Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




NGƯỜI KHÁCH BẤT ĐẮC DĨ
VÀ CÔ GÁI NHÀ NGHỈ



     B ất chợt ông thấy mình đang nằm trên cái ghế đệm tại phòng Karaoke kín mít bốn bề. Chúng đã dìu ông từ buồng ăn vào đây? Hay khiêng? Ông muốn hỏi nhưng không thấy một bóng người. Chỉ nghe loáng thoáng tiếng nhạc buồn nỉ non. Và thứ ánh sáng xanh ảo phủ khắp căn phòng.

Mẹ kiếp, chúng biết ông vốn không ưa rượu bia, vậy mà cứ đua nhau chuốc. Đúng hơn là, chúng ép ông phải uống. Vì nể, lúc đầu ông nhấp tý một. Khi ngà ngà say, ông dám cả gan nhận chấp "năm chục phần trăm". Rồi "trăm phần trăm" không biết bao nhiêu lần. Dẫu có chết, sợ đếch gì. Ông cao giọng: "Trước kia tớ đối đầu gần trăm trận, bom đạn Mỹ không tróc nổi một vẩy da; chẳng lẽ bây giờ chết bởi những cái chai vớ vẩn này thì vô lý quá!" - "Quả là vô lý anh nhỉ?" - tiếng cô gái thỏ thẻ phả hơi ấm vào tai ông. Liền đó cô thả ngực chạm vai ông, rót tiếp một vại bia đầy có ngọn: "Em mời anh!". Ông nghiêng đầu nhìn tận mắt cô gái, nói: "Này cô bé, xin đừng cố nhầm. Hãy gọi là ông cho đúng!". Không có lời thanh minh. Chỉ thấy tiếng cười oà tràn khắp căn phòng. Không riêng ba cô tiếp viên, mà cả hai người bạn ông cũng ngả nghiêng cười. Cười. Uống. Uống. Cười. Quấn quyện nhau đến mức chả còn giới hạn khách - chủ là gì nữa. Cho tới khi bạn ông và hai cô gái, từng cặp, chúng mớm uống mớm ăn cho nhau thì ông gục hẳn. Còn nôn oẹ thốc tháo mấy lần.

Giá ông đừng nhận lời mời của chúng!

Nghe tin ông có nỗi buồn, chúng tới thăm. Rồi kéo ông đi. Đi cho nó giải sầu. Nằm bệt tại nhà thì khoẻ cũng thành người ốm, thủ trưởng ạ! Đúng vậy. Những ngày qua, ông thấy mình bải hoải khác thường. Ít ăn. Kém ngủ. Bởi quanh chuyện ông bị ép phải về hưu. Về hưu trước tuổi. Mà không vì nguyên nhân sức khoẻ hay thiếu trách nhiệm trước công việc. Cứ để ông giữ chân bảo vệ thì mọi thủ đoạn trộm cắp tài sản ở cái kho này khó bề trót lọt. Chúng gồm kế toán, thủ kho, lái xe, thì đã rõ. Và còn ai nữa núp phía sau. Nhất định kẻ ấy phải giữ quyền thế cao hơn. Câu hỏi chưa được giải đáp chính thức, song dư luận trong Công ty cho rằng: Nhất định có!

Riêng năm rồi, hai lần ông phát hiện lũ chúng chuyển hàng lên xe vượt trội hoá đơn xuất kho, tính ra tiền xấp xỉ một trăm triệu đồng. Để có một trăm triệu đồng, ông phải làm việc tới hai mươi năm - so mức lương mình đang hưởng. Cần rành rẽ như thế mới thấy một trăm triệu đồng là quá lớn. Vậy mà không ít người coi những vụ tham nhũng dăm bảy trăm triệu đồng chẳng đáng để tâm. Có thể lâu nay họ đã quá quen tai nghe những vụ lừa đảo hàng mấy tỷ đồng, mấy chục tỷ, đến mấy trăm tỷ, luôn luôn xảy ra trên khắp mọi nơi. Không quyết ra tay diệt trừ tình trạng tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp, đang trở thành quốc nạn, thì hậu hoạ sẽ là khôn lường. Anh cướp được thì sẽ tới lúc tôi có thể cướp. Người trên cướp được thì kẻ dưới dám cướp. Như thế, nó không chỉ cản trở phát triển kinh tế, mà còn có nguy cơ làm suy đồi nền đạo đức xã hội. Khi đạo đức đã suy đồi thì việc phục hồi sẽ khó khăn, gian nan gấp bội công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế.

Một lần tại cuộc họp, ông đã phân tích như vậy. Nhiều người khen ông lý luận hoàn toàn đúng và tỏ ra sắc sảo. Nhưng người ta lại cười ồ ngay lúc ông phát biểu ý kiến. Thật là trái khoáy! Thì thời buổi này thiếu gì sự trái khoáy. Sờ sờ ngay nơi ông làm việc đấy thôi. Không ít kẻ tham nhũng, trộm cắp, với đủ chứng cớ rành rành vẫn cứ ngang nhiên tồn tại. Còn ông là người tận tâm với nhiệm vụ, không để thất thoát tài sản công thì bị đào thải. Đào thải bằng sức ép phải về hưu.

“Dù sao thì sự việc cũng đã xảy ra như thế rồi. Cần quên béng nó đi!”. Không chờ câu trả lời, hai người bạn ông lại nói: "Nếu anh muốn làm việc, chúng em sẵn sàng bố trí ngay ngày mai cho anh. Lương tháng gấp hai mức lương cũ. Có anh bảo vệ, chúng em như vớ được thần giữ của." - "Các cậu đừng bốc tớ." - "Gần chục năm sống chết bên nhau, chúng em lạ gì anh nữa!" - "Thời chiến tranh khác. Bây giờ khác.". Trọng cười hề hề: "Anh bảo khác theo nghĩa gì cơ? Xấu ấy à? Nếu vậy thì… chỉ phía chúng em khác một chút thôi. Còn anh, chắc chắn không rồi.”. Bình phụ hoạ: "Em cũng nghĩ như thằng Trọng đấy, anh Hà ạ!".

Ông đảo mắt nhìn khắp căn phòng. Chúng biến tất đâu rồi. Chúng định mời ông làm việc thật ư. Thế cũng tốt. Dù chúng có xấu đi một chút thì, đấy là chuyện của chúng. Chúng tự chịu trách nhiệm. Cả sự chàng màng trai gái, ông kệ thây. Còn lừa đảo ăn cướp, ăn cắp, nếu đủ tang chứng, ông chẳng tha đâu. Đừng có ỉ vào tình nghĩa đồng đội ngày trước nhé. Các cậu nhớ nhé!

Các cậu! Mình sẵn sàng coi nhà giữ của cho các cậu đấy. Chẳng khách khí gì đâu. Ngày trước mình là thủ trưởng các cậu, nay làm lính các cậu, đều là sự thường tình ở đời. Chỉ e, mình nay không đáng để các cậu gửi gắm niềm tin mới là sự lạ. Cảm ơn các cậu vẫn hiểu mình, tin yêu mình. Mình có thể bám trụ ngày đêm tại Công ty các cậu. Sớm tối không cần về nhà. Có điều, cấm các cậu nhắc đến chuyện tìm kiếm vợ cho mình. Ai lấy mình sẽ chịu khổ cả đời họ thôi. Chẳng lẽ vợ chồng chỉ có ý nghĩa là "góp gạo thổi cơm chung" à?

Cánh cửa phòng hé mở. Cô tiếp viên bước vào, ngồi ghé ghế ông nằm. Ông liền nhắm mắt như vẫn đang trong cơn say bia rượu. Cô đặt bàn tay lên trán ông, hỏi nhỏ: "Anh mệt lắm à?". Ông im lặng. "Em xoa bóp cho anh nhé. Khoẻ ngay thôi ấy mà!". Hai bàn tay cô vừa lần sờ khuôn mặt, cùng với cái hôn đặt xuống môi ông, khiến ông ngồi bùng dậy. Ông không nỡ đẩy mạnh cô gái, vì e như thế là hành động thô bạo. Cô lại nghĩ đó là sự phản kháng giả vờ, nên tiếp tục đánh thức bản năng nam tính trong ông. Cô níu kéo bằng cả vòng tay ôm ấp, cốt chà sát bộ ngực trần lên khắp mặt ông. Cả với cái giọng ỏn ẻn nũng nịu đầy thúc giục: "Anh… kìa anh!". Không thể cứ ngồi yên câm lặng như tượng gỗ được, ông gỡ vòng tay cô gái, nói như ra lệnh: "Hãy buông tôi ra!”. Giọng sắc lạnh cùng sự dứt khoát chống trả của đôi tay ông, khiến cô gái buộc phải tuân theo. Tuy nhiên, cô không ngồi tách hẳn ông. Vẫn ngả ngón cái đầu chạm nhẹ vào người ông. Cả giọng nói đứt gãy nhằm lấp liếm nỗi trơ trẽn chới với: "Nhưng… em… yêu anh". Ông muốn cười thật to, mà không nỡ. Làm gì có tình yêu nơi quán xá. Ở đây chỉ có mua bán dâm thôi. Ông lên tiếng: "Điều cô nói chẳng thể lọt tai tôi.". Không đợi câu trả lời, ông nhắc lại: "Lúc ngồi ăn, tôi đã nói với chính cô: Hãy gọi tôi là ông!". Cô gái mau lẹ trả lời: "Anh ạ, với nam giới thì bất kể lứa tuổi nào đã vào đây, chúng em đều gọi là anh. Chủ chúng em quy định vậy mà." - "Ra là thế! Được rồi, cho qua ý đó. Hãy nghe tôi nói tiếp: Cô vừa bảo cô yêu tôi. Vậy nếu tôi cưới cô làm vợ, cô có thuận không? Tôi tự biết cô "không" rồi, khỏi cần đáp. Còn tôi tới đây cũng không vì mục đích tìm tình yêu. Càng không phải để mua dâm. Trước nay, tôi không mảy may có ý nghĩ mua dâm bao giờ. Quan hệ chăn gối giữa tôi với đàn bà, dứt khoát phải xuất phát từ tình yêu. Nên cô đừng mất thời giờ mồi chài tôi nữa. Tôi sẽ không thể nói năng từ tốn mãi được. Khi tôi buộc phải khùng lên, e rằng cô bị xúc phạm. Đó là điều tôi không hề muốn xảy ra… Thế này nhé! Lúc này tôi còn đang rất mệt, nên cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi. Xin được tôn trọng ý muốn của tôi. Tôi hoàn toàn không đòi hỏi gì khác ở cô. Nhưng tôi sẽ trả công xứng đáng cho cô.". Liền đó, ông đặt vào tay cô gái tờ giấy năm mươi nghìn đồng. "Nhưng em được phân công chăm sóc anh cho đến khi các bạn anh đón cơ mà." - "Biết tôn trọng lời yêu cầu của tôi tức là cô đã làm tròn phận sự chăm sóc tôi rồi đấy. À mà, các bạn tôi biến đâu cả rồi?" - "Dạ. Anh Trọng, anh Bình đang nghỉ trên lầu ba. Hay, em mời anh qua buồng nghỉ" - "Khỏi cần. Nằm tạm thế này thôi. Hẳn không sao chứ?" - "Dạ. Không sao. Phòng này các anh đang thuê ạ." - "Vậy cô có thể ra ngoài được rồi." - "Em cảm ơn anh. Nhưng…" - "Nhưng cái gì nào?" - "Bỏ mặc anh, bà chủ sẽ trách mắng em không biết lôi kéo khách và… cúp tiền công" - "Vậy cô có thể cứ ở yên trong này. Hãy chọn cho cô một chỗ ngồi thích hợp." - "Tức là em phải ngồi xa anh?" - "Không hẳn. Miễn là cô bảo đảm sự yên tĩnh cho tôi." - "Em hứa. Thế anh có cần thay băng nhạc để yên tĩnh hơn không?" - "Hãy bỏ thứ ẻo lả rầu rĩ ấy đi. Âm thanh thì nhè nhẹ hơn chút nữa.". Cô gái thay băng đến ba lần mà lời ca vẫn không như ý ông. Vẫn cứ là: "… Em như gối mỏng - Cho anh ôm em vào lòng… Anh như giấc ngủ - Ru em một lần… Tình ơi… Dù sao đi nữa - Xin vẫn yêu nhau…". Có lẽ những nơi như thế này chỉ dùng loại băng nhạc này. Ông không thích, nhưng nó hợp "khẩu vị" số đông khách chơi. Ông chỉ là loại khách "bất đắc dĩ" của nhà hàng. Mà chính ông cũng "bất đắc dĩ" xuất hiện tại đây. Lần đầu và nhất định phải là lần cuối trong đời ông.

