A nh từng ghé lại Câu Lạc Bộ, anh nói chuyện với các anh em với tất cả hào khí của người lính. Anh khẳng định: sống là chiến đấu, đã là lính, thằng nào cũng chịu chơi, chấp nhận thử thách, và dư biết thử thách không bao giờ thừa. Thằng nào không chịu chơi, thằng đó coi như bỏ đi, “Qui ne risque pas, n’a rien”. Rồi anh cười vang lên cả cơ quan, vang lên trong Câu Lạc Bộ. Sau nhiều năm anh em không quên được tiếng cười hào sảng của anh.
Và bây giờ tại bịnh viện anh nằm im bất động, thở dưỡng khí mệt nhọc. Bờ vai anh rộng, da mặt anh tái xanh, anh nấc lên từng hồi, anh đang chiến đấu chống trả với thần chết. Anh có nghe tiếng khóc của Nga không anh? Người nữ chuyên viên tư vấn tâm thần và xã hội mà anh chị thường gọi là bé Nga. Bé Nga đang nắm lấy bàn tay anh, ve vuốt từng ngón tay khô cằn của anh. Danh cũng đang khóc. Anh còn nhớ Danh không anh? Dai úy Danh cũng là thành viên của Câu Lạc Bộ của chúng ta đó. Nga, Danh và tôi, đến thăm anh đây. Chúng tôi nhìn anh trong cơn hấp hối, nhớ lại Tổ quốc trong cơn thập tử nhất sanh vào ngày 30-4-75. Biết bao cố gắng chiến đấu trong tuyệt vọng để giữ lại Sàigòn. Tôi cúi xuống ôm bờ vai rộng lớn của anh, nhìn qua cửa sổ, ngoài trời Chicago lạnh dưới không độ, nắng vàng vẫn hờ hững soi mình trên tuyết trắng. Trông anh chống trả mệt nhọc quá. Chúng tôi thương anh vô hạn. Trong cuộc chiến đấu này một mình anh gánh chịu. Trông anh vật vã quá! Cô đơn quá! Chúng ta chiến đấu cô đơn quá phải không anh? nhất là sau tháng Giêng năm 1973...Tôi nhớ lại lời tuyên bố của anh tại buổi điều trị tâp thể: “Chúng ta mất miền Nam là vì chúng ta bị người bạn đồng minh phản bội” , và anh em coi câu phát biểu đó của anh như Bản Tuyên Ngôn Của Người Lính miền Nam.
Thương anh vô hạn. Thành thật, anh em mong anh đi sớm. Trong mấy ngày qua, anh vẫn kiên trì chiến đấu, không đầu hàng...
Sáng nay ngày 6/2/02, Định đến thăm tôi tại văn phòng rất sớm lúc 8 giờ sáng. Định mang tặng tôi tập hồi ký của ông Trần Văn Khê. Định có hỏi thăm anh. Anh còn nhớ Định không anh? Định là người bạn tù của anh ở Khám Lớn Chí Hòa đấy. Anh ấy uống vội với tôi chén trà nóng rồi vội vã đi làm.
Tôi mở tập hồi ký của ông Khê ra xem, chợt thấy thư của Định gửi cho tôi, viết về anh.
Bác sĩ Thể kính
Tôi cám ơn bác sĩ đã nhắc tôi đi thăm ông Già Đồng. Tôi cảm thấy ngậm ngùi cho thân phận chúng ta. Ông Già Đồng từ ngày qua Mỹ, đến lúc nằm liệt như hôm nay, ông Già đã đi cày ở Uptown/Chicago thật mệt nhọc. Mà không đi cày cũng không được. Nhu cầu cuộc sống đòi hỏi ông Già. Tôi đã đến thăm ông Già của chúng ta. Ông Già nằm bất động trên giường nệm với đầy đủ dụng cụ y khoa tối tân của chú Sam! Nếu so sánh vơi đất Tượng Quận của An Nam ta, thì ông Già Đồng còn thật sung sướng hơn người bạn tù của ông tại Khám Lớn Chí Hòa-Đai tá Trần Vĩnh. Đại Tá Vĩnh vào tù bị mù lòa trong những năm tháng gần đi về với ông bà. Đại tá Vĩnh nằm trần truồng ở một chỗ và nói theo kiểu ‘đức tin’ thì ông đã được mặc khải nói tiên tri tức là những ai muốn biết ngày thả tù thì đến bên chỗ nằm hôi hám của Đại Tá Trần Vĩnh xin ông bói cho một quẻ. Và Đại Tá Trần Vĩnh đã chết trong Khám Lớn Chí Hòa.”
Nghe xong bức thư chắc anh không đồng ý với anh Định vì anh chủ trương không bao giờ tự an ủi mình bằng cách nhìn vào số phận của người khác. Nhất là cái chết của đại tá Vĩnh, không phải cái chết của riêng ông ấy, đó là một bước ngoặt của lich sử, của đất nước...
Tôi đến chào vĩnh biệt anh tại nhà quàn. Rất mừng các anh em trong Câu Lạc Bộ có mặt đông đủ hết. Có người đem cả vợ con đến vĩnh biệt anh.Tại đây tôi cũng gặp người bạn tù của anh trong Khám Lớn Chí Hòa-bác sĩ Đại Tá Nguyễn Minh-nguyên Cục Phó Cục Quân Y, nom ông ấy yếu hẳn đi có lẽ từ ngày nghe tin anh nhập viện.
Tôi quì xuống bên cạnh quan tài của anh và cầu nguyện, tôi chợt thấy đấng Christ treo mình trên thánh giá. Tôi nhớ câu “Đấng Christ chết cho tội ác của chúng ta- “Christ Died for Our Sin”. Không hiểu đấng Christ có chết cho tội ác của những người cộng sản chuyên chính không anh nhỉ? Đấng Christ có chết cho tội ác của những người bạn đồng minh phản bội chúng ta không anh nhỉ?
Tôi đứng dậy từ giã anh ra về, tôi vẫn nghe lời cầu kinh của anh em sau lưng tôi, lời cầu nguyện của anh em mong anh sớm về Nước Chúa...
Anh sanh tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Đa Lạt-Khóa 5. Nước Mỹ đối với anh là đất trích. Thương tiếc anh vô hạn, người trai anh dũng của thời loạn- chí lớn chưa thành anh vội bỏ anh em ra đi. Tôi quên thế nào được giọng đọc thơ sang sảng của anh tại các buổi họp Câu Lạc Bộ:
“Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”