Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


GIÓ NỘI HƯƠNG ĐỒNG




Đầy vườn hoa lan hoa cúc
Đầy trăng áo mỏng khoe tà
Xuân là những gì đẹp nhất…

V âng, mùa xuân là mùa của tình yêu, của sum vầy, của hạnh phúc dâng trào và khát khao bất tận.

Trên cánh đồng xuân hoa bướm hân hoan giai điệu ân tình cũng là lúc nhà nhà quây quần bên mâm cỗ Tết. Ly rượu tràn câu chúc. Chúc nhau trẻ mãi già lâu, khương ninh trường thọ, tấn lộc tấn tài…Câu nào cũng trúng ý gia chủ cả bởi ai mà chẳng ham sống, ham giàu, ham vợ đẹp con ngoan…

Thật tình thì không ai chúc cho đất nước mạnh giàu cả trừ những người lính còn đang dãi dầu sương nắng xây dựng thanh bình nơi biên trấn xa xôi, nơi đầu mây chân sóng hay bản vắng buôn sâu, núi thẳm rừng ngàn…Lời chúc đó là chân tình dẫu không trà ngon, rượu quý. Họ là những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, nhiệt huyết ngang trời. Sự nghiệp công danh chưa có gì ngoài hai bàn tay trắng.

Nhớ ngày xưa cùng trang lứa với trẻ lên bảy lên mười, Tết đến xuân về là dịp để khoe áo mới, để nhận những phong bao lì xì đầy ắp niềm vui. Đó là những “ cụ ông, cụ bà ” tuổi chín tuổi mười, đầu chít khăn điều, áo the thâm, guốc mộc, hài văn…Trông đĩnh đạc đến dễ thương làm sao. Những hình ảnh đó lần đầu gặp hẳn là ngộ nghĩnh với đủ lời khen chê nhất là khi đất nước vừa mấp mé thoát nghèo, đặt chân lên thềm mở cửa…

Có những làng quê “ mong cho tới Tết dựng nêu ăn chè ” đã không còn. Nêu là cây tre trồng trước nhà hay sân làng dịp Tết Nguyên Đán để đuổi tà với vài ba nhánh mứt, nắm xôi, chén chè…không có gì phải thòm thèm. Làng quê bây giờ làm gì có tà ma để đuổi nên cây nêu cũng không còn. Trẻ em bây giờ, phần đông không biết cây nêu là gì. May mà còn cụ Google.

Ba ngày Tết trẻ em hầu như chẳng ăn gì bởi thứ gì chúng cũng đã ăn, đã ngán. Bù lại thời tôi, thời chân đất đầu trần, áo cánh quần cụt, ngày Tết thật sự là ngày sung sướng nhất. Mong khách đến nhà mình không phải những phong bao lì xì là chính mà vì khi cha mẹ ông bà tiễn khách ra ngõ là dịp tốt nhất để quơ ùm bà lằn thứ gì có trên mâm bánh mứt. Dúi vào miệng vào mồm vào túi…ngấu nghiến cho nhanh kẻo lại ăn đòn.

Tết ở phố buồn lắm. Nhà cao cổng kín. Tết của họ là bà con họ hàng, đồng nghiệp …thoáng đến thoáng đi…

Tết ở quê mới thật là Tết. Tết cả làng, sang cả họ. Mồng một đi chùa đi lễ, nhà cha nhà mẹ nhà thầy…Mồng hai, mồng ba dành thăm làng trên xóm dưới, kẻ trong người ngoài chẳng nơi nào thiếu bởi người làng ai cũng biết nhau, quen nhau…Tới nhà nào thì kéo thêm chủ nhà đó kết thành đoàn người du xuân có trật tự. Đi đầu là ông trưởng làng, phó làng…cuối cùng là ông lí nhí rộn rã tiếng nói tiếng cười. “ Nam vô tửu như kỳ vô phong ” không rượu thì xụi lơ chẳng đáng mặt anh hùng tí nào. Nhà ít rượu thì uống bằng cái nắp ken. Chút xíu vậy nhưng say bí tỉ đấy. Chớ dại mà xem thường. Thử đi là biết. Bốn tên uýnh không hết vài chai bia đâu.

Như một quy luật, bánh tét bánh chưng chỉ ngon trong những ngày cuối năm còn mồng một mồng hai mồng ba Tết thì chẳng mấy ai muốn đụng đũa vào. Có chăng là cá kho canh cải mắm đồng…Nghĩ cũng cắc cớ thật.

Mắm đồng….Ôi cái mùi khủng khiếp với ông Âu bà Mỹ lắm lắm nhưng với ta sao mà yêu đến thế, sao mà đậm đà đến thế. Không có thì mâm cao cỗ đầy cũng chẳng ngon lành gì. Cái mùi ấy là đặc sản quê choa mà.





VVM.24.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com