Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      






NHỮNG CƠN BÃO ĐI QUA





CHƯƠNG VII



T hấm thoắt đã thi xong học kỳ, giáo sinh chuẩn bị mua vé về quê ăn tết. Nhung lên máy bay với nhiều người bạn cùng về Huế. Chừng hơn nửa tiếng đã đến phi trường Phú Bài.

Ra khỏi cửa máy bay Nhung hơi nghiêng người, kéo cao cổ áo ấm để tránh làn gió rét. Dưới sân bay, nhiều khuôn mặt rạng rỡ chào cười với người thân. Nhung biết mình không có An đón, cô theo bạn bước nhanh lên xe.

Sân bay xa dần, những hàng thông rũ lá trong gió đông như cùng chia sẻ nỗi buồn. Thúy, em kế của Nhung lên văn phòng của hãng máy bay ở đường Trần Hưng Đạo đón chị. Về đến nhà, Nhung thấy mẹ đang làm các món mứt, và ngạc nhiên khi thấy các em chóng lớn, bé Út phát âm chưa rõ lắm nhưng cũng nói được mấy tiếng - chị Nhung mới về - Bảo đã vào Hải quân, Bình chuẩn bị thi Tú tài một (lớp 11).

Nhung đi chợ sắm áo quần mới cho các em, đến nhà một vài người bạn thân, dạo phố xem hoa, cũng vơi bớt nỗi buồn trống vắng đang lúc không khí rộn ràng cuối năm cuốn hút mọi người, chuẩn bị sang năm mới.

Nghe tin chị Rớt có người sắp có người dạm hỏi, Nhung mừng thầm trong bụng, cứ tưởng chị chẳng có ai ngó tới.

Trước sông gần nhà Nhung có cái bến vừa xây xong gọi là Bến mới, xóm trước xóm sau đều tới đây giặt giũ. Từ khi có Bến mới này, Lành ở xóm sau thường hay ra đây tắm rửa bơi lội. Lành làm lơ xe, chở khách và học sinh từ dưới Bao Vinh lên chợ Đông Ba. Lành hơi xấu người, nhà lại nghèo nên chậm vợ. Chị Rớt thường nách thau áo quần xuống bến giặt. Nhiều lần chuyện trò thăm hỏi, Lành có vẻ chịu rồi và Rớt cũng có ý thuận tình.

Biết được câu chuyện, bà Vĩnh hứa sẽ đứng ra đại diện nếu bên nhà Lành nhận lời. Như vậy ra tết sẽ tiến tới việc cưới hỏi. Sen cũng vừa xin về quê ăn tết mấy ngày.


♣ ♣ ♣

Đêm ba mươi, cúng giao thừa xong, cả nhà cùng xem tivi chờ xem pháo nổ. Khoảng mười hai giờ khuya, tiếng pháo bắt đầu nổ, nhưng chỉ được một lúc, không vang trời dội đất kéo dài như mọi khi, bỗng chen vào âm thanh nghe như tiếng súng, mọi người sinh nghi, sau đó thì ba Nhung và Bình xác nhận rõ ràng là tiếng súng, tiếng pháo im bặt không còn nghe nữa. Súng tiếp tục nổ giòn hơn phía trên cầu và một vài nơi xa hơn, ông Vĩnh biểu Bình đóng cửa, tắt bớt đèn. Lâu lâu lại thêm vài loạt súng nghe rất gần.

Đèn trong nhà tắt hết, chỉ để lại ngọn đèn nhỏ sau bếp.

Ông Vĩnh hỏi Bình :

- Ba nghe tiếng súng ở đâu gần lắm ?

- Dạ đâu như phía bên kia sông, với đâu trên Thượng thành.

- Tiếng súng nghe lạ lắm, bắn từ nhiều phía.

- Dạ toàn tiếng AK của quân Bắc Việt.

- Sao con biết là tiếng AK ?

- Dạ, con hay đọc báo và nghe các bạn nói, tự nhiên nghe là biết liền. Ông Vĩnh giục :

- Thôi lên giường hết đi .

Mọi người lên giường nhưng không ai yên tâm, hình như linh tính đang xảy ra sự việc gì rất hệ trọng trong thành phố. Nếu không, giờ này ngoài đường đã ồn ào tiếng xe tiếng người đi chùa, đi hái lộc, đi chơi, đèn đuốc nhà nào cũng sáng trưng, pháo đốt tưng bừng liên tục chứ không im bặt như hiện giờ.

Không ai hiểu điều gì xảy ra. Bồn chồn, ông Vĩnh trở dậy đi thật nhẹ ra cửa, Bình đi theo, vén hé màng cửa nhìn ra đường. Trong làn mưa mỏng lay bay có bóng nhiều người mặc đồ bộ đội cầm súng đi qua đi lại trước đường, có cả nữ du kích tay cầm súng, nhìn qua bên kia đường Bạch Đằng cũng thấy có bộ đội đứng rãi rác dưới các gốc cây ven bờ sông.

Không gian như cô đặc, thời gian trôi chậm từng khắc, tuy vậy, từ đó về sau không còn nghe tiếng súng nữa, nhưng tất cả là một màn bí mật đang trùm phủ trong suy nghĩ mọi người. Chiến tranh đang khốc liệt trên mọi miền đất nước, nay lại xảy ra ngay trong thành phố Huế nửa đêm như thế này là điều khó ai hiểu được.

Gần hai giờ khuya, mọi người ngủ quên được vài tiếng rồi thức dậy sớm chờ trời sáng. Không có động tĩnh gì ngoài đường, cửa mọi nhà đóng im ỉm, du kích quân vẫn còn rãi rác đi lên đi xuống hai bên bờ sông. Chị Rớt dậy chiên bánh tét, cả nhà ăn qua loa cho mau, người này nhìn người kia với dấu hỏi lớn trong đầu. Cho đến khi các du kích đi ngang trước đường kêu gọi dân hạ cờ vàng ba sọc đỏ xuống, rồi phân phát cờ Giải phóng, nền cờ màu đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng, bắt treo lên. Bình nhác thấy hai học sinh trong xóm học cùng trường, ra đường kêu gọi nhà nào cũng phải treo cờ Giải phóng, rồi đến gần các du kích nói chuyện, vui cười có vẻ thân thiện, đó là Liêm ở đầu cầu Đông Ba, và Quỳnh Hương ở xóm sau, bây giờ mới biết rõ học sinh hoạt động nằm vùng trong trường học, trông họ thật hiên ngang đáng nể, mà cũng đáng sợ.

Chưa tới nửa tiếng, cờ Giải phóng tung bay trước cửa mọi nhà. Nhiều nhà bắt đầu ra ngoài nhìn lên nhìn xuống một cách thận trọng, sự yên tĩnh vẫn duy trì, bỗng thấy mấy thanh niên chừng bốn người độ tuổi học sinh đi bộ lên phía cầu Đông Ba, có lẽ mấy người này vô tư chưa hiểu rõ mức độ nghiêm trọng chiến cuộc đang xảy ra, không biết sợ, rũ nhau đi coi tình hình.

Một lúc sau nghe tiếng súng nổ về hướng trên, sau đó thấy một xe ba gát chở một xác chết trong số học sinh lúc nãy đi về phía dưới, và ba học sinh đi bộ theo sau. Nghe nói người này bị bắn gần cửa Đông Ba, bộ đội nghi họ là nhóm người đi dò thám tin tức hoặc muốn chống đối. Từ đó không ai còn dám đi lại ngoài đường nữa.


♣ ♣ ♣

Thức ăn dự trữ những ngày tết có sẵn nên chỉ việc nấu nướng trong nhà cho xong bữa trưa, đến chiều vẫn không nghe động tĩnh gì, cả nhà ăn cơm vội trước khi trời tối, xong đóng kín cửa, đèn trong nhà chỉ sáng lúc đầu hôm rồi tắt sớm, chỉ để lại một ngọn nhỏ và quan trọng là giữ sao cho bé gái Út đừng khóc. Hai đứa em trai tiếp của Bình, đứa lớp đệ lục (lớp sáu), đứa lớp bốn, biết sợ nên ai biểu gì nghe đó.

Đêm mùng một bắt đầu với tình trạng tinh thần giao động hồi hộp mặc dù bên ngoài vẫn yên tĩnh. Ông Vĩnh vô phòng mở đài BBC, đặt écouteur vào tai nghe tin tức. Quân Giải phóng tổng công kích đêm ba mươi tết, chiếm mọi tỉnh thành miền nam Việt Nam. Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cũng bị đặc công khống chế cho đến khi trời sáng mới rút lui vì hỏa lực trong Tòa Đại sứ rất mạnh, hai bên đều có thương vong lúc giao tranh. Các quận huyện khác ở Sài Gòn và các tỉnh phía nam Trung bộ cũng bị chiếm đóng, lực lượng Mỹ và Việt Nam đang chống trả quyết liệt.

Ông Vĩnh nghe vậy nhưng không nói với ai trong nhà. Thật là một biến cố động trời, không hiểu sẽ ra sao. Sáng ra, không ai dám ra khỏi nhà, ngoài đường vẫn không xe cộ, không quán chợ hàng rong. Đến hai giờ chiều bỗng có tiếng pháo kích từ xa, một lúc lại nghe thật gần, hình như bên Bãi Dâu hoặc phía trên cầu Trường Tiền, lại có hàng loạt AK nổ giòn nhưng không có tiếng súng bắn trả, không ai hiểu ra điều gì. Xưa nay giao tranh xảy ra ở chiến trường chứ có đâu trong thành phố thế này, lại ngay trên đất Thần kinh.

Ông Vĩnh dặn cả nhà nếu có gì thì xuống núp dưới tấm phảng. Pháo vẫn tiếp tục nổ, bà Vĩnh sợ quá chỉ ngồi yên trên một góc tấm phảng, mắt nhìn ra cửa. Nhung và các em cũng sợ nhưng bình tĩnh hơn, mắt trông chừng bé út không cho chạy lung tung, đưa cho mấy cái bánh nó mới chịu yên một chỗ.

Ông Vĩnh và Bình lắng nghe hướng pháo đi, trao đổi:

- Hình như pháo trong đồn Mang Cá bắn đi - Bình nói.

Ông Vĩnh nêu thêm nhận xét:

- Đúng rồi, đó là tiếng đề-pa, nghe ở đâu gần lắm?

- Chắc là phía sân bay Tây Lộc bắn đi nữa nhưng không biết trúng chỗ nào.

Nhà ông Vĩnh ở khoảng giữa cầu Đông Ba và cầu Thanh Long, cách đồn Mang Cá khoảng hơn một cây số, ông nghĩ chắc khu vực này sẽ bị pháo kích nặng để dọn đường cho bộ đội tiến đánh đồn.


♣ ♣ ♣

Pháo im chừng vài tiếng, khoảng bốn giờ chiều nhiều tiếng đề-pa đưa pháo đi, tiếp là tiếng pháo kích của bên kia bắn trả, nghe rõ mồn một. Đến khoảng bảy tám giờ tối lại tiếp nhiều tiếng pháo chung quanh tứ phía, tuy không dày nhưng là tiếng pháo của cả hai bên. Pháo kích trúng vô đồn nhưng có thể lạc vào nhà dân, không biết dân sống chết thế nào, ai cũng nghĩ vậy. Từ nhiều năm trước đó, vài ba hôm lại có pháo kích vào thành phố, đồn bót không nghe nói nhưng hay trúng vào nhà dân, sáng ra ti vi đài báo lại đăng tin nhà sập, người chết, đã bao nhiêu năm nay rồi.

Ông Vĩnh không cho thắp đèn dầu trong nhà, sợ nếu dầu bị đổ thì sẽ gây cháy, chỉ thắp ngọn đèn cầy, dùng tấm váng che phía trước cho bớt ánh sáng ra ngoài. Căng thẳng cho đến rạng sáng, cũng may em bé biết sợ tiếng nổ nên không dám khóc.

Vậy là thành phố trở thành trận địa đã qua hai ngày. Sáng ra,vài nguồn tin cho biết kết quả những lần pháo kích hồi hôm, một số trúng vào nhà dân, có vài nhà bị sập và chết mấy người. Nghe vậy, nhà nào cũng tìm bao bị hoặc hỏi nhau mua bao cát sẵn để đổ cát vào. Chị Rớt và Nhung, Thúy phụ nhau lo nấu nướng bữa ăn thật nhanh, cả nhà chuẩn bị tinh thần khi có tiếng nổ là chui xuống tấm phảng.

ÔngVĩnh và Bình ra ngoài đường nghe ngóng, thấy chú Phùng đang nói chuyện với mấy người hàng xóm. ông Vĩnh bước sang hỏi chuyện, tất cả đang dò đoán tình hình và trao đổi tin tức đài BBC vừa nghe hồi sáng sớm. Phía quốc gia đã lấy lại được nhiều tỉnh, sinh hoạt trở lại bình thường, nhưng so với tình hình còn căng thẳng hiện tại ở Huế thì rất khó phỏng đoán, bộ đội làm chủ khắp nơi, các vùng ven, nhất là trong Đại Nội, họ đào nhiều hầm hố, chiến hào cố thủ, không thấy quân đội Việt Nam.

Một số người đang di tản từ dưới cầu Thanh Long đi lên, chú Phùng lên tiếng hỏi mấy người đi qua trước nhà :

- Dưới đó có gì mà chạy lên nhiều vậy mấy anh?

Một người trong đám trả lời:

- Đêm qua đồn bị pháo kích.

- Can gì không?

- Vài lính trong đồn chết, vài nhà chung quanh đồn bị sập, dân cũng có người chết.

Vừa nói họ vừa đi tiếp lên phía trên. Ông Vĩnh nói:

- Hồi hôm tôi nghe pháo gần lắm, về phía này - ông chỉ tay về phía dưới- tôi đoán đúng là đồn bị pháo.

Chú Phùng góp ý thêm:

- Theo tôi nghĩ thì đồn sẽ còn tiếp tục bị pháo, có thể bộ đội sẽ đánh chiếm đồn Mang Cá chưa biết lúc nào.

- Chắc là như vậy, pháo lung tung kiểu này, không biết ngõ nào mà tránh. Bên hữu ngạn dân di tản khá nhiều lên Kim Long, Nguyệt Biều, đài BBC nói vậy.

Chú Phùng lại nêu thắc mắc:

- Chẳng lẽ không có tiếp viện, nhiều căn cứ của Mỹ ở Phú Bài, Thuận An,Trường Bia… nhiều đồn binh khác nữa.

Bác Tân nãy giờ mới mở lời bình luận:

- Tôi nghĩ sẽ có phản kích, không lẽ Mỹ chịu thua, coi chừng mình ở giữa hai lằn đạn. Có thể quân Giải phóng sẽ dùng con đường này để tiến quân chiếm đồn, đây sẽ là bãi chiến trường, mà hiện tại thì dân dưới đó lại di tản lên, họ sợ dưới đó vướng phải tầm đạn pháo kích của bộ đội.

Bác Tân đưa mắt nhìn hai người đối diện hỏi thêm :

- Giờ tính sao đây?

Chú Phùng đưa ý kiến:

- Mình như cá trong rọ, chạy lên không được chạy xuống không xong. Bây giờ ở đâu cứ yên chỗ đó, từ từ hãy xem, muốn đi đâu cũng phải có nhà bà con quen biết, cần nhứt là lo chỗ núp bảo đảm chứ biết chạy ngõ nào.

Lời chú Phùng nói nghe có lý, ai cũng tán đồng. Ông Vĩnh nhìn ra đường. Mới thấy Bình đứng đó, ngó lại không thấy, nhìn cuối tầm mắt thấy có hai người đi lên cùng với Bình. Vừa tới nơi, ông Vĩnh hỏi Bình :

- Con đi đâu nãy giờ ?

- Dạ hồi hôm nghe pháo nổ nhiều ở dưới, con xuống coi thử. Người ta di tản rất đông về Hương Trà, Bao Vinh, Sơn và anh Tâm chạy lên đây với con.

Sơn cầm tay Tâm giới thiệu với ông Vĩnh :

Dạ đây là chú con.

Sơn thì ông Vĩnh biết rồi, bạn học một lớp với Bình, thường đến nhà chơi mỗi lần đi học về, tính Sơn vui vẻ, hay chọc cười mấy em của Bình nên cả nhà rất mến, xem như người trong nhà.

- Sao không chạy về làng? - Ông Vĩnh đưa mắt hỏi Sơn.

- Dạ cháu với chú Tâm là thanh niên, sợ về đó sẽ gặp bộ đội tiếp viện từ phía các làng đi lên.

Dò xét tình hình coi như tạm xong, ông Vĩnh nói:

- Thôi coi vô nhà bớt đi, đừng có tập trung ngoài đường đông quá.

Nói rồi ông Vĩnh chào ba người hàng xóm rồi trở vô nhà. Tất cả ra nhà sau, cửa trước đóng kín. Nhìn Sơn, bà Vĩnh hỏi thăm cặn kẽ nhiều chuyện. Sơn kể lại và kết luận:

- Dưới đó hiện rất lộn xộn, con với chú con lên đây tạm lánh, xem tình hình rồi mới tính được. Ông Vĩnh hỏi:

- Vậy ba má con chạy đi đâu?

- Dạ, ba má con chạy về dưới Hương Trà, có nhà bà con dưới đó.

- Dưới làng có yên không?

- Dạ dưới đó thấy yên vì xa đồn, chỗ con bị pháo quá nên chạy lên đây, hai chú cháu con chạy lên đây cũng là chạy đại, miễn xa được đồn. Bác cho con ở lại đây, xem tình hình thế nào rồi tính.

Bà Vĩnh nhìn hai người, nói:

- Con cứ ở lại đây không sao, khi nào yên hãy về.

- Dạ.

Ba người lên nhà trên, ngồi trên ghế salon, trao đổi nhiều chuyện, cũng là những điều mắt thấy tai nghe và những dự định nhưng không có cách giải quyết nào rõ ràng. Đến gần trưa, chị Rớt và Nhung, Thúy vô bếp phụ nhau chiên bánh tét, nấu thêm cơm và thức ăn. Nhà có khách, Nhung lấy thêm bún tàu nấu với một ít măng hầm thành vài tô canh, mở thêm mấy lon thịt hộp, xong xuôi Nhung mời ba mẹ và biểu Thúy lên gọi ba người xuống ăn.


♣ ♣ ♣

Không phải mời gọi nhiều, người nào cũng tập trung vào việc ăn uống nhanh cho xong.Trong bữa ăn, Sơn kể lại chi tiết chuyện đêm qua ở nhà mình cho mọi người nghe,ai cũng tức cười vì giọng của Sơn pha hài hước :

- Bình biết sao không? Nghe pháo kích sát bên tai, sợ quá trời mà còn phải ngửi mùi nước tiểu nồng nặc.

Minh - em Bình tò mò hỏi:

- Sao vậy anh Sơn?

Sơn nhăn răng cười, cao giọng:

- Thì phải chui xuống giường con bé, lớn mấy tuổi rồi còn đái dầm - Sơn cố ý nói to để ai cũng phải cười - Trời ơi là hắn hôi.

Nhung lên tiếng hỏi thật tình :

- Không còn chỗ nào sao phải chui xuống giường em bé?

- Quýnh quá biểu không gặp đâu chun vô đó, để che con mắt mà thôi chứ cái giường mà ăn nhằm gì với bom đạn. Mà chị Nhung à, bảo đảm hồi hôm chị cũng không nằm được trên giường đâu.

- Sao biết? - Nhung cười.

Sơn nhanh ý, hất đầu về phía tấm phảng, cười nhộn :

- Đó…

Nhiều đôi mắt cùng nhìn về phía tấm phảng được che quanh bằng những chiếc ghế gỗ, tủ nhỏ và các thứ linh tinh đặt trên tấm phảng rộng vuông vứt một mét sáu. Nhung cười theo.

Người khách lạ nãy giờ chỉ ngồi nghe mà không nói gì, chỉ thỉnh thoảng nhìn Nhung với ánh mắt có vẻ xa xăm.

Ông Vĩnh vừa ăn vừa cười theo bọn trẻ mặc dù sự lo lắng vẫn canh cánh bên lòng. Ông đưa mắt nhìn Tâm:

- Đài BBC bình luận thành phố Huế là yếu điểm cuối cùng sau cuộc tổng công kích tết Mậu Thân. Quân Giải phóng chắc tràn ngập thành phố ? Tâm trả lời :

- Dạ, bộ đội đang làm chủ tình hình, kiểm soát hết rồi, chỉ có dưới cầu Thanh Long là họ chưa qua được vì gần đồn Mang Cá, con đường này khó tiến quân được vì dễ lộ mục tiêu.

Ông Vĩnh hỏi thêm:

- Đêm ba mươi có nghe chạm súng gì đâu, vậy mà quân Giải phóng tràn vô thành phố, tới giờ đốt pháo giao thừa thì nghe tiếng súng vài loạt rồi thôi, vậy thì họ đánh nhau ở đâu.

- Dạ, chắc là họ chiếm được những căn cứ quân sự phía ngoại thành, bên ta bị thua rút lui, đường vô thành phố bỏ ngõ nên không nghe chạm súng, họ vô thành phố vào ban đêm, đến giao thừa bắn súng thị uy cho dân biết quân Giải phóng đã vào phố Huế.

- Còn đồn nào gần đây nữa không, họ có đánh chiếm nữa không?

Tâm nói :

- Họ đã tới đây rồi, chắc là sẽ đánh chiếm những đồn còn lại ở Huế, con nghi còn phi trường Tây Lộc, đồn Mang Cá sẽ bị đánh và họ sẽ đánh tới Bao Vinh, con mới chạy lên đây.

- Có chắc chắn như vậy không?

- Dạ con nghĩ vậy nhưng chưa biết lúc nào.

- Có nghe gì nữa không?

- Dạ nghe cả thành phố Huế bị cô lập, chỉ còn hy vọng sự yểm trợ pháo từ phi trường Phú Bài hoặc dưới Thuận An với mấy căn cứ quân sự chưa bị chiếm, nhưng nếu bên mình pháo vào đây thì thành phố sẽ thành bình địa, do đó phải có kế hoạch đánh chiếm lại bằng quân đội.

Nghe lối nói khá rành mạch, ông Vĩnh hỏi thêm về Tâm:

- Hình như cậu là người trong quân đội?

- Dạ.

- Đóng ở đâu?

- Dạ ở Quảng Ngãi, con được về ăn Tết mấy ngày, giờ bị kẹt lại.

Ông Vĩnh hơi băn khoăn:

- Chà, Quảng Ngãi đang đánh nhau dữ lắm, cậu có hay ra trận không?

- Dạ gần như thường xuyên, xong trận này tiếp đến trận khác, con làm bên truyền tin.

Ông Vĩnh có vẻ suy nghĩ, thấy vậy Sơn vội giải thích :

- Dạ chú Tâm con là lính Chiến tranh chính trị, thường ở mũi sau, chỉ trừ khi xáp trận.

- Ờ, nhưng bây giờ ở đâu cũng nguy hiểm, súng đạn vô tình, đừng có xem thường.

Tâm cười nhẹ :

- Dạ, sống chết cũng có số mạng.

Ông Vĩnh ra khỏi bàn ăn. Sơn còn cầm đĩa bánh tét đẩy qua đẩy lại mời Tâm và Nhung.

Nhung nói:

- Thôi Sơn, chị no rồi.

Nhung quay qua em gái, biểu Thúy lấy thêm hột dưa và mứt ra. Sơn tán đồng:

- Đúng rồi chị Nhung, mấy ngày nay mứt món ế ẩm, giờ dọn ra nhiều nhiều kẻo để lâu nó kiện.

Trong đám bạn học của Bình, Sơn tự nhiên và vui nhộn nhất, ngày nào cũng ghé nhà làm bài với Bình, lúc nào cũng chọc cười vài câu mới chịu về. Qua cách nói chuyện của Sơn, Tâm bắt đầu thấy mạnh dạng, nét cởi mở hiện trên khuôn mặt, anh khéo léo gợi chuyện với Nhung, được biết Nhung cũng đang học sư phạm ở xa về ăn tết bị kẹt như anh.

Tâm hỏi thêm về một số sinh hoạt ở lớp học, ở nội trú của Nhung vì Tâm nói rằng anh cũng là dân nội trú bốn năm tại Đà Lạt. Nhung hỏi Tâm về khí hậu và cảnh đẹp chùa Trúc Lâm, những đồi thông, hồ Than Thở … Tâm trả lời và có ý thêm thắt:

- Cảnh đẹp Đà Lạt rất thơ mộng, đi đâu cũng thấy hoa, trước cửa nhà nào cũng có hoa, hoa lúc nào cũng tươi thắm nhờ khí hậu, xứ của ngàn hoa mà. Hoa thiên nhiên và hoa biết nói.

Nghe câu nói hay hay, Nhung góp ý thêm:

- Nghe nói con gái Đà Lạt khá đẹp, hai má lúc nào cũng đỏ hồng.

- Mỗi lần nữ sinh tan trường, toàn là “má đỏ môi hồng”… chân đi không rời.

- Ai đi không rời?- Nhung cười bắt bẻ khi nghe câu dí dỏm của Tâm. Tâm trả lời với nụ cười xuề xòa :

- À! Thì là ...mấy người bạn ấy mà.

- Như vậy là không có anh Tâm?

Tâm muốn chứng tỏ mình không nói dối :

- Ờ, thỉnh thoảng cũng có chứ, Đà Lạt nhiều cảnh đẹp, ngày chủ nhật các cô gái thường đi ngắm cảnh hái hoa, không nhìn cũng thấy.

Nhung cười cười :

- Con gái Đà Lạt được ưu tiên, nhiều người trồng cây si.

Tâm phản ứng, pha phách một tí ba hoa:

- Ồ không, ngược lại, tuy có si nhưng bọn anh vẫn trồng cây xa một quãng, để cho các cô còn nhìn xa trông tới - Nói xong câu, Tâm nhìn Nhung với đôi mắt hàm ý.

Nhung nhận thấy một chút kiêu hãnh trong lời đối đáp của Tâm như đã có ý nghĩ đó trong đầu từ lâu, nhưng không khiến cô mất cảm tình, vì từ lúc gặp anh đến giờ, cô cảm nhận như lúc nào anh cũng phủ lên cô một ánh nhìn tuy xa mà gần, bắt buột cô phải nhìn lại mỗi lần đối đáp, do đó cô phải giữ gìn ý tứ.

- Anh Tâm ra đơn vị lâu chưa? - Nhung hỏi.

- Mới hơn một năm.

Bình tìm hiểu :

- Ngành của anh chắc học hành thỏa mái, không nặng về quân sự.

- Có chứ, nhưng không nặng lắm ở thao trường, chú trọng về lý thuyết chính trị, điều động kế sách, truyền tin…

Sơn tiếp lời :

- Hèn gì thấy chú đem về toàn là tiểu thuyết tình cảm?

Câu nói khá đột ngột khiến Tâm lúng túng nhưng anh trả lời được ngay:

- Thì tại anh chưa có người yêu nên phải ôm tiểu thuyết cho đỡ buồn.

Câu nói nửa đùa nửa thật này khiến Nhung chóng kết luận Tâm rõ ràng là một con người có tính bông lơn mà nhanh trí, không phải tay tầm thường. Tuy nhiên lối nói dí dỏm và tế nhị không thể làm mất lòng người khác, bởi kèm theo đó là tiếng cười ấm áp đượm vẻ hồn nhiên. Có lẽ vì khuôn mặt của Tâm chữ điền nhưng không góc cạnh, nước da trắng với hai gò má hơi hồng như còn lưu thời tiết nắng lạnh của khí hậu Đà Lạt sương mù, càng thêm vẻ tuấn tú. Có lẽ biết điều đó nên Tâm có vẻ tự tin.

Nghe xong Nhung chỉ cười và cố lờ đi câu trả lời khi Tâm muốn hỏi gì thêm.

Bình đặt câu hỏi thăm dò :

- Anh Tâm đẹp trai vậy mà chưa có người yêu, xạo quá.

- Anh xin thề - Tâm đưa cao hai tay và đưa mắt sang Nhung.

Sơn bào chữa:

- Ngó vậy chứ chú Tâm của Sơn kén lắm đó, không dễ tính đâu chị Nhung.

Được thể Tâm nhấn mạnh:

- Không phải đâu, tại các cô gái bây giờ khó tính, chê lính xa nhà, rày sống mai chết, nhất là các cô gái đẹp.

Nhung hiểu ý Tâm muốn ám chỉ mình, cô đắn đo lên tiếng thật khéo:

- Là lính con cưng của chính phủ, dễ gì chết được.

Tâm trả lời có vẻ đăm chiêu:

- Ồ, không phải đâu, bây giờ ông tướng còn chưa bảo đảm kể gì cỡ mình. Lúc còn học ở trường đã thấy chuyện chết chóc rồi, huống gì bây giờ đã ra mặt trận.

Thúy ngạc nhiên:

- Ủa sao vậy anh Tâm. Ở trường sao lại chết ?

- Vì trường lâu lâu vẫn bị pháo, có chỗ nào mà “mấy ổng” bỏ qua.

Bình thắc mắc :

- Vậy thì phải có hầm hố kiên cố?

- Thì cũng có nhưng mà bọn anh ít khi xuống hầm.

- Sao vậy?

- Vì trường có mấy tầng lầu, bê tông kiên cố. Khi có pháo kích thì chạy xuống tầng dưới, anh nào gan dạ cứ nằm tầng trên cố thủ. Nhưng mà bọn anh không ai sợ súng đạn cả.

- Anh Tâm nói như thật – Nhung nói vào.

Tâm cười cởi mở:

- Không lẽ nãy giờ anh toàn nói xạo. Nhung tính coi nè - pháo kích chưa chắc đã trúng, nếu trúng chưa chắc đã bị thương, mà bị thương chưa chắc đã chết. Do đó bọn anh vẫn bình tĩnh khi có pháo. Đời lính không có món đó thì còn gì thú vị nữa.

Nhung bật cười góp ý:

- Anh Tâm có vẻ siêu lý luận, nhưng cũng có phần đúng với thực tế. Vừa rồi trường Sư phạm cũng sém bị trúng pháo, khu nội trú ở gần khu quân sự Mỹ nên khi có pháo kích, tụi em phải chui xuống giường chứ không bình tĩnh được như các anh.

Sơn chen vào chọc quê Nhung:

- Đó, chị Nhung thấy chưa, giải pháp tránh pháo kích tuyệt vời nhất vẫn là chui xuống giường.

Nói xong Sơn cười hể hả. Nhung hơi đỏ mặt vì thẹn, chống chế :

-Thì dù trên trần có lớp bê tông nhưng cũng phải sợ mảnh văng vào cửa, ở nội trú làm gì có cửa ngõ kín đáo.

Câu chuyện chấm dứt khi Nhung dọn mâm bưng xuống, Tâm nhìn theo, Sơn đứng dậy rũ Bình ra đường, gọi Tâm đi theo nhưng anh không đi, Sơn sực nhớ ra Tâm là quân nhân.

Còn lại một mình Tâm, cảm thấy hơi lạ người lạ cảnh, anh lên nhà trên, đứng nhìn ra sông, nét mặt trầm tư xa vắng. Tự nhiên Nhung để ý đến cá tính của người thanh niên nầy, mới qua một cuộc nói chuyện, đã để lại nhiều ấn tượng. Một lối nói có tính cách ám chỉ nhưng rất thu hút người nghe.


♣ ♣ ♣

Tâm trở lại ngồi trên ghế salon, ánh mắt xa vời khác với tính cách vui nhộn mới đây. Từ phía sau, Nhung nhìn nghiêng khuôn mặt đang suy tư, chắc chắn anh không phải là người vô tư hời hợt. Lúc này mới thấy rõ thực nét mặt của Tâm, đường nét và sáng vẻ thông minh, tăng thêm tính cách phong lưu nhờ khoác lên người chiếc áo manto khá dày màu nâu non dài đến đầu gối, cho thấy rõ một chiều cao lý tưởng.

Nhung muốn nói Tâm lên lầu nghỉ trưa, nhưng sực nhớ lại căn phòng trên đó của riêng An, biết bao kỷ niệm, dù có thể An không bao giờ trở về đây nữa, nhưng Nhung không muốn Tâm lên đó, vì vậy cô im lặng.

Tuy vậy một lúc sau, Tâm đứng lên nhìn Nhung một thoáng rồi đi thẳng lên lầu, nói với Nhung anh lên nghỉ một lúc buổi trưa vì trong người hơi mệt.

Gần một tiếng sau, có tiếng ồn ào của Sơn và Bình ngoài ngõ, rồi hai người đi vào nhà, tay người nào cũng có những thứ đồ lỉnh kỉnh nhiều bao bị đựng khoai sắn, một bao cát đầy gạo, nhiều gói bánh mứt, sữa guigoz… Bà Vĩnh ngạc nhiên hỏi ở đâu mà có, Bình nói:

- Con lấy ở mấy nhà bán gạo và tạp hoá mà chủ nhà đã di tản, nhiều người biết còn nhiều đồ trong nhà nên họ mở cửa vào lấy, tụi con cũng lấy một ít.

Ông Vĩnh rầy rà:

- Lấy chi của người ta?

Sơn lên tiếng:

- Dạ mình không lấy người ta cũng lấy bác à.

Nghe tiếng ồn ào ở dưới, Tâm bước xuống, vừa thấy đồ đạt vừa mang về, Tâm bảo:

- Mấy đứa là thanh niên, đi lung tung không sợ nguy hiểm ?

Sơn giải thích đúng theo đúng ý của Tâm :

- Cháu thấy người ta đi nhiều mới đi theo đó chớ, mà mấy thứ này cũng cần, có sữa cho em bé nè, đến khi du kích đến giải tán mới thôi.

- Thấy chưa, không được đi đâu nữa.

Tâm nói để nhấn mạnh thêm cho Sơn và Bình hiểu tầm quan trọng của tình hình.


CHƯƠNG VIII



Thúy dọn mọi thứ ra bếp. Khoảng ba giờ chiều bỗng có tiếng nổ, mọi người dáo dác nhìn nhau. Ông Vĩnh biểu chui hết xuống phảng gấp. Bình lớn tiếng gọi Tâm nhưng đã thấy anh xuống rồi.

Tâm nói với ông Vĩnh:

- Dạ hình như tiếng pháo kích vô đồn.

Bà Vĩnh đã ngồi yên dưới phảng. Tiếng nổ vẫn tiếp tục, sau đó dày hơn từ nhiều hướng khác nhau, lần này Tâm biểu cả nhà vô hết dưới tấm phảng.

- Cả hai bên đều pháo – Tâm nói.

Tất cả đã vào trong, chỉ trừ mình Tâm đứng ở ngoài.

Có tiếng Sơn gọi lớn:

- Chú Tâm vô đi.

- Chú biết rồi, cứ yên đó đi.

Tâm ở trong quân đội nên quen bình tĩnh, hoặc là anh thấy lúng túng khi phải vào ngồi chung dưới tấm phảng thấp có nhiều người. Anh suy luận nếu pháo nổ gần thì ở trong hay ngoài tấm phảng cũng vậy thôi, và tự nhiên có cảm tính pháo sẽ không đến gần.

Tiếng nổ vẫn tiếp tục, nghe rõ tiếng dội và tiếng sàn sạt của mảnh đạn phía bên kia sông như tiếng nhà sập, kéo dài gần mười lăm phút thì thưa dần rồi im. Tuy vậy không ai dám ra ngoài, bà Vĩnh chưa hết run, ôm riết bé Út vào lòng.

Tâm lên tiếng cảnh giác:

- Khoan ra đã, để coi còn pháo nữa không.

Hơn mười lăm phút yên lặng, Sơn và Bình chui ra trước, đến chị Rớt, rồi đến ông Vĩnh. Lát sau nữa, Nhung và cả mấy đứa em ra theo. Bà Vĩnh còn sợ chưa dám nhúc nhích, nói với ra :

- Nhung coi phụ với Rớt nấu nướng nhanh lên, có gì ăn đó cho xong trước khi trời tối.


Cơm nước xong xuôi, trời gần tối lại có trận pháo cả hai bên, chỉ một lúc rồi im nhưng cả nhà đều nằm dưới phảng cho đến sáng, chỉ có ông Vĩnh, Tâm, Sơn và Bình ngủ ở ngoài. Gần sáng, nghe có tiếng người nói ngoài đường, Bình ra mở cửa, Sơn ra theo. Một lát nghe ngóng tình hình, Bình trở vô.

Ông Vĩnh đang mở radio nghe đài. Sơn nói:

- Nghe nói trong đồn bị nặng, một vài nhà dân bị trúng, nhiều nhà đang di tản. Bên Bãi Dâu, cầu Gia Hội, trong Thành nội bị nặng.

Tâm góp ý:

- Kiểu này mình phải làm hầm lại cho chắc, núp đạn pháo như thế này không bảo đảm.

Tuy Tâm chỉ nói chừng đó nhưng cả nhà ai cũng nghĩ ra mức nguy hiểm của vấn đề. Bao cát mua từ hôm trước được đem ra, mấy anh em Bình phụ nhau xuống sông xúc cát cho vào bao. Tâm muốn phụ làm theo nhưng ông Vĩnh không cho.

Xuống sông lấy cát, thấy nhiều nhà cũng làm vậy, vài du kích đi qua đi lại nhưng họ không phản ứng gì, nhà nào cũng lo làm mau kẻo sợ pháo kích. Không bao lâu bao cát chất được hai lớp trên tấm phảng, nhìn cũng như cái hầm vậy, bà Vĩnh hối thúc mọi người ăn cơm trưa.

Chừng ba giờ chiều nghe tiếng máy bay B52 lao qua trên đầu, rồi những tiếng nổ rải rác ở đâu xa, chừng một lúc sau có tiếng trực thăng và U.Titi bay tới, Tưởng sẽ còn đánh nhau nữa, nhưng trực thăng chỉ quần một lúc rồi bay đi.

Mặt trời vừa tắt thì mọi việc trong nhà tạm xong. Điện bị cúp, ông Vĩnh chỉ cho thắp một ngọn đèn cầy, rồi ông mở đài BBC. Nghe nói dân di tản rất nhiều đến ở tại các công sở, trường Quốc học, trường Đồng Khánh… Trong Thành nội thì bộ đội vô nhà dân hoạt động hội họp.


♣ ♣ ♣

Sơn và Bình nằm trên divan. Thấy divan không đủ cho ba người nên Tâm lên lầu một mình. Bình nói :

- Chú Tâm nằm đây luôn, lên đó có gì chạy xuống không kịp.

Tâm trả lời:

- Không sao, có gì chú nhảy xuống liền.

Mới nghỉ lưng được một lúc, bỗng tiếng pháo kích ầm ầm vang dội chung quanh, tiếng nổ mỗi lúc mỗi dày hơn, xen tiếng đề-pa từ trong đồn đưa ra, đạn bay vút trên nhà nghe rõ tiếng xé gió. Sơn lớn tiếng gọi Tâm rồi tìm miệng hầm lao vào. Không khí bị đồn ép, ngọn đèn cầy chao mạnh rồi tắt, Thúy bật cây đèn pin, bật rồi tắt nhiều lần để có ánh sáng trong hầm xem chừng em bé.

Tâm lần trong bóng tối bước xuống lầu. Một đổi không thấy Tâm vô, Sơn gọi:

- Chú Tâm vô mau.

Tâm vẫn bình tĩnh:

Không sao, có gì chú vô liền. Im đi để nghe.

Nghe Tâm nói vậy ai cũng nín thinh tập trung. Tiếng pháo hai bên trả đũa liên hồi, đạn bay vun vút trên đầu nghe rõ, tiếng nổ có vẻ hỗn loạn, xa có gần có, tất cả căng thẳng vì ai cũng chỉ biết nín thở lắng nghe. Người nào cũng hiểu rằng, trận địa đang diễn ra không xa, ngay trên từng mái nhà. Bà Vĩnh niệm Phật liên tục. Cũng như lúc chiều, khoảng gần mười lăm phút thì pháo thưa dần rồi ngưng. Tuy vậy, đó chỉ là sự yên ổn tạm thời, tai ương có thể chụp xuống bất cứ lúc nào, chỉ biết cầu Trời khẩn Phật.

Khoảng mười một giờ khuya có tiếng chân chạy bên ngoài, rồi nghe tiếng thì thầm ngay ngoài hiên cửa, nghe kỹ là giọng Bắc kỳ khiến Tâm thắc mắc, chừng một lúc thì im lặng.

Bóng tối trùm khắp gian nhà nhưng không ai nghĩ đến việc thắp đèn, chỉ dùng đèn pin khi cần, bởi nếu có ánh sáng thì sẽ nguy hiểm, bộ đội biết có người trong nhà sẽ vào nhà.

Sơn bò ra miệng hầm hỏi nhỏ:

- Chú Tâm ngủ chưa?

- Chưa.

- Chú nằm chỗ nào?

- Trên divan, ở trong đó đi, chưa yên đâu.

Sơn nằm yên mong được chợp mắt đôi chút. Trời vừa rạng sáng đã nghe tiếng người nói lao xao ngoài đường. Ông Vĩnh đi lên nhà trên, nhìn qua khe cửa, thấy nhiều người đang di tản về phía cầu Thanh Long, mùng mền chăn chiếu ôm theo, có cả người bị thương. Tâm, Bình, Sơn cũng ra theo nhìn qua khe cửa, xong mạnh dạng mở cửa ra ngoài xem. Chợt ông Vĩnh chỉ cho Tâm thấy dấu vết vừa phát hiện ở một góc hiên nhà, nhiều vết máu vung vãi trên nền, vài miếng vải nhỏ thấm máu vứt lại còn đó. Tâm chợt hiểu và giải thích:

- Đúng rồi, hồi hôm sau khi pháo kích đợt đầu, con nghe có tiếng người xầm xì bên ngoài cửa nhà mình, chắc là bộ đội bị thương rồi ghé vô hiên nhà băng bó.

Ông Vĩnh nhìn ra đường hỏi:

- Còn mấy người di tản đây, sao lại đi ngược xuống? Người chạy lên kẻ chạy xuống là thế nào đây?

Suy nghĩ một lúc, Tâm nói:

- Hôm kia tụi con chạy lên vì sợ đồn sẽ bị đánh, không ngờ ở đây bị pháo nhiều, có lẽ ở phía trên, dân trên đó lại chạy xuống, kiểu này chỉ có nước ở tại chỗ, có gì thì vô hầm chứ không biết tránh vào đâu. Đoạn nhà mình lâu nay thấy yên.

Ông Vĩnh vừa đi xuống vừa bàn thêm với Tâm :

- Như vậy là mình cứ ở đây rồi từ từ hãy tính. Năm ngày rồi, tết với nhứt kiểu này.

Tâm tiếp :

- Theo con nghĩ bây giờ chỗ nào cũng có thể bị pháo, bộ đội tràn cả thành phố, đâu cũng có thể là mục tiêu cho bên mình pháo, bom của Mỹ nữa, chỗ mình ít thấy quân du kích vì gần đồn, qua được cầu Thanh Long không phải dễ, để thăm dò tình hình ra sao mới tính được.


♣ ♣ ♣

Sáng mùng bảy, chị Rớt xách sô xuống sông múc nước, trên bờ có mấy người đàn ông đứng chỉ tay xuống sông bàn tán. Rớt nhìn theo hướng tay họ chỉ, thấy có một xác người trôi giữa dòng sông, xuống một quãng, vướng trong đám rong, một vài khúc chân hoặc cánh tay cũng nổi lên, trôi vật vờ. Ai cũng cho rằng những người này có thể là dân ở dưới vạn đò bị trúng pháo mấy ngày vừa rồi, nhìn hai bên bờ, họ đã di tản hết rồi, chỉ còn hai dãy đò không.

Đầu óc người nào cũng căng thẳng trước những sự việc đang tiếp tục bày ra trước mắt. Ông Vĩnh hỏi Bình đã thấy nhà nào trong xóm di tản chưa. Bình nói chưa thấy nhà nào đi cả.

Theo tình hình đó và quyết định của Tâm, mọi người chấp nhận ở lại. Tuy ăn uống đơn giản nhưng gạo cơm và thức ăn trong nhà còn nhiều, nhiều đồ hộp gồm bánh ngọt, thịt, cá nên không lo thiếu thức ăn.


Vào buổi ăn trưa, bà Vĩnh nói:

- Nhờ có cậu Tâm đây nên tôi còn bình tĩnh chớ tôi nhát gan lắm. Lần sau có gì cậu phải vô hầm ngay, ở ngoài nguy hiểm lắm, cậu sao mà gan dạ quá.

- Dạ khi nào căng lắm thì con vô.

Sơn cũng hơi lo vì thấy sự nguy hiểm xảy ra từ hôm tết đến giờ mà chú Tâm không chịu vô hầm. Tuy vậy Sơn chỉ trách nhẹ:

- Khi nào thì chú biết nó sắp gần chú Tâm? Chắc khi đó hết biết luôn.

Tâm nói với Sơn nhưng muốn phân tích kỹ để động viên bà Vĩnh :

- Nói chung thì đoán chừng chừng vậy thôi chứ biết đâu mà gần với xa. Tuy vậy, nếu bình tĩnh nghe kỹ tiếng nổ sẽ phân biệt được xa hay gần. Mấy ngày nầy nhiều đợt pháo bên mình bắn đi nhiều chỗ, nhất là bên hữu ngạn, gần Dòng Chúa Cứu Thế, nhà thờ Phú Cam, trong Thành nội. Từ đầu cầu Gia Hội xuống đây, pháo kích không dính nhà nào. Có lẽ do sự tính toán nào đó cả hai bên mà mấy ngày nay vùng này không bị pháo.

Tâm chỉ nói cho bà Vĩnh yên tâm chứ thật ra, anh nghĩ tới hai chiếc cầu chỉ cách nhau chưa tới một cây số, sẽ là trục chính của quân chính quy nếu họ tiến đánh vào đồn Mang Cá, nhà ông Vĩnh ở giữa đoạn đường này. Tâm định trở về nhà nhưng còn do dự, vì nhà Tâm chỉ cách đồn đi xuống chừng vài trăm mét.

Thúy ngồi ăn gần Sơn, tỏ ý thán phục:

- Anh Tâm rành ghê, pháo nổ tùm lum mà còn bình tĩnh phân biệt.

Sơn cười, mắt liếc qua Thúy nói nhỏ :

- Thì người ta ở trong quân đội chẳng rành, đàn ông con trai phải bình tĩnh chớ, có như mấy cô nàng mít ướt. Tiếp theo là tiếng cười của Sơn.

Thúy nguýt :

- Chứ Sơn giỏi sao không đứng ngoài như chú Tâm mà cũng lo chui vô lẹ.

Sơn bị Thúy kê tủ, cười đỏ mặt rồi nói lảng :

- Thôi đi cô ơi, lo rửa chén mau mà chui vô cho rồi.

Và rõ ràng Sơn nói không sai, khoảng ba giờ chiều bỗng tất cả rúng động khi nghe tiếng gầm của hai chiếc pháo đài bay từ xa lao tới, một loạt tiếng nổ long trời rồi bay đi, nghe đâu gần lắm, tiếng bom nổ quá hãi hùng, mạnh ai nấy nhào vô hầm. Nhung đang dọn dẹp dưới bếp vội chạy lên, Tâm vẫn còn đứng bên ngoài, có lẽ anh đang chần chờ vì chưa thấy Nhung lên, thêm vài tiếng nổ của đạn pháo, Tâm kéo tay Nhung đẩy vào như phản xạ. Nhung vô hầm ngồi sát bên mẹ, một tay ôm bé Út vì bé quá sợ. Tiếng nổ khá gần, đâu trong khu vức nội thành và bên Bãi Dâu, không khí nén lại, mặt đất rung như bị chấn động, phản lực quay lưng sau vài tiếng nổ, tiếng động xa dần. Chưa kịp hoàng hồn thì lại có tiếng gầm rú tiếp tục của một chiếc nữa, tất cả chỉ biết nhắm mắt niệm Phật.

Sơn trong hầm gọi lớn:

- Chú Tâm vô nhanh lên.

Bây giờ thì Tâm không còn chần chờ, anh cúi xuống, uốn mình nhanh một cái đã vào bên trong, căn hầm đã kín người. Chính Tâm đã nhiều lần ở chiến trường vẫn không hình dung được cảnh khủng khiếp nầy, tính mạng chỉ nằm trong đường tơ kẽ tóc, không còn cách nào tránh trút. Không khí bị dồn ép, nhà cửa chao đảo như muốn sập mái.

Trong phút giây căng thẳng cực độ, Tâm chợt cảm giác Nhung quá sợ hãi đang nép bên cạnh mình, do một thôi thúc bản năng, anh quàng tay qua ôm cô, kéo nhẹ vào ngực mình. Nhung nép vào người anh, người hơi run, Tâm biết đây chỉ là biểu hiện của cảm giác run sợ, tuy vậy anh cảm thấy cánh tay mình hơi bối rối, một chút ấm áp mơ hồ, một kỳ ngộ bất ngờ trong cơn nguy biến.


Chừng nửa tiếng sau, tiếng trực thăng và máy bay Bà già bay tới kèm vài loạt rocket khuấy động, nghe thật gần nhưng hình như chỉ bắn vào chỗ trống hoặc dưới sông, không nghe tiếng AK đáp lại, tình hình có vẻ yên tĩnh, trực thăng quần một lúc rồi bay đi, ai cũng yên tâm nghĩ rằng, trực thăng tới thế là ngưng bỏ bom.

Tâm buột miệng:

- Có lẽ ngưng dội bom, trực thăng của ta bay tới là dấu hiệu cho biết B.52 không trở lại.

Chờ một lát không thấy gì thêm. Tâm lên tiếng :

- Để ra ngoài một chút coi thử.

Nói xong Tâm nới lỏng cánh tay, nhìn Nhung ngờ ngợ một thoáng rồi ra ngoài. Sơn ra theo, rên nho nhỏ để chọc cười mọi người:

- Ái dà, run chi mà run vô hậu, còn cái nàng Thúy Kiều này nữa, để móng tay chi mà nhọn hoắc, ai dè bom nổ mà lại cấu vô tay mình, rát ơi là rát.

Tuy đang căng thẳng nhưng ai cũng phì cười.

Sợ mọi người ra khỏi hầm, Tâm ngăn lại :

- Đừng ai ra, để xem yên không đã.

Tiếng Tâm như ra lệnh khiến mọi người ngồi yên. Trời đang lạnh nhưng người nào cũng đổ mồ hôi, ai cũng nghĩ máy bay trực thăng bay đến, lượn vài vòng, vậy là ngưng oanh tạc.


♣ ♣ ♣

Gần một tuần trôi qua với những đợt bom như mấy ngày trước, ai cũng đã quen giờ giấc diễn tiến chiến sự ở đây, sáng và chiều phản lực quần đảo hai lần là yên, vài chiếc trực thăng bay tới như báo hiệu cho mọi người biết thôi oanh tạc, hình như các nhà quân sự cũng chia giờ giấc cho dân ăn uống ngủ nghỉ, lấy lại tinh thần.

Trời tối mau, đèn cầy được thắp lên nhưng không cho ánh sáng lọt ra ngoài. Tâm nghĩ bụng, dù tối nay có pháo kích đi nữa cũng không đáng sợ bằng bị bom dội, anh rất lo lắng nhưng không nói điều này với ai, hơi băn khoăn sao không trở về nhà lúc sáng, nhưng có lẽ B.52 sẽ không dội bom vào ban đêm, anh suy nghĩ như vậy để yên tâm.

Vì thiếu ngủ mấy ngày nay nên tất cả đều mệt mỏi, ai cũng muốn chợp mắt một tí, dù mới gần bảy giờ tối, bỗng nghe tiếng đập cửa rầm rầm ở nhà kế bên, nghe tiếng nhiều người toàn giọng Bắc. Tâm đánh thức Sơn dậy, nhưng ra dấu cho Sơn im lặng để lắng nghe. Rồi chợt nghĩ ra một điều, Tâm hỏi Bình :

- Trong nhà có chỗ nào kín để núp không Bình?

- Ai núp ?

- Nhà mình nhiều người phải núp, họ sẽ vô nhà - Tâm nói nhanh.

- Sao phải trốn vậy anh Tâm?

- Thì cứ đề phòng vậy chứ làm sao biết được, du kích vô nhà bên cạnh chứ ai dám đi giờ này - nhanh đi Bình.

Bình đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi gọi mẹ đưa chìa khoá tủ. Nhung ra khỏi hầm đưa chìa khoá cho Bình xem thử Bình mở tủ lấy gì.

Ngay khi đó, tiếng đập cửa ngay trước nhà. Tâm vội vàng lấy trong túi quần sau ra một cái ví nhỏ đưa nhanh cho Nhung, biểu giấu kỹ. Bình mở hai cánh cửa tủ. Tâm phân chia:

- Hai đứa vô ngồi trong đó nhanh lên, đóng cửa lại.

Nói xong Tâm nhào vô cửa tủ bên cạnh.

Tiếng đập cửa bên ngoài gấp hơn rồi có tiếng gọi:

- Mở cửa - mở cửa ra.

Thúy ra mở cửa, ba bộ đội vừa nam vừa nữ, một người nói lớn:

- Trong nhà có ai thanh niên thanh nữ không?

Không ai trả lời. Tiếng bên ngoài hỏi tiếp:

- Nhà có ai nữa không?

- Có - Ông Vĩnh đáp và đi nhanh ra, có tiếng hỏi tiếp:

- Nhà có ai thanh niên thanh nữ không?

- Dạ có.

- Mỗi nhà một người đúng tám giờ phải có mặt ở rạp hát bà Tùng.

- Dạ.

Nghe tiếng chân dời đi, ông Vĩnh đóng cửa đi xuống. Lại có tiếng kêu cửa ở nhà bên cạnh. Hơn mười lăm phút không nghe ồn ào bên ngoài nữa, có lẽ họ đến nhà khác xa hơn, Tâm đẩy cửa tủ bước ra. Ông Vĩnh hỏi:

- Tính sao đây cậu Tâm?

Bên kia tủ, Bình và Sơn cũng vừa nhảy ra. Tâm nói:

- Sơn và Bình đi chung cho có nhau, xem thử họ gọi mình đi làm gì.

Chần chờ một lúc, ngoài đường có tiếng gọi quen thuộc của mấy học sinh nam trong xóm :

- Bác Vĩnh ơi, nhà có ai đi họp ra đi luôn.

Tiếng gọi khiến Sơn và Bình mạnh dạng bước ra nhập bọn. Ông Vĩnh ra đóng cửa lại rồi vô trong nghe đài. Tâm đến ngồi trên divan, Nhung đang ngồi ở đó, anh bảo:

- Nhung vô nghỉ đi.

- Còn anh Tâm tính sao?

- Anh nằm đây đợi hai đứa về.

Nhung đứng dậy, định đi nằm tiếp thì chợt thấy hai cánh cửa tủ còn mở, cô sực nhớ tới chùm chìa khoá, hỏi Tâm :

- Hồi nãy ai cất chùm chìa khoá?

Tâm cố nhớ lại và trả lời:

- Anh cũng không nhớ nữa.

Nhung ngẫm nghĩ một lát, xác định lại:

- Như vậy là Bình mở tủ, không rõ nó quăng ở đâu?

Nói rồi Nhung lúi húi nhìn quanh một lượt dưới chân tủ, dưới nền nhà, xong đến bàn nước. Tâm đưa cao ngọn đèn pin, anh cũng đưa mắt tìm quanh trong vùng tranh tối tranh sáng, chợt thấy chùm chìa khoá nằm ló ra dưới khay nước, anh cầm lên đưa cho Nhung, cô đưa tay ra đỡ lấy, Tâm chợt cầm lấy bàn tay Nhung đưa lên môi.

Nhung bỡ ngỡ nhìn anh, hai đôi mắt giao nhau và chợt ngỡ ngàng trong đêm tối lặng im. Nhung từ từ rút tay lại rồi đến khoá cánh cửa tủ, Tâm nhìn theo với ánh mắt trìu mến, tim anh rung động nhẹ, suy nghĩ về tình cảm vừa chớm giữa thời điểm căng thẳng của khói lửa đạn bom, tự nhiên anh dâng lời cầu nguyện cho cả nhà được bình yên.

Gần một tiếng sau bỗng nghe mấy tiếng nổ thật lớn đâu trên phố, Tâm lắng tai nghe, một lát có tiếng chân chạy ngoài đường, tiếng người nói lao xao, rồi tiếng Bình gọi cửa. Tâm vội vàng ra mở cửa. Bình và Sơn đi nhanh vào, mặt hai người còn tái mét, hơi thở đứt quãng, kể lại việc vừa xảy ra ở nhà hát Bà Tùng.

Sơn nói:

- Nhà hát tập trung đầy người, họp một lúc thì bị pháo kích trúng ngay trên phòng họp, mọi người chạy tán loạn.

- Có ai bị gì không? – ông Vĩnh nôn nóng ngắt ngang.

- Dạ bị thương nhiều, chết mấy người tại chỗ, mấy người bị thương nằm kêu la, chị Thanh xóm mình bị thương nặng, lúc đó mạnh ai nấy chạy không ai cứu ai được. May mà bị pháo kích, không thì họ bắt đi hết rồi.

- Sao con biết ? ông Vĩnh hỏi.

- Dạ, trong buổi họp họ nói vậy, đi tải đạn và tải thương.

Ông Vĩnh nén tiếng thở ra. Thời gian còn lại cho đến sáng không ai còn có thể ngủ yên, chỉ thỉnh thoảng chợp mắt vì quá mệt mỏi.


♣ ♣ ♣

Vài ngày tiếp theo, ngày hai lần sáng và chiều, tiếng nổ từ trong đồn bắn ra, rồi tiếng pháo kích bên kia bắn tới, trúng trật chỗ nào không thể biết được, có điều vùng này gần như không dính pháo nên cả nhà bớt sợ, lo đủ cơm nước ba bữa. Chỉ khi nào nghe tiếng B.52 bay tới thì vô hầm.

Sáng nay, khi chuông chùa đổ hồi đầu tiên, ai cũng cảm thấy nhẹ người vì sắp qua ngày khác với nhiều hy vọng. Cả nhà ăn sáng vừa xong, khoảng hơn tám giờ bỗng nghe tiếng B52 rít từ xa, cả nhà lần lượt vào hết trong hầm, chỉ có Tâm còn đứng ngoài.

Chưa yên chỗ ngồi còn nghe tiếp nhiều tiếng nổ long trời, nhà cửa rung chuyển mạnh. Có tiếng đổ sập rất gần, tiếng đá cát loảng xoảng rơi tung, ngói rơi rào rào, mặt đất như bị chấn động như sắp xô hết tường vách ập xuống.

Sơn gọi - chú Tâm ơi vô cho rồi.

Lần này chính tay Nhung kéo anh xuống.

Bình buột miệng:

- Ngói nhà mình bị sụt ba ơi.

- Biết rồi.

Ông Vĩnh nói nhỏ, tất cả đều im lặng nghe tiếp. Một đợt bom khác lại tiếp tục. Bà Vĩnh niệm Phật liên tục. Nhung và Thúy cũng lâm râm niệm theo. Nhiều tiếng nổ quá dữ dội đến ù cả hai tai, biên giới của sự sống chỉ còn một sát na, cứ tưởng như trái bom đang rơi ngay trên mái nhà.

Thấy cần có sự che chở cho Nhung bên cạnh, Tâm mở vạt áo dạ phủ lên người Nhung và ôm gọn cô trong cánh tay, mặc dù hiểu rằng, chính anh cũng không bảo vệ được mạng sống của mình. Trong hiểm nguy cao độ, tự nhiên một sức mạnh truyền cảm dâng lên hoà chung vào nhịp đập của hai trái tim như muốn vỡ ra, hoà chung với đường tơ kẻ tóc của tai ương khiến hai người cảm thấy cần sự che chở, níu chặt vào nhau để thấy còn chút can đảm, một chút ấm lòng bên bờ sinh tử.

Khi phản lực bay xa, một lúc sau bỗng nghe có tiếng người la khóc thảm thiết gần trước cửa nhà. Ông Vĩnh và mấy người trong nhà đều ra ngoài xem thử có chuyện gì, nhìn lên chỉ cách ba nhà, cảnh tượng kinh hoàng khi thấy nhà của ông Hải chỉ còn đống gạch vụn, nhà bên cạnh sập nửa mái. Đến gần thấy ông Hải và người con trai lớn đang bươi trong đống gạch để tìm thi thể bà Nhàn, mẹ của ông Hải. Có cả mảnh xác đứa nhỏ không nguyên vẹn chừng tám tuổi, là cháu nội của ông Hải.

Những người còn sống sót trong nhà nói B52 dội bom xuống nhà này vì thằng cháu nhỏ đứng trên lầu đưa tay vẫy ra ngoài cánh cửa sổ khi thấy máy bay tới, Mỹ thấy vậy tưởng là du kích núp trong đó nên thả bom ngay trên nhà. Lần đầu tiên ông Vĩnh thấy tận mắt cảnh sụp đổ tan nát của chiến tranh, không còn thì giờ để nhìn thêm, ông về nhà tuyên bố phải thu dọn đồ đạc di tản khỏi nơi đây. Tâm đưa thêm ý kiến:

- Mỹ oanh tạc tan nát như thế này thì quân Giải phóng có thể rút đi, nhưng Mỹ sẽ dội bom vùng này nữa vì họ nghĩ bộ đội ở trong nhà dân, phải di tản thôi.

Khi cả nhà đùm đề gạo cơm mền chiếu và các thứ ra khỏi nhà thì thấy nhiều nhà gần đó cũng di tản về hướng dưới cầu.


♣ ♣ ♣

Bây giờ nhà Sơn trở thành chỗ tản cư cho gia đình ông Vĩnh. Ông Chánh, ba của Sơn tiếp đón rất ân cần. Nhà Sơn khá rộng, phòng khách nhìn ra mặt đường, với một tầng lầu có hai phòng ngủ, lâu nay gần như để không vì gia đình Sơn đã di tản về quê cùng hai vợ chồng người con trai ông Chánh và hai đứa cháu nội còn nhỏ. Mỗi ngày ông Chánh về một lần coi ngó nhà cửa rồi đi, ông nói ở dưới Hương Trà tương đối yên nên còn ở yên đó.

Sau khi sắp xếp giúp một số đồ đạc cho gia đình Nhung, Tâm và Sơn ngồi nghe ông Chánh và ông Vĩnh trao đổi một số vấn đề về tình hình chiến sự. Cũng vì quá bất ngờ trước cuộc tiến công đột ngột của quân Giải phóng, hoặc không nắm bắt tình hình diễn tiến nên dân chết khá nhiều vì bom đạn cả hai bên, không ai chôn ai, chó chạy rong ăn xác người. Bà Vĩnh hú hồn, ông Vĩnh trấn an vợ hãy yên tâm , khu vực này sẽ không có bom Mỹ vì không có quân Giải phóng, chỉ sợ bộ đội pháo kích thôi, quan trọng là có căn hầm thật chắc chắn, đạn pháo không tàn phá như đạn bom. Một lúc sau ông Chánh, Tâm và Sơn chào về.

Tâm đến bên Nhung nói nhỏ:

- Anh về nghe Nhung, mai anh lên.

Trải qua nhiều giờ phút kinh hoàng từ sáng sớm đến giờ nên ai cũng nghẹn ngang cổ không thiết chi đến việc ăn uống, nhưng bà Vĩnh sợ mấy đứa nhỏ đói nên biểu Rớt nấu cơm ăn với thịt hộp cho mau, bà cứ thúc giục mọi người ăn thật nhanh lỡ có pháo kích. Ông Vĩnh biểu bà đừng có sợ quá và chỉ căn hầm khá kiên cố sau nhà bếp của ông Chánh, bà mới yên bụng.

Cả nhà vừa ăn sáng xong, chừng một lúc lại thấy Tâm đến.

Nhung tỏ ý lo ngại :

- Có yên không mà anh Tâm mới về rồi lên đây mau vậy?

Tâm nói cho Nhung yên tâm :

- Mấy ngày nay chỉ có pháo bắn đi, không sao đâu, Nhung đừng sợ.

Thúy có vẻ thán phục:

- Anh Tâm lúc nào cũng gan dạ, chuyện súng đạn mà nói như chơi.

Tâm cười:

- Anh không đi liều mạng đâu, thấy nhiều người ra đường, anh mới đi theo, ở nhà chẳng biết làm gì.

Nhung im lặng nghe, sự hiện diện của Tâm bỗng trở thành cần thiết, xa cách không còn sau những giờ phút nguy nan bên anh, cô chợt nhận ra mình đang cần có một nơi che chở như An nói. Tự nhủ, một năm rồi, sau những lời chia tay buồn bã, phải chăng Tâm đã đến đây để thay thế An, mở rộng vòng tay che chở cho cô trong những giờ phút đối mặt với đạn bom nguy hiểm. Bây giờ Tâm đang ở đây, khiến cô bớt đi sợ hãi, cũng vì sự lôi kéo của tình cảm, tự nhiên Nhung thấy xúc động, dặn dò :

- Khi nào thật yên hãy đi, lỡ có pháo đột ngột giữa đường nguy hiểm lắm.

Giọng nói Tâm thấp xuống, một chút bông đùa:

- Súng đạn tránh anh rồi Nhung không thấy sao, mạng anh lớn lắm Nhung đừng lo.

Nhung cười mỉm, trêu lại :

- Đúng rồi, vì vậy cả nhà em bình yên mấy ngày nay cũng nhờ có anh.

Vừa nói Tâm vừa nhìn Nhung với ánh mắt trìu mến :

- Tưởng Nhung không biết đùa, hóa ra ăn nói sâu sắc ghê.

Nhung nhận biết tình cảm ưu ái Tâm đang dành cho mình.

Gần trưa, bà Vĩnh biểu Rớt và Thúy ra bếp làm cơm.

Tâm nói :

- Hồi nãy đi trên đường con thấy có bán đủ thứ rau ráng, cá thịt, ở đây thấy tạm yên ổn, chưa họp chợ nhưng không thiếu thứ gì.

Bà Vĩnh vội sai Rớt đi mua thêm thức ăn, Thúy xin mẹ đi theo, ra cửa còn nghe mẹ dặn với theo có gì mua nấy để dành thêm nhiều ngày. Thúy dặn lại – chị Nhung ở nhà nấu cơm nghen.

Nhung để Tâm ngồi nói chuyện với mẹ, xuống bếp vo gạo nấu cơm. Lửa vừa nhóm đỏ, Nhung bắt nồi cơm lên bếp một lúc thì Tâm bước xuống, đứng bên bếp lửa cạnh Nhung :

- Để anh nấu cơm cho.

Nhung chỉ cười, mắt nhìn vào ngọn lửa. Tâm hơ hai tay mình vào bếp, gợi chuyện:

- Trời lạnh quá không còn muốn đi đâu nữa, có nấu thêm phần cơm cho anh không?

- Có.

- Sao Nhung có vẻ tiết kiệm lời nói?

- Tại ... không biết nói chi.

Tâm cầm một thanh củi đang cháy, khơi cao ngọn lửa, tiếp câu nói của Nhung gần như một câu hỏi :

- Có nhiều lúc không cần phải nói gì phải không Nhung? Danh từ đôi lúc chỉ là một thứ xa xỉ - Tâm ngưng nói một lát để dò xét biến chuyển trên khuôn mặt Nhung rồi tiếp, giọng thật khẽ - Có khi nào Nhung nghĩ rằng, im lặng là muốn giấu kín một điều gì đó, mà cũng có khi là một thái độ…bằng lòng?

Nhung hiểu Tâm muốn nói gì. Khác với những lời nói bông đùa trước đây, qua cử chỉ, Nhung nhận thấy Tâm khá tế nhị. Và không đợi câu trả lời, anh choàng tay qua Nhung, siết nhẹ một bên vai :

- Nhung nghĩ sao về anh?

- ……..

Chưa trả lời cho Tâm được vì Nhung đang bối rối trước câu hỏi bất ngờ, phải trả lời sao cho thỏa lòng anh.

Tâm hỏi lại :

- Có gì khó mà Nhung không trả lời anh?

Đang trong vòng tay của Tâm, Nhung nói thật lòng :

- Khó mà nhận xét ngay một người như anh… nhưng anh có tính vui vẻ mà chân thật.

Tâm nói điều vừa chợt nghĩ :

- Khó tìm ngôn ngữ, hay do lòng mình khó, anh chỉ ngại em chưa có lòng tin.

Nhung nhìn vào bếp lửa, hỏi lại :

- Chính anh đã thấy có lòng tin chưa? Chỉ mới biết nhau có mấy ngày.

Tâm quả quyết :

- Đối với anh, không nhất thiết điều đó, anh hiểu rõ những gì mình đang nghĩ và em sẽ thấy những gì anh sẽ làm với em, thời gian không phải là điều cản trở.

Như đây là lời hứa của Tâm, Nhung nghe lòng xúc động khi Tâm dồn dập:

- Nếu khó nói, anh chỉ cần ở em một cử chỉ.

Không biết vô tình hay có ý, Nhung bất giác nhìn lên mắt Tâm khi anh vừa cúi xuống, và anh đặt lên trán cô nụ hôn nóng ấm. Để giữ bình tĩnh, Nhung cầm đũa khuấy vào nồi cơm, cơm đã cạn nước, cô ra lửa xong, cùng Tâm ngồi lên tam cấp ở cửa bếp. Tâm tiếp tục câu chuyện :

- Em rụt rè lắm nghe Nhung.

- . . . . . .

- Em vẫn còn nghĩ tình cảm phải phụ thuộc vào thời gian vì mình mới quen nhau không lâu - Tâm ví von - Người phương Tây họ hôn nhau chỉ sau mấy phút, mình quen nhau còn lâu hơn họ nhiều.

- Nhưng mà chắc gì họ đã yêu nhau.

- Đành thế, nhưng vẫn có trường hợp “Mới gặp nhau mà như đã thương nhau từ kiếp nào”.

Cũng là lối nói dí dỏm nhưng thể hiện sự mẫn cảm rất khôn khéo. Và bằng ánh mắt nồng nàn trên gương mặt Nhung, Tâm hỏi vui :

- Nhung biết câu hát đó ở đâu không?

- Trong một bài thơ của ai đó.

- Không, trong cải lương chứ Nhung.

Nhung bật cười nho nhỏ, tưởng Tâm khôi hài, nhưng anh chầm chậm tiếp lời :

- Nhưng mà Nhung biết không, cải lương họ cũng lấy từ ngoài đời. Mình không thể đùa nhau trong hoàn cảnh này đâu. Mấy hôm nay, trông anh có vẻ vô tư vui cười, nhưng trong lòng vẫn băn khoăn lo lắng, thời cuộc khó lường, anh là người trong quân đội.

- Chẳng vì vậy mà anh yêu thương vội vàng?

- Em nghĩ anh như vậy sao Nhung? Thật tình, anh không phải dễ yêu bất cứ một người con gái nào, nếu vậy thì anh đã lấy vợ lâu rồi, lính tráng mà. - ngưng một lát, Tâm kéo Nhung tựa sát vào mình, giọng ôn tồn

- Em tất đã hiểu vì sao khi ngồi trong căn hầm mà anh ôm em không ngại ngùng, hình như do linh cảm nào đó, và anh cảm thấy em cũng cần sự che chở.

Nhung biết Tâm đang bày tỏ thật lòng, cô nắm nhẹ bàn tay anh. Anh yên tâm như cử chỉ đó là câu trả lời, nhìn sâu vào mắt Nhung :

- Dù mới biết nhau nhưng đã đôi lần trong tay nhau rồi phải không, chúng ta đâu còn nhỏ dại gì.

Tâm không nói gì thêm, sự im lặng nói lên tất cả.

Dư âm lời nói Tâm như có sợi dây vô hình buộc chặt hai trái tim. Trong phút giây này, Nhung quên mất An của cô rồi, và thấy không còn lời tự tình nào dễ thương hơn, cô mềm đi, nhỏ bé trong hơi ấm chiếc áo dạ đầy hơi hướng của người tình mới, ấp ủ bên vai mình.


♣ ♣ ♣

Có tiếng Rớt và Thúy về ngoài cửa, Sơn đi đâu cũng theo về, tiếng nói chuyện của Sơn và Bình rộn ràng ở nhà trên. Thúy ra bếp, nghe mùi khét, gọi to :

- Chị Nhung ơi cơm khét.

Nhung cười nhìn em:

- Anh Tâm giành nấu đó Thúy.

- Để anh ăn phần cơm cháy cho - Tâm đứng lên xoa tay lên đầu Thúy.

Sơn ở nhà trên nghe ồn ào, bước xuống:

- Thúy ơi, đi chợ có chi cho Sơn ăn với, đói bụng quá trời.

- Vừa đi vừa chạy muốn hụt hơi, mua chi được mà mua.

- Uả, ai rượt mà chạy hụt hơi vậy Thúy?- Sơn đùa thêm.

- Đồ khỉ – Thúy nguýt dài.

Nhìn chị em Nhung phụ chị Rớt sửa soạn bữa ăn, Tâm chào ông bà Vĩnh xin về.

Bà Vĩnh nhăn mặt :

- Mấy đứa sắp dọn cơm rồi, sao không ăn xong rồi về.

- Ở lại ăn với mấy em cho vui - ông Vĩnh tiếp lời.

Nể lời ba mẹ Nhung, Tâm ngồi lại, nhưng anh tự nhủ mình đâu có muốn về.

Bà Vĩnh hỏi thăm:

- Nhà gần không mà thấy lên xuống hoài vậy ?

- Dạ không xa lắm, chỉ đi bộ khoảng hai mươi phút, khu vực dưới này không có bỏ bom.

- Mấy bữa nay ồn ào, chị dưới nhà có buôn bán gì được không?

- Dạ không, tình hình này còn kéo dài chưa biết lâu mau, nghe trên này tạm yên nên má con nói sẽ về nhà mua bán chút đỉnh, nhưng con chưa chịu.

- Ủa, chị còn ở đâu nữa?

- Má xuống ở với dì con dưới Hương Trà lâu nay, cả anh Chánh cũng về dưới đó, trên này cũng thấy yên nhưng để thật yên mới về.

Bà Vĩnh nói thật:

- Thật ra tôi cũng muốn xuống đó cho xa tầm một tí nhưng kẹt không có người quen. Ở đây cũng còn phập phồng.

- Dạ không sao đâu, qua tình hình mấy ngày nay, bây giờ chỉ mấy vùng xa có oanh tạc, dưới này chỉ bên mình bắn đi, trên phố lính mình đang đánh nhau để lấy lại, chạm súng nhiều ở bên kia cầu Tràng Tiền và trong Thành nội.

Nhung hỏi:

- Anh Tâm đoán thử tối nay có gì nữa không?

- Sáng giờ không có gì, tối nay cứ yên mà ngủ, không sao đâu. Không rõ dự đoán của Tâm đúng hay sai nhưng nghe anh nói vậy, ai cũng yên bụng, người nào ăn cơm cũng thấy ngon miệng.

Bữa ăn vừa xong, Tâm lấy trong túi áo ra một gói hạt dưa. Thúy hỏi:

- Hạt dưa đâu mà nhiều vậy ?

- Nhà anh còn nhiều lắm, tết giờ đâu có ai ăn, Thúy ăn đi, mai anh đem lên nữa.

Ông Vĩnh trao đổi với Tâm tin tức đài BBC.

Tâm nói rõ hơn về tình hình:

Dạ, con cũng có nghe đài, các tỉnh ở miền nam, chỉ trong vài ngày lấy lại được, như Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẳng, quân Giải phóng cố thủ ở Huế lâu ngày, tối vô nhà lùng bắt quân đội, công chức, cảnh sát, cả giáo sư, sinh viên… dẫn đi hết, nghe đâu đem đi chôn sống. Ban ngày lính Việt và lính Mỹ đánh vô thành phố, hai bên xáp trận nhưng bộ đội ẩn hiện nhiều chỗ bất ngờ, lính mình dễ bị pháo vì chưa nắm được địa bàn, do đó ban đêm phải rút lui, quân Giải phóng hoàn toàn làm chủ, lập cơ sở hoạt động trong nhà dân, tiếp tục lùng bắt.

Ông Vĩnh như hiểu ra nhiều chuyện, nói thêm:

Nghe đâu trên đường Phan Bội Châu, gần vườn hoa, một nhà bị nguyên trái bom chết hết không còn ai.

Dạ, Mỹ nghi nơi đó có bộ đội hay xuất hiện.

Nghe chuyện kinh hoàng khiến bà Vĩnh rất sợ, Nhung đi ra cửa nhìn trời, giục :

Anh Tâm về đi, sắp chiều rồi, đường vắng lắm.


♣ ♣ ♣

Hai người rời bàn ăn, lên nhà trên, Tâm nói nhỏ :

- Nhung đừng lo, có gì anh ngủ lại đây?

Nhung hơi ngạc nhiên trước câu nói của Tâm, gần như một ý định có sẵn. Đọc được ý nghĩ đó qua cái nhăn mày của Nhung, Tâm cười:

- Đây là nhà của anh Chánh, trước đây anh vẫn ở lại đây mà. Nói xong hai người đến bàn salon ngồi, tiếp tục cúp hạt dưa.

Tâm nhận xét :

- Nghe các đài đưa tin, các tỉnh đã sinh hoạt bình thường, chỉ còn có Huế là chậm, gần nửa tháng rồi, chắc không lâu nữa bộ đội sẽ rút. Tỉnh nào cũng đã lấy lại được, chẳng lẽ Huế không, nhưng phải cần thời gian.

Em nghe nói giáo sinh các tỉnh đã về trường sư phạm, chỉ còn Huế là chưa.

Anh cũng vậy, trễ lâu lắm rồi.

Tâm lại hỏi :

- Hè này ra trường, Nhung có xin được dạy ở Huế không?

- Chưa biết thế nào. Nếu đổ cao thì được chọn, nếu không thì tùy trường phân phối.

Tâm đưa ý kiến:

- Nếu được chọn, em nên về đây.

Nhung thoáng buồn :

Nhà mình ở đây thì phải về đây, nhưng mà…

Ý định này đã có từ mấy hôm nay trong suy nghĩ của Nhung, An đã ở trong nhà trên hai năm, trao gởi hết tình yêu thương đầu đời cho cô, biết bao nhiêu kỷ niệm vơi đầy khó quên, rồi nay mai cô lại xa Tâm. Như đọc được ý nghĩ trong tâm tư Nhung, Tâm nói :

- Nhưng mà sao Nhung, buồn hay vui đều do lòng mình cho dù ở đâu cũng vậy. Hơn nữa em nên nhìn vào thực tế mà sống. Nếu em thấy không vui vì một điều gì đó, thì bây giờ đã có anh, em không nên trốn tránh mình nữa.

- Nhưng nay mai anh lại đi.

Tâm đặt hai tay lên bàn, nét suy tư hiện trên khuôn mặt :

- Dù mình mới biết nhau có mấy ngày như em nói, nhưng tình cảm của anh thì em đã rõ, xa em, anh rất buồn, nhưng anh biết em sẽ nhiều ưu tư vì trước đây em đã có một người… Anh có biết một ít sự thật về tình cảm của em với An.

Nhung ngạc nhiên nhìn Tâm :

- Anh có biết về An?

- Mấy hôm nay, thấy anh có vẻ thân tình với em, Sơn có kể qua cho anh biết.

- Sơn nói gì với anh?

- Đại khái là em và An yêu nhau thời gian khá lâu nhưng vì lý do trắc trở gì đó nên đã chia tay. Sơn hay lên nhà chơi với Bình nên hiểu rõ, An đã vào quân đội.

Tâm đưa thẳng hai bàn tay lên bàn, ngửa lòng bàn tay, Nhung hiểu ý và đặt hai tay mình lên tay anh. Tâm bước nhẹ qua khỏi mặt bàn và ngồi vào chiếc ghế cạnh Nhung, ôm vai cô kéo sát vào mình, rồi nói đùa một câu mà cô cho rằng rất đáng yêu :

- Anh không thích nói chuyện với cái mặt bàn đáng ghét này, mình không cần phải đối diện nhau để mà nói chuyện phải không ?

Nhung nghe tim một thoáng rung động, cô im lặng cảm nhận luồng hơi ấm từ phía sau lưng mình, từ trái tim Tâm truyền sang thật âm áp. Lâu lắm rồi Nhung mới có lại cảm giác này, thật đằm thắm. Tâm cũng đang tận hưởng phút giây yêu thương khi đang ôm thân thể Nhung nóng ấm trong vòng tay. Anh nhắc nhở bên tai Nhung:

- Em có nhớ tối mùng năm, lúc đưa chùm chìa khoá cho em, anh biết khi đó em đã bằng lòng anh rồi.

Nhung lại thắc mắc :

- Vì sao ?

Tâm cười, nửa đùa:

- Vì nếu không thì khi hôn tay em, em đã bạt tai anh rồi.

Nhung cười thành tiếng và ngắt nhẹ vào tay Tâm :

- Tại anh… bất ngờ. Mà làm sao em dám làm chuyện đó được. Anh cứ làm như giỏi đọc hết bụng dạ người ta.

- Nghề nghiệp của anh mà Nhung. Tình cảm cũng phải dùng đến “tâm lý chiến” để thăm dò. Phải bất ngờ như thế mới có được em. Nhung tức cười :

- Anh đừng có mở lời tán tỉnh nữa. Giờ này thì anh nên về, trời tối rồi, đường chẳng còn ai.

- Tối nay anh sẽ không về, để em biết rằng anh yêu thương em chừng nào chứ không hề tán tỉnh. Anh nghĩ rằng, em về đây là thêm một dịp để mình được gần gũi nhau hơn.

- Không lẽ anh ngủ lại thật ?

- Cả một nhà để không trên đó, anh đâu có giành chỗ của em.

Tâm không quên thêm thắt câu ví von tế nhị trong lời nói, hàm chứa tính cách khêu gợi, như môi lưỡi anh có mật, khiến Nhung không thể dằn lòng. Chính lúc này Nhung rất muốn Tâm ở lại đây với mình. Nếu không vì một năm ròng trống vắng đơn lẻ, không vì người trai trẻ mới quen đầy nét quyến rũ khiến cô bị lôi cuốn thì dù trong căn hầm có chật chội mấy, cô cũng sẽ đẩy Tâm ra, không thụ động để anh phủ kín chiếc áo dạ lên người nhận sự che chở.

Nhung vừa nghĩ ra một điều an ủi, nếu tết năm nay không có những biến động như thế nầy, để rồi gặp một người lịch lãm như Tâm, một tâm hồn biết sống, biết yêu, thì nỗi thương nhớ An còn biết đến bao giờ. Bởi mới nhìn qua, với dáng dấp phong nhã, với những lời nói ân cần thăm thẳm tận đáy lòng khiến cô dễ mềm lòng.

Thấy Nhung có vẻ buồn buồn, anh hỏi nhỏ :

- Em đã muốn ngủ chưa?

- Chưa.

- Nãy giờ anh nói nhiều rồi, em nói gì đi Nhung.

Nhung cũng muốn biểu lộ một phần tình cảm của mình, để cho Tâm vui :

- Mới nhìn anh, người ta có thể nghĩ sai, nhưng sự thật thì em hiểu, anh không phải là người hời hợt, trái lại rất sâu sắc, từng trải chứ không như vẻ bên ngoài hay cợt cười, đúng không?

Tâm thú nhận:

- Em là người lột tả được tâm hồn anh, và mắt anh đã nhìn em không sai. Thật ra, anh có quen vài cô gái, nhưng chưa thấy hợp ý với ai. Tự nhiên em có một vẻ gì đó khiến anh cảm mến ngay cái nhìn đầu tiên, nhất là đôi mắt gợi nhiều suy tư - Tâm nghiêng gần, nhìn sâu vào mắt Nhung, nói tiếp - Tình yêu của anh đến như thế đó, chắc em không cho anh quá vội vàng?

- Anh có cái thước đo thật đặc biệt, lúc nào cũng cho rằng em đã hiểu hết điều này điều nọ, nhưng chắc gì đã dò xét hết được lòng dạ người ta.

- Người ta là ai hở Nhung? Nhưng mà em nên hiểu rằng, đến một lúc nào đó thì sự cân nhắc không còn cần thiết nữa. Bây giờ anh chỉ muốn nói đến tình cảm chân thành và được gần gũi bên nhau. Khi đạt được điều mong ước thì người ta thường lo sợ em à, đó là điều tầm thường nhất của mỗi con người, mà anh cũng tầm thường như mọi người thôi.

- Anh không tầm thường đâu - Nhung cười mỉm.

Giọng Tâm trầm ấm hơn:

- Cám ơn em, nhưng hình như anh vẫn còn thiếu sự tha thiết phải không Nhung?

- Không, ngược lại anh rất… thiết tha.

- Em hiểu anh như thế hở Nhung? Còn anh, anh có cách suy nghĩ riêng của mình, sự vô tư cũng gần như bản tính của anh, nhưng bên trong vẫn có những thao thức, băn khoăn, cây cỏ cũng còn ưu tư nữa là… Em thấy đó, cuộc chiến này còn kéo dài thì nó còn bao vây lấy đời sống tất cả, bấp bênh hiện tại, không biết trước tương lai, vẫn biết đó là phận làm trai khi đất nước có chiến tranh. Nhiều lúc anh thất vọng khi nghe những bài ca kêu gọi hoà bình vì thấy sao mà xa vời quá. Ý thức hệ chính trị của những nhà cầm quyền không uyên thâm, chẳng qua họ đang nắm quyền lực rồi sinh ra tham quyền, coi thường mạng sống con người.

Nhung ngắt lời Tâm:

- Nhận định của anh rất chính xác, họ gây ra không biết bao thảm cảnh chết chóc tang thương mà không biết xót xa dừng lại, cũng vì tham quyền.

Ngẫm nghĩ một lúc, anh tiếp – Cũng vì áp lực từ nhiều phía nữa, vì vậy cuộc chiến khó lòng kết thúc, nồi da xáo thịt biết bao nhiêu năm nay, mà bom đạn thì đâu có chừa một ai, trong lúc mai đây anh sẽ trở lại chiến trường. Hơn một năm đối đầu với biết bao nguy hiểm, anh đã chứng kiến bao cảnh chết chóc kinh hoàng, những người bạn anh, mới thấy đó rồi chớp mắt không còn, anh cũng nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, nhiều lúc anh cảm thấy chẳng còn gì để tin tưởng vào ngày mai.

Nhung biểu lộ sự đồng cảm:

- Anh không nói em cũng nghĩ như vậy, đa số người trong quân đội đều như thế, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, bởi vậy sau mỗi lần hành quân là họ giải trí, là để giải tỏa. Dù sao anh cũng không nên bi quan, phải hy vọng và tin tưởng.

- Cám ơn em đã chia sẻ với anh, anh bắt đầu có niềm tin từ lúc có em.

Nhung gợi vui :

- Em chỉ muốn thấy anh thật vui vẻ, anh phải như vậy dù hoàn cảnh nào.

Ý tưởng của Nhung khiến Tâm rất hài lòng, nét mặt rạng rỡ hẳn lên, và bằng cánh tay quàng qua vai ấy, anh nâng khuôn mặt Nhung lên. Hai khuôn mặt thật gần. Nhung nghiêng vội lẩn tránh, chỉ còn lại mái tóc phía sau cho anh dồn hết tình cảm bằng một nụ hôn dài trên đó.

Tâm cố nói để được lòng Nhung:

- Anh cũng muốn như thế lắm, nhưng đó là sự thật từ sâu thẳm tâm hồn anh đã phơi bày, như thế thì còn gì để anh che giấu em nữa. Nhung… chúng ta sẽ cưới nhau sau khi em ra trường.

Lời lẽ Tâm với nỗi tha thiết khiến Nhung xao xuyến tận đáy lòng, cảm thấy mình mềm yếu, toàn thân rung động trong tay anh. Không phải là niềm rung động đầy sợ hãi lúc hai người ngồi tránh bom trong căn hầm chật chội, mà là rung động của hai trái tim đang tràn ngập yêu thương. Nhung đã yêu Tâm.

Cô chưa dám nhìn thẳng thực tế này, nhưng vẫn mở hết tấm lòng để đón nhận tình yêu chân thành Tâm đang dành trọn cho mình. Anh như một thỏi nam châm mà cô hoàn toàn bị thu hút. Tâm siết chặt cô thêm một lần rồi từ từ buông nhẹ.


CHƯƠNG IX



N hung lên giường nằm cạnh Thúy, nhìn khuôn mặt em gái mà ước muốn có được một giấc ngủ vô tư yên lành như thế, bởi lòng cô đang xao động từng cơn sóng nhỏ, không thể nào Nhung không nhớ đến An trong đêm nay. Trong không khí nặng nề của đêm không yên, Nhung tự chất vấn lòng mình sau những ngày đầy biến động, sau những ngọt ngào của Tâm vừa mới rời tay. Có gì không phải với An? Hay là cô phải từ chối ân tình mới để giữ trọn lời thuỷ chung vô vọng? Cô thầm nhủ, nếu An biết sự thật này, anh chỉ xót xa chứ không buồn trách. Lâu nay cô chỉ thiếu sót một điều, là không cầu nguyện thường xuyên cho An như anh đã dặn dò trong thư. Từ đêm ba mươi đến giờ, chưa hoàn hồn sau những kinh hãi vừa trải qua, bây giờ tạm yên ổn, là cô lại nhớ đến An, với một nỗi lo sợ bất an cho An. Ở ngay trong thành phố, còn loạn lạc chết chóc thế này, huống gì phải xông pha ngoài mặt trận, tự nhiên nước mắt rưng rưng. Một năm trời rồi, An không một lá thư, không một lần trở lại.

Dòng suy nghĩ vơi dần trong không gian yên tĩnh. Dù sao đêm nay không sôi động như những đêm trước, lâu lâu chỉ nghe tiếng đề-pa từ trong đồn đưa ra, tiếp theo là những tiếng nổ rời rạc tận những vùng núi rừng xa xôi. Phải chăng đây là tiếng “Đại bác đêm đêm dội về thành phố” khiến Trịnh Công Sơn thao thức cất lên lời ca, lo sợ cho biết bao tuổi trẻ đang ngoài vùng gió mưa lửa đạn, đâu đó có một phần đời thân thiết của Nhung.

Tiếng đại bác chia cách đời nhau, tiếng đại bác chập chờn ru buồn giấc ngủ. Không là nỗi khiếp hãi như những ngày đầu xuân vừa qua, bởi chỉ là tiếng ru đêm của chiến tranh gần mười mấy năm nay đã trở thành quen thuộc, phải sống chung với tiếng bom tiếng đạn mà mọi người đều phải dự cuộc.

Thỉnh thoảng Tâm vẫn có lần ngủ lại nhà Sơn, đêm nay anh cũng nằm đây nhưng không hiểu sao lại khó ngủ. Nghĩ đến Nhung mà lòng nao nao khó tả. Nét môi hồng, không gợi tình nhưng cũng đủ làm tim anh xao xuyến, đôi mắt đẹp buồn, không khuynh thành nhưng cũng đủ cho anh bồi hồi rung động, lời nói chừng mực cử chỉ dịu dàng, đó là mẫu người mà anh mơ ước. Anh không muốn rời xa Nhung nữa, một ràng buộc khá diệu kỳ khiến anh thấy cần thiết có một mái ấm gia đình, hạnh phúc vợ chồng. Anh đã tìm ra một nửa đời mình.

Trời vừa sáng,Tâm nhẹ nhàng xuống nhà dưới, đưa mắt nhìn gương mặt của Nhung đang ngủ, tần ngần một lát rồi khẽ đẩy cửa bước ra ngoài, định bụng để xem sinh hoạt ngoài xóm hôm nay như thế nào.


♣ ♣ ♣

Ở khu vực tản cư này, một số người ra bờ sông hái rau cải, dân chài thả vội vài ba mảng lưới trên sông, rau ngò vẫn được trồng tưới, rồi cá và rau xanh được đưa vào xóm, chỉ trong chốc lát là bán hết ngay, nhờ vậy dân nghèo ở đây vẫn tìm được cách sống qua ngày. Đời sống dần dần dễ chịu hơn, quen với hoàn cảnh mới.

Khoảng gần chín giờ, khi những trận bom phía trên vừa ngưng, Tâm trở lại, khai báo với Nhung :

- Lúc sáng anh về sớm, thấy em còn ngủ. Về nhà anh ngủ được một lúc. Hồi hôm em ngủ có ngon không?

- Ngon - Nhung nói không thật lòng vì cô cũng thao thức giữa đêm.

Tâm thành thật hơn:

- Anh thao thức mãi tới khuya mới chợp mắt được một lúc.

- Hồi hôm có gì khiến anh mất ngủ?

Tâm trả lời với một nụ cười rất tình:

- Thì tại anh suy nghĩ… vẩn vơ. Bây giờ em có rãnh không, đi ra xóm chơi một tí, ngoài đường vui lắm.

- Em có nghe Bình về nói, người ta còn bán đủ các thức ăn như bình thường.

- Đúng rồi, ở đây dân tản cư nhiều lắm, họ cần mua nhiều thứ. Vì tình hình chưa rõ thế nào nên dân địa phương phải tìm cách buôn bán kiếm sống, bán nhanh nữa là khác, chỉ một lúc là hết ngay, gần đây thấy có bán chè, em ra ăn chè với anh.

Nhung do dự :

- Thôi để lúc khác. Ngày mai em có nấu chè, anh nhớ lên ăn.

- Anh muốn đi bây giờ với em cho vui, phần chè ngày mai thì cứ để ngày mai.

Nhung vẫn không chịu:

- Ra ngoài đường ngại lắm, chưa chắc gì yên đâu. Bây giờ anh nên ở lại, nấu cơm xong ăn cho vui. Hôm nay có mua được thịt gà, rau tươi.

Tâm nói thêm:

- Anh còn nghe họ nói thịt heo hạ từ dưới làng đem lên, có cả gà, vịt, trái cây nữa.

Hai người đang nói chuyện thì Minh, Bình và Sơn bước vô nhà. Ba cậu đi từ lúc trưa đến bây giờ mới trở về, hai tay xách đủ thứ đồ đạc, bao bì. Bà Vĩnh nghĩ hai anh em đi lượm đồ đạc của người ta nữa nên phàn nàn :

- Nhà mình có thiếu hụt gì mà con đi lấy đồ đạc của người ta, mẹ nói rồi, sao không biết sợ.

- Dạ không phải, chiều nay thấy hơi yên, nhiều người trở về xem lại nhà cửa, tụi con đi theo, sẵn trông coi nhà mình luôn.

Ông Vĩnh hỏi:

- Nhà mình thế nào?

- Dạ phía trước không can gì nhưng vách tường bị nứt nhiều chỗ. Nhà tắm bị một lỗ đạn pháo khoét tròn to bằng con heo.

- Cửa ngõ có bị gì không?

- Dạ không. Con vô nhà lấy thêm ít gạo và mấy thứ đem về đây.

- Tình hình trên đó thế nào?

- Khu vực trên mình không sao, nhưng chợ Đông Ba bị sập, phía bên kia cầu Trường Tiền bị nặng, dân di tản ở rất đông trong Dòng Chúa Cứu Thế, trường học, bệnh viện, nhà ga.

Bà Vĩnh nóng lòng hỏi:

- Xóm mình đã ai về chưa ?

- Họ chỉ về coi ngó nhà cửa, lấy thêm đồ đạc rồi đi chứ không ai ở lại.

Chị Rớt và Thúy dọn cơm lên, tất cả ngồi vào mâm. Ông Vĩnh và Tâm vừa đề cập đến vấn đề hiện tại trong thành phố. Ông nói đài BBC loan tin tình hình hy vọng sẽ lắng dịu, chỉ chờ bộ đội rút hết là yên, nguồn tin truyền miệng cũng thế. Dân di tản lóng ngóng muốn về nhưng chưa ai dám, chờ có tin chính xác. Ăn trưa xong, chuyện trò một lúc xong cả nhà tìm chỗ nghỉ. Khi trở dậy, Tâm ngồi nói chuyện với Nhung một đỗi lâu.

Lúc nhìn trời sắp tối, Nhung lại nói:

- Anh coi về nhà cho sớm.

- Em cứ muốn đuổi anh ?

Nhung sợ mình lỡ lời nên nói :

- Không phải vậy ... thôi tùy anh, em chỉ nhắc nhở.

Ngẩm nghĩ một lát Tâm nói:

- Thôi được rồi, anh không ở lại nhưng ngày mai em phải về nhà anh cho biết.

- Đường sá có yên không?

- Không sao đâu, em ra ngoài rồi thì biết, sinh hoạt bình thường, khá đông vui.

- Lúc nào anh cũng không sao - Nhung chưa hoàn toàn tin tưởng. Tâm cười thuyết phục :

- Có gì thì anh chịu cho.


♣ ♣ ♣

Tình hình trên phố trong mấy ngày tiếp theo tuy không còn dội bom nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chắc chắn yên ổn, quân đội Việt Nam và Mỹ đang truy quét những vùng núi đồi bên hữu ngạn, ngã Dương Xuân, Trường bia. Khó khăn nhất là trong Đại nội, bộ đội ẩn núp trong nhiều phòng ốc cung điện nên rất khó vào, nếu dội bom thì sẽ tàn phá di tích, do đó những cuộc giao tranh kéo dài cho đến hơn nửa tháng vẫn chưa phân thắng bại, nhiều nhà trong nội thành bị trúng pháo. Ai cũng hiểu là bộ đội chưa rút khỏi thành phố.

Tin đồn về số quân nhân, cảnh sát, công chức của chính quyền bị Cách mạng bắt tập trung những ngày vừa rồi vẫn không thấy trở về, vẫn tiếp tục bị lùng bắt vì nghi còn trốn núp trong từng nhà, đem ra kết tội ngụy quân ngụy quyền rồi chôn sống hàng trăm người phía bên Bãi Dâu và trường Gia Hội. Tin đồn khủng khiếp này chỉ mới nghe nhưng chưa ai chứng kiến.

Sáng hôm sau, khi qua các ngã đường để đến nhà Sơn, Tâm quan sát mọi sinh hoạt của dân, nghe tin tức chung quanh. Do đó, anh kể lại những điều đã thấy đã nghe cho ông bà Vĩnh, tình hình tạm yên, có thể về nhà được.

Đến gần Nhung, anh giục :

- Đi Nhung, ra đường một chút cho thư giản.

Không phản đối nhưng Nhung còn lo ngại:

- Anh đã thấy yên chưa ?

- Em cứ nghĩ lẩn thẩn, yên hết rồi, chợ búa đã họp đông đúc, hàng quán cũng nhiều, bọn trẻ trai gái tụm từng đám chơi đùa vui lắm.

- Vẫn cái tật ham vui? - Nhung cười tỏ vẻ đồng ý.

Thì ra, tâm hồn anh vẫn còn thích sự vui vẻ, trẻ trung. Hai người cùng đi ra khỏi nhà, qua vài con đường nhỏ,Tâm cẩn thận biểu Nhung đi sát vào hiên nhà, Nhung vẫn phập phồng, không hăng hái cho lắm.

- Mình đề phòng vậy chứ không sao, yên tâm đi, anh đã nói rồi.

Hai bên đường bày bán đủ thứ, và đúng như lời Tâm nói, nhiều nhóm trai gái trong xóm đứng tụm lại trước đường nói chuyện, bàn tán đùa giỡn vui vẻ, Nhung bị lôi cuốn theo, bước nhanh. Gần cuối con ngõ, Tâm mở vội cánh cửa nhà, đưa Nhung vào trong rồi đóng lại ngay. Hóa ra đây là nhà Tâm, không cách xa bao nhiêu, cô cứ nghĩ chỉ ra đường vài vòng cho vui thôi.

Tâm đến gần ghế salon và đẩy nhẹ Nhung ngồi xuống :

- Ở trong nhà rồi thì yên tâm, em nhát gan quá chừng.

Tuy vậy Nhung vẫn lo sợ nhìn quanh :

- Nhà anh không có hầm?

- Khu vực này không ảnh hưởng pháo, ít ai làm hầm.

Nói rồi Tâm ngồi vào chiếc ghế cạnh Nhung, với tay mở thẩu hạt dưa trên bàn. Nhung nhìn quanh căn nhà một lượt. Sau bàn Phật, có bàn thờ của ba Tâm, Nhung đoán vậy. Trên tường bên kia là bức hình mặc quân phục mũ mão nghiêm chỉnh của Tâm, có lẽ đây là bức hình anh chụp lúc ra trường ở Đà Lạt. Một phía góc tường là chiếc bàn nhỏ có nhiều sách vở của em Tâm đang học. Tâm cởi áo manto vắt lên thành ghế, vốc một nắm hạt dưa đặt vào lòng bàn tay Nhung.

Nhung lại hỏi :

- Nhà không có ai?

- Má anh đang ở dưới làng với đứa em gái anh, ngày nào Cúc cũng về coi nhà và đem cơm cho anh.

- Em gái anh ngủ dưới đó luôn? Sao anh không xuống dưới ăn cho tiện?

Tâm véo nhẹ vào cằm Nhung:

- Em không khôn ngoan chút nào hết.

Chợt hiểu, Nhung cười và bất ngờ nhìn lên, Tâm ôm ngay khuôn mặt cô, đặt môi lên trán, siết nhẹ đôi vai. Và Nhung vừa hiểu thêm một điều, đây là sự xếp đặt của Tâm mà giờ phút này cô mới hiểu ra. Mọi việc trở nên quá bất ngờ, nhưng cử chỉ ngọt ngào của Tâm khiến cô không còn tự chủ, ngả người vào đôi tay anh. Và bằng một vòng xoay của Tâm, Nhung nghe mình nhẹ hẩng, anh đang nhấc bổng cô trên tay đi vào phòng mình.

Trong phút giây nồng nàn, hơi thở anh quấn quít lên môi lên mắt, Nhung nghe thân thể mình một phút mơn man diệu vợi. Cô nhìn khuôn mặt Tâm một khắc rồi nghe anh hăm hở, vội vàng, mở ngõ mọi cảm giác trên da thịt mình. Nhung ôm vai anh và ao ước được ở mãi trong vòng tay này, không còn là Nhung thụ động, mềm yếu.

Một khoảng lặng yên khá lâu, Nhung nhìn đồng hồ và có ý muốn về. Hai người trở lại phòng khách, ăn vài cái bánh ngọt, cúp hạt dưa trong im lặng, không ai nhìn ai, chỉ còn lại cảm giác hạnh phúc ngỡ ngàng sau phút ái ân.


♣ ♣ ♣

Tâm đưa Nhung về. Không thấy Sơn, Bình, Thúy ở đâu, anh nói có lẽ cả ba người đi ra ngoài chơi rồi và nói nhỏ với Nhung - anh ra ngoài có tí việc.

Tâm đi rồi, Nhung nghe trong người uể oải không muốn làm gì, ra nhà sau thấy mẹ đang cho bé ăn bánh mì, chị Rớt đang nấu ăn sau bếp, ba Nhung đang nằm trong phòng dưới nhà, cô lên lầu nằm nghỉ trong phòng của Sơn. Suy nghĩ miên man một lúc, chợt nghĩ đến An, thấm thía câu nói : “Anh sẽ giữ cho em đến giờ phút cuối cùng đến khi lên xe hoa, dù với một người đàn ông khác”.

An thành người thua cuộc, kẻ chiến thắng là Tâm với niềm đam mê chiếm đoạt vội vàng, Tâm đã tặng cho Nhung đóa hoa tình tuyệt đẹp trước khi lên xe hoa.

Nhung rất hiểu và không trách Tâm, tất cả hình như được anh sắp đặt như một an bài số phận. Đôi mắt Nhung chợt nhòa lệ, những giọt lệ hạnh phúc đầu đời pha lẫn xót xa, bởi khi trong vòng tay tràn ngập yêu thương, với sức trai đầy tự tin của Tâm, Nhung đã no tròn cảm giác và tự cho mình quyền bị khuất phục.

Rồi cô tự chất vấn, đây có phải là tình yêu? Và nếu phải, thì cô đã yêu Tâm như thế nào? Như vậy, tình cảm đối với An là gì? Vì tình yêu đầu đời dành cho An vẫn là trọn đời trọn kiếp, tình không hiến dâng nhưng vẫn khắc sâu trong tim không thể nhạt phai. Nhung muốn dứt khoát một câu hỏi cứ mịt mù trong niềm ăn năn dù anh đã xa hơn một năm, để cô hụt hẩng trong nỗi thơ dại của mình, rồi một năm sau, cô chợt thấy mình trưởng thành trong tình cảm, già dặn cảm xúc trong lần đến nhà Tâm vừa rồi, thật tình cờ, không hề đắn đo suy tính.

Thế thì, sự thật nào sẽ chứng minh, bênh vực cho cô rằng, nỗi cắn rứt không phải tự tìm cách thoát ly tư tưởng, để trốn chạy một lỗi lầm.

Thế thì, đối với An, niềm luyến lưu thắm thiết đã là tình yêu, nhưng đối với Tâm, phút hạnh phúc nồng nàn này cũng không phải là cứu cánh, mà là những giây phút thoát bay đưa nhau tới đỉnh yêu thương. Tâm yêu Nhung và Nhung yêu Tâm, tự nhiên như cây cỏ cần hơi sương, như trái đất cần ánh sáng.

Rồi Nhung thiếp đi trong ý nghĩ, cho đến khi Tâm đến ngồi bên cạnh lúc nào không hay. Thấy giờ này Nhung còn nằm, Tâm khẻ gọi :

- Nhung, em chưa dậy ?

Nhung mở mắt nhìn Tâm không vui, Tâm tưởng Nhung có điều gì buồn trách, anh cố nhớ lại việc xảy ra lúc sáng, nhưng tự thấy đâu có gì để Nhung không bằng lòng.

- Em buồn gì anh không? - Tâm hỏi thật khẻ.

- Không, em chỉ hơi mệt.

Rồi Nhung nắm chặt bàn tay Tâm, mắt nhìn anh như muốn nói, cô không còn muốn rời xa anh nữa.

Tâm kể lại tình hình bên ngoài, tuy khá yên ổn nhưng chưa có gì chắc chắn nên chưa thấy ai yên tâm để trở về. Các tỉnh khác sinh viên học sinh đã đến trường, chỉ còn ở Huế là chưa. Tâm nói anh bị kẹt vậy cũng khá lâu.

Trong Thành nội đã tạm yên, tin tức các đài cũng nói bộ đội có phần suy yếu vì không chịu nổi nhiều trận bom oanh tạc và các trận càng của quân đội Việt - Mỹ, phải huy động lính dù thả vào Đại nội.

Có thể vài hôm nữa họ sẽ tìm đường rút hết, dân sẽ hồi cư.

Chị Rớt và Thúy dọn cơm trưa, nhóm Sơn, Bình, Minh cũng vừa về, cả nhà cùng ăn. Tâm kể lại một số tin tức vừa hỏi thăm ở ngoài, ông Vĩnh nói đài các tỉnh cũng bình luận gần như vậy, ai cũng thấy vui vẻ nhẹ người, không còn lo sợ nữa. Và đúng như vậy, vài ngày sau thấy dân tản cư ở đây lần lượt trở về. Ba mẹ Nhung cũng biểu thu dọn đồ đạc để hồi cư. Tâm và Sơn phụ xách đồ cho cả nhà, tất cả đều đi bộ, các thứ giỏ xách nhẹ nhàng, không nặng nề như lúc di tản. Về đến nhà, mẹ Nhung thở phào nhẹ nhỏm, mấy đứa em tìm chỗ ngả lưng thỏa mái. Sơn chào về nhưngTâm nán lại.

Nhung ra nhà trước ngồi với anh.

Hai người trao đổi dự tính ngày Tâm trở về đơn vị và Nhung trở lại trường. Tâm nói gì Nhung cũng gật đầu vì đọc trong mắt anh thoáng nét buồn như một lời chia tay. Nhung tự nhủ sẽ chìều theo những gì anh muốn cho anh được vui.


♣ ♣ ♣

Ngày hôm sau, Tâm dẫn người em gái lên nhà thăm ba mẹ Nhung. Nhung nói với mẹ, Cúc là em gái của Tâm, lời thăm hỏi đôi bên khá thân mật, ba mẹ Nhung nghe cởi mở trong lòng vì hiểu rằng đây là dấu hiệu Tâm đã yêu thương con gái mình. Khi ra về, Cúc nói với Nhung : Chị Nhung mai về nhà em chơi, má em muốn gặp chị.

Sáng hôm sau, Tâm lên nhà cùng đi với Nhung về nhà anh.Tình thân thiết nẩy nở rất nhanh qua vài câu chuyện. Mẹ anh kể lại một số kỷ niệm khi Tâm còn nhỏ, rồi sự thương nhớ khi Tâm đi học xa bốn năm ở Đà Lạt, nỗi lo lắng khi Tâm ra mặt trận, và cuối cùng nhắc đến tuổi của Tâm đã đến lúc nên lập gia đình. Buổi gặp gỡ để lại trong lòng Nhung nhiều ấn tượng tốt đẹp và tràn đầy niềm vui.

Hơn hai ngày hoàn toàn yên tĩnh, bộ đội đã rút hết, nhà nào cũng đã hồi cư. Nghe nói nhiều gia đình khi về đến nhà chỉ còn đống đổ nát với những hố bom đào sâu trong đất, nhiều mái đầu chít khăn tang.

Cầu Trường Tiền đã gãy, như một thương tích giữa lòng cố đô. Sau một thời gian ngắn, cả thế giới đều biết đây là biến cố Tết Mậu Thân, hàng trăm người bị trói dây thừng kéo đi chôn sống tại các vùng suối đồi Nam Đông, Phú Vang, các vùng đồi suối, có cả các vị Cha cố Linh mục. Tại thành phố Huế đã tìm thấy những hầm hố chôn người tập thể ở Bãi dâu, trường Gia Hội và những vùng bãi bồi ở làng quê, gần cửa biển, hàng ngàn xác chết được đào lên trong tiếng khóc gào đau đớn xé lòng của người thân.


♣ ♣ ♣

Vài ngày sau, chợ Đông Ba bắt đầu họp, học sinh tới trường, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Tâm mua hai vé máy bay, một vé của anh trở về đơn vị, vé của Nhung trở lại trường. Vé của Tâm sớm trước Nhung một ngày. Như vậy chỉ còn hơn một ngày nữa hai người phải xa nhau.

Tâm ngồi nói chuyện với Nhung ở nhà trên :

- Anh đã nói chuyện với má anh rồi, hè này em ra trường, chúng ta sẽ cưới.

- Hè anh có xin về được?

Tâm cười:

- Quân đội vẫn cho phép về cưới vợ, anh đã nói với em rồi mà.

Nhung hiểu ra :

- Hè em chờ anh ở nhà.

- Anh chờ em chứ không phải em chờ anh, em hơi lẩn thẩn rồi Nhung. Anh phải xin phép về trước em mấy ngày để chuẩn bị.

Nhung bật cười cho ý nghĩ giỏi tính toán của Tâm, cô cũng đùa theo:

- Anh đâu có chờ được bằng ai .

Hiểu được câu nói đầy ẩn ý của Nhung,Tâm buồn buồn :

- Em không thấy mình sắp phải xa nhau sao? Từ ngày biết nhau đến nay tính ra đã hơn nửa tháng. Em thử nghĩ xem, phải rời xa nhau như thế này làm sao không buồn không nhớ. Nếu không biết em, anh sẽ ra đi nhẹ nhàng như tết năm ngoái. Sáng mai anh đi rồi, em tính sao đây?

Nhung hơi suy nghĩ:

-Ý anh biểu tính gì đây?

Tâm nhìn sâu vào mắt Nhung:

- Chẳng lẽ không được gần gũi nhau một lần trước khi chia tay. Em muốn giả vờ hay sao Nhung ?

Nhung hiểu hết những lời Tâm nói, một thoáng vui buồn lẫn lộn, buồn vì hạnh phúc với Tâm chỉ mới sớm hôm mà sắp phải chia tay, vui vì Tâm đang ở bên cô, thúc giục, níu kéo từng giờ phút ngắn ngủi.

Tâm chở Nhung đi ăn sáng, xong vào quán cà phê, hai người như chìm trong tiếng ca Thái Thanh, Lệ Thu - “ Em tan trường về, anh theo Ngò về…”. Tâm không theo Nhung trên đường đi học về, Nhung đã là của anh rồi. Tâm buồn buồn dìu cô rời khỏi quán, chở Nhung thẳng đường về Đập đá, ngừng xe trước khách sạn Hương Giang, Nhung hiểu ý Tâm nhưng vẫn đi theo anh.


Ngồi trên sân thượng của khách sạn, Tâm gọi súp và một món ăn nhẹ. Hai người im lặng ăn, không nói nhưng cùng chung ý nghĩ. Xuôi theo dòng sông, màu xanh của lá mới ven bờ hài hòa cùng màu nước biếc. Xa xa, vài chiếc thuyền thả lưới, khung cảnh thanh bình êm ả như chưa từng xảy ra chiến cuộc. Bên Vỹ Dạ, vài đám bắp đong đưa trước gió, xanh mơn mởn dưới màu trời bát ngát. Mây trải trắng ngang tầm mắt, trôi lơ lững hứa hẹn những ngày đầy nắng ấm, nhưng cũng đầy những đổi thay, thử thách. Nhung chợt nghe lòng bâng khuâng.

Khi thức ăn đã vơi, Tâm bắt đầu lên tiếng :

- Em nghĩ xem, ăn xong mình sẽ đi đâu nữa?

Nhung có vẻ hiểu ý :

- Anh nói hôm nay mình sẽ đi đâu đó.

Tâm đẩy ghế đứng lên :

- Anh sẽ đưa em đi ngay bây giờ.

Trả tiền xong, Tâm dìu Nhung dần bước lên căn phòng trên lầu. Cửa kính khép lại, hai cánh màn nhung đỏ thẩm được Tâm kéo kín, che khuất ngoài kia. Tâm đẩy nhẹ Nhung ngồi xuống ghế, anh quỳ hai gối trên nền, hai tay ôm kín vòng eo thon tròn, ngước mắt nhìn Nhung thật lâu như để ghi sâu hình ảnh. Sau đó là im lặng, chỉ còn nghe tiếng Tâm gọi khẽ tên cô, rồi những giây phút giao hòa bay bổng, trao gởi nồng nàn như muốn níu giữ dài lâu, nhưng thời gian đâu có thuận tình.

Khi nhiệt tình trong anh dần lắng dịu, Nhung nhìn đồng hồ.

Tâm cười :

- Em đừng để ý đến chiếc đồng hồ làm gì.

- Trời sắp trưa rồi ?

Nhìn Nhung có vẻ băn khoăn, Tâm tiếp :

- Đây chính là lúc tình yêu lên tiếng chứ không phải chiếc đồng hồ lên tiếng em à. Ngày kia em mới đi lẫn mà.

Một khoảng im lặng trôi đi, Tâm chợt cảm nhận bên vai mình ướt giọt nước mắt.

- Em lại khóc? - Đừng trách anh nghe Nhung. Còn anh… đang sống trọn tình cảm mình. Chắc em cũng đọc nhiều, nên phải hiểu rằng anh không phải yêu cuồng sống vội để phải bận tâm về điều này. Lúc ở vườn địa đàng hoang sơ, Adam và Eva, hai người đó họ cũng biết dùng thân xác để trao nhau tình luyến ái, còn giờ đây, anh cho rằng đây là ân huệ của tình yêu, tạo hóa đã ban cho loài người, cho anh… cho em.

- Triết lý đó anh học ở trường Đại học nào?

- Nó không nằm trong chương trình, anh suy ngẫm từ sách vở, từ bạn bè anh, từ trải nghiệm của tuổi trẻ trước cuộc chiến hôm nay - Tâm chợt thì thầm - Nhưng mà anh nhận thấy rằng, em đã biết yêu thân thể em rồi đó.

Đôi má Nhung chợt hồng lên, nói lãng :

- Những người trong quân ngũ, cả những người bạn anh, đời sống sẽ khác hơn, liều lĩnh, vội vàng, cũng phải thôi.

Biết Nhung ám chỉ,Tâm sực cười theo :

- Nhưng mà những người bạn anh ấy à, có đứa hời hợt, có đứa sâu sắc, nhưng nhìn chung tụi nó vẫn có một trình độ hiểu biết để tự dẫn dắt đời mình, không quá gò bó nhưng cũng không buông thả - Mắt Tâm thoáng buồn - Trước khi gặp em, anh bất chấp tất cả, nhưng bây giờ lại lo lắng.

- Anh lo điều gì ?

- Chiến tranh lan tràn như thế này, có nơi nào được yên, qua những lúc vui chơi thỏa mái là bọn anh đối mặt với hiểm nguy.

- Thôi anh đừng nói nữa, em hiểu rồi - Nhung đưa tay ngăn môi Tâm - đã nói là anh không được bi quan.

- Câu này của em dù có đi đâu anh vẫn nhớ, anh sẽ không bi quan, nhưng mà phải nhớ nhau hoài, nghe em.

Nhung gật đầu. Hai khuôn mặt kề nhau, họ cùng nghe rõ từng hơi thở. Tâm cười gợi mở :

- Em sẽ sung sướng trong từng phút giây này, để cho em phải nhớ đời./.




VVM.23.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .