Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

BÔNG CỎ MAY




                                 

N gày ba trở về tôi vừa đúng mười tám tuổi. Mới nhìn thấy ba, tôi biết ngay ba chính là ba tôi vì tôi giống ba như đúc. “ Ba cứ tưởng là con không nhìn ba” . “Tại sao?” “ Vì hồi ba đi con còn nằm trong bụng má” “ Tôi cười không hiểu vì sao tôi cười”. Tôi cố hình dung lại mấy tuồng cải lương có cảnh cha con đoàn tụ đại loại kiểu như cha con tôi. Đó là lần đầu tiên tôi nghiệm ra : sân khấu khác xa với cuộc đời. Tôi dắt tay ba lại chỗ cái tủ áo có tấm gương lớn đã ố vàng lỗ chỗ mặc dù cái dấu thập được vạch bằng vôi vẫn còn y thinh . Tôi chỉ vào gương: “ Đơn giản vì con thấy con giống ba đến mức không thể chạy chối. Má nói hồi mang con trong bụng, má hận ba không tàu xe nào chở hết, cho nên gương mặt ba ám vào bản mặt con đến nỗi mười hai mụ bà mười ba đức thầy cũng phải bó tay sau bao phen hội ý”. Lần này đến phiên “ba cười không hiểu vì sao ba cười”.

Tin ba trở về làm cả cái xóm Hạ chộn rộn xôn xao . Thiên hạ đoán già đoán non:

-Trời ơi ! Ngặt cho cô Út dữ ha. Buông cục muối rinh cục đường thì tội. Mà buông cục đường phèn ngọt ngất thì uổng quá.

- Sống ở đời phải có trước có sau chớ. Hồi cô Út ôm con đỏ hỏn, chú Ba giang tay ra gánh vác. Tò vò nuôi con nhện. Giờ hổng lẽ cổ nỡ ham cái mác Việt kiều, mơ mộng cuộc sống ở trời Tây mà dứt tình phụ ngãi.

- Đời mà… Ai biết được.

Ngược lại, từ lúc bạn ba mang tin tức của ba từ Canada về, không khí trong nhà tôi như cái bình hơi bị nén, ngột ngạt bức bối. Má như người có lỗi lâm la lấm lét, bỏ ăn bỏ ngủ lúc nào cũng thở dài thườn thượt, gầy sọp như cái xác ve. Dượng tôi lúc như cái bóng ngồi đâu ngồi y đó, đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác , đến nỗi đôi môi thâm sì lở lói. Lúc lại làm mình làm mẩy vùng vằng quăng ném, đá thúng đụng nia.Tờ lịch trên vách bị dượng lấy cây bút đỏ khoanh một vòng tròn đậm lét chỗ con số ba mươi ( là ngày ba tôi về nước ). Cứ mỗi ngày dượng dùng bút chì bôi đen một con số. Đúng cái bữa dấu bôi đen của dượng đè lên con số hăm lăm thì dượng bỏ đi. Má nhào nháo đi tìm. Chạy miết ra đầu vàm kinh Ông – chỗ chiều chiều dượng hay ngồi ngó mông lung về phía bên kia bờ sông . Ngó cái chóp nhà thờ Long Thạnh lấp ló chen trong những ngọn cây xanh ngắt. Chỉ mình má biết những lúc như vậy là lúc dượng đang nhớ nhà. “Sao má không kêu dượng về thăm nhà”. “ Ở bển đâu còn ai mà về”. Tới chỗ có cây dừa Tam quan nằm ngã ngọn ra mé sông, nhìn thấy đôi dép và cái áo sơ mi của dượng để dưới gốc dừa, má thất thanh. Tiếng má hòa lẫn vào tiếng chuông nhà thờ bên Long Thạnh dội qua theo gió chiều trôi hấp hối trên mặt nước sông đầy rồi miên man xuôi về phía biển. Má đổ sụp xuống. Hai tay ôm chặt gốc cây dừa như thể má chỉ còn biến thành dây trầu nữa thì sẽ đi vào cổ tích.

♣♣

Ngày má con tôi theo ba về bên kia bờ biển lớn, mưa giăng kín trời xóm Hạ. Ngang qua chỗ ngôi trường nằm cạnh khoảng đất trống mọc đầy cỏ may, tôi nghẹn ngào nhìn thấy Hiển của tôi đang đứng tựa cửa. Qua màn mưa trắng xóa, bàn tay anh vẫy chào chầm chậm , chầm chậm như cố sức ( hình ảnh ấy đã ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau của cuộc đời ). Mưa đuổi theo má con tôi đến tận cổng phi trường. Tôi ngồi cạnh má trong phòng cách ly. Bàn tay má bỗng ướt rịn mồ hôi lạnh ngắt. Gương mặt má tái xanh. Đôi môi mấp máy. Tôi ngó theo ánh nhìn của má. Lẫn trong dòng người đưa tiễn thấp thoáng bóng dượng tôi. Dượng cầm con búp bê vẫy vẫy về phía má con tôi, con búp bê bằng nhựa sút mất một cánh tay. Con búp bê dượng đã mua cho tôi cái ngày dượng về với má. Tội nghiệp, tới giờ phút này má mới sực nhớ ra thời trẻ dượng đã từng là dân hạ bạc, sông nước nơi nào cũng là chốn nương thân. Má lao về phía cửa. Bất lực.

Đó là hình ảnh cuối cùng của dượng mà má con tôi được nhìn thấy. Đó là nỗi ám ảnh đeo đẳng má suốt cuộc đời. Đó cũng là cái cớ để ba thường xuyên đay nghiến chì chiết má. Suy cho cùng con người ta khổ cũng bởi cứ hay đi tìm cái mà số phận không dành cho mình.

Sự thật thì ba tôi chỉ là người làm thuê chứ không phải là ông chủ như ba đã nói. Cái lá mít đựng chữ của ba sau gần hai mươi năm cũng không đầy lên được nhờ vào mớ chữ ôkê, bai bai…. Buồn sinh bệnh. Bệnh sinh buồn. Cái vòng lẩn quẩn đó là của má. Còn tôi, không chữ nghĩa, không nghề nghiệp, không vốn liếng, không biết bắt đầu cuộc sống của mình từ đâu. Tôi loay hoay như con dế trong cái hộp diêm đen ngòm. Con đường trở về quê hương bỗng chốc mịt mờ trước mặt. Trang nhật ký của má chứa đầy hình ảnh một dòng sông quê tím ngắt cánh lục bình. Má nhớ tiếng con bìm bịp kêu nước lớn. Nhớ từng khoảng sân, góc vườn. Nhớ hơi ấm chỗ hai má con nằm ngủ. Nhớ cái gian bếp quen bàn tay nhóm lửa của má. Tôi không có thói quen ghi nhật ký như má. Nhưng tôi luôn cất giữ trong lòng một thời thơ ấu nơi mái trường làng. Ngôi trường nằm ngó mặt ra con sông quanh năm đầy nắng gió. Ở đó, tôi đã có những ngày cùng lũ bạn chắt chiu từng đồng quà sáng mua ảnh Lam Trường Phương Thanh dán đầy quyển tập hai trăm trang Vĩnh Tiến . Nơi tôi đã có một mối tình học trò đầu đời hồn nhiên ngây ngô như đám cỏ. Anh hay ngồi tỉ mẩn gỡ từng cái bông cỏ may bám trên vạt áo tôi. Anh ước mình biến thành bông cỏ may để chiều chiều quấn quýt bước chân tôi giờ tan lớp. Hiển của tôi ngày xưa sao mà khờ khạo quá.
Ngoài những nỗi nhớ riêng tư, tôi và má cũng có chung nỗi nhớ về một người: Dượng. Được một lần trở lại thăm quê là nỗi khát khao cháy bỏng từng ngày của tôi và má. Khi nỗi khát khao ấy sắp nguội tàn để trở thành niềm tuyệt vọng thì ba dắt về một người bạn: “ Con có muốn về Việt Nam một chuyến không ?”. Không ai tự dưng đem đến cho không ai một cái gì. Ba dạy tôi như vậy. “Đổi lại con phải làm gì hả chú ?”. “Cháu sẽ về Việt Nam đăng ký kết hôn với thằng cháu của chú. Tất nhiên chỉ là giả. Khi nào sang bên này định cư ổn định, nó sẽ ly hôn trả tự do cho cháu coi như xong hợp đồng. Mọi chi phí đi lại làm thủ tục bên chú sẽ lo. Còn thù lao do hai bên thương lượng”. Cuộc sống phương Tây tập cho con người ta tính sòng phẳng. Điều đó không có gì xấu. Biết vậy, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng. Tôi ôm má khóc ngân ngất như bị một ngàn vết roi quất vào trái tim mình.

Cái hôm trước khi về nước, tôi và má đã phải nghĩ ra cho mỗi người một cái nghề. Cuộc sống , sinh hoạt... mọi thứ đều được sắp đặt cẩn thận để hai má con nói cho ăn khớp. Cũng nhờ vào sự chênh lệch giá trị đồng tiền nên má con tôi mới có thể đối phó được với hàng lô hàng lốc những thứ đám tiệc do hai bên họ hàng nội ngoại bày ra. Họ thán phục, trầm trồ, ca ngợi. Thậm chí có kẻ còn ra vẻ thèm thuồng. Chỉ có má con tôi mới biết mình là ai. Mới biết những thứ đồ trang sức lỉnh kỉnh trên người mình là đồ hàng mã. Những quần bò áo lửng là đồ giảm giá ở lề đường. Mái tóc vàng hoe của hai má con là tác phẩm của loại thuốc nhuộm rẻ tiền. Và làn da vừa được tắm trắng bình dân trong một “thẫm mĩ viện” nằm hút sâu cuối con hẻm nhầy nhụa nước ở bến phà Rạch Miễu. Sau đó là những ngày má dắt tôi đi tìm dượng. Sông nước miền Tây mênh mông. Dượng như bóng chim tăm cá. Vét đến từng đồng bạc cuối. Bán hết tất cả những gì có thể trong mớ hành trang ít ỏi. Hai má con lên thành phố mướn một phòng trọ bình dân chờ ngày bay trở lại Canada, không dám quay về xóm Hạ nữa.
Lần thứ hai, ba hét một giá rất hời với một anh chàng người Hà Nội cho một hợp đồng tương tự. Với ba là những đồng đô la. Với tôi là một chuyến về thăm lại cánh đồng cỏ may và một hy vọng mong manh được một lần gặp lại Hiển. Còn với má là một cơ hội đi tìm dượng.

Hai mươi tám tuổi, “ba đời chồng” mà chưa lần nào tôi được trải qua cái khoảnh khắc trở thành đàn bà. Lần này thì tôi đã nghiệm ra rằng: “tiểu thuyết không khác xa cuộc đời là mấy”.

♣♣

- Má ơi ! Ba về ! Có ông bà ngoại nữa.

Tiếng bé Na kêu vang ngoài ngõ. Tôi chạy ra ôm chầm lấy má. Dượng tôi cười: “ Con gái già đầu còn nhõng nhẽo. Na lêu lêu mắc cỡ má đi”. Mắc cỡ thiệt, tôi đánh trống lảng quay qua Hiển:

- Sao anh đi đón dượng má mà không nói để em đi chợ mua cái gì về cho hai cha con lai rai ?

Má đỡ lời:

- Xóm Hạ qua xóm Thượng mấy lăm hơi mà đưa đón. Má với dượng đi bộ dưỡng sinh đó mà. Tới đầu ngõ mới gặp ba bé Na đi dạy về.

Hiển nhường đường cho dượng má vô trước. Anh cúi xuống tháo giày giậm giậm chân lên thềm ba. Bé Na chạy lại “ Đừng! Đừng! Ba để con gỡ cho”. Quấn quýt bên ba mỗi lúc ba đi dạy về ,vừa tỉ mẫn gỡ từng bông cỏ may bám trên hai ống quần ba vừa tíu tít kể cho ba nghe chuyện ở lớp mẫu giáo là sở thích và niềm vui của bé Na. Hiển ngồi xuống giơ chân ra. Tay bẹo má con bé :

- Từ mai con sẽ khỏi phải gỡ bông cỏ may cho ba nữa.

- Sao vậy ba?

-Ngày mai, nhà trường sẽ lấp khoảng đất trống đó để xây thêm phòng học.

- Rồi cỏ may sẽ mọc ở đâu?

- Cỏ may sẽ đi vào cổ tích. Giống như chuyện trầu cau vậy đó.

Không biết bé Na có hài lòng về câu trả lời của Hiển hay không mà không thấy nó nói gì. Không biết rồi cỏ may có đi vào cổ tích hay không.

♣♣♣

Tôi thành thật xin lỗi độc giả. Đoạn kể vừa rồi là tôi tự bịa ra. Đó chỉ là giấc mơ. Giấc mơ cuối đời của má bên kia bờ đại dương xa thẳm. Đó cũng là giấc mơ của tôi . Giấc mơ mang niềm hy vọng mong manh: trong biển đời xuôi ngược Hiển của tôi vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Nhớ câu anh hay nói: “Mộng thì không là thực”. Nhưng biết làm sao để không mơ…./.




VVM.28.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .