Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh của họa sĩ Đặng Cấn

BẾN SÔNG NGÂN NGẤN NƯỚC



                                 

C him báo nước kêu nao niết cả đêm.

Tiếng chim nghe khắc khoải xa gần. Dường như chỉ còn một tiếng kêu lẻ loi, cô độc. Lìm lịm một nỗi buồn. Vậy thì đâu phải nó báo nước ròng, nước lớn. Chắc nó gọi bạn tình. Mấy hôm rày, không hiểu vì sao, chim báo nước mỗi ngày mỗi thưa dần tiếng bịp bịp thân quen. Cái anh chàng lầm lì ấy, vô đồng đã mấy hôm nay. Chắc anh ta là thủ phạm. Không biết anh ta ăn gì, uống gì, chỉ thấy anh ta rảo rảo khắp lung, khắp bàu; chỉ thấy… thỉnh thoảng anh ta ngồi thừ ra trên một doi đất.

Hường nằm vắt tay lên trán, lắng mãi tiếng chim bịp bịp, buồn như tiếng thầy chùa tụng kinh. Rằm tháng mười vừa qua, Hường có đi chùa Bà, cúng cho chùa hai lít dầu hôi. Chùa buồn thiu thỉu, trống huếch trống hoác, có gì đâu mà tới; nhưng người ta đi thì Hường cũng đi, đi để rút một cây xăm cho có vậy thôi. Cốt yếu là để đem dầu cúng cho chùa. Mùa nước lênh lang, nhà chùa kiếm đâu ra củi. Sư trụ trì thì già lắm. Già còn hơn cả cây săng máu nơi bến sông trước cửa. Nghe nói ngày xưa sư thất tình nên mới đi tu. Tu riết, sư chỉ còn nắm xương bọc da, trông cằn cỗi như gốc bần dầm nước. Hường ngó vào mắt nhà sư, thấy tồi tội, thấy muốn khóc. Đời Hường cũng có vui gì. Gần ba mươi mà vẫn héo hắt trên bến sông ngân ngấn nước. Sáng ngày ra khỏi nhà, gặp bến sông. Buổi chiều trở về, lại cũng gặp bến sông. Ở không, ngồi chong mắt ngó mông ra cửa, cũng chỉ có bến sông ấy- bến sông với cây săng máu trơ trọi, thả nghiêng vòm lá, lúc nào cũng nghe xào xạc một điệu buồn u ẩn; lúc nào cũng ngân ngấn nước như sắp òa khóc một nỗi buồn cô quạnh.

Trưa qua, Hường thấy người đàn ông lầm lì ấy ngồi vấn thuốc hút khan dưới gốc cây săng máu. Chẳng thấy đồ nghề gì, chỉ thấy cái giỏ lác để hơ hỏng dưới chân. Anh ta ngồi thừ ra, từ lối gần mười giờ sáng tới gần hai giờ chiều. Chẳng thấy ăn gì, uống gì; chỉ thấy hút khan thuốc giồng. Giữa trưa, Hường luộc một nồi khoai sáp, cũng muốn mời anh ta, nhưng lại ngại. Biết người ta thế nào mà mời. Với nữa, chỉ nồi khoai chứ cơm nước gì mà mời. Lúc mẹ đi xóm trở về, thì anh ta đã xuống xuồng bơi đi đâu. Chắc lại vô lung, vô bàu bắt chim bìm bịp. Tại sao cứ phải bắt chim cơ chứ. Miệt đồng còn rộng rinh. Thả dăm tay lưới, quăng mấy quăng chài, cũng đủ kiếm sống qua ngày. Muốn khá thì cất vó bè hay đóng đáy, vỡ thêm vài công ruộng. Tại sao lại cứ phải bắt chim bìm bịp. Thứ chim thầy chùa báo nước ấy, nó có tội gì. Tiếng chim vẫn nỉ non ảo não đâu đó ngoài bến sông. Con nước đang ròng, phải gần hừng đông mới lớn trở lại.

Sáng ngày, Hường phải đi chợ xã bán mấy cần xé hột vịt. Khi trở về thì trời đã xế trưa; mặt trời chếch bóng cây săng máu gần cả thước.

Lạ thật!

Người đàn ông đang ngồi ăn cơm dưới bếp. Mẹ ngồi tiếp anh ta, có vẻ như rất thân thuộc. Anh ta ngồi ăn cũng lầm lì, lầm lũi; coi tạng người cứ chảy ra, buồn thiu thỉu. Chỉ thoáng nhìn cũng biết, anh ta phải ngoài bốn mươi; tóc dày và cứng, gương mặt xương xương, hai bàn tay thô ráp, cần cổ cao và nổi hai sợi gân như hai ngón tay.

Day lại nhìn thấy Hường, anh ta vừa gật đầu chào, vừa nói với âm giọng thổ, như vọng từ trong lồng ngực ra:

- Cô Ba ngồi ăn chén cơm luôn thể!

Lúc đó tự dưng Hường đỏ cả mặt. Kể cũng ngộ, nhà của mình mà mình lại mắc cỡ. Hường thấy lúng túng, tay chân như thừa ra.

Đang tính bỏ đi lên nhà trên, Hường nghe mẹ nói:

- Thì bay ăn với nó mấy hột cho vui. Nó cũng người làng này chứ xa lạ gì.

Sáng tới giờ, Hường chỉ ăn có hai cái bánh ú, khi đang chạy ghe trên sông, giờ cũng đã ngon ngót đói. Cô bày ra dĩa mấy trái cam sành, mấy trái quýt đường, đặt lên trang thờ, rồi ngồi ghé xuống mâm cơm. Vừa ăn Hường vừa len lén quan sát anh ta. Mắt đã có vết chân chim. Vầng trán hằn mấy đường nhăn. Râu cằm và râu mép phún phún như rễ tre. Đôi mắt sâu thăm thẳm, lấp lánh hai đốm sáng sâu hút. Người như vầy là người có bản lĩnh, người từng trải. Vậy cắc cớ gì lại đến đây bắt chim bìm bịp không biết. Mới tháng trước, bìm bịp còn kêu đầy ngoài bờ ô rô, bờ dớn, bờ choại, bờ cóc kèn. Từ anh ta xuất hiện, bìm bịp cứ thưa dần. Tối qua chỉ còn nghe một con nao niết kêu gọi bạn.

Đang vừa ăn vừa nghĩ miên man, Hường chợt nghe người đàn ông nói ồ ề:

- Cô Ba ăn đồ ăn! Cá rô kho tộ, ngon thiệt ngon!

Anh ta vẻ đôi con cá rô to như bàn tay, gắp cho Hường khúc đầu.

Tự dưng Hường xốn xang cả lòng dạ. Đây là lần đầu tiên trong đời, Hường được một ngươi đàn ông gắp đồ ăn cho, mà người đó lại là một người khách. Xưa nay, Hường chỉ quen gắp đồ ăn cho mẹ, cho mấy cô bạn, mấy đứa cháu đếùn nhà chơi. Hường chưa bao giờ sống trong cảm giác được người khác chăm sóc, nhất là… người đó lại là một người đàn ông hoàn toàn xa lạ. Chính điều đó làm cho Hường đã lúng túng ngượng nghịu, càng trở nên lúng túng ngượng ngập hơn nhiều.

Để lấy lại bình tỉnh, Hường nói:

- Anh ăn đi, anh là khách mà!

Hường gắp phần cá còn lại cho khách; nhưng do lúng túng, miếng cá bị rớt xuống mâm. Rõ là hồ đồ. Hường cuống cả lên.

Người đàn ông lại cất tiếng ồ ề:

- Cô Ba để tui. Tui cũng no rồi.

Nói xong, anh ta xoay sang gọt trái bưởi da xanh đã có sẵn từ hồi nào. Chắc của ảnh mua, chứ miệt này hồi nào tới giờ, mấy ai được ăn bưởi da xanh. Hai bàn tay thô ráp mà làm coi gọn bân. Dáng vẻ sần sùi bên ngoài, hình như chỏi lại tính nết bên trong của ảnh thì phải. Người như ảnh, hổng lẽ lại vô đồng bắt chim đem bán, hay bắt chim ngâm rượu bán. Nghe nói lóng rày, người ta chuộng rượu rắn ngâm với thuốc bắc, chim bìm bịp và hải mã.

Khi Hường rửa xong chén bát trở lên nhà, người đàn ông đã ra đi. Việc anh ta không chào cô một tiếng, làm Hường phật lòng.

Hường phàn nàn với mẹ:

- Hình như anh ta đến đây bắt chim! Hồi hôm này, ngoài bến sông, chỉ còn một con kêu nao niết thôi à!

Mẹ vừa ngoáy cơi trầu vừa nói:

- Nước dật hổm rày, có khi chim vô đồng kiếm ăn.

Hường vẫn thấy giận người đàn ông. Người đâu mà… ra đi không thèm chào ai một tiếng. Cô nói:

- Ổng suốt ngày chui lủi trong bưng, trong bàu; dám ổng lùng bắt chim, chớ còn lọt ai vô nữa!

Mẹ ngồi chỏi chân trên bộ ngựa, nhìn vọng qua cánh đồng bên kia sông, nói giọng khàn khàn:

- Bây ngựa vừa thôi con ơi! Không thấy thì đừng nghi oan cho người ta. Tội chết!

Ừ. Mà Hường có thấy anh ta bắt chim hồi nào đâu. Chỉ thấy anh ta thui thủi, lần mò đây đó trong lung, trong bàu. Ảnh làm gì ở trỏng? Mấy năm trước, có người ở mị xứ nào kéo vô săn lùng cua đinh, rắn hổ; công an xã và du kích phải ra tay mới dẹp được họ. Nếu anh ta tới đây bắt chim bìm bịp, chừng nào công an mới tha. Vậy thì anh ta làm gì? Có ai ở không mà tha thẩn trong lung, trong bàu như vậy. Hường vừa nghĩ vừa xách cây phảng ra chế đất sau nhà.

Ngang qua lùm tre gai, nghe xoạt một tiếng, nhìn qua vạt cỏ ống, Hường thấy một con hổ ngựa đang quăng mình rượt chuột. Con rắn to và dài thấy sợ. Thân hình nó màu nâu vàng, ban ngày thường nằm nép trên cành cây, hoặc ẩn mình trong hang hốc, chỉ đêm xuống mới đi kiếm ăn; khi trườn thì rất nhẹ nhàng, chỉ khi phóng tới bắt mồi nó mới tỏ ra nhanh nhẹn. Con hổ ngựa này chắc ở đâu mới tới. Trước đây, trong bọng cây còng mục, kế nhà Hường, cũng có một con hổ ngựa. Con này bị đám thanh niên phát hiện, dùng chỉa xôm mất cả tháng trời nay. Còn con hổ ngựa này, nó dài gần cả hai mét chứ không ít. Dám nó là khắc tinh của chim, của chuột. Hổ ngựa về thì chim chuột phải đi. Dám Hường nghi oan cho người đàn ông ấy rồi.

Chế xong đám ruộng thì trời cũng vừa lãng đãng hoàng hôn. Hường nghỉ tay, đi ra bến sông, nhảy ùm xuống tắm. Dòng nước mát lạnh, nay đã trong xanh trở lại sau mùa nước son. Nước mát mơn man da thịt, đem lại cho Hường cảm giác rạo rực, bâng quơ của người phụ nữ. Thốt nhiên Hường nghĩ tới người đàn ông ấy. Anh ta đến đây để làm gì? Tại sao suốt ngày lại cứ chui lủi trong lung, trong bàu?

Khi ngồi ăn cơm, Hường hỏi mẹ :

- Má nói anh ta là người làng mình à?

Bà mẹ hơi ngạc nhiên, buông đũa nhìn con.

- Mầy hỏi ai? Đang không mầy hỏi ngang xương, tao biết ai mà nói.

- Thì ảnh chớ ai. Má mới mời cơm tức thì hồi trưa này.

- À, thằng Tư Đúa. Nó người ấp Kinh Nhì, bỏ làng đi từ nhỏ. Nghe nói có học nghen mầy! Đại học nông nghiệp bên Cần Thơ gì đó. Nay làm trên Sở tỉnh.

Hường thấy nao nao. Đen đúa như vậy mà chữ nghĩa cùng mình. Nhìn bề ngoài ai mà biết. Lầm chết đi được.

- Vậy chớ… làm sao ảnh phải bỏ làng ra đi?

- Mẹ nó đưa nó đi. Hồi nó còn vận quần xà lỏn thọt me dốt, tía nó thò tay vô tổ hốt chim bìm bịp non, bị rắn lục mũi hếch cắn chết. Mẹ nó buồn nên mới đi. Đi được mấy năm thì bả bịnh, rồi chết ở nhà thương thí.

Hường thấy xốn xang trong lòng. Té ra ảnh cũng mồ côi như mình; mà còn hơn cả mình. Vậy mà ảnh còn quyết chí đi học. Đàn ông làng này, mấy người được như vậy; tối ngày chỉ thấy phơi cá lóc nướng nhậu.

- Giờ ảnh sống trên thành à?

- Ừa! Nó với đứa con gái chín tuổi. Cha con cun cút với nhau, vậy mà nó dám bỏ vô đây cả tuần.

Vậy ra người đàn ông lầm lì ấy góa vợ hay sao. Hường muốn hỏi mẹ cho biết, nhưng lại thấy ngài ngại. Chuyện người ta, mình hỏi kỹ quá cũng kỳ. Hường gắp một đũa mắm chưng, nhưng miếng cá cứ vuột ra. Mẹ Hường nhìn thấy, lắc đầu.

- Mầy ngựa qúa con ơi! Lo hỏi chuyện người ta tới quên cả miếng ăn. Hồi chiều này, thằng Tư Đúa có trở lại, nó chào tao nó về. Nó biểu nó còn trở vô để nghiên cứu thảm thực vật. Hổng biết nghề đó là cái giống ôn hoàng gì.

Hường cũng không biết. Hường chỉ thấy nao nao trong dạ. Làm sao người đàn ông ấy lại chỉ sống côi cút có hai cha con? Tới chừng nào ảnh mới vô trở lại? Liệu ảnh có còn ghé nhà ăn cơm nữa không? Nhà Hường còn nửa khạp mắm lóc; rau nhút lại mọc đầy dưới mương. Người xứ này, ai mà chẳng ưa ăn mắm.

Đêm ấy Hường nằm thao thức mãi. Tiếng chim báo nước vẫn cất lên nỉ non, cô độc. Sau nhà, gió đồng bưng thổi dài sườn sượt. Mãi tới lúc vầng trăng hạ tuần nhú lên, Hường mới nhận ra tiếng nước vỗ lóc bóc ngoài bến cây săng máu.

Con nước đang triều.

Chắc giờ này, bến sông đang ngân ngấn nước./.





VVM.10.4.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .