V ề lại trường, nhập học được vài hôm là Nhung nhận được thư Tâm, lời thư thắm thiết và đượm chút văn hoa, cô tự nhủ làm sao mà không yêu thương con người này được, với những lời nhắn nhủ thiết tha mà những khi gần nhau anh không hề nói. Rồi thư đi tin lại thêm phần nhớ nhung. Nhung cố gắng học để được đỗ cao, sẽ được chọn về Huế theo ý anh.
Gần một tháng nữa thi ra trường. Mỗi sáng chủ nhật, cô với vài người bạn cùng phòng mang sách vở sang giảng đường để học bài cho yên tĩnh. Chừng hơn mười giờ, có tiếng chân bước mạnh ngoài hành lang, rồi Thu dừng lại ở cửa :
- Trời, Nhung ngồi đây mà mình tìm muốn chết, có ai gặp ở ngoài.
- Ai vậy ? Nhung hơi ngạc nhiên.
- Không biết nữa - Đợi Nhung đến gần, Thu nói nhỏ - mình nghĩ là anh Tâm.
- Đang ở đâu ?
- Dưới căn-tin.
Nhung ôm theo sách vở, đi nhanh qua khỏi hai dãy hành lang, đã thấy Tâm đứng trước cửa căn-tin nhìn cô bước tới. Qúa ngạc nhiên nên Nhung đứng nhìn Tâm một lúc, chẳng biết nói gì. Tâm cũng lặng đi thật lâu. Thấy mấy cuốn vở trong tay Nhung, anh hỏi :
- Nhung đang làm gì bên đó?
- Em đang học thi, anh vô đây ngồi - Vừa nói Nhung vừa bước đến bộ bàn ăn, kéo ghế cho Tâm - Em mới nhận thư anh hôm qua.
- Anh nhận thư em đầy đủ. Đọc thư em, anh nhớ quá.
Tâm nhìn Nhung thật lâu, thấy vài nữ sinh đi vào, tay cầm chai nước hoặc bình thủy, anh hỏi :
- Em ăn cơm ở đây? - Nhung gật đầu - Mấy giờ mới ăn?
- Khoảng từ mười một giờ trở lên.
Tâm nhìn đồng hồ:
- Cũng sắp rồi, nhưng trưa nay em đi ăn với anh, chủ nhật mà, em lên thay đồ đi.
Nhung biểu Tâm ngồi đợi. Thêm vài người nữa đi vào, Tâm nói sẽ đợi Nhung ngoài cổng trường. Nhung về phòng dặn Thu trưa nay không ăn cơm, thay vội bộ đồ tây, lấy vài thứ lặt vặt bỏ vào xách tay, đi nhanh ra cổng.
Hai người đi dọc trên đường một quãng, thấy chiếc xe lam sắp ngang qua, Tâm hỏi :
- Phải xe này lên phố không ?
- Phải.
Lên xe, Tâm ngồi sát vào Nhung, nhìn sâu vào khuôn mặt cô với vẻ ngờ ngợ như vừa lạ vừa quen, nét mừng vui rạng rỡ. Anh choàng tay qua vai Nhung siết nhẹ. Xe quân sự Mỹ chạy qua tung bụi mù, Tâm rút khăn tay che mũi cho Nhung.
Nhung hỏi :
- Anh ra đây lúc nào?
- Anh vừa mới ra, tìm trường em mất hơn nửa tiếng. Mình về phố ăn trưa nghe Nhung.
Nhung gật đầu. Tâm không nói gì thêm, nhìn xe cộ, nhà cửa quán sá hai bên đường nơi nào cũng phủ bụi.
Xe đổ bến, đi một đoạn, hai người vào quán ăn. Tâm gọi hai tô phở và nước ngọt.
- Trông em khỏe hơn hôm tết.
- Hơn nửa tháng tết thiếu ngủ, vào đây ngủ quá trời luôn – Nhung vừa kể vừa cười.
- Giáo sinh ở Huế chắc vào đầy đủ ?
- Cũng may, không thiếu ai.
- Mới đó mà gần ba tháng rồi, em cố gắng học, đỗ cao để được chọn về Huế - anh gắp thức ăn bỏ sang tô Nhung, nói tiếp - và ráng ăn nhiều nữa.
Cả hai cùng cười. Vừa ăn Tâm vừa âu yếm nhìn Nhung tưởng như lạ lắm. Mà lạ cũng phải, chỉ mới gặp nhau một lần dịp tết vừa rồi.
Ra khỏi quán, vừa đi Tâm vừa nhìn lên những tấm biển hiệu, hỏi :
- Mình tìm nơi nghỉ trưa nghe em ?
Nhung gật đầu. Anh vào hiệu bánh ngọt mua một ít, rồi đưa Nhung vào nhà nghỉ gần đó.
Nhận chìa khóa xong,Tâm cầm tay Nhung đi lên lầu. Vào phòng, anh mở cửa sổ rồi quay lại, giang thẳng hai tay về phía Nhung:
- Lại đây cho mát em, trời nóng quá.
Nhung đến bên cửa sổ, nép mình trong vòng tay ôm của Tâm. Phía trên là khung trời trong xanh, dưới là những mái nhà lầu, những cửa hàng san sát nhau. Xe cộ thưa dần, âm thanh buổi trưa như đọng lại, thật yên tĩnh.
Tâm đặt môi mình lên trán Nhung, không nói. Một lúc mới nghe tiếng Nhung :
- Anh được nghỉ phép?
- Không.
- Sao đi được?
- Anh có cách của anh, mình có được hai ngày - Tâm đưa tay lên khuy cổ áo sơ mi của mình, nhưng vẫn để yên, bảo Nhung - Em mở giúp anh nút áo, nóng quá là nóng, hè tới nơi rồi.
Tâm im lặng nhìn ngắm khuôn mặt Nhung khi cô mở từng khuy áo cho anh, như muốn uống lấy phút hạnh phúc dịu dàng mà anh trông chờ từ hôm tết đến giờ. Tâm ôm sát Nhung vào người mình rồi dìu cô đến ngồi ở bàn, mở bánh ngọt, rót đầy hai ly nước, cùng ăn với Nhung.
- Rạp chiếu bóng có gần đây không? Tâm hỏi.
- Gần, nhưng mà hồi này không yên, rạp hay bị gài lựu đạn.
- Anh nghe nói ở tỉnh nào cũng có. Ở đây đã bị lần nào chưa?
- Có bị rồi. Anh thích xem phim?
- À, lâu quá nên cũng muốn xem, nhưng không yên thì thôi, chiều mình ra phố chơi. Tâm dìu Nhung sang giường, đẩy nhẹ cô ngồi xuống, lướt nhẹ lên tóc, rồi bảo :
– Em nghỉ đi, anh đi tắm.
Nghe Tâm nói vậy, Nhung nhắm mắt một chút vì đêm rồi học bài cho tới khuya, đang nghe cay hai mắt.
Tâm tắm xong ra ngồi ở ghế xem báo, sợ làm mất giấc ngủ của Nhung, thỉnh thoảng nhìn sang một lúc rồi tiếp tục đọc.
Đến khi Nhung trở mình, mở mắt hỏi Tâm :
- Báo đâu mà anh xem?
- Anh mua lúc xuống xe hồi sáng.
Tâm bước sang giường, nằm nghiêng nghiêng bên Nhung, ôm gọn người cô trong tay mình và biểu ngủ thêm một tí cho khỏe. Nhung biết Tâm cần ngủ nên nằm yên, một lúc sau thì anh thở đều. Nhưng Nhung thì không ngủ được nữa, suy nghĩ nhiều điều.
Ký ức những ngày tết trở về như mới vừa hôm qua, Tâm thúc dục, vội vàng, bây giờ mới gặp nhau, lại vô tư như thế này. Nhung thầm hiểu, ít nhiều anh đã xóa bớt trong cô một thoáng ấn tượng cũ, dù mấy ngày tết anh dành cho cô là những ngày đầy ắp yêu thương. Trong vòng tay ngủ quên, anh thánh thiện như chưa từng phạm tội. Tự nhiên Nhung nghe cảm giác vừa yêu thương vừa quý mến con người này.
Cô khẽ ngồi dậy, ra phòng rửa mặt, xong vào ngồi trang điểm sơ qua rồi cầm tờ báo lên xem.
Gần hai giờ chiều Tâm mới thức giấc, nằm yên mở mắt nhìn Nhung. Cô chưa hiểu ánh nhìn của Tâm, mỉm cười với anh rồi tiếp tục nhìn vào trang báo.
- Em không tự đến với anh được sao Nhung? - Tâm nói và đưa hai tay ra chờ Nhung bước qua.
- Thấy anh cũng dễ ngủ, em để yên anh ngủ.
- Ờ, mệt quá nên ngủ quên, lại đây em.
Tâm ôm siết người Nhung, đặt nụ hôn dài, xong cầm tay Nhung đi qua bàn, lấy bánh ngọt đưa cho cô, Nhung cũng đưa cho anh một cái.
Hai người ăn xong, Tâm vừa mặc áo vừa nói:
- Mình xuống phố nghe em.
Đường phố chính không dài nhưng các cửa hàng bày bán không thiếu thứ gì. Tâm hỏi :
- Em có cần mua gì không?
- Có, em mua len đan áo, định hôm nay sẽ đi chợ với Thu nhưng giờ sẵn mua luôn.
Lựa len xong, Nhung mở bóp lấy tiền nhưng Tâm ngăn lại:
- Để anh trả, em chưa có tiền lương mà.
Nhận gói len xong, hai người đi tiếp sang con đường khác, cửa hiệu buôn bán ít hơn, phần nhiều là phòng trà, quán bar. Nhiều lính Mỹ, lính Hàn quốc đi ngang dọc trên đường, nhiều người say khướt, tay cặp theo các cô gái mặc váy hoa hòe, son phấn lòe loẹt, Tâm kéo Nhung đi tránh ra.
Một đoạn khác, nhạc kích động từ trong các quán bar vang ra đến ngoài đường, quán cà phê cũng mở nhạc lớn. Tâm vào xem vài cửa hàng trưng bày mỹ nghệ, mỹ phẩm, muốn mua vài thứ tặng Nhung, cô chỉ nhận một đôi món để kỷ niệm. Trao quà cho Nhung, Tâm nói cười trông vui vẻ lắm.
Phố bắt đầu lên đèn, hai người vào quán ăn. Tâm nói muốn ăn cơm, Nhung đồng ý. Anh chậm rãi gắp thức ăn cho cô, nhận xét :
- Anh nghe nói thành phố này nhiều lính nước ngoài, bây giờ mới thấy. Em có thường ra phố không?
- Lâu lâu cần gì thì rũ bạn đi chợ vào ngày chủ nhật, xe lam chạy thẳng từ trường ra chợ, xe về lại ngang trường. Đường phố như vậy đâu ai dám đi chơi.
- Ở Quảng Ngãi lính Mỹ đóng quân rất nhiều nhưng tình trạng này ít hơn, có lẽ đây là thành phố lớn. Xe quân đội Mỹ kéo rờ-mọt dài bất ngờ, gây tai nạn cho người đi xe máy, nhất là những khúc cua. Cẩn thận nghe Nhung.
Xong bữa ăn, nhìn đồng hồ, Nhung nói:
- Mình ra biển ngồi chơi.
Tâm đứng lên:
- Đi thôi em.
Dọc các con phố tiếp theo, vẫn như cảnh cũ, mấy người lính Mỹ trắng Mỹ đen nghênh ngang trên đường, Tâm thấy ngại, dẫn Nhung đi mau. Đường ra biển yên ổn hơn, nhiều người đi bộ hoặc chở nhau ra đây nghỉ mát, tình tự.
Ra đến biển, hai người ngồi lên băng ghế đá, đã có nhiều người ngồi trên những băng ghế gần đó, vài đôi trai gái ngồi trên bờ cát, tựa vào nhau. Ánh sáng đèn đường không đủ sáng xuống bờ, chỉ là tranh tối tranh sáng. Hàng dương khá cao, ánh trăng non từ biển chưa chiếu tới, gío biển thoang thoảng không lay được thùy dương, xa xa là dãy đèn đánh cá ngoài khơi. Cảnh biển phố trầm lặng nhưng ẩn mặt đâu đó sự bất an, không giữ chân ai lâu, ai cũng đến ngồi một lúc rồi đi.
Trên đường trở về, Tâm dìu tay Nhung đi chậm, cũng như dạo chơi trên phố mới.
Về phòng, Tâm soạn bánh ra bàn, người phục vụ vào, Tâm nói cho một bình nước trà.
- Anh có vẻ như thích bánh ngọt - Nhung nói.
- Anh còn con nít lắm em à - Tâm nhìn vào mắt Nhung với nụ cười dí dỏm.
- Không thấy anh hút thuốc? Hôm tết vừa rồi cũng không thấy.
- Bạn bè anh đứa nào cũng hút, nhưng anh lại không thích.
- Vì sao?
- Cũng không biết nữa… Chắc anh không có tâm hồn.
Nhung bật cười :
- Không tâm hồn mà ăn nói cư xử như anh.
Tâm lại đùa :
- Như anh là sao. Chắc là anh vô tình hời hợt lắm phải không?
- Không, lối nói chuyện của anh chắc phải nhiều cô mê.
- Không, anh chỉ có em thôi - Nói rồi, Tâm kéo Nhung sát vào mình.
Nhung xúc động, tim đập rộn ràng khi cảm thấy hai khuôn mặt kề gần nhau.
Người phục vụ mang nước trà vào xong, Tâm đến khóa cửa, vào ngồi chung một ghế với Nhung, đưa cho cô chiếc bánh patecheau, rót trà vào hai ly. Nhung cũng lấy một chiếc bánh đưa cho Tâm, nhưng anh chỉ uống ly trà.
- Em để đó, anh cởi áo cái đã - Nhìn Nhung một lúc, Tâm hỏi - Chắc là em không mang gì theo để thay?
Nhung lắc đầu nhìn Tâm vắt chiếc sơ-mi lên lưng ghế, còn lại chiếc maillot trên người, xong lại ngồi bên Nhung cùng ăn bánh. Thấy Nhung uống hết ly trà và định rót thêm, Tâm ngăn lại:
- Để anh pha thêm nước trong, uống trà nhiều sẽ khó ngủ.
Nhung bắt chước Tâm, rót nước trong vào ly cho anh, Tâm vẫn để cho Nhung rót thêm, nhưng giải thích:
- Anh thường uống nhiều trà, nhưng muốn thức là thức, muốn ngủ là ngủ, quen rồi nên không sao.
Nhung hơi nhăn mày suy nghĩ, biết Nhung thắc mắc, Tâm nói thêm :
- Gần hai năm nay anh đã sống như vậy. Sau mỗi lần đi trận về, buồn vui, phân tâm, chỉ biết có uống trà và cà phê để có được sự lắng dịu. Nhiều lúc thao thức mãi, nhiều lúc mệt nhọc quá, lại ngủ ngay khi vừa đặt mình xuống, mãi rồi thành quen.
Tâm uống hết ly trà, xong cầm tay Nhung dìu qua giường, anh bật công tắc cho ngọn đèn lớn tắt đi, chỉ còn màu hồng dịu của ánh đèn ngủ. Anh ôm hai vai Nhung đỡ xuống nệm, đặt nhiều nụ hôn, xong tay lần mở khuy áo trước ngực. Tự nhiên Nhung đưa tay giằng nhẹ.
Một cánh tay chống trên gối, Tâm ngẩng cao mở to mắt nhìn Nhung :
- Em còn xấu hổ với anh? Cả ngày nay anh có làm gì nào, chắc em cũng nhận ra điều đó? Anh không được thiếu sự tôn trọng với em, và cũng rất ngại khi em nghĩ anh là người ... dung tục - Tâm cười với ánh mắt nồng nàn, tiếp lời - anh đã nhiều lần suy nghĩ, sau những ngày tết vừa rồi với em, vì vậy mới thôi thúc anh tìm gặp em lần này, để em nghĩ thoáng về anh một chút, nhất là chúng ta phải đăng đẳng cho đến ngày cưới. Gặp nhau em phải vui lên chứ.
Nhung mỉm cười. Tâm cười cởi mở :
- Vui mà còn che đậy như thế này đây, em sẽ là vợ anh, có gì mà anh phải vội vàng. Lúc trưa nhìn em ngủ, anh đã ghi tâm như đang được sống thực trong cảnh hạnh phúc chồng vợ, đã là đầy đủ, nên anh không muốn khuấy động. Nếu chỉ vì dục tình, thì anh đâu cần phải lặn lội đến đây tìm em. Lính tráng mà.
- Vậy sao hôm tết ? Nhung nói với một thoáng xúc động.
- À hà, em tất đã hiểu, trong tình yêu vẫn có những thôi thúc tự nhiên mà em.
Ngôn ngữ bỗng tắt ngấm, chỉ còn cảm giác ân ái đầy thân thương.
Chung quanh chỉ còn một thế giới duy nhất, thế giới hạn hữu của hai người.
Khi âm thanh xe cộ đã lọt vào phòng, ánh sáng bắt đầu hắt nhẹ qua khe cửa, Nhung mở mắt nhìn lên đồng hồ, xong nhìn sang Tâm đang còn như ngủ say. Cô khẽ dậy, đi sang phòng bên. Khi trở ra, đã thấy anh nằm mở mắt, đưa thẳng hai tay về phía Nhung, cô cầm lược chải đầu đến ngồi bên cạnh. Tâm còn nuối tiếc kéo Nhung xuống nhưng cô đẩy nhẹ anh ra :
- Sáng nay em phải về học.
- Nghỉ luôn đi em, ngày nay em phải ở với anh, sáng mai anh đi rồi.
Nhung đắn đo một lúc :
- Thôi cũng được, em chỉ về nói cho Thu biết để xin phép giùm ngày hôm nay, xong sẽ trở lại.
- Để anh đưa em đi.
- Không, anh ngủ thêm đi, em đi một mình cũng được.
- Nếu về nhanh, anh sẽ chờ em cùng ăn sáng.
- Quá bảy giờ rưỡi em chưa đến, anh cứ ăn đi kẻo đói bụng.
Nhung đứng trước gương chải tóc và trang điểm sơ qua lên má, lên môi. Nhìn qua, cô phát giác đôi mắt Tâm đang nhìn mình trong gương. Lòng tràn ngập hạnh phúc, Nhung đến bên giường cầm tay Tâm đưa lên môi, từ giả, như một cử chỉ thân thương.
Về đến phòng nội trú, đang lúc các bạn đang chuẩn bị xuống giảng đường. Thấy Nhung, Thu nói ngay :
- Tưởng sáng nay bồ không về, thay đồ đi học luôn Nhung.
- Nếu mình không về thì sao?
- Mình định nếu tí nữa không thấy bồ về, sẽ nói với lớp trưởng xin phép cho Nhung nghỉ.
- Mình định về học buổi sáng, chiều nay mới nghỉ. Nhưng thôi, nghỉ luôn một ngày cho rồi, lắc nhắc cũng vậy. Anh Tâm cũng nói vậy.
- Ngày mai thì sao?
- Mai mình về học. Sáng mai anh Tâm đi rồi.
- Để mình biết ngõ, thôi Nhung đi đi, chúc một ngày vui vẻ.
Thu cười chào bạn rồi ôm cặp ra khỏi phòng. Nhung thay áo quần, lấy một vài thứ cần thiết bỏ vào xách. Chờ bên trường vào lớp xong, cô mới bước xuống, tạt vào căn-tin mua hai ổ mì.
Về lại phòng, Nhung vặn chốt cửa, đẩy nhẹ vào. Tâm mặc áo quần chờ sẵn, đang ngồi đọc báo. Nhung đến ngồi bên :
- Anh xem báo mới, chắc là xuống ăn sáng rồi?
- Anh chỉ uống cà phê thôi, sẵn mua tờ báo, giờ mình đi ăn.
- Em có mua mì đây, chịu khó ăn khô cho xong bữa rồi đi luôn.
- Thôi em cứ để mì đó, phải xuống ăn cái gì cho nhẹ.
Sau bữa ăn sáng. Tâm hỏi:
- Sáng nay mình đi chơi đâu nữa Nhung?
- Đi Suối Tiên.
- Vậy phải mua thêm ít bánh trái đem theo. Nhung gật đầu.
Tâm đến quầy mua một ít trái cây và bánh ngọt.
Hai người lên xe đi Suối Tiên. Nắng lên cao, tỏa sáng lên ngọn đồi thông xanh ngát, ven con đường nhỏ dẫn lên đồi có nhiều loài hoa dại, vươn cánh ra tới bên đường như muốn khoe vẻ đẹp đồi núi ngoại thành. Đi lên một đoạn, đã nghe tiếng nước reo từ trên cao như thúc giục hai người bước vội.
Đến nơi, dòng thác đang tuôn chảy theo sườn đá dựng, bụi nước tung mù như sương như khói, đổ xuống thành nhiều mạch nước chảy quanh qua nhiều phiến đá, tất cả lại trổ vào một dòng khi nước bắt đầu trôi êm thành con suối, gọi là Suối Tiên.
Tâm và Nhung đứng trên gộp đá nhìn quanh lưng đồi, cỏ xanh với nhiều hoa dại khoe sắc thắm tươi, hai người đến ngồi dưới gộp đá gần một gốc cây gần thác nước. Không khí núi đồi và hơi nước từ ngọn thác lan tỏa, không thấy nắng không thấy gió, không gian yên tĩnh mát dịu. Vài tiếng chim hót trên cành cao, líu lo ríu rít rất vui tai.
Tâm xắn quần đặt chân xuống nước, rửa mặt, rửa tay.
Nhung nói :
- Anh tắm luôn cho mát.
- Em tắm luôn nghen? Tâm hỏi với vẻ chọc cười.
Anh vừa cười vừa cúi đầu lòn chiếc áo pull qua khỏi cổ, mặc quần đùi để tắm, đưa áo quần cho Nhung.
- Không có em, anh tắm với Tiên nhé , cũng có được một phút cảm giác Lưu Thần.
Nói rồi Tâm bước tới đứng dưới dòng thác, mặc cho nước tuôn xối xả lên người, vuốt mặt, vuốt tay. Thỏa mái hồi lâu dưới làn nước, anh trở lại. Nhung đưa khăn cho anh lau mình.
- Anh cứ mặc quần dài vào luôn, một lúc quần trong sẽ khô.
- Anh tắm khe tắm suối đã quen, em đừng lo, em cho anh ăn đi, đói bụng rồi.
Nhung trải tờ báo, soạn thức ăn ra, đưa bánh ngọt cho Tâm ăn trước, xong đưa anh trái pom. Nhung nói không có dao cắt làm sao ăn.
Tâm trả lời :
- Ở đây cũng xem như hồng hoang, em cứ ăn quả trái tự nhiên không cần xắt gọt.
Nhìn trái pom tròn trịa, Nhung biểu :
- Nhưng mà anh ăn trước đi.
Nhung đưa trái pom cho Tâm, anh cắn vào vài miếng rồi đưa cho Nhung phần còn lại.
Nhìn ra vạt đồi trước mắt, thấy có nhiều hoa rừng chen chúc nhau nở đẹp, Tâm hỏi :
- Em có thích hoa anh hái cho.
- Thích, anh hái đi.
Tâm vội đứng lên, chân trần dẵm trên cỏ, đến bên những khóm hoa dại chen chúc nhiều màu. Hoa sim tím, hoa mua, những bụi cúc dại trắng và đỏ nhỏ li ti xinh xắn, xen giữa là đám hoa mắc cỡ thắm màu. Vài dây hoa mắc mèo thòng xuống hình lồng đèn với nhiều nụ vàng tươi, khiến cảnh đồi thêm rực rỡ.
Nhung nhìn Tâm chăm chú ngắt mấy cành hoa dại, lòng rộn lên tình cảm thân thương, cô cười thật vui, đưa tay đỡ lấy mấy nhánh hoa sim tím trên tay anh.
- Sao anh hái toàn hoa tím?
- Anh thường thấy các cô gái rất thích hoa tím. Tím Huế đó em.
- Em biết rồi, đẹp lắm nhưng ở đây hoa thật nhiều, anh hái thêm đi.
Tâm quay đi, một lát đem về nhiều nhánh hoa đủ màu đưa cho Nhung. Người thợ chụp hình thấy hai người đang cầm những chùm hoa tươi đẹp, bước đến gần. Tâm nói chụp cho vài pô. Chỉ vài phút là có hình ngay, hai người xem rất vừa ý.
Tâm quàng tay ôm Nhung, kéo sát vào mình :
- Trong khung cảnh nầy, anh thấy mình sung sướng được sống lại những giờ phút thỏa mái khi chưa vào đời. Bây giờ đã qua nhiều vùng đồi núi, hoa thơm cỏ dại không thiếu, nhưng đâu còn ý nghĩa như ngày xưa, khi trên vai mang nặng chiếc ba lô. Điều tình cờ hôm nay mới là đáng nhớ, và thật hiếm hoi, khiến anh nhớ câu “ Không có ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Mai đây, khi nhớ về nhau là nhớ tới giờ khắc này đây, với một cành hoa dại anh hái tặng em, tuy mộc mạc, nhưng không thể nào có lại lần thứ hai đâu em. Chúng ta hãy trân quý cả những gì đơn sơ nhất.
Lời nói dông dài của Tâm, Nhung nghe như lời bộc bạch tâm tư đầy biểu cảm, cô tưởng như đang chìm ngập trong những nốt đàn, mà khúc tình ca đầy thơ mộng này, trong khung cảnh hoang sơ này, chỉ có anh và cô. Nhung yêu Tâm, yêu tâm hồn anh đầy mẫn cảm.
Như một thôi thúc dâng lên trong lòng, Nhung choàng tay ôm vai anh. Hai đôi mắt nhìn nhau ngỡ ngàng. Tâm hôn lên mái tóc dài, tưởng như hòa quyện mùi hoa dại vương trong hương tóc.
Biết Tâm đang xúc động, Nhung ngã mình bên vai anh khi anh vừa đưa vội cánh tay đỡ lấy lưng cô, đồng thời với xúc cảm ngây dại ngập tràn. Mắt ngước lên bầu trời, mây trắng trôi chầm chậm trên kia, vài cánh chim vút qua, tiếng hót líu lo. Hai người không còn muốn đi đâu về đâu nữa.
Về đến phố trời đã ngã chiều. Tâm nói nên ăn tối rồi về luôn, Nhung gật đầu.
- Lúc nào cũng thấy em gật đầu.
Nhung cười đồng ý :
- Thì anh nói điều gì nghe cũng hợp lý.
Đường phố lại đón bước chân hai người sau khi rời khỏi quán ăn. Tiếng hát từ những quán cà phê vọng ra, không trọn câu nhưng ai cũng nhớ “ Dìu nhau đi trên phố vắng. Dìu nhau đi trong ánh nắng, dắt dìu về dưới gian nhà ...”
Đường phố giờ này không còn nắng, ở đây trời xa cảnh lạ, không có gian nhà cho hai người, nhưng vẫn có được một tổ uyên ương thắm thiết, tuy cả hai cùng chung niềm mong manh những giờ phút sắp xa nhau. Tâm biết tối nay Nhung sẽ buồn, anh đưa cô vào rạp chiếu bóng.
Vào rạp, Nhung không nói năng gì, chỉ tựa đầu vào vai Tâm, nhìn lên màn ảnh. Anh nhìn nét mặt Nhung thoáng nét buồn nên không nói gì, bởi nếu nói ra thì không phải là lời vui.
Hai bàn tay đan nhau, nắm chặt như sợ thời gian trôi mất. Thật lâu Tâm mới lên tiếng :
- Em nhận xét cô gái trong phim thế nào?
- Rất chân thật và tự tin. Nhưng tiếc thay, niềm tin bị khước từ.
- Có vậy phim mới hay. Khi sống với nhau rồi, anh sẽ không làm mất niềm tin yêu với em, em cũng đối với anh như vậy nghe Nhung?
Nhung không trả lời, cô siết nhẹ bàn tay Tâm. Tình yêu dâng lên dào dạt trong tim.
Phim tan, ra khỏi rạp gần tám giờ tối. Chưa muốn về, Tâm đề nghị :
- Bây giờ mình đi đâu nữa em. Hay là vào quán nghe nhạc.
- Đúng rồi. Em cũng nghĩ vậy.
Gần một tiếng chìm trong tiếng hát lời ca. Thanh Thúy, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, với những khúc hát trữ tình, quê hương, chiến tranh, như trôi như nổi.
- Ở đơn vị, chắc anh cũng thường nghe nhạc ? Nhung lên tiếng.
- Mỗi lần đi trận về là chỉ có nhạc thôi em à. Khi gặp nhạc kích động, lính nhảy với lính, cũng vui, sau đó là đọc thư. Nhớ viết thư thật nhiều cho anh nghe em.
Âm thanh khi dập dồn, khi êm dịu, dâng lên cảm giác muộn buồn, mang hơi thở của tình yêu xa cách, đời lính, nỗi buồn chiến tranh.Tiếng nhạc dặt dìu đưa chân hai người rời khỏi quán.
Ra đường, Tâm dìu tay Nhung cùng bước nhanh về.
Vào phòng, Tâm nằm sà xuống giường, đưa mắt nhìn khắp căn phòng một lượt, vẻ uể oải. Nhung đến ngồi bên, mở xắc tay, tìm kiếm.
- Em quên gì ?
- Đâu có, em lấy mấy tấm hình mới chụp.
- Ờ, đem ra anh xem với.
Tâm nhìn thấy cuốn sách trong xách tay Nhung, cầm lên. “Chúa Đã Khước Từ” – Lê Khắc Cầm dịch và ghi tặng Nhung.
Em quen Lê Khắc Cầm? – Tâm hỏi.
Nhung gật đầu. Tâm hỏi tiếp:
Lâu chưa?
Cũng khá lâu. Anh Cầm có đến nhà em, nhưng thường gặp nhau ở quán café bên cầu Đông Ba, với anh Ngô Kha và vài nam nữ sinh viên đại học.
Chắc hẳn là anh ta…yêu em. Nhìn em ai mà chẳng mến chẳng thương. Em nói thật đi.
Thì em nói thật rồi, anh Cầm đến nhà tặng sách cho em, và em cũng có đến nhà anh ấy vài lần. Em đem cuốn này theo đây để anh về đơn vị xem. Anh cũng biết dân Do Thái khốn cùng như thế nào với chính sách diệt chủng của Hitler, những người trốn thoát được, không bị lùng bắt, không bị tra tấn bắn giết, không bị hơi ngạc, nhưng lại chết cả đoàn vì lý do khác, mới có nhan đề cuốn sách “Chúa đã khước từ”.
Họ chết vì sao ?
Em muốn dành kết cục khi anh đọc phần cuối truyện.
Tâm hỏi nửa đùa nửa thật:
Còn kết cục chuyện tình của em với Lê Khắc Cầm?
Nhung trả lời ý nhị:
Thì kết cục là em đang ở với anh đây.
Như có sự đồng cảm giữa hai người, Tâm đỡ Nhung nằm xuống bên cạnh, cùng xem chung từng tấm hình.
- Anh thấy hình nào đẹp nhất ? - Nhung hỏi.
- Hình nào cũng đẹp, nhưng anh thích nhất tấm hình em với mái tóc dài bay bay trong gió. Em đừng cắt tóc ngắn nghe Nhung.
- Anh còn sợ em thề với ai nữa?
Tâm ôm siết Nhung vào người, cười rạng rỡ :
- Anh mê em như thế này là quá đủ. Em không được thề với ai nữa nghe không.
Nói xong, Tâm nghiêng người, đắm đuối ôm gọn Nhung trong vòng tay. Một giây, Tâm nghe tim mình như ngừng đập, nhìn Nhung với ánh mắt như đằm xuống.
Nhung thấy hình như anh cố nén sự yếu mềm. Cuối cùng, Tâm gọi nhỏ :
- Nhung, em sẽ là vợ anh. Còn anh, như đã chứng tỏ với em rồi, mai anh rời khỏi đây - Vừa nói Tâm vừa lật tới lật lui mấy tấm hình - Em đưa anh giữ vài tấm, về đơn vị có mà nhìn cho đỡ nhớ.
Cành sim tím bỗng rơi ra từ bao đựng ảnh. Nhung cầm lên, ngắm nghiá. Tâm tiếp:
- Em thấy không, sau này em có thể mua bất kỳ các loài hoa rực rỡ, sang trọng một cách dễ dàng, nhưng cánh hoa tím hoang dại này, sẽ không có lại lần thứ hai.
Nhung nghiêng mình bên vai Tâm, xúc động :
- Tâm hồn lính mà phong phú lãng mạn lắm, em sẽ giữ mãi cánh hoa tím này.
- Gĩư đến suốt đời thì e khó, anh muốn nó còn đến ngày cưới - nén tiếng thở buồn, anh tiếp - Chúng ta sắp xa nhau, được cùng em trên nệm ấm giường êm như thế này, anh đã thực sự hưởng được hai ngày thật hạnh phúc. Mai đây, lại phải ngủ bụi ngủ bờ. Hai ngày rồi có em, anh tạm quên tất cả.
Chắc em cũng biết Quãng Ngãi là vùng đang giao tranh quyết liệt, cộng quân quyết đánh chiếm vùng này để còn tiến chiếm nhiều tỉnh khác. Mỹ bị mất nhiều quân đội khắp các vùng chiến thuật, đổ quân ồ ạt vào Việt Nam và vũ khí đạn dược tối tân, càn quét khắp nơi nhưng bất phân thắng bại, quân lực bộ đội rất mạnh, hai bên tử trận rất nhiều, cuộc chiến vẫn kéo dài.
- Em có nghe nói đến những trận đánh ác liệt đang diễn ra ở Đức Phổ, Điện Bàn, cả làng bị bắt bớ tàn sát, nhà nào cũng có hầm, bộ đội ở trong dân.
- Đúng vậy, sau cuộc tổng công kích Mậu thân, các đơn vị Bắc Việt rút lui nhưng vẫn tiếp tục chủ trương đánh chiếm rất qui mô khắp các tỉnh miền trung, gài đặt bãi mìn hầm chông dày đặt khắp các lối tiến quân của đồng minh, lính Mỹ dính chông chết thê thảm, không biết mình bị bắn từ đâu. Du kích ẩn hiện khó lường.
Suy nghĩ một lúc, Nhung nói thêm:
- Trên tivi thường thấy những chiếc hòm lính Mỹ đưa lên tàu chở về nước. Chắc anh đã từng hành quân nhiều trận nguy hiểm?
Tâm chầm chậm từng lời :
- Anh nhiều lần may mắn thoát chết chỉ trong gang tấc, nhưng mà em đừng lo, có lẽ anh ở ngoài sự nguy hiểm, anh cảm tính như vậy.
- Anh đừng chủ quan quá, nhớ bảo trọng, em thường cầu nguyện.
- Tất cả đều có số mạng, đừng suy nghĩ nhiều nữa em.
Rồi Tâm dịu dàng hòa nhập vào Nhung như sợ đánh mất điều quý giá. Bỗng nhiên anh hỏi :
- Em nghĩ thế nào nếu chúng ta có con?
Nhung hơi lúng túng sau câu hỏi bất ngờ, một lát cô trả lời :
- Em nghĩ là không có gì.
Tâm nhìn sâu vào mắt Nhung :
- Em nghĩ sai ý anh rồi. Anh rất sung sướng nếu chúng ta có con. Má anh thường ao ước có cháu nội, mà em cũng sắp ra trường.
Nhung nghĩ thầm, mọi sự cũng sẽ đơn giản nếu mình có con hôm nay, bởi hoàn cảnh không thể khác hơn. Cô nhớ lại trong khóa học có hai chị mang bầu vẫn lên giảng đường bình thường, nhưng cô cũng nói để không mất lòng anh:
- Anh xem vậy mà tham lam, một lần lại muốn được nhiều thứ.
- Nhưng mà anh muốn thế, hè này em ra trường, mình sẽ làm đám cưới. Anh đã bàn chuyện với mẹ rồi.
- Em đã đọc điều này nhiều lần trong thư anh rồi.
Lòng cô chợt rộn ràng bởi thấy ở anh một tâm hồn trong sáng, hòa nhã mà đầy ắp. Cô nhìn ngắm khuôn mặt anh thật gần để ghi khắc, để khó quên. Trong tay nhau, Tâm còn dặn dò :
- Thi xong, em đánh điện ngay cho anh nghe Nhung.
Nhung gật đầu xúc động.
Như chìm trong đôi cánh vỗ về tình yêu, đôi mắt Tâm khép lại trông thật hiền, gương mặt thanh thản. Tâm hồn này, thân xác này, chỉ trong vài lần gần gũi, đã khắc ghi vào Nhung những ấn tượng khó phai. Cô hân hoan đón nhận đến tận cùng cảm xúc, tận tâm hồn. Can trường mà lịch lãm, đam mê nhưng không dung phàm. Cô trân quý anh như món quà số phận trao cho, tin tưởng anh sẽ mang đến cho cô hạnh phúc trọn đời.
Dưới ánh đèn mờ, căn phòng yên lặng, nệm giường chăn chiếu đã lắng nghe hết những ngọt ngào trao thương, cùng những thoáng xuyến xao bùi ngùi, vì mai này hai người sẽ xa nhau, hơi hướng đó, rồi đây sẽ bỏ lại. Ánh đèn như có đôi mắt chứa chan, chạnh lòng chứng kiến cảnh đôi trai gái ngủ vùi trong tay nhau, nét mặt đượm buồn.
Buổi sáng, khi thì giờ không cho phép hai người chần chờ được nữa. Tâm và Nhung quyến luyến rời khỏi phòng. Trước khi khép lại cánh cửa, anh siết vai Nhung, nhắc nhở:
- Em hãy nhìn lại căn phòng, đừng bao giờ quên hai ngày vàng ngọc này. Thi xong về sớm nghe Nhung. Anh sẽ chờ em ở Huế.
CHƯƠNG XI
N hiều ngày sau, niềm nhớ thương vơi đi nhẹ nhàng, nhường chỗ cho niềm vui, vì Nhung nhận thư của Tâm liên tiếp, đầy ắp lời yêu thương, hỏi cô đã ép những cánh hoa tím vào trang vở chưa, và không quên nhắc cô thi xong hãy về sớm. Nhung trả lời thư anh, hứa thi xong sẽ về ngay. Chỉ gần một tháng nữa thôi.
Thời gian còn ít ỏi để chị em nội trú tâm sự cùng nhau. Trường đã cho nghỉ học để ôn thi, Thu và Nhung thường qua giảng đường để học bài, và chia sẻ tâm tình không giấu nhau điều gì.
Cũng như Nhung, Thu đang chờ thi xong, về Nha Trang làm đám cưới với Lâm, Trung úy phi công, anh chàng cũng đã đôi lần về trường Sư phạm thăm Thu, ước mơ của hai người đang chắp cánh.
Cả Diệu, Thương, Cầm cùng phòng, ra trường xong, người nào cũng lên xe hoa. Nhung nghe rộn ràng trong lòng, không bao lâu nữa sẽ gặp lại Tâm, lời nói, cử chỉ còn ghi đậm dấu ấn trong tâm tưởng, và chừng như còn hơi hướng đâu đây.
Những lá thư Nhung mới nhận, chứa chan bao lời thương yêu của Tâm khiến cô bâng khuâng trông đếm từng ngày. Hình bóng An thỉnh thoảng trở về, nhưng hình ảnh Tâm đã làm cho phai nhòa. Mấy tấm hình kỷ niệm ép trong vở học, Nhung thường mở ra xem, không còn là những lá thư chia tay buồn bã của An, mà bây giờ là tấm hình chụp chung với Tâm tươi cười rạng rỡ, và cánh hoa sim tím như lời nhắc nhở thân thương.
Nhiều lúc Nhung ôm cuốn vở vào lòng và ngủ quên trong giấc mơ, khi thức giấc lại học thuộc bài rất nhanh như có động lực thôi thúc. Ngày thi sắp đến, Nhung yên tâm khi đã hoàn tất hầu hết bài vở. Không bận rộn với thư từ gì nữa vì Tâm đã dặn cô hãy tạm ngưng viết thư cho mình để thời gian học bài thi.
Ngày thi sắp tới, mỗi buổi trưa, xấp thư trên tay chị lớp trưởng chỉ ít ỏi năm ba lá. Chị đứng trước cửa phòng cũng không ai buồn hỏi han. Nhưng mà, sao chị lại gọi tên Nhung, cô ra cầm lá thư, không phải thư Tâm mà là thư Cúc, em gái của anh, thật là cảm động, chắc là Cúc viết thư thăm mình đây.
Mở thư Cúc ra đọc, bỗng Nhung giật thót tim sau khi đọc mấy dòng thư. Cô không bao giờ nghĩ Tâm sẽ bỏ cô ra đi như thế này được. Nhung vào giường nằm vật, mở lớn đôi mắt, đọc kỹ lại mấy dòng chữ của Cúc “Anh Tâm bị trúng một mảnh đạn sau đầu khi bị pháo kích vào Bộ chỉ huy, không cứu được”. Nhung đặt tay lên ngực, cố đè nén con tim đang thắt lại từng cơn. Có thể sự thật như thế này đước sao.
Khi Thu vào phòng quăng xấp bài trên giường, Nhung cố ngăn dòng nước mắt đang tuôn trào.
- Thuộc bài hết chưa Nhung ? Thu hỏi.
- Thuộc rồi.
- Đi ăn cơm cho rồi.
- Thu ăn đi, tự nhiên thấy mệt trong người không muốn ăn.
- Sao lúc chiều không báo trước ? Thôi để mình lấy cơm lên cho, tí nữa khỏe, ăn sau.
Nhung dứt khoát :
- Không cần đâu Thu, đừng lấy lên mất công, mình không ăn nổi – Câu nói nghẹn như có gì chặn ở cổ.
Mọi người trong phòng lần lượt xuống lầu. Nhung không cầm được nước mắt, để mặc cho tuôn trào. Cô lại thấy Tâm, rõ ràng trên sân bay như mới vừa hôm qua, gương mặt thoáng buồn nhưng tràn đầy hứa hẹn. Bàn tay siết chặt như còn vương hơi ấm. Tất cả nguồn sống của anh không phải chỉ bùng lên chừng đó, anh đã dặn rằng sẽ chờ em ở Huế.
Tất cả. Tất cả...Và dòng nước mắt không còn ngăn được nữa, cô úp mặt xuống gối khóc vùi, cho đến khi nghe tiếng bước chân của các bạn ngoài hành lang. Nhung im lặng, nén cơn thổn thức.
Các bạn trở vào lấy sách vở đi ra ngoài, tản mạn qua các dãy lớp học để ôn bài. Chỉ vài người ngồi lại học ở ngoài hành lang. Thu vào, hỏi Nhung :
- Có đỡ không Nhung? Đưa cạo gió cho.
- Thôi được, đỡ rồi.
- Có ra ngoài học cho mát không ?
- Mình học thuộc hết rồi, để yên mình nằm một tí.
Thu ôm vở đi. Nhung với tay lấy chai nước, cổ họng khô khốc nhưng uống nước vào lại thấy nghẹn, tim đau thắt khó thở. Cô suy nghĩ, hãy khoan cho cho Thu biết chuyện này, để mai thi xong hẳn hay. Lại suy nghĩ miên man, nhớ lại, mới năm ngoái đây, cũng ngay trên giường này, Nhung đã khóc thầm một lần với những tờ thư của An. Bây giờ, Tâm không chối từ, nhưng anh đã nằm xuống, anh đào huyệt chôn cô thêm một lần. Như những cơn bão đi qua, cuốn mất Tâm rạng ngời yêu thương, cuốn luôn cả lẽ sống đời cô. “Tâm ơi. Anh đã hứa không làm em đau khổ.”
Khi nghe giường mình rung nhẹ, Nhung biết Thu đang leo lên giường trên. Một lát sau, cả giường dưới giường trên đều yên lặng.
Sáng ra, Nhung gượng dậy làm một số công việc cần thiết xong lại lên giường, cầm xấp bài, nhưng chỉ để che giấu dòng nước mắt tràn mi. Thu không ngạc nhiên nhiều, vì giữa khuya có nghe tiếng sụt sùi dưới giường mình, Thu nghi trong bụng nhưng nghĩ Nhung bị cảm sổ mũi, vì vậy mà không ăn cơm chiều hôm qua.
Đợi phòng vắng bớt người, Thu ngồi bên Nhung, khẽ hỏi :
- Nhung, có chuyện gì sao không nói cho mình biết, hình như Nhung có khóc ?
Chưa nghe hết câu của Thu, đôi mắt Nhung không ngăn được giòng lệ. Chưa hiểu gì nhưng thấy Nhung khóc, Thu có chút nghi ngờ. Chờ bớt cơn xúc động của bạn, Thu cầm tay Nhung bóp chặt như muốn cùng chia sẻ:
- Nhung có chuyện gì vậy ?
Biết không thể giấu, Nhung nói thật nhỏ :
- Thu xuống công viên ngồi, mình kể hết cho nghe.
Lựa một góc vắng, hai người ngồi trên một băng ghế hơi khuất dưới bóng cây. Chưa kịp nói gì, Nhung lại khóc, Thu linh tính một điều không may nên ngồi yên để cho bạn khóc, chờ cho bớt cơn xúc động, Thu mới hỏi:
- Chắc là quan trọng lắm phải không Nhung?
- Anh Tâm mất rồi Thu ơi ! Nói rồi Nhung úp mặt lên hai bàn tay, nước mắt tuôn trào.
Thu sững sờ :
- Anh Tâm mất rồi hở Nhung. Thật không?
Nhung chỉ gật đầu.
- Vì sao ?
- Bị pháo kích vào Bộ Chỉ huy.
Thu không khơi động gì thêm, cầm chặt lấy bàn tay bạn lạnh ngắt trong tay mình, nỗi bàng hoàng khiến Thu xao động, rồi cổ họng Thu cũng thấy nghẹn, nước mắt rưng rưng.
Thu biết rằng, giờ phút này không nên nói gì cả, chỉ có nước mắt mới làm nhẹ bớt nỗi đau mà thôi.
Thật lâu, Nhung mới ngẩng lên :
- Có lẽ mình không dạy ở Huế đâu Thu à, mình không còn muốn về đó nữa.
- Hay là… vào Nha Trang dạy với mình luôn đi Nhung.
- Có lẽ thế, nhưng phải đỗ cao mới tự chọn được.
Thu an ủi bạn :
- Bây giờ đời lính tráng không thể biết trước được điều gì. Nhiều khi mình cũng lo ngại anh Lâm nhưng đâu dám nói ra. Nhung bớt buồn đi, dù sao cũng phải ráng ôn bài, còn mấy ngày nữa thi.
- Thi xong Thu về liền hay chờ có bảng?
Nhớ tới lời dặn của Lâm, Thu trả lời:
- Mình phải về liền, nếu Nhung còn ở lại thì xem kết quả giùm mình.
Sực nhớ ra, Nhung nhắc lại :
- Ờ, mà Thu phải về để chuẩn bị đám cưới, mình ở lại chọn nhiệm sở cho. Nếu không chọn được Nha trang, Thu chọn đâu?
- Không chọn được Nha Trang thì hai đứa mình xin lên Đà Lạt. Nhung làm sao chọn hai đứa được một chỗ, xong nhớ đánh điện cho mình.
Nhung nói thêm:
- Mình sẽ cố gắng chọn Nha Trang, không muốn lên Đà Lạt.
- Sao vậy?
- Đang buồn thế này, lên đó sống sao nổi.
- Ờ đúng rồi. Vậy thì lo học đi, đỗ cao mới tự chọn được.
Cố đạt được ý nguyện, Nhung nén lòng lo học riết ngày đêm, mà đêm nào cũng thao thức đâu có ngủ được.
Ngày thi trôi qua nhẹ nhàng vì Nhung làm được bài khá đầy đủ. Trước ngày Thu về Nha Trang, Nhung dặn :
- Khi nào cưới, nhớ gởi thiệp cho mình biết.
Sau khi có bảng, Nhung đỗ thứ 25, Thu 29, cả hai có quyền chọn nhiệm sở tại Nha Trang, Nhung lên máy bay về Huế. Về đến phi trường Phú Bài, đám bạn vui cuời bước xuống cầu thang, Nhung đi chậm phía sau. Chuyến xe đưa tất cả về phố chừng hai mươi phút.
Thúy đón chị ở văn phòng Air Việt Nam, đường Trần Hưng Đạo. Chờ lấy hành lý xong, hai chị em lên xe cyclo về nhà. Câu chào trước tiên của mẹ là “Tâm mất rồi con biết chưa? Mẹ nghe Cúc nói”. Nhung chỉ gật đầu dạ một tiếng rồi đi ra sau, tránh cơn xúc động trước mặt mẹ.
Buổi chiều, Nhung về nhà Tâm. Má anh đang ngồi ủ rũ trên tấm phảng. Thấy Nhung, nước mắt bà trào ra, không kịp chào hỏi một câu, nét mặt tiều tụy thật thảm thương. Thấy bà, Nhung chỉ nói được câu “Con chào bác”, xong đến ngồi vào ghế, mắt nhìn lên bàn thờ Tâm đang nghi ngút khói nhang, mặc cho nước mắt chảy dài. Hai người cùng khóc.
Lâu lắm, má Tâm mới hỏi được:
- Con về lúc nào ?
- Dạ, con mới về hồi sáng.
- Con vừa thi xong phải không? Bác biết con không về kịp, một tuần nay rồi.
Câu nói của mẹ Hòa bị ngắt quãng nhiều lần bởi cơn xúc động. Bà nhìn Nhung qua làn nước mắt, rồi vừa khóc vừa than :
- Sao mà đành đoạn vậy con ơi ! Còn đầu xanh tuổi trẻ, sắp sửa có vợ có con.
Tất cả chỉ còn nước mắt và nước mắt.
Cúc từ dưới đi lên, đến ngồi bên Nhung:
- Chị Nhung…chỉ gọi được có thế, rồi nước mắt Cúc cũng tuôn trào.
Nhung gật đầu nhìn Cúc :
- Chị nhận thư Cúc nhưng gần ngày thi nên không về được.
- Em có nhận thư chị rồi, chị đang bận thi.
- Anh Tâm bị trúng đạn chỗ nào mà không cứu được?
- Chỉ bị một mảnh nhỏ sau đầu thôi, nhưng trúng chỗ hiểm, anh mất ngay. Chị Nhung, em có giữ cái này.
Rồi Cúc đứng lên, đi vào phòng trong, cầm ra một gói nhỏ đưa cho Nhung :
- Mấy hình này ở trong túi anh Tâm, em giữ để đưa lại cho chị.
Nhung dần mở phong bì, mấy tấm hình chụp chung với Tâm và lá thư chưa gởi. Nhìn gương mặt anh trong hình, Nhung không còn dằn lòng, cúi xuống gọi nhỏ “Anh Tâm” và cố nén tiếng nấc.
Hôm sau, Nhung và Cúc đi thăm mộ. Ngôi mộ đất mới, hoa cúng hôm qua vẫn còn tươi. Đặt bó hoa xuống, cắm xong thẻ nhang trên mộ, Nhung ngồi lên thềm đá, tay áp sát trên nền đất mới, dưới đó là Tâm, không còn đi đứng, không còn nói năng, dù chỉ một lời cuối cùng. “Sao anh không chờ gặp em lần cuối”. Nhung nhủ thầm trong nghẹn ngào rồi tựa đầu bên vai Cúc. Cả hai cùng khóc, không ai dỗ dành ai.
Về nhà, Nhung ăn uống qua loa rồi vào giường nằm. Tâm đã thật sự nằm xuống. Nhung trách trời sao đành đoạn với anh, đào huyệt chôn vùi cuộc đời anh quá sớm, ở cái tuổi tràn đầy niềm tin và sức sống, cô tiếc cho anh và đau xót cho mình, xót xa tại sao trách anh yêu cuồng sống vội. Cái chết của anh đã là bằng chứng hùng hồn vô cùng thống thiết, giữa thảm khốc của cuộc chiến và lòng khao khát sống.
Bao kỷ niệm còn đây, vội vàng nhưng vô cùng sống động. Cánh hoa sim tím dại còn ép khô trong trang vở trở thành kỷ vật khắc ghi, luôn văng vẳng lời nhắc nhở đau lòng “Sẽ không có lần thứ hai nữa đâu em”. Bởi tổ uyên ương đã vỡ tan tành khi con chim phượng hoàng gãy cánh.
Nhung thầm hiểu, tình yêu với Tâm, cô cho đi không hề hối tiếc, nhưng tình yêu kính cha mẹ vẫn hơn, và còn nhiều thứ khác nữa, sẽ không thể để mẹ buồn lòng vì mình, ngoài sự trớ trêu đầy khắc nghiệt mà cô không thể tự ý quyết định.
Đời sống của cô sẽ được hiểu như thế nào đây, khi kiếp hồng nhan đã vướng vào cuộc tình trường, mà nhiều lần Nhung tự xét, và tự thấy mình không hề yêu thương mù quáng.
Thôi thì anh cứ ngủ yên, không cần thiết phải lưu lại gì trên đời này nữa, vì chính anh đã thể nghiệm được lẽ tử sinh trước cuộc chiến tàn khốc không riêng ai, nhiều lần anh đã nói như thế rồi. Đau thương như vầy là quá đủ.
Những ngày hè còn lại, vài ba hôm Nhung về nhà Tâm thắp nhang cho anh, đi thăm mộ một mình. Bước đi về hơ hỏng chơi vơi, cô âm thầm sống với những kỷ niệm vỡ vụn, xem đi xem lại mấy tấm hình, cành hoa sim tím ép khô trong trang vở để mườn tượng rằng, Tâm vẫn luôn bên cô, dù anh đã đến và đi trong đời cô bất chợt như ánh sao băng.
Tình sống vài năm với An là tình nhớ. Tình sống võn vẹn vài tháng ngắn ngủi với Tâm là tình ghi khắc thiên thu. Có ai nghĩ rằng, hai người cùng hợp thành cơn bão đầy giông gió, không biết sẽ xô đẩy cuộc đời cô trôi dạt về phương nào giữa dòng đời thác lũ.
CHƯƠNG XII
M ấy tháng hè rồi cũng trôi qua, Nhung chuẩn bị vào Nha Trang nhận nhiệm sở. Sau khi mua vé máy bay, Nhung đánh điện cho Thu.
Những ngày đầu mùa thu ở thành phố sắp rời xa, Huế với những con đường thân thương bỗng trở buồn như người tình hắt hủi, lá phượng lá me thi nhau trút lá, như vẫy như chào.
Vì đâu mà sóng nước sông Hương không còn reo vui như khi hai người qua mấy nhịp cầu Trường Tiền với đôi tim hòa nhịp, bao nhiêu nhịp cầu là bấy nhịp yêu đương. Nắng bên bờ Đập Đá ngày nào rực rỡ là thế khi hai người chở nhau đến đó, thêm giờ phút gắn bó mặn nồng trước ngày xa Huế. Vậy mà giờ đây nắng vàng hiu hắt, đường phố thênh thang, đông chưa qua mà nghe lòng băng giá.
Huế sẽ chẳng cầm chân được ai trong ba người, mỗi người trôi dạt một phương. Những kỷ niệm gom góp sau cùng, những hàng cây vẫy tay chào tiễn biệt. Thôi cũng đành phải bắt đầu một hành trình mới lạc lõng xứ người.
Phi cơ từ Huế đến Nha Trang chỉ gần một giờ bay, bắt đầu qua vùng biển xanh bao la, mặt biển không xao động, bình yên phẳng lặng bát ngát dưới tầm mắt. Mây bềnh bồng trắng phau la đà bên cửa kính, cho đến khi xuất hiện vùng hải đảo xa xa, phủ nhẹ những dải mây trắng bay thấp nhởn nhơ la đà đẹp như tranh thủy mạc.
Thấp thoáng dải cát trắng dưới hàng dương xanh, tỏa bóng đến cuối tầm mắt, bờ biển trải dài gợn sóng xôn xao. Trên bờ, dưới nước, những người là người, nổi bật với đủ màu sặc sỡ của những chiếc áo tắm. Ý tưởng đông vui bắt đầu nhen nhóm khiến Nhung ngỡ ngàng, mắt đăm chiêu nhìn cảnh nhìn ngươi.
Phi trường ngay trong thành phố, chỉ cách biển một con đường. Xuống khỏi cầu thang máy bay, Nhung đã thấy Thu chờ sẵn ở dưới.
Hai người cùng về bằng xe Honda.
Thu nói :
- Mình đi hết vòng biển rồi về. Người nào mới đến đây cũng phải đi hết con đường biển này.
- Ấn tượng đầu tiên mà Thu, ngồi trên máy bay đã thấy biển đẹp rồi, dọc cả bờ biển không chỗ nào là không người, có cả Tây cả Mỹ.
- Mình là dân ở đây, còn mê biển huống gì ở đâu mới tới, thắng cảnh thế giới chứ bộ. Tây với Mỹ là mấy Nhung. Thu lập lại để Nhung cười.
Nhung không nói gì thêm, lặng ngắm hàng dương xanh nghiêng bóng trên triền cát. Thẳng tầm mắt trông ra là màu sáng trắng óng ánh của hòn đảo nhỏ không xa, lấp lánh như giác bạc. Nhung hơi thắc mắc về màu sáng chói ấy nhưng không hỏi han gì, định bụng sẽ từ từ tìm hiểu, chỉ hỏi Thu hòn đảo đó là gì. Thu nói đó là Hòn Yến, nơi chim yến làm tổ, mình ăn yến sào chính là ăn tổ yến đó Nhung.
Nhung đã hiểu và đang hít thở vào phổi làn gió hào phóng từ ngoài khơi đưa vào, nghe như có mùi hương biển ngọt lành, khác với gió ở những biển khác khi nóng khi lạnh. Đường biển người xe tấp nập, không vội không vàng, như đi dạo biển.
Xe dừng trước nhà Thu. Qua căn phòng khách rộng rãi, Nhung đi theo Thu lên lầu. Phòng Thu ở tầng một, phía trước, nhìn qua cửa sổ đã thấy dưới đường xe cộ qua lại đông vui.
Đặt hành lý xuống, Nhung nói:
- Tưởng hai đứa không được dạy cùng một chỗ, cũng may có nhà Thu ở đây.
Thu nói như dẫn chứng:
- Còn mấy giáo sinh ở Nha Trang nhưng nội trú phòng bên nên Nhung không biết, ở đường Độc Lập gần đây thôi. Nhung cứ ở đây, vài hôm nữa xem nhiệm sở chỗ nào rồi tính, anh Lâm lâu lắm mới về vài bữa. Cưới xong có mấy ngày là đi liền.
Sực nhớ, Nhung hỏi thêm:
- Sao Thu không ở nhà Lâm?
- Bên anh Lâm có nhiều người. Hai vợ chồng người anh với hai đứa con ở lầu trên, ba mẹ với hai đứa em còn đi học ở dưới, nhà chỉ một tầng, vì vậy mình xin về đây với anh Lâm, ba mẹ anh vui vẻ bằng lòng.
Thu nói thêm:
Nhà mình ít người, hai anh đã có gia đình hiện ở Sài Gòn, mấy chị đã lập gia đình đều ở nhà riêng, ở đây chỉ còn hai đứa em còn đi học, tụi nó ở lầu trên. Ban đêm đông đủ một tí, còn ban ngày lại vắng. Ba đi làm bên Quân nhu ngày hai buổi. Mẹ ngồi ngoài chợ cả ngày.
- Nhà Lâm gần đây không?
- Cách có ba con đường, đi loanh quanh chưa tới hai cây số.
Nhung cười :
- Vậy bồ dọn cho mình cái phòng phía sau cho rồi, ở tạm vài hôm.
- Được thôi - Lúc này anh Lâm bay suốt, lâu lắm mới về được vài ngày. Chuyển quân và lái trực thăng tiếp tế, ớn lắm.
- Mình ở vậy là vừa, phải không Thu?
- Mặt bồ mà ở giá, trời đi khỏi.
Câu nói của bạn khiến Nhung suy nghĩ. Cảnh lạ, người chưa quen. Con đường biển vừa đi qua như còn dư âm tiếng sóng, nghe như sóng vỗ vào lòng dư âm tình đã xa người, còn mang theo đến tận nơi đây.
Không phải đây là lần đầu tiên Nhung đến một thành phố lạ, mấy năm học xa nhà cũng đã quen, nhưng lần này mang thêm nhiều ý nghĩa, cô đang cần một khung cảnh mới, cần những công việc, tìm nguồn vui với đám học trò, và buồng tim cần thở một luồng không khí mới, không phải để tìm quên, chỉ mong được nguôi vơi.
Nhung nhận nhiệm sở ở một trường cách thành phố gần tám cây số. Việc tìm chỗ để ở lại nhiệm sở không khó vì các giáo viên trong trường đã biết rõ nhà nào thường là nơi ở tạm cho những giáo viên mới chuyển đến.
Nhà ông Ban ở gần trường, không rộng nhưng có sẵn một phòng dư, Nhung được giới thiệu đến đó.
Hai người con gái của ông Ban đã có chồng, chỉ độc nhất một người con trai nhưng đã lên chiến khu mấy năm nay rồi, nên nhà chỉ có mấy người. Ông Ban đã gần sáu mươi, sáng sớm vác cuốc ra đồng cùng với người con dâu chăm sóc mấy sào ruộng và vườn cây ăn trái, sau khi ăn no một bụng cơm do vợ ông dậy nấu lúc gà vừa gáy giấc đầu.
Hai đứa cháu nội, một đứa chín tuổi, đứa em bảy tuổi, chẳng đứa nào nhớ rõ mặt cha. Lúc đầu có ai hỏi, chị Huệ đều nói chồng đi làm ăn xa. Dư luận trong làng cho rằng con trai ông Ban đi theo cách mạng, lâu không thấy về chắc là chết rồi. Trong làng vẫn có vài người lên chiến khu cũng không thấy về, điều này cũng không sai.
Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay, thôi vậy cũng tốt, để được ăn yên ở yên với phía quốc gia. Nhà có thầy giáo cô giáo vô ra cũng được nể nang phần nào, nên ông ít bị chính quyền làm khó dễ. Mà chính quyền được gán cho là ác ôn kìm kẹp đủ điều, nhưng những việc truy dò như thế này lại hơ hỏng lơ là như vô tình.
Có những đêm khuya khó ngủ, Nhung bật nhỏ cassette nghe nhạc, bỗng nghe nhiều tiếng chân dẫm nhẹ lạc sạc và tiếng trao đổi khe khẽ ngoài rào, nhiều lần như thế. Những lần ngồi soạn bài, nghe dưới nhà vợ chồng ông Ban và chị Huệ trao đổi về việc du kích về làng hoạt động ban đêm. Thỉnh thoảng thấy chị Huệ nấu cả nồi xôi lớn, trút lên mâm, ghém lại thành từng vắt đặt trong lá chuối, rồi không biết mang đi đâu, chỉ để lại trong nhà chút ít ăn buổi sáng. Gia đình này chỉ sống với mấy sào ruộng chứ đâu phải mua bán gì. Sao lại có hiện tượng này?
Một buổi sáng Nhung đi dạy, khi vừa tới cổng trường, thấy một đám đông người đứng gần chân cầu bàn tán, ở đó có ba xác du kích nằm sắp hàng trên bãi cỏ. Vào trường, nghe các giáo viên kể, lúc đêm khuya, hai bên có bắn nhau khi lính quốc gia phát hiện du kích lợi dụng bóng tối đêm ba mươi bơi qua sông. Lính quốc gia chết một người đã chở đi.
Một lúc, đã thấy chị Huệ hớt hãi ra nhìn kỹ từng khuôn mặt ba xác chết. Thầy Hiệu trưởng cho kiểng học sinh vào lớp để khỏi bị giao động, ảnh hưởng đến việc học.
Nghe nói tháng vừa rồi, du kích về dẫn Minh, em trai của cô Hạnh lên núi. Minh đang học đại học năm thứ nhất, vừa mới về thăm nhà. Người anh ruột của Minh đang là Đại úy bộ binh quốc gia. Rồi hai anh em nhà cô Hạnh sẽ như thế nào đây, cũng không ai thắc mắc chi nhiều vì cũng đã có nhiều gia đình, anh em kẻ Bắc người Nam.
Nghe tin đó, mỗi buổi chiều, sau tiếng kẻng bãi lớp, giáo viên nam vội vã rú xe về nội thành, kể cả giáo viên địa phương cũng không dám ngủ ở nhà. Tình hình này lâu nay là như vậy, cũng không ai dám luận bàng. Chính Nhung cũng có một ông cậu (em bà ngoại) đã tập kết ra Bắc, làm việc ở Bộ Giáo dục ngoài đó.
Nhung kể chuyện tai nghe mắt thấy ở trường cho ba mẹ Thu nghe, ba Thu nói sẽ nhờ người bà con làm ở Sở Giáo dục chuyển về gần. Trường Thu dạy cách nhà chỉ ba cây số, dạy xong lên xe lam về ngay.
Được ba của Thu hứa hẹn nên Nhung cũng tạm yên bụng.
Mỗi tuần, sau buổi dạy thứ bảy, Nhung lên xe lam về nhà Thu. Nghỉ ngơi ăn uống xong, trời xấp tối là hai bạn chuẩn bị một ít bánh trái mang ra biển ngồi chơi. Trời vào thu nhưng khí hậu vẫn còn nóng, người thật đông ngồi hóng mát từ trên sân gần mặt đường, đến người bơi lội dưới nước giỡn đùa từng con sóng nhỏ.
Trên đường, các quán giải khát và quán bar, âm nhạc xập xình, lính ngoại quốc ra vào liên tục. Dân thường chỉ ngồi trên các ghế đá hoặc các quán nhỏ ít người. Bờ biển sáng rõ nhờ ánh đèn từ các quán nước chiếu xuống, thấy rõ từng đợt sóng lăn tăn. Trăng mười sáu vành vạnh treo trên ngọn hải đảo ngoài khơi, một lúc lại treo lơ lửng giữa trời đêm, một lúc lại treo nghiêng trên ngọn dừa cao, thật là quá đẹp và thơ mộng làm sao.
Đèn đánh cá ngoài khơi nối dài lấp lánh như thành phố đêm trên biển.
Nhung nói lên ý nghĩ :
- Đúng là thành phố biển, ra đây không xa, muốn đến muốn về lúc nào cũng được. Biển ngoài mình xa thành phố hơn mười cây số, một năm xuống biển đâu có bao nhiêu lần, trừ những người mê biển. Khi nào đi là tổ chức như một cuộc picnic với chị em trong nhà hoặc bạn bè. Nhiều lúc ở lại ban đêm mới ngắm được trăng treo lơ lững giữa trời, không đồi không đảo.
Thu nói thêm:
- Vào mùa nóng, ở đây đông kín người gần như không còn chỗ, họ mang thức ăn ra đây, ăn uống ngồi mát cho đến khuya . Biển đêm lúc nào cũng đông vui, nhìn cứ tưởng như đầu hôm.
Nhung nói vui :
- Không như thành phố đi ngủ sớm của mình. Chưa tới bảy giờ tối là phố xá đóng cửa, buồn hiu.
Thu chỉ tay ra bãi cát:
- Đó, người ta trải chiếu nằm cả nhà thỏa mái cho tới khuya, đó là chưa kể mấy cặp đôi hẹn hò, trai gái.
Nhung nhìn Thu, hỏi vui:
- Trước khi cưới nhau, Lâm và Thu chắc cũng thường ra đây tâm sự? Thu cười hể hả:
- Ui dà, búa lua xua, ai mà không khỏi ra đây. Một lúc Thu hỏi :
- Mình hỏi thật, ở đây khá lâu rồi, ra chơi đây nhiều lần, đã bớt buồn chưa?
- Làm sao mà hết được – hòa nhập như thế này cũng phải cần thời gian.
- Dù sao anh Tâm cũng đã mất rồi, cũng phải biết chôn chặt, không lẽ buồn mãi - Thu an ủi bạn.
- Biết vậy, nhưng anh Tâm đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên lắm Thu à.
Tâm chợt trở về với Nhung với hình ảnh đang hái cho cô những cành hoa dại trên đồi. Anh đã nói đúng. Những kỷ niệm đơn sơ nhất lại là điều đáng ghi nhớ nhất, như anh đang còn tắm dưới ngọn thác và nói chuyện Lưu Thần. Khó mà quên được.
Trong hoài niệm nhạt nhòa, Nhung nghe rõ tiếng nói của Thu :
- Đồng ý vậy, mình thương Nhung lắm, nhưng ở đây không khí vui vẻ, có chỗ vui chơi giải trí, chắc rồi sẽ vơi đi.
Thu tránh nhìn Nhung, nhưng trong tâm tư dâng lên niềm xót xa thương bạn. Thu cầm tay Nhung đứng lên, cho xe chạy thêm một vòng đường biển trước khi về nhà.
Những sáng chủ nhật tiếp theo, Nhung ra biển đón bình minh. Mặt trời đỏ ối tròn như trái banh khổng lồ trồi lên từ phía chân trời, rồi từ từ cao dần lên nép bên sườn núi, tỏa ánh sáng chói lòa giữa bao la biển nước, thành một thảm lân tinh óng ánh trải dài đến cuối tầm mắt. Nhung say sưa đứng ngắm.
Vài đàn én bay ngang tô vẽ thêm vẻ đẹp quyến rũ của biển sớm. Trời xanh, nước xanh, người người trên bờ dưới nước đã xuống đây từ sớm. Buổi chiều ra ngắm hoàng hôn khuất dần phía đảo xa, gió đại dương lồng lộng mát lành, người tắm nhiều hơn buổi sáng, chẳng khi nào biển vắng người.
Tất cả cuộc sống như ào tới đón chào, rộn ràng như không bao giờ dừng lại. Nhung vui lây, cũng nghịch đùa với cát, với sóng, với mấy chú còng chạy lạc. Thấy bạn vui, Thu thầm hiểu, thành phố này không phải chốn u buồn để Nhung chìm mãi trong quá khứ.
Tối chủ nhật, Thu và Nhung ngủ chung, tâm sự vài dòng rồi cả hai cùng ngủ, đi vào giấc mơ riêng. Sáng thứ hai, mỗi người về một trường. Nhung định mua xe máy để đi, nhưng nhớ lời Tâm dặn, sẽ rất nguy hiểm vì xe rờ-mọt của Mỹ thường di chuyển trên đường quốc lộ.
Hơn nữa, cô bắt đầu thấy thích khung cảnh làng quê, không khí trong lành, yên tĩnh. Nhiều lúc cô cũng viết được vài câu thơ tức cảnh tức tình, lòng thấy vui vui, tâm hồn lắng dịu.
Tuy vậy cô vẫn theo dõi tin tức mỗi ngày trên đài báo, chiến trường khắp nơi ngày càng khốc liệt, bộ đội chiến đấu rất kiên trì, quyết chiến quyết thắng cho dù đồng minh Hoa Kỳ mở nhiều chiến dịch đặc biệt với những trận bom kinh hoàng, nhưng vẫn bị mất đất giành dân.
Cũng vì sinh viên học sinh các tỉnh biểu tình chống chiến tranh, chống chính quyền, đuổi Mỹ về nước. Nổi bậc nhất là ở Huế, sinh viên học sinh toàn là cơ sở nội thành, lên đường xuống đường tranh đấu Phật giáo, biến loạn liên tục, chính quyền bất lực.
Hơn hai mươi năm dài nồi da xáo thịt, đổ biết bao xương máu nhưng hoà bình thì còn xa vời vợi, dân lành sống không yên, chỉ mong đến ngày không còn bom rơi đạn nổ, đất nước an bình. Cô chợt nhớ đến An đang ở trong quân ngũ, và cầu nguyện cho anh.
Những lúc rãnh rỗi sau giờ dạy, Nhung đến nhà vài cô bạn dạy cùng trường, đi dạo quanh làng với vài học sinh, xem dân quê gieo mạ, nơm cá. Chiếc nơm đặt kề miệng cống, chừng vài tiếng đã thấy cá quần quẫy đầy nơm. Những chị nông dân xắn quần nơm tép trên những ruộng nước lạnh cóng trong khí lạnh mùa đông.
Những con đường quê cỏ dại, những khu vườn nho nhỏ trồng đủ loại cây trái trông thích mắt, nhà nào cũng có đủ loại trái cây ăn quanh năm, bóng mát quanh làng.
Những đêm trăng tỏa sáng bàng bạc trên những mái ngói, mái tranh xen lẫn giữa những cây cau, hàng tre, soi tỏ con đường quê có những đôi trai gái đi bên nhau. Cảnh đồng làng vắng vẻ yên ả, nếu không có chiến tranh lấn sâu vào từng làng mạc, thì cuộc sống nơi đây sẽ thanh bình êm ả biết chừng nào.
Buổi sáng sớm, vừa thức dậy đã nghe tiếng chim ríu rít trên cành cao. Dọc đường tới trường, trên từng lá cỏ còn đọng những hạt sương trong suốt lung linh như chào đón ngày mới tươi sáng, trong lành. Nhung thấy yêu mến gần gũi nơi đây như đã ở từ lâu lắm. Vì vậy cô không còn muốn về Nha Trang mỗi tuần, mà có khi đôi ba tuần.
Mỗi lần về phố là cô nhớ mua một số sách báo để dành về trường đọc. Đối với cô, đây là điều cần thiết để tìm vui, để mở mang tri thức. Đôi lúc tình tiết những câu chuyện lại lôi kéo cô về miền ký ức, những nhân vật có cuộc đời đa đoan chìm nổi mặc cho sóng đời xô dạt, nhưng không chỉ riêng ai.
Sau đó lại có lúc trầm tĩnh rất lạ trước vắng lặng của khung cảnh, trước những trang sách gợi suy. Nhiều lúc lòng thấy nhẹ tênh như không còn ưu tư buồn bã, thanh thản thả dòng tâm tưởng lên xuống nhịp nhàng như những đợt triều, từ những tư duy triết lý hiện sinh,về trải nghiệm đời sống.
Thỉnh thoảng Nhung được phụ huynh mời ăn giỗ, cũng là dịp các vị cao tuổi lão làng giới thiệu một vài thanh niên con cháu của họ cho cô giáo. Có người cùng nghề dạy học, có người đang ở trong quân ngũ, nhưng cô hờ hững, trả lời qua loa như đã có chỗ có nơi rồi. Đối với cô, tình cảm không phải dễ dàng đặt để bất kỳ nơi đâu. Vài lần như thế, Nhung tự dò hỏi tâm tư mình, và vẫn còn nghe cảm giác e ngại của cánh chim hơn một lần trúng đạn.
Bây giờ trái tim đã qua đi những xúc động đầu đời, như đã cạn vơi đi tình cảm luyến ái. Hơn nữa, những tuyệt vời cô nhận được từ hai mối tình son sắt rạng ngời ấy, cũng đủ cho cô đau đáu một đời. Vì không ai có thể là An, không ai có thể là Tâm được nữa. Đau kín nhưng thắm đượm, mất rồi nhưng còn mãi. Từ đó cô lại càng khó khăn hơn với chính mình.
Thu qua đi, đông lại tàn. Tết đến, Nhung về Huế thăm nhà. Nhiều lần đi qua những con đường quen, phố vắng mùa đông mênh mang mưa rơi. Vào ngồi quán nhạc, nghe Tuấn Ngọc “còn đó biết bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vơi…”, lòng cô chùng xuống theo cung đàn trầm lắng. Dù không giữ được nhau nhưng không oán trách một lời, bởi người xa vắng rồi, tình như gió thoảng mây trôi.
Hết mấy ngày tết rồi lại ra đi, dù không muốn rời xa ba mẹ và các em, nhưng cũng phải tiếp tục cuộc dấn thân như hạt bụi cuốn theo chiều gió, bởi cô cảm nhận đời mình như một định mệnh, phải đi, và không thể là loài chim di trú nơi này.
Vào đến Nha Trang, trước khi về trường, Nhung ở lại nhà Thu, biếu mấy gói mè xửng và hạt sen khô. Thấy bụng Thu hơi lớn, Thu nói sẽ sinh vào tháng hè. Nhung ở lại chơi thêm một ngày, mua thêm một ít sách báo để dành về trường đọc. Ba Thu nhắc lại lời hứa, sang năm sẽ xin cho Nhung về gần hơn.
Thu hỏi thăm Nhung về những ngày tết ở Huế, Nhung kể lại một vài tình cảm ấm áp khi về ăn tết với gia đình, cô còn nhớ đến mẹ, miệng cười tươi vui nhưng mẹ cố giấu nỗi buồn trong khoé mắt.
Thu nói thật lòng:
- Rồi mọi sự cũng qua đi, chờ khi nào bồ chào thua nỗi buồn, mình sẽ giới thiệu cho một chàng.
Nhung rùn vai:
- Chuyện đó cũng không khó khăn chi, ở trường cũng có người muốn làm thân nhưng …
- Nhưng thế nào? Thu hỏi để tỏ rõ tình ý của bạn.
- Quan trọng là có hiểu nhau hay không, mình thấy ai cũng xa lạ, nhất là lính, mình ngại lắm, chưa thấy mặt mũi đã không muốn gặp. Kỳ này mình về trường ở lại luôn tu kín, hay là lên núi theo cách mạng.
- Nói thiệt hay giỡn vậy Nhung? Thu nhấn mạnh – Hè này tui sinh nghe bồ, nhớ thỉnh thoảng lên về, có chi giúp giùm, không thể ăn nói vớ vẩn được. Ở Sư phạm thấy bồ đan thêu giỏi lắm, định nhờ đan giùm áo len và vài đôi tất cho em bé. Dân Nha Trang như mình không rành việc này đâu. - Được thôi, mình sẽ đan xong sớm.
Có công việc của Thu giao cho, Nhung thấy thời gian qua mau. Nghĩ đến em bé, đến ngày Thu làm mẹ, niềm vui lan theo mỗi lần thấy bụng Thu ngày càng lớn. Loay hoay lại sắp đến hè, Nhung chưa vội về, ở lại chờ Thu sinh xong, phụ giúp cho hai mẹ con gần nửa tháng.
Trong thời gian bận dạy dỗ thêu đan thì quên chuyện nhớ quê nhớ cảnh, nhưng khi rãnh rỗi thì rất nhớ ba mẹ, nhớ các em, nhất là em Thúy. Cô biết mẹ rất mong cô về, mẹ hiểu hết nhịp điệu buồn vui trong trái tim con gái, bởi mẹ tận mắt chứng kiến đầy đủ từ đầu đến cuối hai cuộc tình đầu đời của Nhung, trong lòng vẫn còn đọng lại tình cảm xót thương hai chàng rễ hụt.
CHƯƠNG XIII
N ghỉ xong hè, Nhung vào Nha Trang thì con Thu đã ngồi được, em bé thật bụ bẫm, kháu khỉnh. Nhung ở lại với Thu mấy ngày, ẳm bồng nựng nịu em bé không chán. Nhìn bạn âu yếm con mình, Thu nghe lòng xót xa, nếu Tâm còn sống, giờ này Nhung cũng có em bé ẳm bồng như Thu rồi. Hình ảnh đứa bé nhắc nhở cho Nhung điều ao ước của Tâm trong những phút giây gần gũi, với câu nói như còn đâu đó, khiến tim cô đau thắt. Cuối cùng, những ngày ngắn ngủi bên nhau, anh hoàn toàn mất trắng, chẳng có gì lưu dấu, còn chăng chỉ là lửa tàn than mọn.
Thấm thoắt đã xong học kỳ một, thời gian khá rãnh rỗi. Con Thu đã đi chập chửng, thích được ngồi xe chở đi ra đường, Thu nói phải mua cái ghế nhỏ gắn nơi xe để chở bé đi chơi.
Sau buổi cơm tối, Thu chở Nhung và em bé ra biển. Thu đứng bên đường ẳm con chờ Nhung gởi xe, bỗng nghe có tiếng gọi từ mấy bàn ăn gần đó :
- Thu – cô Thu.
Thu nhìn tới và chợt kêu lên :
- Trời, anh Định - về hồi nào vậy?
- Mới về hôm qua, Thu vào đây uống nước luôn. Chà, đã có em bé ẳm rồi, nhanh quá.
Nhung gởi xe xong đến gần, Thu giới thiệu:
- Đây là anh Định, anh Hòa, bạn thân của anh Lâm.
- Định với Hòa tính đến thăm hai người đây, nhưng ngang qua biển sẵn ngồi chơi một tí. Sao cô Thu, Lâm có về tết không?
- Không, phải bay liên tục.
Định kéo thêm ghế cho hai người ngồi, Hòa đến quầy gọi thêm hai chai nước ngọt.
Hòa về đến chỗ, Thu giới thiệu :
- Đây là Nhung, bạn của Thu, cùng khóa.
Hòa tự tay rót nước ngọt vào ly cho hai cô.
Thu nhìn Định thắc mắc:
Lính cấm trại hết, tết có ai về được mà anh Định về ?
- Về phép hẳn hoi cô Thu à – Định vỗ tay vào túi áo - Tết này xin phép về cưới vợ.
Thu cười lên mấy tiếng:
- Xạo quá, về cưới vợ mà giờ này còn ngồi nhậu.
Định chưa kịp trả lời thì Hoà lên tiếng :
- Lâu lâu anh em gặp nhau, vợ thì vợ mà nhậu thì nhậu một tí không sao. Cận tết thế này mà cưới với hỏi, ông Định nói đùa đó, hai cô đừng tin.
Thoạt nghe giọng Huế trọ trẹ của Hòa, Nhung hơi nhíu mày ngạc nhiên. Không rõ con người này thế nào mà bào chữa cho Định với cái giọng điệu có vẻ gàn gàn. Có điều, tiếng nói có pha phách nhẹ nhàng chứ không như tiếng Huế rặt, chắc hẳn người này đã ở đây khá lâu.
Hoà cầm bàn tay bụ bẫm của em bé, lắc lắc:
- Cô Thu thấy Định với Hòa dỡ hơn Lâm chưa ? Lâm đã có em bé rồi mà bọn này vẫn còn lêu bêu. Nói xong Hòa nhìn sang cô gái lạ, cũng là một cách tự giới thiệu mình còn độc thân.
Thu bật cười:
- Tại mấy anh chưa muốn chớ người đẹp thiếu gì. Anh Định để cho Hương chờ mãi, hơn hai năm rồi, tình yêu kiểu gì lạ vậy anh Định. Định nhướn mắt lên :
- Cũng không có gì lạ đâu, tại Thu chưa biết đó thôi. Không ai có được tình yêu bền bỉ như Định với Hương, cũng có lý do.
Nhung nghe hơi lạ nhưng không dám tham gia câu chuyện, chỉ lắng nghe thử vì lý do gì. Có lẽ do Định hơi cà gật vì mới uống xong mấy chai.
Hoà xen vào câu chuyện :
- Bữa nay Định nói năng hơi khó hiểu, mình đây còn thắc mắc huống gì cô Thu - Thật tình mà nói, Hương đợi ông khá lâu rồi đó, nếu là tôi, chắc không đủ kiên nhẫn bắt người ta phải chờ đợi lâu vậy.
Định châm xong điếu thuốc, trả lời:
- Đó, thấy chưa, ông mau mắn vì ông yêu là cưới, nhưng mà sao giờ này vẫn còn ở không? Còn tôi á…vừa có giấy phép chuyển về làm văn phòng đây, mới dám nói chuyện vợ con, nhưng cũng vài tháng nữa. Hương đồng ý chờ lâu vì tôi hay kể chuyện quân đội chết trận quá nhiều, cứ hẹn để yên yên, nhưng biết khi nào yên. Lính chiến đi trận mãi cũng sợ lỡ có bề gì làm khổ người ta, con gái mới lấy chồng đã thành quả phụ.
- Ai xin cho về? Hòa hỏi.
- Cũng do may mắn thôi. Trong đợt xét hồ sơ vừa rồi, tự nhiên cấp trên ký quyết định cho về.
Hòa ngẩm nghĩ một lúc:
Cũng vì ông có hai cái chứng chỉ, cho ra chiến trường thấy tội.
Định bào chữa:
Nhiều tướng tá có bằng cấp tới gì cũng phải ra trận, mình nghĩ là nhờ may mắn mà thôi – Định đưa cao ly bia – bây giờ hãy nâng ly chúc mừng cho Định.
Hòa cầm chai bia hỏi Nhung :
- Cô Nhung uống bia nghen?
- Đừng anh Hòa, Nhung không biết uống bia – Nhung nhẹ giọng từ chối.
Hoà chú ý nhìn Nhung sau câu nói đó và galant một câu :
- Không sao đâu cô Nhung, có gì bọn này sẽ đưa cô về. Không ngờ lại gặp người đồng hương ở đây, cô Nhung người Huế?
Nhung chỉ cười. Thu giới thiệu rõ hơn:
- Huế chính gốc đó anh Hòa, biết đâu “hữu duyên thiên lý ...”
Định uống cạn ly bia, nhìn Hòa chỉ cạn nửa ly. Định hơi ngạc nhiên:
Sao Hòa không uống hết? Bữa nay thấy có vẻ ít át, thường ngày đâu có vậy.
Hoà đáp từ tốn:
- Thì cũng chúc mừng cho ông, nhưng hôm nay tôi cũng không được uống nhiều, dù sao cũng phải lịch sự trước người lạ, phải không cô Nhung?
Nhung chỉ mỉm cười gật đầu.
- Cô Nhung có vẻ kiệm lời. Các cô gái Huế thường ít nói, mới nhìn dáng vẻ là tôi đã ngờ ngợ rồi.
Định góp cười:
Mấy người còn độc thân họ hay có cái nhìn ngờ ngợ lắm, phải đề phòng nghe cô Nhung.
Ai cũng bật cười theo câu nói của Định.
Hòa tô vẽ thêm:
Được gặp cô gái Huế, người của sông Hương núi Ngự, làm tôi nhớ Vỹ Dạ, Nam Giao…
Chưa diễn đạt hết ý, Định vội ngắt ngang:
- Hoà bắt đầu làm thơ đó cô Nhung, ông ấy có tâm hồn lắm, hay đọc thơ Hàn Mặc Tử, Apollinaire, Verlaine…cho bọn này nghe. Mà tôi đã giới thiệu với cô Nhung, Hoà là thầy giáo chưa. Bộ ba của bọn tôi có lọt vào một nhà mô phạm rất chịu… nhậu.
Tất cả lại cười. Không khí trở nên cởi mở. Thu giải thích với Nhung :
- Tại lúc trước ba người cùng học một lớp nên rất thân nhau. Thôi mình về kẻo em bé sắp ngủ.
Hoà nói với Định:
- Thôi, ta đưa hai cô về.
Bốn người ra chỗ gởi xe, Định đưa ý kiến :
- Hòa chở cô Nhung để Thu chở em bé cho nhẹ xe, tôi đi xe của tôi. Nghe vậy, Hoà mau mắn dắt xe ra đường, ngồi lên yên chờ Nhung. Thu nói thêm:
Nhung để anh Hòa chở không sao đâu, uống chừng đó mà nhằm nhò gì.
Nhung không ý kiến, lên ngồi yên sau. Thái độ của Hoà không gây được cảm tình nhưng cũng khiến cô thấy vui vui.
Qua một đoạn đường hơi xóc, Nhung lúng túng níu lấy lưng áo Hoà.
Anh lên tiếng :
- Không sao đâu Nhung.
- Coi chừng té anh Hòa – Nhung cẩn thận nhắc khéo.
- Nhung đừng sợ, mười Nhung anh chở cũng không sao - Hoà nói có vẻ hơi bông lơn khiến Nhung tức cười.
- Vậy là có lần anh chở mười cô?- Nhung vui vẻ đùa lại, nghĩ bụng con người nầy có tính ưa bông đùa.
- Đó chỉ là ví dụ - Hoà nói trớ - Giờ này tĩnh táo lắm chứ đừng nghĩ Hòa say, để chở Nhung ra biển lại một vòng xem có sao không.
- Sắp đến nhà rồi còn đi đâu nữa - Nhung phản đối.
Hòa thắng xe trước cửa nhà Thu, nói lớn cố ý cho Thu nghe:
- Ngày mai Hòa đến, đi uống nước dừa.
Nhìn Nhung một lần nữa Hoà mới quay xe.
Tối lên giường, Thu nói với Nhung:
Lúc nãy có nghe anh Hòa nói mai trở lại, không biết đi một mình hay đi với anh Định ?
Nhung hỏi :
- Thu có biết nhiều về anh Hoà không, bạn thân của anh Lâm mà. Mình cũng nên biết chút ít lỡ mai anh Hòa đến cho dễ nói chuyện.
Thu hơi thắc mắc :
- Thường thì mỗi khi có anh Lâm, thỉnh thoảng ba người về đây nhậu, nay anh Lâm không có, nếu mai anh Hòa trở lại một mình chắc là có ý gì rồi.
- Chẳng ba người hay nhậu nhẹt lắm? Nhung dò hỏi.
- Cũng lai rai mỗi khi có dịp gặp nhau.
- Mình thấy hai ông có vẻ tửu lượng?
- Người nào sức uống cũng khá, nhưng không mấy khi say sưa. Anh Hòa quen với Trang khá lâu, nhưng không rõ sâu đậm thế nào. Ai cũng nghĩ sẽ tiến tới nên mình không tìm hiểu, thái độ vừa rồi của anh Hòa cũng khiến mình suy nghĩ.
- Là sao?
- Anh Hòa có cái nhìn và cách nói hơi khác chắc là có ý gì rồi. Nếu Nhung có chồng con như mình thì lời nói cử chỉ Nhung sẽ khác, không khiến anh Hòa lưu tâm, ngó vậy chứ họ có cái nhìn sành sõi lắm. Hôm qua thấy anh mau chân ra xe ngồi sẵn để chở Nhung, nhớ không, còn dặn mai đến.
Nhận xét của Thu khá chính xác, Nhung cũng nghĩ vậy, nhưng vẫn thắc mắc:
- Anh đang quen Trang mà.
- Biết đâu, nhiều khi vẫn có bạn gái, nhưng khi quyết định lấy vợ thì muốn chọn người hợp ý hợp tình. Thường mấy ông uống nhiều hơn nữa chứ ăn nhằm gì chừng đó. Anh Hoà là bạn thân của anh Lâm, Nhung là bạn thân của mình, cũng là người thân cả, không thể nào anh Hoà có thái độ như vậy là quá vội vàng.
Nhung nói xuôi :
- Mình cũng nghĩ như vậy. Thật ra, có nhiều điều khó hiểu hơn nhưng mình vẫn hiểu ra, còn chuyện này thấy hơi lạ. Thôi cho qua đi, đừng quan tâm nữa. Ngủ đi Thu.
Sáng hôm sau, khoảng chín giờ Hoà đến, thái độ vui vẻ tự nhiên. Thấy Hòa đến một mình, Thu ra tiếp rất vồn vã. Thật lòng, ý Thu muốn Nhung vui nên sốt sắn tiếp Hòa. Nhung bưng ly nước ra, Hòa đưa tay đón lấy.
Làm như mình là chủ nhà, Hòa mời:
- Nhung ngồi đi.
Thu nói qua loa vài ba câu rồi ra sau trông em bé, có ý để hai người nói chuyện. Hoà có dịp bộc lộ một vài chuyện liên quan đến nghề nghiệp dạy học của anh, hỏi han một ít về giờ giấc đi về của Nhung. Ý Hoà thích làm lính bay nhảy như Lâm, như Định chứ không thích nghề dạy học mà anh cho rằng hơi khuôn khổ.
Hiểu một phần nào tính cách của Hoà, Nhung dò hỏi:
- Anh Hoà có vẻ thích bay nhảy?
- Không phải vậy, nhưng ít thích gò bó công thức.
- Bây giờ mà còn thích đi lính tức là khá gan dạ.
Hoà dứt khoát :
- Sống chết còn do may rủi. Hòa có hai anh trai đi lính rồi, nên muốn cũng không được, mỗi lần nói tới là mẹ khóc, nếu không Hòa đã vào Không quân rồi.
Nghe đến Không quân, Nhung chợt nhìn đôi chân dài của anh đang vắt chéo nhau dưới bàn, và suy nghĩ, mỗi người có một bản tính khác nhau, nhưng cá tính của Hoà có vẻ hơi năng động. Lính tráng đang chết như rạ, Tâm của cô cũng đã ra đi. Hòa lại muốn dấn thân vào. Qua cách nói chuyện, Nhung có cảm tưởng anh như người quen thân đã lâu. Tiếng nói của anh trầm ấm, dễ gây cảm tình nơi người nghe, tạo được sự gần gũi, nên Nhung cũng bớt đi sự dè dặt.
Khi Thu bồng em bé trở lên, Hoà nhắc lại lời hứa hôm trước :
- Hoà mời Thu với Nhung đi uống nước dừa.
Thu từ chối khéo :
- Thôi để Thu ở nhà, có em bé đi không tiện. Anh Hoà với Nhung đi đi.
- Em cũng còn bận một số công việc - Nhung ngần ngại từ chối.
- Nhung có việc gì phải bận đâu?
Biết Hoà rõ mình không nói thật lòng, Nhung đáp:
- Nhưng mà, thôi để lúc khác.
- Chiều nay được không ?
- Để xem.
Hoà nhìn Nhung với đôi mắt thân tình lẫn chút hài lòng vì anh đã hiểu “để xem” tức là bằng lòng.
- Chiều nay khoảng sáu giờ anh đến?
Thấy Nhung không nói gì thêm, Hoà vui vẻ đứng lên và lên tiếng chào Thu.
Gần sáu giờ chiều, Hoà chở Nhung đi vài vòng qua các đường phố, xong ra tới biển thì trời sắp tối, anh dừng xe trước một quán nước. Hoà gọi nước dừa xong, mắt nhìn mông ra khơi, muốn nói gì đó để bắt đầu câu chuyện, nhưng anh chỉ vu vơ tả cảnh.
Nào trăng hôm nay lên sớm, mới đầu hôm đã treo trên đỉnh ngọn đảo ngoài khơi xa khiến cảnh biển trở nên huyền ảo. Nào hôm nay mười bốn, đêm mai rằm chắc là trăng tròn và đẹp hơn. Nào Nhung có hay ra biển. Ra đây với ai ? Rồi đưa tay chỉ ra xa -Tàu đánh cá ngoài khơi vừa mới lên đèn, Nhung thấy đẹp không?
- Giống như thành phố nổi. Nhung trả lời.
- Vậy là đã có cái nhìn giống nhau rồi, thành phố nổi nhưng trong suốt, không bị khuất lấp, rất thích nhìn.
Rồi anh lại hỏi nhà Nhung ở Huế đường nào, hiện đang dạy ở trường nào.
Anh muốn suy nghĩ điều gì thêm để nói nhưng chưa nghĩ ra nên im lặng một lúc lâu, sau đó nói vài điều gì đó, nhưng hình như tiếng nói loãng vào làn gió thoảng bay đi mất, chỉ để lại âm thanh loáng thoáng. Không phải Nhung không chú ý nghe, nhưng dù không nghe rõ cũng đoán biết Hòa đang nói những lời tả cảnh biển mà thôi.
Kiểu ngôn ngữ này Nhung cũng đã từng nghe, và nhận biết rằng, khá lâu, bây giờ mới ngồi với một người thanh niên gần gũi như thế này, cũng bớt đi sự lẻ loi, và biết Hoà đang muốn chứng tỏ tình cảm thân thiện, dù chỉ mới biết nhau.
Tuy vậy, cả hai bình thản ngồi bên nhau, không trao đổi gì thêm. Đôi lúc Hòa có những khoảng im lặng nhìn mông lung trời biển mà không biết khơi thêm chuyện gì. Hóa ra, người như thế mà vẫn có lúc kẹt đề tài. Nhung cũng ít nói, nhưng để xoá sự yên lặng, cô lên tiếng:
- Nghe Thu nói anh dạy ở Tuy Hòa?
- Anh đang là Hiệu phó ở đó.
- Anh ra đó lâu chưa?
- Hơn ba năm, hết năm nay đủ thâm niên xin chuyển về Nha Trang. Khi nào rãnh rỗi, Nhung về nhà anh chơi?
- Anh vào đây lâu chưa ?
- Cũng khá lâu rồi, ba anh chuyển vào đây làm việc ở Bưu điện. Lúc đó anh đã xong cấp hai trường Quốc Học. Hai người anh đã vào lính, có vợ con rồi. Anh đầu ba đứa con, anh sau hai đứa - Hòa sơ lược thêm về người chị đã có chồng, gia đình đang ở Sài Gòn. Ba anh đã mất cách đây ba năm.
Rồi Hòa nhìn lên mặt trăng đã rời xa ngọn đảo ngoài khơi, treo tròn trên ngọn dừa cao ven biển. Ngàn vì sao nhấp nháy ánh kim cương, thỉnh thoảng một ánh sao băng thả rơi những tia sáng chớp li ti giữa không gian, biển đêm thêm phần huyền ảo. Trên bờ, rặng liễu khẽ lay trong làn gió nhẹ.
Và bằng lời lẽ tế nhị, Hòa đã gõ được cánh cửa lòng của Nhung, kèm theo vài cử chỉ dịu dàng. Có lẽ anh thấy mình và Nhung không còn ở tuổi mới lớn để phải có những câu tỏ tình non nớt. Đọc được ý nghĩ của Hoà, Nhung cũng thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, dễ chịu, cho đến khi Hoà cầm tay cô đứng lên.
Những ngày cuối tuần tiếp theo, Hòa về trường Nhung chở cô về phố. Buổi tối ngồi ở biển với những trao đổi về sở thích âm nhạc, phim ảnh, sách truyện, rồi lưu luyến chia tay. Lâu dần, rồi điều cuối cùng cũng được khơi gợi, dù bình thường như mọi điều bình thường khác, nhưng là ý nghĩ chung của cả hai người, là chấp nhận tình cảm lâu dài.
Gặp Nhung rồi, Hòa cảm nhận đây chính là nửa phần đời anh muốn tìm, trầm tính, từ tốn trong lời nói, không đi đứng hấp tấp, nói cười rộn ràng như Trang. Cũng tại anh thường nghe mẹ nói “con gái chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy là người vô duyên”.
Anh đề cập đến một vài ý định trong suy nghĩ bấy lâu:
- Lâu rồi anh không về Huế, chắc năm nay về ăn tết quê hương.
- Anh còn bà con ngoài đó không?
- Sau Mậu thân, bà con đi xa khá nhiều, lên Đà Lạt, vào Đà Nẳng, nhưng vẫn còn gia đình ông chú và bà dì ngoài đó.
- Vậy tết này về Huế cho vui, có chỗ ở lại rồi - Nhung gợi ý.
Hòa đưa mắt cười tình:
- Không, anh sẽ ở lại nhà em.
Bốn mắt nhìn nhau và trao nhau nụ cười đằm thắm, cũng là lý do để Hòa cầm bàn tay Nhung đặt vào lòng mình :
- Anh không nghĩ rằng… mình sẽ lấy vợ Huế.
- Vậy lâu nay đã đón đưa ai? Nhung thăm dò.
- Thì cũng có, nhưng chỉ đưa chứ có đón được ai đâu.
- Coi vậy mà khéo chọn.
- Không phải, cũng tại trời cho gặp được em, anh rất mãn nguyện.
Câu nói thật lòng biểu lộ được ước mong thầm kín trong lòng anh. Nhung cũng tự hiểu rằng, chính tâm tư mình cũng như anh, không quen nghe tiếng xứ người, ở chung cũng là điều khó hòa hợp. Đó cũng là điểm hợp nhất trong cuộc ngẫu nhiên này khiến cả hai cùng tâm đắc.
Câu chuyện trao đổi trở nên thân mật :
- Cả tuần nay công việc ở trường em thế nào?
- Cũng bình thường.
- Buổi tối có ngủ ngon không ?
- Thì cũng ngủ bình thường.
- Cái gì cũng bình thường - Hòa cười theo, ánh mắt xa xăm - Anh lại khác, thấy hơi khó ngủ.
- Sao vậy ?
- Tại suy nghĩ bâng quơ – Hòa nhìn sâu vào mắt Nhung - thấy một tuần thật dài. Mình đi dạo một vòng đi em.
Hòa đứng lên, đưa tay ra, Nhung cũng đưa tay cho anh nắm. Hai người đi cạnh nhau gần bờ nước, từng đợt sóng nhẹ không xô tới chân, chỉ khỏa nhẹ lên bờ cát rồi rút đi thật êm, bọt sóng tan nhanh, trả lại lối đi mịn màng.
Cứ thế đi được một quãng xa, khi quay trở lại, chợt Hòa cầm tay Nhung bắt qua sau lưng mình. Nhung im lặng đi theo anh chầm chậm, bất chợt nghe cảm giác một vòng lưng không đầy đặn so với bề rộng của chiếc áo sơ-mi. Đúng là thầy giáo gầy.
Đi lên đi xuống vài vòng hai người trở lại ghế ngồi, Hòa ôm qua vai Nhung, hình như anh tự mình tiến hơn một bước sự thân thiện khi biết ý Nhung cũng muốn đón nhận cử chỉ này.
Mặt biển bát ngát ngoài kia hình như là chỗ dừng của đôi tầm mắt, dào dạt bao la làm cho lòng người xao xuyến, nhưng cả hai đều nhận biết, có chăng là sự vươn lên trong tình cảm với niềm mong ước được lâu dài, mặc dù tình cảm nảy nở này chưa từng được bón xới nuôi dưỡng trên một khu vườn yêu đương tươi xanh, chưa từng được tưới tẩm từ nhiều tia nước suốt trong tinh khiết. Nhưng bằng sự nhạy cảm, chính Hòa cũng nhận thấy anh đang có, đang đạt một ước muốn sắp được hình thành. Và Nhung, cũng đang tin tưởng anh sẽ là nơi đáng tin cậy để trao đặt đời mình.
- Nhung đang nghĩ gì vậy ? Hòa hỏi.
Nhung không trả lời, chỉ mỉm cười.
- Cũng cười chứ không trả lời. Hôm trước vừa nhìn thấy em, tự nhiên anh nghĩ em đang một mình, nhưng chắc đã có người thương yêu, và em cũng đã yêu. Phải không?
- Em không biết yêu – Nhung đùa.
- Không biết yêu hay không muốn?
Câu nói lấp lững của Hòa đầy ý nghĩa, gần như một biểu cảm cùng tâm trạng giữa cả hai người. Và khoảng lặng trong chốc lát như để Hòa và Nhung cùng nhận ra rằng, lời anh vừa nói ra cũng chính là sự đồng cảm chung. Ở tuổi này mà nói chưa qua một lần yêu là không thật.
Hòa tiếp lời :
- Anh nói vậy em đừng suy nghĩ chi nhiều. Anh cũng vậy, bạn gái vẫn có đó, nhưng một người vợ hợp tình hợp ý là điều khác, sống chung cả một đời. Tuổi chúng ta đã trưởng thành, cũng không nên khép kín quá.
Im lặng một lúc, Nhung hỏi:
- Vậy anh với Trang thế nào?
- Sao Nhung biết ? Chắc nghe Thu nói.
- Chuyện có gì bí mật đâu mà không biết, thì cũng là Thu nói, nên em rất ngại.
Hòa hiểu ý, cười phân giải :
- Thì ở tuổi này ai mà chẳng có quá khứ, nhưng mà anh không còn với Trang nữa, chuyện qua rồi.
Nhung chỉ cần chính cửa miệng Hòa câu nói ấy, và không hỏi thêm tại sao. Theo lơi Thu, Nhung biết Trang cũng được người nhưng có lẽ không vừa ý Hòa một vài điểm nào đó, lại hơn Hòa mấy tuổi, ít khi thấy hai người thân thiện.
Nhung nghĩ thầm, người con gái nào cũng tự đánh giá được ưu và khuyết điểm của mình, biết điều để tự ty và biết điều để tự tôn. Nhung cảm tưởng mình có lẽ là người vừa ý với Hòa, vì nhìn qua dáng dấp phong cách cũng biết Hòa không thiếu gì bạn gái, bây giờ chưa vợ cũng do anh nhiều đắn đo cân nhắc. Một phần cũng do duyên số, cô rất tin vào số phận.
Với sự hiểu biết không còn non trẻ, chỉ cần trao đổi đôi lần, thoáng vài cử chỉ là như thấy rõ được lòng dạ nhau. Hình như Hòa cũng nghĩ như vậy, anh biết mình sẽ phải làm gì, và hiểu Nhung cũng đang cần một nơi để đặt tình cảm, gởi gắm đời mình, người đó là anh.
Trước khi đứng lên, Hòa nói thêm:
- Em đừng suy nghĩ gì nhiều nghe Nhung. Mọi chuyện hãy cho qua hết đi.
Dừng xe trước nhà Thu, Hòa hẹn Nhung sáng mai chủ nhật.
Đúng hẹn sáng chủ nhật, Hòa đưa Nhung đi Hòn Chồng. Từ ngoài đường, hai người bước qua nhiều tảng đá lớn nhỏ gập ghềnh mới ra tới Hòn Chồng, cảm giác vui như còn tuổi nhỏ, gió biển từ ngoài khơi lộng vào phơi phới. Hai người cùng nhảy tránh những đợt sóng đập vào bờ đá, nước bắn lên tung tóe, vài chú dã tràng chạy lạc trên bờ cát vừa lên thủy triều, Nhung bước chậm trên những phiến đá, hít thở không khí mát lành, tận hưởng giây phút nhẹ nhàng thư thái.
Hòa ngồi cạnh Nhung trên một phiến đá, mắt nhìn nghiêng về hướng dãy núi trải dài ngoài khơi xa, có dáng nằm của một phụ nữ, anh nói đó là núi Cô Tiên.
- Anh đã ra đó chưa ?
- Ai mà dám qua đó. Hòa lắc đầu
- Sao vậy?
- Ai mà chẳng biết đó là căn cứ của mấy “ông”.
- Mấy dãy núi liền nhau, cũng có thể là căn cứ của họ.
- Nghe nói lính Quốc gia có hành quân qua, nhưng không nghe có đánh nhau bên đó.
- Vì sao?
- Có thể cả hai bên đều không muốn đụng trận.
- Là sao ?
Câu hỏi của Nhung cũng là cái cớ để Hoà ôm cô sát vào mình:
- Em cũng thích nói chuyện chính trị? Rồi anh tiếp tục giải thích - Chiến tranh có nhiều cách của nó. Nhiều khi lính Quốc gia hành quân đi qua, biết đó, nhưng đôi khi tránh chạm nhau, bên kia cũng vậy. Đánh nhau nhiều quá sẽ gây thêm chết chóc đổ máu. Chuyện chiến tranh nhiều lúc khó hiểu, nhưng cũng dễ hiểu nếu biết suy diễn, chiến tranh kéo dài quá rồi, không chỗ nào yên.
Có lẽ đây là suy nghĩ của Hòa mà cũng là suy nghĩ của tất cả. Mọi người mọi giới đang ở trong tình trạng lo lắng đợi chờ một trong những giải pháp hòa bình từ các diễn biến thời cuộc.
Hòa chỉ mấy con còng chạy nhanh trên cát, nói lãng sang chuyện khác :
- Anh sắp có quyết định chuyển về Nha Trang.
- Ba của Thu cũng hứa sẽ xin cho em về gần.
Công việc tạm ổn định khiến hai người thấy thỏa mái, tương lai trước mắt khá ổn định. Chỉ còn chờ thời gian để hợp thức nếu mọi việc chìu theo lòng người.
Vài phút yên lặng bên nhau. Mây trắng trên đầu trôi chậm, vẽ ra nhiều hình dáng khác nhau trông thật đẹp. Từng cụm mây bông nõn tan ra rồi hợp lại lượn lờ quyện cao dần trên bầu trời xanh mây, xa xa ngoài khơi là những hòn đảo nhiều hình dáng, tô điểm thêm vẻ đẹp trước mắt nhìn. Ở đây đủ lứa đủ đôi, thiên nhiên rộng mở, nhìn những đôi trai gái tự tình, Nhung nghe lòng mình ấm áp, một cảm giác mơ hồ vừa chớm.
Hòa cầm tay Nhung đưa lên, không siết chặt như thường khi, mà làm một cử chỉ khiến cô ngạc nhiên. Anh gỡ chiếc nhẫn vàng trên ngón út của mình, xong nhẹ nhàng đeo vào ngón áp út của Nhung, kèm theo lời nói :
- Anh gởi ... em đeo giùm.
Nhung xúc động nhìn ngón tay đeo nhẫn của mình. Bốn mắt nhìn nhau, không lời nói nhưng cùng hiểu rằng, đây là một lời giao ước đính hôn, không phải trao đổi lời qua tiếng lại như tuổi trẻ mới biết yêu.
Hòa ôm Nhung sát vào ngực mình. Nắng vàng in bóng hai người trên biển sớm, tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng, gió chan hòa thoang thoảng như ru.
Ngồi thêm một lúc, nắng lên cao dần, nhìn nhiều người đã trở vào các quán tránh nắng, gió bắt đầu thổi mạnh.
Thôi mình về em. Hòa cầm tay Nhung đứng lên.
CHƯƠNG XIV
N hững tuần kế tiếp, hai người đều đặn gặp nhau vào chiều thứ bảy. Với những lời trao đổi thân tình, Hòa đề cập đến dự định sắp đến, không vội vàng nhưng cũng không muốn kéo dài, có lẽ đã nằm trong sắp đặt của anh và gia đình.
Như đã hẹn, Hoà đưa Nhung về nhà gặp mẹ. Lễ cưới hỏi phải chờ đến hè mới rộng rãi thời gian, và để còn thăm lại quê xưa, sông Hương núi Ngự, Vỹ Dạ-Nam Giao như anh nói. Việc sắp đặt mọi việc với mẹ anh xem như chu tất. Biết vậy nên Nhung tự nhủ phải yêu thương Hoà, phải làm quen với mọi thói quen của anh, sẽ làm tròn bổn phận người vợ, đó là cách sống mai đây với anh để vợ chồng có cuộc sống ấm êm lâu bền. Cánh cửa hạnh phúc bắt đầu mở ra, cô sẽ gởi gắm đời mình vào đó, bởi cô cũng cần một tình thương, một mái ấm.
Nhung thường kể lại cho Thu nghe, nhất là việc Hòa đeo vào tay cô chiếc nhẫn, và việc anh mong cho mau tới ngày cưới.
Thu tức cười :
- Chắc là anh chàng mừng lắm khi gặp được bồ, nên vội tròng vào chiếc nhẫn kẻo sợ bồ đổi ý. Mình nghe mấy người bạn nói sau khi gặp Nhung, anh Hòa không còn gặp Trang nữa, biết vậy nên Trang cũng chấm dứt luôn. Tình chung tình phụ cũng ở chỗ đó Nhung à. Người nào cũng đến tuổi nên vợ nên chồng. Đàn ông ngó vậy chứ họ mau tay, vừa ý rồi là muốn sở hữu.
- Hồi anh Lâm có vậy không Thu?
- Sao lại không, mình vừa ra trường là cưới liền không thấy sao?
Nhung hỏi thêm :
- Lâm có yêu em bé nhiều không?
- Thương lắm, lâu lâu về cứ nựng mãi thằng nhỏ, bồng ẳm cả ngày không rời tay.
Nhung đùa:
- Chỉ nựng thằng bé thôi sao?
Thu cười mấy tiếng, nhéo nhẹ vào tay bạn.
Hoà với mẹ về Huế, ở lại nhà người chú. Như đã sắp đặt, tiệc cưới sẽ tổ chức bên nhà Nhung, mẹ cô đã dành một phòng riêng cho hai người. Tư trang lễ cưới cho cô dâu, mẹ Hòa đã lo sẵn, chỉ cần thêm mấy người bà con bưng lễ vật.
Tiệc dọn khoảng xế chiều. Khách mời bên nội ngoại của Nhung khá đông, một vài bạn cũ của cô đã lập gia đình, vợ chồng đi dự đủ đôi.Thêm một số khách không mời là bạn bè của Bảo, Bình, có cả bạn trai của Thúy. Lời chúc tụng của đám trẻ này có vẻ vụng về vô tư khiến ai cũng cười, buổi tiệc trở nên vui nhộn.
Tiếp theo là những cánh tay đưa cao đòi chú rể cụng ly. Một ly-hai ly-ba ly-nhiều ly. Và khi hơi men bốc cao, nhiều người cứ nhằm vào chú rể bắt cụng ly. Nhung sợ Hòa say nhưng thấy anh vẫn tĩnh bơ đi hết bàn này sang bàn khác để chụp hình. Cô bấm nhẹ vào tay anh biểu đừng uống nhiều nhưng anh gật gù:
- Em đừng lo, anh không say đâu.
- Đúng rồi, anh Hoà không say, uống nữa đi - dô - dô. Tiếng phụ hoạ từ các bàn trẻ vang lên.
Nhung đưa mắt cầu cứu Bảo nhưng Bảo vẫn nói:
- Không sao đâu chị Nhung.
Mà thật vậy, cô nhìn đám trẻ chung quanh, thấy chúng còn đang tiếp tục trăm phần trăm, cười đùa vui vẻ thỏa mái, chưa đứa nào xỉn.
Tiễn khách về hết, Hoà phụ dọn dẹp xong, xuống bếp dông dài vài câu với mẹ anh, rồi quay sang mẹ Nhung, con cà một đổi nữa mới quay lên góp chuyện với anh em Bảo đang còn ngồi ở nhà trên. Nhung ở sau bếp với Thúy rửa dọn chén bát, cũng mất gần cả tiếng đồng hồ.
Lúc vào phòng, thấy Hòa nằm im nhắm mắt, Nhung nghĩ bụng chắc anh đã say, uống nhiều quá còn tĩnh gì nổi. Cô thay nhanh đồ xong ra ngoài phụ mẹ dọn dẹp thêm các thứ gọn gàng đến chín giờ mới đi nghỉ. Vừa khẽ đặt lưng lên mé giường nhưng đã nghe cánh tay Hoà vòng qua lưng mình kéo sát vào. Cô ngạc nhiên cảm tưởng như anh đang nằm chờ chứ có say xỉn gì đâu. Có thể Bảo nói đúng, Bảo chưa say thì anh làm sao say được. Trong vòng tay anh, Nhung bắt đầu cảm nhận đây là người đàn ông đích thực của đời mình, không còn là bóng hình ảo ảnh xa vời.
Đám tiệc xong, mẹ Hoà ở lại vài ngày với gia đình chú và dì, rồi vào Nha Trang trước. Hoà và Nhung ở lại thêm gần nửa tháng, anh còn muốn đi xem cảnh đẹp quê hương, thăm lại trường xưa bạn cũ.
Trước khi trở lại Nha Trang, Nhung cùng với Thúy đi thăm mộ Tâm. Cô muốn về nhà anh nhưng sợ mẹ anh buồn. Nén nhan thắp lên, nỗi niềm xưa chợt lung linh trên từng đốm lửa, lòng se lại trong lời khấn nguyện. Cũng là những ngày hè như thế này, cách đây vừa hai năm, cô đã đến đây ngồi trên nấm mộ mới chưa kín cỏ, bây giờ chung quanh đã xanh um, có cả loài hoa sim tím.
Nhớ lại kỷ niệm xưa mà lòng như muối xát, giờ đây cô bước sang ngang, chắc Tâm cũng không muốn cô đánh mất tuổi thanh xuân. Thúy cũng nói cho chị biết, xong khóa học Cán sự Y tế, Thúy sẽ lên xe hoa. Nhung cười buồn nói ra tâm trạng bấy lâu mang nặng trong lòng :
- Vậy là mẹ trút được hai gánh nặng, chị và em.
Hai chị em cùng cười, lòng Nhung nhẹ đi. Mới biết nỗi vui buồn của con cái cũng chính là nỗi lòng người mẹ. Nhung đưa mấy tấm hình chụp chung với Tâm cho Thúy :
- Em giữ mấy tấm hình này cho chị, cũng phải để một hai năm.
Nhung nhìn lại khuôn mặt Tâm lần nữa trong hình, lòng trầm vắng như phím tơ chùng. Qua cử chỉ của Nhung, Thúy biết chị mình vẫn còn trân trọng mấy tấm hình, rất còn thương nhớ Tâm.
Thúy nhắc nhở chị:
- Chị sinh em bé sớm cho mẹ vui.
- Biết rồi.
Vào Nha Trang đã thấy mẹ dành căn phòng sau cho hai vợ chồng Hòa. Phòng khách phía trước, trên bàn salon luôn có bình hoa giấy, bên trái là chiếc kệ ba tầng để khá nhiều sách truyện, từ điển, báo chí các loại, tủ buffé xoay ra mặt đường. Trên tường treo vài khuôn ảnh hoa cảnh. Đặc biệt là bức sao nàng Mona Lisa, thêm một bức tranh nữ ca sĩ ngồi bên phím đàn piano.
Nhìn qua phòng khách, gợi cho Nhung suy nghĩ về Hòa, đây cũng là một tâm hồn khá phong phú về nghệ thuật, mỹ thuật. Tối tối, cô thường thấy anh nghiêng đầu bên trang sách, tình cảm quý mến thân thương chợt dâng lên trong lòng cô.
Ba của Thu đã xin cho cô về dạy một trường trong thành phố. Nhờ có mẹ Hòa, cô đỡ vất vã phần nào trong việc cơm nước chợ búa. Thỉnh thoảng gặp những món ngon, cô mua thêm vào cho bữa ăn dồi dào. Mẹ khá dễ tính, chăm sóc cho Hòa từng bữa ăn, xếp từng cái áo. Việc bếp núc mẹ làm hết, làm cá, lặt rau, nấu cơm, để thời gian cho Nhung làm việc, nghỉ ngơi.
Lâu lâu có vài điều bất ý với Hòa nhưng cô không phàn nàn cãi lẫy, bởi cô hiểu vợ chồng không thể nào tránh khỏi những lần bất ý. Hạnh phúc không chỉ đơn điệu khép khung trong những công việc nhỏ nhặt, cũng không thể luôn bó chân anh ở nhà, không bè không bạn vui chơi giải trí. Nhung với mẹ anh gần như hoàn tất mọi việc trong nhà, do đó anh có nhiều thời gian rãnh rỗi vì đã được đổi về dạy gần Nha Trang, chỉ cách nhà gần ba cây số.
Ngoài giờ dạy, thỉnh thoảng Hòa gặp Định và vài người bạn cũ phê pháo, lai rai vào tối thứ bảy hoặc ngày chủ nhật, thân thiện thêm vài người bạn ở trường mới, cứ thế thành quen, Nhung không hề ý kiến, ai cũng phải vậy mà thôi. Khi nào anh về đúng bữa cơm thì cùng ăn, khi nào về trễ thì cô để phần. Cũng là học theo nếp nhà của mẹ cô ở Huế, không nói năng không phàn nàn kiến sự. Nhiều lúc cô còn giả vui để giữ sự yên ấm vì biết tính anh không thích ngồi yên trong nhà, đọc sách nhiều cũng mệt.
Có vài chủ nhật anh đi từ sáng sớm, nói rằng đi uống cà phê tí về, nhưng nhiều lúc đến trưa mới về, người không được tĩnh táo. Nhung không nói năng gì mặc dù Hòa không giấu được cử chỉ cà gật sau mỗi buổi cụng ly cụng chén. Anh thường nói đồng nghiệp và bạn học cũ của anh khá nhiều, một số ở trong quân ngũ lâu lâu về phép.
Tổng cộng mỗi tháng cũng năm ba lần gặp gỡ hàn huyên, nhiều lúc không phải lai rai mà nhậu thật sự, khi về bước thấp bước cao, hơi bực mình nhưng cô rất hiểu đó là việc giao tiếp của anh, không thể khác được. Hòa hay nói “Cho anh đi một chút về liền” sau khi làm vài cử chỉ điệu bộ để Nhung vui lòng. Mẹ Hòa thường chứng kiến việc này nên xuề xòa giải thích, là do bản tính hay cả nể bạn bè, lại ham vui.
Bà kể lại lúc nhỏ Hòa rất ham chơi, nhưng khi vào học thì học rất chăm và thuộc bài rất nhanh. Ngoài hai buổi tới trường, còn bao nhiêu là ở ngoài đường, chơi hết mấy đám bạn trong xóm, gọi đứt hơi mới chịu về nhà ăn cơm, xong lại thức tới khuya học bài, làm bài tập đầy đủ không hề thiếu, tháng nào cũng vị thứ cao, năm nào cũng có phần thưởng. Cuối năm đệ nhị đệ nhất chở về cả xe cyclo nhiều sách vở và từ điển Pháp Việt, Anh Việt thật dày, tới bây giờ vẫn còn trên kệ sách.
Mẹ còn nói “Nó không muốn làm nghề dạy học đâu, một hai đòi đi lính. Hai anh đầu đã ở quân đội rồi, mẹ khóc lóc mãi mới chịu thôi”. Bà khuyên Nhung nên biết ý chồng bởi Hòa rất thanh niên tính, biết chìu chuộng một tí để vợ chồng khoan hòa vui vẻ. Vài cô giáo lúc trước dạy cùng trường thỉnh thoảng đến nhà chơi nhưng Hòa có chịu ai đâu. Bà vừa nói vừa cười, ý như con trai mình cũng biết kén chọn chứ không phải hời hợt dễ dãi.
Qua đó, Nhung hiểu thêm phần nào bản tính của Hòa, cô yên tâm vì dù sao anh vẫn có phẩm chất mô phạm, tin tưởng anh sẽ không quá sa đà ngoài đường. Chỉ vài lần bạn đồng nghiệp của anh đến nhà chơi lâu cả tiếng đồng hồ, trao đổi chuyện thời sự, phim ảnh, sách truyện văn chương nghe khá thanh tao lành mạnh, cô thấy cởi mở trong lòng, nhưng khi bạn đứng dậy chào về, tưởng anh ra cửa tiễn bạn rồi trở vào, không ngờ lên xe đi luôn, một hai tiếng sau mới về. Có khi bình thường vui vẻ, khi thì nồng nặc hơi men, nhưng lúc nào cũng có gói bánh gói quà mang về cho vợ, một cách làm hòa.
Nhung thông qua cho xong mọi chuyện vì hiểu rằng anh cùng đi với mấy người bạn đó, và họ cũng như anh thôi, người nào cũng học hành trình độ. Thỉnh thoảng vài buổi sáng chủ nhật, cô chỉ cho mẹ thấy Hòa uể oải nằm ráng gọi hoài không dậy. Bà chỉ cười “Thôi kệ, để từ từ nó dậy”.
Hòa đọc được ý nghĩ trong ánh mắt Nhung, nhiều lúc muốn lấy lòng, lăng xăng giúp cô bưng cơm lên, dọn cơm xuống. Ngồi trong bữa ăn, gắp thức ăn cho mẹ cho vợ, cũng thể hiện phần nào ý thức của người có học. Biết ý Hòa thích đọc sách, cô hay mua ít nhiều sách truyện để cầm giữ chân anh.
Nhiều hôm ở nhà đọc sách say sưa không biết trời trăng, đến khi bắt đầu chán, lại dấp dỏm muốn đi. Nhung giả bộ cản trở vài câu thì anh tỏ ý bứt rứt không yên. Có thể anh đúng, vì lâu ngày không ra ngoài gặp bạn bè giải trí, anh như thiếu điều gì, bởi chính cô vẫn có vài người bạn ở trường, thường trao đổi về chuyên môn, về học sinh hoặc vài cảm nhận về tình hình bên ngoài, những ca sĩ và bài hát mới trên tivi. Nhất là có Thu. Có Thu mới có Hòa hôm nay, phải thường hay lui tới để giúp Thu những việc cần.
Những lần Hòa về nhà nồng hơi men, Nhung vẫn không nói gì, tìm cách ngủ riêng. Thấy thái độ tránh trút của vợ, anh trách cô sao mau lạnh nhạt, còn thương nhớ ai mà không mặn nồng với anh. Lời nói đó khiến cô thêm buồn, vì hơn lúc nào hết, cô đang cần một mái ấm an vui. Sau những lần dùng dằn giận dỗi, cuối cùng Nhung mang thai, cô thấy mình có được niềm hạnh phúc tuyệt vời.
Một đôi tháng đầu tiên, vì ảnh hưởng thai nghén nên Nhung không được khỏe, ăn uống khó khăn, nhiều lúc phải nghỉ dạy. Một thời gian bắt đầu khỏe lại, cũng nhờ mẹ Hòa chăm sóc lo liệu hết mọi việc, cô tập trung sắm sửa các thứ và đan thêu áo mũ cho em bé, nhịp tim hòa theo từng đường kim mũi chỉ, tình mẫu tử chợt dâng lên khi mong ước thành hình. Hòa cũng thật sự vui mừng khi biết Nhung có thai, tự nhủ sẽ không làm gì để vợ buồn.
Chiều chiều anh chở Nhung đi quanh các đường phố, vào quán café nghe nhạc. Hết buổi chiều long nhong ngoài phố, lại ra biển. Buổi tối ngồi ăn cơm với mẹ, Hòa kể nhiều chuyện ở trường và tin tức thời sự vừa được nghe. Nhung cũng kể thêm vài chuyện để góp vui. Nhà có mấy người, ai cũng muốn được ấm êm hạnh phúc.
Nhưng không hiểu sao lại có một lần Hòa về hơi tối, thấy Nhung còn thức, đan thêu và sắp xếp nhiều thứ, sợ vợ mệt nhưng lại phát biểu một câu nghe dễ mích lòng:
- Những thứ này sao không ra chợ mua cho khỏe, đan đóm gì đến giờ này cho mệt, thấy tôi về là ưa sinh chuyện.
Nhung đưa mắt nhìn Hòa, rõ ràng là anh muốn sinh chuyện chứ không phải cô, sau nữa là anh chạm đến công dung của mình nên cô tự ái:
Rõ ràng là anh muốn sinh chuyện chứ không phải tôi, anh coi tôi như không có gờ ram nào chứ không phải vì chuyện đan đóm, tôi có nói tiếng nào đâu.
- Cũng tại cái mặt lạnh lùng, thiệt là chán nãn.
Nhung nói như thách thức:
- Đúng rồi, có chán nãn anh mới đi suốt, đã tỏ rõ như thế thì được rồi, bữa nay muốn làm gì thì làm, tôi không quan tâm. Uống rồi là ưa sinh sự.
Thấy thái độ căng thẳng của vợ, biết mình sai, đến gần dịu giọng giải hòa :
- Đó là do em nói chứ không phải anh đâu nghen. Thôi, để bữa nay sẽ ở nhà với em suốt ngày. Đừng có xưng tôi nữa.
Câu nói khiến Nhung tức cười, đúng là có giận có vui, cuộc sống chung cũng lắm điều đa sự. Tính anh xuề xòa nhưng nếu thật sự ở nhà suốt ngày thì chắc sẽ nổi khùng. Nhung xác định như vậy, bởi sự hiểu biết của cô về cách cư xử phải trái với mọi người đã là bản tính, và từ những sách báo học làm người. Không chứng tỏ không thể hiện. Hòa cũng biết tính tình cô như vậy.
Nhưng lời nói đâu có đi đôi với việc làm, có lần gần mười giờ khuya mới nghe tiếng xe ngoài cửa, một người dìu tay Hòa dẫn vô nhà, cả hai đều liêu xiêu.
- Hôm nay Hòa hơi quá chén, cô Nhung đừng phiền nghe.
- May mà ngày mai chủ nhật, gặp ngày thường không biết sáng ra có đi dạy nổi không? - Nhung hơi nhăn.
- Cô Nhung đừng lo, Hòa cũng biết ngày mai chủ nhật mới uống xã láng, thấy Hòa vui tính nên cả bàn cho uống gục.
Hòa lè nhè :
- Thôi đi ông Huy ơi, phiền cái con khỉ gì, vợ tôi còn phải cám ơn ông nữa kìa. Không có ông là tối nay tôi không về, không về là vợ tôi mất đứt ông chồng yêu quý- quay qua Nhung - cám ơn Huy đi em.
Rồi hát lên một khúc “ Đêm nay ai đưa anh về …đêm nay Huy đưa anh về”.
Huy ra khỏi nhà, Nhung đóng cửa, tắt đèn lớn, biểu Hòa nằm trên divan. Hòa ngả mình ngay không kịp cởi áo, một lát đã nghe tiếng nôn ọe. Cô nhanh chân xuống bếp lấy cái thau, chưa kịp đưa tới, Hòa đã nôn ra một vũng giữa nhà. Nhung nghe ruột gan lộn tùng phèo muốn nôn theo, vội ra bếp hốt tro, bịt mũi lau dọn.
- Rót cho anh ly nước.
Nhung mang lên ly nước, anh nốc cạn hết xong nằm nghiêng mở mắt nhìn vợ đang nước mắt rưng rưng.
Nhung biết mình đang nếm mùi vị cay đắng. Dọn vén xong, cô ra sau lấy cái mùng đặt lên divan:
Treo mùng đi mà ngủ.
Sao vậy?
Nồng nặc quá không vô đó được. Ai ngờ gặp phải thế này.
Hòa ngồi dậy sau câu nói, đến gần đặt tay lên bụng vợ :
Cái bụng thế này rồi còn ngờ với không ngờ. Mau sinh cho anh một thằng nhóc.
Nhung nín cười đứng lên đi vào phòng trong. Hòa nhìn theo nói lớn cho Nhung nghe:
Không thằng nào có vợ mà ngu như mình.