Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


HƯƠNG QUÊ



Đ ứng tựa vào con chiến mã ruột, con Future cũ kĩ đã sương gió mấy mùa với mình, Phương ngây người nhìn cơn gió thoáng qua xoay vòng, cuốn hút, đẩy lên cao một vài chiếc lá con đã khô màu vàng cánh kiến, lượn mấy vòng… rớt lại. Chợt nghĩ, những cơn lốc xoáy vẫn thường nghe nói chắc cũng một quy luật chuyển động này. Và ngọn cuồng phong của kiếp người cũng từa tựa như thế, những cú ngã bất ngờ đưa đẩy số phận, chơi vơi, chinh nghiêng…hoặc là thả rơi hoặc là bị cuốn trôi đi mất. Lúc ấy Chinh đang tiến gần nó nghinh cái mặt ra dấu:

- Có đi ăn không ? Đi chung nè.

- Đi chứ, đói meo còn gì. Ông chở tui hé!

- Bún hay cơm?

- Bún…!

Hai đứa ra khỏi cổng, Chinh nhanh mắt qua đường chạy thẳng đến quán bún nước lèo nho nhỏ thân quen.

Chinh lớn giọng:

- Như cũ cô ơi…

Cô chủ quán nhìn hai đứa mỉm cười:

- Ừ, chờ cô một lát nhé. Thường xuyên ghé lại nên hai đứa đã thành mối ruột của cô chủ.

Tình bạn của Phương và Chinh được thắt chặt trên mười năm, từ những dấu chân đầu tiên bước vào trường Trung cấp, rồi ba năm sau lại gặp nhau trong lớp Cao đẳng liên thông và hiện giờ hai đứa cùng học Cử nhân tại chức. Chúng là đôi bạn thân thiết như hai anh em, cùng học cùng chơi và cùng trãi qua quãng đời đẹp nhất của thanh xuân.

Ngồi yên vị trên chiếc ghế nhựa có màu đỏ đã cũ xì và một cái bàn cao tầm tới ngực màu cũng chẳng sáng hơn, chắc cũng nhiều năm bụi đời. Nhìn qua nồi nước lèo đang vởn khói bay lên những sợi khói lơ lửng đi lên rồi tan biến rồi tiếp nối, dưới đáy nồi lửa than một màu đỏ rực, mùi khêu khích của nồi nước lèo từng đợt theo luồng gió phả vào hai đứa. Chà… Phương chép miệng vội, cái bụng cũng không chịu nổi sự tra tấn này, nó kêu lên một tiếng “ọt…”. Mùi nước lèo thơm khó tả, mà đôi lúc nếu nói thơm chắc có người cự gân trời. Mùi mắm chứ có phải nước hoa. Đúng thế, với một ai không quen hoặc là không thích cái mùi vị ấy chắc sẽ biểu môi thậm chí tỏ ý bất mãn với nhận định mắm bún nước lèo rất thơm. Phương nhớ cậu Tư của Phương hay nói rằng muốn ăn bún nước lèo ngon thì phải ăn bằng tô và ngồi chồm hổm. Bắt một ít bún để lên một ít rau ghém, cầm cái giá vọc nước quậy đều làm đục ngầu màu nước lèo. Trong đó, những miếng cá đã được gỡ xương giã kĩ, còn có ngãi bún, xả bằm nhuyễn, núm rơm sắc nhỏ và cả những miếng huyết sậm màu, làm các thứ trào lên khắp bề mặt rồi cứ thế ta múc đầy những giá chan vào tô bún đã sẵn. Thêm vào đó một muỗng nước mắm với vài miếng ớt cay cay và thong thả kiếm một chỗ xổm giò để thưởng thức thì không có gì tuyệt bằng. Chắc đây cũng là một trong những tuyệt chiêu thưởng thức món bún nước lèo của những người con của quê hương.

Nhận tô bún từ cô chủ quán, Phương và Chinh bắt đầu cách thưởng thức theo sở thích riêng mỗi đứa. Kèm theo hai cái tô to cành tới mũi là một dĩa huyết, một phần chả giò, một túm lá chuối vừa vặn gói thịt heo quay. Đứa thì gấp thịt đứa thì thêm huyết chỉ một loáng hai thằng đã căng bụng ưỡn người.

- Món ngon của quê mình chẳng sai… Chinh nói.

- Ừ, nó mang đậm mùi đất lẫn tình quê mà chỉ ngửi thấy thôi cũng đã làm dâng bao nỗi niềm khó tả. Phương tiếp lời.

- Và bún nước lèo của Trà Vinh mình là nhất, thơm nhất, ngon nhất không lẫn với những nơi khác bao giờ. Hai đứa cùng gật gù cái đầu đồng tình với câu chuyện vừa rồi. Phương tiếp lời:

- Cà phê chứ, còn sớm mà.

- Tiếp thôi. Chinh tỏ vẻ đồng ý với lời mời ấy.

Phương làm tài đưa Chinh theo hướng con đường hàng me thẳng tiến, lại chỉ để nhìn những đợt lá me đang bay bay theo gió…Thằng tướng mê con đường ấy lắm, như mê người tình không bằng. Con đường ấy là một trong những cái tên thân quen gắn liền với biệt danh Trà Vinh đô thị xanh. Bên cạnh các con đường cây dầu dù, cây sao và một cái khu di tích Ao Bà Om mang trên mình những hàng cây cổ thụ xanh mát quanh năm. Chu du trong lòng thị xã, khách thập phương dễ dàng tìm cho mình một bóng râm để dừng chân nghỉ mệt, hít đầy buồng phổi cái trong lành của đất trời. Phương hay nói rằng “Vùng lá me bay” của nhạc sĩ Anh Việt Thanh chắc cũng một sắc thái này. Có khi cũng chẳng hơn. Sự thực thì con đường này in nhiều dấu chân của tụi nó-mấy tên sinh viên đêm lang thang với chiếc xe đạp, cặp kè vài ba đứa đi ngang đi dọc trong cái bàn cờ khổng lồ của thị xã. Chẳng biết chúng muốn gì mà cứ hễ xong cử chè bà Ba lại rủ rê đến đây để ngắm hàng me về đêm, dưới ánh đèn ngà ngà vàng rồi dắt xe thả bộ trên lề mà bình phẩm đủ thứ chuyện trên đời. Ngước mắt lên nhìn những chiếc lá me bé tí rơi rơi, gió lảng vảng, gió lay, lá thay nhau rụng khỏi cành bay ngập lối… Đẹp lắm! Bỗng nhiên quay đầu xe Phương chạy ngược lại.

- Đi đâu vậy bây, cà phê mà. Chinh ngạc nhiên hỏi vội, chưa được nghe câu trả lời của thằng bạn nó đã vọt lên lề đường phía bên kia. Dừng trước mặt một bà cụ đầu đội chiếc nón tơi, trên mình chiếc áo bà ba bầm màu cũ kĩ tóc bạc phơ rớt mấy cọng lơ thơ trước mặt. Đôi mắt bà sâu hoắc những vết chân chim như những đoạn trường của đời người in hằn trên khuôn mặt phờ phạc ấy, da nâu, tay sạm nổi đầy gân guốc, bà đang đứng bên cạnh chiếc xe chở đầy mọi thứ linh tinh phía sau. Móc từ trong túi tờ một trăm nghìn, Phương khe khẽ:

- Con gởi bà chút tiền uống nước. Hiểu được ý bạn, Chinh cũng nhanh tay biếu bà một tờ bạc. Vừa chào bà cụ, Phương rồ ga quay xe chạy đi, bỏ lại phía sau ánh nhìn sâu thẳm của bà lão dành cho hai kẻ xa lạ chưa một lần quen biết. Nó chầm chậm khi thấy hàng me trước mặt:

- Chiếc dép huyền thoại đi đâu rồi không biết?

- Chắc bà mua ve chai nào đó lụm mất rồi.

- Nghĩ lại sinh viên tụi mình biết chơi quá he…

- Nhất quỷ nhì ma mà…Hai đứa mỉm cười sau màn đối đáp gọn lẹ.

Thứ ba học trò thì chẳng ai dám nhận là sai có khi còn hơn thế nữa. Câu chuyện của Phương và Chinh đã đưa đẩy về một chốn hoài niệm, nó như hiện rõ trong đôi mắt đen lái đang viễn vong những chuỗi ngày đẹp đẽ khó quên. Hai đứa nhớ lại câu chuyện của đàn anh khóa trước, bình thường tụi Phương đến đây chỉ để ngắm lá me bay, nhìn ánh đèn vàng hiu hắt nhìn cái mờ ảo của đêm khuất lẫn đằng sau ấy. Nhưng mấy tên đại sư huynh kia lại đặc biệt quan tâm đến những quả me đang lủng lẳng trên cành. Và, đã có kẻ sốt sắng nhất nhóm không tiếc cái dép mới tol vội nhắm mấy chùm me mà chọi. “Vù...” Chùm me còn đó còn chiếc dép đẹp cũng đu đưa theo cành. Họ cười nắc nẻ một hồi. Rồi, như chợt nhận ra đều gì có lẽ là sự ái ngại về hành động không tế nhị này, lầm lầm lũi lũi nhanh chân biến. Hai mươi cái xuân rồi chứ tánh tình họ như đám sẻ non cứ ríu ra ríu rít mãi, có đứa tỏ vẻ ranh mãnh hơn các bạn cùng trang lứa với chiêu trò hỡi ôi. Tuy nhiên, những lần sau đó khi đến đây họ đã thôi manh động, không còn những trò liếm khỉ vô ích nữa.

Ngồi nhìn những giọt cà phê từng giọt từng giọt nhỏ xuống chiếc ly thủy tinh trong trẻo, màu nâu lờ lợ, Phương đưa lên ngang mũi hít hà cái mùi thơm của nắng của gió và của cao nguyên ấy, sảng khoái lạ lùng.

- Uống cà phê nơi đây được mấy năm rồi vơi?

- Tám năm lẻ còn gì.

- Nhiều thâm niên ghê. Mấy đứa nhỏ trong kia không cần mang cái menu ra hỏi khách luôn chớ. Phương và Chinh cùng cười…

Nhưng không, không phải vì cà phê mà chúng thường lui tới quán này, đơn giản là chỉ vì nhớ chỗ ngồi nhớ không gian này và muốn được ngồi nơi thị xã này mà lặng lẽ và trầm ngâm trong mớ cảm xúc của bản thân. Chuyện đời chuyện xã hội, chuyện lòng muôn nẻo khó nói thành lời. Để đến được đây thì rất dễ dàng nhưng hai thằng gấu này cứ thích phải vòng qua con đường lá me bay vòng qua những lối rẽ, và chỉ thích được như thế là cùng. Hai tên nghệ sĩ vô danh, đáo để.

- Quê hương là gì nhỉ? Phương buột miệng hỏi Chinh.

- Là nơi có chùm khế ngọt mà ông nhà thơ nào đó đã bảo như thế! Chinh trả lời vắn tắt khuyến mãi thêm một cái nhướng mài.

- Và, mặc dù không phải quả khế nào cũng đều có vị ngọt thì số phận nó vẫn không nằm ngoài bàn tay của đám trẻ trâu với mái đầu ba vá, đuôi bím hai bên ngoắc ngẻo sau lưng.

- Chính xác! Chinh nhất trí cao với câu nói của Phương.

Quê hương, dường như từ ngữ ấy thiêng liêng đến lạ. Chỉ những kẻ suốt ngày ra vào được nâng niu ôm ấp giữa vòng tay tình quê vời vợi ấy mà khi thốt ra cũng đủ làm cho ta thổn thức. Nói gì những kẻ xa xứ phiêu bạt vì miếng cơm manh áo... Chắc là vậy, Phương đinh ninh trong bụng tỏ vẻ đăm chiêu như một kẻ biệt xứ không bằng!






VVM.24.2.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com