Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




ÔNG XÒE VỚI HAI BỘ HÀI CỐT



     L âu rồi, mọi người vẫn quen gọi anh là ông. Ông Xoè. Ông đang đứng ngây người nhìn theo nhóm quy tập mộ liệt sĩ khiêng hài cốt Tiến ra đi. Nhớ lắm chứ lỵ. Vì từ mấy năm nay ông vẫn coi Tiến là bầu bạn tâm tình. Và còn một người nữa đang nằm nơi kia, mà ông chẳng thể nào biết tên.

Ông Xoè phát hiện ra họ vào cái dịp làm đoạn mương dẫn nước tưới cà phê. Ngay đầu giờ sáng sau hai ngày khởi việc, chỉ mấy nhát cuốc, ông thấy lộ ra cái sọ người. Vốn đã là lính xông pha trận mạc nhiều năm, ông không mảy may sợ hãi. Buông cuốc, ông sẽ sàng nâng cái sọ lên ngang tầm mắt, ngắm nhìn xem có thương tích nào không. Không. Thế là rất tốt. Vậy xin anh bạn hãy tạm nằm xuống đây. Nằm lên nắm lá rừng này. Mà không! Nằm vào cái tấm ni lông che mưa của tôi thì hơn. Rồi tôi sẽ lau rửa sạch sẽ cho bạn. Sẽ bố trí nơi yên nghỉ chu đáo cho bạn. À mà bạn tên gì nhỉ, quê quán nơi đâu? Tôi có biết thì mới tìm cách mách bảo người thân của bạn đón về quê hương được.

Cuộc đào bới tiếp tục diễn ra một cách thận trọng. May mà thời tiết sớm nay dịu mát. Vậy là trời đất cũng thuận tình che chở cho cuộc gặp gỡ của hai ta. Thế bạn nằm đây bao lâu rồi nhỉ?

Trong khi thận trọng nhặt nhạnh từng mẩu xương, ông Xoè còn để tâm tìm kiếm nguồn gốc bộ hài cốt. Trên mảnh hợp kim nhôm bị bom đạn vò xé quăn queo, ông đã đọc được chữ Tiến ở hàng trên, hai chữ Hải Hưng ở dưới. Ông đoán tên anh ta là Tiến, quê Hải Hưng. Theo đó là cái bình đựng nước gỉ nát, kiểu Liên Xô, giúp ông khẳng định người này thuộc phía mình.

Vậy bạn là đồng ngũ của tôi. Thế thì bạn đã nằm đây từ lâu lắm rồi!

Gần hai mươi năm trước, tại vùng đất cao nguyên này đã diễn ra một trận đọ sức tắm máu của cả hai bên. Phía ta chủ trương mở cuộc tiến công nhằm thăm dò, thử sức, để chuẩn bị cho chiến dịch lớn về sau. Bị đánh bất ngờ, đối phương vội cho từng đàn máy bay trực thăng đổ quân ào ạt xuống đây; cốt giành giật bằng được tuyến phòng ngự quan trọng bậc nhất này. Và một cuộc chiến giáp lá cà đã xảy ra. Biết không cản nổi khí thế tiến công dũng mãnh của bộ đội ta, địch buộc phải dùng máy bay B52 ném bom hủy diệt khu vực tranh chấp. Anh trung sĩ Xòe may mắn thoát chết, được đội thu dung thương binh - tử sĩ đưa về hậu cứ chữa trị cả năm trời.

Còn Tiến, chắc chắn là cậu ta đã ngã xuống trong trận đánh ấy. Khẳng định vậy, nên ông Xòe càng miệt mài tìm kiếm, cốt gom nhặt cho hết từng mẩu xương người đồng đội mình.

Sau hồi lâu bới tìm, khi không còn nhặt nhạnh thêm được gì nữa, ông Xoè liền gói kín bộ hài cốt trong tấm ni lông. Nhìn cái gói không to hơn quả đạn súng cối theo ông xung trận năm xưa, nghĩ càng thương bạn. Thời gian đã gậm nhấm mài mòn bạn quá nhanh, rồi sẽ đến ngày xóa sạch. Điều ấy không chỉ dành riêng cho bạn, mà cả cho tôi và tất thảy mọi người. Vậy sao trên đời này vẫn còn có kẻ hằng mong mình vĩnh cửu muôn năm… muôn năm?...

Mà thôi, tôi miên man để làm gì cơ chứ. Thiết thực hơn là, tôi phải xây "nhà" cho bạn. Ở đây không kiếm được tiểu sành. Tôi sẽ đóng một cái hòm xinh xinh bằng loại gỗ tứ thiết để bạn nằm. Và dùng đá núi xây nhà thờ cúng chắc chắn. Nhất định ngày mai bạn có nhà mới thôi. Hẳn rằng, bạn chỉ cần có thế? Tôi thì cần nhiều thứ lắm. Mà nay ngoài cái tuổi bốn chục vẫn chẳng đâu vào đâu. Vẫn ở túp nhà gianh núp bên sườn đồi. Có khi bạn biết nhà tôi rồi đấy. Biết hay chưa thì tôi cũng sẽ chính thức mời bạn thăm nay mai. Chúng mình là hàng xóm của nhau mà.

Đến cuối chiều ngày hôm sau, hài cốt Tiến được đặt giữa đỉnh đồi cà phê thuộc quyền sử dụng của ông Xoè. Đầu gối đằng bắc, để bạn luôn hướng mặt về phía nam quanh năm gió mát. Xưa nay các cụ mình làm nhà đều chọn hướng nam, quả là chí lý! Rồi tôi còn phải khắc bia cho bạn nữa chứ. Bia ghi “Tiến - Hải Hưng” là được chứ gì? Bạn muốn thế nào nữa thì báo mộng cho tôi. Còn phía trước nhà, tôi sẽ trồng hai cây Kơnia. Kơnia che chở nắng mưa và làm đẹp thêm ngôi nhà bạn. Có bài hát nổi tiếng về bóng cây Kơnia, bạn thích không? Tôi rất thích!

Cũng vì thích bài hát ấy, tôi đâm mê người hát. Chúng tôi yêu nhau say đắm mà chẳng nên vợ nên chồng. Khi xuất ngũ, tôi không trở quê hương, mà tình nguyện đến vùng đất này sinh sống. Bạn có biết vì sao tôi chọn nơi đây không? Chẳng bởi cái lãng mạn muốn biến “sỏi đá cũng thành cơm” như nội dung câu thơ tôi học ngày xưa đâu. Mà tôi hy vọng cái nơi ẩn náu xa quê mình cả ngàn cây số này có thể giúp tôi chạy trốn mối tình xưa. Chứ về quê, chắc chắn tôi không thể chối bỏ việc sống chung với nàng. Tôi vẫn nhớ như in lời nàng quả quyết trong nước mắt rằng: “Em thề sống trọn đời cùng anh, cho dù chúng mình không thể sinh con!”. Nhưng tôi biết rằng, nàng rất mong có dứa con trai. Để sau này nó hương khói cho cả hai bên nội ngoại. Việc hương khói chính là nguyện vọng của hai bà mẹ - mẹ tôi và mẹ nàng. Bởi hai cụ chỉ sinh con một bề. Nên khi còn sống, các cụ đều nhất tâm vun đắp mối tình của chúng tôi. Ngày tôi trở về thì cả hai cụ đều đã khuất núi. Tôi tuy thoát chết, nhưng nguồn sinh sản đã bị cuộc chiến này tước bỏ hoàn toàn. Vậy làm sao tôi đáp ứng nổi nguyện vọng sinh đứa con trai với nàng? Tôi không muốn nàng vì sự thủy chung mà hy sinh cả một kiếp người. Nên tôi nhất quyết ra đi.

Tuy vậy, nỗi nhớ quê hương luôn khiến tôi thao thức trắng đêm. Nhớ nhất tuổi học trò và cái nắng hè với màu hoa phượng đỏ. Mà, tuổi học trò của tôi thật vất vả. Bố chết lúc tôi vừa tròn một tuổi, khi gia đình còn chưa rời chiến khu Việt Bắc. Kết thúc cuộc kháng chiến chín năm, tôi theo mẹ trở về quê. Đó là cái xóm nhỏ bên sông Hồng. Tôi đang học lớp 6 thì mẹ qua đời. Đành cố học xong lớp bảy, có sự bảo trợ của xí nghiệp mẹ tôi. Thôi học, tôi vào phụ việc ở xí nghiệp mẹ từ tuổi mười lăm. Mấy năm sau, tôi ra mặt trận. Rồi về vùng đất này lập nghiệp.

Ông Xoè ngồi vắt chéo chân trên mô đá cạnh ngôi mộ, giở thuốc lá hút. Khói thuốc quấn quyện; như lòng ông khôn nguôi nghĩ về người đồng đội đang yên nghỉ, biết rằng sẽ chẳng tìm kiếm thêm được gì nữa. Còn bạn, hẳn cũng cần biết một chút về tôi nhỉ? Xuất ngũ, tôi chưa ngay đây đâu. Tôi khai phá, lập nghiệp tại nơi khác cơ. Kinh tế cũng khấm khá. Đã có nhà xây lợp ngói hẳn hoi. Tôi chuyển đến đây là bởi chấp hành chủ trương di dân ra khỏi vùng quy hoạch nhà máy thuỷ điện. Nơi ấy và cả vùng đất rộng lớn này, rồi sẽ có điện sáng trưng. Thật tuyệt!

Ồ, mà tôi còn chưa giới thiệu tên mình với bạn. Tôi là Xoè, Trần Văn Xoè. Hộ độc thân... Phần bạn… thế nào nhỉ? Vợ con ra sao? Chắc là chưa có ai. Lớp trẻ chúng mình giống nhau cả mà. Nhưng biết đâu anh bạn thuộc thế hệ đàn anh? Có gì thì mách bảo nhau nhé. Lặng im, đôi khi tôi lỡ nói năng phạm thượng, xin đừng giận. Trời sắp tối rồi, tôi về đây. Bạn yên nghỉ nhé. Ở nơi mới mẻ này nhưng chẳng ngại ai bắt nạt đâu. Không có sức mạnh nào khuất phục được chúng ta - thằng sống cũng như thằng chết!

Cắm thêm tuần hương lên ngôi mộ bạn, rồi ông Xoè vác xẻng cuốc ra về. Trước khi xuống dốc khuất, ông còn quay nhìn trở lại. Ngôi mộ hình chữ nhật in lên ráng chiều đỏ rực, tôn thêm vẻ uy nghi, trầm mặc.

Đêm ấy, ông Xoè ngủ ít. Hai lần rời khỏi giường, ngồi uống cà phê. Cà phê ngon lắm, bạn uống không? Tôi trồng tại nơi ở cũ đấy. Tiếc cho cả nghìn gốc cà phê của mình, nay mai sẽ bị chìm sâu trong nước hồ thủy điện. Mình hy sinh nó (như hàng nghìn, hàng nghìn hộ nông dân khác) để có dòng điện kiến thiết Tổ quốc giàu mạnh, đó là nghĩa lớn ai cũng phải làm. Đúng không bạn? Như khi đất nước có giặc, chúng mình đã tự nguyện xông ra chiến trường vậy. Mà bạn đi B năm nào nhỉ? Đánh bao nhiêu trận rồi. Bạn ngã xuống thế nào mà mình không tìm được vết tích viên đạn khốn kiếp ấy? Trong người mình cũng còn mảnh bom. Mỗi khi trở giời, nó làm mình tê buốt lắm. Nhưng mà cứ phải vượt lên. Không cốt trở thành anh hùng đâu. Tăng gia sản xuất để nuôi thân thôi. Không mộng giàu có thì cũng chớ để mình rơi xuống lớp đáy xã hội. Thời nào, ở đâu thì những người thuộc lớp đáy cũng hứng nhục nhiều nhất. Cho nên cứ phải hăng hái làm việc. Nay mình mới chuyển về đây, nên diện tích cà phê đạt được còn nhỏ bé lắm. Song, mình sẽ sớm tăng lên gáp đôi. Rồi gấp ba. Nhìn đồi cà phê của mình, bạn thấy thích mắt không? Bởi mình chọn giống tốt. Lại chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Sang năm sẽ bắt đầu cho thu hái đấy…

Bỗng ông Xoè ngáp liền mấy cái, mà sao vẫn chẳng ngủ được. Không tại uống cà phê đâu. Bởi mới có thêm anh bạn đấy mà. Thêm bạn, kể cũng vui. Sống đơn độc, ngày đêm lủi thủi, chẳng biết tâm sự cùng ai.

Sáng hôm sau, ông Xòe lại lên thăm mộ bạn, trước khi bắt vào công việc khơi tiếp con mương dưới chân đồi. Thắp xong ba nén hương, ông lầm rầm “Cầu chúc bạn yên nghỉ… Mình thì chưa thể ngồi yên. Vài ngày nữa xong con mương, mình sẽ kiếm hai cây Kơnia cho bạn. Việc đã đề ra là cần làm ngay. Để còn bắt tay vào việc khác. Việc khác. Không chỉ việc trong dự tính, mà còn những việc phát sinh nữa chứ!”.

Và đây, ông Xoè đang gặp việc phát sinh: Đó là bộ hài cốt mới xuất hiện. Sớm nay ông không mang theo áo mưa, biết để nó vào đâu bây giờ? Thế này nhé, hãy chờ mình ù về nhà tìm đồ bọc đã.

Vừa lao đầu đi như chạy, ông Xoè vừa thầm hỏi Tiến có biết anh bạn ấy không. Nằm cách nơi cũ của Tiến chừng ba mét thôi. Nhưng mà, anh ta là bạn hay là thù? Có thể là thù lắm chứ. Trận hỗn chiến năm xưa đã xảy ra ở nơi đây mà. Và, vì sao anh ta chết ngay bên Tiến, dưới cái khe giữa hai quả đồi này. Họ dồn nhau xuống đấy, hay là bom Mỹ hất xuống... Nếu hắn là thù thì hơi sức đâu mình phải chôn cất cẩn thận. Quẳng mẹ nó xuống suối sâu cho rồi. Song, chắc đâu hắn là kẻ thù. Dễ là đồng đội mình lắm. Mà là gì, thì mình cũng phải trút ngay bao hạt cà phê này ra, để lấy cái túi bọc hài cốt anh ta đã.

Và, cái túi đã được đặt ngay ngắn tại nơi đang cần đến nó, cùng với dòng suy nghĩ liên tiếp hiện ra trong đầu ông Xòe: “Nào, chúng ta vào việc thôi. Mong bạn đồng tình nhé. Đừng gây khó cho nhau làm gì. Anh bạn cũng chẳng nên nằm mãi ở chốn quạnh hiu này. Không thấy buồn à. Không nhớ nhà nhớ quê à. Các cụ thân sinh của bạn còn không. Anh em, họ mạc thế nào. Bạn có muốn trở về quê quán thì cho tớ biết địa chỉ rõ ràng. Bạn không trở về, mẹ bạn cạn khô nước mắt mất thôi. Có sang thế giới bên kia thì linh hồn cụ vẫn không nguôi nỉ non thương nhớ con. Bạn không nóng lòng sốt ruột hay sao mà bấy nay chẳng có lời mách bảo người thân tìm kiếm, đưa bạn về… Bố tớ mất ở chiến khu Việt Bắc từ hồi đánh Pháp; đến khi hoà bình, mẹ tớ phải đưa bằng được cụ về yên nghỉ nơi chôn nhau cắt rốn, rồi bà mới yên lòng. Cái đạo ở đời nó như thế đấy. Khi sống, người ta có thể quên chăm sóc thăm hỏi nhau bởi sự xa xôi cách trở, mà không ngại lời chê trách. Nhưng người ta kỵ lắm việc thiếu quan tâm mồ mả người thân...

Cho dù miên man với những dòng suy tưởng, song đôi bàn tay của ông Xòe không ngừng bới đất. Trước tiên, ông bới được cái xương cánh tay dưới. Mà sao anh bạn không nằm cùng hướng Tiến, lại xoay ngang chứ lỵ. Giận nhau à? Đây rồi, thêm cánh tay trên của bạn đây! Xem ra, xương cốt bạn dài hơn cậu Tiến. Hẳn ngày xưa sướng hơn. Khổ từ trong bụng mẹ thì cao to thế đếch nào được. Như tớ đây, hai cụ thân sinh sống quá khổ, vì thế tớ chỉ cao hơn mét rưỡi thôi. Má hóp. Trán giô. Đen nhẻm... Nên sớm trở thành ông. Chẳng mấy nữa người đời sẽ gọi tớ là cụ. Cụ Xoè. Ừ, tớ tên là Xoè. Còn anh bạn tên gì? Tớ có biết tên thì mới lập được hồ sơ cho bạn chứ!.

Và, hồ sơ người lính dần dần hiện ra. Cái mũ sắt Nguỵ han gỉ lồng hộp sọ hắn, đôi đế giầy Ngụy, dây da và bao đạn Ngụy, cả khẩu súng Mỹ AR15. Nó rõ là thằng lính Ngụy rồi! Có phải nó đã bắn Tiến? Còn nó chết bởi viên đạn của đồng đội Tiến, hay là bom Mỹ? Mà sao mình không thấy súng của Tiến. Có thể bom Mỹ bốc bay Tiến và vũ khí đi hai ngả.

Mặc dầu đã khẳng định bộ hài cốt vốn là thằng lính Nguỵ trước kia, song ông Xoè không đang tâm cư xử tệ được. Không nỡ quẳng hài cốt nó xuống suối sâu, như bất chợt ông vừa nghĩ. Cũng không thể bới tìm qua loa. Để hài cốt nó vương vãi là điều không nên. Có thể linh hồn nó không thể trả hận oán thù, nhưng mình làm điều không phải thì lương tâm cắt rứt lắm. Dù là thằng lính Ngụy thì, suy cho cùng, nó cũng là người Việt mình thôi. Bởi sinh ra ở mảnh đất phía bên đối địch, nên dù muốn hay không nó vẫn phải làm lính Ngụy. Nếu mình cũng sinh ra nơi nó, chắc đâu không làm lính Ngụy. Lính Ngụy chẳng phải tất cả đều xấu, đều mang tư tưởng buôn dân bán nước.

Thôi thì trời đã sắp xếp để chúng mình gặp nhau, nên tớ có bổn phận gánh phần việc của người sống trước cậu vậy. Như tớ đã nói, chúng mình đừng gây khó cho nhau. Tớ sẽ tìm nơi yên nghỉ hẳn hoi cho cậu. Mà nơi ấy phải bền vững lâu dài cơ đấy. Vì tớ không tìm được tín hiệu gì từ cậu, thì chẳng ai đưa nổi cậu về quê hương bản quán. Nên cậu chấp nhận ở đây làm bạn lâu dài với tớ thôi. Với cả Tiến nữa. Nếu cậu vui vẻ bằng lòng thì tớ xây "nhà cậu” ngay cạnh "nhà Tiến”. Nơi ấy tuyệt vời đấy. Tầm mắt dõi tít tắp bốn phương xa. Gió tươi lồng lộng. Ngày tràn ánh sáng mặt trời. Đêm thả sức ngắm trăng sao. Rồi tớ sẽ kiến thiết khuôn viên nơi ấy ngày càng to đẹp, đàng hoàng hơn nhiều lần ngày nay. Thích chưa nào?

Mà tớ phải làm điếu thuốc cái đã. Suốt từ sáng đến giờ, gần trưa rồi, tớ luôn chân luôn tay vì cậu, nên thèm thuốc quá. Tớ nghiện đấy. Nhiều lúc rỗi rãi, ném điếu nọ lại châm điếu kia. Ở một mình nơi hoang vắng, những khi buồn, chỉ biết lấy điếu thuốc giải sầu thôi. Chứ lê la tìm người gẫu chuyện thì rạc cẳng. Lên núi xuống đồi hàng kilômét mới thấy một mái nhà. Mà đều là dân tứ chiếng đến đây lập nghiệp cả. Thế nên chỉ còn thuốc lá là phù hợp nhất. Cậu hút không. Tớ châm cho nhé!

Ông Xoè đặt điếu thuốc lên phiến đá, cạnh bao hài cốt để mời. Với dáng vẻ thư thái, lưng dựa vách đồi, mắt lim dim, ông thong thả nhả từng hơi khói.

Mà này anh bạn, cậu với Tiến có quan hệ với nhau không? Cho dù ngày trước là kẻ thù của nhau thì bây giờ cũng nên bỏ qua. Cậu phải nghe tớ. Còn, nếu sự gay gắt làm cản trở hoà hợp đang từ phía Tiến, tớ có trách nhiệm thuyết phục cậu ta. Hẳn không quá khó. Dù sao, tớ với Tiến vốn là đồng đội với nhau. Hoà hợp được thì không cần đợi đến ngày mai, ngay chiều nay tớ sẽ xây nhà cho cậu. Đá đồi và cát vàng bên suối kia, thả sức dùng. Xi măng, tớ đã mua rồi. Mua để xây con mương dẫn nước đấy mà.

Tớ, cậu và Tiến, ba ta hòa hợp với nhau là cần thiết lắm. Chúng mình ở gần nhau thì cần tắt lửa tối đèn có nhau. Hoà hợp, thân thiện đang là xu thế thời đại đấy. Đánh đấm nhau mãi để làm gì. Bên thua, bên được đều mất mát khôn lường. Thế nên cả hành tinh này mới chủ trương: Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai; cùng nhau xây đắp hoà bình, hữu nghị, hợp tác; phát triển kinh tế vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc toàn nhân loại... Tuyệt quá, phải không các cậu? Mong rằng những người đứng đầu các quốc gia hãy thực hiện đúng mọi điều họ đặt ra. Để tránh cho loài người tiếp tục đổ máu. Máu đổ, chỉ có tầng lớp dân đen gánh chịu!

Chúng mình chính là nạn nhân của một cuộc đổ máu, phải không? Các cậu thì chết rồi. Tuy thua thiệt lớn, nhưng thế là yên phận một kiếp người. Tớ sống sót đấy, mà nào có sung sướng gì. Tớ tình nguyện đến sống tại vùng đất này chỉ là bất đắc dĩ thôi. Để giải phóng cho người yêu tớ yên tâm đi lấy chồng. Chứ trở về sống nơi quê hương bản quán, tớ không thể trốn tránh cuộc hôn nhân với nàng. Tớ sẽ giết chết niềm hy vọng sinh con đẻ cái của nàng. Cố tình cưới nàng tức là tớ làm tội ác, cho dù nó được lấp liếm bằng việc đáp lại một tình yêu chung thuỷ chờ đợi của nàng.

Từ ngày ra quân, tớ sống đơn độc thật buồn. Ngày ngày chỉ biết húc đầu vào công việc khai phá, gieo trồng. Lấy công việc để vơi đi nỗi buồn. Có những đêm khó ngủ, tớ từng tự hỏi mình sống để làm gì. Vợ con không. Công danh sự nghiệp cũng con số không. Một cuộc sống như thế thì vô nghĩa quá. Sao không chết quách cho xong?

Kết cục là tớ cứ sống. Như hầu hết con người đã sinh ra ở trên đời này. Họ nào có công danh sự nghiệp gì đâu. Chỉ hơn mình là họ có một gia đình. Nhưng một gia đình mà vợ chồng lục đục cãi cọ chửi bới nhau tối ngày thì, thà chọn cách sống đơn độc như tớ còn hơn. Tớ đã sống và chắc chắn sẽ còn tiếp tục sống. Coi đó là số phận trời định cho mình. Cả việc chúng mình gặp nhau vào thời điểm này, tớ cũng coi là số phận. Thì đương nhiên tớ phải gánh trách nhiệm trước hài cốt và linh hồn các cậu…

Thế là, ngay cuối chiều ngày hôm ấy, bên cạnh mộ Tiến có thêm ngôi mộ của một người lính không tên. Hai ngôi mộ được xây cất đành hoàng, to đẹp như nhau.

Từ đấy, nơi hai ngôi mộ là nơi ông Xoè thường lui tới hằng ngày. Không chỉ có việc trông coi thăm viếng, nơi đây còn là chỗ ông tạm nghỉ giữa giờ lao động. Thoáng mát hơn hẳn xuống đồi, chui vào nhà. Vì thế, cái mô đá ông từng ngồi vắt chéo chân hút thuốc đã được mài đẽo phẳng phiu để làm mặt bàn. Ghế ngồi là khúc gỗ được cưa ra từ một gốc cây.

Thời gian trôi thật nhanh. Thấm thoát đã qua đi mấy vụ thu hái cà phê. Ngôi nhà ở của ông Xoè đã được xây cất hai tầng, mái bằng. Hai cây Kơnia trước hàng mộ cũng lớn cao, xoè tán rộng như những cái dù che nắng che mưa. Vào những tối mùa hè trăng thanh gió mát, thỉnh thoảng ông Xoè còn bê theo cả ấm chén cùng cà phê lên đỉnh đồi để thưởng ngoạn. Có biết bao nỗi niềm vui buồn, ông đã thổ lộ với linh hồn hai người lính kia.

Tối nay, ông Xoè lại ngồi trên đỉnh đồi này. Cũng trăng thanh gió mát, song không vì để thưởng ngoạn. Ông muốn khuây đi nỗi nhớ nhung, cả chút xao xuyến bởi sự vắng biệt Tiến từ nay. Từ nay, nơi đây chỉ còn hai chúng mình - một sống, một chết. Hẳn hai ta sẽ bên nhau vĩnh viễn. Rồi một ngày nào đó, tớ sẽ cùng về cõi thiên thu với cậu. Sẽ nhờ những người sống đặt tớ vào nơi Tiến vừa bỏ đi kia. Để không bao giờ rời xa cậu.

Bỗng từng làn gió mạnh thổi về, làm xao động những hàng cà phê, và ngả nghiêng tán lá hai cây Kơnia. Gió hay linh hồn Tiến? Nhớ bọn mình à. Có đi đâu đâu thì cũng luôn nhớ về đây thăm nhau nhé. Để cùng thưởng thức ly cà phê tớ trồng. Các cậu biết không, trong khi tớ vẫn ra sức chăm sóc cà phê thì thiên hạ có khối người phá cà phê đấy. Tớ thì tớ quyết không bỏ cà phê. Cây cà phê vốn chịu khô hạn kém, bởi thế tớ đã phải tìm nguồn tưới bằng việc đào mương trữ nước. Nên cà phê của tớ xanh tốt quanh năm, cho năng suất cao. Tớ còn học được kinh nghiệm canh tác từ ông kỹ sư nông nghiệp về hưu. Ông ta cũng mới di dời về gần đây. Nên quả đồi vừa khai phá, tớ nghe ông ta tư vấn, trồng sầu riêng xen cà phê. Có cà phê che gió thì không lo sầu riêng mất mùa. Như vậy sẽ cho thu hoạch rất tốt với cả hai loại cây này. Các cậu ạ, làm gì muốn khá giả cũng phải biết ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến mới được!

Riêng với việc đối nhân xử thế thì… tớ luôn hướng về lời các vị tiền nhân dạy dỗ. Không thấu lời dạy của tiền nhân, tớ làm sao dám cả gan cất nhà cho các cậu. Thế mà việc làm này, tớ còn bị người đời săn đón nhắc nhở mới lạ chứ. Họ bảo rằng, tớ đặt hai anh lính thuộc hai chiến tuyến khác nhau vào cùng chỗ, hơn nữa lại để ngang hàng, là mất lập trường giai cấp nghiêm trọng. Nghe thật lạ! Với nấm mồ người chết vẫn cần phân biệt đối xử à? Bỗng tớ nhớ đến cái nghĩa trang ở quê có tới ngàn ngôi mộ bao đời. Nơi ấy quây quần đủ thứ hạng thành phần: quan tri huyện thời xưa, chủ tịch huyện thời nay; rồi chánh tổng, bí thư đảng bộ xã; lý trưởng, thôn đội trưởng; lính ta, lính ngụy; địa chủ, nông dân... Vậy mà dân làng có điều tiếng gì đâu. Họ bảo: Khi sống còn chung làng chung xã được, thì lúc chết phân biệt làm đếch gì. Khi sống mỗi người mỗi nhà, lúc chết mỗi người mỗi mồ, thế là quá đủ rồi. Ở thế giới bên kia, hẳn linh hồn các vị chẳng trách cứ con cháu đâu. Có chăng, chỉ người sống chúng ta bày đặt ra đủ thứ phức tạp thôi. Thế thì cái mục tiêu “bình đẳng cho triệu triệu con người” trên thế gian này là việc làm vô vàn khó khăn, phải không các cậu? Liệu loài người có thực hiện nổi? Nói không, hẳn chạm lòng những kẻ cuồng tín. Mà, cuồng tín thật hay chỉ là một chiêu trò bịp bợm?

Tuy vậy, để tránh tranh cãi đúng sai về lập trường giai cấp, tớ bảo họ rằng: Đó là hai bộ hài cốt thôi mà. Hơn nữa, đây không phải nghĩa trang liệt sĩ! Đáng ra họ cần ngỏ lời cảm ơn tớ, chứ không phải chê trách. Có lẽ trong đầu họ luôn luôn thường trực những điều phân biệt đối xử. Phân biệt với cả người chết, dù ở bất kỳ hoàn cảnh không gian thời gian nào. Như thế không thể gọi là để giữ vững lập trường. Lập trường của tớ trước sau là: Với Tiến, sớm muộn phải được đưa về quê hương bản quán, hoặc một nghĩa trang liệt sĩ nào đó. Nơi đây, với cậu ấy chỉ là tạm thời thôi. Chính vì vậy mà tớ đã gửi thư từ đến nhiều nơi về trường hợp của Tiến. Nên mới đạt kết qủa mong muốn như ngày hôm nay: Hài cốt Tiến đã được đưa về quê hương!

Đêm nay, chúng mình vắng Tiến rồi. Tại đây chỉ còn cậu, xin đừng quá buồn. Vẫn có tớ ở gần mà. Cũng như tớ lâu nay luôn sống đơn độc. Rồi gặp các cậu. Coi như thế là mình đã có bạn bè để mà trao đổi nỗi niềm. Giả dụ, mai rồi cậu rời nốt khỏi nơi đây, tớ cũng buồn chứ lị. Nhưng dù buồn vui đến đâu, thì điều vô cùng quan trọng đối với tớ vẫn là: cần phải khoẻ. Khoẻ để làm việc. Làm việc cật lực. Sống không làm việc thì coi như chết, phải không?




VVM.06.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com