Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      








NHỮNG CƠN BÃO ĐI QUA




CHƯƠNG V


N gủ trưa dậy, Nhung mang áo quần của mình ra ủi để mặc đi học trong tuần, sẵn cô ủi cho An một bộ. Bên ngoài có tiếng xe máy, một lát ba Nhung đi vào. Nhung không ngờ ba cô về giờ này. Đang ủi lỡ áo cho An, thấy ông đi ngang, cô hỏi :

- Bữa nay sao về sớm vậy ba. Xe đâu ba ?

- Ờ, xe bị hư máy đang sửa ở ga-ra – Xong ông đi thẳng ra bếp rửa tay.

Nhung ủi nhanh áo của An, biết ba không nói gì nhưng cô vẫn ngại.

Ăn xong cơm tối, chờ mấy đứa nhỏ và Nhung lên học, ông Vĩnh nói với vợ ở nhà xem chừng Nhung với An vì ông thấy Nhung ủi áo cho An lúc chiều. Bà Vĩnh chống chế :

- Thường thấy con Lài ủi mà, chắc Nhung ủi đồ đi học , sẵn ủi giùm luôn.

- Thì cũng nhắc chừng vậy thôi.

Bà Vĩnh nói thêm :

- Sang năm Nhung thi tú tài rồi, cũng phải có người kèm, thấy cậu An dạy chuyên chỉ lắm, tính tình cũng hiền lành, không nghiêm khắc như mấy người trước.

Buổi tối, sau khi giao em cho bà Vĩnh, ủi xong đống áo quần cho cả nhà xong, đợi ông bà chủ đi ngủ là Lài ra bến hẹn hò, đã có An canh cửa cho rồi nên cô nàng yên tâm.

Vừa nghỉ hè, An về quê thăm nhà ba hôm rồi trở vô để học thi toàn phần, thức khuya dậy sớm rất vất vả, ngày hai buổi đều vào Đại nội học bài cho thanh vắng. Có Tuấn cặp bạn nên việc học không mấy buồn tẻ, nhất là không khí trong Đại nội trong thời gian này không vắng vẻ như trước. Rất nhiều học sinh từ mọi nơi trong thành phố vào đây học gạo, khi học xong, có nhiều trò chơi giải trí rất vui, cũng là động lực thúc đẩy việc học.

Vui hơn là nhiều lần Nhung và Thu Thủy cùng nhau vào Đại Nội giữa buồi học của An và Tuấn, mang theo bánh trái ở nhà vừa cúng xong hoặc mua nhánh chuối, vài trái xoài, ổi ở chợ Đông Ba. Hai cô tìm hai chàng trong “góc học tập” quen thuộc. Nhung có ý rũ Thủy vào đây chơi, gặp Tuấn để hai người có dịp làm quen, không ngờ Thủy có cảm tình với Tuấn. Lâu nay Tuấn đắng cay biết An và Nhung có tình cảm với nhau. Nhung khéo léo gợi ý để Tuấn nghĩ đến Thủy và xem mấy lá thư vừa rồi chỉ là một thoáng tình cờ. Thủy chăm học, hiền dịu và xinh gái, đó là ý của Nhung trong việc chọn lựa giữa đám bạn thân quen cùng lớp. Không ngờ Tuấn và Thủy chóng bén duyên, cả An và Nhung đều thấy vui lây.

Trước ngày thi, học sinh nghe nhiều nguồn thông tin đáng lo ngại là kỳ thi này đề thi sẽ rất khó, lo lắng phần nhiều là nam sinh, theo dư luận bàn tán là nam sinh sẽ rớt nhiều để đăng vào lính trong lúc chiến trường đang cần quân số. Nữ sinh nghe thi khó cũng lo thức khuya dậy sớm gạo bài, có nhiều người bị ngất xỉu, phải đi bệnh viện.

An khá tin tưởng vào khả năng toán của mình và đặt rất nhiều hy vọng. Lấy được mảnh bằng này, đủ tư cách để hướng tới tương lai và công khai tình yêu của anh và Nhung mà không còn e ngại với ai. Đôi chim nhỏ trong trang thơ tặng Nhung, lúc ấy sẽ chấp cánh bay tự do giữa bầu trời yêu thương. Đó là những phút mơ màng bên trang sách, thả cho ước mơ chắp cánh bay xa.

Nhưng niềm mơ ước đó bỗng sụp đổ một cách phủ phàng, An bị gãy môn toán, trời đất như sụp đổ trước mặt. Lời đồn đại hóa ra sự thật. Ban Giám khảo ra đề toán khó để đánh rớt học sinh, sự áp đặt của chính quyền mục đích bổ sung quân số cho cuộc chiến đang leo thang. Thanh niên, học sinh ở lứa tuổi này, trước mắt chỉ có hai con đường, một là thi đổ, hai là xếp áo thư sinh vào quân trường.

An buồn quá bỏ ăn bỏ ngủ khiến Nhung thắc thỏm không yên. Tuấn cũng rớt và đang chuẩn bị vào quân ngũ. Cả xóm ai cũng tiếc cho hai người bạn đồng liêu chăm chỉ này. Chú Phùng ở cách hai nhà làm Trưởng Ban căn cước, thấy An thất vọng quá, hứa sẽ làm trụt tuổi một tuổi để An có điều kiện thi lại.

Có thẻ căn cước mới, An về quê, trong lòng nặng trĩu, chắc anh sẽ khóc khi nhìn thấy mẹ. Ở quê, mẹ anh rất kỳ vọng vì biết con mình học giỏi, chắc chắn sẽ đỗ đạt. Nhưng mẹ có thể biết rồi do thông tin từ những người bạn cùng quê đã về trước. Suy nghĩ liên miên, hình ảnh mẹ không rời từ khi anh lên xe đò cho đến khi đón chiếc xe đạp trên trần xe xuống. Bánh xe lăn nặng nhọc trên đường làng cho đến khi dừng trước cổng tre nhà. Dáng mẹ ngồi nhìn ra, như đợi chờ anh từ lâu lắm. Anh cố ngăn dòng nước mắt nhưng không được, hai mắt rưng rưng.

Thấy bóng An, mẹ bước ra thật nhanh, vẻ mặt tươi cười, đợi dựa xe vào gốc cây xong, mẹ cầm tay anh đi vào nhà, như mẹ không buồn, như mẹ còn lòng tự tin để truyền qua tay anh. Hình như mẹ muốn nói gì đó nhưng không nói được. Ngồi xuống trên chỏng tre, không rời tay mẹ, An chỉ thốt lên được một câu - Con thi rớt rồi mẹ.

Cố làm ra vẻ tự nhiên, mẹ nói :

- Mẹ có nghe thằng Phước ở đầu trên nói rồi, con đừng buồn chi cả, học tài thi phận. Bữa nay con mới về là mẹ biết rồi, mẹ biết kỳ này nhiều người rớt lắm. Bà đứng dậy, rót nước vào ly - con uống miếng nước chè cho đỡ khát, mẹ nấu cơm sẵn rồi - Giọng nói bà có vẻ nghèn nghẹn nhưng cố ngăn lại.

Thức ăn bày trên chiếc bàn dài gỗ mun đen bóng. Hai mẹ con cùng ngồi, chiếc bàn này ngày xưa ba anh thường ngồi chấm bài cho học sinh, anh thường nghe mẹ kể vậy. Giờ đây, tâm hồn đang buồn bã, anh chợt nhớ đến người cha đã khuất. Nhìn quanh gian nhà nhỏ, thấy hiu quạnh quá. Mẹ hay nói, nhà có hai anh em, thằng Bằng anh con làm việc ở Sài gòn, cả năm mới về một lần ba bữa tết, nhắc hoài mà nó chưa chịu có vợ, con thì ở Huế không xa bao nhiêu, còn có được chút gần gũi.

Thấy thức ăn trên bàn ba món khá ngon, An hỏi mẹ :

- Sao mẹ biết con về giờ này mà nấu sẵn thức ăn ?

- Thằng Phước bạn con về từ ba bữa nay, biết con sắp về nên ngày nào mẹ cũng chờ. Thức ăn cũ còn, mẹ ăn một mình không hết.

Gắp đến món cá trê kho gừng, An bỏ vào chén cho mẹ, bà ngăn đũa lại, tay chỉ vào cái dĩa có mấy món hình như hôm qua còn. Thương mẹ quá, cổ anh như nghẹn lại.

