Theo bố vượt cầu
Hè năm ấy, trời nóng như đổ lửa. Hà Nội hầm hập như trong nồi hơi. Nước mất, phải vét từng giọt, điện cúp cả ngày lẫn đêm. Nóng hơn cả là tin từ mặt trận Điện Biên. Cả ngõ tôi kháo nhau: “Ra đầu cầu hay lên nhà thương Đồn Thủy mà xem lính Tây bị thương ở Điện Biên thảm hại lắm.” Bố tôi chở tôi, đạp xe ra đầu cầu. Lần đầu tiên tôi được đến chân cầu. Cảm giác đầu đời của tôi về cây cầu sắt này là choáng ngợp. Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy cây cầu nào to như thế. (Ở Hà Nội tôi mới chỉ biết cầu Thê Húc bằng gỗ sơn đỏ bắc vào đền Ngọc Sơn.) Cây cầu sắt thật hùng vĩ ngợp tầm mắt của tôi, đứa trẻ mới lên sáu, lên bảy. Quanh cầu còn chăng dầy đặc dây thép gai. Lính lê dương mặt mũi đen sì, răng trắng nhởn, đầu đội mũ sắt, súng ống đầy người, tay lăm lăm dùi cui. Bố tôi dắt xe đạp đưa tôi lên cầu thì bị đám lính Tây chặn lại. Chúng cấm không cho ai qua lại vì cây cầu lúc này chỉ dành để chở lính Tây sang sân bay, lên Điện Biên nhảy dù tiếp viện và chở lính bị thương từ Điện Biên về điều trị. Thế là tôi mất một cơ hội được vượt cầu. Lúc ấy, tôi mong mỏi lắm có ngày được đứng giữa cầu, để xem cái cầu nó lớn ra làm sao.
Phải mấy năm sau khi thủ đô được giải phóng, tôi mới thỏa mong ước.
Năm ấy, ra Tết, trời mưa phùn và lạnh. Bố tôi cho hai chị em tôi đạp xe cùng bố sang Gia Lâm, tới Bắc Ninh xem hát quan họ. Tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì được đi chơi xa nhưng lo vì tôi chỉ mới biết đi xe đạp, ra đường còn chập choạng.
Hôm khởi hành, mẹ tôi dậy sớm làm cơm nắm kèm chút muối vừng cho ba bố con ăn trên đường. Đến đầu cầu, tôi gò lưng đẩy xe lên dốc và cố gắng bám sát bố tôi. Đường trên cầu thì trơn, thỉnh thoảng lại gặp những tấm ván gập gềnh, phải gắng hết sức để không bị trượt. Đến những điểm lòng đường được mở rộng cho xe tránh nhau, bố tôi lại cho hai chị em dừng lại nghỉ chân, ngắm cảnh Hà Nội từ giữa sông Hồng. Tôi sung sướng khi nhìn thấy từ xa xa cái tháp của nhà máy nước đá, cái nóc nhà Bác Cổ và cả những cánh buồm nâu tít dưới mạn Phà Đen…
Sang Từ Sơn, Bắc Ninh xem hội, lần đầu tiên tôi được ăn cái bánh khúc bọc lá rất lạ miệng, được xem cảnh trai gái đánh đu, rồi cảnh các anh các chị, các bà các cụ hát đối...
Chiều về, lại một lần nữa qua cầu, nhưng lần này tôi đã mạnh dạn hơn, đạp phăng phăng, chẳng mấy chốc đã về tới nhà. Tôi sung sướng vì mình đã vượt được cầu sông Hồng sang tận Bắc Ninh. Hôm sau đến lớp, tôi khoe thành tích. Lũ bạn mở to mắt nghe chuyện, khối đứa ganh tỵ.
Những chuyến thám hiểm
Mỗi dịp hè về, lũ bạn tôi lại được bố mẹ cho về quê thăm ông bà, họ hàng. Từ quê ra, chúng nó khoe nào là đi thả diều, cưỡi trâu, nào là bẻ ngô, đào khoai nướng ngay ngoài đồng, rồi thì ôm thân chuối tắm sông thỏa thích... Tôi thèm lắm!
Quê tôi ở ngay nội thành Hà Nội. Hà Nội thì chỉ có phố, có nhà và đường nhựa. Làm gì có đồng ruộng mà chăn trâu. Tắm sông Hồng thì bố tôi nghiêm cấm. Vả lại tôi thấy dòng sông đỏ ngầu chảy cuồn cuộn cũng đủ khiếp rồi, chẳng dám mon men lội xuống.
Thế nhưng bãi giữa sông Hồng thì là nơi lũ nhóc chúng tôi đã thỏa thuê thám hiểm, chơi đùa trong suốt những kỳ nghỉ hè của thời thơ ấu. Chúng tôi thường rủ nhau ra đê Bác Cổ, trèo lên cái khẩu đại bác cũ nhưng vẫn còn quay tròn được, đứa leo lên ghế, đứa đu lên nòng, thay nhau đẩy quay tròn như những pháo thủ thực thụ, vui đáo để. Đu chán, chúng tôi rủ nhau theo đê lên đầu cầu rồi sang bãi nổi ở giữa sông. Trên cái bãi nổi này, hồi ấy, có một làng nhỏ với những nếp nhà tranh, có hàng rào trồng cây chua me, có nhiều bụi tre xanh mát chạy dọc đường làng cát mịn thơm mùi hoa bưởi mỗi độ hè về. Quanh bãi là những cánh đồng ngô xanh mướt. Sang đấy, chúng tôi bỏ guốc dép, chân đất mát lạnh, băng băng qua làng rồi chạy dọc theo bãi cát hướng đầu nguồn. Đi mãi đi mãi mà chẳng thấy hết bãi. Chúng tôi lại chạy ra chỗ mép sông, nước lặng, những hạt cát óng ánh hắt lên, bên dưới nước trong vắt, có lũ nòng nọc tung tăng. Chẳng biết lớn lên chúng là ếch, là nhái hay là cóc nữa? Cả lũ nằm dài ngắm mây trắng bay trên bầu trời xanh lồng lộng rồi kéo nhau đi moi những củ khoai lang dưới những đám khoai mọc hoang, vỏ tím hồng, bé tí tẹo, đem rửa qua nước sông rồi ăn sống.
Ra mép sông, có thằng bé trạc tuổi bọn tôi, mình trần trùng trục, lưng đen bóng, tay cầm cái cần câu bé tí, ngang lưng buộc sợi dây để giữ cái ống nứa. Thằng bé lấy lưỡi câu nhỏ xíu, cầm cái que móc thứ gì sền sệt trong ống nứa ra, quệt vào lưỡi câu rồi thả theo dòng nước. Chốc chốc lại thấy giật tanh tách, xâu cá cứ ngày càng dài thêm. Tôi xin câu thử nhưng chờ mãi chẳng được con nào. Hỏi mới biết, hóa ra mồi câu chính là phân tươi.
Sau này, sinh hoạt Đội thiếu nhi, chúng tôi thỉnh thoảng cũng tổ chức đi bộ qua cầu, ra bãi giữa vừa để tập cắm trại vừa để họp Đội luôn thể. Còn nhớ lần ấy, cậu Kiên cùng phân Đội với tôi, khi đi trên cầu đã vô tình nhổ bãi nước bọt xuống đám ruộng ngô ở bãi giữa. Thế là trong buổi sinh hoạt Đội hôm ấy, Kiên bị cả Đội lôi ra kiểm điểm về hành vi thiếu văn hóa. Ngày đó, chỉ nhổ bãi nước bọt không đúng chỗ cũng đã bị lôi ra “cạo” ác liệt lắm. Có ai dám vứt rác, thậm chí còn phóng uế bừa bãi cả trên lẫn dưới cầu như bây giờ đâu!
Đất nước chiến tranh, lớn lên, lũ chúng tôi mỗi người một ngả, ở nơi xa xôi, nghe tin giặc Mỹ ném bom gẫy cầu Long Biên mà lòng đau như xát muối. Ôi cây cầu tuổi thơ của tôi!
Thời gian ấy, bom đạn dội xuống cầu Long Biên bất kể giờ giấc. Mẹ tôi, chị tôi làm trong ngành giao thông, túc trực bên đầu cầu phao sông Hồng. Bố tôi, anh em chúng tôi thì mỗi người một nơi. Tối đến nghe tin chiến sự, cứ thấy tin giặc Mỹ ném bom cầu Long Biên là tim thót lại, cả đêm trằn trọc lo âu, nhớ mẹ thương chị…
♣ ♣ ♣
Khi con tôi lên bảy, nhớ lại chuyện xưa, tôi cho nó theo bố qua cầu Long Biên như bố đưa chị em tôi lần đầu tiên đạp xe vượt cầu ngày nào. Cây cầu mới được sửa lại sau chiến tranh nên đường cũng gập ghềnh hơn. Thằng bé thích thú lắm nhưng nó thích thú như được đi chơi công viên vậy thôi, chứ không có niềm vui của đứa trẻ được say sưa khám phá cây cầu khổng lồ như tôi và đám bạn thuở trước.
Tôi nay đã có cháu nội. Sinh nhật cháu lên bảy, tôi tặng nó cái xe đạp. Xe mới, để cả năm trời mà con bé cũng chưa biết đi. Tôi giận bố mẹ nó, phàn nàn: “Sao các con không cho cháu tập đi xe đi?” Mẹ nó bảo: “Cháu còn phải học Anh văn, phải học thêm...” Nghỉ hè mà con bé chẳng được đi đâu. Cháu tôi vẫn chưa biết cầu Long Biên là thế nào. Có chăng chỉ thấy trên ti vi.