T
hứ Năm, 18 tháng 7, 2013 21:54
Từ: "Tam Minh" Gửi: "TranhuuHoi" Quán Văn 15 phát hành 21/7 tuần sau Phan Rang có, anh em ngoài đó tìm đọc. Mong thông cảm, tất cả, ngay anh em chủ biên cũng phải mua,
đó là cách giúp Quán Văn sống lâu.
Những tác giả ngoài đó em chuyển vô cho anh đều có mặt. Phần em, anh chọn truyện Rủi -May. Thư mời trên phamcaohoang...thiếu tên
2 tác giả, trong đó có em, đã gởi bổ sung.
Quán Văn 16:sông Seine. Quán Văn 17: sông Cà Ty Phan Thiết. Quán Văn dành cho CTNM vài trang, phát hành 30/9, em viết cho anh nhe,
về thơ. Câu em viết anh thích nhất là: Thơ Buồn Như Cuộc Đời .
“nghĩ về thơ của anh thế nào viết thế đó .thân phân,tình yêu ,chiến tranh,kiếp người..”.
anh Tâm
Từ: Hoi Tranhuu Tới: MinhTam Đã gửi 8:15 Thứ Sáu, 19 tháng 7 2013
Chủ đề: Thăm anh chị.
Cảm ơn anh đã thông báo việc phát hành Quán Văn 15...Em sẽ thông báo lại cùng anh em Phan Rang. Chuyện phải mua thì hình như thành lệ rồi,
trước đây bọn em cũng mua "Thời Văn" mà. Chỉ có những đặc san của ngân sách nhà nước mới thong thả tài chính thôi !
Thư mời của Phamcaohoang về việc gì vậy anh, có phải mời ngày phát hành Quán Văn không?
Em sẽ viết về anh, chỉ mong anh biết rằng đứa em mình không là nhà bình luận, phê bình...mà chỉ là cảm nghĩ tiêu biểu của một tâm hồn,
trong lớp đàn em đi sau, nói lên sự ngưỡng mộ, cảm nhận...của mình đối với lớp đàn anh, mà tâm tư luôn bị giằng xé trong thân phận
làm Người, như một hạt mầm vay mượn trên Quê Hương buồn đau, anh nhé.
(Em luôn nhớ câu anh dặn: Phải nắn đứa con cho vừa ni tấc..." )
Mong anh chị và Gia đình luôn khỏe.
Em: Hội.
Từ: Tam Minh Tới: Hoi Tranhuu Đã gửi 15:06 Thứ Hai, 22 tháng 7 2013
Chủ đề: Vtho buon nhu cuoc đoi
Em viết theo cảm xúc của em cần là sự chân thật
Không cần phải đo ni tấc đâu, em cứ viết thoải mái,
Sẽ lưu bản chính, bản in sẽ lách, hay bỏ bớt. Em cố gắng viết đủ các
mặt :thái độ thời chiến, tình yêu, thân phận, kiếp người..v..v
Cứ từ từ thôi Hội nhe.
Đến hôm nay anh vẫn chưa mail cho Từ Vũ, Vũ rất dể thương cả vợ Vũ là Dị
nữa. Em nên giử tình thân với vợ chồng anh ấy.
Hôm nay, Sơn, em Nguyên Minh đem QV về ngoài đó.
Anh Tâm
Từ: Hoi Tranhuu Tới: Tam Minh Đã gửi 8:21 Thứ Ba, 23 tháng 7 2013
Chủ đề: Về: Vtho buon nhu cuoc đoi
Dạ, Em cũng dự tính viết như anh nói. Dù sao thì anh cũng xem lại mà. (Dạo này anh viết "bạo dạn" lắm. Trong: Mùa mực nang, Cún,
Con bách thảo cái...) không cần ni tấc nữa rồi !
Bạn em có đi dự ra mắt Quán Văn 15, Vợ chồng Nhân-Thụ, cô ấy có hát, gởi hình cho em xem rồi. Em cũng đã thông báo cho anh Trần
Huyền Thoại và Lê Sa, chờ mua Quán Văn và mua dùm cho em luôn.
Em rất quý anh chị Từ Vũ. Tự ban đầu, chính nhờ anh chị Từ Vũ động viên nên em mới viết đều. Có chuyện gì anh ấy cũng cho em biết.
Nay có thêm anh, em rất yên lòng có hai ông anh quan tâm mình.
Em mong anh cứ khỏe và hăng hái như hiện nay.
Em: Hội.
Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013 16:38
Từ: "Tam Minh" Gửi: "Hoi Tranhuu" Anh ra vô bệnh viện liên tục. Thỉnh thoảng mới lên mail .
Hiện đang nghĩ dưỡng tại nhà để 17/12 nhập viện
tình hình chưa biết ra sao. Hy vọng anh 'trụ' được.
Em ổn định anh mừng
dt cua anh 0937 1xx138
Anh tạm nghĩ Quán Văn từ số 18 .
Anh Tâm Khi biết Quán Văn tháng 10 sẽ kỷ niệm sinh nhật 08 năm, tôi chợt nhớ đến một người đàn anh của ba tôi, người đã luôn động viên,
tin tưởng ba tôi đến với Quán Văn – đó là bác Chu Trầm Nguyên Minh. Điều này nhắc nhở tôi phải viết một điều gì đó cho ba và cho bác ấy
trong dịp này.
Trên đây là những “lời tình” của ba và bác Chu Trầm Nguyên Minh viết cho nhau. Tôi đã tìm thấy được những email giữa ba và bác Chu
Trầm Nguyên Minh trong một tập file mà ba đã cẩn thận sao chép từ hộp thư điện tử, ba giữ nguyên mọi thứ từ thời gian, địa chỉ mail để
chuyển qua file word và đề tên “CHU TRẦM NGUYÊN MINH” , ba đã lưu giữ khá cẩn thận. Tôi rất xúc động khi tìm thấy tập file này, y chang
như ngày 08/03 của năm 2014, sau khi bác Chu Trầm Nguyên Minh qua đời, tôi làm một đêm nhạc tại quán cà phê nho nhỏ “Nâu coffee”
của tôi trên đường Nguyễn Thái Sơn. Đêm đó có cả ba tôi,
ông lo phụ trách âm thanh cho tôi, anh trai con cô ruột thì đánh ghita cho tôi, không gian quán nhỏ hẹp nhưng ấm áp với rất nhiều khách đến để nghe tôi hát, tôi bắt đầu với bản “Lời Tình Buồn” – thơ Chu Trầm Nguyên Minh – phổ nhạc Vũ Thành An, trước khi hát tôi nói đôi lời với bác Chu Trầm Nguyên Minh ở trên trời, nói được vài ba câu thì tôi đã khóc. Tôi khóc vì thương ba mất đi một chỗ dựa tinh thần trong văn chương, tôi khóc vì hối hận đã không đưa ba đi gặp bác sớm hơn chứ không phải là đêm cuối đưa tiễn bác về trời, khóc vì bài hát này tôi đã hát từ những ngày mười tám đôi mươi khi tôi xa người yêu của tôi. Tôi biết đêm đó ba cũng đã khóc thầm, vì những bữa cơm ba vẫn hay kể cho chúng tôi nghe về bác, ba khoe “lần đầu ba được biết một bác nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, tác giả của bản nhạc Lời Tình Buồn mà con hay hát”, cả nhà vui lây cho ba, hạnh phúc theo ba. Những dòng thư nhẹ nhàng, từng chữ một đều chắt chiu tình cảm cho nhau, sưởi ấm hết những lạnh lùng của đời sống thường nhật. Hèn gì, ngày đó ba vẫn ngồi vào bàn máy vi tính và luôn gõ từng chữ một với nụ cười trên môi, sự hạnh phúc “trẻ thơ” ấy chúng tôi không mang lại được cho ba.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác sung sướng rân người khi tôi chạy xe từ Gò Vấp lên nhà sách Nguyễn Thị Minh Khai để tìm mua Quán Văn số 15, ba nói “ba được đăng bài rồi đó, nhưng người ta không gởi sách biếu, nên con mua ủng hộ cho ba với, con coi giá bao nhiêu, nếu rẻ có thể mua cho ba hai cuốn được không ?”, ba nói mua cho ba hai cuốn nhưng tôi hiểu ba dò xét, ba sợ tôi tốn tiền, thương lắm, nghĩ đến nước mắt tôi vẫn rơi... Tôi đã đến nhà sách Nguyễn Thị Minh Khai, tôi đi lên lầu theo chỉ dẫn của ba, và tôi đã mua 3 cuốn thì phải, tôi ghé vào quán cà phê Chiêu trên đường Cao Thắng, là một nơi tôi hay ghé để “dưỡng thương’ sau những lần tan vỡ con tim. Tôi vội lần dở số trang 93, đọc ngấu nghiến và khóc, “Rủi-May”, tôi khóc vì sau bao nhiêu lần cố gắng, ba tôi được công nhận tài năng tại một tạp chí văn học của Sài Gòn..Sài Gòn chứ không phải một câu lạc bộ thơ – văn tự phát ở thôn, xã chỉ toàn những kẻ sân si, hám danh..Từ đó tôi yên tâm ba đã được hạnh phúc vì ước mơ thành hiện thực của ba, rồi ba vào Sài Gòn sinh sống hẳn, tôi cùng ba đến họp mặt Quán Văn ở cà phê Ngôi Nhà số 7, tôi biết ba rụt rè nên tôi cố tỏ ra mạnh dạn hơn, để mạnh dạn như vậy tôi chỉ cần phớt lờ hết những người ở đó là ai, tôi chọn bàn cho ba ngồi và gọi nước như đến một quán cà phê thông thường. Lần đó, tôi nhớ đã gặp chú Thơ, chú rất hiền và dễ mến với nụ cười thường trực trên môi, hôm đó cô Mỹ Lệ cũng lên trò chuyện, tôi nhớ cô có nhắc về Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, và vài người nữa mà tôi không nhớ rõ vì định hình những vị này lúc ấy tôi chưa có...
Mãi đến khi tôi có dịp lại đưa ba sang họp mặt Quán Văn tại cà phê Lọ Lem, vì mỗi lần thay địa điểm, ba tôi đều phải nhờ “google Sài Gòn” của gia đình là tôi đưa đi lần đầu tiên, sau đó sẽ là bé Út thay tôi. Thực sự trong ý thức của tôi trước đó về văn nghệ sỹ không được đẹp, bản thân tôi cũng làm ở trong ngành truyền thông, gặp nhiều văn nghệ sỹ bên ngoài họ khác xa với những gì đạo mạo, đứng đắn, thân thiện được thể hiện trước công chúng, hay những văn nghệ sỹ ở quê nhà, nơi ba tôi thỉnh thoảng đến họp mặt, họ chỉ toàn lợi dụng để ăn nhậu và gái trai, hoặc là bề ngoài của vài ba người nào đó. Nên ở Quán Văn thời điểm đó tôi chưa thực sự thấy gần gũi hay quá cảm tình cho lắm, thực lòng cũng chỉ sợ ba bị “ăn hiếp” mà thôi... Hôm đó, vì chưa nhiều người biết đến ba, nên tôi và ba ngồi gọn gàng, nghiêm túc như học sinh cho đến hết buổi trò chuyện, chúng tôi đứng lên chuẩn bị ra về thì gặp bác Trương Văn Dân, ba tôi cặp nạng đi thật nhanh như muốn chạy để kịp chào bác và ngỏ lời với bác về tác phẩm “ Bàn tay nhỏ dưới mưa” của bác, vì ba tìm mua mà không biết ở đâu, nhưng bác hình như đang bận việc gì đó nên cũng chỉ kịp trả lời “Ở nhà sách Nguyễn Thị Minh Khai có bán”, rồi bác đi nhanh ra cửa, trong khi ba còn muốn hỏi để xin bác được ký tặng vào đấy. Khi đến đoạn này, hình ảnh ba của mình đã mất một chân, đi nạng khó khăn, thân hình còm cõi mà như muốn chạy ào đến để tay bắt mặt mừng một người đàn anh yêu quý nhưng không được, đành ngậm ngùi quay lại hỏi con gái “con đi ra quận 1 nhớ ghé mua cho ba”, tôi cảm thấy căm ghét, một cảm giác tủi thân cho ba, thương ba vì người ta không có quý trọng ba.. “Con xin lỗi ba và bác Trương Văn Dân, con đã từng rất giận bác, đã từng không muốn đến Quán Văn những lần sau vì không muốn thấy ba quá nhỏ bé giữa đám đông..” Tôi đã từng nói với mẹ, ở đó họ không quý trọng ba, họ cũng giống nhau hết thôi, bề ngoài, ba có giỏi nhưng ba nghèo, không nổi tiếng họ cũng không cần ba đâu.
Trong đời người, tha nhân ai không từng lầm tưởng, có những lầm tưởng làm người ta nhớ đời và hổ thẹn, thì trong đó lại có tôi, tôi đã lầm to và hổ thẹn với lòng mình mãi về sau. Mãi cho đến lần ba tôi phải đi cấp cứu ở bệnh viện Quận 12, bác Đặng Châu Long, cô Hạnh và bác Đoàn Văn Khánh đã vào thăm ba dù đường quá xa xôi ..rồi những lần sau đó, cả bác Trương Văn Dân, cô Elena, cô Hoàng Kim Oanh, và nhiều nhiều thật nhiều tình cảm đã dành cho ba. Đến nỗi cô Hoàng Kim Oanh còn gọi cho tôi, và hỏi “nếu có cần tiền hãy nói cho cô biết”, tôi thực sự bị sốc, vì ở Sài Gòn bao nhiêu năm chưa ai mở miệng gợi ý giúp đỡ...dù đó là lần đầu tiên tôi trò chuyện với cô Hoàng Kim Oanh “huyền thoại” (ba vẫn hay khen và để nhiều sự nể phục dành cho cô)
Rồi đám cưới em trai tôi, các bác đến tham dự đông vui cũng như ngày ba nằm xuống, người đàn ông “bé bỏng” nhất, bác Nguyên Minh còn khóc như một đứa trẻ trước di ảnh của ba, tôi hiểu ba tôi sống và chết được trọn vẹn trong tình yêu văn chương, tình yêu của thân hữu gia đình Quán Văn, trong này ai cũng bằng hoặc già hơn ba, mà bác Nguyễn Châu, bác Đoàn Văn Khánh còn “thân chinh” theo ba từ Sài Gòn ra bãi “tha ma” hơn 300km tại Quãng Thuận – Phan Rang. Nhìn hai “ông hơi già” một chút, co ro trên băng ghế đá ở Đài Đức Mẹ giữa trời bao la mà thương, mà thấm, để hiểu tình yêu thương nó vô bờ bến thế nào....Triệu người quen, có hai người đưa ấy, thực sự đã quá lớn lao với ba và gia đình tôi.
Và giờ đây, Quán Văn như Quán Trọ của tâm hồn tôi, của mẹ tôi...nơi tôi đến mà mặc phục sức càng đơn giản thì càng đẹp rực rỡ vì trí tuệ và sự yêu thương phủ sáng chói lóa xung quanh cho tôi, nói cảm ơn làm gì vì chẳng thể xứng tầm với thi nhân !
LÃNG DU ...
*Tặng anh Chu Trầm Nguyên Minh.
Những ngày vui cùng bằng hữu ở Pháp.
Tưởng rằng Pháp Quốc xa xôi...
Bảy mươi có dịp, dạo chơi phố phường...
Bạn bè gửi gắm yêu thương,
Đồi cao ngắm mãi... lòng vương nặng lòng.
Đã bao năm, sống long đong,
Như dòng sông chảy, phiêu bồng đó đây,
Đời người tưởng phận mưa mây,
Thế mà gặp gỡ, còn đây bạn bè...
Tóc sương, cứ ngỡ nằm mê:
Tuyết rơi trắng xóa, bên lề thành xưa,
Cành hoa run rẩy trong mưa...
Vẫn còn hương ngát, thơ chưa cạn nguồn.
Quãng Thuận, 20/5/2013
Trạch An-Trần Hữu Hội.