Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

      

NHỮNG NỖI NIỀM TIẾNG VIỆT (2)


    

T ôi cho sinh viên tự chọn: hoặc đọc, hiểu, học từ theo bài tôi đưa, hoặc tự chọn một bài mình thích, sau đó sẽ trình bày trong giờ thi nói.

Tất nhiên đứa nào cũng tự chọn bài chúng thích.

Thi đầu tiên là Zita, một con bé có đôi mắt to, xanh( thế mới hay!) chỉ nước da không trắng lắm và đôi môi mọng kiểu châu Á hé lộ xuất xứ pha Á của nó.

Zita đọc. Tôi lắng nghe

- em sinh ở miền trung Vietnam?- tôi hỏi.

Nó ngắc ngứ. Chắc chẳng ai hỏi nó điều này.

-Mẹ là người Budapest, em biết chắc chắn.- nó trả lời. Rồi nó hỏi lại tôi bằng tiếng Việt:

-Tại sao? cô giáo

-À, vì em nói tiếng Việt giọng miền trung. Ai dạy tiếng Việt cho em đầu tiên? Bố?

Nó gật đầu.

Tôi hỏi tiếp:

-Tại sao em chọn học tiếng Việt? không phải vì trách nhiệm đấy chứ?

- Không. Chỉ vì lúc đó em chọn muộn quá, không thay đổi được, chỉ còn tiếng Việt…

-Nhưng đây là tiếng mẹ đẻ, tiếng „nguồn” của bố em?

Zita ngước cặp mắt to nhìn tôi và bắt đầu giải thích. Chắc nhiều người đã hỏi nó câu này. Tôi bảo:

-Không sao, tôi chỉ tò mò một chút thôi.

Hồi tháng chín, bước vào lớp tiếng Việt năm thứ nhất, tôi phát cho sinh viên mỗi đứa một tờ giấy trong đó ghi mấy câu hỏi tôi tự nghĩ ra.

Buổi tối về nhà xem lại xấp giấy: không sinh viên nào chọn học tiếng Việt vì lý do”cuộc chiến tranh Việt nam”-dù nghe qua người lớn hay qua sách báo, phim ảnh.

Lý do chọn học tiếng Việt nhiều nhất vì lũ sinh viên này phần lớn học tiếng Trung quốc và chúng nghĩ rằng nước Việt nam nằm ngay bên cạnh cái đất nước khổng lồ đó, ngôn ngữ có thể có gì giống nhau chăng.

Và bởi thế điều kinh ngạc đầu tiên là tiếng Việt viết bằng chữ cái latin.

Zita đi ra, chưa khép xong cửa, Lilla đã bước vào. Cô sinh viên xinh đẹp này lúc nào tóc cũng rũ xuống , che lấp môt nửa khuôn mặt dài và gần như lúc nào tôi cũng chỉ nhìn rõ đúng một mắt của nó.

Cô bé này có vẻ thông minh, có vẻ học rất nhanh, nhưng nó có một đặc tính kỳ lạ: thỉnh thoảng đang giữa giờ học, nó ngủ. Mắt nhắm lại, tóc rũ xuống mặt, đầu nó đột nhiên gục một cái, rồi lại ngẩng lên, khiến tôi hết sức ái ngại, không biết nên làm gì với nó bây giờ?

Một lần tôi gọi, nó mở mắt và không hiểu tôi đang hỏi gì, giảng gì, tôi cho nó ra ngoài. Cho đến một hôm, vừa bắt đầu giờ học, cơn buồn ngủ của nó chưa kịp đến tôi gọi nó đọc. Nó đọc cực kỳ tồi tệ. Tôi rất ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ rằng Lilla biết nhiều lắm. Nó chuẩn bị rất nhiều thứ những đứa khác không có: in tài liệu từ net, lấy đâu ra một cuốn từ điển Anh-Việt bé xíu, còn khoe có cả CD tiếng Việt nữa.

Thêm vài lần kiểm tra, tôi bắt đầu vỡ lẽ: nó ngủ gật vì sợ cô giáo gọi đọc. Phát hiện này khiến tôi rất buồn cười: té ra con người đúng là” không thể chui ra khỏi bộ da của mình”-Như một câu ngạn ngữ Hung-hoặc như tôi thường nghĩ: hiểu đến đâu sống đến đó.

Tôi bèn „thử” Lilla bằng cách hỏi:

-Nếu đi thi em cũng ngủ như vậy, em bị điểm xấu thì sao?

Nó biện bạch vì tiếng Trung có những trọng âm na ná tiếng Việt nên nó cứ nhầm lẫn, rồi, nó không đủ thời gian để học tiếng Việt vì….vì…

-Nhưng em thích điểm tốt hay điểm xấu?-tôi vẫn gặng hỏi

-Em cần điểm tốt, vì học bổng của em phụ thuộc vào đó.- Lilla trả lời thẳng, lúc này mắt nó mở to và rành rành trên khuôn mặt là cả con hai mắt xanh biếc tỉnh táo, mái tóc lúc nào cũng rũ rượi giờ vén chặt bên tai

Tôi lại thấy buồn cười trong lòng. Con người kỳ quặc thế đấy, cứ thích làm như mình muốn và đòi hỏi người khác phải hiểu mình . Tôi định nói một câu nhận xét, nhưng đột nhiên gìm nén lại, vì tôi biết tôi sẽ nói câu nói đó với ai.

Với cô sinh viên "cưng” của tôi. Mỗi khi cô bé bước vào lớp, như thể mang theo ánh nắng mặt trời, mọi vật bừng sáng, tiết học bừng sáng, tôi sung sướng, cô bé cũng sung sướng, và chúng tôi lập tức hiểu nhau ngay vì sung sướng.

-Em có một tâm hồn Việt!

Tôi nói với Rita, cô bé có cái mũi hếch nghịch ngợm, mái tóc lượn sóng đổ tràn trên vai nhún nhẩy mỗi khi cô tung tăng bước, cặp giò dài nhanh thoăn thoắt.

Cần phải yêu mến trước nhất, điều mình định làm. Lúc đó ngoại ngữ sẽ biến thành sinh ngữ, em và cô giáo sẽ trở thành một đôi bạn, thành những người đang cố gắng tìm cách đến gần nhau hơn.

Để ngày bừng sáng, phút giây bừng sáng, để lý do tại sao tôi và em bất ngờ đụng phải nhau đúng ở góc này trên trái đất này, khoảng thời gian này, lại trở thành một cái gì đó tất yếu như hơi thở.

Để hiểu tiếng nguồn của cô đúng bằng cô cố gắng hiểu và sống trong tiếng nguồn của em khi chúng ta đang ở cạnh nhau. Đúng không?

Rita đọc tiếng Việt bằng một giọng trong trẻo và hết sức nhẹ nhàng, những cái dấu khác nhau trong cách phát âm của cô tưởng chừng biến thành những nốt nhạc. Tôi thường không nhìn Rita khi cô bé đọc, tôi nhìn ra cửa sổ, đôi khi một vài chiếc lá bay vèo sau lần cửa kính, đôi khi lấm tấm một vài giọt mưa.

-Rita, em thử ngẫm nghĩ lời đề nghị của cô xem- tôi nói.-Em có thể trở thành cô giáo dạy tiếng Việt sau này, hoặc một nhà dịch thuật, hoặc làm một cái gì đó có liên quan đến tiếng Việt. Bởi vì cô nhìn thấy em có khả năng làm việc đó. Em và tiếng Việt hình như đã gặp nhau…

Rita ngẫm nghĩ. Vài tuần sau cô bé viết mail cho tôi: „cô giáo ơi, em sẽ trở thành cô giáo tiếng Việt.”

Tình cờ, tôi tìm được một chân”gia sư” cho cô. Nhiều gia đình người Việt ở đây, bố mẹ không biết tiếng Hung, còn con cái không biết tiếng Việt. Sự khập khiễng của một nền văn hóa nửa”ăn đậu ở nhờ” nửa hội nhập bắt buộc trên đất người của dân Việt nam sau một cuộc chiến là một đề tài khác, không kém phần ly kỳ và rắc rối.

Rita rất chăm chỉ, và tất nhiên : có một cái gì đó thiên phú trong sự phù hợp của cô với ngôn ngữ Việt, khiến cô học như chơi, mà vẫn giỏi nhất lớp. Tôi luôn luôn nhìn thấy cái hồn dân Việt trong cô bé, hay đúng không nhỉ? từ hai loại ký hiệu khác hẳn nhau, nhưng lại có gì đó giống nhau: tiếng Hung và tiếng Việt, tôi và Rita chạm vào hồn nhau?

-Nói khẽ và khe khẽ là thế nào cô giáo?

-Khe khẽ vừa là động tác ( trạng từ) vừa là tính từ …

-A, em hiểu rồi…

Dạy Rita nhẹ nhõm và vui thích bao nhiêu, dạy Anna khổ sở bấy nhiêu. Anna chăm chỉ nhất lớp, viết đẹp và đúng nhất lớp, nhưng cô bé này tuyệt vọng vì đọc.

Khi nó đọc bài tiếng Việt tự chọn, tôi không hiểu tý gì. Rất chăm chú nghe, nhưng thứ tiếng Việt bị tước dấu hoặc đánh tráo dấu, hoặc biến hoàn toàn thành dấu sắc này khiến tôi có cảm giác mình đang ăn một món cá( hoặc thịt) gì đấy toàn sụn, nghĩa là cứ trầy trượt, bì bõm…

Đột nhiên Anna đọc nổi một câu khiến tôi bỗng hiểu: „…nhưng hai cân bún thì nhiều quá…”

Tôi phì cười. Khổ thân cả hai: tiếng Việt ơi! Anna ơi!

Một lần, nghe nó đọc xong tôi buột miệng: „ phát âm tất cả các dấu của em đều sai”. Anna xô ghế đứng dậy, chạy phắt ra ngoài. Một lúc sau tôi cho một bạn học đi tìm, lôi về một con bé khóc sướt mướt, mắt mũi đỏ như tôm luộc, thật tội nghiệp.

Cuối giờ, tôi bảo Anna đợi. Rồi dắt nó đến cửa hàng một người Việt nam trong thành phố:

-Đây, bài tập về nhà của em đây: hãy nói tiếng Việt với vợ chồng bác này đến khi nào cả đôi bên hiểu nhau thì thôi.

Xong tiết thi ở trường đại học, tôi đi vào phố.

Bỗng có tiếng chuông điện thoại. Tôi bấm mobil:

-Mày đang ở đâu đấy? Thế thì gần chỗ tao rồi, đến đi, tao đợi. Tao đang mệt rũ rượi. Tao đợi.

Tôi đến. Một người bạn học cũ đang ngồi trong quán cafe, mặt mũi phờ phạc, quần áo xốc xếch.

-Mày đi đâu về mà kinh thế?

-Cả đêm đi lùng bắt bọn trồng thuốc phiện. Làm cho cái bọn công an mệt bỏ mẹ, nó gọi lúc nào phải đi lúc đấy. Mày muốn đi làm cho chúng nó không?

-Không.- Tôi trả lời ngay.

-Mày biết không, mệt kinh người, toàn loanh quanh loanh quanh. Chúng nó nói dối như thật ấy.

-Ai?

-Cái bọn trồng thuốc phiện ấy.

-Thì cũng giống hồi tao đi dịch thuê trong trại tị nạn- tôi bảo- rõ ràng lão đấy bán ngoài chợ, tao lạ gì, cũng gọi là quen nhau lâu rồi, không đủ giấy tờ, bị bắt vào trại, lúc bọn công an hỏi khai là người Thượng vượt biên…

-Mày cũng dịch thế à?-người bạn tôi hỏi

-Không dịch thế thì dịch thế nào?

-Thì đây: cái bọn trồng thuốc phiện nó khai như thật, kể từng ly từng tý, tao còn tin là trước đây một tháng nó đang ở Việt nam. Đến khi bọn công an lấy vân tay mới biết chúng nó lại chả ở sắp chục năm ở đây rồi ấy à. Thôi, tao đi về đi ngủ đây, mệt bỏ mẹ, mệt cả vì sự dối trá, toàn bọn dối trá..

Chúng tôi chia tay nhau. Chưa về đến nhà, chuông điện thoại réo:

- Ừ , sao đấy? có chuyện gì?

- Ông M. ở chợ treo cổ chết rồi. Hôm qua.

- Tại sao?

- Không biết. Chỉ thấy bảo để lại di chúc nhớ đưa ông ấy về Việt nam chôn.

Tôi tắt mobil.

Mùa đông, thành phố sầm sập tối ngay từ sẩm chiều. Những bóng người sùm sụp áo mũ khăn vội vã bước thật nhanh.Lá khô vương vất lăn nốt trên đường đá trắng, vài con quạ ngơ ngác bay từ những cành cây khẳng khiu xuống bãi cỏ trơ trụi.

Từ đâu vương đến trong đầu một câu trong một bài hát Việt:”Ai ơi sống gửi thác về…”

Về đâu? Tiếng nguồn?

Budapest. 2011-12-09




VVM.15.3.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com