Tấn bị niêm phong. Ba Lam đón bà Cả sang phố huyện. Mẹ con bà Hai xuống ở trong ngôi “nhà con” chuyên để nấu bếp. Tối đến cửa đóng then cài, lặng ngắt. Mùi khói ám tỏa nồng nặc. Liệu cơ thằng bé Tầm buồn đái, bà Hai bảo đái qua cửa mạch cũng được. Thằng bé bắc chim đái, bỗng có bàn tay túm vặn lấy chim. Giật bắn mình, nó thụt lại. Nước đái tung tóe, nó hoảng sợ thét lên: Mẹ ơi! Trộm bắt chim con! Trộm bắt chim con! Bên ngoài, nghe tiếng rít qua kẽ răng: Tiên sư mày. Đái vào mặt ông! Đang cho cu Thảo bú, biết ngay có người rình đằng sau nhà, bà vặn ngọn đèn rõ to rồi véo một cái cho thằng bé khóc thét lên...

 

***

Bên làng Phong Hạ, Tổng Cương, một chánh tổng sau thời Tổng Tấn, vì nhà gỗ lim to, nhiều ruộng, nhiều trâu cũng bị đấu tố kịch liệt. Đội kết án, giam ông vào một chỗ, chờ lệnh treo cổ xử bắn. May quá, có lệnh sửa sai, ông thoát chết. Những lần gặp Tổng Cương, Lý Tấn mới rõ chuyện xử bắn hụt của ông:

-Nhất Đội nhì Giời bác ạ! Phải khoanh tay cúi mặt bẩm thưa những người nông dân mà hôm qua vừa thân ái cấy hái, đập lúa cho mình, vừa cho họ bát cơm gánh nước, cho họ thúng thóc, rổ khoai… bằng “ông bà”. Thôi, gọi họ bằng ông bà cũng chẳng sao, gió bay lên giời, nhưng cái đau cắt ruột là họ bịa đặt và bắt mình nhận những điều không có. Hôm qua đường thông thì họ theo. Hôm nay khó khăn, vì miếng ăn và sợ chết, họ lại bỗng dưng trở mặt. Trước kỳ đài, khi tôi bị dẫn ra, sau những tràng hô “đả đảo địa chủ cường hào bóc lột”, “đả đảo Tổng Cương” họ moi xỉa, có kẻ còn ngoảnh đít hất mông vào mặt… Nhưng may sao, nhờ lệnh sửa sai về kịp, tôi được sống lại! Duy ngôi nhà gỗ lim thì bị tịch thu. Của đi thay người. Chết là thiệt. Được sống đến bây giờ là tốt lắm rồi! Chứ nhiều người có công lớn còn bị oan hơn ta nhiều! Ông xúc động kể về địa chủ Nguyễn Thị Năm...

Bà Nguyễn Thị Năm chủ hãng Cát Thanh Long ở Hà Nội, tản lên Thái Nguyên mua ruộng đất, phát canh thu tô. Bà là người phụ nữ đầu tiên bị quy là địa chủ và bị xử tội chết. Trước ngày tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, nhà bà là cơ sở của Cách mạng. Bà đã hiến 100 lượng vàng cho Chính phủ mới thành lập và có hai người con trai tham gia Việt Minh. Bà vừa là địa chủ kháng chiến, địa chủ kiêm công thương, vừa là địa chủ hiến ruộng, thuộc diện chính sách được chiếu cố. Nhưng bà đã bị bắn trong xoáy lốc của cơn bão đời không ngờ tới…

Cũng thời điểm đó, bên tổng Hà Bắc, chánh tổng làng An Giang Đinh Văn Thịnh cũng suýt chết trong một cuộc đấu tố. Đinh Văn Thịnh là địa chủ từng làm chủ tịch lâm thời đầu tiên của Ủy ban hành chính kháng chiến xã An Giang. Hôm  ông bị điệu ra bãi Ta ranh chuẩn bị xử bắn thì bỗng dưng vòm trời đầy mây đen kịt nổi lên. Một cơn mưa giông lớn ập đến cuốn đổ hết cả cờ quạt, băng đàn, khẩu hiệu… Cuộc xử tử buộc phải hoãn lại. Mạng ông còn lớn. Vì liền sau đó có lệnh sửa sai từ trên kịp về làng.

***

Kết thúc cuộc đấu tố, ruộng đất, trâu cày nhà Lý Tấn bị phân tán, xé lẻ. Chiếc sân gạch cũng bị đào tróc mất mấy hàng, vứt bỏ ngổn ngang. Bao nhiêu đồ đạc, mâm thau, nồi đồng, bát đĩa cổ quý giá trong ngôi nhà ngói năm gian bị chia chác đâu hết. Hai cái mâm gỗ dựng ở chạn bát đũa cũng bị băm sứt mẻ. Văn tự ruộng đất, biên lai ủng hộ vàng cho kháng chiến và tờ sắc phong của vua Bảo Đại cũng bị rút ra đốt mất. Cái “ống quyển” bằng ống tre trong chiếc hòm sắc gỗ sơn đỏ vẽ rồng phượng bị dẫm dập vỡ một đầu, ném chổng chơ xó nhà. Những thứ này, sau bà Hai nhặt lại được đem cất trên bàn thờ. Chiếc tủ chè gỗ gụ khảm trai điển “Mai Hạc” rất đẹp cũng không biết biến đâu mất vào thiên hạ? Bộ chiếu xếp bằng gỗ nghiến họ khiêng ra đến ngõ chắc do nặng quá và chắc cũng đã chia cho quả thực cho nông hộ nào đó nhưng vì to quá, áng chừng không đặt nổi vào nhà gianh, nên họ bỏ lại ngoài cổng ngõ. Bà Hai cùng Ba Xâm phải dùng những đoạn gỗ tròn làm con lăn, kê và dịch từng tí một mới đem được vào nhà.

Trong xóm, Đĩ Lẽ là một xâu chuỗi, một cốt cán năng nổ. Nhà Lẽ xáp ngay mé đường. Bà cụ Lanh, mẹ kế của Lẽ có nghề bán bún riêu cua đồng. Hàng bún riêu cua đồng của bà ngon có tiếng. Hàng ngày bà dậy từ nửa đêm giã cua, vớt bún, soạn sửa gánh bún riêu đi rao bán khắp làng trên xóm dưới. Chiều về lại đeo “giọng” lặn lội ra đồng, móc tay vào các bờ ruộng bắt cua hoặc mua cả “giọng” của bọn trẻ chăn trâu. Đôi bàn tay bị rắn nước cắn đầy vết nhang châm. Vợ chồng Lẽ thức đêm đi hội họp, về ngủ cả ngày, mặc mọi công việc cho bà mẹ kế. Bà lặng lẽ như cái bóng, tẩm ngẩm lo toan đắp đổi bữa sáng bữa tối cho cả nhà. Bà là một người đàn bà nhanh nhẹn, sống có tình, tuy hơi giảo hoạt do cái nghề nó tạo nên tính cách. Lẽ đối xứ với mẹ kế rất tệ bạc. Lôi thôi hắn mắng mỏ và cả chửi đổng bà như chủ đối xử với người ở vậy. Có bữa, bà vừa sắp gánh bún riêu để ngoài hiên, chưa kịp quẩy đi bán, hắn kéo ở đâu một lũ người lảo đảo như bọn mất ngủ sau canh bạc về nhà, cứ thế mở tung, đơm bún riêu ăn xì xụp cho bằng hết. Bà mẹ gạt nước mắt, không dám ho he.

Nghe cán bộ cải cách nói Đội sẽ chia nhà của địa chủ cho các bần cố nông, Đĩ Lẽ nhảy chân sáo. Hắn đánh bạo hỏi đội Thẩm: Liệu em có được vào diện chia nhà không cán bộ?

-Gắng phấn đấu sẽ được. Xóm này, thích nhà địa chủ nào thì đề nghị…

Đĩ Lẽ về nói với vợ, rịn cả mồ hôi mặt: Mình sẽ có nhà. Nhà cao cửa rộng hẳn hoi! Sẽ thoát khỏi túp lều gianh vách đất. Mẹ mày tha hồ mà đẻ thêm mấy thằng cu nữa cho tao…

Bên nhà Lẽ, về phía nam có cụ Hương Chước, là một gia đình bị qui địa chủ, có ngôi nhà gỗ lim năm gian cũng thuộc hàng nhất nhì làng. Cụ Hương Chước thương cảnh Lẽ nghèo đói vẫn thường cho gia nhân mang cơm, mang gạo sang cho và cắt việc cho Lẽ làm để Lẽ kiếm thêm cái về nuôi vợ con. Đằng phía bắc có nhà Lý Tấn, Lẽ vẫn thường đến xin nhổ mạ, đập lúa thuê, tiền giao cháo múc, chẳng rơi vãi xu nào… Lẽ đi khắp xóm hỏi mấy ông bà cao tuổi xem hai nhà địa chủ ấy thì nên lấy nhà nào? Biết tính Lẽ tráo trở, ai cũng quay mặt đi, không biết! Sang nhà ông Khán Vọng hàng xóm, hắn cũng hỏi: Này ông! Nên lấy nhà Hương Chước hay nhà Tổng Tấn? Nhà nào mát? Ông Khán đáp: Nhà nào người ta cũng mát! Chỉ có nhà anh là bức thôi! Còn thối là khác!

Ông bà Khán Vọng cũng do chăm chỉ làm ăn, chắt bóp mà gần đến ngày cải cách vẫn cố công đi tậu ruộng. Thấy nhà ông bà cũng nhiều ruộng, lại có con trâu đực mộng cày khỏe, Lẽ ton hót với Đội Thẩm: Ông này cũng giàu lắm! Qui vào thành phần phú nông địa chủ được đấy! Đội Thẩm hoắm mắt: Qui nhà ấy thì lấy đâu ra chỗ cơm cháo với nước chè Vân? Chú mày ngu lắm! Chả là: nhà ông Khán bấy nay được Đội lấy làm nơi hội họp, luận bàn công việc. Bà Khán khôn ngoan bao giờ cũng dọn sẵn mâm cơm, ủ sẵn phình chè Vân nóng rẫy trong giỏ, cứ đợi lúc Đội về là bưng ra, mời xoắn xoặn… Vậy là ông bà Khán thoát khỏi cơn lốc! Nhưng cuối cùng, Lẽ chưa kịp đạt ý đồ thì có lệnh sửa sai. Hắn tiu nghỉu như con chó cụp đuôi bị mất mèng cơm!

***

Lý Tấn lặng người tựa vào cột hiên. Nước mắt chứa chan. Sân sướng bị bóc gạch lam nham. Vườn tược cây cối bị giẫm đạp. Chiếc kiệu hứng nước mưa cạnh gốc cau bị ghè sứt miệng. Một mảng tường hoa bị vỡ tung tóe vôi vữa. Cửa nhà tan tác đồ đạc. Bà Hai bê từ bếp lên một rá khoai củ lem nhem bằng ngón tay: Chiều nay không còn gì ăn. Ông dùng tạm ít khoai này vậy! Để tôi sang nhà con Luyến xem có giật tạm được ống gạo nào không! Ban đêm thuê đò dọc, ông chở vội bức đại tự “Thế Phả Lý Ba” sang phố huyện gửi nhờ nhà ông Đỗ Nụ ở phố Lê Lợi. Lúc xuống đò ngang qua sông Tranh, tự nhiên gió thổi lồng lên. Nước thủy triều rặc mạnh. Sóng đánh tung tóe trùm khoang đò, ướt hết cả mặt sau bức đại tự ông đã cẩn thận đặt nằm úp xuống. Con đò nghiêng ngả tưởng không sang được bến bờ bên kia sông. Lý Tấn và mấy người phải xúm vào, bửa ngực chèo đấu với ông lái... Bức đại tự này mãi đến bốn mươi năm sau, ông Lý Tấn mới gọi con cháu lại bàn: “Nhà ta còn một bức đại tự khắc bốn chữ do tay thầy viết thảo... Các con sang phố huyện nói khó với người ta, xin về. Phải cố mà giữ lấy kỷ vật ấy…”.

Sau Cải cách ruộng đất ở nhà quê, Lý Tấn tưởng cơ nghiệp buôn bán bên phố huyện sẽ thoát nạn. Không ngờ ông vẫn bị sa vào cơn bão của Cải cách công thương. Trước đó, bên cạnh ngôi nhà làm cửa hiệu “Nhân Mỹ”, ông tậu thêm một ngôi nhà nữa, phá nếp cũ, xây dựng mới một cửa hàng lớn, dự định sẽ mở rộng, nâng lên thành hãng “Thuốc lào Nhân Mỹ”. Nhưng tòa nhà vừa xong chưa kịp khô vôi ve, liền bị Đội cải tạo công thương đến kê biên tịch thu. Lúc này, Lý Tấn mới sực tỉnh về cái tát oan dành cho cô con gái cả khi cô can ngăn: Thầy đừng xây nhà mới nữa vì người ta đang sắp sửa đánh vào tư sản, tiểu thương!... Ông đã mắng: “Ai cũng như chúng bay thì lấy đâu ra phố xá thị thành? Thầy xây nhà dựng cửa bằng tiền của chắt bóp từ mồ hôi… chứ có bóc lột ai đâu mà sợ!...”

Y rằng tòa nhà bị mất. Lý Tấn chịu thua. Các cô con gái xúm vào than vãn, trách cứ cha: Biết trước mà! Chúng con đã bảo mà thầy có nghe đâu! Mặt ông méo xệch trong hơi thở của một người lên cơn hen xuyễn:

- Thế gian biến đổi. Biết làm sao được… hả các con! Của đi thay người…

Giữa lúc nước sôi lửa bỏng thì ở nhà quê làng Lụa lại xảy ra việc cu Thảo bị trúng gió. Thảo là con trai thứ ba, (thứ tự gái trai trong nhà là thứ tám). Buổi chiều hôm ấy, một cơn gió lạnh bất ngờ thốc vào sân, chỗ mấy anh em Tầm đang bò lê bò càng chơi với nhau. Bỗng Thảo lăn đùng ra sân, im bặt tiếng bi bô. Mắt trợn lên. Mồm méo xệch. Tầm sợ hãi gọi mẹ. Bà Hai chạy tới vồ lấy, ôm chặt vào lòng như­ gà mẹ ấp gà con. Bà cụ Diệu hàng xóm sang bảo chỉ có máu con lươn mới chữa được bệnh méo mồm! Bà Hai đầm xuống ao, móc bằng đ­ược con lươn về làm thuốc cho uống và bóp quanh miệng Thảo. Nh­ưng cũng bó tay. Mấy ngày liền miệng Thảo vẫn méo. Bà ẵm con chạy tắt cánh đồng lên tận làng Hư­ơng Cốc cậy nhờ ông lang Ỳ. Ông lang lắc đầu: "Thằng bé đẹp giai thế này mà bị trúng phong mất rồi!" Trổ hết bí quyết nghề thuốc gia truyền, ông lang vẫn không nắn đ­ược mồm thằng bé trở lại. Còn n­ước còn tát. Bà lại bế con lên nhà ông Lang Đặng. Cũng không kịp! Bà Hai vô cùng lo sợ. Chân tay luống cuống, bủn rủn như dẵm phải lửa. Bà chỉ còn biết đêm đêm ra giữa sân khấn vái lên những vì sao xa thẳm. Những vì sao chìm dần vào rạng đông. Từ đó Thảo mang chứng méo mồm…

Cơ nghiệp tan vỡ. Ruộng đất bị mất. Cửa hiệu bị xung công. Con cái bị hạn. Tinh thần hoảng loạn. Lý Tấn chưa biết định liệu ra sao. Sau đó, Ba Lam lấy chồng thương binh miền Nam tập kết. Ông quyết định giao căn nhà còn lại ở phố cho vợ chồng Ba Lam và Minh Sánh. Lúc này Minh Sánh đã mười ba tuổi. Tầm mới lên bẩy, được cha dắt sang phố xin vào học ở trường Tư thục của ông giáo Trần Giai. Dặn con mà hai hàm răng ông run cầm cập:

-Thầy về nhà quê sinh sống con ạ! Sức thầy không còn bao nhiêu. Các con ở lại nuôi em ăn học. Cố mà vực cơ nghiệp lên. Chịu khó buôn bán… Nhớ lời bà nội từng dạy: Giàu nhà quê không bằng quét lê hàng phố… Phi thương bất phú…

 

***

Do sợ hãi những cuộc đấu tố, do ăn uống thất thường, rồi lo nghĩ không biết sẽ sống và làm ăn sao đây, bà Cả bị mắc chứng đau dạ dày. Chị em cô Cả, cô Ba Lam đưa mẹ lên Hà Nội chữa bệnh. Ba, bốn tháng trời nằm nhà thương bệnh mới đỡ. Từ nhà thương về, bà Cả ở lại với vợ chồng Ba Lam. Đêm đêm bà nằm mơ nói sảng toàn  lạy ông đội bà cán, lạy ông nông dân, lạy bà bần cố… Cơn đau mất ruộng, mất trâu, mất cửa hàng, đồ lề, của cải vẫn còn dẳng dai dư chấn trong tâm trí bà. Mỗi khi có người đến thăm vô tình nói chuyện về Cải cách ruộng đất bà lại lăn đùng, ngất xỉu. Bà thường ngồi một mình lặng lẽ, run rẩy, rất sợ tiếp xúc với bên ngoài. Tấm lưng còng xuống, như một cái dấu hỏi.

Ông Lý Tấn sang đón bà về làng Lụa. Bà chắp hai tay, lắc đầu, nhất mực:

- Tôi chả còn mặt mũi nào mà về cái nhà với cái làng ấy nữa. Bao nhiêu cũng công cốc cả rồi. Còn cái xác nhà không! Ông bảo tôi về, lấy cái gì để làm, lấy cái gì để va vào miệng?...

-Bà hẵng để tôi nói. Bà cứ an tâm. Biết bà bệnh tật, tôi với bà Hai sẽ làm lụng nuôi bà. Ruộng đất, trâu cày, hàng hiệu mất thì thôi, còn người còn của. Tôi biết công lênh bà lắm chứ. Cũng vì tôi, vì gia phong cái gia đình này mà bà làm lụng, hà tằn hà tiện tích cóp mua ruộng sắm trâu… Bà cứ về quê hương bản quán cho người ta còn nhìn vào, không lại bảo chúng tôi gằn hắt bà… Kiên nhẫn thuyết phục, lòng ông cũng tan nát trước những lời vợ Cả. Ông biết một phần bà cảm thấy sẽ cô đơn sau bệnh tật, một phần đau đớn về cái tiếng địa chủ, về cửa nhà trống hoác, về những người hôm qua còn xun xoe, nịnh nọt, hôm sau đã giở mặt với bà… Nào bà có bạc ác gì cho cam!

-Thôi! Ông cứ về cùng bà Hai giữ cửa giữ nhà. Coi như tôi là kẻ tệ bạc trút gánh cho hai người… Còn một cái đòn ghế, cái manh giại… cũng cố mà giữ để rồi ăn nên làm ra… bà Cả nghẹn ngào, không nói được gì thêm. -Nói gì thì nói, cả đời bà cơm hẩm cà thiu, rau muống mắm cáy lầm lũi lo toan… bà vẫn là người có công của cái nhà này cơ mà… Ông khẳng định:

Bà là người mở cửa đón bà Hai về…

Trước tình cảnh ấy, Ba Lam an ủi cha: Thầy thông cảm. Mẹ con như “gà phải cáo”, yếu bóng vía, chưa thể sáng cái đầu ra được. Để mẹ bên này chúng con phụng dưỡng. Đây với bên quê có bao xa. Thỉnh thoảng thầy với bà Hai và các em sang thăm cho ấm cảnh…

 Từ đó, ông chính thức từ giã phố huyện. Bỏ ngôi nhà “Nhân Mỹ”, ông dắt theo cậu Minh Tầm đang học ở đó, cùng về làng Lụa. Đang ở phố vui vầy có chị có em, tối có đèn điện sáng trưng, được chị dẫn đi xem “xi nê”, sáng đi học có chiếc bánh mỳ, nắm xôi ăn với miếng giò, Tầm vùng vằng: Con chẳng về nhà quê đâu! Ông nghiêm nét mặt: Không được! Chỉ em Phiêu ở lại. Con là con trai lớn. Người bé mắt to. Họ hàng gia ổ là gốc. Nên con phải về! Thời nào cũng vậy, dù đói kém mấy cũng phải có người giữ gốc!

Trước khi về nhà quê, cha con Minh Tầm đến chào tạm biệt ông giáo Giai dạy trường Tư thục. Trường Tư thục là một căn nhà lá trên một gò v­ư­ờn cây cối xum xuê, nổi giữa khu đầm Cửu Long sau chợ Rừng. Ông giáo Giai ngư­­ời to cao, quắc thư­­ớc, th­ư­ờng mặc bộ lụa trắng, tay cầm chiếc quạt lông chim giống như­ Khổng Minh trong truyện Tam Quốc. Ông dạy rất nghiêm. Trò nào nói tục, viết sai chính tả, không thuộc bài là bị ăn đòn luôn. Ông thư­­ờng bế ngang chúng lên, dùng chiếc thư­­ớc bạc đánh vào mông đít. Đư­­ợc cái sáng dạ, lại viết chữ đẹp, nên Tầm chỉ bị đòn đâu có hai lần, thuộc hạng hiếm trong lớp. Có điều lạ là không bao giờ ông khen Tầm trong lớp. Như­­ng hễ đánh bọn học trò bên cạnh, thể nào ông cũng đưa mắt về phía Tầm như­ ­ngầm dạy: “Cố mà học, chớ mắc lỗi như­ chúng nó!” Và ông chỉ khen với cha cậu: “Thằng trò này nó viết chữ có hồn, có hoa tay! Văn nó viết được ...” Đang giờ dạy, ông giáo Giai bước ra tận thềm đón hai cha con. Đứng dưới sân, Tầm lễ phép khoanh tay cúi chào ông giáo mà giàn giụa nước mắt: -Dạ! Thưa… thưa thầy! Con xin phép thầy về quê… học ạ! Đã biết cảnh ngộ của gia đình trò Tầm, ông giáo cũng không khỏi bâng khuâng tiếc nuối. Ông nói với Lý Tấn: Cũng đành lòng vậy! Thằng bé này đã ngoan lại học giỏi. Cháu nó về quê, bác đừng để nó thất học. Tôi kỳ vọng vào sức học, sự học của nó! Ông choàng ôm lấy Tầm: Cố mà học cho thành tài, thành người con nhé!

 Nhìn lớp học, Tầm muốn ở lại quá. Bao nhiêu kỷ niệm với bạn bè. Những hôm được nghỉ, Tầm tạt về làng, lúc sang thường mang theo những chú dế chọi đen nhánh bắt được dưới vầng cày cùng mấy củ khoai sống cho dế ăn và những nắm cốm xanh giã chập chuội chia cho các bạn. Đứa nào cũng quí thằng bạn nhà quê thơm thảo. Thằng Minh con ông hàng phở hay đem bát phở con con cho Tầm hẹn đổi lấy dế chọi. Cái Thành hay ăn trộm vặt, bắt được cứ toe toét chối rồi một chốc lại đem đồ sang trả. Thằng Quân cháu ngoại ông giáo nhu mì, hay cư­­ời tủm tỉm, th­ư­ờng dúi vào tay Tầm những viên bi long lanh nhỏ xíu…  

 

***

Em trai dưới Tầm là Phiêu. Phiêu cũng khóc chào đời dưới ngôi nhà cổ ở làng quê. Nhưng đến năm ba tuổi, trong thời kỳ cải cách ruộng đất thì ông Lý Tấn và chị Ba Lam đón Phiêu sang phố huyện để nuôi. Vì lúc này ở quê dân tình nháo nhác, mê miết và lo sợ. Người lớn bị cuốn theo cơn lốc gạn tìm và trốn hú. Trẻ con bữa ăn bữa nhịn. Bà Hai phải ra rừng Cống Đào hái quả mắm, quả bàm bàm về luộc ăn trừ bữa. Phiêu sang phố huyện còn có miếng cơm, miếng bánh mỳ. Thỉnh thoảng Tầm cũng được nhận những chiếc bánh mỳ to bằng bàn tay bên phố gửi về do người làng đi chợ cầm hộ. Đói, được chiếc bánh mỳ là thích lắm. Vừa ngon vừa lạ miệng. Trận bão năm Ất Mùi làm vỡ đê, bà Hai kịp cho Tầm lên thuyền nan chèo sang phố chạy lụt. Tầm được ở lại chỗ chị Ba Lam sống với em một thời gian và được vào học trường Tư thục của ông giáo Giai là vì thế. Tuổi thơ anh em Tầm và Phiêu chỉ được bên nhau năm, sáu năm ngắn ngủi.

Phiêu lớn lên và học hành bên phố. Những đứa cháu con chị Ba Lam đều do tay bà Cả, chị Minh Sánh và Phiêu bế ẵm, trông giữ. Những năm chiến tranh chống Mỹ, Phiêu lại về quê trong các đợt đưa dân thành thị về nông thôn sơ tán. Lúc ở cả một chuỗi ngày dài. Khi chốc lát như cơn mưa đám mây. Cuốc bộ đi đi về về, qua đò Chiêm, vì anh em nhớ nhau. Chúng lại hòa vào không gian hương đồng gió nội trong những buổi đi cất vó tép, bắt cua, đơm rạm, nơm cá... Anh em  dậy sớm trước cả sao mai mang vó tép rải ran ven các sông ngòi. Đến xẩm tối mới về, mang theo những giỏ tép, giỏ cua đầy ắp lẫn mùi bùn mùi nước, mùi rong rêu rơm rạ. Tóc đứa nào cũng khét nắng. Phiêu có tài lấy những mẩu gỗ xoan đẽo thành những khẩu súng lục, khoét lỗ, lắp đầu van xe đạp, nhét bột diêm vào, bật que sắt làm kích nổ, bóp cò tạo ra tiếng nổ như pháo. Trẻ con trong xóm thích mê, chạy theo đòi xem, đổi những con dế chọi, những chiếc bánh đa lấy khẩu súng gỗ. Anh em Tầm còn đẽo những con gụ, sà vào những đám chọi gụ, mê miết theo vòng quay tít mù. Con gụ đẽo bằng gỗ tiện từ cành bưởi hoặc khúc cây mắm ngoài rừng ngập mặn. Đầu gụ nhô lên hình chóp nón. Vú gụ gắn đinh nhọn. Cầm con gụ đẫy dây dải rút quấn quanh, rồi lấy đà thả vung ra. Gụ quay tít ngàu trên chiếc đinh, chạy kéo dài trên mặt đất, phát tiếng kêu vo vo rất thích thú... Sáng tháng tám trong không gian mùa thu mát dịu, Tầm rủ Phiêu đi cắt cỏ, chăn trâu cùng bọn trẻ xóm. Tụi trẻ tranh nhau những bờ cỏ non chạy giữa các ruộng lúa để cắt. Anh em Tầm len vào các đầu bờ ruộng cắt một đoạn xí trước rồi quay lại cắt sau để được nhiều cỏ. Thằng Ngọ cắt bôi bôi bờ của nó rồi lẻn qua ruộng lúa cắt sang bờ của anh em Tầm. Tầm liền giằng lấy chiếc liềm của nó. Nó chửi xấp mặt: Địt mẹ con địa chủ phú nông! Ruộng hợp tác chứ! Tầm hoạnh lại:

-Này! Mày chửi ai? Địa chủ còn hơn thằng không có nước mà uống, phải đi xin nhà tao nhá! Ngọ đẩy Tầm ngã xuống ruộng. Phiêu chạy lại:

-Thằng này đểu! Anh để em cho nó một trận! Tầm can ngăn: Đừng chấp nó làm gì. Nhà mình với nhà nó cùng họ...

Tưởng chuyện đã xong. Sau đấy mấy ngày, đang cất vó, Phiêu thấy thằng Ngọ đi qua ném một hòn gạch xuống chiếc vó ngâm dưới bờ sông. Gọng chiếc vó gẫy đôi. Mẹ cha thằng thù vặt! Thế là Phiêu cầm luôn chiếc đĩa xúc tép chạy đuổi theo. Chiếc đĩa bay vèo sạt thẳng vào mang tai thằng Ngọ. Nó ôm tai khóc hu hu: Mẹ cha con địa chủ… mày đánh ông… Hôm sau nhà Tầm đang có giỗ, chú Thang bố thằng Ngọ sang mắng vốn. Ông Lý Tấn liền gọi anh em Tầm đến trước mặt chú, bắt xin lỗi: Đây là chú Thang chú họ với nhà mình! Máu lỏng còn hơn nước lã! Anh em chúng bay phải đoàn kết chứ! -Nhưng mà nó chửi chúng con là con địa chủ! Phiêu nhanh nhảu phân bua. -Câu chửi gió bay lên trời! Người ta chửi mà mình không nghe, không nhận tức là không có gì cả! Từ nay các con không được thế! Ông quay sang chú Thang: Chú cũng về dạy con chú đi! Không có địa chủ thì làm sao dân nghèo có ruộng để được chia mà cày cấy đến bây giờ? Đừng để trẻ con làm mất lòng người lớn. Thôi, tiện đây ta vào uống nước. Chú ăn với nhà tôi bát cơm!


IX-DƯỚI NHỮNG THANH ÂM


 

M ùa thu năm Ất Mùi, một cơn bão lớn đổ vào Hà Yên. Dải đê phía đông và phía tây nam xáp với biển, vốn xung yếu, lập tức bị vỡ. Nước biển như thác đổ, tràn lụt trắng. Sóng chồm lên nuốt chửng những nóc nhà ven đê. Hàng trăm người thiệt mạng cùng bao nhiêu gia cầm gia súc bị cuốn trôi. Những bàn tay chới với, những đầu tóc ngụp lặn biến vào dòng xoáy đục ngầu. Những mảnh vạt giường, những chiếc bài vị, những tấm ván thôi áo quan… lềnh bềnh, mất hút. Những con trâu, những con lợn chết bụng trương phềnh vướng vào ngọn cây. Làng mạc, bờ tre, đồng lúa tan hoang. Cả vùng đảo như một cái nong nước khổng lồ dập dờn trên cửa biển.

Ngôi nhà gỗ năm gian của gia đình ông Lý Tấn ở địa thế cao, nư­ớc chỉ săm sắp bậc thềm. Ông mở cửa nhà cho dân trong xóm sang chạy lụt. Họ ngồi trên các giường phản, trèo cả lên xà ngang, bắc các tấm gỗ nằm qua đêm, chờ nước rút. Vợ chồng con cái nhà Đĩ Lẽ cũng có mặt trong đó. Hắn hổn hển khoe mẽ với mọi người: Kể ra… ngôi nhà này thuộc về Lẽ tôi đây! Bà cụ Chấm cười khẩy: Lấy của người ta đám mâm thau nồi đồng chửa đủ ư? Ngữ như anh mà cũng đòi… Cứt cũng thuộc về nhà anh chắc?

Trận bão gây vỡ đê làm ruộng đất bị nhiễm mặn. Làng quê đắm chìm trong đói và khát. Bộ đội, dân công các nơi dồn về hàn khẩu lại đê. Phải hai năm sau, cày cuốc cật lực, ra sức thau chua rửa mặn cải tạo đất các cánh đồng, nông dân mới gieo cấy được mạ lúa. Sản xuất dần được phục hồi. Nhưng cũng từ đó hàng năm các làng xã Hà Yên chung một ngày giỗ trận.

Những ngày lập Tổ đổi công, nông dân giúp nhau tương trợ làm ăn. Các hộ chung nhau làm ruộng, chung nhau chia “cẳng trâu” để chăn dắt. Cán bộ xã đi họp huyện nghe chuyên gia Trung Quốc về phổ biến, hướng dẫn nấu cám cho lợn bằng... phân trâu, liền hý hửng họp dân làng lại, thao thao bất tuyệt: Bà con yên trí! Phân trâu từ cỏ, từ rơm lúa mà ra. Bụng trâu là “nhà máy chế biến tổng hợp” thức ăn cho lợn! Con chó, con cá ăn phân người còn béo tốt, huống chi con lợn ăn phân trâu là quá lý tưởng cho việc vừa tiết kiệm cám bã, rau xanh vừa sạch chuồng trại!... Người người đem quang gánh, giành sọt ra ngõ ra đường chờ hứng trâu ỉa. Hàng tấn phân trâu được gom lại thành từng đống. Những chảo phân được bắc lên “ba ông đầu rau” to ụ. Kẻ làm người nói xôn xao. Củi lửa cháy phừng phừng. Khói bay mù mịt. Phân trâu trong chảo sôi ùng ục. Đang hăm hở, sốt ruột, bỗng mọi người bịt mũi chạy dạt ra ngoài. Mùi khai khét, ngái khẳm bốc lên hôi thối. Phân trâu nấu chín được múc ra máng trộn với rau khoai băm nhỏ cho lợn ăn. Bầy lợn háu ăn tưởng bở xộc mõm vào. Bất ngờ chúng hẩy đổ luôn cả máng cám! Rồi lại chuyện cắt đuôi, cắt tai lợn, cạo móng trâu cho chóng lớn. Chuyện bón muối, đổ hàng tạ muối xuống ruộng... Lúa bị nhiễm mặn, héo rũ…

Quyền tư hữu ruộng đất của nông dân chỉ tồn tại một thời gian ngắn.  Quyền sở hữu tập thể thay thế quyền tư hữu tư nhân. Ruộng đất dần dần tập trung vào Nhà nước thông qua các Hợp tác xã quản lý. Con đường hợp tác hóa nông nghiệp bắt đầu mở ra chân trời một cuộc cách mạng làm ăn mới. Cũng như các nơi, nông dân làng Lụa đưa ruộng đất, nông cụ vào hợp tác xã để làm ăn tập thể. Ông bà Lý Tấn được hạ thành phần xuống phú nông, rồi trung nông. Ban vận động thành lập hợp tác xã cho người đến các thôn xóm gõ trống, đánh thanh la, phát thanh cả ngày lẫn đêm. Hồi ấy thông tin phát thanh bằng loa sắt, loa cuộn bằng quyển sách hoặc chiếc mo cau. Người ta trèo lên các ngọn cây, lên mái ngói các nhà thờ họ hát hò, hô khẩu hiệu: Cầm vàng còn sợ vàng rơi. Vào HTX đời đời ấm no! Nông dân sẽ sung sướng như sống ở thiên đường! Nhà nào chưa chịu vào, cho là ngoan cố, ban vận động kéo đến tận ngõ đánh trống, thổi kèn tò te, rúc tù và inh ỏi. Họ còn đem theo cả võng dọa ai không chịu sẽ khiêng ra nhà Ủy ban…

Cuộc vận động xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp diễn ra tưng bừng, sôi động. Làng quê vốn nghèo vẫn nghèo và lạc hậu. Người nông dân cả đời không ra khỏi lũy tre làng. Đàn ông vẫn có nhiều người còn búi tóc củ hành, thắt lưng búi tó, mặc quần lửng gối luồn dải rút hoặc dải bao đầu tượng. Đàn bà mặc váy thâm vá chằng và đụp một mảng lớn đằng sau mông. Họ đứng vạ đường vén xống đái vô tư. Có bà có chị, con cháu may cho tấm áo mới, bẽn lẽn quá phải nhúng bùn rồi đem giặt cho xuống màu mới dám mặc. Xã được trên phân phối một chiếc đài Orinton của Hung ga ri. Cán bộ xã hàng ngày công tác thay nhau đeo đài bên hông đựng trong chiếc túi dết. Bần Nhọ, một cán bộ thanh niên, kiêm ủy viên văn xã, chữ nghĩa ăn đong, nhưng hiền lành chân chỉ, hay đeo chiếc đài này. Đi dọc đường làng, đến đâu đài nói oang oang đến đấy. Những ngày đầu, trẻ con chạy theo rồng rồng. Đàn bà con gái đứng đằng xa chỉ trỏ. Cái đít anh Bần Nhọ biết nói! Đợt vận động nông dân đóng thóc nghĩa vụ, đoàn cán bộ xã tới nhà ông cụ Khán Khiêm ở xóm Kiều Thượng, khi vào trong sân rõ ràng thấy cụ ngồi cạnh đống rơm vặn dây chão. Lúc bước lên nhà trên, quay lại, cụ đã biến đâu mất. Đứa cháu đi tìm, mãi mới thấy cụ trốn trong buồng. Khi ra người cụ cứ run cầm cập. Bần Nhọ hỏi: Sao thấy chúng tôi, cụ lại đi hú? Lấy vạt áo lau mồ hôi mặt, mãi lâu ông cụ mới ấp úng: Lão… lão tưởng… tưởng các bác là… là ma. Cái… cái hòm kia là thần là đạo gì… Sao nó lại… lại… biết nói? -Hóa ra như vậy! Nó là cái đài. Cụ hiểu không? Người ta ở mãi thủ đô, mãi đâu đâu ấy nói vào máy thu thanh. Cái đài thu lời người ta… Vậy là nó nói được… Đặt chiếc đài lên bàn, Bần Nhọ vặn to đột ngột. Cụ Khán Khiêm lại giật bắn mình, ngã chổng về đằng sau. Bần Nhọ vội đỡ cụ dậy, giảng giải hồi lâu. Chốc sau ông cụ mới dám đến gần chiếc đài, mó một cái, rồi rụt tay lại, làm ai cũng buồn cười. Ông cụ còn áp tai nghe, nhìn đằng sau chiếc đài, rồi nhòm xuống gầm bàn xem có ai nấp ở đó nói ra không:

-Cái… cái mồm thật của các bác còn… còn khó tin! Sao lại tin cái… cái mồm sắt? Mọi người lại lăn ra cười rũ rượi.

***

Ruộng đất, trâu cày, nông cụ đưa vào hợp tác xã sản xuất tập thể. Nông dân thành xã viên làm công ăn điểm, cuối vụ chia thóc. Ông bà Lý Tấn cũng thành lớp xã viên đầu tiên của HTX nông nghiệp Lụa Vân. Số ruộng còn lại sau cải cách ruộng đất trên các cánh đồng Hậu Hương, Láng Nứa, Đượng Tre, Bát Cơm… đều đưa vào HTX. Lý Tấn tắm cho con trâu đực mộng, rửa sạch hai bộ cày, hai cái bừa cho bà Hai mang ra sân kho nhập cho ban quản trị. Ông gõ gõ vào trán con trâu: Từ nay mày được cộng vào tài sản của làng nước. Khi nào đến luyến thì bà ấy nhà ta với mày mới gặp nhau kéo cày con nhá! Con trâu giương mắt lơ ngơ nhìn ông, bỏm bẻm nhai lưỡi...

Sau đó ít năm, con trâu được giao lại nhà ông nuôi. Lúc này nó đã què lê kéo dệt hai chân trước do cày bừa quá sức và bị mất chăm. Đón trâu về, cu Tầm mừng lắm. Cậu chăn dắt rất chu đáo. Chiều nào trâu cũng được ăn những gánh cỏ non tươi. Mùa đông, bà Hai nấu cháo loãng, pha muối cho trâu uống. Bà còn khâu chiếc áo ghép bằng mo cau, khoác lên mình nó để chống rét...

Con trâu là đầu cơ nghiệp. Trẻ chăn trâu được ưu tiên một ngày tết riêng gọi là tết Mồng Năm. Tết Mồng Năm chính là tết Đoan Ngọ, nhưng ở quê nó được dành đặc biệt cho trẻ chăn trâu. Làng nào cũng có một cái đượng Mồng Năm coi như một sân chơi của mục đồng. Ngày đó bọn trẻ ra gò đượng Mồng Năm ngoài cánh đồng tham gia hội rước Cờ lau, cúng Ông Trâu. Ông Lý Tấn thường kể chuyện vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân. Thuở xưa ấy, Đinh Bộ Lĩnh là một cậu bé mồ côi, phải đi ở chăn trâu cho chú thím. Cậu bé được bọn trẻ con trong làng công kênh làm tướng trẻ trâu, thường kéo chúng đi tập trận cờ lau. Trong lúc hứng chí, cậu đã liều giết một con trâu để khao quân. Trời tối, cậu đem đuôi trâu còn sót lại cắm xuống ruộng, xong hớt hải chạy về gọi chú: “Chú ơi! Trâu chui xuống đất mất rồi!”...

Có lẽ xuất xứ từ câu chuyện dã sử này mà ở đây cứ đến dịp mồng Năm tháng Năm âm lịch là trẻ chăn trâu được người lớn dành cho một ngày diễn trò đánh trận cờ lau. Đánh trận là phải có lương ăn. Để có đồ cúng lễ và khao quân, bọn trẻ được quyền đứng chặn đường “ăn cướp” bằng cách đón người đi chợ lấy của họ mỗi thứ một ít, chủ yếu là hoa quả, bánh trái. Người lớn cũng biết vậy mà tự nguyện để chúng tự do. Có người thấy chúng vào vườn bẻ trộm quả mít, hái quả muỗm, chỉ bảo: Quả chín thì vặt, đừng vặt quả xanh! Những đồ lấy được, bọn trẻ tụ họp lại xì xụp nấu nướng, làm những mâm lễ, nghinh một cái đầu trâu nặn bằng đất sét rước từ đầu làng ra đồng. Đám rước đến đâu, người lớn lại chạy theo cho thêm các thứ hoa quả, cả thịt, cả cá đến đó. Có thôn biếu hẳn một cái đầu trâu còn tươi nguyên, hai sừng vênh cong ngạo nghễ. Đám rước lên đượng Mồng Năm thì dừng lại bày cỗ. Các thứ bày trên lá chuối, lá sen, lá khoai nước để vào cuộc cúng lễ. Tiệc khao quân diễn ra tưng bừng trên cánh đồng, chiều tối mới lùa trâu về chuồng. Đứa nào cũng hoan hỷ y như thắng trận trở về.

Cuối năm tổng kết các HTX thường tổ chức họp trẻ chăn trâu ngoài sân kho, phát cho mỗi đứa một chiếc nón mới, một đùm cơm xôi làm phần thưởng động viên chăm sóc trâu hợp tác béo tốt hơn để tăng cường sức kéo. Nhận những chiếc nón mới chằm bằng lá thô vàng khè, bọn trẻ vui thích vô cùng. Nhà Lý Tấn được phát những quyển sổ nhỏ. Quyển để ghi theo dõi ngày công, ghi số lượng thóc được chia gọi là “sổ Lao động”. Quyển ghi nghĩa vụ chăn nuôi gọi là “sổ Chăn nuôi”, quyển ghi mua bán thực phẩm gọi là “sổ Mua bán”. Đi làm công việc gì cũng nhận một mảnh giấy “biên lai” của đội trưởng nghiệm thu với số điểm ứng theo. Ai vô ý đánh mất tờ giấy này coi như công cốc, không được tính công lao động lấy thóc. Ngoài ra, còn có thẻ tín dụng, phiếu mua vải, sổ mua “rượu ty” của nhà nước phân phối… Chăn nuôi lợn gà, được con nào cũng cân cho đủ nghĩa vụ đã giao, thừa mới được trích để lại ăn hoặc bán với giá cao hơn. Ngày giỗ kỵ, muốn có cân thịt lợn cúng gia tiên, người ta thường tìm kế “mổ chui” bằng cách đút đầu con lợn vào bao tro bếp cho nó sặc, chết ngạt, mới đâm tiết để không phát ra tiếng kêu. Cán bộ “xâu xiên” rất thính tai; tiếng lợn kêu ở đâu lọt ra ngoài, họ đã xuất hiện, lập biên bản tịch thu tang vật và ngay lập tức Ủy ban đem chủ nhà ra kiểm điểm, phạt tiền hoặc phạt quy bằng thóc.

Nhưng phải nói rằng thuở ban đầu làm ăn tập thể ấy có cái thế mạnh của nó. Không khí làng quê thật nhộn nhịp. Sức mạnh tập thể của sức người như nước, niềm tin trong sáng, hồn nhiên, ít màng lợi nhuận, làm gì cũng thoắt cái đã xong. Tư tưởng nông dân thuần khiết như ngọn lúa sớm ngày háo hức ánh ban mai. Lòng người phơi phới như cánh diều muốn bay lên. Ngày ngày từng đoàn xã viên kéo nhau ra đồng làm tập thể trong không gian trên bờ cờ đỏ sao vàng phất phới; dưới ruộng, kẻ cày người cuốc, con trâu đi trước cái cày theo sau chạy phăng phăng. Đêm trăng thanh niên trai gái đi tát nước, gánh nước lên ruộng, hát “trống quân”, hò lơ hò lờ đến tận khuya. Mùa đắp đê biển, đào mương làm thủy lợi, dân công các làng xã đốt đèn măng sông xẻ mai vác đất, thi nhau “hò biển”, “hò sông nước” cả đêm theo con nước thủy triều. Mùa gieo cấy, trên các thửa ruộng, tiếng hát đúm ngân nga đối đáp lẫn nhau. Mùa gặt hái, đường làng, sân kho bề bộn lúa rơm. Nhịp đập lúa thậm thịch. Tiếng quạt thóc rào rào. Thiếu niên nhi đồng tụ tập trên các sân nhà nhảy dây, múa sạp, hát bài ca hòa bình văng vẳng, ngân xa. Bức tranh nông thôn được vẽ trên nền đồng quê tràn trề màu sắc.

Vào HTX, nhà Lý Tấn vẫn lâm cảnh khó khăn. Gạo lo từng bữa. Vải không đủ mặc. Bà Hai lấy những chiếc bao tải dùng dây gai khâu lại thành chiếc chăn đắp. Để các con có giấy đi học, ông phải lấy giấy học cũ ngâm nước vo gạo cho sạch chữ rồi đem phơi khô, vuốt phẳng phiu mới viết được bài mới. Đêm văn nghệ của trường cấp I, thằng Tầm cũng được cùng lớp múa hát trong tiết mục nhảy sạp. Mừng lắm. Nhưng trang phục chỉ toàn quần áo vá chằng vá đụp. Thấy con kêu không có quần mới, ông bèn mở hòm lục tìm chiếc quần kaki màu ghi trắng giữ được từ hồi nào nhưng còn nguyên nếp gấp sực nức mùi long não, đưa cho vợ: U nó chịu khó đem cắt sửa, khâu ngắn lại cho con nó mặc. Cốt sao lành lặn là được! Bà Hai ngồi cắt sửa suốt nửa buổi mới xong. Được quần thì lại không có thắt lưng. Bà lấy chiếc dải rút cũ thắt tạm. Ông ngắm con trai, gật gù: Được! Được! Trông cũng oách ra phết! Tối hôm ấy, Tầm bước ra sân khấu với chiếc quần ka ki rộng thùng thình vô tư hát ca nhảy múa cùng các bạn. Đang vui, giữa chừng nghe đánh “phựt”. Dải rút bị đứt. Chiếc quần bỗng tụt xuống. Tầm vội vàng xốc lên, túm lấy, mặt đỏ phừng phừng vì xấu hổ, bỏ chạy vào trong. Xung quanh được mẻ cười vỡ bụng.

***

Chiều mồng 5-8-1964. Làng quê đang thanh bình trong không gian đầu thu, bỗng rung chuyển bởi tíếng súng đạn chát chúa, tiếng máy bay ì ầm, rít réo phía đông, ngoài vịnh Hạ Long vang động tới. Đế quốc Mỹ bắn phá Hòn Gai, mở màn cuộc tấn công phá hoại miền Bắc! Chiến tranh chống Mỹ nổ ra. Thanh niên ba sẵn sàng. Phụ nữ ba đảm đang. Mỗi người làm việc bằng hai. Hạt gạo chia ba. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Tất cả cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!

Mùa hạ năm 1967, lần đầu tiên vùng làng đảo Hà Yên bị máy bay Mỹ bắn phá. Vào một buổi trưa tháng tư, dân công các xã đang đắp tuyến đê đến đoạn bến đò Chiêm. Chiều hôm trước nhóm Thông tin cổ động của Phòng Văn hóa huyện và Ban Văn hóa xã Lụa Vân, trong đó có Tầm, đang vẽ bức tranh cổ động trên tấm bảng tin lớn ngay đầu đường lên đê của bến đò. Vì thiếu bột màu, bức tranh tạm để dở dang hình họa chưa tô hết các mảng màu và chưa đề các dòng chữ. Anh em nghỉ và thu gọn đám hộp màu, bút vẽ lại, định bụng sáng hôm sau lên vẽ tiếp. Thì đến trưa bất ngờ máy bay Mỹ từ biển vào oanh tạc xuống Bến đò và công trường. Nhiều người đang vác đất bị chết và bị thương. Chị Sậy lái đò bị trúng bom, chết tại sạp đò. Cô cháu dâu họ ông Lý Tấn bị mảnh bom phạt cụt tay phải. Bảng tin vẽ bức tranh cổ động anh công nhân cầm búa giơ tay, chị nông dân cầm liềm ôm bó lúa, anh bộ đội bồng súng cùng người đeo kính trắng đằng sau trên con đường thẳng vút tới khu nhà máy vươn hai cái ống khói đang tỏa khói lên trời… bị sập đổ tan tành! Đội Thông tin cổ động hú vía… Bà Hai ra sân thắp hương khấn vái. May mà con trai thoát nạn…

Không khí chiến tranh ngày càng bao trùm căng thẳng. Dân quân tay cày tay súng. Dọc đường làng và lối ngõ trong các thôn xóm nơi nào cũng đào hố “tăng xê” và giao thông hào. Người lớn ra đồng, trẻ con đi học đội mũ rơm trên đầu, đeo mộc rơm sau lưng để phòng tránh mảnh đạn, mảnh bom bi. Không ai được mặc áo trắng ra đường. Ban đêm không được đốt đèn. Hầm kèo chữ A đào ngầm trong nền nhà, dưới bụi tre. Ông Lý Tấn đào hẳn nền đất gian giữa làm một chiếc hầm kèo chữ A buộc lợp bằng tre, gỗ rất công phu. Rồi ông khiêng bộ sập gỗ nghiến kê lên căn hầm. Căn hầm dưới đất này đã che chở bọn trẻ mỗi lần kẻng báo động bất ngờ vang lên.

Trận máy bay B52 Mỹ oanh tạc Hải Phòng-Hà Nội tháng 12-1972, con gái lớn Minh Tầm ra đời mới đầy tháng. Cảng Hải Phòng bên kia sông Vân Cừ bị ném bom, khói lửa cháy sáng rừng rực một khoảng trời. Làng xóm bên này nằm ngay dưới đường bay của giặc, rung chuyển như động đất. Tiếng máy bay gầm rú điên dại như hàng trăm chiếc cối xay thóc quay ầm ầm. Những tràng bom xé không gian nổ đinh tai nhức óc. Mảnh bom văng vèo vèo, va choang choang xuống mái ngói, cổng ngõ, sân gạch. Đê Cống Môn làng Đông An và xóm Bãi Gai bị ăn bom. Nhiều người dân vô tội thiệt mạng… Mỗi lần cho con cháu xuống hầm trú ẩn, ông Lý Tấn lại ngồi phía trên canh chừng, như một pho tượng: Các con lấy bông bịt tai cháu lại, khỏi bị điếc. Bom dội thế này người lớn cũng không chịu nổi! 

Chiến tranh ác liệt, căng thẳng đến nỗi, sau vụ máy bay Mỹ đột kích đổ bộ biệt kích xuống Hà Tây cứu phi công Mỹ bị ta giam giữ, trong làng có một cán bộ đảng viên dao động tư tưởng, lo sợ quá, đã bí mật cuộn cờ đỏ sao vàng và tháo ảnh các lãnh tụ đang treo trên tường xuống đem giấu. Trưởng thôn Lê Văn Kiết đem chuyện đến nhà Lý Tấn thì thầm. Lý Tấn xua tay:

-Làm gì có chuyện đó! Bác đừng gắp lửa bỏ tay người! Đừng nhìn gà hóa cuốc. Làng nước biết chuyện, khổ người ta. Nhân đây tôi kể bác nghe một chuyện về thầy Khổng Tử. Năm ấy đói kém. Một bữa, Khổng Tử phân công một học trò nấu cơm. Ông trên nhà dạy học, vô tình nhìn xuống bếp thấy cậu học trò xúc nấy xúc để những muôi cơm ăn, rồi nhanh nhảu lau sạch miệng. Đến bữa ăn, nhìn khắp lượt học trò, ông bảo: Lúc nãy lớp ta có một trò ăn vụng cơm. Cũng là do đói quá mà liều. Ta sẽ nhịn để nhường cơm cho con... Nghe vậy, trò kia đứng dậy lễ phép: Dạ thưa thầy! Lúc con mở vung xới cơm có cơn gió mạnh thổi vào cửa bếp, một mảng bồ hóng rơi xuống nồi cơm. Nhớ lời thầy dạy, con nghĩ đây là ngọc thực, lại đang cơ thầy trò ta thiếu gạo, con không dám vứt đi, nên đã ăn vào bụng ạ! Coi như con đã ăn rồi. Vậy xin phép thầy, con được nhịn bữa cơm này!... Không Tử giật nẩy mình: Thì ra ta đã hồ đồ…

Lê Văn Kiết ký cốc thề: Không! Đây thực mà! Sai cháu chết bỏ vợ bỏ con! Không tin, cụ cứ ra tận nhà ông ta mà xem! Mọi ngày cờ ảnh với giấy khen dán la liệt trên tường. Giờ không thấy nữa…

-Hà cớ gì tôi phải làm vậy? Lý Tấn ngậm ngùi đọc: Gia bần tri hiếu tử. Quốc lọan thức trung thần! Nhà nghèo mới hiểu lòng con cái. Nước lâm nguy mới biết bụng kẻ gian người thẳng. Còn bình thường thì ai cũng nói hay! Sao lại có thứ người bạc nhược thế? Thì ra… Nếu lòng yêu nước mà cân lên được, trên đời này chưa ai đã hơn ai!…

***

Đêm đêm, xóm quê không một ánh đèn lọt ra ngoài. Chốc chốc lại có bầy máy bay phản lực Mỹ rẹt qua. Súng trên các mỏm đồi bên kia sông nổ tới tấp từng loạt. Tiếng bom, tiếng tên lửa bùng lên. Thỉnh thoảng trên cao bật ra những chùm pháo sáng. Những chiếc máy bay địch bị bắn cháy, lao phùng phùng như bó đuốc ra phía biển, phía cửa sông Vân Cừ. Tiếng hô reo mừng lại âm âm khắp xóm làng. Có cả thùng dầu phụ, đít tên lửa rơi xuống mặt đất. Một buổi trưa, đít tên lửa rơi xuống ngõ nhà anh cu Ngác kế toán đội sản xuất, khiến Ngác chết tại chỗ, trong tay còn cầm quyển sổ chiều sẽ đi chia thóc cho xã viên…

Lúc đó học sinh trường học cấp I học sơ tán ở các nhà thờ họ, quán xóm. Trường học làm nơi liên lạc và trực kẻng báo động máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời. Hễ phát hiện tiếng máy bay Mỹ vù vù ngoài xa là tiếng kẻng cùng tiếng loa vang lên dồn dập báo động cho mọi người tìm nơi trú ẩn và dân quân chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Đêm mùa hạ, vòm trời đầy sao. Bí thư đảng ủy Lê Tịnh vào tận nhà ông Lý Tấn gọi Tầm. Tầm đang học bài chuẩn bị thi hết cấp ba. Lê Tịnh bảo Lý Tấn: Xin ông cho cậu Tầm ra trạm xá cùng các chú thông tin khiêng một ca khó đẻ sang bệnh viện huyện sơ tán bên Cát An. Thanh niên cần phải đi đầu gương mẫu!

-Phải rồi! Tầm đâu, đi giúp các chú mau… Việc sinh đẻ cũng như cứu cháy, phải cứu người ta ngay, không để chậm trễ…

Tầm vội gấp sách, theo chú Lê Tịnh. Ra Trạm xá, đã thấy chiếc võng và đòn khiêng để sẵn cùng anh Quỳ, anh Thạo trong Ban Thông tin văn hóa xã đứng đợi. Một bà sản phụ đang ôm bụng nhăn nhó. Bà là dân làng Thị Khê cách đây hơn chục km, do đứa con gái dẫn lên Phân viện 2 của Bệnh viện huyện sơ tán ở trạm xá làng Lụa để đẻ. Suốt cả ngày hôm nay bà đau dạ mãi vẫn chưa đẻ được. Các bác sĩ quyết định điều bà sang phân viện 1 là phân viện chính, sơ tán ở làng Cát An bên kia sông. Nhưng khốn nỗi không có xe cấp cứu và không có nhân viên chuyển viện. Bà bác sĩ phân viện trưởng đành đến nhà ông Bí thư đảng ủy Lê Tịnh nhờ tìm thanh niên giúp hộ.

Ba anh em Quỳ, Thạo và Tầm xúm lại đưa bà sản phụ vào võng. Quỳ và Thạo ghé vai khiêng. Tầm cầm đèn bão soi đường. Đứa con gái bà sản phụ đeo chiếc bị cói đựng quần áo lẽo đẽo bước bên cạnh võng. Một nữ bác sĩ và công an phó Phan Văn Chèm đi sau hộ tống, đề phòng xảy ra bất trắc. Đoàn khiêng võng sản phụ đi như chạy bộ trên quãng đường bốn cây số leo qua bờ đê, lội xuống bãi rừng Cống Đào. Đêm tối như mực. Bàn chân lội trên bãi rừng bước thấp bước cao. Vỏ hà vỏ don cắm tứa máu. Không ai kêu ca. Một chiếc đò đang đợi sẵn. Võng cấp cứu bà đẻ sang đò. Tầm được cắt về, tiếp tục ra trường học trực gõ kẻng báo động, phòng máy bay Mỹ bất ngờ vào bắn phá.

Sáng ra có tin báo về: Bệnh viện kịp thời xử lý ca khó đẻ. Bà sản phụ sinh con trai. Đứa bé chào đời khi tiếng gà trong làng Cát An cất tiếng gáy đầu tiên.

  ***

Chiến tranh kết thúc. Trai làng trở về. Kẻ còn người mất. Làng xóm dần ấm lại. Nhà cửa bình yên cùng thiên hạ. Những tưởng cuộc sống sẽ đi lên phơi phới trong khung cảnh hoà bình, thống nhất non sông. Những tưởng bao câu khẩu hiệu tung hô rầm rĩ, tá loả một thời sẽ đưa nông dân tới thiên đường. Nhưng không ngờ kinh tế HTX lại ngày càng sa sút trong cảnh cha chạ không ai khóc. Từ chỗ được chia một, hai cân thóc, mỗi công lao động tụt xuống chỉ còn nửa ký, rồi ba lạng… Cán bộ bớt xén công quỹ. Xã viên mạnh ai nấy vơ. Đây đó trong dân gian  đẩy đưa, vắt véo những câu ca dao: Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài mua xe/ Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho cán bộ xây nhà xây sân…

Mấy bà hàng xóm đi lấy rơm trâu choàng rộng sải tay vơ cuộn từng mớ thóc cho vào gánh, vào xe cải tiến. Về nhà, họ rũ lại được hàng thúng thóc. Một nhát vơ dôi bằng ba ngày công cặm cụi. Bà Hai thực thà lại rũ rơm sạch làu trên sân kho. Nhìn người ta lợi dụng bòn mót thóc tập thể, bà chỉ biết lắc đầu than thở với ông: Thế này chả mấy nỗi hợp tác thành con trâu sệp. Lấy đâu ra thóc mà chia?…

-Thực thà ăn cháo, bố láo ăn cơm! Ông buồn bã lắc đầu: Biết làm sao được bà ơi! Nhà mình đừng bắt chước người ta!

Có vụ thu hoạch xong, chỉ được nhận về sáu chục cân thóc. Sáu chục cân thóc cho sáu tháng trời, nấu cháo hoa cũng khó lòng! Cả nhà tám miệng ăn. Hạt cơm như hạt ngọc điểm xuyết trong nồi khoai, bát sắn khô. Ông bà, con cháu xì xụp quanh mâm cháo, rổ rau. Đám trẻ nheo nhóc dây bí dây bầu, lơ ngơ như nghé con trên cánh đồng, bờ cỏ. Tối đến, những đêm trăng bọn trẻ lại kéo nhau ra sân kho, ra các khúc sông hò hát tưng bừng, không biết đói kém là gì. Dưới những thanh âm bề nổi háo hức lời ca tiếng hát như nồi nước sôi của bọn trẻ là những nỗi trầm lo của người già cả. Để chống đói, ông nghĩ ra kế cất vó tép. Bà Hai xin được những chiếc màn cũ rách của các nhà bên phố huyện đem về cắt thành những ô vuông, vá víu cho lành lặn, rồi chẻ tre uốn gọng, làm được hơn một trăm chiếc vó cho anh em Tầm cất tép. Bà dặn con:

-Nhà đói, chịu khó cất vó tép, được đồng nào hay đồng ấy đỡ đần thầy mẹ! Sao mai mọc, anh em Tầm đã dậy vai gánh vó, tay xách ống bơ đựng thính cám do mẹ đã rang sẵn, ra đồng. Chúng thả vó dọc các ven sông. Mỗi lần cất lên, mỗi chiếc vó được hàng bát tép. Chao ôi! Ngày ấy sông ngòi đồng quê sao mà lắm tép thế! Chỉ cần sơ cây gậy xuống mặt nước, tép đã nhảy lúa xúa tựa mưa sa. Chiều chiều, chúng mang hàng giỏ tép về cho mẹ đem ra chợ bán, đong ngô, đổi khoai hoặc mua sách bút. Ông không quên bớt lại một bát để rang mặn, nhào với rau muống luộc làm món nộm tép. Nộm tép rau muống trộn thêm vừng rang, ăn trừ bữa thay cơm, ngon tuyệt và chắc dạ. Có bữa cất được nhiều quá, ông đem mài làm mắm tép. Tép mài kỹ, chan thính gạo rang, thêm chút riềng giã nhỏ, phơi gặp nắng to, được món mắm ngấu lên màu đỏ au rất thơm ngon.

Lại người cày người cuốc. Đi học đi làm không thấy bụng kêu ... Chả mấy chốc cuộc sống nhọc nhằn và thời gian vô tư trôi vèo. Anh em Tầm như­ những con chim lớn dần, tập bay chiền khỏi tổ đón ban mai…
 
…....... CÒN TIẾP




VVM.18.4.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .