Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh của Endre Balogh

NHỮNG BẢN ĐÀN



T rong cảnh hoang tàn của một biệt thự cổ, tiếng vĩ cầm nức nở như oán như than gởi vào không gian buốt giá những tang thương ngẫu lục của kiếp người. Thỉnh thoảng, tiếng dương cầm dìu dặt mơn man dẫn lối nhưng rồi những thanh âm trở nên cuồng nộ, sấm sét át cả tiếng mưa rơi gió giật ngoài trời như để thi gan, để thách đố cả tạo vật rồi ngưng bặt vì lạc điệu hay vì những buồn chán mênh mông nên buông xuôi : để tiếng vĩ cầm đơn điệu ?

Âm thanh vẫn cùng gió mưa ngoài trời hòa điệu như mời gọi những người muôn năm cũ hồn đang chơi vơi giữa núi đồi giá lạnh tìm về nghe những bản đàn xưa.

Cơn áp thấp nhiệt đới đầu Thu Canh Thìn xảy tới đội ngột như để dàn chào mấy lữ khách miền xuôi cùng mẹ con người Viễn Khách lên xứ Hoa Đào trong một đêm đầy ấn tượng như một lời nhắc nhớ cuối cùng của thiên niên kỷ :

Gió mưa sấm chớp đùng đùng
Giãi thây trăm họ, làm công một người


Nguyễn Du
(Văn tế Thập Loại Chúng Sinh)

Ánh đèn điện thoi thóp của cầu La Ngà đã ở phía sau. Chiếc xe độc hành tiến vào đêm đen thăm thẳm. Qua những khúc quanh trên đèo Chuối, xe mở đèn pha xuyên qua màn mưa mờ mờ ẩn hiện những bờ cây bụi cỏ ven đường đang quằn quại vật vã như oan hồn uổng tử hội tụ múa may quay cuồng để đòi hỏi cho sự công bằng cả Âm Dương lưỡng thế.

Đường càng lên cao gió càng mạnh, mưa càng to. Giữa lúc gió trời ngừng nghỉ lấy hơi rồi lại gió lại mưa. Để phá tan cái không khí u trầm cùng với nhịp lắc như đánh võng của xe dễ khiến mọi người đi vào cõi miên man tư riêng không cần thiết. Tôi lên tiếng “thưa, gởi” với anh Phùng Kim Ngọc, người mới quen nhau có mấy tiếng đồng hồ. Nhưng tôi đã biết anh là Nhân vật qua vài tác phẩm ở xa. Chuyện anh là Danh Thủ Dương Cầm một thời Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt trước năm 1954 có cuộc sống đầy chất người với những dìu dặt của âm thanh do anh phối khí để hòa âm. Ngày hôm qua, anh đã thuê bao cả chuyến xe để cùng con gái và mẹ con cô Mỹ Vân xuống đón chúng tôi “về” Đà Lạt. Chuyện nọ bắt qua chuyện kia. Kế tiếp là những lời thăm hỏi chân tình về cái còn cái mất, cái đong đưa của kiếp người cứ râm ran để khúc khích cười hay thở dài.

Cuối cùng thì xe cũng đến Đà Lạt. Một bình minh xám. Mưa giăng giăng khắp trời. Gió rít từng cơn buốt giá uốn éo những giọt nước cao thấp bốc ngược lên trời rồi lại lòng vòng lăn xuống đậu trên những tán dâu tằm trụi lá trước khi rơi xuống đám cỏ hoang dưới sân. Ngôi biệt thự cũ kỹ được phong kín bằng hàng rào những cây dã quỳ mùa này chưa có hoa nhưng đang xanh cây tốt lá mọc tự do lấn cả sân vườn.

Cảnh hoang phế ấy đã bừng lên bởi tiếng cười tiếng nói, tiếng va chạm của đồ vật và mấy ngọn đèn cao áp sáng chưng ở ba bề bốn bên quanh nhà quanh vườn.

Phùng chủ nhân mời mọi người tự do tẩy trần theo kiểu cách riêng của mình ở nghĩa đen. Đói ăn khát uống có rượu có trà đã bầy sẵn ở trên bàn. Ngủ nghỉ có chăn nệm. Chả ai cưỡng lại được sự đòi của một giấc ngủ sau một đêm thức trắng ngồi xe lắc lư từ phi cảng Tân Sơn Nhất về Phố Núi đang được “cấp đông” trái mùa vì bão. Nhất là mẹ con cô Viễn Khách đã mấy ngày trước đó ngủ ngồi trên máy bay và đã mệt nhoài vì những thủ tục phiền toái, rườm rà khi “quá cảnh” ở phi trường.

Kẻ đi đến nơi, người về đến chốn. Thời gian lắng đọng trong nỗi tâm tư nên chẳng ai cần biết giờ giấc.

Tiếng xe gắn máy, tiếng cười nói lao xao, tiếng bát đũa ly tách lách cách từ phòng khách vọng vào rồi đèn bật sáng. Phùng chủ nhân mời tất cả mọi người ra tẩy trần với nghĩa bóng hoàn toàn của tương phùng hội ngộ. Chủ và khách không hề phân ngôi. Những ly rượu mời cũng như rượu phạt đều “can phây” rất hào sảng. Ngoài trời vẫn gió thét mưa gào.

Lần hạnh ngộ này anh em tôi có thêm những người bạn trẻ. Ngoài cô Mỹ Vân là Quang là Quảng là Đồng là Ngọc ...

Trong khi đối ẩm, tất cả những chỗ ngồi, những món ăn thức uống đặc biệt thân quen được người xa Đà Lạt han hỏi, được công dân Đà Lạt phẩm bình cho nghe những thêm bớt đổi thay. Với chúng tôi, tất cả đều đang ở phía trước. Ngoài trời vẫn mưa gào gió thét. Đành hẹn sáng ngày mai.

Những ai ít nhiều có kỷ niệm với Đà Lạt một thời mà có dịp đi lại những con đường xưa, đến ngồi ở chỗ thân quen ngày cũ - Dù bây giờ đường đã thay tên, quán đã đổi chủ - Những thay đổi, đổi thay theo thời theo thế phần nhiều làm mất đi vẻ dịu dàng thanh lịch mà thiên nhiên đã hào phóng ban phát cho vùng đất cao này. Nhưng Đà Lạt vẫn là Đà Lạt với núi đồi cỏ cây hoa lá, với suối với hồ cùng những mù sương sớm chiều và cái lạnh vừa đủ cho người ta cần nhau. Xa Đà Lạt, nhớ lắm! Đến Đà Lạt tìm lại chút hương xưa rồi lại xa để bồi hồi:

Khi ta ở đất là nơi ta ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.


(Chế Lan Viên)

Cách nay đúng mười năm, nể lời Xuân Bích trước lúc xuất cảnh sang định cư tại Mỹ, chúng tôi cùng “Cao Du” một chuyến vào mùa mưa.

Không có gì vô duyên cho bằng vào dịp Hè-Thu lại kéo cổ nhau đi Đà Lạt. Nhưng đây lại là những ngày cuối cùng của Xuân Bích trước khi xa đất nước. Được chiều bạn, làm vui lòng người đi cũng là một cái thú trong kỷ niệm.

Những buổi chiều nhìn qua màn mưa, đỉnh Lâm Viên cùng lũng thấp đồi cao chìm khuất vào ngút ngàn. Một vài lần đối cảnh sinh tình, Xuân Bích và tôi cùng đột cảm làm thơ đọc cho nhau nghe. Về đến Sài Gòn cùng xem lại. Một đồng điệu không ngờ :

Lệ trời tháng bảy mưa ngâu
Đá buồn thung lũng chìm sâu cuộc tình
Oái-oăm duyên phận chúng mình
Người hay ma quái bất bình đẩy đưa
Rừng đi ngủ sớm vì mưa
Lối mòn kỷ niệm buồn đưa ta về
Thu phần quỉ khóc thê lê
Nỉ non tiếc nuối - Chiều tê cúi đầu.


Hoàng Vũ Đông Sơn
Mưa chiều tháng bảy
Đà Lạt 19/8/1990

Đà Lạt nhẫy nhụa trong bùn, sướt mướt vì nước trời đổ xuống liên tu bất tận. Cứ ra khỏi khách sạn Du Lịch Thanh Niên ở chân đồi Cù cạnh hồ Xuân Hương của TP. Hồ Chí Minh do Nguyễn Văn Thiện làm Giám đốc là phải trèo lên xe, đến đâu phải nhắm chỗ có mái che để xuống nên rất nhiêu khê trong việc thăm viếng để giã từ của Xuân Bích.

