Nguyên tác của
Leonardo Alishan
– Tặng Farhad Alishan
Tác Giả: Leonardo Alishan (1951-2005) sinh ra ở Tehran, cha mẹ của ông là người Armenia. Ông đến Hoa Kỳ để học Cao học năm 1973. Ông dạy văn học Ba Tư từ năm 1978 đến 1997 và dạy môn phê bình văn học ở Đại học Utah thuộc Salt Lake City. Văn và thơ của ông đã đăng trên nhiều báo chí cũng như tạp chí trong và ngoài nước. Ông cũng nhận vô số giải thưởng văn chương. Tập thơ đầu tiên của ông Dancing Barefoot on Broken Glass đã xuất hiện ở New York năm 1991. Tác phẩm thứ hai Through a Dewdrop xuất bản ở Glendale, California năm 2002. “Tired Thoughts” được trao giải thưởng People Before Profits Poetry Prize năm 2003.
T rong lúc cạo râu tôi cắt nhầm môi dưới và tôi đang ở gần cổng vào Thành Phố Đen, một thành phố xây bằng đá cẩm thạch đen, một thành phố đá cẩm thạch ở ngay giữa sa mạc, còn cái mỏ đá cẩm thạch ở gần nhất cũng cách đây hằng mấy trăm dặm. Một thành phố lạ lẫm. Một thành phố bằng đá cẩm thạch lạ lùng ở rất xa các ốc đảo. Thành Phố Đen mà tâm hồn tôi xem là quê hương.
Tôi băng qua cổng vào, hoàn toàn nhận biết đây là thành phố của tôi, thật yêu dấu thân mật đến độ tôi có cảm tưởng chính tôi đã sắp đặt xây dựng nó, như thể tôi vừa là người lên kế hoạch xây dựng vừa là kiến trúc sư. Tôi vừa là đá cẩm thạch vừa là mỏ đá. Tôi là tên nô lệ khai thác đá cẩm thạch và cũng là tên nô lệ kéo tảng đá băng xuyên qua sa mạc. Tôi là vua của Thành Phố Đen và cũng là người khách độc nhất đến thăm thành phố này. Một thành phố rất lạ lùng kỳ quái.
Tôi đi trên đường phố đầm đìa những mùi hương quen thuộc – mùi tóc của mẹ tôi, mùi áo của bố tôi, mùi những quả cam chúng tôi cùng ăn buổi chiều thứ Sáu, và mùi của những đêm hè đầy ắp những câu chuyện thần tiên của bà tôi. Tôi đi trên đường phố đông đầy những gương mặt quen thuộc – những khuôn mặt tôi đã quen từ những đoạn khác nhau trong cuộc đời của tôi, hầu như tất cả đều là trắng hoặc đen. Không ai có vẻ vội vàng hối hả; không ai có vẻ như cần phải đến một nơi chốn nào; tuy thế tất cả mọi người đều di chuyển. Không ai nói với ai lời nào. Đường phố im lìm, đẫm hương, đông đúc những người vẫn còn đang sống ở một thế giới khác, trở nên già đi ở thế giới khác, nhưng họ là tất cả những người mà tôi đã từng gặp khi tôi còn là một đứa bé, một thiếu niên, và người đàn ông trưởng thành.
Thành phố cẩm thạch đen này giáp biên giới với một đền thờ Hồi giáo, nóc đền thờ hình vòm cung này có mặt trăng tròn đang nằm trên đó; còn ở đầu biên giới bên kia là một nhà thờ công giáo, mặt trời mùa đông đang ngự trên đỉnh nhọn của nóc nhà thờ. Tôi nhận ra người quét đường là ông hàng xóm già đang quét những ngôi sao rụng giống như là lá úa, trong khi hai cây kim đồng hồ trên cái tháp chẳng chịu đứng im mà một kim chạy xuôi còn cây kim kia chạy ngược bằng nhịp điệu của những vũ công thời Trung cổ. Đây là thành phố bằng đá cẩm thạch đen mà tôi đã xây dựng trong mỗi giây phút đã qua trong đời tôi và tôi vẫn đang còn xây dựng nó, nếu tôi còn sống; và tôi vẫn còn đang sống như vẫn còn đang nối liền cuống rốn với một cái vòm tử cung ẩm ướt của một vị thần đã chết.
Giữa đám đông đen và trắng tôi nhìn thấy một cô bé mặc quần áo có màu sắc rực rỡ, nhảy múa cười vui; và tôi rất thích thú nhìn thấy một người đang rất vui vẻ hạnh phúc trong thành phố của tôi, cũng là cuộc đời của tôi. Tôi đến gần cô và hỏi cô là ai. Cô nói cô là thời niên thiếu của vợ tôi. “Em vẫn luôn luôn vui vẻ hạnh phúc như thế à?” tôi hỏi. “Em vui vẻ hạnh phúc,” cô nói, “nhưng em càng vui vẻ hơn hạnh phúc hơn khi thời gian trôi qua.” “Anh có liên quan gì với niềm vui của em không?” Tôi hỏi. “Vâng, có chứ,” nàng nói, “cứ mỗi ngày nàng ở cạnh anh là mỗi ngày nàng sống trong nỗi buồn của hôm nay và nỗi tuyệt vọng cho ngày mai; vì thế, tôi, là quá khứ của nàng, trở nên vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, sáng rực rỡ hơn trong trí nhớ của nàng. Còn anh thì ngược lại, anh rất là sai lầm, khi nghĩ là không thể nào thay đổi quá khứ.” Tôi khóc; tôi khóc trong im lặng và quay mặt đi.
Tôi đi qua thành phố đá cẩm thạch, thành phố đen kỳ lạ, bằng đôi chân mỏi nhừ và đau đớn. Gần đền thờ Hồi giáo, cạnh cổng của đầu bên kia, tôi nhìn thấy một chú bé bán hoa màu đen, một chú bé da nhăn nheo và mặt có sẹo, đang bán những cái hoa màu đen mà tôi rất thích. Tôi hỏi, “Bao nhiêu?” Hắn trả lời, “hoa này là của anh đấy; chúng nó đã chờ anh từ lâu rồi.” “Em là ai?” tôi hỏi. “Em là tuổi thơ của anh,” hắn nói. “Nhưng trông em có vẻ vui quá; anh nhớ em rất rõ ràng,” tôi nói, “em rất vui vẻ.” “Nhưng bây giờ mình biết chuyện nhiều hơn, phải không?” hắn nói. Tôi cầm bó hoa đen và lê bước hướng về cổng của thành phố.
“Tôi không phải là vua ở đây,” tôi kêu lên. “Không, anh không phải là vua,” người tu sĩ đã làm phép chào đời và phép cưới cho tôi nói, “chúng tôi có một nữ hoàng ở đây,” và ông ta chỉ về hướng một đoàn người lính Ba Tư, những người đã cùng tôi chiến đấu trong quân đội. “Họ đi đâu thế?” Tôi hỏi. “Họ đang mang nữ hoàng của Thành Phố Đen đến đền thờ của chúng tôi,” người tu sĩ nói, “nơi bà được dâng làm lễ tế mỗi tháng Tư.” Đoàn người ngưng lại. Nữ hoàng vén màn lụa qua một bên. “Chào cháu yêu quí,” bà của tôi nói với nụ cười buồn. “Chào bà ạ,” tôi nói khẽ. Đoàn người tiếp tục đi, lẩm nhẩm một câu kinh quen thuộc bằng tiếng Armenian.
Trước khi bước ra khỏi cổng, tôi quay lại nhìn chú bé lần cuối cùng. Hắn đứng đấy nhìn tôi như một đứa trẻ mồ côi bị tôi bỏ lại.
“Hãy nhìn xem cái cung cách anh đã đối xử với em,” tôi nói lầm bầm qua nước mắt. Hắn quẹt nước mắt bằng mu bàn tay nhỏ bé và nói,
“Nhìn cách mà người ta đối xử với mình.” Tôi bước ra khỏi cánh cổng màu đen và nghe tiếng cổng đóng sầm phía sau lưng tôi.
Cái dao cạo rơi xuống. Trong gương, có một ông già, cằm và cổ của ông ta dính đầy máu.