Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



BÌNH LỢI NGÀY ẤY &
NỖI ÁM ẢNH CỦA ĐỈA BÌNH LỢI



                    

Đ ịa danh Bình Lợi thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, Tp HCM. Ngày nay, đi qua vùng Bình Lợi, những phố xá sầm uất, nhà cao tầng mọc san sát, xe cộ dập dìu ít ai tưởng tượng ra cảnh Bình Lợi mùa mưa nước ngập, bùn nhơ, đĩa nhiều vô số kể cách đây hơn nửa thế kỷ.

Sáng nay, câu chuyện của cô Trâm (láng giềng của tôi) đưa tôi về với Bình Lợi của ngày xưa. Cô sinh ra và lớn lên ở Bình Lợi. Khi trưởng thành rời Bình Lợi xuất giá theo chồng đi nơi khác sinh sống. Thời gian vùn vụt như thoi đưa, nay đã bước vào tuổi tám mươi. Bà vẫn minh mẫn, vui và buổi sáng thường đi dạo vài vòng, tắm nắng và trò chuyện với chúng tôi.

Kể về Bình Lợi ngày ấy, lúc cô Trâm còn nhỏ. Khoảng vào những năm 50-60 của thế kỷ 19. Bình Lợi gần cầu Băng Ky là một vùng đất trũng. Đến mùa mưa thì ngập nước. vào khoảng tháng bảy, tháng mười. Có khi nước ngập đến nửa tháng mới rút. Nước lênh láng cả một vùng rộng lớn, mùa mưa chỉ có kê hai bộ ván ngựa chồng lên nhau ngồi trong nhà, ngày này qua ngày khác, chờ mẹ mua mì gối về ăn. Hồi đó không có mì tôm, cua như bây giờ. Món duy nhất may mà có mì gối. Bếp thì dùng củi, không có bếp ga hay bếp điện. Mà nước ngập lênh láng chỗ đâu mà nấu. Hồi đó muốn có cơm, nhà nào cũng phải tự giã gạo, sàng sảy xong rồi nấu, không có máy xay xát như ngày nay. Cô bảo: “có năm gần tết mặc được bộ đồ mới mừng ơi là mừng. Định bụng sẽ chạy đi chơi, khoe áo mới. Ai dè trận mưa ào xuống, nước ngập mệnh mông cả đường đi lối xóm. Vậy là hết đi, chỉ còn việc ngồi trên bộ ván ăn mì gối qua ngày chờ cho đến lúc nước rút”.

Mỗi lần nước ngập như vậy, sợ nhất là đĩa. Đĩa là nỗi ám ảnh của người dân Bình Lợi như cô mãi đến bây giờ ký ức vẫn chưa phai. Ngồi trên bộ ván nhìn xuống nước thấy đĩa lội đen nhung nhúc như bánh canh. Có lần cây dừa đổ sập xuống ngoài sân, sáng ra nhìn thấy đĩa bám đen kín cả cây dừa. Nhìn mà ghê. Nghe người ta nói đĩa rất khó chết, giết kiểu gì nó cũng không chết. Vậy là mấy đữa con trai trong xóm nghịch ngợm, bắt con đĩa giết bằng cách đóng đinh hai đầu giăng ra, phơi nắng cho đến khi nó khô giòn như lá khô rồi bóp vụn ra, lấy lá môn gói lại đem đi chôn. Mai đào lên xem thử nó chết chưa! Thì mèng ơi! Mở gói lá môn ra thấy toàn đĩa mén nhỏ li ty đen kịt bò nhung nhúc. Cô Trâm nói vậy là nó không chết, mỗi mảnh thân của nó lại tạo thành một con đĩa con như vậy đó. Tôi cũng từng nghe người ta nói đĩa rất khó chết. Nhưng theo Wikipedia Đỉa (tên khoa học: Hirudinea) là một phân lớp sinh vật sống dưới nước ngọt thuộc ngành Giun đốt (Annelida) cơ thể có phân đốt, hô hấp bằng mang.

Cơ thể gồm các đốt, có vách ngăn. mỗi đốt là một phần của cơ thể, có thể điều chỉnh ở một mức độ nhất định hoạt động chung của cơ thể. Đó là lý do chủ yếu cho việc khi cắt/gây tổn thương cá thể ở một số vị trí nhất định thì cá thể đỉa cũng như giun đốt có khả năng tái sinh và hình thành nên cá thể mới. Tuy nhiên, sự tái sinh này là hữu hạn, nếu làm phá vỡ cấu trúc thể xoang thì dù chỉ cắt cá thể ra làm đôi thì cá thể cũng không có khả năng tái sinh. Mặt khác, ngành Giun đốt đã xuất hiện hệ thống tuần hoàn kín, nên nó cũng sẽ không có khả năng tái sinh trong điều kiện đã phơi khô hoặc đốt cháy.

Trong dân gian có một vài tin đồn về khả năng "tái sinh vô hạn" của đỉa. Tuy nhiên, có thể giết chết đỉa bằng cách: Cắt theo chiều dọc, Bằng môi trường cồn hay nồng độ muối/ axít/ base cao, đốt cháy cháy, vôi,.. Hoặc nuôi vịt đồng để nó ăn đỉa.

Như vậy, dân gian kể đĩa khó giết và có khả năng tái sinh cũng có lý chứ không phải không. Tuy nhiên do đĩa nhiều quá nên có thể khi bạn nào đó đã phơi khô bóp vụn đĩa và gói lá môn chôn tại sao sáng đào lên lại thấy nhiều đĩa mén. Có thể là do đỉa nhiều quá, chúng đẻ trứng ở những nơi ẩm thấp, khi đào lên lại vô tình thấy một ổ trứng nào đó đã nở thành đĩa mén cũng nên.

Nhưng dù sao đĩa cũng là nỗi ám ảnh. Tôi nhớ lại vào những năm sau thập kỷ tám mươi. Hồi đó mỗi dịp hè, đoàn thanh niên huy động học sinh, sinh viên về vùng ven giúp dân gặt lúa, cấy lúa.(tương tự như phong trào mùa hè xanh bây giờ). Nhất là khi cấy lúa, lớp chúng tôi, đứa làm được, đứa không. Bất kể có biết cấy lúa hay không cũng phải ra đồng. Làm được gì thì làm. Nhưng ít ra cũng phải lội xuống ruộng, phơi nắng cùng chúng bạn hết ngày rồi về. Tôi cũng chẳng biết cấy cũng phải lội xuống chằm chằm, vọc vọc vậy. Mấy bạn cấy hái rành rẽ, thành thạo thao tác nhanh thẳng tắp mấy hàng rồi mình mới trồng vài bụi lúa. Có đứa chỉ nhìn thấy đĩa thôi là ngất xỉu. Có đứa thì cả sâu, gián, chuột đều sợ, chỉ nhìn thấy nó là rùng mình hét lên rồi bỏ chạy thục mạng. Lần ấy, có một nàng thấy con chuột đồng lấp ló trong hang bên bờ ruộng, nàng vừa la làng vừa chạy như ma đuổi. Nhưng khốn nỗi là con chuột lại chạy nhanh hơn cả nàng ra phía trước. Nàng quýnh quá té sấp nằm úp lên con chuột luôn, thế là chuột vùng vẫy, kêu chít chít lại càng khiếp hơn! Bạn bè tới lôi nàng dậy đem nàng về phòng y tế vỗ về, trấn an. Thỉnh thoảng tôi cũng bị một con đĩa bám vào chân, hết hồn. Nhưng được mấy cô chú nông phu truyền kinh nghiệm là đĩa một khi mà đã bám vào chân, da mình mà hút máu là nó bám chắc lắm (vì nó có răng), lại có chất gây tê hay sao mà mình không biết đâu, đến khi no nê nó mới nhả buông con mồi ra. Vì vậy khi đứng giữa ruộng, bị đỉa đeo, muốn rựt nó ra thì phải nhổ nước bọt ra xoa vào chỗ nó đang bám mới bắt nó ra được. Ghê ơi là ghê! Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn rờn rợn. Sau này đi miền núi dạy vài năm nghĩa vụ cũng lại gặp vắt (cùng họ với đĩa) nhưng có kích thước nhỏ hơn cũng khiếp thật. Da nó trơn, láng nhớt nhớt nhưng phải liều mà rứt nó ra. Có bạn nhìn thấy đĩa hay vắt đều hét toáng lên rồi xỉu. May mình chưa đến nỗi yếu bóng vía như nó, nếu không có ai đi cùng thì làm sao mà xử lý.

Trở lại câu chuyện đĩa Bình Lợi. Nghe cô Trâm kể vậy thì đĩa chúng tôi gặp ở miền Trung chưa nhằm nhò gì so với đĩa Bình Lợi- Sài Gòn.

Cô Trâm tiếp tục kể:

- Ngày ấy trong vùng có cô dâu nhà ấy bị đĩa chui vào trong tai, sinh con đẻ cái ở trỏng, nó ăn lên trên óc. Khó chịu quá, nhức đầu quá không chịu nổi thế là mỗi lần nấu cơm, cô dâu ấy cứ lấy cái nắp nồi cơm nóng đội lên trên đầu. Bữa cơm nào dọn lên cơm cũng bị sống (vì nấu củi mà nồi không đậy nắp). Bà mẹ chồng rình xem thì thấy cô dâu dở nắp nồi lên đội trên đầu. Bà nói con dâu hư nên bà lấy cái đùi bổ lên đầu cô dâu một phát, bể sọ thế là văng ra hàng hà sa số cơ man nào là đĩa. Tôi rùng mình bảo, bể đầu vậy thì chết mất.

-Ừ thì chết,Trước sau cũng chết vì đầu, óc cô ấy bị đĩa ăn hết rồi!

Có lẽ câu chuyện cô nghe dân gian kể để cho thấy đĩa nhiều và ám ảnh một thời như thế nào.

Con đĩa vốn là loại giun đốt ghê là thế nhưng kho họa dựa vào đặc tính của nó cũng có thể dùng trong y học để chế biến thuốc chống đông máu.

Nhưng phải qua quy trình xử lý khoa học, còn bình thường đối với dân gian vẫn là nỗi ám ảnh với chúng tôi, khi còn là các cô bé, cậu bé vừa mới rời mái trường phổ thông.

Con người của dân gian còn dựa vào nó mà làm điều ác đức, bất nhơn.

Cô Trâm kể tiếp:

- Có một bà vợ ghen ông chồng có vợ bé. Bà thuê người bắt con đỉa canh me khi bà vợ nhỏ sinh con thì bỏ con đỉa vào trong cửa mình của cô ấy. Thế là con đĩa sống ký sinh trỏng hút máu làm cô vợ nhỏ bồi bổ mấy cũng xanh xao như tàu lá mà không hiểu vì sao. Có bữa cô nói với ông chồng, hôm nay cổ thèm thịt gà. Ông chồng mua thịt gà về cho cổ. Cô Trâm bảo hình như đĩa nó thích thịt gà hay sao á nên nghe mùi thịt gà con đĩa nó bò ra khỏi cửa mình. Một phen hết hồn.Từ đó về sau cô vợ nhỏ mới khỏe, hồng hào lên.

Lại có chuyện nữa là có người lợi dụng con đĩa để làm điều thất đức với mẹ chồng. Bà mẹ chồng đã già yếu, mắt mù lòa, đang sống chung với vợ chồng anh con trai. Biết mẹ đui mù không thấy gì nên cô vợ bắt đĩa kho cho mẹ chồng ăn. Mẹ chồng già rặng đã rụng hết, thịt nghe dai dai bà nhá mum mum vài cái rồi nuốt thôi! Bữa nọ ông chồng đi làm về bất chợt thấy mẹ đang ăn cơm. Ổng hỏi bà vợ:

-Mẹ mày kho gì cho má ăn vậy?

-Bả nói: -Thì kho thịt cho má ăn.

Ông chồng vô dở nắp song lên thấy một nồi đĩa. Lập tức ông chồng li dị liền. Cũng may mà ông trời cho người chồng thấy chứ khi không lại rước ác quỷ về ngược đãi, hại mẹ- người đã sinh ra, nuôi nấng mình khôn lớn. Tội không để đâu cho hết!

Chị hàng xóm nói:

-Làm vậy thế nào cũng bị quả báo.

Cô Trâm bảo:

-Ngày nay nó báo nhãn tiền luôn chứ không đợi kiếp sau đâu. “gieo nhân nào gặp quả đó, có khi gieo gió gặp bão”.

Sài gòn ngày, 6/3/2023




VVM.23.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .