Q uê tôi biển lành, núi linh, đất thiêng. Biển lành vì vài trăm năm không hề lo bão gió. Bất cứ cơn bão hung hãn nào từ đại dương mênh mông đến đây cũng mệt nhoài. Núi đương đầu với bão tố, với giặc giã. Đất thì son sắt thủy chung với người. Chỉ cần nửa giờ đi bộ, ta như đến một vùng quê khác, một thế giới khác. Núi đất, núi đá chạy xô ra biển. Biển cũng chi chít núi đứng, núi ngồi. Sóng dào dạt ùa vào khe lạch mỗi khi triều cường. Vùng đất biển bạc rừng vàng. Nơi cụ Mạc Ngọc Liễn thân cô thế cô, không lực lượng cung cấp, tiếp viện đã trồng gieo cấy vãi và nhờ biển nhờ rừng, đắp thành chống nhau với chúa Trịnh hàng chục năm trời. Trước khi tìm thấy than, vùng đất này còn nghèo nàn thưa thớt. Người dân quê tôi lầm lũi lam lũ, một nắng hai sương, chân chỉ làm ăn và kiên cường chống giặc.
Đến thời lũ hậu sinh chúng tôi, cuộc sống chung còn vô cùng vất vả. “Sống làm phu mỏ chết bỏ gốc sim”. “Sáng ngày vác cuốc trèo non tối về mới biết mình còn sống đây”. Những câu ca mộc mạc theo suốt cuộc đời cha ông chuyền đến chúng tôi. Tuổi niên thiếu lăn lộn khắp triền núi, bãi biển, tất bật với dân chài, ăn sóng nuốt gió, hổn hển cùng sơn tràng nói băm nói bổ hoặc leo tầng hùng hục chặt cây, lội suối bươn bả vớt than trôi. Ông tôi ngày làm mỏ, đêm đi cày, hùm ngồi chực đầu bờ. Hai mắt nó như hai cái đèn ló. Người sợ, trâu sợ cứ kéo cày lang thang hết đồng này đồng khác. Hùm chập chờn đi theo nhưng sợ không dám vồ, tới sáng phải bỏ về rừng. Đêm đêm chúng tôi thường phải thức vì cầy cáo rình gà nhốt trong chuồng. Thấy động, vỗ tay vào đáy thúng bùm bụp, đập cây vào cánh cửa lạch xạch, mồm la hét để dọa chúng. Con chó nhà tôi đẻ. Chiều người ta bắt con, đêm nó buồn, dật dờ ra bờ khe, nghe “oẳng” một tiếng, không thấy đâu nữa. Sáng ra, bờ khe dày vết chân hùm. Có năm bảy ngày ba bão. Nước từ núi ập xuống. Nước từ biển tràn lên. Chúng tôi đi. Đất lùng nhùng dưới chân. Dân quê cực nhọc, hai sương một nắng, chịu kham khổ, khốn khó đủ đường để chắt chiu gây dựng, cày vỡ lập nghiệp. Năm tôi học lớp 8 (đầu cấp ba) sơ tán tận đầu hươu mõm báo, những buổi đầu ở nhờ người Sán Dìu. Nhà Sán Dìu thời ấy khác hoàn toàn với nhà Kinh. Nhà người Kinh thường trình tường, trát vách, lợp gianh. Người Sán Dìu chặt tre nứa, đập dập cả cây, róc bỏ ruột, đan vách và lợp ràng ràng (một loại dương xỉ mọc thành rừng. Người đi vào chỉ nhìn thấy vết. Ruột dùng làm dây đan túi đeo, làn xách, thít cạp thúng mủng, rá rổ. Vỏ lợp nhà). Vỏ ràng ràng rất bền, bó từng bó nhỏ, nêm chặt lại, có thể che mưa mưa nắng hàng chục năm. Chúng tôi cùng nhà nhưng nấu ăn riêng. Đến khi làng có người chết, chủ nhà lật ban thờ, mở Thọ mai gia lễ xem thủ tục để tang, kiêng cữ, chôn cất. Hỏi ra mới biết họ là người Kinh đến sinh sống từ thời Mạc. Lớn lên, tôi lại nghe những bậc tai mắt bảo quê tôi là đất tứ xứ quần cư. Trước đó chỉ lẻ tẻ vài gia đình Sán Dìu bản xứ. Đúng là quê tôi phần rất đông là người bốn phương nhưng còn những người Kinh đến ở có lai lịch rõ ràng cách đây bốn năm thế kỷ sao chả ai nhắc tới. Thấp cổ bé miệng nghe vậy, tôi chỉ im lặng cười cười, chưa biết tranh luận thế nào.
Sau này lớn lên, tôi tìm hiểu trong các sách cổ thì được biết.Từ thời lập quốc, vùng đất Quảng Ninh ngày nay nằm trong bộ Ninh Hải, sau là Lục Hải (một trong 15 bộ thời Văn Lang, Hùng Vương). Khi nhà Tần đô hộ, Quảng Ninh nằm trong Liêm châu. Sang đời Hán nằm trong quận Giao Chỉ. Đời Đường thuộc Lục châu, Ngọc Sơn.
Chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, Quảng Ninh nằm trong Chao Lương. Sang đời Lý nằm trong châu Vĩnh An thuộc trang Vân Đồn. Thời Trần, Quảng Ninh thuộc lộ Hải Đông rồi trấn Vân Đồn. Giặc Minh xâm lược, đổi trấn Vân Đồn thành An châu thuộc phủ Tây An. Nhà Lê đổi An châu thành An Bang. Năm 1578, nhà Mạc nhập thêm phủ Kinh Môn gọi là An Quảng. Năm 1802, nhà Nguyễn đổi thành châu Quảng Yên rồi thành Phủ Quảng Yên năm 1822. Đến đời Minh Mạng năm 1831 gọi là tỉnh Quảng Yên. Năm 1947, Cẩm Phả và Hồng Gai nằm trong đặc khu Quảng Hồng, Hồng Quảng và từ năm 1963 thành Quảng Ninh ngày nay.
Xa xưa, Cẩm Phả quê tôi là một xã trong tổng Hà Môn thuộc châu Tiên Yên. Đó là một nơi rộng rãi, thông thoáng (Phổ, Phả) và đẹp như gấm vóc (Cẩm) mà thành tên. Năm 1831, vua Minh Mệnh tách Cẩm Phả làm một tổng thuộc huyện Hoành Bồ. Tổng Cẩm Phả lúc đó gồm 5 phố: Hạ Lâm (sau phiên âm theo tiếng Pạc Và là Hà Lầm), Núi Trọc, Ngã Hai, Mông Dương, Vạn Hoa và 3 xã: Cẩm Phả, Đại Lộc, Quang Hanh. Sử sách còn ghi lại: Dưới đời Lê, ông Phạm Đốc Thỉ người làng Cẩm Phả, huyện Tiên Yên, châu An Bang (nay là Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đỗ đồng tiến sĩ xuất thân năm Đinh Mùi đời Lê Tương Dực niên hiệu Hồng Thuận thứ ba (1511). Con trai ông là Phạm Minh Dụ cũng đỗ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Mậu Tuất triều Đại Chính Mạc Đăng Doanh (1538). Cả hai cha con làm quan tới chức tham chính.
Năm 1884, vua Tự Đức kí hiệp ước Patơnôt công nhận sự bảo hộ của Pháp. Tổng đốc Tôn Thất Bật thay mặt triều đình nhà Nguyễn ký kết, bán vùng Đông Triều, Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả cho Pháp với giá 25 vạn đồng. Ngày 24 tháng 8 năm 1886, Ba vi vê sô pua (Bavieaupour) thành lập công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (Soci é té Francai sdes Char bon na ges du Tôn Kin) độc quyền chiếm đoạt và khai thác than vùng Hòn Gai, Cẩm Phả, Mông Dương. Thực dân Pháp cho tiến hành thăm dò khai thác than năm 1888 trên cơ sở những lò cũ của dân bản xứ là người Sán Dìu, Thanh Phán, Kinh, Tày, Hoa...
Năm 1936, Pháp lập châu Hà Tu (do chữ Hạ Thổ phát âm từ tiếng Pạc Và) gồm cả tổng Cẩm Phả và Hà Tu, tách khỏi Hoành Bồ trực thuộc tỉnh Quảng Yên. Năm 1940, Pháp bỏ châu Hà Tu, lập châu Cẩm Phả bao gồm phía đông Hoành Bồ, phần lớn huyện Ba Chẽ và đảo Cái Bầu (Kế Bào, Vân Đồn). Việc khai thác than phát triển mang rất nhiều lợi nhuận nên đến đầu những năm 50 thế kỷ 20, Pháp đặt 2 thị xã: Cẩm Phả - Cửa Ông. Cuối năm 1956, hai thị xã sáp nhập làm một, mang tên Cẩm Phả. Ngày nay Cẩm Phả là thành phố có chiều dài dài nhất đất nước: hơn 40 km với khá nhiều thị trấn: Cọc Sáu, Cửa Ông, Mông Dương. Hiện tại, Cẩm Phả rộng 48.623 ha. Phía đông giáp huyện Vân Đồn, phía tây giáp huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long, phía nam giáp thành phố Hạ Long và huyện Vân Đồn, phía bắc giáp huyện Ba Chẽ, huyện Tiên Yên. Dân số trên 195 ngàn người.
Hơn hai trăm năm trước, Cẩm Phả là một xã thuộc châu Tiên Yên. Ngày cụ tôi theo người làng ra làm than đã thành bốn vùng mang tên Cẩm Phả thuộc huyện Hoành Bồ với cách thức sinh hoạt, giao tiếp rất khác nhau. Thành nhà Mạc ở phía tây. Dải đất làng tôi trải dài ven biển, đất bằng phẳng nên mang tên Cẩm Bình. Năm tháng qua đi, le róc từ núi lấn xuống, sú vẹt từ bùn bãi tràn lên. Một vùng hỗn độn giữa Sơn tinh và Thủy tinh cây cối như rừng gọi là đầm. Đầm Róc. Dân cư lác đác, co cụm lại dăm bảy gia đình hình thành những xóm những làng. Chúng tôi nô nghịch, chạy dọc bãi luyện tập, hố đong quân thời Mạc, lòng thảnh thơi không vướng bận. Những hố hình vuông mỗi chiều hơn hai mét, giá tôi có nhảy xuống cũng chỉ tới vai (độ một mét) chung quanh không có bậc xuống lên. Đó là hố đong quân. Lính tráng đứng chật hố ấy được biên chế vào một đội. Người ta còn nói có những hố kích thước lớn hơn nhưng tôi không thấy và xem thường không muốn thấy để sự tiếc nuối đến tận bây giờ. Trên bãi luyện quân là những dải đồi thoai thoải, đất vàng bột, nắng rây từng làn bụi mỏng. Những cây trâm cô đơn, xanh mượt khắp vùng đất rộng. Chúng tôi leo trèo mòn chân đến giờ nhắm mắt lại vẫn còn hình dung được vị trí của nhiều cây. Chỗ nào trâm quả to, quả nhỏ, chỗ quả thưa, quả sai, quả ngọt, quả chát mặc dù nhà dân, nhà máy, xí nghiệp đã mọc đè lên. Những ngôi miếu nhỏ lẫn giữa các triền đồi, khe suối. Những bậc đá, đá quây xếp, đá xây, mái ngói âm dương. Miếu rộng chỉ vừa trải được chiếu đôi, cao hơn mét. Bên trong có đĩa. Đĩa đặt mấy đồng tiền đồng lỗ vuông. Một mặt bốn chữ nho, mặt kia trơn nhẵn. Vài tờ giấy màu khổ to gấp lại, xếp dưới từng chồng giấy tiền vuông vuông, mỗi chiều nhỉnh hơn chiều dài bao diêm. Bó hương dựng tựa vào góc chiếu. Đặt bên trên, phía trong đĩa là một hoặc hai con ngựa bằng nan tre, phất giấy đỏ, cài những hình trang trí cũng bằng giấy xanh vàng dán lên. Trong tường vẽ hình con hổ nhìn ra cửa miếu. Con hổ hiền lành như con mèo. Những miếu nho nhỏ như vậy rất nhiều. Cửa nhà tôi có ngôi đình gọi là Đình Động của dân Sán Dìu. Đình rộng. Trước cửa đình có hai cây đa to, xanh om, thả rễ bò lồm ngồm xuống sân. Cả năm, làng mở hội một lần. Trống gõ, kèn thổi, thanh la chập cheng inh ỏi. Bà tôi cấm không cho vào, không được tò mò, tắt mắt thứ gì vì đấy là hội của dân tộc khác. Đôi lần, tôi lẻn vào xem trộm. Sau đình còn đền. Cả hai chung một khu đất. không thấy người. Khói hương, chuối oản nghi ngút. Tôi nhấc cả đĩa, bê ra ruộng, ngắt chuối, bẻ oản ăn đến no nhưng sau đó bụng đau quằn quại. Khi biết sự việc, bà lặng lẽ kiếm cơi trầu, quả cau, chai rượu tìm sang tộc trưởng làng bên, đem về lưng chai nước bắt uống. Tôi ngủ dậy, bà răn dạy một thôi một hồi. Nào tôi hết đau, ngủ được là nhờ tộc trưởng khấn vái gì đó ở đình. Từ đấy, mỗi khi đi qua tôi chỉ dám nhòm vào. Đến giờ đình mất, tôi mới biết đình ở đây cũng chính là đền, vừa thờ cúng vừa họp làng. Trong đình rất nhiều sách. Ngoài cửa, cổng, bên trong tường dày đặc chữ nho. Chỗ viết bằng sơn đen, chỗ đắp vữa. Có chữ to dài in giữa tấm vải lớn, kéo từ trên cao xuống.
Khó kiếm được đâu như vùng đất này. Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên. Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Đất ở thế bụng rồng chầu, làm chơi ăn thật. Đạo tặc, thủy hỏa vô can. Giặc giã, lụt bão và hạn hán không làm gì được. Chính vì lẽ đó, ông tôi quyết định định cư ở đây. Nghe ông kể, tôi thủ thỉ hỏi:
- Hạn hán và lụt lội con chưa thấy nhưng bom giặc đổ đầy làng thì sao? Nếu đất không có giặc việc gì cụ Mạc Ngọc Liễn phải đắp thành chống trả hàng chục năm trời?
Ông tôi giảng giải:
- Con ạ! Con nhỏ chưa biết. Cụ Mạc Ngọc Liễn lập thành nhưng giặc có dám vào đâu. Trước khi qua đời, cụ trao quyền bính cho con, dặn con đưa quân về Cao Bằng, tâu với vua Mạc rằng: - Vận nước đã về Lê Trịnh. Xin nhà vua giữ vững Cao Bằng, củng cố lực lượng, chăm dân nuôi quân mà chờ khi có biến. Đừng bao giờ nhờ giặc ngoài, gây dựng củng cố địa vị mình. Họa may dòng họ được lợi nhưng để tội cho dân nước, cho lịch sử. Đó là lời tâm huyết của một con người quật cường, lắm hoài bão sắp nằm xuống vĩnh viễn trong cơn hoạn nạn cùng cực vì mất nước chứ đâu phải lời nói cao ngạo trong khi yến ẩm. Chả biết có phải vì lời khuyên ấy không mà suốt triều Mạc có lúc nguy như trứng để đầu gậy, lại ở gần biên giới, không triều vua nào xin nhà Minh xua quân vào phá phách đất nước. Bom đạn hôm nay do kẻ thù từ đâu lao đến ném xuống rồi vội vã chạy dài. Đất nước thành chiến trường, có riêng gì quê ta. Tôi nghe ông nói, ngẫm nghĩ suốt đời. Ngoài giặc giã, lụt bão và hạn hán chưa hề gây tai họa đáng kể ở làng quê tôi.
Khi đã lớn, tầm nhìn được rộng mở, tôi vẫn không hiểu sao con cụ Mạc Ngọc Liễn không ở lại quê tôi. Nếu ngài ở lại, quê tôi nhất định sẽ đổi khác. Ông tôi đã già, bảo tôi kiến thức còn non quá. Việc quân sự, chiến tranh liên miên phải nhờ dân. Dân cư thưa thớt lấy gì làm chỗ dựa cho quân đội. Cụ cũng biết con cụ ít tài, thiếu người tin cậy. Vận nước lại chưa đến. Cách tốt nhất phải tập trung lực lượng, cố thủ, nuôi quân dưỡng tướng, đợi thời cơ.
Bà ngoại tôi theo người làng ra làm than rồi một thân một mình chống chọi với cuộc sống vất vả, cơ cực thời đó. Mỗi khi nhớ đến quê nhà, bà phải chuẩn bị cả năm, rủ vài ba người, tối ăn cơm no, nửa đêm cuốc bộ lối tắt qua Hoành Bồ tới Quảng Yên cho kịp chuyến xe 10 giờ về Phủ Lý. Bây giờ, nhà tôi cách Quảng Yên hơn trăm cây số. Đường tắt không ai nói tới nữa. Chẳng biết bà tôi đi đứng thế nào và lòng thương nhớ quê nhà của người thời ấy ra sao.
Có khi qua những đoạn đường hiểm trở: Khe Táu, Dương Huy...bọn cướp chặt đầu người từ bao giờ, treo thành chùm ngay sát đường. Tốp người phải cúi mặt vừa đi vừa chạy. Bà tôi còn kể sự tích tường tận từng tên đất tên làng, những Đèo Bụt, Rốn Tiên, Mắt Rồng, dốc Phóng Lao, khe Hổ Đuổi...Chúng tôi nghe nhiều hiểu ít. Con cháu chúng tôi lại cho đó là huyền thoại, chờ lúc thư nhàn nói chuyện đời xưa.
Tôi chẳng biết nhiều về những ngày xa xôi ấy, chỉ dám ghi lại dăm điều mắt thấy tai nghe để thế hệ sau biết chúng tôi đã sống thế nào cho họ được những gì của ngày hôm nay mà người xưa từng ao ước.