Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




THĂM LẠI CĂN NHÀ CŨ



                        

T ừ Paris cái lạnh đã theo tôi tới Sài Gòn. Ra khỏi máy bay tôi được ngay sự đón tiếp nồng nhiệt của cái nóng tháng Tư vùng nhiệt đới.

Sau 15 năm xa cách, Sài Gòn vẫn là căn nhà cũ; đồ đạc, ghế bàn đã được kê dọn lại. Nếu nhìn

Sài Gòn như một người tình, thì nàng đã xiêm y thay đổi và có thể đã bước lầm vào một cửa hàng sửa sang sắc đẹp chưa rành nghề.

Sự ngỡ ngàng của tôi kèm theo chút ngậm ngùi. Song làm sao mà thay lòng đổi dạ chỉ vì bộ quần áo ngủ của người yêu.

Với hai tháng ngắn ngủi, tôi đã dạo bước trên những đường phố cũ, nhìn lại những xóm nhà xưa.

Từ những cái quán quen thuộc, hình như còn vang vọng tiếng bạn bè cười nói. Mỗi bước chân lại khơi dậy bao kỷ niệm. Những góc phố chứng kiến cuộc hẹn hò gặp gỡ. Những ngã ba, ngã bảy ngậm ngùi buổi chia tay trong thời ly loạn.

Sài Gòn vẫn là tên gọi quen thuộc mà khi gọi khác đi, tôi thấy ai cũng có đôi chút ngượng ngùng.

Những con đường cũng đã từng bao lần thay đổi tên gọi. Pellerin, Pasteur, De Lattre; rồi Hiền Vương, Yên Đổ, Duy Tân; rồi Lê Duẩn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi. Nhà thơ và vua chúa, kẻ thực dân, nhà bác học, chính khách lẫn tướng tá. Cuộc thay đổi còn sẽ tiếp nối không ngừng như cuộc sống xã hội. Song vẫn có cái gì vượt ra ngoài mọi danh xưng. Lãng đãng trong tâm tư người dân, không bận tâm đến chuyện đổi thay. Nằm ngoài mọi định nghĩa của những cuốn tự điển và những giải thích quanh co của người làm chính trị.

Tổ quốc, xứ sở, quốc gia, chế độ v.v... vẫn là những gì gắn liền với nền văn hóa không phải tạo nên trong một ngày, mà của hàng ngàn năm lịch sử. Cái lịch sử đã mang dấu ấn của rất nhiều chế độ. Nền văn hóa nếu được hiểu theo ý nghĩa tốt đẹp nhất, chính do sự gạn lọc, kết tinh những gì tốt lành nhất của mọi chế độ mà người dân có thể tự hào về đất nước. Làm gì có đất nước xấu xa?

Khi tôi tới khu chợ Bến Thành trời đã nhá nhem. Dừng lại trước chiếc xe bán trái cây nơi góc đường Nguyễn Huệ, tôi chợt nhìn thấy một cô bé trạc 15, 16 rất xinh đẹp; cô ta liếc nhìn tôi mỉm cười. Ông bán trái cây vội nói khẽ: “Boy, Boy đấy.” Nhớ lại một người bạn cũ nổi tiếng trong vai nữ một vở kịch. Vẻ xinh đẹp mà tôi nhìn thấy ở cậu bé Sài Gòn văn chương gọi là vẻ đẹp bi thảm.

Trời đã về đêm đã bớt nóng nực. Tôi ghé vào một cửa hàng bán tranh gần đấy. Tranh pháo chen chúc nhau phủ gần kín các mảnh tường; đủ các trường phái cổ điển, có hình, trừu tượng, không hình. Ở góc phòng có một người ngồi trước giá vẽ, đang say sưa chép lại bức tranh La Joconde. Bức tranh La Joconde anh ta dùng làm mẫu, cũng chỉ là một bản sao chụp lại. Tôi hỏi giá anh ta nói: “Nếu vẽ bằng sơn tốt, vẽ kỹ 400.000 đồng,”* và nghĩ tôi muốn mua nên nói tiếp: “Bức này tôi đã có người đặt vẽ, tuần sau ông trở lại.”

Nhìn số lượng và phẩm lượng những bức tranh bày bán. Biết bao người đã vẽ để sinh sống?

Bao nhiêu người đã nói vẽ để làm nghệ thuật? Có thể những người vẽ để nuôi thân, như anh chàng sao chép tranh, cũng không nghĩ ra đã phục vụ nghệ thuật một cách rộng rãi hơn.

Trải qua cơn bệnh cúm hơn hai tuần. Khỏi bịnh nhờ sự săn sóc chữa trị tận tâm của vị bác sĩ ở một bệnh xá của phường nhà. Bác sĩ Việt Nam không có được dụng cụ y khoa hiện đại, họ không có máy điện toán để dò hỏi căn bịnh. Họ chỉ có thể hỏi ở kinh nghiệm của chính họ, do đó có rất nhiều trách nhiệm.

Tôi đã tập thích nghi với cuộc sống ở ngay đất nước mình; với bụi bặm, với tiếng còi xe liên hồi, với cái nóng, với nhiều thứ khác nữa. Thật là điều trớ trêu.

Người ta thường nói thích nghi, là thích nghi với cuộc sống ở nơi đất lạ. Có khi còn mở rộng sự thích nghi cả với nền văn hóa khác, như trong lúc người phương Tây nói về đa văn hóa. Ở phương Tây, có những quốc gia sống cùng một nếp sống văn minh, song vẫn cố giữ nền văn hóa của đất nước mình. Ít ai muốn chối bỏ nền văn hóa của nước mình và dù có muốn cũng không thể rũ bỏ như trút bỏ bộ áo quần. Văn hóa lắng đọng nơi con tim, luân lưu trong mạch máu, khắc sâu trong xương thịt.

Dù tấm lòng mình có ưu ái với một nền văn hóa nào khác, thì câu chuyện “Hồn Trương Ba da hàng thịt” đã nói rõ về chuyện thích nghi ngược đời, nghịch lý.

Giấc mơ đại đồng cũng đã có từ lâu. Song Liên Hiệp Cộng Đồng Châu Âu cũng chẳng ai chịu từ bỏ nền văn hóa và ngôn ngữ của xứ sở mình. Thứ ngôn ngữ gọi là Espéranto cũng chết yểu từ lâu. Và cũng chỉ là một ước vọng, như cái tên của nó. Và người ta vẫn phải nói đến chuyện đa văn hóa ...

Thành phố Sài Gòn có nhiều cái mới. Những công viên, những tòa cao ốc, những khách sạn với đầy đủ tiện nghi hiện đại, với đủ loại xe gắn máy tối tân với những bộ y phục thời trang đúng mốt Tây phương. Song cũng vẫn còn những căn nhà ổ chuột, những loại xe đạp xe hơi thời thuộc địa. Cái mới cái cũ sống chung đề huề. Sài Gòn thứ gì cũng có, thượng vàng hạ cám, như một cửa hàng bán đấu giá.

Thứ nhất là không còn phải xếp hàng, lấy hẹn. Đau yếu chỉ một cú điện thoại, có bác sĩ tới ngay. Cần sửa chữa căn nhà, máy thu thanh, truyền hình, có thợ đến ngay trong chốc lát, việc làm chu đáo.

Tôi gặp lại anh bạn người Pháp, bạn đồng hành trên chuyến bay, khi anh ta đang lang thang ở một con đường hẻm gần khu Bàn Cờ. Tôi hỏi anh đi đâu mà lạc vào đây. Anh ta nói: “Tôi đi ăn phở, ở đây có tiệm phở ngon lắm.” Tôi nhìn cái sắc anh đeo theo trên lưng mỉm cười bảo: “Anh có biết ở đây có tiệm phở nổi tiếng không?” Anh cười ngất: “Biết chứ, chỉ có tây ba lô mới thưởng thức được món súp tuyệt vời của xứ sở anh.” Tôi thầm nghĩ: mình trên đất Pháp đã hơn 15 năm, mà chưa biết ở nơi nào có món súp ngon. Quả thật đã thua anh chàng này. Song chắc chắn một điều tôi rành hơn anh về vị ngon của phở. Ai mà có thể biết được điều đó? Rất nhiều người Tây phương đã ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, song để diễn đạt vẻ đẹp ấy họ đã “dành” cho các cây cọ Việt Nam. Nhớ lại ngày tôi rời khỏi đất nước, có anh bạn đến tiễn chân, nhớ lại bài hát anh đã hát cho tôi nghe. Tôi nhận ra một điều: khi lời ca đã trút bỏ được vai trò kí hiệu, chỉ còn lại những âm thanh, tựa bó đuốc đã nhờ sự thiêu hủy để trở thành sức nóng và ánh sáng, sưởi ấm và soi sáng cho con người.

Khi trí óc non nớt của đứa bé chưa thể nhận ra những kí hiệu thì lời ru của mẹ chỉ là những âm thanh, chuyên chở cả một nền văn hóa của dân tộc.

Đêm cuối cùng ở Sài Gòn, tôi thao thức nằm nghe những âm thanh, tiếng rao của hàng quà bánh trong con hẻm tối tăm. Những âm thanh ấy đã nói với tôi về sự hi sinh và quyền lợi. Một chọn lựa khó khăn và cũng khó hiểu đối với những nền văn hóa có cuộc sống văn minh tân tiến nhất.

Sài Gòn mùa nóng 99 - Thế Kỷ 21, số 125 tháng 9 – 1999
Bài viết do chị Nguyễn Thu Trang, em họa sĩ Thái Tuấn gửi tới. Trong Câu Lạc Bộ Thơ Tháng 03 năm 2023 • Năm thứ 1 • Số 7 của Khế Iêm .




VVM.22.2.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com