Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





TRỞ VỀ


Đ oàn xe chở quân đang lao nhanh trên đường lên hướng Bắc.Giờ đang là mùa xuân. Những thửa ruộng lúa đã lên xanh. Lá lúa non nớt cứ rạp xuống mỗi khi có cơn gió thoảng qua. Nước loang loáng khắp đồng chạy dài tít tắp, thỉnh thoảng mấy con cò trắng bay lên đậu xuống kiếm mồi.

Trong chiếc xe Uoat Quang ngồi lặng im, mặc cho ngọn gió mơn man trên gương mặt. Cảnh vật làng quê yên bình làm anh nhớ mẹ. Sáng nay vừa chia tay bà cụ. Quang thương mẹ quá! Anh cứ đi biền biệt để mẹ ở nhà đơn chiếc khi trái gió trở trời …

Lúc sáng tiễn anh ra cổng bà bảo:

- Con nói sẽ đưa bạn gái về cho mẹ xem mặt kia mà. Để mẹ đợi đến bao giờ?

Quang nói quấy quá:

- Mẹ yên tâm. Chuyến này nhất định con không để mẹ phải chờ nữa đâu!

Mẹ cười thật tươi nhìn anh âu yếm:

- Cha bố anh! Đừng có mà lừa mẹ mãi nhá.

Quang nhớ cái dáng lưng còng của mẹ. Mỗi lần về nhìn thấy lưng mẹ như còng hơn.

Cuộc đời người lính nay đây mai đó. Sống chết trong tấc gang. Chỉ thương mẹ…

Năm 1973 anh vào Nam chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Hòa bình lập lại anh được phân công thành lập trung đoàn tăng gia sản xuất và sẵn sàng đối phó với bọn phản động Funro ở ngay trên mảnh đất đó. Tháng 2- 1979 vừa rồi nổ ra chiến tranh biên giới lập tức đơn vị anh được chuyển ra bổ sung cho dặc khu Quảng Ninh.Vậy là hòa bình đã bốn năm mà chưa ngày nào anh được đơn vị cho về nghỉ ngơi ăn với mẹ bữa cơm.

Lần này anh về Thái Bình nhận quân đưa lên biên giới. Quang tạt về thăm mẹ được mấy tiếng rồi lại ra đi. Trên đó đang ác liệt. Máu chiến sĩ và đồng bào ta vẫn đang đổ vì bọn bành trướng xâm lược.

Về nhận quân lần này anh cứ thắc thỏm một hi vọng, một niềm vui mơ hồ nào đó.

- Sắp sang đất Quảng Ninh rồi thủ trưởng. Tiếng cậu lái xe cắt đứt dòng suy nghĩ của anh.

- Còn lâu, đây mới là Hưng Yên, quê hương nhãn lồng đấy. Cậu nhìn xem những rặng nhãn bên bờ sông, trong các khu vườn đang kì phơi hoa. Năm nay chắc nhãn được mùa phải biết.

Tiếng cậu lái xe tinh nghịch:

- Thủ trưởng “tỉnh” thế. Em tưởng anh chỉ tâm niệm mỗi nỗi nhớ về đất và người Quảng Ninh thôi chứ.

- Thôi đi! Còn chú mày nữa đấy. Quang nói, hai anh em cùng cười.

Quả là cậu lái xe nói đúng. Quang đang nóng lòng muốn cuộc hành quân “thần tốc” đến ngay đất Quảng Ninh. Nơi đó có một miền quê và hình bóng người con gái còn in đậm trong trái tim anh với lời hẹn “Em sẽ đợi anh về!”.

Đã sang đất Hải Dương. Con sông Thái Bình mùa này đang đầy ắp nước. Hai bên bờ sông làng mạc xanh mướt. Màu xanh của lúa non, ngô non của cỏ cây mùa xuân. Trên đường từng tốp học sinh đang ríu rít đi học. Đó đây trong đám vườn nhà ai còn sót lại mấy nụ hoa đào cũ. Ngắm cảnh quê hương êm đềm anh lại ứa nước mắt khi mấy hôm trước trên biên giới anh phải chứng kiến cảnh những ngôi trường bàn ghế bị băm chém tan nát. Những trang vở học trò bị xé và cả máu của các em… Tại sao có những bọn người chỉ biết lấy chiến tranh làm lẽ sống? Tại sao chúng gây ra những thảm cảnh ấy? Khi làm những tội ác man rợ mất hết tính người có bao giờ chúng nghĩ tới con em, cha mẹ chúng không? Chung qui lại cũng là bọn cầm quyền hiếu chiến. Nhân dân ở đâu cũng chỉ muốn thái bình. Được sống yên ổn làm ăn nuôi con khôn lớn mà thôi.

Đã đến bến đò Triều. Nơi con sông Kinh Thầy ngăn đất Hải Dương và Quảng Ninh. Bộ đội dừng lại xuống xe lên phà qua sông. Đoàn quân qua sông xong thì trời đã ngả chiều. Gió nam thổi nhẹ mang hơi lạnh chiều xuân. Đoàn xe đi khoảng hai km thì dừng lại ở một ngôi trường. Quang cho bộ đội tập hợp, phổ biến nội qui và các giờ giấc qui định cho chiến sĩ. Anh em bố trí vào nghỉ ở các nhà dân trong thị trấn. Ban chỉ huy các anh tá túc ngay tại khu vực làm việc của hội đồng nhà trường. Chỉ một tiếng sau. Bộ đội đã cơm nước xong. Tiếng hát từ các tiểu đội đã vang lên. Nhiều cháu nhỏ kéo nhau đi xem các chú bộ đội sinh hoạt, vui nhộn đáo để. Lúc này Quang mới thư thả, anh đi một vòng quanh sân trường thư giãn và ngắm ngôi trường. Đây là trường PTCS. Các dãy phòng học được bố trí theo hình chữ U. Khu văn phòng nằm ở dãy giữa nhìn ra cổng trường. Sân trường được trồng một dãy phượng và xen kẽ những cây bàng ở trước các phòng học. Giữa sân là hàng xà cừ. Trường xây chắc lâu rồi nên tường vôi loang lổ, các vết vôi vữa trốc lở. Cây cối xanh tốt, có mấy cây xà cừ đường kính gốc cây tới hơn 1m thân cây xù xì, những cái rễ lồi lên ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ. Quang vào “khám phá” khu văn phòng. Các bảng biểu được trình bày rất đẹp: Danh sách đăng kí thi đua năm học, kế hoạch hoạt động của nhà trường, kế hoạch hoạt động của Liên đội, danh sách phân công giáo viên năm học…đèn pin của anh lia một vệt và như có luồng điện chạy qua, anh vội dừng lại ở dòng tên Ngô Hiền Lương….đầu óc anh quay cuồng. Ngô Hiền Lương! Em đây rồi sao? Phải em không? Lẽ nào em ra trường và về đây dạy học, để hôm nay anh gặp được em?

Là ngày chủ nhật nên khu tập thể giáo viên cửa đóng im ỉm. Mọi người chắc đều tranh thủ về quê cả.Anh vội đi tìm bác bảo vệ. Hôm nay bác cũng túi bụi sắp xếp cho bộ đội nên mãi muộn mới được về ăn cơm. Giờ này đã tám giờ tối rồi, phòng bác vẫn khóa. Quang đi đi lại lại trong sân trường dáng bồn chồn. Bác bảo vệ kia rồi! Quang lao đến vội vã như sợ bác lại biến mất.

- Bác ơi! Cháu hỏi, trường mình có một cô giáo tên là Ngô Hiền Lương. Cô ấy ở đâu? Gia cảnh thế nào bác nói cháu biết được không? Quang vội vã. Rồi như nhớ ra sự vô lí của mình. Anh vội phân bua.

- Chả là cháu vừa xem trong danh sách giáo viên có cô giáo Ngô Hiền Lương. Không biết có phải là người quen của cháu không ạ.

Bác bảo vệ như đã hiểu ra:

- Hiền Lương mới được chuyển về trường này mấy năm nay. Cô ấy chưa có gia đình riêng. Ở với mẹ già bên Xuân Sơn, cách đây khoảng 4 km..

- Chỗ ấy ở đâu? Bác chỉ cho cháu. Cháu muốn đến thăm cô ấy.

Theo chỉ dẫn của bác bảo vệ anh lái xe vội vàng nổ máy đưa Quang lao ra đường.

- Phải đi nhanh mới kịp. Đang thời chiến, điện không có. Vào làng hỏi nhà chắc sẽ lôi thôi lắm. Quang nhắc lái xe mà như nói với chính mình.

Lần ấy Quang đóng quân ở xã Việt Hưng huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Anh tiểu đội trưởng đẹp trai có tài ăn nói đã làm bao giáo sinh văn khoa trường Cao đẳng Sư phạm Uông Bí về đó thực tập mơ tưởng. Nhưng họ đâu biết trong trái tim chàng trai thư sinh hào hoa pha chút lãng tử kia đã in đậm bóng hình một cô gái.

Hiền Lương không xinh. Cô có dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng hơi xanh. Cô chỉ “hơn” đám bạn cái nhút nhát, nụ cười mỉm nhẹ nhàng và đặc biệt là cách quan tâm đến người bên cạnh một cách tỉ mỉ, chân thành. Ở cạnh Hiền Lương người ta cảm nhận được cái ấm áp, tin cậy. Kể ra chỉ vậy thôi thì cũng chẳng có gì đáng nói lắm nhưng có một chuyện tình cờ khiến cho hai người trở nên thân thiết.

Hôm ấy Hiền Lương cho lớp đi lao động đào hố trồng cây ở khu đồi gần nơi các anh bộ đội tập đánh bộc phá. Trời về chiều, nắng gắt. Mấy học sinh nam rủ nhau trốn xuống sông tắm. Bỗng có tiếng kêu thất thanh “Cứu! Cứu!”; “Có người chết đuối cô ơi!”

Hiền Lương chỉ kịp nghe đến vậy đã vội chạy lao về phía bờ sông có tiếng kêu cứu. Ra đến nơi cô thấy hai cánh tay dang chới với chìm dần, một em nữa đang ngập ngụa giữa dòng nước. Không ngần ngại cô lao xuống nước bơi ra giũa dòng kéo em nhỏ đang chìm dần vào bờ. xong cô tiếp tục lao ra cứu em thứ hai. Trên bờ học sinh kêu khóc inh ỏi. các anh bộ đội nghe tiếng vội chạy lại. Lúc này Hiền Lương đang tìm cách dìu em thứ hai vào bờ nhưng cậu này quá hoảng hốt cứ túm chặt lấy cô giáo làm cho cả cô và trò càng ra xa giữa dòng. Quang chạy đến thấy cảnh ấy anh vội nhảy ùm xuống nước lao ra đưa được hai cô trò vào bờ. Hiền Lương quá mệt và bị “uống nước” nhiều. nhưng thấy em học sinh chưa tỉnh lại tiếp tục hô hấp cho em.

Có lẽ cái hình ảnh một cô giáo bé nhỏ dũng cảm cứu học sinh đã để lại ấn tượng trong Quang. Từ hôm ấy Quang và Hiền Lương tự nhiên trở nên thân thiết. Hôm đơn vị Quang và chi đoàn nhà trường tổ chức kết nghĩa Quang và Hiền Lương còn hát chung bài hát Ca- Chiu - sa ai cũng khen là rất hợp giọng.

Có lần Quang hỏi Hiền Lương:

- Anh không ngờ em bơi giỏi thế?

- Làng em ở cạnh sông mà. Bọn trẻ chăn trâu chúng em đứa nào cũng biết bơi. Xã em có truyền thống thi bơi được giải cấp tỉnh đó anh. Em thuộc loại bơi kém nhất đấy.

Cô kể cho anh nghe ông Tổ làng cô xuất thân từ một làng ở tỉnh Hưng Yên. Cụ về quê cô lập làng, sinh sống. thấy đất đai màu mỡ, làm ăn được cụ đặt tên làng là NÚI GẠO. Anh nghe chuyện chỉ cười và nghĩ cô khéo kể như chuyện cổ tích vậy. Cái tên Hiền Lương của cô cũng đặc biệt lắm. Bố cô là cán bộ quân đội. Sau hiệp định Giơ - ne - vơ ông được phân công đi làm nhiệm vụ đặc biệt: Theo dòng người di cư vào Nam để xây dựng lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ sau này. Ngày ông lên đường mẹ của Hiền Lương đang mang thai cô. Ông dặn bà nếu sinh con gái sẽ đặt tên là Hiền Lương. Nếu là con trai thì đặt tên là Thanh Hải. Đó là tên dòng sông và cây cầu trên vĩ tuyến 17 ranh giới quân sự tạm thời chia đôi hai miền Nam – Bắc chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Hiền Lương rất tự hào về cái tên của mình. Nó nhắc cho cô luôn nhớ về người cha mà cô hằng kính yêu. Rồi bố hi sinh. Mẹ ở vậy nuôi em với một hi vọng khôn cùng: Bố chưa chết! Đó chỉ là một sự nhầm lẫn.

Thế rồi những ngày các cô về thực tập đã hết. Các anh cũng đã xong khóa huấn luyện , chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu. Đó là những ngày đầu mùa hè. Trên tán lá xanh non của cây phượng đã lập lòe những bông hoa đầu mùa. Buổi tối trước ngày chia tay về trường tiếp tục học tập cô ngồi bên Quang họ nói với nhau nhiều chuyện. Chuyện về một ngày Quang sẽ lên đường vào Nam chiến đấu. sẽ là gian khổ, hi sinh... Chuyện cô về trường học tập, thi tốt nghiệp và trở thành cô giáo. Hai người hai phương trời cách biệt. Biết bao mơ ước và những điều mới mẻ chờ đợi họ ở phía trước.

- Giải phóng miền Nam anh về làng Gạo quê em nhé. Em chờ anh đấy.

Nói rồi cô gúi vào tay anh chiếc khăn tay màu xanh nhạt có thêu rặng núi và hình mặt trời đang mọc.

Anh nắm chặt tay cô, nói thật nhanh trong hơi thở:

- Anh sẽ về! Nhất định anh sẽ về! Chờ anh nhé Hiền Lương!

Hiền Lương đã đi khuất vào khu tập thể nhà trường. Anh còn đứng lại nhìn hút theo dáng cô. Cái dáng nhỏ nhắn và bước chân nhẹ nhàng vồi vội. Anh chợt nhớ ra chưa bảo Hiền Lương viết cho anh mấy chữ vào cuốn sổ tay mà anh luôn để trong túi áo ngực. Ngày mai, ngày mai em nhé. Nhất định trong cuốn sổ này sẽ có hơi ấm của cô để anh mang theo trên đường ra trận.

Thế rồi đêm ấy lệnh hành quân gấp. Anh ra đi với niềm khắc khoải về một dự định bé nhỏ chưa thành.

Anh giữ chiếc khăn tay và hình bóng cô với bao nhớ nhung, hi vọng.

Lạ thế! Người ở và người đi chỉ có bấy nhiêu thôi mà trong anh niềm hi vọng cứ lớn lên theo tháng năm đi chiến đấu. Nhiều đêm anh mơ về cô về ngày anh trở về có cô đón anh…

- Qua cầu Cầm rẽ trái. Đây rồi anh Quang. Sắp đến nơi rồi đó.

Tiếng cậu lái xe làm đứt dòng suy nghĩ của Quang. Chẳng biết gặp Hiền Lương sẽ như thế nào nhỉ. Liệu cô ấy còn nhận ra mình không và liệu người ta còn chờ nữa không? Tự nhiên Quang thấy hồi hộp lạ. Nhà Hiền Lương ở ngay cạnh sân kho hợp tác xã nên rất dễ tìm. Bác chỉ đường gọi:

- Bà Tứ ơi! Ra mở cổng, nhà có khách này.

Trong nhà bật lên ánh lửa. Tiếng bước chân đi ra. Trong ánh đèn dầu Quang giật mình Hiền Lương giống mẹ như tạc cái dáng người. cũng nhỏ nhắn, dong dỏng cao. Quang nhìn bà lại nhớ đến mẹ mình. Mẹ anh cũng ở nhà đơn chiếc, vắng vẻ như thế này đây. Tự nhiên nước mắt anh muốn trào ra.

- Chúng con chào mẹ ạ!

- Ai thế? đêm hôm có việc gì mà tìm già muộn vậy?

- Hai bộ đội vào nhà nhé. Chào bà Tứ tôi về đây.

- Cám ơn bác, mời bác lại nhà.

Bà cám ơn người hàng xóm tốt bụng. Quay sang hai anh em bà cụ ân cần:

- Hai anh vào nhà đi.

Đó là ngôi nhà ba gian lợp ngói. ở giữa nhà kê bộ bàn ghế. Gian bên trái có tấm ri đô hoa. Cạnh đó là bàn để đầy sách vở. Sát tường là chiếc tủ gỗ chia làm nhiều ô xếp đầy những cuốn sách dày cộp. Quang Biết chắc đó là phòng ngủ và nơi làm việc của Hiền Lương.

Quang khẽ khàng thưa:

- Dạ, chúng con là bạn của em Hiền Lương đi công tác qua chúng con vào thăm mẹ và em.

Bà cụ ngẩng lên nhìn anh chăm chú, một lát sau bà vào bàn viết của Hiền Lương cầm ra một khung ảnh để bàn.

- Anh là anh Quang à? Có phải ảnh anh đây không?

Quang sững sờ. Trời ơi! Đây là tấm ảnh anh tặng Hiền Lương hôm chia tay. Cô đã trân trọng lồng vào khung kính và để ngay trên bàn làm việc của mình. Anh cảm động đến nghẹt thở. Cô vẫn nhớ đến anh. Vẫn còn chờ anh.

- Vâng ạ. Đúng là ảnh của con đã tặng em mẹ ạ. Hiền Lương không có nhà sao ạ?

- Anh về lại không gặp em rồi. Chiều qua nó lên đường ra biên giới cùng đoàn của huyện mang gạo và quà tiếp tế cho bà con ngoài đó. Lẽ ra giờ này phải về rồi để mai còn kịp lên lớp mà.

Sao hòa bình ngần ấy năm trời mà anh không về cũng chẳng thư từ gì cho em?

- Mẹ ơi! Tha lỗi cho con! Ngày ấy chia tay con chỉ biết làng của Hiền Lương có tên là làng Gạo (Núi Gạo ạ) Em chỉ nói với con như vậy. Nên con đã viết cho em khá nhiều thư mà đều không thể đến. Lần này con mới được ra Bắc và thật không ngờ con đã tìm được nhà mình..

Bà cụ nhỏ nhẹ:

- Cái con lúc nào cũng đùa. Làng này là làng Mế Sơn. Có nghĩa là núi gạo. Các cụ bảo thế. Nó nói địa chỉ vậy ai mà tìm được chứ.

Qua câu chuyện của bà anh biết Hiền Lương đã giành cho anh rất nhiều tình cảm. Cô đã khước từ lời cầu hôn của nhiều người tốt và đặt niềm tin vào anh. Hiền Lương vẫn tin anh sẽ tìm được về quê cô.

Thời gian không nhiều. Quang xin phép bà cụ trở về đơn vị.

- Nhất định con sẽ về mẹ ạ.

Anh ra về với một lời hứa đinh ninh như vậy với mẹ.

Hiền Lương ơi! Anh về làng Gạo quê em rồi đó. Anh đã thấy con sông trên đường vào làng. Ngày mai lên biên giới rồi anh sẽ trở về với em. Hãy chờ anh nhé, Hiền Lương!

Trời về khuya cảnh vật làng quê yên tĩnh lạ. Rời ngôi làng nhỏ trở về nơi dơn vị đang nghỉ chân. Quang cứ đăm đắm nhìn ra. Anh muốn thu hết những nết thân thương của một vùng quê yêu dấu. Nơi đây, mối gốc cây, mô đất đều in dấu bóng hình của Hiền Lương người con gái anh yêu.

Ngày mai lên biên giới. Đánh đuổi hết bọn bành trướng xâm lược anh sẽ trở về với làng GẠO với cô gái bé nhỏ hiền dịu của anh.




VVM.02.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com