Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




NGƯỜI CỦA PHẬT



   

VI-SA SẨY VÀNG MƯỜI


V ợ cả ông Lý Tấn sinh hạ một bề ba cô con gái. Sau này đẻ tiếp vẫn vậy và vị chi là thành năm. Thừa hưởng thể chất và tinh thần của ông bà, cha mẹ, cô gái nào cũng xinh đẹp và giỏi giang. Các cô như bầy ong hàng ngày cần mẫn đi gom phấn hoa, đi hút nhụy hoa về làm mật ngọt, hương thơm cho cái tổ ấm. Bà Lễ Đĩnh xem chừng sốt ruột về đường con cái của con trai. Chả lẽ được phần công danh lại khuyết phần tử tức?

-Xinh đẹp và giỏi giang ấy sẽ đều mang về nhà người khác, làm sang làm giàu, hoặc có thể cả làm khó làm nghèo cho nhà người khác. Đàn bà con gái dễ hồng nhan bạc phận! Phải có đứa con trai, có thằng đàn ông nó giữ cái thể chất, cái tinh thần của nhà mình ở lại ngôi nhà này! Bà Lễ Đĩnh và các cô nói rõ như vậy! Bà và gia ổ bàn luận kiên quyết buộc Lý Tấn phải lấy vợ hai: Con nào nhà ta cũng quí. Nhưng vì sự sinh tồn của gia ổ, dòng họ, anh phải có con trai! Bà quay sang con dâu, giọng ngọt ngào và nghiêm nghị: Phúc đức tại mẫu con ạ! Chớ có nặng lòng ích kỷ! Chị phải lo phải giúp cho cái hồng đức nó nối dài. Của chồng công vợ. Nếu toại nguyện, công chị mở cửa là không nhỏ trong gia đình này...

Nhờ manh mối, bà Cả tìm cho chồng được một đám. Cụ Đĩnh trực tiếp cùng con dâu Cả sắm lễ đi cưới hỏi. Dì Hai con gái nhà nghèo, quê làng Quỳnh Bảo, không đẹp cho lắm, nhưng duyên dáng, nền nã, tính tình hiền lành, chất phác và rất chịu khó. Lấy người cốt ở cái nết cái đức! Bà cụ Đĩnh bảo: Cái đẹp không mài ra mà ăn được! Lý Tấn cũng đồng tình, không tỏ ý kén chọn. Không thuộc hạng người đam mê tửu sắc, trong thâm tâm Tấn chỉ muốn thân mẫu vui vẻ, có con nối dõi tông đường và muốn yên cửa yên nhà. Của cải do người làm ra. Con cái là phúc trời cho. Trời ban thứ gì biết thứ ấy! Cốt sao tránh sứt mẻ hai gáo một chum!

Vợ hai sinh được con trai, Lý Tấn mừng lắm. Bà Lễ Đĩnh càng mừng khôn xiết, ra vào cười nói hả hê. Để nhớ làng gốc quê vợ, Tấn đặt tên con là Quỳnh. Ông cảm thấy như được một viên ngọc quý. Viên ngọc không chỉ của mình mà còn của cả một chi ổ lớn nhà họ Lý Minh. Gia thống sẽ được cơ hồi bền vững.

Quỳnh rất giống cha, dáng tầm thước, nước da ngăm hồng, mặt vuông chữ điền, ai nom cũng bảo người thực thà phúc hậu. Quỳnh chịu khó, ham làm, bất kể việc gì nặng nhẹ. Đã làm là không ai ngăn được. Vừa đi học, Quỳnh vừa một mình chăn hai con trâu mộng. Lãng ra là cả ngày Quỳnh chạy đi mò cua bắt ốc, lươm lũ ngoài đồng. Vô tư như ngọn gió, cộng rơm. Có gì ăn nấy, nắm cơm, củ khoai sao cũng được, không hề kêu đói kêu khát. Dong trâu, mắc khoẳm cho người cày xong, hết cắt cỏ, cắt rạ lại xuống ruộng vạc bờ, cuốc góc. Cơn buồn ngủ kéo đến, chỗ nào Quỳnh cũng có thể ngả lưng, ngồi bó gối đánh xong một giấc. Có khi Quỳnh ngủ vật luôn trên bờ cỏ, trên đống rạ, luống cày phơi ải, đỉa bám vào lưng no tròn cũng không biết. Hôm nào cũng vậy, đánh bờ cuốc góc giúp người cày gọn ghẽ, tối mặt, Quỳnh mới dong trâu về. Con nào cũng bụng cỏ lặc lè, từng bước đi đủng đỉnh. Trâu vào chuồng, lại chất rơm đầy thùng cho trâu nhai qua đêm, rồi đốt trấu hun muỗi, xay thóc giã gạo đến khuya…

Một lần, bà Thủ Nhận, cô họ đi cày ngoài cánh đồng Cái Nong về. Trời tối xẩm, tiết tháng mười se lạnh. Bà đang đi chợt có tiếng trẻ con khóc âm âm đâu đó. Dừng lại nghe ngóng, bà thấy một thằng bé đội nón rách ngồi trên bờ ruộng, tay giữ chặt dây con trâu mộng lấm đầy bùn đất. Bên cạnh có một bó rạ to. Đến gần, bà giật thót, nhận ra cháu mình: Trời ôi! Thằng Quỳnh con bác Lý! Sao cháu còn ở đây? Quỳnh quệt mắt mũi khóc òa: Cháu chăn trâu đi cày. Chiều trông trâu, cháu ngủ quên… Tối quá cháu không biết lối về! Bà Thủ Nhận ôm lấy cháu: Thôi, nín đi. Đám con gái mải làm quên cả thằng bé đây mà! Cha tổ mẹ nó! Trăm con gái không bằng cái dái thằng cu! Đứng dậy, để trâu cô dắt, cháu theo cô về!... Dạ! Nhưng còn bó rạ, để cháu đội một thể... Rõ khổ! Cháu tôi chịu khó quá! Hai cô cháu đến đầu cầu Mang thì gặp Cả Toan và Hai Luyến tất tưởi đi tìm em: May quá có cô dẫn cậu về… Chúng cháu ra Cây Cóc không thấy bèn rẽ sang đồng Cái Nong… Biết ngay là cậu ngủ say trên mình trâu để trâu ăn quá trớn sang đây…

-Cha tổ các chị! Lại mải làm quên cả em! Gà vào chuồng mới nhớ đến nó chứ gì? Không có cô chắc thằng bé với trâu ngủ ngoài đồng đến sáng mai?  

***

Năm ấy. Đang mùa thu hoạch, sắp năm hết tết đến. Đầm thủy sản như một chiếc nong đầy ngập của cải bên sông. Đám gia nhân đốt đuốc làm việc suốt đêm đến sáng. Cá tôm đầy ắp thuyền mủng, rải ran khắp gò bãi.

Thấy đầm áng bề bộn, Quỳnh trốn nhà sang với anh Giáo định làm giúp tháo cống, đơm bắt, chuyển chở cá tôm. Lý Tấn đang ngoài đình chung mải lo việc làng, không biết.

Đêm xuống, Quỳnh đốt cây đuốc nhồi giẻ tẩm dầu rồi buộc hai cái nồi đất nối vào nhau đi soi cáy và móc ruốc. Cậu tranh thủ bắt những thứ này, định bụng mang về cho mẹ làm mắm cáy, còn cha có thêm món ruốc tiếp khách. Mắm cáy hạ thổ, để ngấu, chấm rau muống. Ruốc luộc lá trang, lá ổi cho săn lại, nhắm rượu, ăn sần sật, ngon trần đời. Ôi! Những chú ruốc bầu to, chân dài loẵng ngoẵng. Khi bị móc khỏi hang, chúng vươn chân bám chặt lấy cánh tay, đến tận nách. Quỳnh để mặc chúng bám nhồn nhột, một lúc mới giất ra bỏ vào giỏ rồi nhanh tắp móc con khác lên. Chả mấy chốc, hai chiếc nồi đất kéo sau lưng đã đầy chẹn cáy và ruốc…

Trên sân nhà đầm xếp chật những lồ tôm cá, cua ghẹ. Giáo cắt việc cho anh em gia nhân ngày mai người tiếp tục tháo cống, thả lưới đánh bắt, người trông nom cơm nước:

-Sớm mai, tôi với chú Vẻ chở cá vào chợ Rừng…

-Cho em đi với! Anh Vẻ ở lại trông đầm. Để em đi với anh Giáo!

-Chú chèo sao được? Giáo ngăn em.

-Được! Được mà! Xem em đây này! Quỳnh nhún người vung hai cánh tay, lên gân. Bắp tay nổi cuồn cuộn, rắn chắc: Đừng coi thường em nhá! Anh một nhịp, em hai nhịp cho mà coi! Cậu vội vã sắp thêm đôi quai chèo dự bị, luồn sẵn vào cọc chèo hai bên mạn thuyền nan: Đề phòng sóng cả nước to, đứt quai chèo là cải chèo được luôn! Giáo nhìn em tin tưởng:

-Ừ! Chú mày được đấy! Nhưng phải giữ kín, không để cậu biết đấy nhá! Gà gáy, hai anh em chèo thuyền nan chở nặng dằm tôm cá và chim về kịp chợ Rừng để bán. Hai đôi chèo xé nước ràn rạt. Thuyền lướt nhanh êm ả. Mờ sáng đến đoạn ngã ba sông Rừng. Vừa thò ra đầu Ngãnh Cốc thì gặp thủy triều lên mạnh. Trời nước mênh mông. Gió bắc trên thượng nguồn sông Vân Cừ thình lình thốc ngược xuống, hất sóng bật lên. Sóng mỗi lúc một to. Hai anh em bửa ngực ra chèo. Nhằm ngang sóng mà chém. Trên sông vắng tanh không một bóng thuyền. Bờ xa thấp thoáng trong sương khói. Con thuyền như có người vít lại đằng sau, không nhích lên được. Giáo lẩm bẩm: Câu ca các cụ nói không sai: Con ơi nhớ lấy lời cha. Nước lên gió bấc chớ qua sông Rừng! Cố lên!

Những con sóng ào ào đổ tới, dựng trắng xóa, trùm lút đầu. Giáo hét to:

-Quỳnh! Rạp người xuống! Chèo thẳng tay! Hai cái lưng cúi gập. Bốn cánh tay vươn xoải rõ dài. Bốn mái chèo chém đồng nhịp và bẩy mạnh vào những con sóng. Những cơn gió xộc tới. Sóng dựng ngược, tỏa ra, như bàn tay thủy quái trùm lên chiếc thuyền nan. Chiếc thuyền nan bất ngờ bị đánh úp. Một chiếc lá bị dấn xuống dòng xoáy, mất hút. Giáo bơi được vào bờ. Quỳnh bị kiệt sức, chìm dần. Nước chảy mạnh, trôi nhanh cuốn Quỳnh đi đâu mất. Giáo đứng trên bờ khóc gọi em, khản đặc tiếng.

Hôm ấy nhằm ngày cuối tháng Chạp âm lịch. Còn sáu ngày nữa thì Tết Nguyên đán. Quỳnh mới mười ba tuổi. Quỳnh đã thành phù du của biển. Cửa nhà đang vui cảnh làm ăn bỗng xảy ra việc Quỳnh chết đuối, chẳng khác gì một cơn bão bất ngờ bạt phá gia đình. Mất người con trai hiếm hoi, như cục vàng mười đang cầm trên tay chưa được bao lâu thì tuột rơi, Lý Tấn phát điên phát cuồng vì đau xót, tiếc thương. Ông đập đầu xuống đất, tự trách mình vì mải mê việc làng xã, vì giấc mộng làm giàu, vì chủ quan sơ đễnh, tin tưởng vào thằng cháu, mà xảy một li đi một dặm. Đây là thực hay ác mộng? Sấp một cái, mất một con người! Mất đi một đứa con trai, nộp mạng cho thủy thần!

Mất con, dì Hai vô cùng đau đớn. Dì đâm ngớ ngẩn, đổ bệnh. Người dì mất hồn, héo quắt như tàu lá chuối phải lửa. Vì nhớ con, vài ngày dì lại lên cơn thơ thẩn, ngồi một mình như cái bóng trong xó buồng. Rồi dì vột dậy chạy ra bờ sông, đi dọc triền sông, ngơ ngác nhìn xuống mặt sông. Mặt sông cồn những vòng xoáy vô vọng. Đứa con trai vừa như một cánh diều lơ lửng trên vòm trời đã đứt dây tan biến vào vòng xoáy ruột sông kia. Sinh ra trên mặt đất sao nó lại bị cướp về với sông hả ông giời ơi? Dì gọi lên hồi hồi: Quỳnh ơi… Quỳnh ơi… ơi… ời… Tiếng gọi đắm vào ngút ngát rừng bãi sú vẹt và gió sóng.

Lý Tấn gọi Hai Luyến đến bảo: Vì quá đau thương mà dì Hai các con sinh ra thế này. Bây giờ thầy cắt cử con cùng chú Ba Xâm ngày nào cũng phải theo chân dì để canh chừng. Phải trông nom dì cẩn thận con nhé?...

Trong gió rét giêng hai, dì Hai băng qua cánh đồng ra ngồi trên mỏm đá Ghềnh Cốc gọi con, nghe thật thảm thiết. Mấy ngày liền sáng đi tối về, thấp thỏm và lo sợ. Mãi sau hai chú cháu mới đưa được bà về nhà phục thuốc.

Đầm Nhà Mạc chỉ là một cuộc thử sức, một canh bạc lớn không thể ngờ. Cuộc thử sức, canh bạc lớn đó đã phải trả bằng một cái giá quá đắt! Đêm giao thừa trong ngôi nhà như một dòng sông chết lặng con nước. Năm đó coi như nhà bà Lễ Đĩnh không có Tết. Chẳng ai còn bụng dạ nào ngồi ăn Tết với vui xuân. Bà  âm thầm nằm khóc trong buồng. Hình bóng đứa cháu đích tôn cùng tiếng nói giọng cười của nó văng vẳng đâu đây. Nó lễ mễ bưng lên khay ấm trà đặt lên bàn thờ gọi cha nó đến cúng khấn. Bà ơi… Tối bà cho cháu đi xem hát chèo nhé… Mai cho cháu ra chùa với… Hình như nó gọi bà trên mái nhà? Nó lại gọi bà ngoài cầu ao… Bà vột dậy thảng thốt: Quỳnh ơi… Về ăn cơm… Quỳnh ơi…

Bà sực tỉnh vấn lại đầu tóc. Ta mà ngã là chúng nó ngã theo ngay!...

Vốn tính cương nghị và quyết đoán, nuốt nước mắt, tránh không để con cháu thấy mình nghẹn ngào, bà Lễ Đĩnh lựa mọi lời an ủi Tấn: Số nó vào nhà ta chỉ đến vậy. Nén bụng, để nó vào cửa khác! Đứa khác lại vào cửa nhà mình! Trời Phật định cả rồi. Thôi! Con gắng gỏi lên mà làm lại! Phận trai thì phải có chí! Thua keo này ta bày keo khác! Sóng cả không được ngã tay chèo!

Nhưng nỗi đau quá lớn vẫn như chiếc vồ đập dầm vập nỗi lòng. Lý Tấn mất ăn mất ngủ. Chán chường mọi thứ, ông bỏ bễ công việc làng xã, bỏ cả đầm áng đang vào cầu làm ăn như nước lên. Ông cho rằng mình là kẻ có tội với gia tiên.

Năm sau, đầm lại bị vỡ vì những cơn bão. Giáo và đám gia nhân không thể trụ nổi, đã bỏ đầm cho nước biển ra vào, cuốn trôi cơ nghiệp non nớt trên cửa sông Vân Cừ. Lý Tấn ngửa mặt nhìn trời, than thở: Thôi! Thế là hết! Nhà ta không có cơ duyên với nghiệp đầm áng, sông nước!

…....... CÒN TIẾP




VVM.23.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .