Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




TRÊN CẦU NHÌN LẠI





L oay hoay bên cạnh nấm mồ xanh cỏ, có khúc gỗ khắc nguệch ngoạc tên một người con gái, lão già cố trải thẳng tờ báo cũ trên mặt đất mấp mô. Lão móc trong túi vải đeo cạnh sườn, lấy ra chai rượu, ly xây chừng và một quả xoài xanh.

- Này cậu ! Uống đi, phải uống say tới mức có thể nhìn người hóa ma, nhìn ma hóa người.

- Bác nói chi lạ vậy ? Ừ, mà đúng thật. Nếu có thể nhìn ma hóa người thì hay biết mấy.

- Chứ sao - Lão cười tinh quái - Tôi biết cậu đang chờ một bóng ma từ cõi u minh.

- Sao bác biết ?

- Tôi đã ngồi đây đợi cậu từ sáng đến giờ.

Câu trả lời có vẻ không đâu vào đâu. Gã thanh niên ngơ ngác:

- Đợi cháu ? Mà chi vậy ?

- Đợi cậu, chứ còn ai. Đúng ngày con bé mất, thật dễ nhớ, rằm tháng 7 âm lịch, năm nào tôi cũng về đây thắp cho nó nén nhang và hỏi nó một câu "Cõi đời mênh mông, bố con ta, lấy đâu làm chốn đi về ?" Nó không trả lời, tính nó vốn vậy mà.

- Té ra bác là người đã cắm nhánh ngọc lan trên mộ.

- Chứ còn ai nữa. Mấy năm trước tôi luôn là kẻ đến sau. Mỗi khi tới, tôi đều thấy trên mộ ba đóa ngọc lan đặt trên tấm giấy học trò. Ngọc lan, nó thích ngọc lan lắm mà.

Lão chợt hỏi:

- Sao năm nay cậu trễ vậy ? Sắp tối rồi.

- Kiếm toát mồ hôi mới được chút lộ phí, may mà còn kịp.

Lão già lục trong túi vải, lấy ra một gói nhỏ:

- Có phải của cậu không ?

Gã thanh niên sững sờ. Đó cũng là ba đóa ngọc lan, nhưng héo quắt, biến dạng, gói trong tấm giấy học trò nhàu nát. Những cánh hoa trắng nuốt ngày nào nay đã vàng úa, quắt queo. Lão nhìn chằm chặp, lập lại:

- Có phải của cậu không?

Gã thanh niên chưa hết bàng hoàng, gã run tay bưng ly rượu nốc cạn một hơi. Lão già cười:

- Được, đã thế hôm nay không say không về, khốn nỗi đã say làm sao về được, mà về đâu ?

Lão vỗ vai gã thanh niên rồi chỉ ra mé bờ sông:

- Đó là cầu Nại Hà. Gò đất cao phía phải là Uổng Tử Thành, cửa dẫn vào địa ngục. Lối mòn phía trái là con đường hồn ma phải qua để đi đầu thai.

- Ai bảo bác đấy là sông Nại Hà ?

- Ôi chào ! Sông Nại Hà nghe đâu ở mãi bên Tàu, nhưng tôi vẫn thích coi đây là sông Nại Hà, có chết ai. Hay là uống dứt cữ rượu, ta qua đó coi chơi một chuyến.

Lão lè nhè, có vẻ chưa uống đã say:

- "Cầu Nại Hà kẻ trước người sau". Rồi tới phiên tôi, rồi tới phiên cậu. Này.

- Gì bác ?

- Bốn năm rồi, hình như con bé vẫn chưa vượt hết cây cầu. Hằng năm, đúng ngày này, lúc trăng lên, tôi mường tượng thấy bóng nó lãng đãng, quanh quất, đứng trên cầu nhìn lại.

- Thật không bác ? Sao cô ta cứ dùng dằng, chưa chịu đi đầu thai bác nhỉ ?

- Ôi chào ! Chuyện cõi u minh nào ai biết rõ, có thể vì nó còn lưu luyến cõi đời, mà cũng có thể tại tôi hoa mắt cũng nên.

Gã thanh niên chợt ngó sững lão già:

- Mà bác là ai vậy ?

- Tôi hả ? Trước kia tôi là gã cai ngục. Về già, được chuyển qua trại nữ. Tôi gặp con bé ở đó. Con bé lạ thật, cả ngày cứ thẫn thờ như đứa mộng du.

Gã giục:

- Bác nói rõ hơn đi.

- Ngoài giờ lao động, lúc rảnh, nó cứ quanh quẩn bên gốc ngọc lan. Nhiều lần tôi gợi chuyện, nó chỉ ầm ờ, nói lảng. Bây giờ tôi hiểu rồi.

Gã thanh niên đầu cúi thấp, ngậm ngùi. Lão già tiếp:

- Tôi đã quan sát nó hàng giờ. Bên khóm ngọc lan cao hơn đầu người, nó không còn là cô gái giang hồ ghiền ma tuý, mà là một thiếu nữ mới lớn, trong sáng, thanh khiết. Mỗi lần gặp đóa ngọc lan chớm nở, mắt nó sáng lên, long lanh.

Gã thanh niên thở dài, uống liền ba ly rượu. Giọng lão già chùng xuống, dứt quãng:

- Càng lúc nó càng gầy đi, xanh xao, lẩy bẩy, hết ho lại sốt, hết sốt lại ho. Nó không ra ngoài được nữa, chỉ cố níu song sắt nhìn lên bầu trời. Tới một ngày, nó được chuyển đến trung tâm từ thiện, chuyên chăm sóc bệnh nhân AIDS thời kỳ cuối.

Lão lặng đi một hồi, rồi tiếp:

- Hôm ấy, cậu biết không, trước lúc lên xe, nó níu chặt tay tôi. Nó gọi "Bố ơi !" Lần đầu tiên tôi thấy khuôn mặt nó chan hòa nước mắt. Lão lẩm bẩm như nói một mình:

- Tôi là gã cai ngục già không vợ con, suốt 20 năm chung sống với những mảnh đời nhầy nhụa, những kẻ vừa là tội phạm vừa là nạn nhân. Đám nạn nhân của cảnh ngộ đưa đẩy chợt bừng tỉnh, khi phút chốc thấy mình biến thành tội phạm.

Lão thì thào:

- Nó là con gái tôi, vậy đó, đúng không con ? Còn cậu ?

- Cháu với cô ấy cùng quê, ở vùng sống chung với lũ. Nhà cô ấy nghèo lắm, mẹ góa, con côi. Cô bé rất ham học, có điều gì thắc mắc vẫn đem ra hỏi cháu. Cuối cùng đeo đuổi hết lớp tám đã là may lắm rồi. Năm 16, sau một trận lũ quét, cô ấy theo mẹ ra thành phố. Trước khi đi, cháu tặng cô ấy ba bông ngọc lan gói trong tờ giấy học trò. Năm ấy cháu cũng về Sài Gòn vừa làm vừa học.

Gã ngừng lại, như cố sắp xếp câu chuyện cho có đầu đuôi:

- Về Sài Gòn chúng cháu vẫn gặp nhau.

- Cô cậu yêu nhau chứ gì ?

Nét mặt gã thoáng chút bẽn lẽn, rồi chợt sa sầm:

- Trong cảnh lưu lạc, tha phương cầu thực, mẹ cô ta chấp nối với một gã giang hồ nát rượu. Một ngày, hôm ấy chủ nhật, cháu tới tìm, cô ta cố tình lánh mặt. Cháu đợi ở đầu ngõ suốt từ sáng đến chiều. Gặp nhau cô ấy kiếm chuyện gây gỗ, rồi ù té chạy về. Nhìn cử chỉ khác thường, cháu linh cảm cô ấy vừa trải qua một biến cố có ý nghĩa quyết định trong cuộc đời.

Lão già thở dài, ánh mắt mất hút trong cõi hư vô:

- Thế là câu chuyện khởi đầu. Nạn nhân từng bước biến thành tội phạm.

Gã nói nhanh trong hơi thở gấp:

- Không ngờ việc đời biến chuyển mau đến thế. Cô ấy đi bán quán cà phê. Cháu tới uống, cô ấy tiếp cháu như người khách lạ. Cô ấy nhập băng giang hồ. Cháu theo dõi, cô ấy xỉ vả nặng lời. Rồi cháu gặp cô ấy đứng ở công viên, cô ấy lạnh lùng mời cháu mua hàng trắng và đi khách.

Nói tới đây, gã nghẹn lời, đầu gục vào hai bàn tay.

- Thế cậu có giận nó không ?

- Tâm trạng cháu thật phức tạp : khinh bỉ, xót xa, tức giận, cuối cùng chỉ còn lại nỗi buồn, buồn cho số phận cô ấy và cũng buồn vì thấy mình bất lực.

Cố nén xúc động, gã tiếp:

- Rồi cô ấy bị bắt đi cải tạo, cháu vẫn theo dõi từng bước. Rồi cô ấy nhập viện, cháu vẫn theo dõi hàng ngày.

- Sao tôi không gặp cậu ?

- Vì suốt sáu tháng, cháu chỉ nép bên cửa sổ nhìn vào.

- Nó có biết không ?

- Hình như có biết. Một lần thoáng thấy cháu, cô ấy vội quay mặt vào trong, câm lặng và đôi vai chợt rung lên.

Giọng lão già khôn xiết ngậm ngùi:

- Đó là chút an ủi cuối cùng mà cũng là nỗi cay đắng tột cùng. Tội cho con bé ! Thế cậu có thấy tôi không ?

- Cũng đôi lần thấy bác, nhưng cháu không dám hỏi.

- Mẹ nó và tôi đã phải cố xin đưa xác nó về quê, đó là ước nguyện cuối cùng của nó. Mà hôm ấy cậu có biết không ?

- Biết chứ. Mẹ cô ấy và cháu giáp mặt nhau. Cả hai giật mình, sững sờ.

- Thế hôm đưa ma nó cậu có mặt không?

- Có chứ, làm sao vắng được. Còn bác?

- Tôi với bà mẹ đưa nó về quê chôn cất. Lúc ấy tôi nghỉ hưu rồi mà.

- Sao cháu không thấy bác ?

- Tôi cũng vậy, không thấy cậu. Lạ thật ! Đám ma chỉ có dăm bẩy người. Có lẽ tôi chỉ nhìn thấy cỗ quan tài.

- Còn cháu, xung quanh cháu dường như chẳng có ai. Cháu cố nhìn xuyên qua nắp ván thiên để tìm lại khuôn mặt người con gái năm 16.

- Cậu thấy gì vậy ?

- Cháu thấy hình ảnh người con gái thẹn thùng nhận ba bông ngọc lan, cùng với nụ hôn đầu đời. Còn nữa chứ, còn những giọt nước mắt lấp lánh hạnh phúc.

- Trước khi chết, nó nhờ tôi giữ kỷ vật duy nhất. Hơn hai mươi năm làm người, tất cả chỉ còn vậy. Bây giờ cậu đã hiểu rõ nó chưa ?

Gã lí nhí:

- Rõ rồi.

Chai rượu gần cạn. Lão già loạng choạng đứng dậy, lảo đảo đến bên mộ. Lão tu một ngụm lớn, rồi phun lên đám cỏ xanh.

- Này con! Bố đây!

Lúc ấy trăng đã lên cao, những ngọn tre phất phơ theo chiều gió làm ánh trăng chao đảo. Trên sông Nại Hà, mặt nước xao động, hắt hiu. Trời về khuya, trở lạnh, trở gió, gió hú từng hồi, trăng như sợ hãi, mờ đi. Từ bên kia sông, hình như có bóng một người con gái áo trắng từng bước lên cầu. Sương giăng, trời đục, dáng dấp người con gái lẩn khuất, mờ mờ nhân ảnh. Đến giữa cầu, người con gái dừng chân đứng lại, khuôn mặt lãng đãng sau bờ tóc rối hình như đang hướng về phía lão già với gã thanh niên.

Gã thanh niên say khướt, thều thào:

- Này em ! Trong cõi u minh ta vẫn đợi đây, ta vẫn đợi em từng bước đi về.




VVM.23.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .