B à nội vừa mất chôn cất xong xuôi thì ông trẻ cũng đột ngột bị cảm lạnh rồi tắt thở mấy ngày sau đó khiến cả nhà tôi không cón cảm giác đau buồn mà chuyển dần sang sự sợ hãi, nghi hoặc. Mẹ tôi bảo đó là điềm báo. Nhà nào trùng tang tức là vận rủi bắt đầu đến, cái dòng họ này phải chăng đã sắp đến lúc tận số rồi. Mẹ vừa châm hương thắp cho ông bà vừa kêu gào khổ sở. Bố tôi ngồi ngoài hiên, trầm ngâm nhìn ra khoảng vườn nhỏ trước nhà. Ngày xưa bà nội tôi thường ngồi đó bện những chiếc chổi rơm vàng chắc chắn, thơm phức. Bố cứ ngồi thế, thỉnh thoảng rít vài hơi thuốc lao mùi hôi khét lẹt bay đầy vào trong nhà.
“Đến phải đi sang thôi Đam xem thôi ông ạ? Nghe nói thầy bên ấy thiêng lắm”
Bố tôi không nói gì, chỉ thở dài.
“Mà tôi nói ông nói nghe, ông có thấy những chuyện bất thường này xảy ra từ lúc nào không? Từ trước đến giờ nhà mình ăn ở hiền lành, gặp những điều không phải tốt nhưng có bao giờ để đến nỗi bị trừng phạt thế này không? Tôi bảo ông hay ông có nhớ từ ngày cậu Út về không?”
Mẹ vừa nhắc đến cậu Út, cha tôi đột ngột quay sang nhìn mẹ tôi bằng ánh mắt giận dữ khó chịu.
“Cậu Út làm sao? Bà còn muốn làm gì nữa, phải để cậu ấy bỏ nhà bỏ làng mà đi lần nữa bà mới hả hê à”
Tên cậu Út được nhắc đến rất nhiều cách đây một tháng, lúc cậu lếch thếch về đứng trước cái sân mà cha mẹ tôi đang nhìn ra đây. Đi theo bên cạnh cậu là một người đàn bà lùn tịt, gầy gầy. Người đàn bà ấy sau này tôi mới biết mình phải gọi là mợ.
Vừa nhìn thấy cậu đứng ở sân, bà nội tôi đã lọm khọm lao ra ôm cậu rồi khóc đến ngất đi. Cậu cũng quỳ xuống trước mặt bà khóc nức nở. Tôi luống cuống chẳng hiểu chuyện gì xảy ra cho đến tận lúc mẹ tôi về. Mẹ tôi không hề thay đổi sắc mặt khi nhìn thấy cậu, ngoài một nụ cười gượng gạo.
Bà tôi thắp hương cho ông thông báo cậu về rồi. “Phải đến mười hai năm rồi, nó đã về, còn có vợ về theo, vợ chồng nó trông yêu thương nhau lắm. Vậy là mừng ông ạ. Tôi yên tâm đi được rồi”
Khi cả nhà xúm vào nói chuyện, mẹ tôi chỉ lặng im, lật đật ở trong bếp. Bữa cơm hôm đó thật nhiều món ngon, đúng là bữa cơm đón người đi xa về.
Bà lập cập nói. Bữa tối hôm đó khi cả nhà đã đi ngủ, tôi lén nhìn bố và cậu ngồi với nhau ngoài hè, hút thuốc lào và thì thào với nhau chuyện gì đó. Bên ngoài gió lạnh, bố tôi thỉnh thoảng lại lấy tay khịt mũi. Tôi nhớ ngày xưa, vì cãi vã với mẹ tôi mà cậu đã bỏ nhà đi. Lúc đó tôi còn nhỏ, cậu cũng chưa lớn. Tôi còn thỉnh thoảng lẽo đẽo chập chững theo cậu vác đó đi bẫy lươn những buổi chiều. Thế mà thấm thoát đã bao nhiêu năm qua, không biết suốt thời gian ấy, cậu ở đâu, đã sống ra sao. Còn tôi, tôi ở đây, lớn lên và chứng kiến ông bà tôi đã khổ sở thế nào khi cậu ra đi. Ông đi khắp nơi tìm cậu. Gặp ai cũng hỏi thăm về cậu, nhưng cậu biến mất như những cơn bão đêm thỉnh thoảng vẫn rít qua làng tôi.
Rồi ông mất, cậu cũng không biết để về. Cứ thế, bà ngày nào cũng lặng yên ngồi đợi cậu ở cái thềm sân này. Ông bà tôi không dám trách móc mẹ, vì bây giờ mẹ là người đã cáng đáng cả sự sống của mấy con người trong căn nhà này. Mẹ chạy đôn chạy đáo buôn bán đủ thứ. Tôi biết cha tôi cũng giận mẹ, nhưng ông cũng biết ơn mẹ bởi những gì mẹ đã làm cho cha và cho ông bà. Cha tôi luôn có lý do để bênh vực mẹ mỗi khi bà nhắc đến chuyện cậu út bỏ nhà đi.
Nhưng cậu về rồi. Cậu không còn là đứa trẻ bị mẹ tôi ép vào trại giáo dưỡng trẻ em rồi bỏ trốn về, cầm gậy hăm dọa mẹ tôi bằng ánh mắt hằn thù nữa. Cậu gầy nhẳng đi, đôi mắt đen nhánh bần thần. Cậu kéo vợ đến đứng trước bàn thờ ông quỳ sụp xuống lạy. Cậu lẩm nhẩm khấn ông như thủ thỉ kể chuyện gì đó.
Cậu về được hơn chục ngày thì bà mất. Nhẹ nhàng như người ta thở phào trút được một sự âu lo. Lúc mẹ mất, cậu đang lúi húi ngoài đồng với lũ vịt. Cha mẹ tôi đang bận bịu với kho gạo. Chỉ có tôi và mợ ở nhà. Lúc mợ bê cơm trưa lên cho bà thì đã thấy bà nằm thản nhiên ở cõi khác, nhưng mợ tôi chẳng phát hiện ra điều đó. Mợ cứ nghĩ bà đang ngủ. Mợ không dám đánh thức bà, mợ chỉ cười ngây ngô nhìn bà ngủ.
Bà mất thì cậu không khóc. Cậu cho rằng cậu đã được sống bên bà những ngày cuối cùng, vì điều đó cậu nên cảm thấy hạnh phúc. Sau đám tang bà, cậu cũng chuyển ra về căn nhà cũ của bà ở gần bờ sông ngày xưa để ở.
“Nó nhằm đúng lúc quá, mẹ chết rồi, nó nghiễm nhiên lấy căn nhà đấy à”
“Bà im đi, bà muốn cậu ấy lại bỏ nhà đi à. Chúng tôi chỉ có hai anh em thôi”
Thỉnh thoảng bố mẹ tôi lại tiếng qua tiếng lại, chỉ xoay quanh chuyện cậu mợ tôi. Tôi biết bố tôi muốn sang bên cậu chơi, nhưng rồi những tiếng hờn trách của mẹ khiến bố tôi khổ sở, chỉ biết ngồi yên ở cái thềm sân mùa không có nắng này.
Bây giờ thì ông trẻ tôi mất. Người ta bảo nhà tôi có họa trùng tang, có khi sẽ còn nhiều người khác chết nữa, có khi gia cảnh sẽ lụi tàn. Cha tôi không tin vào những điều đó, nhưng tôi biết, cha đang sợ một điều khác. Cha sợ cậu sẽ lại bỏ ra đi. Bây giờ ông bà mất rồi, cậu chẳng còn lý do gì để quay về nữa. Cha sợ những điều cha mẹ tôi làm sẽ khiến cậu tổn thương. Cha tôi nhất quyết không chịu đi mua những còn chim phóng sinh cùng mẹ. Thế là tôi phải chở mẹ đi tìm mua những con chim ấy.
Thật là cả một phố ngập những lồng chim đặt cạnh nhau, chật đầy những con chim nho nhỏ bằng nắm tay tôi. Mẹ chỉ tôi tấp vào một hàng bán chim ngay sát lề đường. Người phụ nữ vừa nhìn thấy khách hàng thì đon đả mời chào nói cười. Chị bảo những con chim của chị khỏe mạnh nhất ở đây, nó sẽ bay đi thật xa và sẽ sống thật lâu, như thế mới có nhiều lộc. Nghe chị nói, mẹ có vẻ xuôi tai, hợp ý. Mẹ bảo chị chọn cho mười con chim yến đẹp nhất ở đó, cho vào một cái lồng cẩn thận để đem về nhà.
Bàn tay to tướng của chị bán hàng túm ngang lưng những chú chim khiến chúng kêu lên quang quác.
“Đấy, cô xem, chúng còn khỏe lắm”
Nhìn những vết xước đỏ đỏ ở thân và cánh của những con chim đang chật mình trong lồng kia khiến tôi tự nhiên cảm thấy buồn nôn. Mùi tanh lẫn vào trong những mảng gió mùa hanh khiến không khí càng lúc càng trở nên ngột ngạt.
Suốt cả đường đi, mẹ tôi cứ lẩm bẩm cầu khẩn mong sao những con chim phóng sinh này sẽ mang lại sự sống đến cho gia đình tôi, sẽ trừ ta ma và những ác độc giúp gia đình tôi được thoát khỏi sự giam cầm của quỷ dữ. Tiếng mẹ lầm rầm bên tai, thỉnh thoảng được nhói lên bởi những tiếng kêu chói tai của những con chim yến bị nhốt trong lồng. Nắng lạnh quá. Chỉ chiều nay thôi, lũ chim sau khi đợi thầy cúng tế xong sẽ được thả bay lên trời. Chúng sẽ được trả về với thiên nhiên tự do bên ngoài kia. Vì nghĩ đến điều đó nên tôi cảm thấy yên tâm hơn hẳn, dù trong lòng có chút gì đó bối rối. Tôi chưa từng chứng kiến một lễ phóng sinh nào, tôi cũng chưa từng có một con chim trong lồng để nuôi.
Những con chim mang được về nhà bắt đầu có dấu hiệu yếu hẳn đi. Chúng nằm bẹp xuống trong lồng, không còn kêu lên nữa. Khi bố mẹ tôi đang làm lễ trong nhà, tôi cứ đứng nhìn lũ chim mà cảm thấy lo sợ. Tôi có cảm giác chúng sắp chết. Nhìn thấy chúng quẫy lên từng đợt trong lồng, tôi không hiểu tại sao lại phải phóng sinh. Nếu chúng không bị giam cầm thì làm sao phải có sự phóng sinh? Nếu chúng cứ bay sải cánh ngoài tự nhiên kia, thì chúng đâu cần đợi con người giải phóng cho chúng.
“Chúng ta cầm tù chúng rồi lại bày trò giải phóng chúng, để tự xem chúng ta là những kẻ thiện tâm”
Tôi giật mình vì tiếng cậu nói từ ngoài cổng vào.
“Mẹ cháu vẫn chẳng khác gì ngày xưa. Nếu không đổ mọi lỗi lầm cho người khác thì cũng cố tìm một con vật hoặc một ông thần thánh nào đó để làm vật thế thân”
“Cậu nói gì vậy?”
Ngoài câu hỏi trống rỗng ý nghĩa ấy ra, tôi không biết phải nói sao khi nhìn thấy ánh mắt của cậu. Mợ vẫn chỉ lũi cũi theo cậu như một con chó ngoan đi theo chủ nhân của mình.
Cậu bảo mợ vào nhà chuẩn bị đồ ăn cùng với mẹ tôi. Cậu ngồi lại bên gốc cây đang treo chiếc lồng chim cùng tôi.
“Nếu cháu là những con chim này, cháu nghĩ xem cháu muốn gì?”
Tôi không biết tại sao cậu lại hỏi tôi điều đó, phải chăng cậu lại muốn khơi lại chuyện mẹ tôi đã đẩy cậu vào trại giáo dưỡng ra sao. Nhưng tôi chỉ là con của mẹ, tôi cũng chỉ là đứa trẻ mười sáu tuổi, tôi không thích nghe lại những chuyện quá khứ của người lớn để lấy cớ đay nghiến, ruồng rẫy nhau. Dù vậy, tôi vẫn trả lời cậu, bởi ít nhất ngày xưa cậu đã từng rất thương tôi.
“Cháu muốn thoát khỏi những chiếc lồng này và bay lên trời”
Cậu nhìn tôi cười, nụ cười hiền lành.
“Nhưng chúng đã bị thương, chúng đã mệt mỏi, chúng đã cạn kiệt sức lực để bay đi. Bây giờ nếu cháu nhìn vào mắt những con chim này, cháu sẽ thấy chúng chỉ muốn chết đi thôi”
Tôi im lặng nhìn cậu, rồi nhìn sang những con chim đang nằm im, bẹp dí ở trong lồng. Trông chúng buồn đến bã bời.
“Cậu sẽ mang chúng đi”
“Đi đâu”. Tôi hỏi cậu một cách máy móc.
“Về nhà cậu. Đợi nó khỏe lại hãy thả chúng đi. Cháu có giúp cậu được không?”
Cậu nở một nụ cười với tôi. Lúc ấy tôi mới nhớ ngày xưa tôi và cậu đã ở bên nhau vui vẻ biết bao nhiêu.
Tôi đi theo cậu ra căn nhà cũ của bà. Cậu mới tậu đàn vịt được một tháng mà chúng đã lớn phổng hẳn lên. Cạnh nhà cậu trồng thêm nhiều hoa mẫu đơn đỏ. Cậu bảo từ bé cậu chỉ biết có hoa này, vì vào ngày mùng một hay ngày rằm, bà thường mua hoa mẫu đơn về cắm. Đỏ lắm, xinh lắm. Cậu thả lũ chim ra từng cái lồng rộng hơn cho dễ thở. Cậu bắt đầu cho chúng ăn và uống nước. Lũ chim bắt đầu nhảy lên khe khẽ kêu xem chừng muốn cảm ơn cậu. Tôi không biết ở nhà đã sắp đến giờ phóng sinh chưa, tôi chỉ biết bây giờ, ở nhà cậu, lũ chim đang dần được hồi sinh.
Ngày xưa cậu từng hận mẹ cháu lắm. Tại mẹ cháu mà mười lăm tuổi, kém cả tuổi cháu bây giờ, cậu bị gửi vào trại, bị đánh bị chửi, nhưng cậu chán nản nhất là mẹ cháu không bao giờ tin rằng cậu có thể sống tử tế hơn. Trong mắt mẹ cháu, cậu chỉ là thằng trộm cắp, thích đánh nhau, chửi bậy, và đủ thứ bẩn thỉu khác. Lúc đó cậu cũng giống như những con chim này, sống trong một cái lồng định kiến. Cậu tưởng cậu sẽ sống như vậy cho đến lúc chết, nhưng rồi khi bị đánh đến lì lợm trong trại thì cậu nghĩ rằng, cậu phải trốn khỏi cái lồng ấy. Nếu không may cậu bị chết, cậu cũng phải chết ở bên ngoài, cậu phải hít thở không khí ở bên ngoài. Cậu không thể nằm đây đợi người ta ban cho mình một ân huệ mà đáng ra mình được tự do hưởng thụ. Và cậu trốn trại. Sau đó thì cháu biết rồi đấy, lúc đó cháu còn bé quá, nhưng chắc cháu vẫn nhớ, cậu đã dọa dẫm mẹ cháu thế nào đúng không? Lúc đó, cậu chỉ nghĩ được có vậy, rồi cậu bỏ ra đi.
Ở bên ngoài cái làng này hỗn độn lắm cháu ạ. Thế mà cậu đã sống qua ngày vui vẻ ra trò đấy. Mười mấy năm rồi, thỉnh thoảng cậu vẫn nhớ đến ông bà và tự hỏi ông bà buồn khổ ra sao, nhưng tuyệt nhiên cậu chẳng muốn quay về.
Cháu có thấy mợ cháu không. Chính mợ cháu là người đã khiến cậu muốn quay về đấy. Thật may bà đã chờ được cậu về.
“Bà nhớ cậu lắm đấy”
Khi cậu im lặng, cậu không muốn nói nữa, thì tôi chỉ có thể an ủi cậu bằng câu nó ấy.
Cậu mợ cùng sống trong một dãy nhà trọ gần ngay sát chợ. Mợ sống cùng chồng và một đứa con trai lên hai kháu lắm. Chồng mợ cháu là một gã đàn ông vũ phu, thất bại. Rồi con trai mợ chết, chồng mợ đuổi mợ ra khỏi nhà để đem về một người đàn bà khác. Cậu cũng chẳng biết lúc đó trời xui đất khiến ra sao, cậu không thể chịu được cảnh đấy nên đã đập cho gã đàn ông kia một trận, và đưa mợ về nhà ở. Từ lúc bị mất đứa con, mợ cháu đã ngây ngây ra thế rồi. Cậu cũng không nỡ bỏ. Về ở với cậu một thời gian, mợ cháu luôn nói rằng, “tôi không muốn tha hương nữa, tôi chỉ muốn về nhà”, cậu định bụng đưa mợ cháu về quê ngoại, nhưng mợ chỉ ngây người ra rồi khóc. Mãi sau đó cậu mới biết, mợ đã theo mẹ lang bạt từ ngày mới sinh ra, bây giờ mợ còn chẳng biết gốc gác mình ở đâu nữa. Thế rồi, cậu nghĩ cậu may mắn vì cậu biết, cậu có nơi để về. Và như cháu thấy, cậu đã về rồi đây. Cậu về thì không muốn đi nữa. Chuyện mẹ cháu ngày xưa đối với cậu, không phải chỉ có mẹ cháu sai, cậu lúc ấy cũng là đứa con ăn tàn phá hoại trong nhà. Mọi người ghét bỏ, chán nản với cậu cũng phải thôi. Còn mẹ cháu thì chỉ biết lo cho gia đình này. Đàn bà mà, như một con gà mái, rất hiền lành, nhưng nếu thấy điều gì xâm hại gia đình họ, họ sẽ lồng lên như một con diều hâu để bảo vệ.
Cậu nhìn chăm chú vào lũ chim đang bắt đầu ngóc đầu lên kêu ríu rít, vừa nói vừa cười trìu mến.
“Đã đến lúc cần phóng sinh chính lòng mình cháu ạ”
Tôi chưa kịp nghĩ về điều cậu đang nói thì đã nghe thấy tiếng mẹ từ phía bờ sông. Cậu vẫn ngồi thản nhiên nhìn lũ chim hót, trong khi tôi bắt đầu thấy lo sợ. Có thể mẹ tôi sẽ làm những điều chẳng khác gì mười hai năm trước.
Mẹ tiến đến gần cậu, nói bằng giọng gào lên khẩn khoản, vừa tha thiết vừa đau đáu, da diết:
“Cậu về đây để trả thù tôi phải không? Nếu cậu muốn làm gì tôi thì cứ làm đi, cậu đừng cố tình gây sự với gia đình này nữa. Mẹ đã để cho cậu cả ngôi nhà này rồi, tại sao chứ, tôi đã chăm bẵm bà suốt bao nhiêu năm qua, đã gồng lưng lên với cái gia đình này khổ sở ra sao, nhưng ai cũng chỉ chăm chăm thương xót cậu. Còn tôi thì sao, cậu nói rõ cho tôi xem?”
Bố tôi đến kéo mẹ tôi, giằng co mãi, đuổi nhau đến sát bờ sông. Cậu tôi vẫn chưa lên tiếng, chỉ có mợ chạy theo mẹ vừa khóc vừa thút thít xin lỗi.
“Em sẽ trả tiền để lấy những con chim này”
Mẹ tôi nhìn cậu bằng đôi mắt trừng trừng khi cậu thản nhiên trước những lời chửi mắng của mẹ. Đây không phải là điều mẹ tôi nghĩ rằng mẹ sẽ nhận được khi giao tiếp với cậu. Tôi đứng đó, trước sự lặng yên của người lớn mà chợt lóe lên trong đầu mình một ý nghĩa, đây là lần đầu tiên mẹ tôi nói chuyện với cậu từ khi cậu đặt chân về nhà. Mẹ không đơn giản chỉ muốn lấy lại mười con chim yến bé nhỏ này chứ?
“Bố mẹ mất rồi, nói về người thân, em chỉ còn có anh chị và cháu, chẳng nhẽ chị không để cho em được sống tiếp ở nhà mình. Anh chị cũng không thể cho em cơ hội để quay đầu lại sao? Những con chim này, chị hãy nhìn chúng xem, chúng bé quá, làm sao có thể gánh hết những hi vọng, những lỗi lầm, những trách nhiệm mà chị đang muốn đặt lên cho chúng chứ? Chị oán hận em, hãy trút những oán hận ấy lên em, đừng cố gắng làm gì khác. Vứt quách mấy cái lòng tin hoang đường này đi, hãy tự phóng sinh bản thân chị, chị đã nghĩ đến điều đó chưa”
Mặt cậu tôi đỏ phừng phừng, hét lên từng tiếng đau lòng. Tôi nghe trong đó là sự dồn nén suốt mười hai năm qua. Mười hai năm quá dài để người ta còn nhớ mặt mũi của nhau, nhưng lại cũng khiến nỗi đau bị chôn chặt càng có thời gian để sống dậy, để dằn vặt. Mợ tôi cũng đứng về phía sau của cậu. Mợ đột ngột nói to thành tiếng:
“Anh ấy nói với em, đây là nơi duy nhất anh ấy có thể quay về. Còn em, em cũng muốn được về nhà mà còn chẳng biết nơi nào để quay về. Em xin anh chị có thể để cho em ở đây được không ạ?”
Từng lời mợ nói bị đứt quãng bởi những tiếng nấc dài.
Bố tôi cứ đứng yên mà khóc như một đứa trẻ con, còn mẹ tôi, mẹ tôi tiến gần đến phía những chiếc lồng, mẹ mở những chiếc lồng ra, những con chim nhìn cửa lồng mở nhưng vẫn nằm im lim nhìn mẹ. Phải mất mấy phút sau chúng mới đập cánh bay lên. Chúng bay lên rất cao, sau đó cả mười con bay sát vào nhau, đậu trên cành cây đang xòa xuống trước mặt chúng tôi.
“Chúng khỏe mạnh để bay đi rồi. Còn cậu, cậu đã bay đủ để ở nhà rồi”
Mẹ nhìn lũ chim và nói mà không nhìn cậu. Lũ chim kêu chiêm chiếp khỏe khoắn rồi cùng nhau bay đi trước sự ngỡ ngàng của cậu mợ và bố tôi. Tôi không thể hiểu nổi điều gì đã khiến mẹ tôi thay đổi đột ngột như vậy, nhưng đây rõ ràng là cảnh đoàn tụ mà nội tôi hẳn vẫn luôn mơ đến từ ngày cậu Út bước ra đi.
Khi cả nhà đang xúm vào chuẩn bị cỗ bàn cho đợt giỗ đầu một năm của bà thì tôi lang thang một mình bên ngoài khu vườn mà trước đây bà tôi hay mắc võng nằm mỗi buổi trưa. Thời gian một năm trôi nhanh ngỡ ngàng với biết bao nhiều điều đã xảy ra, tôi rồi cũng sắp đến ngày vào thành phố để thi đại học. Chưa đi mà tôi đã cảm thấy nỗi nhớ đầy lên vô cùng cái khoảng sân, mảnh vườn nhỏ nhắn này. Tôi chỉ muốn tận hưởng cảm giác thoải mái, dễ chịu từ hương thơm của những bông hoa ở trong vườn vào lúc này. Khi tôi đang mãi mê nghĩ ngợi, tôi nghe thấy tiếng chiêm chiếm từ trên cành cây gần đó. Vừa kịp ngước lên, tôi đã thấy mười con chim yến xinh đẹp đang ríu rít hót vang khắp vườn. Lũ chim hẳn cũng đã tìm được nơi quay về.