T huở bé tôi thường có thói quen ngửa mặt lên trời mỗi khi mùa Đông về.
Không phải tôi bị dị tật, mà mùa ấy ngang bầu trời nhà tôi thường có những đàn chim bay qua. Những đàn chim đi tránh rét, chúng thường bay thành hình chữ V hoặc hình cánh cung. Đôi khi tôi gặp một đàn tao tác, và đêm đó nhất định là có những tiếng lạc bầy vang vọng trên bầu trời của tôi..
Tôi nằm co ro trong chăn mỏng không sao ngủ được, cứ thương con chim lạc đàn mà suy nghĩ miên man. Không biết nó có tìm được gia đình của nó không? Cha mẹ anh chị em của nó cũng đang rất lo lắng cho nó. Đêm nay nó sẽ ngủ ở đâu ? hay là “đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao “ ? như trong lời ru của Mẹ tôi nhặt thưa mỗi khi thằng em nó quấy khóc.
Xứ Bắc mùa có những đàn chim bay ngang trời, cái mùa tôi thường phải nằm co ro trong chăn mỏng cũng chính là mùa Khói Rạ. Thứ khói hun tôi suốt một thời thơ bé, lem nhem từ trong bếp lửa, lan man trên mái tranh, và ra mãi tận ngoài đồng xa.
Những thành phố tôi đi qua, có bụi đường, có khói xe, khói các nhà máy và cả khói bom, khói hơi cay của loạn lạc khủng bố. Nhưng tất cả nó không thể nào giống mùi khói rạ.
Tôi ngửa mặt lên bầu trời, dưới chân là quê người đất lạ. Không có những đàn chim di cư đi tránh rét, chỉ có những cánh chim đơn lẻ bay mải miết về muôn hướng khác nhau. Nắng và gió và cái nóng rát cháy khô khát. Tháng Chạp không phải quê mình thì không bao giờ có gió bấc với rét căm căm.
Tôi như cánh chim lạc loài mệt mỏi vô định hướng, gục ngã buông xuôi một nơi góc tối cô độc. Xung quanh là muôn ánh đèn màu lấp lóa như ma trơi, những mùi vị ô tạp nhốn nháo pha trộn và những thanh âm rền rĩ. Chợt thèm khát mùi nồng nàn khói rạ quê mình, thèm khát tiếng ru hời của Mẹ hơn là một lời dặn dò cho cánh cò đi kiếm ăn đêm..
Tôi mở hành lý lấy ra một nắm gốc ra rồi trịnh trọng châm lửa đốt như người ta đốt hương chiều 30 tết. Mùi khói rạ xộc vào khướu giác, len lỏi vào huyết quản, lên tận trí não, đập vào miền ký ức sâu thẳm. Cuốn phim tuổi thơ bắt đầu rè rè chạy, những khuân hình nhạt nhòa sáng tối dần hiện ra.
Lũ chúng tôi: cờ xí, kiếm cung, binh lính, tướng soái đủ cả, chia làm hai phe hò reo đánh chiếm một gò cao. Nơi đó trong tâm thức chúng tôi nó như một hòn đảo, một lãnh thổ, một vùng đất thiêng liêng. Cũng có những kẻ tử trận ngã xuống, kẻ khác đạp xác xông lên, trống trận dục liên hồi, tên bay loang loáng, gươm giáo chát chúa. Khói lửa mịt mù, tiếng hò reo bên xung trận, tiếng la ó kẻ thất thủ. Cuối cùng phải có một bên chiến thắng, cắm cờ lên đỉnh gò xác nhận lãnh địa. Bên chiến bại phải dâng nạp cống phẩm, phải chịu sự sai khiến của bên chiến thắng. Tức là phải xuống mương mò những con tôm đồng đen bóng có cái kiếm sắc nhọn trên đầu, tìm ở những bờ thửa có những hang cua, phải lôi ra những con cua nằm màng ngủ đông to như cái lá chè, có khi phải lội qua sông nhổ trộm củ sắn của khoai. Những tên lính quèn nhỏ tuổi phải lang thang ở các bờ vùng tìm châu chấu cào cào, rồi phải đi gom gốc rạ khô thành một đống lớn. Chủ soái của bên chiến thắng châm lửa, một cột khói trắng đục bốc lên, mấy đứa chổng mông thổi phù phù. Lửa cháy tý tách, khói chuyển sang màu xanh, lửa bùng rực rỡ, tất cả nắm tay nhau chạy quanh đống lửa. Thế là hòa cả làng, không còn bên thắng bên thua, tất cả trở lại làm bầy nhem nhuốc lấm lem như vốn có cả ngàn đời ở đồng đất này. Những sản vật vừa moi lên từ bùn đất được ném vào đống lửa, xì xèo mùi vị thèm thuồng quện lẫn trong khói rạ. Chúng tôi chia nhau những sản vật bòn đãi giữa cái mùa trơ gốc rạ quê mình, cũng là để bổ sung dinh dưỡng cho kỳ tem phiếu ít ỏi.
Khi khói lam chiều dâng lên từng mái rạ, đọng lại trên những rặng tre, khi một dải màu xanh vắt ngang lưng đồi, khi tiếng ngân nga thu không vang lên trên gác chuông nhà chùa. Là bầy trâu lững thức nối nhau trở về, kết thúc một ngày lăn lộn với bùn đất và lem nhem với khói.
Ánh đèn dầu leo lét in hình cha tôi trên vách, lặng im và bất động. Mẹ bê lên một rổ nóng hổi những củ khoai bằng ngon tay, đó là khẩu phần bổ sung cho bữa chiều chóng vánh. Cha gõ nhịp ngón tay lên mặt bàn như ông giáo già gõ thước khi bắt đầu buổi giảng, cha bắt đầu nói về cuộc chiến tranh nào đó đã qua, nói về những đóng góp của gia đình mình. Nói về những củ khoai rất to, những hạt thóc rất mẩy, những con lợn rất béo mà gia đình mình làm ra. Nhưng tất cả để đóng góp cho công cuộc gì đó to tát lắm. Cha nói về niềm tự hào, danh phẩm của gia đình vân vân và vân vân. Tất cả nó như một làn khói len lỏi trong tiềm thức của tôi, tất cả đều được hun khói rất kỳ công, từ đôi mắt của mẹ, bàn tay của cha, và cả cái rổ tre, cái nồi đất...
Thật kỳ lạ, một xã hội mà giá trị và nhân phẩm con người được đo bằng sự cam chịu cơ cực và những đóng góp xương máu đói khát cho một công cuộc cuồng bạo hay một ý niệm mơ hồ ảo tưởng của ai đó. Một xã hội không có bon chen, không có kẻ giàu người nghèo, không có bất cứ thứ gì cho mỗi cá nhân. Tất cả chỉ là một bầy nhem nhuốc, đen đúa, đói khổ. Nhảy múa bên những cột khói rạ sau cuộc chiến giả tưởng như bọn con nít chúng tôi.
Cuốn phim đứt lìa ngang chừng khi tuổi thơ bị đánh cắp, khi tôi không thể mãi nhảy múa bên đống rạ lem nhem khói. Tôi quăng tuổi đời cho đủ thứ khói bụi, mùi vị xứ người. Một nắm gốc rạ quê hương là thứ quý giá nhất trong hành lý tha phương. Tôi đã dè sẻn đốt tới cây cuối cùng rồi mới trở về tìm lại nơi gò đất ngày xưa ngạo nghễ. Xung quanh vẫn trùng trùng gốc rạ khô trắng xác xơ, tôi vay thêm một nắm nữa cho lần hành trình tiếp theo. Chợt nhận ra mình mắc nợ quá nhiều.
Nếu người ta sinh ra chỉ là một cuộc dạo chơi ngang cuộc đời này thì lúc chết đi sẽ nhẹ tênh như cánh khói. Còn nếu nó là cả một hành trình đày ải thì khi chết sẽ thành viên đá cuội lặn xuống đáy sâu.
Còn tôi: Không biết đang dạo chơi hay đang đày ải, số phận bắt tôi phải đi ngang cõi địa đàng này trong cái thời nhớn nhác sau cuộc chiến. Tôi biết viên viên đá sỏi có thể là trường cửu, nhưng nếu phải lặn xuống đáy sâu tăm tối và quên lãng, thì thà làm cánh khói nhẹ tênh bay lên trên đồng đất quê hương mình. Biết đâu sẽ tìm lại tuổi thơ đã mất.