Xuân Bích phải đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ để trang trải tình cảm với bà con trong họ ngoài làng ở đất này khi nêu dạy Triết và Sinh ngữ tại mấy tu-viện Thiên Chúa giáo. Ngày ấy còn có Trần Ngọc Hải, người đã “làm ra” những bản nhạc ngợi ca thiên nhiên, ngợi ca đất nước và con người. Có mấy “câu” bè bạn rất thích nên còn nhớ :

Em còn nhớ không ?
Những khi mây bay đầy trời.
Đường về nhà em
Có sao chiều đưa lối ...

Các bậc huynh trưởng phán rằng: “Hai thằng điên! Đã bị Đà Lạt quyến rũ và mê hoặc mất rồi”. Rồi cũng qua đi, cái thời :

Gối mộng giang hồ mơ Thái Chân
Nằm trong nhung gấm ước phong trần.


Thơ HVĐS

Riêng Xuân Bích chẳng cầu cũng “Được” giang hồ, chẳng ước cũng “Thấy” phong trần khi nhập ngũ. Hải qua Bỉ du học lại tự nguyện đi tu và thụ phong Linh Mục tại đó. Nghe nói bây giờ Hải đang là Chánh Xứ ở Giáo phận Bordeaux bên Pháp. Hải là con trai độc nhất của một góa phụ. Chữ “Thọ”lớn bằng cái đình. Thậm chí, nếu khứng làm công chức cũng không phải nhận nhiệm sở xa nhà, huống chi là lính tráng.

Ân thiên triệu chăng? Hơi vô lý với một số anh em bằng hữu vì Hải và Nguyễn Anh Dũng là cao đệ Hạ Uy Cầm của nhạc sư Uy-Li-Âm Chấn (người Tàu ở Chợ Lớn). Linh mục Trần Ngọc Hải đã, đang an phận tu hành? Nguyễn Anh Dũng giờ này ở đâu ?

“Bốn phương tản mát bạn bè” !

Thơ Thâm Tâm

Những bản đàn bây giờ tôi được nghe qua vĩ cầm cứ đêm đêm nức nở cùng mưa, dạt dào cùng gió lại là những bản đàn tôi đã nghe từ tiếng Hạ Uy Cầm của Trần Ngọc Hải và Nguyễn Anh Dũng từ ngày xưa còn bé.

Là người ngoại đạo của âm nhạc, tôi lại mê nghe đàn hát, thích tương giao với những ai đàn hay hát giỏi.

Ngoài ông thầy cũ ở trường Hồ Ngọc Cẩn là giáo sư Thiên Phụng ra, các “tay chơi” bây giờ chữ nghĩa thời thượng gọi là nghiệp dư. Họ yêu mến và ai cũng muốn “truyền nghệ” không công cho tôi kể cả tặng nhạc cụ như Vĩnh Quý đòi tặng một cây đàn tranh gỗ ngô đồng, Nguyễn Anh Dũng cây hạ uy cầm của Ý để làm bạn cùng tôi lãng du. Tôi đã phụ lòng thầy và các bạn vì bản chất quê kệch và lười biếng của mình. Nên, suốt đời chưa biết sử dụng một thứ nhạc cụ nào dù tôi rất mê như Hạ Uy Cầm, Vĩ Cầm, Đàn Tranh, Sáo Trúc.

Vĩ Cầm, cây đàn cao giá cả về vật chất lẫn tinh thần. Nó là Nữ Hoàng của âm nhạc tôi có mơ cũng chẳng bao giờ với cái lông đuôi ngựa. Ông Lê Hoàng Long bảo :”Phải tha thiết yêu nó, kiên trì sống chết với nó, nhanh nhất là 6 tháng nó mới chịu cất tiếng là Violon. Nếu không thì cả năm, thậm chí cả đời nó vẫn chỉ là Đờn Cò Tây, mà không nữa thì người ta nghe âm thanh phát ra lại giống như tiếng đờn cò Ta trong đám hiếu. Đàn Tranh và Hạ Uy Cầm tôi đã bỏ qua. Chỉ còn Sáo Trúc là trong tầm tay. Một cây Sáo vào loại tốt nhất mà các tay chơi thường dùng cũng chỉ tương đương với một tô phở Tàu Bay. Mấy lần mua Sáo, mấy lần tích góp đủ định đến yết kiến Sư phụ Nguyễn Đình Nghĩa hoặc Tô Kiều Ngân nhưng ngại phải làm học trò nên thôi.

Một lần ghé qua Huế thăm Vĩnh Quý rồi ra biên ải, tôi phải dụng công “Xông” vào Đồn Mang Cá Nhỏ mới gặp “Hoàng Thân” đang phùng mang trợn má thổi kèn đồng đi sau dàn trống cái bập bùng những điệu quân hành theo hiệu lệnh của “cây Chùy to tướng” có tua vàng đỏ nhịp nhàng lên xuống. Có lúc “nó” tung lên không trung như muốn chọc vào mặt trời già ác ôn, muốn nện xuống mặt đất dày thất đức đang đày đọa những thân phận người ướt đẫm mồ hôi dưới cái nắng chiều hè xứ Huế.

Cây chùy chỉ “dọa” thế thôi. Nó chỉ là vật được tung hứng theo bài bản. Nó vẫn chẳng giáng được trời, đâm được đất. Vẫn lại nằm gọn trong tay vị nhạc trưởng. Mấy cây Sầu-Đâu ở góc sân đứng im lìm như chẳng cần biết thế sự. Ở đây, ai sầu mặc ai ?

Có lẽ bạn tôi đã may mắn ở bước đường cùng lại gặp được sếp là nhạc sĩ thứ thiệt. Tôi an tâm và mừng cho bạn mình. Ông nhạc trưởng biết tôi ở xa, tới Đồn Mang Cá Lớn trước rồi mới sang đây nên vui vẻ tiếp và cho bạn tôi nghỉ tập, nghỉ gác bằng hai tờ giấy phép cộng lại là 48 tiếng.

Thầy trò ông “Hoàng Thân” chẳng giống ai ở sự bon chen thủ lợi đã cho tôi một kỷ niệm nhớ đời. Có những anh chị không gởi được con nhỏ cho ai nhưng vẫn tuân lệnh thầy đã bồng ẵm, dắt díu cả cháu bé lỉnh kỉnh xuống đò cùng với đờn, sáo là sữa là bình là xoong quậy bột để vui với nhau một đêm.

Bạn bè khâm phục Vĩnh Quý đã miệt mài suốt 14 năm ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn để tốt nghiệp Guitar và Hoà Âm. Nhưng lúc ra đời kiếm ăn, anh lại dạy Đàn Tranh là môn chỉ học riêng cụ Nguyễn Hữu Ba. Anh đã thụ đắc được tinh hoa của thứ nhạc cụ dân tộc 16 dây qua sự chân truyền của bậc danh sư? Có sự liên hệ hỗ tương nào với Guitar Classique và Sáng Tác Hòa Âm để “phối hợp nghệ thuật” ở cây Đàn Tranh của cội nguồn Bách Việt ?

“Ánh nguyệt mài mòn thanh kiếm sắc
“Cung đàn rung lạnh hạt châu rơi
“Đêm đêm sách lệch nhàu trang chữ
“Xáo trộn nghìn thu khóc lẫn cười.


Thơ Đông Hồ

Ánh sáng lung linh của ngọn đèn cầy không đủ soi tỏ cho cả khoang đò. Vĩnh Quý ngồi giữa chiếu với khăn đen Suối Đờn, áo the thâm, quần trắng. Anh nâng niu xê dịch cây đàn cho đúng vị thế rồi nhấn nhá, búng, móc, vuốt ... 16 dây tơ cứ ngọt lịm đi. Cây đàn có lúc rung lên, cung bực sát phạt ở khúc Long Hổ Hội, có lúc nỉ non như oán như than ở Nam Ai, nhẹ nhàng như gió cuốn mây bay ở Nam Bình, tiếc nuối một Tiếng Xưa để Đêm Tàn Bến Ngự ...

Anh bạn Photographe Từ Vũ đã ghi lại hình ảnh Vĩnh Quý cả mấy cuộn film có độ nhạy từ thấp đến cao (80-1200 ASA) bằng máy Leica. Chân dung người nghệ sĩ trong bối cảnh chập chờn ánh nến, của đêm đen ở cả mũi và lái con đò trên sông nước bồng bềnh. Đêm ấy ngắn nhưng không ít hỏa châu và những tiếng ùng oằng xa gần gầm thét lẫn với tiếng sấm chớp trên nguồn phía trời A Sao, A Lưới, Lùng Vei, Khe Sanh ... là những nơi tôi phải đến sau bình minh.

Trước lúc chia tay, Vĩnh Quý băn khoăn :

- Bằng cách nào mà đò “đi” trong đêm? Lại cứ lênh đênh ở giữa dòng mà không có một đấng Thổ Địa hay Hà Bá mè nheo?

- Đó là chút tài vặt. Đừng thắc mắc chứ! Nếu tôi còn sống là còn có dịp ra đây. Ông còn có hứng thì còn nhiều lần nữa.

Cầm và nắn cả hai bàn tay tôi, Vĩnh Quý bảo : “Tay còn mềm lắm. Vẫn còn có thể tập đàn tranh được đấy”. Tôi trả lời bằng một nụ cười thay cho cả trăm ngàn lời cám ơn và đưa cho Vĩnh Quý bài thơ mới làm hồi đêm :

Thanh âm muôn kiếp vọng về
Suối reo rừng thẳm lê thê thật buồn
Gió lang thang trở lại nguồn
Đìu hiu ải lạnh mưa tuôn thảm sầu
Liễu xưa xanh bến giang đầu
Chia ly đứt ruột bóng câu ruổi dài
Hành vân Lưu thủy Nam ai ...
Mây bay nước chảy ... tương lai dãi bầy.


Tiếng Đàn Tranh - Huế 1970

Hai nhà Bốc Phệ lừng danh ở Sài Gòn mà tôi rất thân là Thầy Canh và Thầy Thiên Lộc; qua lời Thánh phán từ lâu lại gần giống nhau thì : “Số chú trường thọ nhưng gian nan, thường gặp hung hiểm nhưng có quý nhơn phò trợ liền liền. Nếu năm tháng ngày giờ đúng như thế thì ắt là người mi thanh mục tú giống như đàn bà. Kéo lại, nhân trung chú sâu lại được đôi tai tốt, cái trán rộng nên ấn đường sáng. Chỉ tiếc cái miệng nhỏ quá không ăn được miếng to nên không sang, cái cằm bé nên không có uy ...”

Thánh dạy đúng quá đi ! Từ lìa vú mẹ, nhuốm bụi thị thành, thì :

Có lúc cô đơn
Nhớ về cố quận
Mất luôn nẻo về
Đông Triều
Cách mấy sơn khê
Một dòng Bến Hải
Mười mấy năm trời
Quê hương ơi hỡi !
Cửa nhà không.
Cơ đồ :
Một bị mang vai
Đi !
Suốt ba kỳ đất nước ...


Thơ HVĐS

Tôi chưa đến độ phải làm cái bang hành khất, cũng chưa bao giờ được sung sướng triệt để. Nhưng nhiều lần ở chỗ thanh khí lại có những thú vị về tinh thần. Nếu có tí rượu để tung hứng, bốc nhau lên mây xanh thì cùng nhau nghêu ngao :

Hỏi xem trong những lầu thiên hạ
Đã chép thành chưa chữ nửa trang.


Thơ Đông Hồ

Sau lần lênh đênh trên sông Hương ấy. Tôi có ra Huế nhiều lần nữa nhưng chẳng có dịp nào ghé thăm Vĩnh Quý. Đầu năm 1971, Từ Vũ (Vũ Văn Từ) bay vào vùng lửa đạn ở bên kia Khe Sanh rồi không về nữa. Và cũng từ đó chúng tôi xa nhau. Không biết Vĩnh Quý đã nhận được nhiều tấm hình chụp cái đêm hôm ấy? Nếu Từ Vũ khi còn sống mà kịp gởi thì từ lâu “nó” cũng được xuất cảnh để định cư tại Mỹ.

Đã được nghe từ Hạ Uy Cầm rồi Đàn Tranh và bây giờ là ở Vĩ Cầm : Đêm Tàn Bến Ngự, Tiếng Xưa, Mưa Rơi, Lòng Mẹ, Duyên Kiếp, Gợi Giấc Mơ Xưa, Biệt Ly ... từ đôi tay tài hoa nghệ sĩ của Thu Vân, một violist bậc thầy giữa đêm khuya buốt giá làm sống lại những cố sự trong tôi.

Sự đau sót của tử biệt, của sinh ly cứ tái hiện qua Những Bản Đàn gởi vào gió mưa mênh mang để tâm sự với núi đồi, với đèo cao lũng thấp, với bãi cát chạy dài ngút mắt cận biển Thái Bình ác độc đã nuốt sống bao sinh linh, đã nhấn chìm bao số phận. Chỉ tiếc rằng tôi thiếu kiên nhẫn không học cho biết Nhạc, biết Vẽ, biết Đắp để khắc họa được những cảnh đời trầm luân. Nên, cứ phải dùng khăn tay đưa lên mắt khi không ngăn nổi những dòng lệ ứa.