Không muốn cô gái phải mất thêm thì giờ vào việc tìm kiếm chẳng cần thiết, ông bảo tắt băng nhạc. Lúc này, chẳng loại nhạc nào ru ông vào giấc ngủ được. Rỉ rả cái thứ nhạc ái tình rầu rĩ thì chỉ làm khổ đầu ông. Hẳn cũng bởi những băng nhạc mang lời ca như thế này, tựa thế này, đã góp phần làm tan nát gia đình ông.

Vợ ông, nàng trẻ hơn chồng gần hai chục tuổi. Lại được dáng hình và cả nét mặt dễ làm mát mắt giới đàn ông. Giọng nói thì nhỏ nhẹ, có sức rung động con tim người nghe. Ấy là người ta tán vậy. Thế nên, ông bằng lòng để nàng chuyển từ nhà máy cơ khí sang bên khách sạn du lịch. Chỉ mấy tháng sau ông đã nghe đồn nàng có người tình. Không ai khác, anh chàng chính là cấp dưới của ông thời bộ đội - một tiểu đội trưởng quèn. Nay hắn là Giám đốc khách sạn nơi nàng làm việc. Biết vậy, song ông không cất công theo dõi xác minh làm gì. Chỉ căn cứ những bất đồng giữa vợ chồng mỗi ngày một tăng thêm, ông tin lời đồn là thật. Một lần ông hỏi: "Thế em có còn coi anh là chồng không?" - "Cái đó tuỳ thuộc ở anh." - "Em cụ thể hơn xem nào?" - "Em lấy anh bao năm mà chẳng có con. Nguyên nhân thuộc phía anh đã rõ rồi. Về kinh tế, lương anh ba cọc ba đồng mà anh vẫn sống bình chân như vại. Thế thì vạn năm cái gia đình này cũng không mọc mũi xủi tăm được!" - "Vậy em có muốn chúng ta chia tay không?" - "Nếu anh đồng ý!". Thế là ông đích thân viết đơn ly dị. Ông thực sự coi nàng không còn là vợ mình từ cái phút nàng hạ bút ký vào lá đơn. Cho dù thời gian chờ toà xử, hai người vẫn ở chung nhà, ngủ cùng giường, song ông không thể tiếp tục ôm ấp người đàn bà đã hết tình yêu dành cho mình. Ông xem thường những cặp vợ chồng cãi chửi nhau như cơm bữa, mà rồi vẫn sòn sòn đẻ một lũ con. Và, chưa bao giờ như bây giờ, ông ước ao gian nhà nhỏ xíu này còn chỗ rải cái chiếu đơn để mình nằm riêng. Để hàng ngày ông khỏi phải nghe thiên hạ đàm tiếu cảnh ngộ trớ trêu của mình

Nhiều năm rồi ông sống đơn độc, không thiếu những nỗi buồn phiền. Nhưng chưa một lần ông ân hận bởi sự chủ động chia tay với nàng. Giải phóng nàng cũng là để giải phóng ông. Để ông khỏi phải nghe, khỏi phải nuốt mọi nỗi giận hờn từ nàng tuôn ra. Nhưng mỗi lần nghĩ đến nàng, ông vẫn hằng mong nàng gặp được mọi điều may mắn. Chẳng hay ở phía chân trời Tây kia, nàng sống có hạnh phúc với anh chàng Zôn? Zôn là khách trọ nơi nàng phục dịch. Gặp Zôn, nàng lại cả gan dứt bỏ tình yêu với chàng Giám đốc khách sạn để làm vợ hắn. Để đi Tây!

Đấy, người đàn bà từng là vợ ông một thời dài dài là như thế đấy! Thế nên, ông đâu cần những lời phỉnh nịnh, những động tác vuốt ve của cô gái hầu phòng kia. Có phải vì tiền, thích tiền, cô ta đã bán mình? Hay bởi một lý do nào khác?

Ông cựa mình, mở mắt, rồi ngồi dậy. Cả lúc nhắm mắt, song ông đâu có ngủ được. Ông bảo cô gái đem cho ly trà chanh và ngồi gần lại mình. "Bây giờ tôi muốn nói chuyện với cô đây." - "Vâng. Em sẵn sàng." - "Chẳng phải tôi tò mò để nhằm nghĩ xấu về cô đâu. Là tôi cứ thầm hỏi: Vì sao cô đến với công việc này? Có thể vì cảnh ngộ gia đình, hay nỗi éo le trắc trở bản thân? Đương nhiên, nói hoặc không là quyền của cô." - "Vâng. Em thấy anh khác hẳn với mọi người đến đây. Nên em cũng dễ kể thật về mình." - "Khác thế nào?" - "Dạ. Thường thì, khi những người không cần em, họ nhất quyết đuổi em ra ngoài. Để không phải trả chủ hàng khoản tiền thuê người phục vụ. Đằng này, anh chẳng cần gì ở em, mà không nỡ đuổi em. Lại còn cho em tiền…”.

Cô gái bỗng im lặng, như thể bị xúc động. Sau giây lát, giọng cô lại cất lên kể về cảnh ngộ của mình.

Quê cô, đó là vùng sỏi đá khô cằn, cách Hà Nội hơn trăm kilômét. Cảnh nhà, cha mẹ yếu đau quanh năm. Và còn một cậu em đang theo học lớp sáu. Mình cô bươn bả không bảo đảm mấy bữa cơm đạm bạc hằng ngày cho cả nhà. Nghe nói đất Hà Nội kiếm ăn dễ dàng hơn. Càng hấp dẫn khi bất chợt cô nghe được câu ví von: Giàu nhà quê không bằng ngồi lê vỉa hè Hà Nội! Thế là… một bọn con trai con gái gần chục đứa rủ nhau nhảy tàu hoả ra đi tìm kiếm việc làm. Tưởng dễ, hoá ra cả tháng ròng không đứa nào nhận được công việc gì tạm ổn định. Cô xin được chân rửa bát cho quán cơm bụi, sau ít ngày lại phải bỏ. Bởi tay chủ quán khốn kiếp đã cưỡng hiếp cô vào một đêm mưa to gió cả.

Hắn đưa vợ đi cấp cứu ở bệnh viện lúc chập tối. Cô đảm nhận dọn dẹp và trông coi cửa hàng. Khi hắn trở về đến nhà thì trời đổ mưa tầm tã. Đường phố lại mất điện, tối như bưng. Hắn nói: "Về nơi em trọ, cuốc bộ cả tiếng đồng hồ. Em là con gái, đi một mình sẽ không an toàn tý nào. Nhà anh cao rộng mênh mông, thiếu gì buồng ngủ riêng biệt cho em.". Cô ái ngại, rồi cũng bằng lòng. Hắn đưa cô lên tận tầng tư, mở gian buồng giữa, nói: "Buồng này chỉ sử dụng khi nhà có khách ngủ lại thôi.". Hắn còn giúi tận tay cô quần áo lót chưa hề sử dụng. Bảo cô đừng ngượng kiểu con gái nhà quê. "Chị nhà có cả đống, chẳng đếm xuể. Không phải trả lại đâu mà lo!". Đợi cô tắm rửa xong, hắn mò lên hỏi chuyện và tán tỉnh. Rất mau chóng, hắn giở trò cưỡng đoạt thể xác cô. Sức lực cô gái nhỏ nhắn làm sao chống trả nổi cái thân hình hắn to kềnh như con trâu mộng. Cô muốn kêu cứu nhưng e ngại. Mà nếu có hét thật to, chắc đâu ai nghe thấy giữa lúc mưa thét gió gào này. Thoả mãn nhục dục rồi, hắn khoá chặt cửa ra vào để giữ cô qua đêm. Thả cô ra về khi tâm trạng đang sốc, rất dễ gặp tai hoạ, hắn lo khó bề phủi sạch tay.

Sáng sớm hôm sau cô đòi rời khỏi nhà hắn. Đòi thôi việc luôn. Hắn bảo: "Nếu em thuận làm bồ anh, hằng tháng anh sẽ giúp em tiền triệu. Và em yên tâm làm việc lâu dài ở đây với khoản tiền công chị chi khoảng nửa triệu đồng mỗi tháng, phải không? Như thế, bố mẹ em ở quê được chỗ dựa vững chắc đấy. Em có ngốc thì mới khăng khăng khước từ vận may hiếm hoi này." - "Tôi đã nói không là không. Tôi chỉ còn chờ ông trả tiền công bảy ngày làm việc là rời khỏi đây ngay!". Lúc mở cổng cho cô đi, hắn còn tỏ vẻ lịch sự nói: "Khi nào em thấy cần anh thì cứ quay lại nhé. Anh xin lỗi sự việc hồi đêm, vì đã quá yêu em!". Cô nhổ nước miếng trước hắn, rồi cắm cổ chạy như con điên. Mồ hôi bết áo. Tóc loã xoã rối bời.

Sau đó, khoảng hơn nửa năm cô làm đủ mọi việc. Phu hồ. Bốc vác. Quét dọn nhà cửa. Bán hàng rong…

Nếu như không gặp rủi ro thì thời gian này cô có thể gửi về nhà được ít tiền. Nào ngờ cái lần bị hai thằng đàn ông cưỡng hiếp ấy lại gieo tai họa cho cô. Mà phải sang tháng thứ tư cô mới nhận ra mình mang thai. Thế là số tiền dành dụm được, cô đành đổ hết vào chữa chạy và phục hồi sức khỏe.

Đang khi trắng tay, cô nhận được tin mẹ ốm nặng; vợ chồng người anh cả lại chẳng có sức lo chạy thuốc thang. Trong tình thế bí rin rít này, cô chợt nghĩ quay lại làm thuê cho nhà hàng cơm bụi vậy.

Cách hơn tháng trước, tình cờ cô gặp tay chủ quán cơm bụi. Hắn nhiệt tình mời cô trở lại làm việc. Rằng: "Chị không ưng ai bằng em... Chị vừa thải hai đứa nên thiếu người. Còn chuyện em bỏ đi, anh nói với chị rằng, em phải gấp về quê để trông coi bố ốm… Nên chẳng ngại gì đâu, em ạ!"

Ngại cũng ngại. Nhưng nghĩ cho cùng, sợ gì họ! Vợ hắn mà ghen, không chịu nổi thì mình tếch. Còn hắn, dễ gì có cơ đè mình ra lần thứ hai. Mình biết tránh hắn thế nào rồi. Hắn chả hay ho gì, song về mặt nào đó cũng không là kẻ quá đáng.

Hôm trả công cô lần trước, hắn gói tiền vào mảnh giấy. Cô đang điên tiết, không cần xem thừa thiếu thế nào, nhét luôn vào túi khoác. Về nhà trọ giở ra thấy năm trăm nghìn đồng, khiến cô sửng sốt. Chưa bao giờ cô có số tiền to như thế này. Hắn trả tiền cả cái “khoản ấy” ư? Bỗng cô bật khóc rưng rức. Xót xa. Ân hận. May mà không có ai chứng kiến.

Suy đi xét lại, cô quyết định đến gặp vợ chồng hắn, được họ hồ hởi tiếp nhận ngay. Hằng ngày, cô làm việc quần quật, không lúc nào ngơi tay. Một lần, tay chủ quán nói với vợ: "Em ạ, mình cái Thuỷ làm bằng hai ba đứa khác đấy!". Để tỏ sự quý hóa Thủy và muốn lấy lại chút tình cảm riêng tư, tháng đôi lần hắn giúi cho cô dăm bảy chục nghìn đồng. “Thế cũng chưa xứng công sức em làm việc đâu” - hắn nói. Đáng ra khoản thưởng này chị phải chi, nhưng… Thôi thì em hết sức thông cảm nhé!”. Thủy coi đấy cũng là mặt rộng bụng của hắn. Là kẻ đi làm thuê, cô thầm cảm ơn. Nhưng Thủy rất ghét cái máu dê trong hắn cứ hay vọt ra đằng mắt đằng mồm, khi đứng trước cô. Rồi Thuỷ bị đuổi việc sau cái lần vợ hắn bắt quả tang chồng mình cố tình ôm hôn cô. Mất Thuỷ, hắn tần ngần tiếc. Lợi dụng lúc vắng vợ, hắn nói với cô: "Anh sẽ tìm em… Sẽ cưới em!".

Lại thất nghiệp. Tuy nhiên, Thuỷ không quá buồn. Bởi giờ đây cô đã quen cái cảnh làm lụng sớm nắng chiều mưa của lũ người nhà quê lê la nơi thị thành rồi. Và cô mới có niềm vui nho nhỏ là, lần đầu tiên gửi cho bố mẹ được năm trăm nghìn đồng. Khoản tiền ấy giúp các cụ đủ đong gạo ăn khoảng ba tháng.

Sau một ngày mất việc, cô lập tức quay sang bán bánh mì rong. Việc này chịu khó, tháng cũng kiếm chừng năm trăm nghìn đồng. Nhưng mà bại hông rạc cẳng. Bởi mỗi ngày cô phải cuốc bộ ba mươi đến bốn mươi kilomet.


Một buổi tối, lúc cô trú mưa trước cửa nhà nghỉ Hoa Tím thì đụng mặt bà chủ. Thấy Thủy trắng trẻo, xinh xắn, bà liền gạ cô làm thuê. "Không vất vả gì đâu. Có khách thì bưng bê phục vụ. Vắng khách ngồi chơi." - Bà nói. Thuỷ hỏi: "Thế bà cho cháu biết tiền công bao nhiêu ạ?" - "Tháng đều đặn ba trăm nghìn. Được ăn bữa giữa ca. Làm nhiều, làm tốt thì có thưởng. Và… còn tiền “boa” nữa!" - "Vậy tối mai cháu trả lời bà, cháu nhận hay không.".

Đêm ấy Thuỷ trằn trọc rõ khuya, rồi quyết định làm thuê cho nhà nghỉ Hoa Tím. Đã phải đem thân làm mướn thì việc gì cũng có nỗi khổ nỗi nhục. Đi bán hàng rong đã tốn sức lại chịu nắng mưa thất thường. Rồi còn đủ thứ tệ nạn đe dọa nữa chứ. Một tối, cô chẳng đã bị bọn mất dạy lôi vào chỗ vắng để làm nhục đấy ư!

Ngày đầu vào việc mới, Thuỷ được bà chủ nhà nghỉ Hoa Tím khen: "Em bưng bê nhanh nhẹn khéo léo như đã vào nghề nhiều năm ấy!". Rồi một hôm bà bảo Thuỷ: "Khâu nhà buồng nay thiếu người, do cái Hương có việc về quê. Chị tạm giao em đảm nhiệm bốn buồng tầng ba... Việc cũng đơn giản ấy mà!".

Đúng là công việc đơn giản. Nhưng, chỉ sau mấy ngày Thuỷ đã phải đối đầu với một trường hợp không đơn giản chút nào. Sau khi dẫn khách nhận buồng, Thuỷ trở ra được một lát thì bà chủ gọi lại nói nhỏ: "Em lên tiếp khách đi!". Thấy Thuỷ ngần ngại, bà chủ giải thích: "Anh ấy là cán bộ cỡ đấy. Mà trẻ và điển trai nhỉ. Có ô tô riêng để ở cửa kia kìa. Người ta lo giữ chức tước để kiếm chác tiền tỷ, nên chẳng dám bậy bạ. Em không muốn, đố làm gì nổi. Thôi, lên đi!".

Buồng nghỉ chỉ đặt chiếc bàn nhỏ với một ghế đôi. Vị khách bảo Thủy ngồi bên cạnh và đưa rượu mời. Biết là loại rượu nhẹ, nên Thủy dám đặt lên môi. Nhưng cô một mực từ chối uống loại Whisky cháy họng. Khách bảo Thuỷ chỉ cần đặt môi vào miệng ly, rồi "đưa anh uống giúp, được chưa?". Lại nói: "Em rót tiếp cho anh đi!"; "Em gắp đồ nhắm cho anh nào!… Đưa lên miệng anh nào!"… Tuy không muốn, song vì phải gánh phận sự chiều khách nên Thuỷ đành làm theo. Đến độ hưng phấn cao, vị khách đưa vòng tay vít đầu Thuỷ, hôn nhẹ lên má cô cùng lời khen: "Em xinh đẹp, đáng yêu lắm lắm!" - " Xin anh đừng quá khen." - "Anh không bốc em đâu. Và anh sẽ có thưởng cho riêng em!" - "Không… Không!…" - "Từ chối, sao em nghe lời bà chủ tiếp anh? Hẳn em biết rõ mỗi giờ thuê buồng kèm người phục vụ, anh phải thanh toán bao nhiêu tiền?". Với ý định quyết chinh phục, vị khách để lên bàn hai tờ giấy một trăm nghìn, nói: "Đấy là khoản anh thưởng cho em! Em có quyền không nhận. Và em có quyền chống lại mọi yêu cầu khác nữa của anh. Nhưng anh nói trước nhé, khi anh buộc phải bày tỏ với bà chủ về những hành động phản kháng từ phía em, hẳn em sẽ bị đuổi việc thẳng thừng. Còn anh không được em chiều, ắt sẽ có các cô gái khác chiều anh. Rất nhiều gái xinh đẹp hơn em. Từ quê ra đây, em thấy đấy, kiếm cơm đâu có dễ. Chỉ nghề này là thơm hơn cả. Và chỉ các cô gái trẻ, có nhan sắc mới được trời dành riêng cho cái nghề này... Mà này, nghe anh nói điều sau, xin em đừng giận. Chỉ là sự phỏng đoán, có thể đúng, có thể sai... Chắc gì em trinh nguyên!? Nói vậy không có nghĩa là anh không cần em. Thoạt nhìn cặp mắt tròn, sáng lung linh và mái tóc dài mượt của em, anh đã khát, đã muốn em, cho dù em như thế nào". Vị khách cầm số tiền vừa để trên bàn, nhẹ nhàng đút vào túi Thuỷ, nói tiếp: "Em vui lòng nhận nhé. Khoản tiền này anh không lấy lại, dù sau đây em chống đối anh đến cùng. Hai trăm nghìn đồng đối với anh nhỏ bé lắm, nhưng với em hẳn hết sức quan trọng!".

Thuỷ cúi đầu im lặng, không biết có nên tiếp tục chống đối anh ta? Mà chống để làm gì nhỉ? Mình đâu còn trinh nguyên. Cả chuyện mình mang thai, mấy đứa bạn ở quê cùng tốp kiếm ăn đều biết tất rồi. Sớm muộn thế nào cũng dội tin này về quê. Quê mình, người ta kỵ chuyện ấy lắm. Những ai chửa hoang, đố lấy nổi chồng. Thế là mình đã mất hết cái mình cần phải giữ. Cố giữ "cái không còn gì" thì chỉ làm mình khổ hơn thôi. Có thể mình sẽ chẳng bao giờ trở về quê nữa. Cứ sống ở nơi tứ xứ người này, thì hy vọng chuyện chồng con vẫn còn. Bởi nơi đây người ta không quá nặng nề về sự trinh nguyên. Chỉ cần mình thoát khỏi cái nhà nghỉ này. Thoát ngay thì chưa thể. Vì hợp đồng mình ký ba tháng cơ mà. Phá nó, mình lấy đâu tiền để mà đền. Thôi đành theo lao cho xong.

Thuỷ nghĩ vậy, nên vị khách chẳng mấy khó khăn đã chinh phục cô hoàn toàn. Cô không tự giác làm theo, nhưng phó mặc mình cho khách muốn làm gì cũng được. Sau hàng giờ ôm ấp, ái ân, vị khách nói nhỏ vào tai cô: "Em còn ngốc lắm!”. Thuỷ không hiểu tận ý câu nói này. Vị khách thì tự ru mình: "Nó không có kinh nghiệm làm tình, tức ít chung chạ. Thế càng hay!".

Hôm ấy, trước khi Thuỷ về, bà chủ ý tứ đưa cho cô năm mươi nghìn đồng tiền thưởng. Bà còn ghé sát tai Thuỷ thì thầm: "Mất gì đâu em!", rồi cười ha há rõ to. Rất đau mà Thuỷ không biết nói gì. Tự coi mình như hòn bi đang lăn dốc vậy.

Thuỷ đã kể về mình với người khách mà cô chưa hề biết tên, những trắc trở trong chặng đường mình tìm kế sinh nhai ở nơi thành thị. Rồi đột nhiên cô hỏi: "Anh tên là gì nhỉ? Em thật vô duyên. Đem chuyện mình kể tuồn tuột, mà chả biết tí gì về người nghe." - "Chẳng quan trọng việc biết tên nhau. Tôi cũng có hỏi tên cô đâu. Hãy gọi tôi là Người khách bất đắc dĩ!" - “Vâng. Thế chẳng sao anh nhỉ?” - “Thế cô đồng ý tôi hỏi chuyện tiếp nữa không?” - “Anh cứ hỏi. Em kể cho đến lúc nào anh đuổi em ra khỏi đây.” - “Không có chuyện đuổi cô. Còn chuyện về anh chàng chủ quán cơm bụi thì tôi muốn biết thêm về anh ta. Hắn bảo sẽ cưới cô làm vợ. Vậy từ bấy đến nay hắn có tìm cô không?” - “Có một lần đến đây, anh ạ. Hắn bảo phải cất công tìm kiếm mãi mới thấy lại em.”.

Lần ấy, Thủy tiếp hắn như những khách quen. Không còn sợ sệt. Không phải thăm dò. Lần ấy, sau chầu nốc lấy nốc để cả bia lẫn rượu, hắn hùng hục làm tình như con trâu chỉ biết kéo cày. Thoả mãn rồi, hắn khoái chí cười toe toét. Đặt vào bàn tay Thuỷ ba trăm nghìn đồng, hắn bảo: “Anh cho em đấy!”. Thuỷ nhìn thẳng vào mắt hắn: “Thế anh không nói chuyện gì với em ư?”. Hắn lơ ngơ trước câu hỏi. Thuỷ tiếp: “Về cái điều anh hứa với em sau lúc chị nhà đuổi em đi ấy.”. Hắn gật đầu: “À... anh hiểu.”.

Thấy Thuỷ im lặng hồi lâu, ông khách “bất đắc dĩ” lên tiếng: “Vậy cô có biết vì sao hắn thôi cô không?” - “Hắn đổ tại em bước vào nghề này. Chứ trước kia hắn mê em thật. Hắn muốn em làm vợ bé hắn. Sẽ bố trí em ở riêng biệt một nơi. Rồi sinh cho hắn đứa con trai. Đó là nguyện vọng hắn khát. Vợ hắn đã xấu lại chẳng đẻ đái gì, nhưng hắn không dám bỏ. Bỏ nhau, hắn sợ trắng tay. Vì tài sản của nhà hắn là do ông bố vợ gây dựng cho. Bố vợ hắn làm quan to nên lắm tiền. Thời nay, ai có quyền cũng thật nhiều tiền. Tiền ấy từ đâu ra, hở anh?... Mà đồng tiền liệu có giúp con gái ông ta giữ nổi chồng không? Phía hắn - là chàng rể ông ta ấy, nếu dễ bỏ vợ, lại vẫn cửa cao nhà rộng, chắc hắn cũng chẳng lấy em đâu.”

Nghĩ vậy nên Thuỷ không trách hắn đoạn tuyệt ý định lấy cô. Bởi xưa nay, giới đàn ông có ai rước gái “làng chơi” về làm vợ đâu. Song, đôi lần Thuỷ tự trách mình. Nếu Thuỷ đừng tìm về nơi thành thị kiếm ăn, thì đời cô đâu như quả bóng lăn dốc. Nhưng, nơi chốn nào có thể giúp cô nương thân chót lọt để tìm cách thoát nghèo cho cả nhà mình? Ôi, cái nghèo! Cái nghèo cùng sự không may đã xô đẩy Thuỷ… “Bây giờ - Thuỷ nói - ước vọng lấy chồng không còn là nỗi mong ngày đêm trong đầu em nữa. Chuyện ấy nếu mai này xảy ra thì chỉ là điều ăn may quá hiếm hoi. Bây giờ em độc có mong kiếm ra tiền, thỉnh thoảng gửi về phụng dưỡng bố mẹ già và giúp thằng em tiếp tục ăn học. Còn mong có khoản để dành cho đoạn đời em sau này. Ước muốn nhỏ nhoi thế thôi, mà xem ra tối tăm mù mịt lắm!”.

Có tiếng đập cửa nhẹ. Các bạn ông bước vào. Sau mấy câu họ vui đùa, ông được mời ra về. Nét mặt hai người bạn ông tỏ ra mãn nguyện lắm. Còn ông, toàn thân nặng chình chịch như bị tra tấn suốt từ trưa đến giờ. Khiếp quá!

Vừa xuống đến tầng một đã thấy gần chục vị khách bước vào. Gia chủ mời đón tíu tít. Ngoài cửa, ba chiếc ô tô con đang lùi tiến, nhằm đậu vào chỗ kín đáo, an toàn hơn. Khách đều hạng bụng to, mặt bự, tỏ rõ sức lực thừa thãi lắm. Xem ra đám này thuộc cỡ quyền chức làng nhàng. Chứ cỡ to, họ chả thèm vào đây!

Đứng bên Người khách bất đắc dĩ, Thuỷ nói nhỏ: “Bọn em nhẵn mặt họ. Đều loại tiêu tiền chùa ấy mà.”. Ông gật đầu. Thì móc túi mình ném vào những chỗ đốt tiền, đố ai dám. Những người kiếm tiền bằng mồ hôi trí tuệ, số đông họ biết chi tiêu hợp lý và tiết kiệm. Có phải xuất phát từ nhu cầu nhậu nhẹt, đàng điếm của những kẻ quen tiêu “tiền chùa”, và cả lũ trộm cắp lừa đảo, nên mới dễ dàng nảy sinh đầy rẫy những nhà nghỉ như thế này? Nhà nghỉ có thật sự là nơi nghỉ ngơi nhằm lấy lại sức khoẻ? Hỏi có cặp vợ chồng nào bỗng dưng thuê nhà nghỉ giữa chốn phố xá ồn ã nóng nực để mà ôm ấp nhau. Hay nhà nghỉ chỉ là thứ nhà thổ trá hình, nơi mua dâm - bán dâm. Và vì nhà nghỉ tua túa mọc ra, nên biết bao cô gái đã bị dụ dỗ, hoặc tự nguyện vào đây bán mình. Mà tại sao người ta dễ dàng cấp phép lập ra thứ nhà nghỉ này? Chắc chắn chỉ vì tiền!

Bất bình trước cảnh tình ngay trước mắt, trong tích tắc ông quên cô gái đứng bên mình. Rồi không muốn cô phải chờ hai người bạn còn đang thanh toán tiền nong với chủ nhà, ông bắt tay tạm biệt cô. Thương quá, nó chỉ đáng tuổi con cháu mình. Bây giờ lại phải tiếp cái lũ kia.

Cô gái tỏ thái độ vui vẻ nhìn ông, cất lời: “Cháu cảm ơn bác.”. Tức thời, cô e có sự hiểu nhầm từ ông, liền nói: “Cháu xưng hô vậy chẳng phải vì đến lúc này cháu hết cần bác. Xin bác hiểu cho. Vâng, thưa bác, bác thuộc lớp tuổi bố cháu ạ!”.

5-2003




VVM.24.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com