Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh của danh họa Paul Cézanne (1839-1906)

VƯỜN HOANG



Trong mơ, tôi thường gặp những người không quen biết,
song dường như họ đều đã rất đỗi thân thuộc với tôi...

     N ửa đêm.

Trời tê lạnh.

Thị xã nhỏ nằm ven con sông miền Trung lặn dần vào màn đen thẳm thẳm của đêm sâu. Chó ông ổng cắn vặt. Lũ cú vào mùa giao hoan, rúc lên từng chặp thê thiết. Đường phố không bóng người. Gió hì hụi lùa đám lá khô nỏ, rụng lả tả dọc các con phố, hệt như trẻ con chơi trò đuổi bắt. Trong vệt ánh sáng loang lổ, nhờ nhợ của dãy đèn cao áp đứng lêu đêu ngóng trời sáng, màn đêm dường như đang cố giấu một điều bí mật nào đó.

Vào đúng thời điểm ấy, tại khu vườn hoang nằm cuối thị xã, đoạn kề ngay nhánh rẽ bắt ra đường quốc lộ mới mở, bất chợt bị khuấy động bởi những âm thanh lạ. Ba bóng người lầm lũi xuất hiện, tay cuốc tay xẻng, đạp qua cái hàng rào tre vẹo vọ, sục thẳng vào giữa khu vườn. ánh đèn pin nhất loạt loé lên, loang loáng chao một lượt khắp các gốc cây rồi cùng phân vân tụ lại nơi có cây mít gìa cỗi, đeo bám mấy trái uột èo, xám xịt. Trên thân cây còn lưu một vết sẹo dài đã lên rêu.

“Nó đây rồi! Bắt đầu đi, tụi bây!”

Một cái giọng rin rít như vòi nước bị kẹt.

Nhát cuốc mở màn, siết gió cắm phập xuống nền đất ẩm ướt. Đám cỏ dại bị đánh động, co rúm lại khiến cho lớp sương đọng nháo nhào trút cả xuống nền lá mục. Kề ngay sau đấy là một đường xẻng ngọt lịm bén vào thịt đất. Trong màn đêm tịch mịch, chỉ còn nghe sồn sột tiếng lưỡi xẻng ngoạm đất hối hả nối nhau, vật lên từng múi đất săn mềm. Tiếng người thở dốc. Tiếng cỏ ngã ràm rạp. Mùi nhựa quyện mùi sương tơ hăng nồng. Đám chuột hoang thấy động, né mình nghe ngóng giây lát rồi rủ nhau chạy rần rật, tìm chỗ ẩn náu mới.

Một miệng hố hoang hoác lộ dần, mỗi lúc một rộng. Tiếng đào đất vẫn huỳnh huỵch, miết mải trong bóng tối trễ nải buông xuống khu vườn.

“Đù mẹ. Sao chẳng có cái lõ c…gì thế này!”

Vẫn cái giọng như ống nước bị kẹt. Hai dòng đèn pin vẽ ngoằn ngoèo trong đêm rồi thận trọng chộp, dừng lại từng gốc cây trong vườn hoang. Chẳng có gì ngoài những ánh lân tinh hắt lên từ lá mục, tán lá ẩm nem nép mình trong lớp sương giăng nhè nhẹ bồng bềnh.

“Thôi , bọn mày lấp nhanh rồi phắn. Trời sáng trắng phớ đến nơi rồi. Để tao tính lại cái đã. Mẹ kiếp!”

Khi đám người lẳng lặng thu cuốc xẻng, rút khỏi khu vườn ngun ngút cỏ, cũng là lúc từng đoàn xe tải từ trong phố hối hả nối nhau chạy ra phía bờ sông đóng hàng, mở đầu cho một ngày mới tất bật.

**

Nắng sớm dần làm se nền đất dấp dính sương. Đám cỏ vừa bị đốn lúc buổi đêm nằm ngổn ngang cạnh những thớ đất mới bị lật tung, viền lá bắt đầu se lại vì kiệt nhựa. Lũ giun đất trùi trũi trườn qua các mấu đất lồi rồi dũi mình mất hút vào một khe hẹp nào đó. Khu vườn hoang trầm mặc đón một ngày mới tạnh ráo như một người già ngồi an nhiên ngắm đàn con cháu, thơ thới tận hưởng thú vui đơn sơ của tuổi xế chiều.

Hai người phụ nữ nằm dưới lòng đất. Họ là những bộ xương còn sót lại sau chiến tranh, trong tư thế khá căng thẳng, se sẽ bắt chuyện:

-Này, hôm qua cô vẫn ngủ được chứ?

-Chị cứ nói đùa. Cứ đào với xới huỳnh huỵch suốt đêm như thế, ai mà chợp được mắt. Mà em lại thuộc diện khó ngủ nữa chứ.

-Thì cô nghĩ tôi dễ ăn dễ ngủ chắc? ừ mà đêm hôm, rủ nhau ra đây, len lén lun lút đào bới thế, ắt không phải là người ngay.

-Cứ tưởng ở đây là đã được yên ổn, ai dè...

-Tôi nghi lắm. Cô cứ nghe cái khẩu khí của đám này mà xem. Họ đào hố đặt mìn hay là tìm chỗ giấu tài liệu, vũ khí? Không phải! Vậy thì là cái gì nhỉ?Theo cô...

-Thôi thôi chị ơi, bây giờ ai còn nói đến chuyện súng đạn như ngày xưa nữa. Ngần ấy năm đối với chị còn chưa đủ hay sao? Có đếm từng sợi tóc trên đầu chắc cũng chẳng đủ đo cho xuể thời gian qua của chị em mình đâu. Nói thật, chị bỏ quá cho nhé, lần đầu nhìn thấy chị, em cứ tưởng đàn ông. Khiếp, ăn với nói, chỉ rặt giọng ra lệnh. Bây giờ yên hàn rồi mà chị cứ suốt ngày vẫn ám ảnh ba cái chuyện ấy thì sống làm sao nổi. Chết là hết, người ta vẫn nói thế mà. Em thì nghĩ là họ tìm cái gì đó thực tế hơn nhiều. Kìa, chị nằm dịch vào cái cho em nhờ tí. Gớm chật chội quá! Em đau hết cả mình mẩy đây này. Chị thấy xương cốt em dạo này có rệu rạo lắm không? Chắc trông kinh lắm nhỉ. Thế này thì anh ấy...

-Này này. Cô im ngay cái giọng chảy nước ấy đi cho tôi nhờ. Cô thì không chừa được cái thói đỏng đảnh, đỏm dáng tiểu thị dân. Bây giờ là hai cái xác khô rồi, còn lo cho nhan sắc nữa à? Cái thằng Chiêu hồi, ôm chân giặc, chống đồng bào, tôi tiếc là không bắn cho nó nát sọ ra ấy chứ. Cô còn nằm đấy mà thương với tiếc nữa à?Không vì đạn của nó thì tôi có nằm cạnh cô ở đây không? Cô còn dám nhắc nó ra trước mặt tôi hay sao?

-Em van chị, em lậy chị. Chị thương em, em đội ơn chị. Bao nhiêu năm đã qua rồi. Hai chị em lạnh lẽo nơi vườn hoang này cũng bao mưa nắng rồi. Em không nương tựa vào chị thì còn biết nương tựa vào ai nữa đây...

-Tôi đã bảo rồi. Liều liệu mà quên cái thằng ấy đi

-Nhưng em yêu anh ấy. Anh ấy cũng vì bắt đắc dĩ mới phải... Thôi thì cứ coi như em mù quáng. Hơn nữa ân oán anh ấy đã trả, giờ lại nuôi con cho em...

-Thôi cô tránh ra. Tôi không muốn nói chuyện với cô nữa.

Yên lặng. Tiếng thở dài. Tiếng khóc ti tỉ như đám dế gáy đêm…

**

-Này em, sao mình không bán quách mảnh đất ấy đi? Anh thấy thằng cha trả giá vậy là hời lắm rồi đấy. Gìa néo đứt giây em ơi - Người đàn ông có cái mụn ruồi to bằng hạt đỗ đen cạnh mép, giọng the thé như vòi nước bị kẹt. Gã ngồi bệt xuống tấm thảm trải nền nhà, tay ve vuốt bắp chân trắng trẻo, mịn màng của Miên- Em còn nhớ thằng Định trố không. Vụ ấy nó làm căng, thế là mất toi nửa tỉ. Thật chẳng cái dại nào giống cái dại nào”.

-Thôi im cha cái mồm anh đi – Miên bật cười khanh khách, đoạn nhổm người lấy ly nước trên bàn – Dát như anh có mà đi buôn cứt cho chó cũng lõm. Thôi muộn rồi, liệu mà về với con gìa nhà anh đi. Tôi mệt lắm, muốn nằm nghỉ. Mà đây không phải là cái nhà trọ của anh đâu đấy.

Miên hất bàn tay đen đúa của người đàn ông vẫn nhằng nhẵng xoắn lấy vế đùi mình, đoạn nhổ toẹt ngụm nước trong mồm xuống thảm:

-Anh đừng làm cho tôi khó chịu nữa đi.

Người đàn ông vẹo vọ đứng dậy:

-Anh đang làm thủ tục li dị...

Miên cười ngặt nghẽo. Hai tay cô ôm bụng, người rung lên bần bật:

-Thật tôi không hiểu nổi lũ đàn ông các anh. Điệp khúc này, xin lỗi nhé, ghe nhàm lắm rồi. Tôi không phải là hạng tranh vợ cướp chồng. Tôi cũng không dại lấy phải thằng chồng như anh. Thôi về đi! Tôi sốt tiết quá rồi đấy. Tử tế thì tiếp tục làm ăn. Nếu không thì xéo, đường thằng nào thằng ấy đi.

Cánh cửa bị đóng sầm lại một cách tức tối. Miên tắt đèn và thất thểu đi vào giường ngủ. Cô cảm thấy người mình sắp sửa vữa ra. Các khớp xương rệu rã. Lồng ngực như bị vật gì đó đè nặng khiến cô luôn phải cố thở hắt ra một cách khó nhọc.

Đã hàng tháng trời nay, cứ đến tối, hai mắt Miên lại cay xè, không tài nào ngủ nổi. Căn bệnh mất ngủ bám riết lấy cô, khiến cho Miên trở nên mệt mỏi và thường xuyên cáu gắt. Nhiều lúc Miên không đủ can đảm nhìn mình trong gương: Một con đàn bà với nụ cười ngoặc đơn ngoặc kép. Đôi mắt đỏ ngầu, phồng rộp vì thiếu ngủ. Gò má ngày một sạm lại mà son phấn không tài nào lấp kín. Mọi ham muốn bị đóng băng.

...Có lẽ mọi chuyện bắt đầu từ việc con bé tan học, đi về qua ngã tư bị xe máy chẹt phải. Cái đầu nó đập trúng phải gờ xi măng của giải phân cách. Máu phọt ra, sùi bọt làm sẫm cả đám nhựa mặt đường. Nó nằm thượt như một cái lá úa đậu lẻ loi giữa lòng đường cuồn cuộn xe cộ, bụi bặm.

Trong thâm tâm, cô căm ghét sự hiện diện của nó, bởi đó là bằng chứng cho nỗi ô nhục của cô. Nhưng kể từ khi nó chết, cô có cảm giác dường như mình vừa vô tình đánh mất một điều gì đó hết sức thiêng liêng. Đôi lúc Miên trở nên đờ đẫn: cô không biết mình cần gì và muốn gì. Đám người giúp việc cho cô khi ấy thường phải đón nhận những cơn thịnh nộ vô cớ và hết sức tai quái. Miên mệt mỏi, bất lực với chính mình.

...Cơn ác mộng trong nhà kho của trạm muối kề ngay với cảng sông vẫn đeo đẳng Miên suốt chục năm qua. Gã đàn ông có mùi tanh của cá và hàng ria cứng như thép, sau khi giáng cho cô một cái tát nảy lửa, đã ghì siết lấy cơ thể mềm nhũn của cô. Cả người Miên như bị một thanh sắt nóng bỏng xuyên thẳng từ đỉnh đầu xuống gót chân. Những mạch máu rần rạt chảy trong cơ thể cô muốn bật tung khỏi lớp da mỏng manh, chảy tràn trên da thịt để xoá sạch những nhơ bẩn. Miên hận mình không thể chết ngay đi được...

Hai tháng sau, cô vật vã với những cơn nôn khan. Hai đầu vú thâm lại, cương cứng. Cơ thể cô bải hoải như người dở ốm. Hạt máu nhơ nhuốc lặng lẽ lớn dần. Khi Miên ý thức được một cách đầy đủ về mầm hoạ trong cơ thể mình thì cũng là lúc bệnh viện từ chối cô. Cái thai đã quá lớn.

Lén lút sinh nở trong một ngôi nhà ở ngoại ô rồi hối hả ấn vào tay một đôi vợ chồng gìa hiếm muộn, Miên thấy mình đã được giải thoát. Cô chỉ xin lại nhau thai của con bé và lén chôn vào một khu vườn hoang cạnh đường ra cảng với lời cầu khấn: đó sẽ trở thành một lá bùa có đủ sức mạnh để trả thù gã đàn ông có mùi tanh của cá xuất hiện trong đêm định mệnh của đời cô. Bởi Miên biết y làm việc quanh quất đâu đó trong khu vực cảng sông. Chỉ tiếc cô không biết mặt kẻ khốn nạn đó.

Y có bị trừng phạt hay không, cô không chắc, nhưng bản thân Miên luôn bị ám ảnh bởi quá khứ. Cơn ác mộng về thể xác sau kỳ sinh nở và nỗi ghê sợ đàn ông đã ăn vào tiềm thức cô, không tài nào gột rửa được. Cũng kể từ đó, cuộc sống của Miên có nhiều thay đổi. Từ một cô gái chân chỉ hiền lành, Miên biến thành một kẻ băm bổ, bặm trợn. “Mình không ăn thịt đứa khác thì cũng có đứa ăn thịt mình. Vì vậy cần phải trở thành người có Sức mạnh!Sức mạnh ấy chính là tiền.” Cô bắt mánh với đứa bạn thời phổ thông, bỏ nghề dệt len, chuyển sang kinh doanh bất động sản. Miên học nghề khá nhanh và sớm trở thành người có đẳng cấp, không chỉ trong phạm vi thị xã ven sông nhỏ hẹp này. Tuy nhiên cô vẫn ở lại đây như duyên nợ. Sau khi con bạn theo chồng sang Nga, cô tiếp quản toàn bộ đường dây, thâu tóm quyền lực và đứng ở vị trí bà chủ cùng với nhiều hận thù chôn sâu trong lòng.

Nhiều lúc Miên bật cười cho cái quá khứ mà cô chấp nhận một cuộc sống quá đỗi lành hiền, yên phận. Thực ra nếu không tại ông trời cố công đùa cợt với cô thì liệu Miên có phải Miên của ngày hôm nay không? Cô không biết nên buồn hay nên vui nữa.

Dù đã cố tránh nhưng thi thoảng trên đường, Miên vẫn gặp nó như một trò đùa dai của số phận. Nó giống cô lạ lùng. Điều ấy càng khiến cho Miên thêm hằn thù đứa trẻ. Nó hiện diện trên đời như để bắt cô phải nhớ lại nỗi tủi hổ của mình, để chường cho thiên hạ thấy cô là người mẹ tồi tệ như thế nào. Bởi vậy dù đã đẩy nó ra xa khỏi cuộc sống của bản thân, cô vẫn thầm mong nó sẽ tự nhiên biến mất. Điều ấy rốt cuộc đã thành sự thật. Vậy mà kỳ lạ thay, Miên cũng chẳng thanh thản hơn...

Đôi lúc phóng xe qua khu đất hoang, Miên lại thoáng tần ngần. Lâu lắm khu vườn hoang chẳng có ai đến ở nên cô nghiễm nhiên coi đó là tài sản của mình. Những khu đất hoang trong thị xã nghèo nàn, lạc hậu này không phải là hiếm, trong khi đó - một kẻ sành sỏi trong kinh doanh bất động sản như cô có thừa mưu để kiếm chác.Thiên hạ có kẻ ngu người khôn. Thôi cứ để thằng khôn dạy thằng ngu cho trắng mắt ra! Miên tự hỉ hả với mình lắm, nhất là khi chuyện đất cát nơi này, hễ cô muốn là được . Dẫu vậy, nhưng chưa bao gìơ Miên có ý định bán đi mảnh đất có chôn nhau thai của đứa con tội nghiệp... Lá bùa hộ mạng cho cô hay để đeo đuổi trả thù kể đốn mạt nọ? Hoặc chỉ đơn giản là để Miên gợi nhớ lại con bé khi nó đã không còn xuất hiện trên cõi đời này? Miên không thể tự lý giải những xúc cảm rối loạn ấy...

**

Buổi chiều trở nên huyên náo trong tiếng còi ô tô rời cảng. Lớp bụi cát vẩn lên trong không khí, la đà bay tận vào khu vườn hoang, làm dầy lên mầu đất bám trên từng gân lá.

-Em thấy tức thở quá. Thôi mà chị ơi, cả ngày hôm nay chị đã chẳng nói với em câu nào rồi. Em không chịu được. Sao không quên những chuyện xa xưa ấy đi hả chị.

- Tôi hỏi cô, cô đã từng chứng kiến cảnh chôn bè bạn, người thân yêu trong đêm mưa tầm tã, đất xúc đi đến đây, nước ứ đầy lên đến đó hay chưa? Chưa hả? Vậy mà vẫn phải cố ấn cái xác xuống, Xác lại chồi lên.Máu , bọt sủi kêu ùng ục. Lấp đất lại cho kịp trời sáng mà nước mắt như mưa, mặn miệng trong mưa. Lại lắp bắp như cầu kinh: “Bình ơi, tha lỗi cho chúng em nhé”. Thế này thì bằng dìm chết bạn mình, bắt người ta chết đau chết đớn thêm lần thứ hai à? Cô biết vì sao lại có cảnh ấy không? Thằng chồng cô đấy. Nó đứng như con cú vọ rình mồi qua khe cửa, một cái chớp mắt, thế là xong một người từng là đồng chí, ân nhân cưu mang nó nó. Hận thù này, liệu có thế quên được hay không, cô nói đi!

-Nhưng anh ấy đã phải trả giá. Chị vẫn chưa bằng lòng hay sao?

-Trả giá! Cô nói thực đơn giản. Tôi, và cả những người bị đồ súc sinh ấy bán rẻ, bây giờ dù phải nằm sâu dưới ba tầng đất cũng sao dề quên nỗi đau mới ngày hôm qua? Chúng tôi sẽ không cho nó yên.. Cô cứ chờ đấy.

-Anh ấy đang nuôi các con em, đang làm lại cuộc đời. Nhiều người vì lý do này hay lý do khác đã mắc sai lầm. Bây giờ, quá khứ anh ấy chôn chặt rồi, ba bố con quần quật làm nuôi nhau, lương thiện. Lẽ nào chị không động lòng hay sao hả chị?

Đêm lại yên tĩnh. Tiếng dế rúc. Tiếng côn trùng như hát. Một lát lại có tiếng sin sít:

-Thôi, cô đừng cầu xin cho thằng ấy nữa. Cũng đừng khóc lóc nữa. Tôi chán nghe cái điệp khúc ấy rồi. Tôi quyết không quên đâu.

-Em... xin....em ...khó thở quá... em...

Một bộ xương phát ra tiếng "khục". Hình như nó lại mủn gẫy một đoạn nào đó

-Kìa cô! Này...nói gì đi chứ... này.... thôi tôi sẽ tha thứ. Em ơi... Tỉnh lại đi nào...

**

Gã đàn ông có mụn ruồi to bằng hạt đỗ đen ở cạnh mép nhanh nhảu lục tìm bật lửa trong túi quần. Điếu xì gà sốt ruột đợi mồi trên khoé miệng chảy nhễu của người đàn ông trung niên ngồi đối diện bắt đầu rung lên. Chớp lửa xanh lẹt, loé sáng. Khói thuốc đậm sệt nghi ngút đi qua chóp mũi sần sùi đỏ rực vì lạnh :

-Kết quả thế nào? Chú không làm cho tôi thất vọng đấy chứ hả?

-Ấy!- Cái giọng như ống nước bị kẹt the thé rít lên - Ông anh cứ phải Hà tĩnh. Việc này không thể vội được đâu. Con ranh này rắn lắm, vẫn nhất định không chịu nhả miếng đất. Lần này nó nhất quyết không chịu hở điều gì ra với em cả. Phải dùng chiêu khác thôi sếp ạ.

-Mẹ kiếp – Người đàn ông trung niên có cái mũi sần sùi quá khổ, ghếch chân lên mặt bàn, đoạn liếc mắc sang gã mụn ruồi, cười khẩy - Dạng hai mang như chú, nó kín miệng cũng là phải. Mà lần này chú lề mề bỏ mẹ. Hay là chú định giỡn tôi đấy hẳn.

-Em đâu dám thế. Nhưng mà...

-Thôi, mẹ kiếp, câm mẹ nó mồm đi. Rót bia ra!

Gã mụn ruồi hối hả khui bia, cười bả lả:

-Đại ca nhiều cao kiến. Nhưng mà em hỏi thật, sao cứ phải là mảnh đất ấy hả đại ca?

-Không phải việc của chú thì đừng có thóc mách.

-Dạ em biết, em hiểu ạ...

-Lạ thật, mồi ngon thế mà con mụ không chịu nhả ra? Hay nó đánh hơi được điều gì rồi?

-Chắc không đâu đại ca ạ. Đường quốc lộ thì xong rồi, có ăn vào chỗ ấy đâu. Tiền đền bù lại càng không nhé. Có mỗi hoẻn đất bằng bãi phân chó nằm cuối thành phố ấy thì ai dại gì mà giây vào. Nhưng em bảo thật, nếu làm điểm tập kết nguyên vật liệu xây dựng có vẻ hơi bị được đấy ông anh ạ. Từ cảng vào đó, anh xem...

-Mẹ kiếp cái thằng này, định lên giọng dạy ai làm ăn đấy hả? Mà cái óc bã đậu của chú em cũng chỉ nghĩ được đến thế thôi đấy à? Rõ khốn nạn chưa kìa. Thôi được rồi, chú mày không có việc gì nữa thì về đi để tao còn gặp khách.

Mụn ruồi cười bả lả đứng dậy, bước qua những chai Tiger lăn lóc trên sàn nhà. Cặn bia thừa, đổ loang lổ như trẻ con làm bậy. Còn lại một mình người đàn ông trung niên ngồi trầm ngâm với điếu xì gà như thanh xúc xích cắm lệch trên mồm. Chừng mười lăm phút sau, một người đàn ông gầy nhẳng, chân đi hơi khập khiễng, đẩy cửa bước vào. Phòng ăn nghi ngút bởi một điếu xì gà nữa vừa được châm.

-Chú nói tường tận anh xem. Kẻo đầu tư nhầm thì có mà ăn cục c...

-Em tình cờ gặp thằng cha ấy ngoài chợ. Lúc đầu ngờ ngợ, không chắc lắm. Tạt vào hàng thịt chó, đả hết đĩa luộc mới ngẩn người ra: thôi chết, thằng Tạ Chiêu hồi, đích thị là nó. Hồi ấy bọn em cùng đi cải tạo với nhau. Ra tù mấy năm, em lại dính cái vụ hàng lậu, đánh chết thuế vụ thế là ngồi thêm 15 lá nữa. Khốn kiếp thật! May có ông anh giang hồ trượng nghĩa.

-Thôi được rồi, đoạn ấy chú kể nhiều lần rồi. Giờ nói kỹ về cái thằng Chiêu hồi chiêu lui ấy xem nào.

-Vâng, gớm ông anh việc gì cứ cà cuống thế! Thằng này có ông bà nội ngoại gì đấy cũng khớ lắm. Nó là cháu đít nhôm.Nhưng khi nó cải tạo ra thi các cụ hai năm mươi cả. Nghe người nhà loáng thoáng nói với nó về một cái hộp chôn trong một mảnh đất nào đó ở đầu sông cuối bãi gì gì đấy, phần cho thằng cháu yêu mất dạy. Nó ra đấy đâu là đôi lần hồi chưa biết chùi đít, sau rồi cho người ta ở nhờ nên quên phứt đi. Bây giờ thì nó lại càng quên tịt, nhưng em chỉ cần nó kể loáng thoáng đoán nhất định chỉ có ở khu vực gần cảng. Em ma cô ở đất này, ông anh lạ gì.

-Bây gìơ nó thế nào?

-Gặp em nó mừng lắm. Kể lể cuộc sống nọ kia. Nghe phát ớn. Tóm lại là muốn tìm lại mảnh đất và hứa sẽ hậu tạ nếu em giúp được nó. Con cái lớn rồi mà lại sắp cưới vợ đến nơi. Nhà ở tập thể thì chật quá. Nó móc họng biết đến bao gìơ mới mua được một mảnh đất như vậy.Mình chơi được không ông anh?

-Được rồi, chú cứ để tôi kiểm tra lại xem sao đã.

-Thôi, cứ tuỳ ông anh định đoạt. Miễn là em có hàng xịn để xài. Ông anh có mang cho em không?

-Đây, vừa vừa kẻo xốc thì tàn đời đấy.

Người đàn ông mép trễ dụi điếu xì gà vào cạnh bàn, đoạn kéo ghế đứng dậy:

-Tiền anh đã thanh toán. Chú cũng về đi là vừa đấy. Có việc anh gọi

**

Đêm.

Khu vườn lại chộn rộn bởi những tiếng cuốc xẻng.

Trăng buông tuồng vắt qua những lùm cây rậm rì. Lất phất mưa.

-Chị thức dậy rồi đấy à?

-Cái đám người này làm tôi khó chịu quá.

-Nhưng mình thì làm được gì họ kia chứ. Em nhột hết cả người rồi đây này. Tí nữa thì em đã ăn trọn một nhát xẻng rồi còn gì.

-Tôi biết rồi mà. Vậy thì mới cần thử xem chúng ta có thể làm được để đuổi cái đám quấy rối này đi chứ.. Cô hay hắt xì hơi lắm kia mà. Thử cái xem nào

Hắt xì... hắt...

-Tốt lắm. Nữa đi nào...

Đám người đang cắm cúi đào bới thốt nhiên rùng mình, mặt mũi sây xẩm. Tiếng chim lợn từ bãi tha ma gần đó vọng lại. Khí lạnh từ đất bốc lên thành hơi mong manh buốt tới thấu xương. Mưa đêm càng nặng hạt. Tất cả tạo thành một không gian thuộc âm.Cả những tiếng động của côn trùng, dế , chuột cùng như từ cõi nào vọng lên.

-Ghê quá anh Cả ơi. Hay thôi đi. Trời cũng sắp sáng rồi.

-Đù mẹ! Sao vẫn không thấy gì nhỉ. Câm cái miệng thối của chúng mày lại đi- Vẫn là giọng the thé của cái vòi nước bị kẹt - Rảo tay lên. Vàng đấy. Cố mà tìm đi. Đồ con lợn. Không phải vàng mà lão mũi sần lại sôi sùng sục lên như vậy à?

-Cô nghe thấy chưa? Họ đang đào vàng đấy. Đang tìm vàng đấy.

-Vàng á? Buồn cười thật. ở đây thì bói đâu ra vàng hả chị?

-Dễ chừng họ tưởng hai bộ xương khô của chúng ta là vàng cũng chưa biết chừng. Họ điên mất rồi.

-Người sống thường mù quáng lắm

-Ư`, người sống vừa mù quáng, vừa dề khùng điên. Họ chỉ biết có hôm nay thôi!

-Thôi chúng mày lấp nhanh lên. Có người rồi đấy – Cái giọng vòi nước bị kẹt hôm nay có vẻ hơn ngàn ngạt- Đù mẹ, đào bới cả tuần liền mà chẳng thấy bãi cứt chó nào cả thế này. Chẳng lẽ lão béo lỡm mình hay sao?

-Anh Cả bảo sao ạ? Chúng ta bị lừa à?

-Ai bảo chúng mày thế hả? Liều liệu cái mồm đấy. Làm đi!

-Ơn trời, chúng ta cũng được yên tĩnh rồi. Không biết rồi cái cảnh này còn tiếp tục đến bao gìơ nữa đây?

-Chị cứ nhìn mà xem. Chẳng còn mấy nỗi nữa là chỗ chúng ta đang nằm cũng bị lật tung lên mất thôi.

-Họ sẽ làm gì với chúng ta nhỉ?

-Em còn chiếc nhẫn cưới đeo ở tay đây này. Và họ sẽ để cho chúng ta yên. Thế còn chị?

-Tôi mới đính hôn. Đào đâu ra nhẫn. Tôi tặng anh ấy khăn tay thêu đôi chim bồ câu và bông hoa. Còn anh ấy tặng tôi chiếc lược làm từ duyra máy bay. Tôi cất trong ngực áo đây này. Cô có biết anh ấy khắc chữ gì không? “Nhớ em”. Thế là có đủ nghị lực để vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong suốt những năm tháng ấy. Chúng tôi khi ấy chỉ có thế thôi. Cô xem, nó vẫn còn sáng trắng cho đến bây giờ. Mà tình yêu thì làm sao mà chết được cơ chứ, kể cả là chiến tranh đầy rẫy những chết chóc...

-Em sợ chiến tranh. Bố mẹ em, anh trai em, em gái em đều đã chết vì chiến tranh. Em về đến nơi thì cả nhà bị đổ sập vì trúng bom. Bới gạch ra, chị ơi, em không biết đâu là mẹ, đâu là bố nữa... đành chôn chung trong một nấm mồ. Em sợ chết, sợ một lúc mình cũng là nắm xương đen sạm trong khói bom B52. Em không biết gì trận mạc. Em chỉ cần lấy được người mình yêu, trốn đến một nơi nào đó yên ổn, sống trong một ngôi nhà nhỏ, sinh con đẻ cái, thế là đủ mãn nguyện rồi. Không cần biết đến chiến tranh, không phải thấy cảnh chết chóc.

-Nếu ai mà cũng an phận như vậy; hoặc như cái thằng chồng Chiêu hồi của cô thì còn nhiều người phải khốn đốn. Quanh chỗ tôi với cô sẽ còn vô khối những nắm xương khác nữa, không biết đâu là nam hay nữ, trẻ hay già.

-Thôi em xin chị, em không khóc được nữa rồi, chị ơi...

**

Con bé lao bổ đến chỗ Miên, mặt tái dại. Nước mắt nước mũi nó chảy nhễ nhại. Cái đũng quần loang lổ những vệt mầu đo đỏ. Trời ơi, áo sống mỏng tang thế này, ngực cứ tây hây thế này để lũ đàn ông nó ăn thịt hả con. Mà sao mày không tìm đến ai khác, cứ tìm đến đây hả con.

“Mày cút đi, mày không phải là con tao. Tao không có con”

“Mẹ ơi, con sắp chết rồi”

“Mặc kệ mày. Tao không biết. Mày tránh ra. Đồ con gái thối thây. Đồ con hoang. Đồ trơ tráo”

Miên bật khóc, bỏ chạy. Càng chạy chân càng nặng như đổ chì. Con bé đã đuổi kịp cô, đổ sập xuống ngay dưới chân cô. Máu! Máu chảy ra ngày một nhiều. Mặt con bé bạc phếch, vô hồn. Miệng nó phều phào gọi Miên. Được vài ba tiếng thì Miên không còn nghe thấy nó nói gì nữa.

“ Có ai không? Ai cứu con tôi với”

Miên tuyệt vọng ôm chầm lấy con bé. Hai đầu vú cô cương nhức, sữa rỉ chảy ra, ướt đẫm áo

“Con ngoan của mẹ, bú đi con!”

Những dòng sữa trắng chuyển dần sang mầu hồng rồi mầu đỏ tươi. Toàn thân con bé rữa ra. Không, nó chỉ là một cái nhau thai tím bầm. Trời ơi, máu! Không! Đất, vùi nó đi mau! Vùi đi...

Miên bàng hoàng tỉnh dậy giữa giấc trưa nhọc nhằn. Tay cô vẫn bám chặt lấy ga giường. Mồ hôi tứa ra đầm đìa. Cô thấy cơ thể mình tự nhiên cứ rỗng dần, rỗng dần và nhẹ bỗng. Một miệng hố hoang hoác và cái xác con bé vẫn mơ hồ hiện ra trước mặt cô... Cảm thấy bất ổn, Miên thay quần áo và phóng xe lượn qua khu đất hoang, nơi chôn nhau thai của con bé. Khu vườn tanh bành những vết đào bới. Người Miên sôi lên sùng sục. Có kẻ nào đang muốn giỡn mặt cô. Cô ngoắc điện thoại gọi cho mụn ruồi.

Gã xuất hiện ngay sau khi Miên vừa nhắp được một ngụm càphê trong cái quán lá trông ra cảng sông.

-Em yêu, cần anh phục vụ gì nào? – Gã bả lả kép ghế ngồi sát sạt vào Miên. Mùi con đực trên cánh áo của mụn ruồi khiến Miên phải nhăn mặt quay đi.

-Anh biết kẻ nào muốn phá tôi chứ?

-Ai dám nghịch dại thế nào, em cưng?

-Được thôi, anh không biết cũng chẳng sao. Nhưng anh liều liệu để ý giùm tôi cái nhé.

-Cái đó em cứ vô văn tư đi. Anh xin thề phụng sự em suốt đời, người đẹp ạ.

-Rõ bẻm mép cái đồ nhà anh. Thôi uống nước đi rồi chúng ta về.

**

-Sao chị cứ bần thần ra thế. Chị khó ở hả?

-Cô có để ý người phụ nữ lúc nãy không?

-Em cũng không để ý lắm. Em đang mải lau lại cái nhẫn cưới...

-Vẫn chuyện tưởng nhớ về cái thằng lính Chiêu hồi của cô hả?

-Anh ấy đã không lấy vợ. Đã ở vậy nuôi các con em khôn lớn. Em nhớ và thương anh ấy. Giá như...

-Thôi được rồi, cô nghe đây, cô có nhớ người phụ nữ cách đây gần chục năm đã lén chôn rau thai con gái ở khu vườn này không ?

-Vậy thì sao hả chị?

-Tôi trông cô ta có vẻ đau khổ lắm

-Người phụ nữ có bao giờ hết đau khổ đâu hả chị. Chuyện tình cảm, chuyện gia đình, đủ thứ chuyện phải âu lo. Số phận may mắn thì đỡ khổ hơn.

-Tôi nghĩ do bản thân mình quyết định cả thôi. Sao lại trách số phận. Thế là thái độ vô trách nhiệm. là thiếu lập trường đấy, cô biết không?

-Chị lại cứng nhắc thế rồi. Nếu không phải số phận thì tại sao chúng ta lại chết trẻ thế trong khi người khác vẫn sống? Nếu không phải số phận thì tại sao người ta yêu nhau, có đủ quyết tâm nhưng vẫn không thể đến với nhau, sống bên nhau suốt đời?

-Nói vậy cũng không phải. Vì số phận đâu có bảo tôi: Cô phải cầm súng đi. Tự tôi thấy điều ấy là cần thiết. Tôi sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh này cơ mà. Số phận cũng đâu có bảo thằng chồng cô bán rẻ đồng bào. Nó không vững vàng trước đòn roi tra tấn, bị người ta lợi dụng thì tất thành kẻ đớn hèn như vậy. Còn tình yêu, người ta phải biết hy sinh nó vì những mục tiêu cao cả hơn chứ không thể lúc nào cũng đặt cái Tôi lên quá cao.

-Sao chị cứ khắc nghiệt như vậy hả chị?

-Nhưng tôi hận nó, cô biết đấy

-Con người ta cũng có lúc sai lầm mà chị. Quan trọng là với em, anh ấy vẫn là người chồng tốt. Và bây giờ anh ấy cũng đang cố sống tốt đấy thôi. Tất cả làm lại từ đầu. Chị biết không lẽ ra cũng được phân một mảnh đất như nhiều người khác thì cha con đỡ vất vả hơn. Ai đời ba cha con chen chân trong căn hộ tập thể 30 m2, thằng lớn thì đòi lấy vợ đến nơi rồi nhưng không có chỗ kê giường cưới. Biết sống thế nào cho ổn thoả đây?

-Sao phụ nữ chúng mình sao không dứt được những lo toan, em nhỉ? Còn cả người phụ nữ trẻ kia nữa. Liệu chúng ta có giúp được cho cô ấy điều gì không?

-Những nỗi khổ tâm của phận dàn bà, chúng ta làm được gì đây hả chị?

**

-Anh Cả, anh Cả! Đây rồi. Em vừa phi phải nó

Tiếng cuốc, tiếng xẻng nhất loạt đổ dồn dập. Đèn pin được bật lên, hối hả rọi vào hố đất hun hút.

-Xương! Có người chết

-Câm cái mồm mày lại!

-Nhưng đúng là xương người mà. Cả một chiếc lược nữa này.

-Thôi lấp lại!

-Anh Cả ơi em sợ lắm. Nhỡ đâu...

-Thằng chó chết này, ma hiện hình ăn thịt mày chắc.

-Chị ơi, em sợ lắm. Chị tỉnh lại chưa hả chị? Họ đi hết cả rồi Chịu khó một tí nhé để em xếp lại chỗ xương này cho. Số chị em mình không thế rời nhau được đâu chị nhỉ. Thế, được rồi. Chị đừng làm em sợ nhé, chị nhé...

-Em... chị....cảm ơ...n...

-Chị ơi...

- Chị ....k..hông... sao... đư...ng...k...h..o...c....

**

Nghĩa trang buổi chiều, gió quần quật đuổi nhau trên các gò mộ. Những quầng hoa héo khô se lại. Cỏ bắt đầu mớp xanh, phủ lớp lá nõn lên từng hàng gạch. Miên thẫn thờ nhìn quanh. Đây là lần đầu tiên cô đến thăm nó. Tha lỗi cho mẹ, con nhé.

...13 tuổi, Miên sống với mẹ và cha dượng trong xưởng làm đậu phụ. Cứ tan học về đến nhà là cô phải xắn quần, ngồi dạng tè he bên chảo dầu sôi, rán đậu phụ cho mẹ ngồi bán. Con bé gầy như cái dãi khoai cuối vụ là Miên khi ấy bạc mồm ra nhai mảnh đậu phụ vỡ để chờ đến gìơ ăn cơm thường diễn ra vào lúc gần nửa đêm. Rồi ngâm đỗ tương, lọc bã đậu, vần lại thành những viên to như trái bưởi, chờ người ta đến lấy về cho lợn. Học hết lớp 7, cha dượng bắt cô nghỉ ở nhà:

- Không có tiền mới chết, chứ không có chữ thì chẳng ai chết cả, nghe không con. Mày học bằng ấy là đủ rồi.

Sống với nhau chưa được 3 năm, mẹ Miên đã vội qua đời bởi bệnh ung thư. Chưa hết 100 ngày, cha dượng tha ngay một người đàn bà lạ về nhà, bắt Miên hầu hạ. Người đàn bà dài ngoẵng như con sâu đo, õng ẹo cả ngày trước mặt Miên, có những thói quen rất quái gở và thường rú lên trong những cuộc giao hoan nửa đêm khiến cô không tài nào ngủ được. Cuôc sống kinh hoàng trong ngôi nhà không cùng huyết thống thật sự là một cực hình đối với Miên. Một đêm nọ, cô đã khăn gói bỏ trốn cùng một số tiền ít ỏi, đủ sống tằm tiện trong vài tháng. Miên học nghề dệt len, được chị em thương tình mách cho mối hàng. Túc tắc làm ngày làm đêm cũng giúp được cô có cuộc sống yên ổn, cho đến khi Miên bị ngã vào kho chứa muối cạnh cảng...

-Tha lỗi cho mẹ. Mẹ đã không thể làm một người mẹ tốt...

Tự nhiên Miên thấy tủi phận. Tim cô thắt nghẹn. Văng văng bên tai cô tiếng trẻ con oe oe khóc, tiếng mắng chửi đánh đập, tiếng dầu sôi trên chảo, tiếng cánh cửa của kho chứa muối rít lên ken két... Rồi những phi vụ làm ăn đưa cô thành người được  ăn trên ngồi trốc, một lời nói đáng giá nghìn vàng. Rốt cuộc thì cuộc sống có vì thế mà khiến cô nguôi ngoai được đâu...

**

Tại một khu tập thể 5 tầng. Điện đột nhiên tắt phụt. Mùi dây điện cháy khét lẹt. Cả khu tập thể tối om. Đám trẻ mặc sức hét váng lên. Lửa diêm loé sáng. Những ánh nến nhấm nhổm đi lên đi xuống cầu thang.

-Lại cái nhà bố con ông Tự gáy sách đây mà. Cắt xén, hàn xì gì mà hơi tí lại làm chập điện.

-Nhà cháu đang ăn cơm. Sao hễ có chuyện gì là lại đổ tại cho nhà cháu thế – Một cái giọng thanh niên khàn khàn, vóng từ tầng 5 xuống

-Không nhà mày thì còn nhà ai nữa –Tiếng choe choé của một người phụ nữ đáp lại từ tầng 3.

-Sao vô lý thế không biết. Cô nói thế, chứng cứ đâu?

-Tao đếch thèm đôi co với bố con nhà mày. Làm mất điện mà không lo đi mà chữa đi, còn gân cổ lên mà cãi à?

Ngừơi phụ nữ nói vừa dứt thì điện đã kịp sáng trở lại.

Tầng 5 vẫn còn những tiếng hấm hứ ấm ức nhưng một người đàn ông, chân đi khập khiễng, đã kịp xuất hiện để lôi cậu con trai vào nhà.

Cùng lúc đó, một người đàn ông tuổi ngoài 60, đội mũ len xám cao ngất nghểu, xuất hiện ở cầu thang tầng 3, giọng ôn tồn:

-Nhà cô này cũng thật là...

-Bác tổ trưởng ạ? Thì cháu cứ tưởng như mọi khi – Cái giọng choe choé được hạ bớt âm lượng.

-Tưởng! Tưởng gì nào? Làm người thì đừng nên hồ đồ như thế, cô biết không?

-Dạ bác nói thế thì cháu xin nghe

Trên tầng 5, anh con trai vùng vằng theo bố vào phòng:

-Nhưng con ức lắm

-Thôi đi anh, sắp lấy vợ đến nơi rồi mà tính hiếu thắng trẻ con vẫn không bỏ được hay sao? à, bố với thằng em anh đã bàn với nhau rồi: sẽ ngăn căn phòng này lại. Bộ bàn ghế này cồng kềnh quá, cho phứt người ta cho xong. Nhà mình chơi kiểu Nhật Bản cho văn minh. Thế là anh khỏi phải đắn đo nhé. Chứ yêu con người ta lâu thế mà cứ chần chứ cũng phải tội con ạ. Thôi ăn cơm đi kẻo nguội hết cả rồi, con.

-Vậy còn mảnh đất thì sao hả bố?

-Bố đã nhờ người tìm kiếm hộ nhưng chắc khó. Mà nếu có tìm được, nhỡ có ai đang ở, họ bảo: giấy tờ đất cát của anh đâu lại tự nhiên đến đây đòi, thì biết trả lời họ thế nào? Chả lẽ lại bảo, cứ cho tôi đào hết mảnh đất này lên thì sẽ có à? Ai người ta đồng ý. Thôi thì cứ nghĩ là của Thiên trả địa thôi mà. Tiếc làm gì. Bao nhiêu năm không có mảnh đất ấy nhà mình vẫn sống được đấy thôi. Mà bố con mình ở thế này càng vui.

-Vâng, thì tuỳ bố.

**

-Anh còn nhớ tôi chứ?

-Vâng, chị đến đây để trả thù ư?

-Giá như tôi có thể làm được điều ấy.

-Vậy tại sao chị lại tìm tôi?

-Lâu nay tôi vẫn giữ của anh mảnh đất và giấy tờ của khu đất ấy. Tôi định cứ bỏ mặc tất cả như thế vì anh cũng không xứng đáng được hưởng nó. Nhưng tôi thương các cháu, tôi thương vợ anh. Cô ấy chết rồi mà vẫn cái tâm vẫn không được yên.

-Tôi có thể làm được điều gì đây?

-Gắng mà sống cho tốt. Đơn gỉan thế thôi.

-Này chị, chị ơi, đứng lại đã cho tôi hỏi. Chị ơi...

-Kìa bố, bố mơ gì thế?

-À không, bố đã gặp một người quen. Đã lâu lắm rồi. Cô ấy là ân nhân của bố. Thôi ngủ đi các con.

**

Miên đột nhiên bị đánh thức từ sáng sớm. Cô mệt mỏi ngồi lên sau xe của gã đàn em, phi thẳng đến khu đất hoang. Miên bàng hoàng nhìn khu đất đã được dọn sạch cỏ rác, sửa sang lại lối đi vuông vức, ngay ngắn :

-Chuyện gì thế này

-Chị tận mắt nhìn đi. Thấy chưa? Khu đất đã thuộc về người khác rồi chị biết không.

-Là ai thế?

-Dạ, chị Hai, nghe đâu là một lính Chiêu hồi cũ, sau cải tạo về làm bảo vệ ở xí nghiệp may Thành Đạt.Khi xí nghiệp bị giải thể thì ở nhà đóng gáy sách thuê. Gã chính là chủ của mảnh đất này đấy ạ.

-Bố láo, nếu là chủ thật, tại sao ngần ấy năm...

-Thật đấy ạ. Đất hương hoả ông bà để lại. Hắn mới đào được di chúc. Chị biết không, được chôn ngay trong khu vườn ấy mới kỳ quái chứ lị. Không biết ai đã mách cho hắn nữa.

-Vô lý. Lại trò hề đây mà.

-Em thề em không nói điêu. Thông tin của em toàn toàn chuẩn trở lên. Thằng cha ấy đã lên Sở nhà đất, thằng bạn em tận mắt xem và làm thủ tục mà. Trật thế chó nào được.

-Được rồi, cứ để mảnh đất này đấy. Chú đưa tôi về rồi tính sau.

-Tính cũng chả được nữa đâu bà chị. Mà em bảo thật, cái thằng Mụn ruồi chả tử tế gì với bà chị đâu. Nó định ăn mảnh đất này nhưng không được, chứ không thì nó cũng sẵn sàng bán bà chị cho lão Mũi sần đấy.

-Thôi tôi biết rồi. Chú đưa chị về .

**

-Chị, em biết ơn chị. Em biết là chị đã làm tất cả những điều này cho chúng em.

-Thôi đi, cô huyên thuyên điều gì thế.

-Có lần em tìm gặp anh ấy và gặp chị đã đến trước trong giấc mơ.Chị đến nhưng chỉ đứng bên ngoài chốc lát rồi lại bỏ đi ngay. Một lần em thấy chị bước vào hẳn giấc mơ và ở lại khá lâu. Em đã nán đợi để vào hỏi anh ấy. Chị vừa đi khỏi thì em vào thế chỗ. Anh ấy kể : chị ấy vừa đến đấy. Chi ấy không mang súng theo, không mặc áo cài kín cổ, thắt lưng nai nịt mà anh vẫn sợ. Em hỏi: nhưng có chuyện gì vậy? Anh ấy kể: giấy tờ nhà đất hoá ra chưa mất. Ông bà chôn trong một cái hộp sắt tây ở trong vườn. Chị ấy nằm đè lên và thấy tên anh.Bây giờ chị ấy đến bảo chỗ cho anh đến mà tìm. Hôm ấy chúng em đã ôm nhau mà khóc chị ạ.Thế là bố con đỡ cảnh khổ rồi. Em có thể yên tâm được rồi.

-Tôi chỉ làm cái việc phải làm thôi. Thôi cô ngủ đi. Mai người ta chuyển chúng ta đến nơi mới đấy. Cô sẽ không phải chịu đựng tôi nữa đâu. Biết đâu khi đến đó, tôi sẽ hỏi thăm được nơi ở của người ấy. Cùng cõi âm với nhau mà sao cũng cách núi ngăn sông...

-Em không muốn xa chị. Chị ở đâu, em ở đấy, em cũng sẽ tìm người ấy giúp chị.

-Thôi được rồi, cô ngủ đi.

***

Miên tần ngần nhìn lại thị xã lần cuối.

Gío từ bờ sông quần quật thổi bên cạnh cô, mang theo vị phù sa ngai ngái. Mái tóc dài của Miên bị gió bới tung, bay loã xoã trước mặt.

Khuôn mặt cô vô cảm.

Thị xã này thực thân thiết. Nó có trong ấy bao đau đớn, tủi hờn ăn ngậm vào xương máu của cô. Thời gian vèo một cái đi qua tất cả….Cô sẽ phải rời bỏ mảnh đất này. Đấy là quyết định mới nhất mà cô cần phải làm như vậy. Dẫu chẳng ai chia sẻ được.

Miên bất giác nhớ lại giấc mơ kỳ lạ cô mới gặp cách đây không lâu. Hai người phụ nữ, hai linh hồn nằm dưới lòng đất hoang nói với cô về tình yêu, về cuộc sống. Tỉnh dậy, sao cô lại khóc? Gió sông bị ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới, thổi cồn cào… Miên lấy dây cột chặt lại mái tóc.

Xốc túi cô đi ra phía đường quốc lộ để bắt xe. Sau lưng Miên, thị xã đã thức giấc. Những chiếc xe tải cục mịch, hăm hở nối đuôi nhau ra phía cảng sông đóng hàng, mở đầu cho một ngày mới.

Và, ai biết được trước ngày mai?  

Hà Nội 13 –12- 2002



VVM.18.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com