Tiền nhân Trần Tế Xương dạy :

Nhập thế tục bất khả vô văn tự

Công lý thì đúng là Đa Văn Dĩ Phú đấy. Còn Tư lý lại nát thịt mềm xương như Trần Cao Vân bị Bố Chánh tỉnh Bình Định là Bùi Xuân Huyến hành tội ba năm với cái án Yêu Ngôn Yêu Thư (1900). Vì; Quan-Bố nghĩ rằng mình bị Nho lâm Học giới đất Thập Tháp coi là vô lại, vô học rẻ tiền. Trước và sau Trần Cao Vân là những ai ?

Nghe những bản đàn thân quen “Nghĩ mình mình lại thương mình xót xa” :

1
Đường tím chiều nay gió lạnh đầy
Cuối trời chiếc én cứ như ngây
Người ôm mộng lớn thay con tạo
Ta thấy quanh mình những cỏ cây.

2
Mãi thấy quanh mình những cỏ cây
Chí trai vạn ngả ngươi phơi bầy
Nhiệt thành gởi miết vào hoang mạc
Son sắt cùn theo lớp bụi dầy.

3
Son sắt vì đâu bụi lấp đầy
Hỡi người tri kỷ : Cõi riêng tây
Đời đang mê loạn trong tao loạn
Một thoáng thanh bình trên đỉnh mây.

4
Thấp thoáng thanh bình trên đỉnh mây
Giữa cõi trần ai : Người thấy đây
Tri âm tri diện ... còn chi nữa ?
Cái án Văn Chương thật cũng rầy

5
Cái lụy Văn Chương thật cũng rầy
Vẫn còn oan trái khắp Đông Tây
Người khôn bẻ bút vùi trong rượu
Kẻ dại tranh minh cứ giãi bầy

6
Ta dại hay khôn cũng giãi bầy
Chút thân-tâm-sự thật hây hây
Rồi ra mù mịt đời luân lạc
Gian hiểm từng coi nhẹ quá mây.

7
Gian hiểm thường coi nhẹ quá mây
Bá Vương Trịnh-Nguyễn : Xác dân gầy
“Thuyền ta chở Đạo - Thuyền không khẳm”
Đường tím chiều nay gió lạnh đầy.
Đường Tím Chiều Nay


Thơ Hoàng Vũ Đông Sơn 1/1/1996

Yêu văn nghệ, thích văn nghệ đã có khác biệt trong cung cách thưởng ngoạn. Còn “mần” được văn nghệ để anh chị em trong họ ngoài làng ưu ái đón nhận cái “nghề chơi cũng lắm công phu” này lại khó vô vàn. Rất may, nay bỏ học Nho nên đã khác.

Người xưa muốn nói “Ngôn Chí” phải qua một tiến trình : lập chí, lập công rồi mới lập ngôn. Công có thành thì danh mới toại. Danh đã to thì tiếng phải tốt để khắc vào thanh sử : Lưu Danh Thiên Cổ. Ngược lại là Lưu Xứ Vạn Niên. Trường hợp Uy Viễn Tướng Công, một tác gia lớn là điển hình :

- Trong triều; Đồng liêu không ưa phẩm cách, riêng Cao Chu Thần dùng điển xưa tích cũ ỡm ờ giễu cợt :

“Ý cẩm thượng quỳnh, quân tử ố kỳ văn chi Trứ
“Bao Tề dữ Tấn, thánh nhân bất đắc dĩ dụng Quyền

- Ngoài nội; tại đền thờ ở Kim Sơn và Tiền Hải; Xuân Thu cúng tế báo đáp trọng ân quan Doanh Điền Sứ có đôi câu đối lột tả phong độ :

“Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu
“Phong lưu đáo lão thế gian hi

Mong rằng cảnh sẽ chiều người để tôi thường được nghe độc tấu Hạ Uy Cầm, Đàn Tranh và Vĩ Cầm từ đôi tay bè bạn. Tôi vẫn mơ, có một ngày ba cây đàn trên tụ lại hòa minh được với nhau ở Những Bản Đàn tôi đã nghe và còn thích nghe.

Nghệ thuật dụng âm của các bạn tôi qua Những Bản Đàn đã chơi thật tuyệt vời. Còn về kỹ thuật, họ có chịu cho hai thứ nhạc cụ Tây, Ta khác biệt giữa ngũ âm và thất âm để hòa minh được hay không? Chắc là phải thượng sơn xin Phùng Kim Ngọc giảng giải mới rõ được. Liệu yêu cầu của tôi có quá đáng và ngô nghê lắm không?

“Giang sơn còn nặng gánh tình”
Trời chưa cho tịch thì mình cứ mong.

Binh Quới Tây 02.9.2000  




VVM.18.4.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .