Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CHUYỆN HAI NĂM TRƯỚC, GIỜ MỚI KỂ



    

1- THẠCH SÙNG THỜI COVID

Chẳng biết xuất phát từ đâu, cả xóm lần lượt truyền tai nhau: “3 ngày nữa, Sài Gòn lockdown”!

Mặc Tivi và báo chí vội vã lẫn khăng khăng phủ nhận, tin đồn ấy vẫn lan xa, âm thầm mà… nhanh như chớp. Chỉ từ sáng tới trưa là hầu như người nào cũng thông tỏ, vì cùng được một ai đó rỉ vào tai, để rồi lại rỉ vào tai cho một ai đó.

Sau một hồi bàn tán xôn xao, cả xóm vội vàng giục nhau đi mua sắm nhu yếu phẩm.

Chẳng mấy chốc, bên trong các Siêu thị, cửa hàng, chợ… nườm nượp khách. Bên ngoài vỉa hè và lòng đường, số người đội nắng xếp hàng kiên nhẫn chờ đợi đông nghìn nghịt, dài đến mỏi tầm nhìn, khiến giao thông ách tắc nhiều giờ.

Với tâm lý “nhanh tay thì còn, chậm chân thì hết” người ta hối hả mua kỳ nhẵn túi tất tần tật những gì có thể mua được. Người cuốc bộ tay xách nách mang, người sử dụng các phương tiện di chuyển thì tận dụng đủ bốn hướng để treo, móc, ràng, buộc… chồng chất vô số túi to, bịch lớn lên xe.

Các kệ hàng trong siêu thị mọi ngày vẫn đầy ăm ắp, nhanh chóng vơi cạn. Đổi lại, mọi lối đi ăm ắp người và người. Điều đó càng khiến khách hàng bất an, biến siêu thị ít nhiều thành hỗn loạn, chụp giựt. Nhân viên thay nhau liên tục phát loa trấn an khách: Bình tĩnh giữ trật tự… Yên tâm hàng hóa dự trữ trong kho rất nhiều… Không bao giờ xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực - thực phẩm…v.v…

Có lẽ trong dòng người năng nổ ấy, lão Đoàn năng nổ nhất.

Sao hôm nay lão già lờ đờ tháo vát thế? Biến đi đâu rồi cái lừng khừng, chậm chạp mọi ngày? Liền trong hai ngày và với chiếc xe máy cà tàng, lão Đoàn liên tục chở về nhà chuyến hàng này tiếp nối chuyến hàng khác, cần mẫn như con ong cái kiến, không hề biết mỏi mệt là gì.

Hàng xóm trố mắt, thì thào hỏi nhau:

-Làm gì mà lão Đoàn mua gạo mua mì lắm thế?

-Lão định tích trữ ăn qua sang năm chắc?

-Các bà ạ, tôi đếm kỹ rồi. Chỉ nội sáng nay thôi, lão mua dễ đến cả tấn gạo á.

-Hiểu rồi, lão Đoàn lợi dụng tình thế để gom hàng, đầu cơ tích trữ.

-…

Một số ít người dễ dãi chỉ gật gù nghe, không bình luận gì. Một số nhiều người khó tính trề môi bĩu mỏ, buông ba tiếng gọn lỏn: “Đồ gian thương!” Lại một số nhiều hơn nữa thì hậm hực, vì nhận ra đã không nhạy bén bằng lão già mà túi tiền cũng trót “hẻo” hơn, có muốn học theo lão đi gom hàng cũng… bó tay!

Thì ra giờ mới biết lão Đoàn... giàu ngầm! Đúng là “Cháy nhà ra mặt chuột”, “Tẩm ngẩm tầm ngầm đấm chết voi”!

Ngoài gạo với mì gói chiếm áp đảo, lão Đoàn còn khuân về nhiều thứ linh tinh khác: đường, dầu ăn, nước mắm, cá hộp và sữa nữa. Hừm, nhà chỉ ba người lớn, có em bé đâu để uống sữa? Không cần đến mà vẫn mua cất trong nhà, chẳng gọi gian thương hay đầu cơ thì gọi là gì?

Lão Đoàn gợi cho người ta nhớ đến sự tích Thạch Sùng: Gã ăn mày Thạch Sùng đang nghèo rớt mồng tơi đậu bắp, nhờ kịp tích trữ gạo đúng thời điểm trước khi một trận lụt lớn xảy ra mà trở nên giàu có nhất nhì một vùng. A ha! Phen này Thạch Sùng có “truyền nhân xứng đáng” rồi! Cả khu xóm bàn tán thế.

Chỉ vợ chồng cô giáo Hân không tham gia bình phẩm gì. À không… chính xác thì cũng có đấy, nhưng chỉ chỗ hai vợ chồng với nhau trong nhà thôi:

-Chậc, chậc! Dịch đến rồi dịch đi, nhanh chóng như mấy đợt trước thôi mà. Ông lão Đoàn vất vả làm chi, vô ích.

-Ừ, phải. Mua gạo với mì nhiều mốc meo hết có phải phí của không?

Chị Tổ trưởng chắc cũng chướng tai rác mắt quá, tối đó phải đến nhà để vừa cật vấn vừa lên án lão Đoàn. Rằng, việc làm của lão là tiếp tay cho kẻ xấu, là gây hoang mang dư luận, là phá hoại thị trường...

Lão Đoàn ngẩn mặt nghe chị Tổ trưởng lên lớp. Rồi lão hấp háy cặp mắt ti hí, hỏi:

-Kẻ xấu nào, ở đâu thế, chị?

Bây giờ đến lượt chị Tổ trưởng đứng ngẩn tò te, chắc không ngờ có câu hỏi ấy để chuẩn bị một bài giảng thích hợp.

Lão Đoàn cắc cớ hỏi dồn:

-Có lệnh cấm người dân không được đi mua hàng à?

Mặt chị đại diện tầng lớp thấp kém nhất của nhà nước, đỏ lên. Chị ta lúng búng như đang ngậm một cái hột xoài, chưa biết trả lời sao.

-Tôi có mua hàng lậu đâu?

-Bác mua vừa đủ dùng thì không thành vấn đề. Đằng này bác làm rối loạn thị trường, phạm tội đầu cơ tích trữ...

Lão Đoàn cười khì khì:

-Thế thì phải hỏi tội nơi bán cho tôi, tức là siêu thị ấy. Siêu thị bán thì tôi mới mua được, chứ tôi trộm cắp của ai? Mua có hóa đơn đầy đủ đây này...

Giờ thì chị Tổ trưởng đuối lý toàn tập rồi, mặt không đỏ nữa mà tái xanh. Chị ta giả vờ giận, hậm hực cun cút đi thẳng, không thèm liếc vào xấp hóa đơn lão Đoàn chìa ra.

Và rồi các tin đồn -đã được hăng hái phủ nhận- lần lượt... đúng, như trêu ngươi: Sài Gòn lockdown thật, không chỉ vài tuần mà là vài tháng. “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào - Ai ở chỗ nào ở yên chỗ nấy”!

Người dân bị cột chân bó tay trong nhà. Không thể đi học, càng không thể đi làm. Công ty, hàng quán đóng cửa. Mọi lưu thông đình trệ thì đương nhiên hàng hóa thành khan hiếm.

Khu xóm nghèo của lão Đoàn hầu hết là dân lao động tự do, từ các tỉnh tụ về thuê nhà trọ mưu sinh, từ nhiều năm trước. “Đất lành chim đậu”, vài cặp vợ chồng ổn định rồi, dắt díu mẹ già em dại lên theo. Lại có chị Khuê vừa sinh con cũng ở lại, không hồi hương như tập tục “con so về nhà mẹ”.

Đợt dịch Covid-19 này khiến người lao động nghèo khốn đốn. Đột ngột bị mất thu nhập thì dĩ nhiên rỗng túi cạn nồi. “Làm ngày nào xào ngày nấy”, còn chắt bóp gửi về quê giúp đỡ gia đình, họ có dư bao giờ đâu để “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”?

Số tiền hỗ trợ nhỏ nhoi lẫn phần lương thực nghe hứa từ đầu “không để một người dân nào phải đói” thực hiện nơi đâu, chứ xóm trọ nghèo này chỉ nghe Tivi ra rả đọc mà chưa thấy hình hài. Hỏi chị Tổ trưởng thì luôn nhận điệp khúc: “Sắp có rồi. Chờ đi!”

Ừ thì chờ chứ biết làm gì hơn? Khổ nỗi, cái bao tử người ta có chịu ngoan ngoãn chờ đâu? Nó vẫn chăm chỉ làm việc, không mệt mỏi. Nó liên tục kêu réo đòi tiếp tế, không chấp nhận đình công bữa nào. Người ta hoa mắt chóng mặt, không stress cũng rối loạn tiền đình vì nó.

Chạy vạy, quơ quào cầm cự được tháng đầu tiên đã giỏi rồi. Sang tháng thứ hai tình hình dịch bệnh chẳng sáng sủa, còn u ám hơn. Rất nhiều người rơi vào tình trạng: túi áo rỗng, thùng gạo rỗng, chỉ nợ luôn… đầy!

Đây là lúc lão Đoàn ra tay.

Từ sáng sớm, hai nhà hàng xóm bên cạnh phát hiện ba cha con lão Đoàn hì hục khuân từng bịch gạo, mì rồi chai dầu ăn, nước mắm... chất đống trước nhà. Họ nháy nhó ra ám hiệu ngầm cho nhau, ý rằng: “Lão Thạch Sùng thời Covid sửa soạn chặt chém bà con nghèo chúng ta bằng... Cẩu Đầu Đao đấy!”

Hừ, để xem lão Đoàn sẽ bán ký gạo, gói mì giá bao nhiêu? Hồi hộp quá! Họ đinh ninh một bảng giá cắt cổ lão sắp trương lên chỗ dễ thấy nhất.

Nhưng chờ mãi chẳng có bảng giá nào. Chỉ thấy lão Đoàn đi trước, hai thằng con hai tay khệ nệ xách mấy túi lớn đi theo sau, dọc con đường hẻm.

Vừa đi, lão Đoàn vừa chụm hai tay làm loa, cố lấy hết sức nói rõ to:

-Mời bà con ra nhận chút quà nhỏ của cha con tôi nào!...

Lão nói to thế, hàng xóm không thể không nghe, vậy mà sao không thấy một ai động tĩnh?

Nhưng cha con lão cũng không quan tâm chi tiết ấy. Chẳng cần đợi ai phải ra nhận, hai thằng con cứ lẳng lặng đặt xuống trước cửa túi quà đã chuẩn bị sẵn. Cả hai thay nhau thoăn thoắt chạy đi chạy về. Khu trọ hơn ba mươi nhà đều có phần như nhau, chẳng sót nhà nào.

Lập tức, cánh cửa nào còn đang đóng kín cũng đều bật mở, gần như cùng một lúc. Những cái đầu rối bù thò ra ngơ ngáo nhìn. Những cái miệng tròn vo như chữ O hoa. Những bàn tay dụi lia lịa cặp mắt ngái ngủ.

“Chút quà nhỏ” của lão Đoàn lỉnh kỉnh nhiều thứ: gạo, mì, bánh ngọt, nước mắm, dầu ăn, cá hộp... Riêng nhà chị Khuê còn thêm vài hộp sữa nữa.

Giờ thì chẳng cần đợi rỉ tai, ai ai cũng “ngộ” cả rồi. Ai ai cũng thầm ân hận vì đã trót gọi lén lão Đoàn biệt danh“Thạch Sùng thời Covid”.

Họ ngầm hứa rồi sẽ mau chóng tìm cách đền trả danh dự cho lão. Đã làm sai là phải biết chân thành tạ lỗi.

Làm người cần làm thế!

2- BẠN THÂN CỦA CHA SỞ

Thời gian dịch Covid-19 bùng phát, mọi sinh hoạt đóng băng, giao thông hầu như tê liệt. Người dân bị cấm ra khỏi nhà. Đường phố vắng lặng, buồn tênh. Chỉ các hoạt động thiện nguyện còn nhộn nhịp, đáp ứng phần nào tiếng kêu cứu của dân nghèo.

Giáo xứ X. cũng tổ chức thiện nguyện như thế.

Ngay từ ngày đầu phong tỏa, Ban Hành Giáo đã được lệnh Cha Sở lo vấn đề phân phát lương thực hỗ trợ dân trong xứ.

Đều đặn 3 ngày một lần, Ban Hành Giáo chia nhau đi phát từng nhà túi thực phẩm được thay đổi đa dạng. Đâu chỉ giáo dân thôi, mà tất cả gia đình cư ngụ trong phạm vi giáo xứ, cũng đều nhận phần quà y hệt, chẳng phân biệt giáo lương.

Ông Trưởng Ban Hành Giáo mạnh mẽ và tự tin thông báo rộng rãi: “Ai thiếu thốn lương thực - thực phẩm, xin cứ gọi cho chúng tôi”.

Tưởng dịch bệnh chỉ vài tuần dẹp êm, đâu lại vào đấy, mọi sinh hoạt sẽ quay về quỹ đạo bình thường. Không ngờ dịch Covid đợt này hung hãn quá, kéo suốt tháng và còn kéo thêm vài tháng về sau nữa.

Thế là Ban Hành Giáo bị đẩy vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Những cuộc “gọi cho chúng tôi” tăng chóng mặt, mà phần hỗ trợ 3 ngày một lần ấn định từ đầu khó thể bãi bỏ hay thay đổi. Quỹ từ thiện giáo xứ teo tóp dần, tấm lòng rộng rãi của các Mạnh Thường Quân cũng bị con virus làm chật chội ít nhiều. Đa số MTQ của xứ là bô lão, mà bô lão thì mấy ai còn làm ra tiền, chỉ chắt chiu từ trợ cấp của con của cháu. Dịch đến (rồi ở lì, chưa hẹn ngày đi), khiến con cháu các bô lão mất thu nhập đáng kể, dĩ nhiên phần trợ cấp cho cha mẹ cũng phải cắt giảm theo.

Thế nên, bất đắc dĩ, ông Trưởng Ban Hành Giáo phải giảm lượng quà xuống. Đôi lần bí bách quá, chỉ còn hai cây bắp cải hay vài ký rau xanh. Thôi thì giữ được như vậy vẫn tốt hơn để nhịp “3 ngày một lần” đứt gãy. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thế cũng trân quý lắm rồi.

Chẳng ai thắc mắc gì. Trừ lão Tâm.

Nhà lão Tâm chỉ hai cha con, không gọi khá giả thì cũng đủ ăn. Tuy thằng con tạm thời mất việc thì nhờ còn ít tiền để dành, cũng chưa đói bữa nào.

Những ngày đầu Ban Hành Giáo còn giúp thực phẩm rộng tay, lão Tâm ra sức chắt chiu tối đa, đúng tinh thần “tích cốc phòng cơ”. Như hôm được phát một con gà, lão chỉ ăn đầu cánh, còn phần nạc làm món ruốc gà, để giữ được lâu ngày. Bản tính lão lượm lặt thu gom đã quen từ nhỏ, đến tuổi già chẳng tăng thì thôi, đời nào chịu giảm?

Nên thời gian gần đây, thấy phần hỗ trợ của Ban Hành Giáo thu hẹp lại, lão Tâm đâm… lo, lo một ngày chẳng nhận được gì nữa. Lão không sợ chết, chỉ sợ đói. Trong đời rơi vào hoàn cảnh bế tắc, mấy lần nhịn đói lả người xanh mắt, lão còn bị ám ảnh đến hôm nay. Một trong những lần ấy, lão đã ước có trong tay một mẩu xà phòng để nhai cho đỡ đói!

Khi bụng đói, con người ta hèn thế đấy.

♣ ♣ ♣

Vừa nhận cuộc Điện thoại gọi đến, ông Trưởng Ban Hành Giáo lập tức lên ngay một danh sách cứu trợ. Gói quà khiến nhóm cộng sự của ông vừa ngạc nhiên vừa thắc mắc, tuy họ tế nhị chắng nói ra.

Cũng phải khen ông Trưởng Ban Hành Giáo giỏi quá! Đang lúc thực phẩm trong kho dự trữ của Giáo xứ eo hẹp, mà ông vẫn nhanh chóng thu gom được một túi hậu hĩnh đến thế? Đã đành cũng là gạo, mì, thịt hộp, cá khô, dầu ăn, nước mắm, bánh ngọt, trái cây, rau củ... nhưng số lượng rõ ràng nhiều gấp mấy lần các phần quà đã được hỗ trợ cho dân ngày đầu dịch.

Chưa hết, gói quà này còn được ông Trưởng Ban Hành Giáo đích thân chở bằng xe máy đến tận địa chỉ người xin hỗ trợ cung cấp.

Lão Tâm tránh mặt, đẩy con ra nhận quà.

Thằng con cũng không hiểu sao bố được hỗ trợ phần quà dồi dào thế? Nhưng mặc con thắc mắc hỏi, lão Tâm không trả lời, vẫn lim dim mắt phởn phơ rung đùi, đắc ý.

Thằng con mở túi, lần lượt lôi từng món ra, xếp la liệt lên sàn nhà.

Bất ngờ, hắn kêu lên: “Ối trời!” Tiếng kêu có gì đó khác thường khiến lão Tâm mở bừng mắt. Thằng con xoay phần túi bên kia chìa về phía lão. Ở đấy, đính một miếng giấy ghi mấy chữ to “BẠN THÂN CỦA CHA SỞ”.

Thằng con gườm gườm nhìn bố:

-Bố mạo danh Cha Sở đấy à?

Lão Tâm nóng ran người trước ánh mắt phán xét của con. Mặt đỏ bừng, hai tay gãi gãi lên cổ một cách vô thức, lão ú ớ như vừa cắn cụt mất một mẩu lưỡi.

Thằng con nhìn bộ dạng bố, hiểu cả.

Hắn đứng bật dậy, giận dữ đá tung hộp bánh gần chân nhất văng ra xa, rồi gằn giọng:

-Bố đúng là óc não cá vàng! Đã là bạn thân của Cha Sở thì chẳng ai phải đi xin từ thiện, nhé!




VVM.11.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com