Biết con đang buồn, mẹ bày chuyện hỏi han:

- Cậu mợ trên nhà có khỏe không ?

- Dạ khỏe.

- Còn con bé Nhung thế nào ?

Mẹ hỏi thế nào, An không hiểu là thế nào, nhưng trả lời theo cách của mình:

- Dạ năm nay Nhung lên đệ nhị, sang năm thi bán phần. Nhung có gởi cho mẹ gói quà đây – An soạn trong xách ra, đưa cho mẹ một gói nhỏ.

- Chi đây ? - Mẹ vừa mừng vừa hỏi.

- Dạ con cũng không biết nữa, mẹ coi thử.

Mẹ An từ từ mở dây buộc, một gói trà, một ký đường trắng và một cái áo len.

- Chà ! con gái có ý có tứ ghê. còn học sinh làm gì có tiền mua thế nầy. Con ráng làm gì cho nên tài nên phận.

- Dạ.

- Tội thằng Phước đang chuẩn bị vào quân đội, ba mẹ nó rất buồn nhưng không còn cách nào khác.

- Nhưng cái tạng thằng Phước nó thích đi lính.

- Ờ ! mẹ cũng thấy vậy, sống chết cũng có số, chẳng ai đi lính cũng chết hay sao mà lo, còn con thì sao - mẹ có vẻ lo lắng nhìn An.

- Dạ sang năm con thi lại. Chú Phùng ở gần nhà đã làm lại thẻ căn cước trụt tuổi cho con, con sẽ học lại, sang năm thi.

- Vậy nhà cậu mợ trên có nói gì không? - Mẹ thắc mắc.

- Dạ nói con cứ ở lại đó, còn kèm cho Nhung thi với mấy em nữa.

- Nhà người ta tốt quá, tiền chi phí sách bút, tiền xe đi về mợ trên cũng lo đầy đủ, nhờ vậy mà mẹ đỡ lo, con coi cố gắng cho Nhung thi đậu, cũng là trả ơn cho họ.

- Tính mẹ Nhung rộng rãi, con không thiếu thốn gì, con muốn ra đời sớm sớm để lo cho mẹ, không ngờ. Nhưng mà con đã quyết, sang năm con sẽ thi đỗ.

- Thôi con đừng buồn nữa, thành bại là chuyện thường tình, ráng một năm nữa. Mẹ cầu trời khẩn Phật ...

An ở lại với mẹ một tuần, chia tay mẹ lần này sao trong lòng anh lại thấy vui vui dù biết mẹ giả vờ vui kẻo sợ anh buồn.


♣ ♣ ♣

Thấy An về, Nhung và mọi người trong nhà chào hỏi vui vẻ khiến anh xúc động. Việc An thi rớt, có ảnh hưởng nhiều người trong nhà này vì anh được xem như người anh trưởng trong gia đình. Mẹ Nhung buồn nhưng kín đáo, ba Nhung thì nhìn An không vui. An càng nghĩ càng thấy mình có lỗi.

Chiều hôm sau, An và Nhung lên chùa Thiên Mụ. Lên hết mười mấy tầng cấp, ra phía sau tháp, đứng dưới rừng thông nhìn lên đầu nguồn sông Hương bãng lãng giữa đôi bờ cây cỏ xanh tươi, xa xa đồi núi chập chùng. Một lúc, hai người đến hậu liêu xin uống nước xong trở xuống, qua bên kia đường, cả hai ngồi trên tam cấp dẫn xuống bờ sông. Thấy An buồn và ít nói, Nhung buồn lây nhưng không biết nói cách nào để an ủi, ngồi im lặng nhìn mặt nước sông trôi, xa xa, vài con thuyền trôi lơ lững giữa dòng. An nhìn Nhung, hỏi :

- Nhung muốn anh học lại hay vào lính ?

Nhung hơi nhíu mày:

- Chú Phùng đã sửa lại căn cước rồi mà.

- Nhưng mà năm nay có thể anh sẽ đổi chỗ ở.

- Sao tự nhiên lại nói ra chuyện đó ?

- Không phải tự nhiên mà anh đã nghĩ kỹ. Em lớn rồi, ba mẹ biết chuyện anh và em…ở chung nhà không tiện.

Nhung phản đối :

- Thì cũng vậy thôi, có gì mà không tiện. Ở đâu thỏa mái cho bằng …

Nhung không nói hết câu nhưng An cũng hiểu ra được nhiều ý. An cảm động trước sự ân cần của cô, bộc lộ :

- Nhưng mà còn ba, anh ngại ba hơn mẹ .

- Tính ba ít nói chứ không hay để tâm vào chuyện gì - Nhung chợt nghĩ đến Lài và dẫn chứng - Lâu nay Lài làm trời làm đất mà ba có biết gì đâu. Cả ngày mệt nhọc, tối là ba ngủ cho tới sáng.

- Cũng có lý, nếu ba khó khăn thì anh không ở lại đây lâu được. Nhung không muốn thì thôi.

An ôm vai Nhung trong tay, nghiêng lên mái tóc, tóc hương và hương cây cỏ, hương gió và hương nước trong xanh tinh khiết đầu nguồn như quyện vào nhau, len vào ngực, vào tim, đôi mái đầu nghiêng mãi bên nhau cho đến khi hoàng hôn trải màu vàng ngan ngát trên sông, vài cánh chim chiều theo nhau về tổ.


♣ ♣ ♣

Về nhà, Nhung nói lại ý của An cho mẹ nghe, bà nói :

- Tại cậu An thấy ngại chứ trong nhà bình thường không có gì. Từ khi biết An thi rớt, mẹ có nghe ba nói gì đâu.

Nói vậy nhưng tối đến, bà cũng trao đổi với ông để xem ông suy nghĩ thế nào, mặc dù ông đã nghe chuyện đó rồi.

Mẹ Nhung kể lại :

- Cậu An thi rớt thật uổng, học hành giỏi dang vậy mà ai ngờ. May có người làm lại thẻ căn cước trụt cho một tuổi để thi lại.

- Ai vậy, phải chú Phùng không ?

- Chú ấy chứ ai. Ở gần nhà, thấy An học hành chăm chỉ, dạy mấy đứa nhỏ nhà mình tấn tới, chú mến lắm, làm giúp giùm cho chứ có tiền nong chi. Chú hay nói muốn có một người như vậy để dạy kèm cho mấy đứa con chú ấy.

- Vậy thì tốt quá, cứ học mà thi lại, tại xui xẻo chứ tôi thấy cậu ấy chăm học, tánh nết hiền lành.

Như vậy cả nhà đã hiểu ý ông.


Niên khóa mới, An học lại lớp đệ nhất Quốc học. Đầu năm học bài vở chưa căng thẳng, anh dành thời gian giảng kỹ bài vở cho Nhung. Nhờ trí nhớ tốt và khả năng căn bản nên An nắm vững chương trình lớp học trước. Tuy trình độ gần ngang nhau nhưng tri thức giảng dạy không khác trình độ của người thầy, đối với các lớp dưới của Bình, Thúy thì không có gì là khó. Nhiều lúc Nhung nhận ra điều đó và sinh lòng quý mến.

Chiều nào có thời gian rãnh, An chờ Nhung ngoài cổng trường Đồng Khánh, hai người đạp xe song song cùng về. Nhung nói với An là Thủy thường nhận thư của Tuấn, ba tháng quân trường vừa xong, đã ra đơn vị và sắp đi hành quân.

Thời gian này Lài không được thuận lợi lắm vì thỉnh thoảng An ngủ sớm sau khi dạy cho chị em Nhung, thật khuya mới thức dậy học bài, chị Rớt ngủ sau bếp, Lài không dám nhờ, sợ chị dậy lục đục gây tiếng động, còn sợ chị ngủ quên. Khoảng chín - mười giờ tối, xích lô không còn khách là Sắc đậu xe ngoài bến, đây là khoảng thời gian thuận tiện để Sắc với Lài gặp nhau. Nhiều lúc bị gài cửa, Lài loay hoay như gà mắc đẻ. Sau đó Lài dặn An :

- Không thấy em trong nhà, anh cứ cài cửa. Khi nào vô, em quăng cục đá lên, anh nhớ xuống mở cửa cho em.

- Được rồi, nhưng coi chừng khuya khoắt ồn ào, nghe được mợ la.

- Em biết rồi chứ bộ, khuya em còn vô khuấy sữa, lỡ mợ kêu không có.


Trời cuối thu trời se lạnh, mưa rơi rả rích, Nhung thao thức mãi không chợp mắt được, bỗng nhiên nghe một tiếng “cộp” nhẹ đâu phía ngoài, cô ngồi dậy đi ra nhà trước, thấy An đang mở cửa cho Lài. Thấy Nhung, Lài đưa tay lên môi ý như biểu Nhung đừng có nói gì. Nhung hiểu ý, nhưng cũng hơi bở ngỡ khi thấy Lài không còn nét quê mùa thường ngày trong màu sáng tối của ánh điện mờ, như hóa thân thành một cô gái thật bắt mắt trong bóng đêm mờ tỏ. Nhung cảm nhận một thoáng nghi ngại khi nghĩ đến việc tối nào An cũng mở cửa cho Lài, sức lôi cuốn của Lài không ít. Nhưng vẻ tươi cười vô tư của Lài khiến Nhung trở lại yên tâm.

Người gái quê này đã bắt mắt anh chàng xích lô trẻ tuổi lần đầu tiên khi nhìn thấy cô nàng nách rỗ chén bát xuống bến rửa. Chân nàng bước nhưng đôi mắt đen lay láy như hớp lấy hồn chàng. Sau khi quen biết, Sắc còn nhận thấy thêm vẻ mặn mà thu hút của Lài, cho dù đôi thùng nước đang gánh đè nặng trên vai, thân hình dậy thì chắc mẩy lướt tới nhẹ nhàng như đi tay không, đôi ngực nở nang như lúc nào cũng ưỡn ra phía trước, khiến Sắc chết mê chết mệt.

Tự nhiên Lài cầm tay Nhung kéo ra phía cửa, nói thật khẽ :

- Đang còn sớm, ra hiên ngồi chơi một chút chị Nhung.

An và Nhung nghe theo mà không đắn đo gì. Lài ngồi xuống cạnh Nhung, khoe:

- Anh Sắc mới đạp xe đi rồi.

- Giờ này còn đi ? - Nhung hỏi nhỏ.

- Chở khách đi bệnh viện.

- Gan hỉ ! Tối nào cũng gặp nhau khuya khoắt - Nhung nói.

- Có gì đâu chị Nhung, anh đã dẫn em về nhà ảnh rồi.

- Họ biết mình con cái nhà ai chưa? - Nhung thắc mắc.

- Ít bữa nữa em dẫn ảnh về quê để ba má em biết mặt.

Nghe câu chuyện đối đáp khá thú vị, An bỗng cầm tay Nhung, thấy cử chỉ âu yếm của An, Lài khen :

- Chà ... bữa nay mới thấy anh tình tự với chị Nhung, lâu nay em cứ tưởng ...

- Tưởng sao ?

- Thì thấy vẻ mặt anh hiền lành, ngay thẳng ...

Nghe tiếng ngay thẳng dí dỏm của Lài, ai cũng bật cười, không ai nghe tiếng dép của ông Vĩnh đi lên :


- Làm gì giờ này còn ngồi đây... Nhung nữa, học bài mới xong phải không. Thôi vô đóng cửa đi ngủ cho rồi. Xong ông quay lưng đi xuống.

Lài hú hồn bước vô, An lên lầu, Nhung cài cửa xong đi xuống, nghe ba đang nói với mẹ:

- Thấy cả ba người giờ này còn ngồi ngoài cửa, chắc là bài vở vừa xong, coi chừng lửa gần rơm…

Mẹ Nhung trả lời nho nhỏ gì đó không rõ. Một lát sau đã nghe tiếng ông ngáy khò khò.

Sáng ra, xe ông đã đi rồi. An xuống rửa mặt, Lài nói ngay :

- Hồi hôm em sợ cậu la chị Nhung nhưng chẳng thấy gì, chỉ nghe nói gì mấy câu xong cậu ngủ liền. Nhưng cậu có nói “lửa gần rơm”.

Nghe Lài nói vậy, An đã hiểu, những ngày tiếp rất dè dặt, thấy mình có lỗi với ba Nhung, nhưng tự xét dù sao mình cũng đến tuổi trưởng thành, Nhung mang dáng dấp thiếu nữ trong tà áo dài, tuy hai người còn ôm sách tới trường nhưng gặp nhau trong hoàn cảnh này, chớm nở tình mến yêu là điều không tránh khỏi. Có biết bao tình yêu nảy nở đang tuổi học trò, phải đủ duyên mới gặp, là những mối tình đầu ngây thơ đầy mơ mộng.

Nhiều ngày suy nghĩ câu nói “lửa gần rơm”, An muốn ba mẹ Nhung yên tâm và không muốn sống dè chừng như thế này mãi, An quyết định bày tỏ ý mình với chú Phùng. Chú vui ra mặt :

- Lâu nay chú thấy em được nhất trong xóm mình, chăm học mà hiền lành, học giỏi mới kèm sát lớp cho mấy em bên đó, chú rất muốn có được người như em để dạy kèm cho mấy đứa con chú. Cậu Tiến kèm trong nhà này, hay gõ hay đánh khiến mấy đứa sợ không học được. Thôi thì em dọn qua đây.

- Dạ.

- Em xử như thế cũng phải, chỗ anh chị Vĩnh ở bên cũng tốt, làm sao đừng sứt mẻ tình cảm là được.

An nói ý định của mình với mẹ Nhung - bà hơi ngạc nhiên :

- Năm nay Nhung thi, không lẽ để em lở dỡ nửa chừng không kèm bài vở làm sao được?

- Dạ, con đã bàn với Nhung rồi, ngày nào cũng qua coi lại bài vở cho Nhung với mấy em.

Cách giải quyết đó, bà thấy cũng thuận. Bà thì sao cũng được, nhưng việc này bà không dò trước ý ông sẽ thế nào.

An nói thêm :

- Chiều, nhờ mợ nói lại với cậu trước, con sẽ thưa lại sau.

Sau khi mẹ Nhung nói lại lời của An, ông Vĩnh tỏ vẻ không bằng lòng :

- Tự nhiên qua về chi cho mất công, sao không ở đây đến ngày thi luôn.

Mẹ Nhung không ngờ ý kiến của ông như vậy, bà nói :

- Đã nói với chú Phùng lỡ rồi, thôi vậy cũng được.

Ông lập lại :

- Thôi vậy cũng được.

Qua sự việc, An nhận thấy ba Nhung rất tình cảm, biết An có tình ý với con gái mình, chia rẽ thì không nỡ nhưng để gần gũi cũng không tiện, khiến anh thêm cảm kích. Nhất là về sau, mỗi lần ông mua quà về nhà, thường biểu phải để dành cho An. Nhiều khi ngồi nói chuyện với bà, An bày tỏ :

- Ơn của cậu mợ rất sâu nặng, con không biết lấy gì đền đáp.

Bà Vĩnh khéo léo động viên :

- Ba Nhung rất thương mến cậu, cậu cứ học hành cho thành tài, lo chi.


♣ ♣ ♣

Mùa đông năm nay lạnh nhiều. Căn phòng lạ bên nhà chú Phùng khiến An thấy trống trải, chiếc đồng hồ gõ từng tiếng kéo đêm khuya dài thêm, suy nghĩ, đời người như chiếc thuyền trôi giạt, có những thay đổi không ngờ, nhất là việc thi cử, công danh sự nghiệp, anh chấp nhận như một thất bại đầu đời, nhưng đã có Nhung, viên than hồng nho nhỏ sưởi ấm lòng anh, nên không thấy khó khăn cản trở là mấy.

Chiều nay qua nhà để giải bài vở cho Bình, Thúy, thấy Nhung ngồi đan áo. An hỏi :

- Nhung đan áo cho ai ?

Không trả lời trực tiếp câu hỏi, Nhung nói như lời dặn:

- Năm nay anh không phải mua áo len... Nhưng mà đan xấu thì đừng có chê.

An nói trong một thoáng xúc động :

- Xấu khéo gì cũng là của em đan.

Anh không nói gì thêm nữa, chỉ im lặng nhìn Nhung như để ghi sâu hình ảnh đầy thương yêu dịu dàng ấy. Một lát Nhung xếp kim đan, lấy sách vở lên lầu học. Khi An xuống, Lài bồng em ngồi sẵn trên ghế trước nhà, mau miệng :

- Chị Nhung mua len đan áo cho anh, biết chưa ?

- Biết rồi – An cười vui vẻ.

- Thương quá còn chi nữa.

Nhung bước xuống theo, thấy Lài cười nói giả lã, cô lấy len đan tiếp, ngồi với An cho có vẻ thân thiện. Lài nhìn thật lâu hai người, cười nhưng thoáng nét không vui:

- Mai nay chắc em không ở đây nữa. Anh An nhớ hay qua với chị Nhung cho vui, đừng để chị buồn.

An hơi ngạc nhiên :

- Lài về quê à ?

- Em không về quê mà cũng không ở đây nữa - Lài nói úp mở.

- Vậy đi đâu ?

Lài không trả lời, cười mỉm nhìn Nhung khiến An càng khó hiểu. Nhung nói thay:

- Sắp về làm dâu.

Nghe tiếng bà Vĩnh gọi, Lài bồng em vô nhà. Nhung nói khẽ với An :

- Có bầu rồi đó, tuần sau gia đình Sắc ra làng để cưới, mai Lài về rồi.

Có Lài, không khí trong nhà thường vui vẻ. An cũng quen với ánh mắt giọng cười vô tư lự ấy. Chợt nghĩ ra một điều, An nói bên tai Nhung :

- Nhung thấy anh tử tế chưa …người ta chưa gì đã có chuyện rồi.

Nhung làm như không nghe, chăm chú vào mũi đan. Không ai nói gì thêm, như muốn cùng nhau tận hưởng những phút giây êm ái bên nhau.

CHƯƠNG VI



T hấm thoắt lại đến mùa thi. Nhung thi trước, mọi cố gắng An dồn vào việc kèm cho Nhung thật kỹ lưỡng. Mỗi lần Nhung dắt xe đi học, ra đến cửa, gặp khi có An ngồi sẵn trước nhà, tay cầm cuốn sách học của Nhung như có ý hỏi lại một số công thức, hoặc dò thử một vài đoạn giáo khoa. Sai chỗ nào là anh nhắc lại liền, lần sau thì Nhung không bao giờ quên đoạn ấy nữa. Nhờ vậy, Nhung càng nhiều cố gắng và nhiều hy vọng trong kỳ thi tới.

Mẹ Nhung biểu An đưa Nhung đi thi bà mới yên tâm. Hết giờ thi, An chờ sẵn ở cổng trường, hỏi kết quả bài làm. Các môn thi Nhung đều làm được, chỉ trừ một câu ngũ giác nội tiếp không chứng minh được, ở trường chưa học, trong sách bài tập cũng không có, tuy vậy Nhung đỗ khá cao,hai người như trút xong gánh nặng, cả nhà rất vui mừng. Ông Vĩnh ít nói nhất, nay cũng ngồi nói chuyện với An và Nhung, nhìn hai người với ánh mắt đầy thông cảm, thương yêu.

Đến lượt An thi, bài vở đã thông suốt nhiều nên kết quả đạt mong muốn. Anh vội về quê thăm mẹ, Nhung gởi theo một xấp vải màu lam để mẹ An may áo dài đi lễ chùa. Lần này thì mắt mẹ rưng rưng vì quá xúc động.

Mang đến hạnh phúc cho mẹ, An sung sướng vô cùng, anh nói rõ dự định của mình với mẹ :

- Con sẽ vào ngành giáo, mẹ không có gì phải lo nghĩ, giữ gìn sức khỏe, đừng để đau ốm con mới yên tâm được.

Mẹ cười rất vui :

- Đau ốm sao được, mẹ còn khỏe lắm.


♣ ♣ ♣

Nhung thi vào sư phạm, An thấy hợp với ý mình, cô vừa học sư phạm vừa học tiếp chương trình phổ thông cũng không muộn, sau đó sẽ tính, quan trọng là nắm bắt được cơ hội dù hai người phải xa nhau vì Nhung phải đi tỉnh khác để học.

Vài năm xa nhau với tình yêu mới chớm không phải là dễ, hai người quấn quít bên nhau trước những ngày chia tay. Ba mẹ Nhung cũng buồn khi phải sắp xa con. Hai hôm nữa Nhung lên máy bay, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn rồi. An cũng vào trường Sư phạm ở Huế nhưng sẽ không ở nhà chú Phùng nữa nhưng chưa nghe nói sẽ ở đâu.

Buổi sáng, thấy Nhung mặc áo dài hoa, mẹ biết Nhung đi chơi với An. Hai người đạp xe vào Đại Nội. Nhung có mang theo máy ảnh, hai người thay nhau chụp nhiều pô hình kỷ niệm. Chọn cảnh, lấy ánh sáng, sửa lại mái tóc, dáng đứng, niềm vui dâng tràn trong lòng hai người, nhưng khi nhìn những đôi tình nhân qua lại trên con đường vắng, mới chợt thấy buồn bởi mai đây hai người sẽ không còn được bên nhau, nơi đây chỉ còn là vùng trời kỷ niệm.

Tuấn đang ở mặt trận, nếu có Tuấn nơi đây, để cùng nhìn lại từng hàng cây bụi cỏ, từng phiến đá buồn hiu đang nằm cạnh dưới chân, chỗ hai chàng thường ngồi gạo bài, và gốc cây sứ già, chứng nhân lời hứa thủy chung của hai trái tim chân thành.

An dìu Nhung ngồi xuống trên một băng đá quen thuộc, đặt tay lên vai Nhung, đặt môi mình lên làn tóc xõa dài, chỉ còn nghe hơi thở thật nhẹ nhàng, vòng tay siết nhẹ như đôi cánh thiên thần, cho đến khi cảm nhận đôi mắt Nhung rơm rớm, An vô cùng bối rối.

- Nhung … đừng khóc...

Cô nghiêng đầu bên vai An, nghe anh thầm thì :

- Anh ở lại đây, chắc nhớ em nhiều lắm, em vào trường có nhiều bạn mới sẽ dễ vơi nỗi buồn hơn anh, vào trường rồi gởi thư cho anh nghe Nhung.

Nhung gật đầu, chạnh lòng bởi câu nói tha thiết, cô nắm chặt bàn tay An. Không tự chủ, An kéo vai Nhung nghiêng người qua, tựa đầu trên vai tay mình, một tay vuốt lên mái tóc dài, đặt môi lên trán Nhung, ngây ngất hương hoa đầu đời. Trong mắt An chỉ còn khuôn mặt ngơ ngác của người anh yêu. Một phút lịm đi, An thì thầm bên tai Nhung: “ Em có tiếc gì với anh không ?”. Cô lắc đầu, nhưng tay đẩy người An ra. Một lát im lặng, Nhung chợt nghe An :

“Tất cả để dành cho ngày cưới nghe Nhung”

Nhung nghe cánh tay An buông lỏng rồi đỡ cô đứng lên.

Mặt trời lên gần đỉnh ngọn cây, một vài tiếng gọi nhau ơi ới của bọn nhỏ dưới cây xoài gần hết mùa trước dãy thềm hoang cung nội. Nhung thấy mình như vừa tỉnh cơn mơ, một giấc mơ thật êm ái dịu dàng, cô mạnh dạng quàng qua vai An, anh xếp hai bàn tay Nhung vào ngực mình, mỉm cười :

- Đây là phần thưởng của anh phải không ? Suốt đời chung thủy với anh nghe Nhung.

- Còn anh - Nhung mỉm cười như diễu cợt.

- Em ở mãi trong trái tim anh.


♣ ♣ ♣

Máy bay đáp xuống phi trường lúc gần trưa, khách trên chuyến bay phần đông là giáo sinh sư phạm từ các tỉnh vào trường nhập học. Số nam sinh lên xe lam tản mạn về phía những khu phố. Nhung và một số bạn gái cùng nhau về trường, các cô chọn phòng, chọn giường chưa có người, vì phòng nào cũng đã có một số giáo sinh đến từ hôm trước, cả những người khóa trước, phòng nào cũng gần hai mươi chiếc giường chồng.

Nhung chọn cho mình một chiếc giường dưới còn trống và rất bằng lòng vì không muốn nằm giường trên, Thu đến sau lại thích nằm gường trên, người Nha Trang. Giường bên cạnh là Liên và Xuân, ở Huế, còn nghe tiếng Quảng Trị của hai người nữa đang nói chuyện với nhau phía cuối phòng. Tuy đang ở trong khung cảnh lạ, nhưng nhiều người từ nhiều vùng khác nhau, cả trên vùng cao xuống, Nhung thấy lạ lạ vui vui. Ban đầu là những tiếng hỏi thăm, chuyện trò rôm rã, nhưng đến khi trời tối hẳn thì không khí hình như ngưng đọng, người nào giường đó, không ai còn nói chuyện với ai. Có vài người đang lúi húi viết thư, một lát sau lại nghe tiếng thút thít. Vừa lạ chỗ vừa nhớ nhà, nhớ nhiều thứ nữa, thật khó có được giấc ngủ ngon đêm đầu tiên trong căn phòng nội trú. Gần chín giờ tối, có tiếng cô Giám thị ngoài hành lang, biểu tất cả tắt đèn đi ngủ. Đèn tuy tắt hết nhưng phòng không tối lắm, nhờ ánh sáng của những ngọn đèn cao áp từ bên trại quân sự Mỹ chiếu sang.

Sáng ra, nhiều khuôn mặt còn méo mó buồn xo, chừng vài hôm sau, đã có rất nhiều cánh thư từ bốn phương bay về. Đến giờ nghỉ giữa buổi học, ai cũng hồi hộp chờ đợi chị lớp trưởng cầm xấp thư đi vào. Nhìn tên người gởi trên bì thư, mới biết hầu hết các cô nàng đã có người yêu, có bạn nhận ba ngày một lá thư. Không hiểu những người yêu nhau, họ viết những gì mà nhiều thế, chắc là do họ mới xa nhau. Nhung suy nghĩ như vậy cũng không sai, vì cánh thư nào của An cũng đầy ắp niềm thương nỗi nhớ không bao giờ vơi cạn.

Mỗi tối, Nhung thường mở thư của An ra xem lại, không ngờ An viết sâu sắc và đượm tình suốt mấy trang thư, Nhung xem đi xem lại nhiều lần lá thư đầy ấn tượng :

“ Nhung thương nhớ của anh,

Em có thể tưởng tượng anh tồi tệ như thế nào khi tà áo dài của em vừa khuất sau cánh cửa máy bay? Rồi khi máy bay đóng cửa, từ từ bay cao, mất hút trong mây, mang đi thật xa hình bóng thân thương. Còn anh, lủi thủi ra về như kẻ thất tình.

Tối đến, mẹ ân cần gọi anh ăn cơm và nói nhiều câu chọc cười, nhưng anh cười sao nổi hở Nhung. Anh không về nhà chú Phùng mà lên trên căn phòng cũ của chúng ta, bởi em cũng hiểu rằng, anh có thể buồn chết đi được nếu tối nay không ở lại nơi đây để vùi mình trong thương nhớ, mà em thì cũng vừa mới đó.

Đứng ngồi không yên, anh lấy giấy bút viết thư cho em. Có nhiều phút giây thấy mình thẩn thờ quá, anh bỗng nhớ tới những danh nhân trên thế giới trong những trang sách đã đọc cùng em, cuộc đời tình cảm của những bật vỹ nhân vẫn lụy vì tình, quay cuồng say đắm, cả những người đã từng giẫm nát nửa phần trái đất dưới chân, nhưng họ không thoát khỏi màng lưới ái tình, vẫn bị khuất phục bởi đôi mắt mỹ nhân, bởi sóng mắt gợi tình, có khi phải sụp đổ cả cơ đồ.

Vậy thì anh, chỉ mảy may trong tình yêu nhỏ bé, nhưng vô cùng chân thành, sao lại không khỏi thiếu vắng khi em vừa mang đi mất của anh ánh mắt và tiếng nói dịu dàng. Mà đôi mắt em, nếu được lồng trong khuôn vàng thước ngọc, thì cũng sẽ chao đảo biết bao khách tình si. Anh không ca tụng quá lời, sự thật em đã có đôi mắt như thế, đã thu hút tình yêu anh, nhốt kín linh hồn anh với bao rung động. Giờ phút này, anh ao ước được có em, dù để giận hờn anh cũng được ...”

Lòng Nhung xao xuyến theo từng câu anh viết, tình yêu tha thiết như vậy sao, biết bao lưu luyến khi phải xa nhau, nhưng nội trú có nhiều bạn mới đông vui, buồn thì đã có bạn cạnh giường tâm sự, đôi khi đưa thư cho nhau xem, nên Nhung cũng như các bạn quên bớt niềm riêng, hòa mình với khung cảnh mới, trường mới, thầy cô giảng sư mới.

Vài tháng cũng qua mau, cho đến khi bạn bè rủ nhau ra phố sắm tết, mua vài thứ quà lưu niệm để mang về nhà. Và lá thư cuối năm đầy những lời giục giã của An, cô đọc lại đoạn thư :

“ … Khi tâm hồn em vừa biết rung động, chính anh là người dẫn dắt em những bước đầu tiên đi vào tình yêu, và em đã tin tưởng tuyệt đối ở anh. Vì vậy, trách nhiệm của anh là không được làm em thất vọng, mặc dù nhiều lần anh nén đi khát vọng …Có khi nào em cho anh khờ dại không Nhung ? Bởi anh nghĩ rằng, sau những thử thách khó khăn mà chính anh vượt qua được, cũng vì hình ảnh mẹ anh trong tấm áo màu lam em gởi tặng để mẹ đi chùa, đã vỗ về xoa dịu anh rất nhiều. Cũng vì anh tôn trọng ân tình mà ba mẹ em đã ưu đãi cho anh, mặc dù anh biết rằng, sự nén lòng đến một lúc nào đó sẽ trở thành vô nghĩa, khi yêu thương như hoa quả đến mùa, anh đang mong em về. ”


♣ ♣ ♣

Sắp nghỉ tết, Nhung cho An biết đã mua vé và ngày lên máy bay. An xuống phi trường Phú Bài đón Nhung. Trời rét đậm nhưng môi Nhung thấy có màu hồng, nhìn thật lâu, An mới nghĩ ra Nhung có thoa son, mới mấy tháng học làm cô giáo, Nhung đã bắt chước bạn thoa son đánh phấn. Chỉ một lớp nhạt nhưng trông thật duyên dáng, đáng yêu, anh ngồi gần Nhung để san sẻ chút hơi ấm.

Đến nhà, bà Vĩnh gọi Sen ra mang giỏ xách vào trong. Nhung hỏi ai đó, mẹ nói đó là người làm mới thay Lài. Ăn cơm xong, Nhung soạn đồ đạc. Hai cái khăn lông cỡ trung màu trắng và vàng Nhung đưa cho mẹ để lau tắm cho em. An một cái màu xanh, còn tặng thêm cây bút máy thật đẹp. Các em nhỏ đều có quà bánh. An hỏi tiền đâu mà mua nhiều thế. Nhung nói tiền mẹ gởi tháng nào cũng dư, còn có tiền học bổng. Nhìn An và chị, Bảo đùa :

- Chị Nhung mắc nợ em nhiều lắm.

- Nợ gì ? - Nhung hơi ngạc nhiên.

- Nợ tiền bao anh An đi xem phim, đi ăn kem.

- Tí nữa chị trả cho - Nhung cười hễ hã.

Ra ngồi ở nhà trước, An nói với Nhung dự tính của mình :

- Anh chờ em đến hôm nay, sắp cận tết, chắc mẹ anh mong lắm nhưng tết nay anh ở lại đây, anh sẽ xin ba mẹ cho em ra thăm mẹ anh vào ngày mùng ba. Tối nay anh sẽ thưa lại.

Nhung hơi ngần ngại:

- Không đâu, để từ từ, còn chuẩn bị vô năm học.

- Nhưng mẹ rất muốn gặp em. Anh đã nói với mẹ rồi.

Nhung không còn cách nào khác để thối thác.

An cho biết anh đã vào ở cư xá sinh viên, gần cầu Đông Ba, chỉ cách nhà Nhung chừng ba trăm mét nên mỗi ngày vẫn về kèm cho mấy em của Nhung. Ở cư xá có nhiều bạn học, tinh thần dễ chịu hơn.


♣ ♣ ♣

Sáng mùng ba, An xin phép ba mẹ Nhung đưa cô về quê anh. Chỉ cách gần ba mươi cây số đường nên không lâu đã đến nhà. Mẹ An và một người nữa đang ngồi trong nhà. An giới thiệu đó là người anh ở Sài Gòn về ăn tết. Nhung đón nhận tất cả tình cảm thắm thiết mẹ anh dành cho cô. Mẹ An rất vui mừng nhìn ngắm người con dâu tương lai, mời ép mứt món đủ thứ. Ai đến thăm tết mẹ cũng khoe: “Bạn gái của thằng An”

Tối Nhung ngủ chung với mẹ An, bà kể chuyện làm ăn sinh sống, chuyện ba An mất sớm, bà chỉ có hai anh em An, rồi hỏi tuổi cô, lẩm nhẩm tính trên đầu ngón tay, trong lúc Nhung dần chìm vào giấc ngủ. Sáng mai, An đưa Nhung ra bến xe, nói Nhung về trước, anh ở lại với mẹ thêm một hôm và nói về sẽ đi mua vé máy bay cho Nhung.

Sáng mùng bốn chưa thấy An về, sợ trễ học nên Nhung tự đi mua vé, phòng bán vé trên đường Trần Hưng Đạo, chỉ cách nhà chừng năm trăm mét. Gần hết chiều mùng bốn, cho đến khi mặt trời khuất sau hàng cây phía cuối đường vẫn chưa thấy An về. Cô nghĩ như vậy là mai An mới vào, ngày mùng năm ít ai dám đi lại. Mùng sáu An phải nhập học, Nhung thấy nóng lòng không biết có chuyện gì xảy ra. Có bao giờ An trể nãi như thế đâu.

Gần sáu giờ chiều bỗng An dựng xe ngoài cửa, ai cũng hoảng hồn tưởng gặp việc gì giữa đường. Thời buổi này, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra khi màn đêm buông xuống, cướp bóc, mìn nổ, đạn rơi, bởi chiến tranh đang lan tràn khắp nơi.

Nhìn vẻ bơ phờ của An, Nhung vội hỏi :

- Anh bệnh hay làm sao vậy ?

- Anh không bệnh. Hôm qua em đợi anh không ?

- Đợi suốt ngày không thấy, em mua vé rồi.

- Anh xin lỗi.

Nhung nhìn hai trũng mắt sâu của An có vẻ ngờ vực.

An vào nhà chào ba mẹ Nhung. Chị Rớt dọn riêng cho An mâm cơm vì cả nhà vừa ăn xong. Không vui vẻ như thường khi, An ngồi vào bàn. Nhung xới cơm vào chén cho An, băn khoăn hỏi anh :

- Hình như có chuyện gì xảy ra, anh không được bình thường, có gì nói cho em biết ?

Chưa dám nói ngay sự thật mà anh chưa một lần nghĩ tới, nuốt vội chén cơm, cổ như nghẹn lại, chưa nói được nhưng không thể giấu được cử chỉ bất thường của mình. Uống xong ly nước, An nói cho qua chuyện :

- Không có chi, chỉ là mấy việc lộn xộn ngoài đường. Tối nay không về cư xá, anh lên lầu nghỉ một tí, mai mình còn đi chơi.


♣ ♣ ♣

Cả nhà ăn sáng xong, gần chín giờ, hai người đạp xe lên phố, các cửa hàng đã mở, nhiều em bé áo mới vui đùa chạy nhảy trước sân, trai gái đi chơi xuân từng đôi từng cặp, đi lên đi xuống hai bên đường lộ. Qua khỏi cầu Trường Tiền, ngang qua cửa Thượng Tứ, An dừng xe nói với Nhung hãy ra ngoài Phú Văn Lâu cho mát. Để xe gần chỗ ngồi, hai người ngồi trên tam cấp nhìn ra sông. Người đi qua đi lại chật cả lối đi hẹp phía dưới, vài người mẹ dẫn con chừng vài ba tuổi áo mới dày mới, nhiều nhất là con trai con gái lứa tuổi học sinh, tay cầm mứt bánh đầu xuân nói cười rộn rã.

Thấy vậy mà An không vui, cũng không ngồi gần Nhung như bình thường, khoảng cách đã có trong lòng anh, rất khó lòng nói cho Nhung biết nhưng không thể nào giấu được, ngày mai Nhung đi rồi, chuyện trắc trở này lại không thể câm nín lâu ngày. An lấy can đảm thổ lộ :

Có khi nào em nghĩ vì một điều gì đó khiến mình phải xa nhau ? Anh thao thức cả hai ngày nay nên hôm qua về trễ, định từ từ em vô trường rồi anh sẽ viết thư nói rõ sau, nhưng nghĩ lại nên nói với em đây thì hay hơn.

Chuyện gì mà quan trọng vậy ?

- Chuyện khá quan trọng Nhung à. Tối nằm chung với em, mẹ anh có hỏi tuổi em, hôm sau em lên xe, mẹ đi xem bói ngay, ra vẻ quan trọng lắm khiến anh nghi nghi, khi về mẹ thất vọng, nói rằng hai tuổi qúa xung khắc. Mẹ và anh bàn lui tính tới không biết đường nào gỡ. Biết tình cảm của mình như thế này, chiều mẹ đến nhà ông thầy hay nhất làng xem lại lần nữa.

- Thầy nói thế nào ?

- Thầy cũng nói vậy, một ý như nhau. Mẹ khóc, nói rất thương em, nhưng gia đình đơn chiếc, mẹ chỉ có hai đứa con.

Nhung muốn nói một lời gì nhưng không nói được, ngực như có gì đè nặng.

An tỉ mỉ giải thích thêm:

- Mẹ không ràng buộc anh điều gì nhưng rất lo lắng. Mẹ nói trong làng mình cũng có trường hợp như vậy, cưới nhau chừng một năm, người chồng lâm bệnh chết, mẹ lại nhắc đến chuyện ba anh mất sớm.

- Em hiểu rồi, sao lại có chuyện lạ lùng như vậy, đầu năm người ta đi xem bói nhiều, tí về em nói mẹ đi xem thử thế nào.

Nghe Nhung nói chuyện tuổi tác, mẹ cô bảo :

Mẹ cũng định đi xem năm nay nhà mình làm ăn, con cái ra sao, sẵn con nói vậy thì mẹ đi xem thử. Hai đứa còn tuổi học hành nhưng phải coi cho biết, lỡ sau này có gì thì khổ.

Chừng mười giờ mẹ Nhung về, quăng cái nón trên phản, nhăn nhó :

- Không được rồi, khắc lắm.

- Sao mẹ ?

- Khắc mạng lắm, hai tuổi ở với nhau không lâu dài được. Không ai ngờ trước chuyện này - Bà nhìn con gái, nói thêm - Vậy mẹ cậu An tính thế nào rồi?

- Dạ mẹ anh nói nhà đơn chiếc, chỉ có hai người con, ba anh mất sớm.

- Thấy chưa, người ta cũng sợ chứ không phải riêng gì mình.

Nhung thuật lại chuyện mẹ cô đi xem bói với An, nhưng trông anh có vẻ bình tĩnh :

Đầu năm người ta coi bói nhiều, mấy ông thầy chắc gì đã nói đúng, không thể như thế này được, để từ từ - nhìn Nhung rưng rưng nước mắt, An khuyên - đừng khóc nữa Nhung, để rồi còn tính. Mình còn nhiều thời gian, anh và em chưa ra trường mà.

Nhung ra vẻ thuận lòng, nói nhỏ :

- Thôi được rồi, ngày mai em lên máy bay về trường, anh tiếp tục đi học, trưa và tối nay anh ăn cơm ở đây.

- Tối cho anh ngủ lại đây, mai anh đưa em xuống phi trường.

Nhung mở to hai mắt :

Mai anh đi học mà, ở phòng vé có xe đưa xuống phi trường.

Anh nghỉ học, đưa em đi.

Vẻ cương quyết của An khiến Nhung không nói thêm lời nào, dâng lên lòng thương mến.

Buổi trưa ông Vĩnh đi làm về, tắm rửa xong đến ngồi trên tấm phản, bà Vĩnh ngồi gần bên, trong khi chờ chị Rớt dọn cơm, bà kể lại chuyện khắc tuổi của An và Nhung, sẵn An và Nhung ngồi ở bàn nước đối diện, ông Vĩnh nhìn hai người, vẻ ái ngại :

- Chuyện vợ chồng là do duyên số, thấy cậu có tình ý với con tôi, cũng là người biết ăn biết ở, tôi nghĩ vài năm nữa ra trường là tôi gả Nhung cho cậu. Bây giờ sự việc xảy ra như thế này, thật nan giải, làm cha mẹ không ai muốn chia rẽ tình duyên con cái, nhưng sự việc như thế này, có vài trường hợp xảy ra rồi nên tôi tin, cũng đã biết trước lời thầy bói nhưng có người tin người không, vì họ nghĩ phước bất cập số.

Chị Rớt bưng mâm cơm lên, cả nhà ngồi lại. Cầm đôi đũa lên, ông nhìn An, tiếp lời :

- “ Người đâu gặp gỡ mà chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không” - Lỡ duyên lỡ nợ ai mà không buồn khổ, tôi không ngăn cản nhưng xem như cậu đang đứng giữa ngã ba đường, còn làm cha làm mẹ sao dám tán thành chuyện này. Sau này có gì lại ân hận, chị ngoài đó dù có thương con đến đâu chắc gì đã bằng lòng. Cũng may mà biết sớm. Cậu suy nghĩ lại xem.

- Dạ.

Bà Vĩnh giải thích thêm :

- Cảnh đứt gánh nửa đường ai cũng sợ. Chị ngoài đó nếu không chấp thuận, cậu cũng không trái ý mẹ cậu được, phải không ?

- Dạ.

Ông Vĩnh tiếp lời :

- Đau khổ nào cho bằng Thúy Kiều xa Kim Trọng, cũng vì chữ hiếu. Tình nặng nhưng không bằng hiếu. Cậu phải nghe lời mẹ cậu chứ .

Không ai ngờ ông Vĩnh thường khi ít nói, nay lại văn hoa lưu loát đến vậy, bà Vĩnh cũng hơi ngạc nhiên. Bà nghĩ bụng, những người ít nói, nhiều khi tình cảm còn sâu sắc hơn người chót lưỡi đầu môi. Ông biết dùng câu Kiều để khéo léo gút mở, màu mè thi phú, không qúa khô khan như bà nghĩ lúc ban đầu mới gặp.

Cũng như chàng thư sinh tên Quý ngày xưa trong Quãng ra thi, biết cô Loan là con gái của quan Thượng thư danh gia đài các, dù thương mến cô Loan nhưng không dám hứa hẹn gì. Khi thi xong, biền biệt cho đến gần bốn năm sau mới trở lại. Không biết ai chỉ mà Quý tìm được nhà ông Vĩnh. Vào thăm, thấy cô Loan tay bế tay bồng. Quý nói vẫn còn độc thân và ra đây tìm Loan. Lúc chia tay, ra đến cửa còn ngoảnh lại nhìn lần nữa, rồi không bao giờ còn trở lại. Mới biết là tấm chân tình sâu nặng biết bao.

Nghe ông Vĩnh nói vậy, An thêm sáng tỏ, như ngọn đèn được khơi rạng, anh tự biết chính mình sẽ không được gây điều bất như ý trong gia đình này và sẽ không để mẹ anh lo lắng. Ông Vĩnh đã nói đúng, anh đang đứng giữa ngã ba đường, bên tình bên hiếu, và đang đối diện với số phận.

Trước khi lên lầu nghỉ, An dặn Nhung ngủ trưa xong lên lầu với anh. Hai người ngồi trên hai chiếc ghế An đặt sẵn ngoài hành lang. Dòng sông trước mắt trôi lặng lờ êm ả, cây sầu đông bên đường trổ hoa tím nhạt đầy cành, hương thơm thoang thoảng, dãy đò đậu san sát ven bờ như cố nép vào nhau trong hơi gió se se về chiều giữa thời tiết mới sang xuân. Không gian êm ả, cảnh vật tươi vui nhưng trong lòng hai người gợn lên những đợt sóng trái mùa, vỗ điệu bất an.

An kéo Nhung sát vào mình, tay trong tay, sưởi nhau qua hơi ấm. Một nỗi mong manh đâu đó như nhem nhúm, anh cảm thấy được gần Nhung trong giây phút này, nhưng ngày mai, khi Nhung lên máy bay, có khi sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Thật lâu An mới mở lời:

- Mai em đi rồi, căn phòng này để lại không biết bao nhiêu kỷ niệm. Mùa đông vừa rồi, nhiều đêm ở ký túc xá anh không ngủ được, dậy viết thư cho em, xong đi về đây, trong sương trong lạnh, đi qua đi lại nhưng không vô nhà. Em biết anh nhớ em tới mức nào ... Sao chúng ta lại gặp cảnh trắc trở này... Em nói gì đi Nhung.

Nhung bùi ngùi :

- Nói gì cũng chỉ thêm buồn - rồi Nhung biểu lộ cử chỉ bắng cách nghiêng đầu tựa vào vai An. Anh cũng nghiêng đầu mình lên mái tóc thoang thoảng hương thơm, nói khẽ :

- Anh sẽ không bao giờ để mất em... chẳng lẽ ta phải buông xuôi !

Nhung nói ra ý nghĩ của mình sau đêm dài trăn trở :

- Nhưng anh còn mẹ, không thể để mẹ đau khổ khi phải sống trong nỗi lo sợ cả đời như thế, biết là dị đoan, nhưng ai mà chẳng tin, chẳng thà không biết.

An buồn rười rượi :

- Lúc nào em cũng suy nghĩ tận tường khúc chiết. Anh thì chỉ rối rắm, phải không ?

- Anh cũng đừng suy nghĩ nhiều, thời gian còn dài, mấy năm nữa anh mới ra trường.

Nói vậy nhưng An thấy Nhung rơm rớm nước mắt. Anh lấy khăn tay trong túi, lau mắt cho Nhung.

- Hè nhớ về sớm với anh nghe Nhung.

Nhung gật đầu, An ôm siết vai Nhung, nghe thời gian trôi chầm chậm.


♣ ♣ ♣

Đưa Nhung lên máy bay xong, An về thẳng cư xá nằm buồn, nghĩ đến đôi chim trên trang thư ngày nào tặng Nhung, bây giờ sắp phải lìa xa nhau. Đến bữa cơm, ăn qua loa cho xong, An về nhà để báo cho ba mẹ Nhung biết đã đưa cô lên máy bay. Giờ này Nhung đang ăn cơm nội trú. Những ngày sau đó, thỉnh thoảng An về nhà chơi, ba mẹ Nhung mời ăn cơm, anh cũng ăn. Không ai nhắc tới chuyện cũ, nhưng hơn một tháng sau, bà Vĩnh gợi chuyện :

- Cậu có buồn thì cứ về đây chơi cho vui, bày bài vở cho mấy em. Nhung đi cậu cũng đi, trong nhà thấy vắng.

Ông Vĩnh tiếp, nửa đùa nửa thật :

- Lâu nay cậu đã dứt khoát tư tưởng chưa ?

- Dạ rồi.

Anh chợt hiểu, cả tháng nay hình như ba mẹ Nhung như đang chờ đợi ở anh một thái độ. Và bản thân anh cũng đã quyết định rồi, nên trả lời dứt khoát như thế, khiến ông bà hơi ngạc nhiên, ông hỏi tiếp :

- Cậu tính thế nào ?

An cười gượng :

- Dạ để từ từ Nhung sẽ quên và sẽ lấy chồng.

Cậu nói vậy chứ không phải dễ gì... Nhưng mà tuổi trẻ cũng chóng quên nếu mà cậu thấy không thể kéo dài. Nhung cũng vậy. Hai người đều có ăn có học, chắc phải biết cách giải quyết sao cho trọn tình trọn hiếu... Mà “  Trai thì trung hiếu làm đầu…”. Tôi nói vậy chắc cậu hiểu rồi. Con cái lấy vợ lấy chồng mà cha mẹ cứ lo sợ canh cánh cả đời làm sao sống yên ổn. Tôi nói vậy có đúng không ?

- Dạ.

Bà Vĩnh nghe ông nói rất xuôi tai, thể hiện tình cảm trong lời nói để nhẹ bớt nỗi buồn cho An. Bà tiếp lời :

- Dù không được là rể con, tôi cũng quý cậu như từ trước tới nay. Có cậu lui tới, tôi cũng đỡ nhớ con.

- Dạ, con sắp đi xa rồi.

Ông Vĩnh ngạc nhiên :

- Đi đâu ?

- Dạ chắc là vô lính.

Đang học sư phạm sao lại vô lính. Cậu nói thật hay đùa ?

- Dạ thật.

Nhìn vẻ mặt An biểu hiện sự nghiêm túc, ông nói :

- Cậu phải suy nghĩ lại cho kỹ, việc này mà vội tính có khi bỏ cả cuộc đời. Chuyện gì cũng phải bình tĩnh giải quyết.

Thấy không khí mất vui, bà Vĩnh tiếp lời :

- Cậu quyết định vậy hóa ra do chuyện tình cảm với Nhung, cũng biết rằng sống chết có số trời nhưng “Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Rồi cậu cũng tìm ra cho mình một người vợ vừa ý, sắp đến tuổi cả rồi. Con gái bây giờ giữa thời buổi chiến tranh bom đạn, nhưng cũng có người muốn quan quyền chức tước, cũng lấy chồng quân đội, có sao đâu. Ở hiền gặp lành.

- Dạ.

Cả tháng trời dằn vặt, An đã chọn cho mình một con đường nhưng chưa dứt khoát hẳn, nên những lá thư lâu nay gởi cho Nhung, anh chưa đề cập đến, chỉ nói xa xôi bóng gió về một cuộc chia tay có thể xảy ra, để Nhung khỏi bất ngờ khi đối mặt với sự thật. Và những cánh thư của Nhung, cô cũng linh tính một điều gì trắc trở, với những lời lẽ không vui. Nay An đã nói ra với ba mẹ Nhung điều đó, xem như anh đã quyết định xong. Trái với đời sống yên thân lâu nay, bây giờ nghĩ đến cuộc đời lính chiến, anh cảm thấy hay hay. Dù hiểm nguy nhưng vẫn nhiều điều lạ, hãy sống thử đời trai hiên ngang. Những lời nói của ba mẹ Nhung đơn giản nhưng đã khơi gợi cho anh rất nhiều. Chính anh cũng rất tin luật nhân quả. Ở hiền gặp lành.

Về cư xá, An viết thư với sự can đảm cuối cùng :

“Nhung yêu quý,

Không nói ra nhưng hai chúng ta đều hiểu hết phải không? Em có biết rằng, xa nhau lần này là có thể mình không còn gặp nhau nữa. Tuy đau khổ nhưng anh không thể im lặng giấu giếm em mãi. Anh đã quyết định con đường rồi.

Mới hôm nào đây, em nói hè sẽ về với anh, và anh nói sẽ chờ em về sớm, như phượng hoàng hẹn bạn. Anh đã nói dối rồi Nhung ơi ! Bởi khi đưa cho em tấm vé, anh xót lòng nghĩ rằng đây là bản án chia ly, chiếc khăn đẩm nước mắt của em đã thấm vào tim anh từng giọt buồn thương một khi anh chân trời góc bể. Lần này anh đi là xa em mãi mãi, là đành đoạn mối tình đầu anh và em vun đắp bấy lâu. Anh sẽ vào quân ngũ, bởi không còn cách nào hơn, nếu kéo dài thời gian, sẽ trở thành vô hiệu thôi, nó sẽ đày ải chúng ta nhưng cuối cùng vẫn không lối thoát.

Chúng ta sẽ không lấy được nhau đâu em, nhưng nếu được, cũng không thể sống mãi trong nỗi phập phồng lo ngại. Anh nghĩ kỹ, nếu anh có yểu số, thì ở đâu cũng vậy. Và anh chẳng sợ gì mà không thử thách, để còn tương lai của em. Anh nhận thấy ba mẹ em cũng bất an không kém mẹ anh. Định mệnh đã quá khắt khe với chúng ta, trên những con đường hàng ngày đi về bây giờ trở nên buồn bã, phố xá hoang vu. Mai đây khi em về, những con đường hẹp trong thành phố Huế nhỏ bé này, chứng kiến như thế nào khi anh và em cùng đi về nhưng lẻ loi mỗi người một ngã, thì anh còn ở lại mà chi. Hoặc nếu anh còn ở lại thì sẽ như thế nào khi chúng ta trong phút yếu lòng.

Anh không thần thánh hóa tình yêu đâu em, nhưng khi tình yêu đã trở nên cao quý thì sẽ vượt lên thân xác, còn em thì hết sức mềm yếu.Vì vậy, như anh thầm nhủ trong lòng, sẽ giữ gìn em đến giờ phút cuối cùng khi lên xe hoa, dù với một người đàn ông khác.

Hôm qua, trước măt ba, anh đã hứa trả tự do cho em. Còn anh, những ngày tháng đang sống nơi đây, như người tình bị hắt hủi. Anh phải đi cho em trở về, cho ba mẹ em yên vui. Con đường anh đi sẽ không còn có em, anh sẽ mang theo bên mình mấy tấm hình chụp trong Đại Nội, và chiếc áo len em đan, như còn chút hơi hướng sau cùng.

Hãy tha thứ cho anh nghe Nhung.”


♣ ♣ ♣

Ba tháng hè không có An ở Huế, Nhung cảm giác cô đơn thiếu vắng nhưng lại nhẹ lòng vì thấy được những nụ cười vui vẻ của ba mẹ. Anh đã đúng khi nặng tay xóa lỡ mối tình đầu, giờ đây mới thấy An là cần thiết, cô trách anh sao đành đoạn, để lại không gian đầy thương nhớ trong căn phòng học cũ. Cô bắt đầu tìm quên trong việc học tiếp chương trình phổ thông bỏ dỡ, thỉnh thoảng xem truyện, viết một vài bài thơ nhỏ, hoặc đi xem phim với bạn.

Những bài toán khó bây giờ không ai giải bày, không ai dò bài học, nhưng cô vẫn cố gắng để quên đi nhớ nhung, mong hết hè để trở lại trường. Trách chi An không chịu nổi, như vậy thì thay đổi một không gian nơi anh chọn lựa không phải là không hữu lý.

Vào trường khoảng vài ngày sau là Nhung nhận thư An, cô đọc kỹ từng dòng :

“Nhung yêu thương,

Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, vĩnh viễn trong tâm tư, chúng ta vẫn là của nhau phải không em. Đây là bức thư cuối cùng trước khi anh ra đơn vị, anh cố gắng gởi kịp về trường để lấp khoảng trống cho em trong những ngày đầu niên học.

Hè này ở nhà có buồn không em ? Anh không biết em sẽ trăn trở ra sao trong ba tháng dài không có anh ở Huế. Bây giờ anh sắp tới một nơi mới đầy thử thách hiểm nguy, còn em, nay mai sẽ chuyển dạy chưa biết nơi nào, nhưng chúng ta không bao giờ lạc nhau trong giấc mơ. Những lúc về đêm, nằm trong không gian xa lạ, anh cảm nhận một phần đời em đã tan chảy trong anh, như thế mà phải chia lìa!

Ông trời thật nhẫn tâm với chúng ta, anh quay quắt nhớ về thành phố thơ mộng của chúng mình, chỉ có ánh nắng tàn tiễn chân anh ra đi. Nhưng nếu anh cố chờ gặp lại em, chúng ta được quấn quít trong vòng tay nhau, nhưng sau đó sẽ níu kéo thêm được điều gì. Em cố hiểu và đừng trách anh nghe em.

Anh quá ân hận khi không giữ trọn lời nói thủy chung với em bên thềm Đại nội, nhưng anh thầm ước một ngày nào đó em thực hiện được điều mong muốn của ba mẹ. Cũng như anh đã từng suy ngẫm rằng, em phải có một bờ vai nương tựa vững chắc trước sóng gió cuộc đời, nhưng chính anh lại làm cho em xao động. Chúng ta phải chia lìa thật oan uổng khi cuộc tình bắt đầu trở đẹp

Đến bây giờ em mới thấy cuộc tình chúng ta cao đẹp nhường nào, chừng đó đủ để suốt đời em không quên anh, cũng như anh, đầu đời cưu mang tình em, đến chết vẫn còn u hoài hình bóng.

Nhung ơi! Kiếp này không là vợ chồng, anh xin hẹn lại kiếp sau.”






VVM.24.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com