Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

KHÔNG PHẢI THIÊN THẦN




                                 

C hín Hạnh mang bầu mà cả làng Thiện Đức xôn xao như mặt trời mọc ngược hướng Tây:

- Ủa! Đã thấy cưới hỏi gì đâu?

- Cũng chẳng nghe bồ bịch?

- Thằng chả nào vậy cà?

- Cứ tưởng… ai dè cũng…

Thật khó rõ sự thể khi khói lửa chiến tranh rát mặt, ngày bên này, tối thuộc bên kia. Một cô giáo luống tuổi suốt ngày cặm cụi trong vườn chuối, đêm về một bóng một hình trong ngôi nhà rộng, hương khói cầu mong cho sáu người anh bị hút vào hai bên đối chiến, sau đó lơ mơ trong những cơn ác mộng rồi giật thót chờ nghe tiếng gõ cửa.

Sự cố xảy ra thế nào? Đồng thuận hay bị cưỡng bức? Nửa kia là ai? Ngoài Chín Hạnh thì ai cũng mù tịt. Cái bầu lớn dần, sức ép càng tăng. Vài bà lắm điều ác ý xuống tận vườn kéo ngược áo sờ bụng:

- Gọi thằng chả về nuôi đẻ chớ… rồi còn “đúc” đứa thứ hai, thứ ba.

Uất quá, Chín Hạnh ứa ra một bựng máu. May, bào thai vẫn an toàn.

Biết trước khó vuông tròn khi sinh nở, Chín Hạnh đóng cửa về quê nội. Bé trai ra đời mang họ mẹ: Lưu Lý Hải. Con chưa ráo máu đầu, Chín Hạnh nhờ vú nuôi, đôn đáo trở về gánh thêm hai nỗi đau: không được ôm ấp nâng niu, phải vắt sửa bỏ đi khi biết con mình có thể phải uống nước cháo gạo. Nhưng mà loại người đâm thọc được phân bổ đều trời. Những người cùng làng đến chất vấn vú nuôi:

- Con ai dzậy?

- Cha nó đâu?

- Nếu chết thì nói chết, nếu phải tù thì nói đi tù, tránh tiếng sao được.

- Còn mẹ nó? Coi bộ giật chồng?

Chịu không nổi những lời cay nghiệt, vú nuôi ủ bé Hải vào bọc ngược đường trường vào giao lại cho Chín Hạnh. Thêm một pha quá ư ngổ ngáo. Các bà hàng xóm xồng xộc vén mùng nôi:

- Coi thử nó giống ai. Trai làng mình hay làng khác?

♣ ♣

Đến lượt bé Hải làm khổ mẹ. Khi nói sõi nó tập hợp ý kiến của người lớn, trẻ con , về hỏi mẹ:

- Cha con là ai? Đang ở đâu?

Chín Hạnh mượn chuyện những con tàu viễn dương gặp nạn, thủy chung chỉ kịp viết những bức thư ngắn cho vào chai khằn kín miệng thả xuống biển:

- Ba con lái tàu… chắc là chưa giáp vòng… hay là…mẹ đang chờ…

Bé Hải không dửng dưng. Nửa mơ hồ sợ mẹ nạt, không dám hỏi thêm, nửa tin nó nhập tâm. Từ lúc đó thằng bé sáu tuổi nói không ngớt mồm về ốc đảo, đá ngầm, bến tàu, dông tố…

Cả làng đều bảo đứa con không có cha bị liệt dây thần kinh, nói nhăng, nói cuội. Lũ trẻ lánh nó ra, sợ lây bệnh điên. Có người học thức thấy trong Hải đang tiềm ẩn điều gì đó chưa được khai mở, xin Chín Hạnh cho bảo lãnh đưa đi học.

Cậu học sinh “bị liệt dây thần kinh” đủ điểm nhận học bổng sang nước Anh học ngành hàng hải. Ngoài giờ lên giảng đường, sinh viên Lưu Lý Hải la cà trong các câu lạc bộ, giao lưu với sinh viên các màu da, tìm tin tức những bức thư trong ruột chai. Trong những năm thực tập, ghé bến tàu nào Hải cũng săn lùng. Đôi khi nhận được những tin tức na ná, nhưng quá cũ, không hợp thời hiệu.

♣ ♣

Trở về Vũng Tàu, thuyền trưởng Hải thuê chung cư rước mẹ vào ở cùng. Những ngày tàu neo, Hải thường đưa mẹ đi dạo bờ biển. Điều bà mẹ hư cấu vẫn cựa quậy trong lòng con trai. Thấy mớ rong rêu nào nổi bọt lều phều, Hải đều ghé mắt. Những lúc ấy bà Chín Hạnh ngộp thở. Đời quá ư phủ phàng. Đất nước yên bình, những người trong hai bên đối chiến đều rõ mất còn. Riêng những người anh của bà chia đều hai bên vẫn ở trạng thái mất tích, làn ranh mỏng manh vô hình mà vô cùng nghiệt ngã, chưa chết mà như không còn. Nay bà gieo vào lòng con trai tình huống y hệt.

Mùa nam non. Gió nhẹ, sóng lặn. Chiếc tàu do con trai lái chưa cập bến. Theo nếp quen bà Chín Hạnh hương khói cầu nguyện rồi ra lan can ngắm biển.

Có tiếng gọi cửa, ba cán bộ từ Thiện Đức tìm vào. Bà Chín Hạnh mừng đến thót tim. Tưởng người ta đưa đến tin tử sĩ, liệt sĩ, hoá ra khác quắc. Vào thời xây dựng, cánh rừng gai ven sông, chỗ trú của rái cá, cáo, chồn được các anh trai bà khai phá thành rẫy ruộng liền vườn, nay quy hoạch đường liên xã, cầu, trường. Những người mượn đất xâm canh chiếm dụng đòi bồi thường. Bà Chín Hạnh ngạc nhiên:

- Sao kỳ vậy? Sao ngỗ ngược vậy? Tôi cho mượn chứ đã bán ha! Giấy tờ còn đây.

- Thưa cô Chín, vì vậy mà các cháu tìm vào. Người được bồi thường là cô. Xin mời cô về cùng với chính quyền… dẹp loạn.

- Con tôi chưa về. Chờ tôi đóng cửa gởi nhà.

♣ ♣ ♣

Trên dải đất liên địa rẫy – ruộng – vườn ngổn ngang như thời chạy loạn, các biển chỉ giới công trình đang tươi màu mực mà xe ủi đứng bánh, xe cần cẩu treo móc. Công nhân túm tụm dưới bóng cây dưới gầm xe. Người ta bày bếp nấu trên chỉ giới lòng đường, giăng màn trải chiếu ăn ngủ tại chỗ. Có người ranh ma trồng cây con. Bà Chín Hạnh xuất hiện như cơn gió lành thải độc. Vài hôm sau một chiếc xe phân khối lớn phun bụi đường. Người lái xe lưng dài vai rộng, đội mũ bảo hiểm, mặc quần áo bảo hộ, mang kính chắn gió, ủng cao đến gối. Sau xe lổn nhổn ruột xơ cua, thùng đồ nghề. Lần đầu tiên vùng xa Thiện Đức trông thấy vị khách trang bị từ đầu đến chân. Có ai đó buột mồm: Trông như thiên thần. Không! đó là con bà Chín Hạnh, không có cha… chắc y về hộ tống bà mẹ nhận tiền bồi thường?

Hải cởi mũ tháo kính đến vòng tay xá hai người tóc hoa râm đang cuốn chiếu dọn bếp:

- Cháu chào cậu Sáu, chào chú Ba.

- Ờ… sao giờ mới về?

- Dạ, tàu giao hàng cảng này lại nhận hàng cảng kia. Ít khi rảnh.

Vài anh cùng trạc tuổi ghé lại:

- Đừng giận bọn mình nữa hử!

- Ôi, thời ấy bọn mình cùng là trẻ con, nhớ chi chuyện cũ cho nặng bụng. Thời giờ vốn không đủ để làm việc. Muốn bay cao đừng đeo nặng.

Một gã vẫn lấc cấc:

- Chuyến này nhận khẳm tiền bồi thường, chi cho bọn mình một chầu nhậu.

- Bồi thường là chuyện của bà già. Lương tôi mỗi tháng mới chỉ hai ngàn đô, vẫn có thể bớt một phần mười. Về triệu tập chiến hữu gầy độ…

Hai mẹ con dạo cảnh cũ, Hải hỏi:

- Mẹ không có ý kiến gì với những người lắm lời trước kia?

- Lúc đó mấy bả đẩy mẹ con mình đến vực thẳm. Mà thôi… lấy ân giải oán mới bền. Còn chuyện đền bù? Cũng không. Đất của vua… chớ của mình ha? Mà chính quyền cũng có tình. Họ dành lại quỹ đất… lưu lại cái đức nuôi hy vọng… các cậu… ba mày…

- Mẹ đúng, lòng con rất vui. Đời người, ai mà chẳng có lúc lỗi lầm.




VVM.28.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .