Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

PHIN ĐEN



                                 

N ghe mẹ tôi kể lại, hồi trước 1975, nhà tôi lúc bấy giờ là một quán cà-phê nhỏ không tên với chưa đầy chục cái bàn làm bằng đáy thùng phuy sắt úp lại trên nền cỏ. Quầy pha chế thực ra chỉ là một cái bàn hình chữ nhật đặt phía sau cửa sổ, có tấm màn trúc ngắn màu xanh ngọc buông lơi. Những dây cát đằng xoắn xuýt phủ kín mái hiên lợp ngói đỏ, từ trên cao thả xuống những nhánh dài thướt tha với những chùm hoa màu lavender trông rất thanh thoát và lãng mạn.


Lúc đó khách đến rất đông vì cà-phê rất ngon. Ông ngoại tôi mua cà-phê hạt tận gốc từ Ban Mê Thuột về rồi tự rang xay hoặc đặt hàng qua những chuyến công tác của ông. Và tài pha chế của bà ngoại tôi thì tuyệt vời, truyền lại cho con gái út là mẹ tôi cũng tuyệt vời không kém, đến đời tôi thì năng khiếu và kinh nghiệm đó gần như… tuyệt tích luôn! Thật ra thì cà-phê tôi pha cũng ngon theo cách của tôi chứ cũng không đến nỗi nào, chỉ không đúng y như của bà và mẹ tôi truyền lại thôi.

Ông bà ngoại đã mất, ba mẹ tôi đã già, còn tôi thì… cái gì cũng a-ma-tơ, đôi lúc còn nghĩ uống cà-phê hòa tan đỡ mất thời gian và rất chi là tiện lợi khi cuộc sống ngày càng bận rộn hơn. Ý nghĩ này có lần dại dột thốt ra trước ba thế hệ gia đình, lúc ngoại tôi còn sống, làm thằng em tôi phản ứng ra mặt. Nó bảo tôi:

- Con nhà cà-phê mà nói chuyện phi cà-phê.

Tôi cãi:

- Phi đâu, vẫn cà-phê mà.

Vậy là nó thành người được kỳ vọng nhất trong việc giữ lửa tiếp nối sự nghiệp bán cà-phê của gia đình tôi (cho dù tôi từng hùng hồn tuyên bố rằng sẽ không đi lấy chồng, ở vậy bán cà-phê bên ba mẹ suốt đời).

Bây giờ trước hiên nhà vẫn là một quán cà phê không tên, bàn ghế đã thay mới đẹp hơn, sang hơn trên nền sân lót bằng đá bazan xám. Dây cát đằng đã tàn, dấu tích của nó đã lẫn vào đất cát từ lâu, thay vào đó là một giàn hồng leo giống Red Eden đỏ rực ngoài cổng. Mái hiên trở nên trống trải, chỉ còn lác đác vài cụm rêu xanh bám trên ngói cũ. Vài ngọn đèn giả cổ màu vàng đồng cũng được treo chung quanh làm cái quán nhỏ có chút gì đó rất… châu Âu, nhất là vào những buổi tối tháng mười hai trời se lạnh và mọi người đang háo hức chờ đón ngày lễ Giáng sinh.

So với những bức ảnh trắng đen còn lưu lại trong album gia đình thì quán đã khác xưa rất nhiều, chỉ có khung cửa sổ lâu đời với kiến trúc từ thời Pháp là còn nguyên nhưng cũng được dời sâu vào bên trong để kê thêm bàn ghế, tấm màn trúc cũng không còn thấy đâu nữa. Quầy pha chế được thiết kế lại dọc theo phía hông bên ngoài nhà nhưng có hai lối ở hai đầu, một thông vào trong và một ra hiên trước. Tôi và thằng em vừa là chủ quán vừa là nhân viên pha chế bưng bê phục vụ có đồng phục đàng hoàng. Tôi chỉ "chuyên trị" cà-phê đen pha phin và tính tiền, em tôi thì phụ trách tất cả các món còn lại trong menu (xem chừng có vẻ cũng hơi bất công cho nó).

Mẹ tôi (cựu nữ sinh trường Lê văn Duyệt) thường hay kể: cà-phê đen do mẹ tôi pha là thức uống mà ba tôi mê nhất, từ lúc ba còn "ngồi đồng" ở nhà mẹ từ sáu giờ tối cho tới mười giờ đêm mỗi thứ bảy, chủ nhật, phần nhiều chỉ để… im lặng đập muỗi (!), cho đến khi ông bà ngoại chịu gả mẹ cho ba (một sĩ quan "ngụy" đã "cải tạo" xong đang kiếm sống bằng nghề làm vườn ở ngoại ô thành phố).

Không biết mẹ muốn an ủi tôi hay muốn khuyên tôi cố gắng để ít nhất phải sở trường một món gì đó trong menu của quán. Mẹ cũng thường thủ thỉ với tôi rằng:

- Con đừng tưởng một tách cà-phê đen đơn giản như cái tên gọi hay như hình thức của nó mà con mang ra cho khách. Đó là cách uống cà-phê thông minh nhất để thưởng thức trọn vẹn hương vị của cà-phê, là đỉnh cao của sự hưởng thụ caffeine mà không phải ai cũng có thể (vì nhiều người không uống được cà-phê đen nguyên chất). Tuyệt vời nhất vẫn là cà-phê đen không đường, không gì cả: không mật ong, không bơ, không kem, không rhum, không quế, không muối… Những thứ đó làm nhạt nhòa phẩm chất của cà-phê.

Đó là mẹ tôi chưa nói đến lợi ích của cà-phê đen đối với sức khỏe, cà-phê đen trong văn chương nghệ thuật và triết học (vụ này thì ba tôi thỉnh thoảng cũng cao hứng "thuyết trình" khi doanh thu của quán vượt mức mong đợi). Tôi và thằng em thì rất thích thú khi được nghe những điều thú vị bất ngờ về cà-phê, tuy nhiên hai đứa vẫn nghĩ cái gì cũng có mặt trái của nó…

Cho đến bây giờ dù ông bà tôi đã mất, ba mẹ tôi đã "nghỉ hưu" nhưng vẫn còn nhiều khách cũ lui tới quán (phần nhiều là những ông, bà khách của ngoại tôi trước đây nếu còn nay cũng đã ở tuổi bảy mươi trở lên, rồi đến khách thời ba mẹ tôi cũng đã ngoài năm mươi…). Vô tình có một góc trong quán trở thành tụ điểm của các bậc lão thành thỉnh thoảng đến ngồi ôn chuyện cũ, ngậm ngùi trầm ngâm bên một chiếc ghế chợt để trống và một ly cà-phê đã nguội đắng cho ai đó hoặc nhỏ to chuyện người xưa lưu vong chân trời góc biển, kẻ còn người mất…

Lượng khách đến quán cũng vừa vừa, không đông lắm cũng không ít quá, nhiều nhất vẫn là thế hệ Y với vài nhóm khách đại diện cho nhân viên văn phòng, giới làm việc tự do và lao động phổ thông. Ngoài ra còn có nhóm khách dễ thương nhất là những người có chung niềm đam mê mãnh liệt đối với cà-phê. Những người này ở nhiều lứa tuổi khác nhau, hầu như ngày nào họ cũng đến quán và thường chỉ với phin đen, cho nên đều là khách ruột của tôi. Họ rất sành về các loại cà-phê, thông hiểu đặc trưng của từng loại cũng như phong cách uống cà-phê của nhiều nước trên thế giới. Từ họ tôi đã học được rất nhiều điều trong thế giới cà-phê, trên hết là tình yêu gần như sự sùng bái của tín đồ đối với thức uống đen nâu quyến rũ đến ma mị này.

Sự khác biệt về độ tuổi, trình độ, sở thích… của khách đã phát sinh một vấn đề, đó là "gu" âm nhạc của quán. Cho dù là một quán cà-phê hạng bình dân, không phải chủ quán thích loại nhạc nào thì cứ mở ra rả suốt loại nhạc ấy mà phải quan tâm đến thị hiếu của khách (tất nhiên là ở mức độ tương đối chứ không thể chiều lòng hết được). Việc chọn loại nhạc nào cho phù hợp với cả hai đối tượng già, trẻ thôi cũng đã làm chị em tôi đau đầu hết mấy bữa, cuối cùng đành phải cầu cứu đến ba tôi.

Ông bảo cứ chọn những sản phẩm âm nhạc có tính thẩm mỹ cao, tạm sắp xếp: nhạc không lời vui tươi, sôi động (sáng), nhạc giao hưởng, thính phòng (trưa), nhạc tiền chiến (chiều), nhạc hiện đại thế giới (tối). Còn nếu khách cảm thấy không phù hợp thì cứ tự nhiên đeo tai nghe thưởng thức "nhạc của tui" thoải mái. Rồi khách sẽ dần quen, sẽ tự điều chỉnh sở thích và thời gian nếu vẫn còn muốn tới quán. Nhưng phải lưu ý (vẫn lời ba tôi):

- Thứ nhất: bảo đảm chất lượng cà-phê và chất lượng phục vụ.

- Thứ hai: chỉ được mở volume dao động từ 40-50 dB (đó là chuẩn độ ồn cho phép trong không gian bệnh viện, trường học, chùa chiền… tức là dưới mức bình thường được phép cho quán cà-phê tới 20-30 dB).

- Thứ ba: phải có những khoảng lặng trong ngày.

Cả nhà đều đồng ý dù là một quán nước thì cũng cần phải có một không gian dễ chịu, không quá ồn ào cho cả chủ và khách đồng thời không làm phiền hàng xóm chung quanh.

Cho nên cũng không thể phủ nhận sức hút thật đằm, thật sâu của những cái quán không có "nhạc nền". Ở đó, giữa những quãng im chỉ có âm thanh quen thuộc của cuộc sống thường nhật: tiếng xe chạy ngoài đường, tiếng rao hàng, tiếng kéo ghế, tiếng người già ho hen, tiếng chửi thề, tiếng con nít khóc, vân vân và vân vân.

Rồi, "quân lệnh như sơn", sau một thời gian thử áp dụng "âm nhạc biểu" như trên, may quá, khách hàng vẫn không có phản ứng gì, khách vẫn đến đều đặn thường xuyên không có gì thay đổi. Tôi nghi cũng có khá nhiều người không để ý gì đến nhạc nhẽo (nghe gì cũng được) mà chỉ ngồi quán nhâm nhi giết thời gian, lướt web, ngả người ra ghế lim dim ngủ (làm như chỉ đến quán mới có thể ngủ kiểu lim dim), nói chuyện phiếm, ngắm nhau, tán nhau, bàn chuyện làm ăn, làm ra vẻ chú tâm, căng thẳng (hoặc đang căng thẳng thật) với công việc gì đó trên các loại màn hình… Nhưng có gì quan trọng đâu, tôi vẫn yêu tất cả!

Trong số khách thường lui tới quán gần đây có một người đàn ông trẻ cao ráo, có vẻ thuộc nhóm khách làm việc tự do. Anh ta thường đến vào khoảng 8 – 9 giờ sáng giữa những giai điệu đồng quê sôi động, luôn luôn với cặp kính mát màu cà-phê chưa rang trên gương mặt chữ điền và nụ cười nhẹ trên môi. Anh ta thường ngồi ở cái bàn đơn trong góc trái của quán bên cạnh chậu thiên tuế vươn lá xanh thẫm. Dường như sáng nào anh ta cũng chỉ phát âm đúng 3 câu bằng chất giọng trầm với âm lượng vừa phải:

Câu 1: "Cho một phin đen" khi tôi hoặc em tôi đem menu ra.

Câu 2: "Cám ơn" khi cà-phê được mang tới.

Câu 3: "Tính tiền em ơi"(không biểt "em" đó là tôi hay em tôi vì anh ta chẳng nhìn ai cả).

Tiếp theo là đứng dậy ra về sau khoảng 3 tiếng đồng hồ chúi mũi tập trung vào màn hình laptop. Có khi anh ta rời khỏi quán lúc nào không biết, tiền cà-phê thì dằn lại dưới cái ly không bên cạnh que đường không dùng tới.

Sau hơn một tuần, hễ anh ta đến thì tôi hoặc em tôi lặng lẽ mang ra đúng thứ anh ta muốn, đôi khi hoàn toàn trở thành một cuộc giao tiếp "phi ngôn ngữ".

Anh ta chắc không biết mình có thêm cái tên mới là Phin đen trong câu chuyện của chị em tôi. Em tôi bảo:

- Chị nói Phin đen chỉ tập trung vào màn hình vì chị không "tập trung" vào anh ấy lần nào nên không biết anh ấy tới đây thực ra là chỉ để… ngắm chị từ xa.

- Xạo, hắn đeo kính râm che gần hết gương mặt, sao biết hắn nhìn ai?!

Tôi không còn ở cái tuổi đỏ mặt vì câu nói trên của thằng em nhưng đã bắt đầu để ý đến anh ta một cách kín đáo (chỉ là hơi tò mò một chút thôi chứ chẳng có ý gì). Và em trai tôi cũng bắt đầu không đem menu cũng không bưng cà-phê ra cho Phin đen nữa, nó ngó lơ như không hề nhìn thấy mỗi lần anh ta đến, như tâm trí bận lo nghĩ chuyện đại sự trên trời dưới đất để mặc tôi loay hoay với thằng cha đó.

Một buổi chiều quán vắng khách, tôi đang lơ mơ thả hồn theo giai điệu của Đôi mắt người Sơn Tây (nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thơ Quang Dũng), còn em tôi thì đang hí húi chăm sóc cái cổng hoa hồng rất yêu của nó. Bỗng nhiên nó chạy vào trên tay còn cầm cái kéo cắt cành, nói nhỏ với tôi:

- Chị ra mà coi, bên nhà cô Đạm kìa!

Cô Đạm là hàng xóm sát cạnh nhà tôi, cùng một lứa tuổi với mẹ tôi. Cô là giáo viên cấp ba nghỉ hưu đã lâu, góa chồng, có người con trai du học bên Úc đã hàng năm, bảy năm nay chưa thấy về, hiện cô đang sống với một đứa cháu.

Tôi vội bước ra, một tấm bảng hiệu khá lớn với phông chữ brush tuyệt đẹp, hình vẽ hoa và hạt cà-phê cũng rất nghệ thuật được gắn trên hai trụ inox sáng choang:

"Thành Tâm

Cơ sở rang xay và cung cấp sỉ, lẻ các loại cà-phê nguyên chất".

Dưới đó là một loạt tên các loại cà-phê: Robusta, Arabica, Culi, Moca, Bourbon, Hara, Sidama…

Chúa ơi! Tên bảng hiệu có phân nửa là tên tôi, lại còn trưng hết cà-phê nội, ngoại ra cứ như một câu thần chú!!!

Cả nhà tôi thắc mắc mãi cho đến khi mẹ tôi xong cuộc gọi gần mười phút với cô Đạm ngay tối hôm đó. Mẹ tôi bảo:

- Thằng Thành con cô Đạm ở Melbourne về cả tháng mấy nay mà mình đâu có hay. Xóm giềng cứ nhà ai nấy ở riết rồi chả ai quan tâm ai, tệ quá.

Tôi lờ mờ nhớ ra một đứa con trai hàng xóm lớn hơn tôi khoảng vài tuổi, hay bắt nạt chị em tôi hồi còn bé mỗi lần từ vùng ngoại ô về thăm ngoại ở ngôi nhà này. Đến khi cả nhà về sống với ngoại thì nó cũng chẳng tỏ ra thân thiện gì hơn. Nó học trên tôi tới mấy lớp nên tỏ vẻ đàn anh tợn, sáng ra ngõ đi học mặt cả hai cứ kênh kênh chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Thời gian cứ thế trôi đi, người lớn vẫn giữ quan hệ hàng xóm tốt nên tôi cũng biết "kẻ nghịch" đi Úc du học sau khi ba nó mất vài năm. Chỉ vậy thôi, rồi từ đó đến giờ chẳng khi nào gặp lại cho đến nay…

Mẹ tôi nói tiếp:

- Cô Đạm bảo thằng Thành làm việc bán thời gian cho Công ty Phát triển Nông Trại gì đó, bắt đầu kinh doanh cà-phê hạt coi như nghề tay trái. Mai mốt tụi con qua coi cà-phê thế nào, mua nguyên liệu ngay sát bên cho đỡ chi phí cũng để hỗ trợ xóm giềng.

Làm gì thì mặc kệ nhưng sao lại có tên tôi trên cái bảng hiệu đó? Mặt hàng kinh doanh thì quá sức gần gũi nếu không nói là cùng một loại trong dây chuyền thu mua-rang xay-pha chế!

Em tôi cười hô hố:

- Làm như có mình chị tên Tâm và liên quan tới cà-phê vậy. Còn chuyện mình mua cà-phê bên đó thấy cũng tiện mà, để từ từ em qua xem thử chất lượng thế nào rồi tính.

Nhưng trước khi sang tham quan cửa tiệm hàng xóm, em tôi đã phát hiện Phin đen toàn đi bộ tới quán vì chưa lần nào nó phải dắt xe cho anh ta, cũng không để ý anh ta xuất hiện từ đâu. Rồi phát hiện thêm vì sao mới sáng sớm đã đeo kính râm suốt, vì sao cứ hay nhìn về phía chị của nó… Hóa ra đó chính là tên hàng xóm kênh kiệu ngày xưa, là Thành, con trai của cô Đạm!

Có những điều không thể ngờ nhưng vẫn cứ xảy ra. Sự tái sinh mầu nhiệm của thời gian, những cái trở mình kỳ diệu của cuộc sống, những cú sét muộn màng nhưng trúng đích, những đổi thay thầm lặng trong tâm hồn như cây cỏ sinh sôi… Tôi bỗng như cô bé nào đó đang ấm ức giận hờn, mắt ngân ngấn nước chợt cười khúc khích khi nhận tấm thiệp Noel dán đầy kim tuyến kiểu hồi xưa kèm câu chúc như của một cậu học trò cuối cấp tiểu học. Và điều làm tôi giật mình thích thú vì người gửi ký tên: Phin đen. Thì ra anh không chỉ nhìn tôi qua mắt kính nâu mà còn nghe tôi khi đang đeo tai nghe để… làm việc!

Vậy rồi Phin đen trở thành "khách hàng thân thiết" và là nhà cung cấp nguyên liệu cho quán cà-phê của chị em tôi. Anh không cần phải đeo kính râm nữa và tôi chợt thấy mình sắp sửa lâm nguy trước đôi mắt nồng nàn, chân thật nhưng xuyên thấu tâm can người đối diện khiến người ta nghìn lần tan chảy.

Cơ sở Thành Tâm ngày càng phát triển, doanh thu đã qua mặt tiệm cà-phê nhà tôi. Nghe đâu anh cũng là cổ đông lớn của công ty nơi anh làm việc, đã bắt đầu mở rộng đầu tư nghiên cứu, khai thác diện tích trồng thử nghiệm cây cà-phê trên những vùng đất mới… Anh tin rằng với khí hậu, thổ nhưỡng, công nghệ sinh học, phương thức canh tác… được chọn lựa kỹ càng, phù hợp sẽ cho ra những loại cà-phê mang hương vị mới, sẽ có những tên gọi mới trong thiên đường cà-phê dành cho người mộ điệu.

Hai đứa tôi cũng bắt đầu hẹn hò sau mùa Giáng sinh năm đó. Bọn tôi hay kiếm cớ bứt rời khỏi công việc bận bịu của cả hai để nắm tay nhau đi chu du khắp… thành phố! Có điều cho dù dừng lại ở đâu, trong ngôi quán nào, thậm chí ở những nhà hàng sang trọng, khi trải nghiệm cà-phê đen ở những nơi đó anh đều có vẻ thờ ơ, bảo rằng không ngon, không "phê", không có cái cảm giác "đạt được", cái cảm giác "chiếm hữu một cái gì đó" như khi thưởng thức phin đen ở một nơi mà tôi cũng biết.

Ở nơi đó ngoài cà-phê tuyệt hảo còn có những nụ hôn ngắn thơm mùi cà-phê đen trong góc nhỏ chỗ anh hay ngồi khuất sau tán cây thiên tuế, bất kể lúc đó đang phát loại nhạc nào!

PS : Khi bạn đang xem truyện ngắn này thì quán cà phê và cơ sở rang xay cà-phê nói trên đã sáp nhập nhằm mở rộng diện tích kinh doanh. Họ đã xây dựng môt khu vực riêng để phục vụ khách hàng trải nghiệm trực tiếp dây chuyền chọn hạt-rang-xay-pha chế nhiều loại thức uống khác nhau từ cà-phê.

Mô hình này hiện nay không hiếm, nhưng ở đây không sử dụng máy móc thiết bị chuyên dùng mà hướng dẫn khách thực hiện các công đoạn hoàn toàn thủ công, thỏa sức khám phá và sáng tạo. Có lẽ điều đó đã thu hút rất đông khách hàng, nhất là giới sinh viên, học sinh và các gia đình trẻ.

Một điều đáng nói nữa là vụ sáp nhập này được đặt trên nền tảng một đám cưới đã tổ chức long trọng tại quán cà-phê và cặp song sinh ra đời sau đó một năm (tên của hai thiên thần nhỏ cũng được lấy làm tên cho quán).

Hiện tại hai nhóc tì đã vào lớp một.




VVM.27.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .