H ơn chín giờ tối, chuyến xe liên tỉnh mới về đến bến phụ tại thị trấn C. hai chục hành khách rời xe, hối hả tản ra tứ phía. Ai nấy đều vội vàng, hấp tấp. Là đêm cuối cùng của một năm âm lịch thì giờ khắc này đã trễ tràng lắm, với họ.
Lê xuống xe sau cùng, mệt mỏi và lúng túng với hai giỏ đồ nặng chịch cùng đứa con nhỏ bồng trên tay. Cô lo lắng nhìn ngược nhìn xuôi, tìm kiếm. Bến xe thị trấn lúc này đã vắng lắm, không thấy bóng dáng chiếc xe ôm nào. Nơi mẹ con Lê cần về còn khá xa, gần hai mươi cây số nữa.
Nơi đó, sáu năm trước, Lê đã bỏ đi sau những lời tỉ tê ngon ngọt của Cần. Lấy trộm một số vàng của mẹ, Lê trốn theo Cần lên thành phố, lóa mắt với cuộc sống mới mẻ của đô thị phồn hoa.
Nhưng đời chẳng như mộng tưởng, chẳng bao lâu Cần “hội nhập” nhanh quá: sa đà vào nhậu nhẹt, cờ bạc, gái gú… Cô thôn nữ xinh đẹp ngày nào Cần si mê giờ tàn tạ, thua kém quá xa mọi cô gái hắn gặp gần đây.
Số vàng đánh cắp cũng lần lượt ra đi. Vàng hết tình cũng cạn. Cặp vợ chồng hờ chia tay nhau, nhanh chóng dễ dàng chẳng kém lúc dắt tay nhau leo lên chuyến xe rời quê lên thành phố.
Bơ vơ một mình, Lê không can đảm quay trở về. Đã “trót” thì phải “trét”, người ta vẫn bảo thế. Lê cắn răng chịu đựng, tự xoay xả mưu sinh. Buôn bán lặt vặt, giúp việc nhà rồi làm tiếp viên quán đèn mờ. Ở đây, Lê được một đại gia bảo bọc.
Ngoài thể xác thanh xuân của Lê, đại gia này còn có khát khao cháy bỏng: một thằng con trai nối dõi tông đường mà nửa đời người chưa có được. Ông ta không tiếc tiền, cung phụng cho Lê thừa thãi. Lê bỏ nghề tiếp viên ở quán đèn mờ, chỉ còn làm một việc chuốt phấn tô son để mỗi chiều đón đại gia trong căn nhà thuê sang trọng, đầy đủ tiện nghi.
Đứa con sinh ra không phải là trai như đại gia mong đợi. Mà ông ta cũng chẳng có thời gian để thất vọng lâu. Bà vợ tấm mẳn cùng năm cô con gái rượu của ông ta tìm đến đánh ghen một trận tưng bừng. Căn nhà thuê trả lại chủ nhân còn đồ đạc trong nhà thì sáu mẹ con hí hửng “tịch thu”, không bỏ sót từ cái chén ăn cơm. “Họa vô đơn chí”, cũng thời điểm này, một “phi vụ” khuất tất nhiều năm của đại gia bị phanh phui, đẩy ông ta vào lao lý.
Thêm một lần Lê bị bỏ rơi, ngơ ngác giữa dòng đời. Nhưng không còn trơ trọi một mình: trên hai bàn tay trắng của Lê giờ lúc nào cũng bận bịu đứa con mới sinh… Cũng đúng vào thời điểm hai năm dịch Covid-19 hoành hành. Lê đã phải đối mặt rất nhiều khó khăn để nuôi con, để tồn tại… Đứa trẻ thiếu thốn từ đầu đời nên gần ba tuổi vẫn đi chưa vững, ốm o èo uột, đau ốm liên miên.
Đó là lý do thúc đẩy Lê trở về quê nhà, nơi duy nhất hai mẹ con Lê hy vọng tìm được chốn tựa nương. Rất nhiều đêm, Lê khóc thầm trong nỗi sợ hãi ám ảnh, đe dọa cô. Tội lấy cắp vàng của mẹ trốn nhà theo trai rồi bây giờ bồng về một đứa con hoang, đối với vùng quê nặng nề định kiến như quê Lê, là một tội tày đình, khó thể tha thứ. Xấu hổ và ân hận, Lê đắn đo cân nhắc rất lâu mới đi đến quyết định quay về.
Lê cố tình chọn mua vé đi chuyến xe sau cùng trong ngày cuối cùng của một năm âm lịch, với tính toán hơn thiệt rằng: giờ khắc hai mẹ con cô đặt chân vào nhà là lúc rộn ràng đón Giao thừa, tâm lý mọi người dễ chấp nhận hơn, không nỡ xua đuổi mẹ con Lê, người trở về vào lúc trời đất sắp sang Xuân mới.
Nhưng thực tế không như Lê tính toán. Chuyến xe đã về muộn hơn dự kiến, một tai nạn trên đường làm tắc nghẽn hành trình. Mất hơn hai giờ sau, con đường mới thông suốt trở lại. Đó là lý do lúc này Lê vất vưởng, mỏi mắt chờ một chiếc xe ôm.
Bến xe trống vắng. Các hàng quán ngày thường hẳn đã thu dọn từ chập tối. Giờ này đâu đâu người ta cũng tíu tít lo đón Giao thừa với gia đình, ai cần buôn bán làm gì ở nơi mà ai cũng biết sẽ không còn khách vãng lai.
Đứa bé vừa mệt vừa đói, cứ ỉ eo khóc, hai tay vò xé ngực áo mẹ. Lê tìm trong giỏ xách hộp sữa, cắm ống hút kề vào miệng cho con uống. Mới vài hớp con bé đã nhả ống hút ra, nảy ngửa người la khóc.
-Nè cô, đi xe không?
Lê quay lại, một chiếc xe từ lúc nào đã ở sau lưng. Nỗi mừng rỡ đổi sang thất vọng vì không phải xe ôm như Lê đang chờ mà chỉ là xe lôi, lại là loại xe đạp lôi từ lúc còn nhỏ tuổi Lê vẫn đi. Không ngờ tới nay phương tiện lỗi thời này còn tồn tại.
Dưới những bóng đèn điện yếu ớt tại bến xe, cả chiếc xe đạp lẫn thùng ghế khách ngồi phía sau đều mất vè, bong tróc loang lổ, cũ kỹ và xộc xệch. Có lẽ nó là chiếc duy nhất còn sót lại do chủ nhân hoặc không có tiền đổi phương tiện khác, hoặc muốn lưu giữ một kỷ niệm thấm đậm nghĩa tình trong quá khứ.
Ngay người đàn ông điều khiển chiếc xe ấy cũng tạo cho Lê cảm giác… bất an. Gã to con, tuổi trên dưới bốn mươi, da đen sạm, xương gò má nhô cao. Đặc biệt mắt gã rất lạ, lấp lánh tia sáng xanh như mắt mèo hoang. Trông gã dữ dằn, bậm trợn, kiểu nhân vật giang hồ trong… phim truyền hình!
Lê đã toan chối phăng, nói dối đang chờ người nhà ra đón, nhưng rồi lại lưỡng lự. Cô lo lắng không biết có còn phương tiện nào khác hay rồi hai mẹ con sẽ phải ở lại nơi đây? Vì làm sao Lê có thể ôm con lếch thếch cuốc bộ cả đêm trên con đường vắng, xa thăm thẳm?
Như đoán được ý nghĩ của Lê, người đàn ông nói luôn, giọng ồm ồm, âm cao như rít qua hai hàm răng nghiến chặt:
-Giờ này không còn xe nào khác đâu… Cô về ấp nào?
Hỏi rồi không chờ trả lời, gã nhanh tay xách hai cái giỏ của Lê quẳng ngay lên ghế xe.
Lê chặc lưỡi, nghĩ thôi thì kén chọn gì nữa, có còn hơn không! Cô lí nhí đọc tên ấp H.
Lê ôm con vừa đặt một chân lên đã nghe thùng xe phát tiếng kêu cót két. Tấm lưng to bè của người đàn ông đập vào mắt Lê tương phản với cái xe ọp ẹp. Mỗi khi qua ổ gà, cả thân xe nảy lên, rung lắc, nghiêng ngả như… say rượu. Lê một tay ôm chặt con, một tay bám chặt thành ghế, hồi hộp lo bị hất văng xuống mặt đường, bất cứ lúc nào.
Đường xa, xe đạp lôi lại tồi tàn, chậm chạp như rùa. Lê nhẩm tính với tốc độ này phải mất ba giờ thì nó mới “bò” về tới ấp H!
Ra khỏi thị trấn thì không còn đèn đường, chỉ có ánh sáng từ nhà dân hai bên chiếu ra, chỗ mờ chỗ tỏ. Lác đác mới gặp một xe máy hoặc xe đạp ai đó vội vã lướt qua.
Càng lúc nhà dân càng thưa và đường càng tối. Càng lúc nỗi sợ hãi càng ám ảnh làm Lê tưởng phát khóc lên được. Cô ngước nhìn lên nền trời đêm trừ tịch thăm thẳm tối đen, không một vì sao. Cô đảo mắt ra hai bên, thấy nhà cửa như bốc hơi biến đâu cả. Khá nhiều chỗ còn đất bỏ hoang, dày đặc lùm cây rậm rì chen lẫn vài ngôi mộ vô chủ mấp mô.
Người đàn ông vừa cong lưng nhấn bàn đạp vừa gợi chuyện:
-Sao cô về trễ thế? Giờ này người ta ở nhà lo đón giao thừa, chẳng ai còn ngoài đường như cô.
Lê nín thinh, vờ như không nghe để khỏi trả lời.
-Đường này về khuya vắng lắm. Nhiều xe ôm còn hổng dám nhận chở khách đó.
Tim Lê đập mạnh, không hiểu gã hàm ý đe dọa gì trong câu nói ấy.
Bỗng… Chiếc xe đang chạy thình lình đảo mạnh mấy cái rồi dừng lại.
Gã đàn ông xuống khỏi yên xe, vừa đưa tay gãi mớ tóc bù xù như tổ quạ, vừa phun nước bọt phì phì:
-Bể bánh rồi!
Như đã quen bệnh của “con ngựa sắt già nua”, gã lấy cây đèn pin soi sáng gầm xe, rồi lôi túi đồ nghề ra cặm cụi vá lại cái ruột xe xui xẻo vừa cán phải một cây đinh.
Lê bồng con đứng bên lề đường, ruột nóng như lửa, thấy thời gian chờ đợi sao lê thê đến thế? Đứa bé lại nhèo nhẹo khóc. Lê ôm nó đi tới đi lui, dỗ mãi nó cũng không nín.
Chẳng hiểu vô tình hay cố ý, cây đèn pin trên tay gã đàn ông bất ngờ rọi thẳng vào hai mẹ con, và hình như dừng lại ngực Lê, hơi lâu, đủ no nê đôi mắt tham lam, soi mói.
Lê nóng ran người, thầm hối hận hôm nay đã chọn mặc cái áo vải mỏng, khoét cổ sâu quá, lại ôm rất khít ba vòng. Phải chi có một cái áo khoác dày để giấu bớt cơ thể lồ lộ của… gái một con! Cảm tưởng vừa bị lột trần cho ánh mắt gã đàn ông vuốt ve da thịt, Lê nổi gai ốc.
Chung quanh vẫn im ắng quá, chỉ có tiếng trẻ khóc và tiếng đồ nghề khua lanh canh của gã. Giá có một tiếng chó sủa hay bò rống để Lê thấy yên tâm hơn?
Dễ đến hơn một giờ sau, ruột xe mới vá xong cho hành trình tiếp tục. Xe chạy đều, êm êm làm đứa bé dịu lại, thiu thiu ngủ.
Một lúc, gã đàn ông lại gợi chuyện:
-Sao cô đi một mình?
-Tôi đi hai mẹ con, không đi một mình.
-Ờ… ờ… Ý tui hỏi chồng cô…
Lê suy nghĩ thật nhanh để trả lời cũng rất nhanh:
-Chồng tôi giờ này chắc đang chạy xe máy ngược ra đây đón tôi. Đâu ai ngờ chuyến xe hôm nay bị kẹt, về muộn quá…
Lê hài lòng với sự nhanh trí của mình khi đưa ra lời cảnh báo một cách rất tự nhiên.
-Sao ảnh không đi chung với hai má con?
-À… à…
Lê ngập ngừng:
-Tôi đi chữa bệnh… Tôi bị bệnh… bệnh phụ khoa của đàn bà… Rất hay lây…
Nhưng gã vẫn phớt lờ lời cảnh báo thứ hai của Lê, nói như tâm sự:
-Bà xã tui cũng bị bệnh phụ khoa, một năm thì chết… Bốn năm nay tui sống một mình… Nên sát giao thừa vẫn lang thang ngoài đường nè…
-Anh không về lo rước ông bà sao?
-Xưa tui từ viện mồ côi ra, biết ông bà cha mẹ là ai mà rước?
Lê thầm kêu khổ, gặp phải dạng “bán Trời không mời Thiên Lôi” rồi! Tứ cố vô thân thì còn biết kiêng nể ai, gã lại cô đơn thiếu vắng đàn bà nhiều năm…
Nhớ đến ánh mắt gã, Lê rùng mình. Cô nhìn con đường trước mặt tối tăm còn dài quá mà xe đạp lôi thì chậm như sên! Thiên thời, địa lợi đang ủng hộ âm mưu của gã -nếu quả gã có âm mưu!
Gã đàn ông im lặng đạp xe, không bắt chuyện nữa. Nhưng chốc chốc gã lại ngoái cổ, láo liên nhìn về sau, mắt mèo hoang ma quái. Không hiểu gã ngắm Lê hay thăm dò động tĩnh trên đường? Bộ dạng sao mà gian!
Lê ơi, phải đề phòng! Lê tự dặn thầm. Ủa, mà đề phòng thế nào khi Lê trơ trọi có một mình? Gã khỏe mạnh thế kia còn Lê thì rất yếu đuối… Biết cầu cứu ai? Ai sẽ là quới nhơn kịp thời ra tay tế độ?
Lê cố tình xốc mạnh cho con bé thức dậy, khóc ré lên. Cô muốn dùng tiếng khóc đứa trẻ đánh động và “hạ nhiệt” gã đàn ông trước mặt.
Lê hỏi trống không:
-Bao lâu nữa mới tới nơi?
Gã cũng trả lời trống không:
-Sắp rồi…
Nhưng Lê biết gã nói dối. Lê nhớ rõ con đường từ thị trấn về tới ấp H. phải qua ba cây cầu lót ván mới gặp Miếu Cậu Bé. Sát Miếu Cậu Bé là con đường đất ngoằn ngoèo dẫn vào sâu trong ấp. Nhà Lê ở cuối ấp H.
Lê nhẩm đếm phía trước vẫn còn một cây cầu ván nữa. Sau sáu năm Lê bỏ quê đi, các cây cầu ấy cũng cũ kỹ, xộc xệch, già nua nhiều quá.
Thình lình, xe đang ngon trớn bỗng đột ngột khựng lại, như bị một khúc cây bất ngờ thọc ngang bánh. Hai mẹ con Lê đổ mạnh về trước, đầu chúi xuống. Phản ứng tự nhiên, tay Lê chới với túm trúng lưng áo gã đàn ông trước mặt, để rồi chẳng khác chạm phải than hồng, cô hốt hoảng vội vàng thả bàn tay ra.
Gã đàn ông đã nhảy khỏi yên xe, càu nhàu:
-Gì nữa đây, thằng ông nội?
Động tác ban nãy được gã lặp lại: soi đèn pin xuống gầm xe, gãi rối tung thêm tổ quạ trên đầu và phun nước bọt phì phì:
-Đứt sên rồi!
Lê thất vọng não nề, tiếng kêu khổ nghẹn thầm trong cổ họng. Thế này thì hai mẹ con không thể đặt chân vào nhà kịp trước giờ Giao thừa rồi!
Gã đàn ông lại lúi húi lấy đồ nghề loay hoay sửa chữa “thằng ông nội” của gã.
Tiếng búa gõ vào sắt chát chúa. Hai tay dính dầu mỡ đen thui, gã vô tư quẹt lên mặt thành những vằn lem nhem như đeo mặt nạ ông cọp. Dưới ánh sáng đèn pin, trông gã càng hiểm ác khiến Lê phải thụt lùi ra xa thêm mấy bước.
Lê nghi ngờ cả sợi sên đứt, không biết gã đàn ông kia thật sự đang làm gì, sửa chữa hay phá cho hư hỏng nặng thêm để có lý do giữ chân Lê ở đây, dưới bầu trời đêm Giao thừa, giữa quãng đường vắng không bóng người qua lại?
Lê hồi hộp giương mắt nhìn quanh để thêm hoảng hốt vì không thấy gần đây có một nóc nhà nào. Tít tận trong phía sâu kia mới thấp thoáng ánh lửa bập bùng, chắc của một nồi bánh tét đang chờ vớt ra. Ở đấy thì chẳng ai nhìn thấy Lê, chẳng thể nghe được tiếng Lê kêu cứu.
Không biết mất thêm bao lâu sợi sên đứt mới nối xong, vì với Lê lúc này một phút cũng dài đăng đẳng như một giờ. Xe chạy lại được là Lê mừng rồi. Cô chỉ sợ mỗi khi xe ngừng và gã xuống đứng dưới đường thôi. Lúc ấy Lê dớn dác như gà nhìn thấy diều hâu. Cô tưởng tượng gã sắp sấn sổ giằng đứa bé quăng sang một bên trước khi ôm nghiến lấy cô…
Bây giờ thì Lê hối tiếc đã leo lên chiếc xe của gã đàn ông này, giá hai mẹ con cứ liều ngủ tạm lại một đêm ở bến xe thị trấn lại an toàn hơn!
Cuối cùng, chiếc xe đạp lôi cũng “bò” được tới Miếu Cậu Bé, bắt đầu rẽ vào con đường đất. Đường khá rộng nhưng xấu quá, ngoằn ngoèo lại mấp mô nhiều hố trũng khiến xe càng chậm hơn, rung lắc dữ dội.
Đứa bé bị dằn mạnh lại òa khóc, kêu đói và đòi ăn.
Lê lúng túng vỗ lên lưng con, dỗ:
-Ráng chút đi con. Sắp tới nhà ngoại rồi… Bà ngoại có nhiều bánh ngon lắm… Ngoan nào con!...
Con bé vẫn nảy ngửa ra, khóc to hơn. Bụng đang đói, nó không cần lời hứa suông của mẹ.
Gã đàn ông lại ngoái đầu nhìn chòng chọc vào hai mẹ con bằng con mắt xanh, sáng quắc trong đêm.
Tim đập thình thịch, Lê rùng mình, không đoán được gã đang nghĩ gì, muốn gì. Cố giữ cho giọng bớt run, Lê nói to với con:
-Nhà ngoại phía trước kia rồi… Ai như ba đang đứng chờ kìa…
Câu nói của Lê bị cắt đứt không chỉ bởi tiếng khóc của đứa bé mà còn vì chiếc xe lại đột ngột dừng lại. Gã đàn ông nhảy phóc khỏi yên xe. Nhưng lần này gã không tìm bệnh “thằng ông nội” nữa. Gã lừ lừ tiến đến ghế Lê ngồi.
Lê chợt hiểu tính sai nước cờ thì đã muộn. Lời cảnh cáo ngầm vừa rồi của Lê không làm gã sợ mà trái lại, còn thúc đẩy gã nhanh chóng ra tay. Phải rồi, nếu nhà mẹ Lê đã ở phía trước, thêm chồng Lê đang đứng chờ, gã càng phải gấp rút hành động. Thời gian đâu còn nhiều để gã chần chừ? Lê co rúm người, kinh hoàng đến tê dại. Siết con chặt thêm trong tay, cô nhắm mắt lại, không can đảm nhìn nó bị giằng lấy và quăng đi…
Gã đàn ông đã đến sát bên Lê, xòe tay ra:
-Cô cho cháu ăn đi… Tui tính mua cho ngày mai, mồng một tết…
Rồi gã quay lại ngồi lên yên, vừa gò lưng đạp xe vừa phân trần:
-Cô thông cảm. Tui có một con mắt giả nên hổng dám đi nhanh… sợ tai nạn…
Lê bàng hoàng cúi nhìn đòn bánh tét gã vừa đưa.
Đứa bé có bánh ăn, không khóc nữa. Bây giờ, chỉ có nước mắt Lê rơi rơi…