Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




ĐỨA CON NUÔI


     H oan nắm chéo chăn, giật thật mạnh:

-Dậy, dậy, bà già!... Trưa trờ trưa trật còn ngủ đến khi nào?

Bà cụ giật mình mở mắt, ngóc đầu ngơ ngác nhìn quanh như chưa kịp hiểu chuyện gì.

-Mê ăn mê ngủ như trẻ con! Lười biếng quen thân!

Hoan hậm hực, làu bàu. Đúng giọng lưỡi của cha mắng con hoặc ông mắng cháu.

Nhưng chắc chắn bà cụ không thể là con cháu Hoan rồi. Thế thì đích thị hắn đang bực bõ vì tật ham ăn nhác làm của một đầy tớ, một vú già hoặc một kẻ thụ ơn hắn và đang sống “tầm gửi” vào hắn đây!

Thử ngắm qua “kẻ tầm gửi” một tí nào: da mặt nhăn nheo, khô mốc nên thật khó đoán tuổi, chỉ biết đó là một người đã già. Già và rất yếu nữa, có yếu mới xanh lét, gầy nhẳng thế kia!

Bà cụ đang run lập cập, không hiểu vì trời lạnh hay vì bị “ông chủ” bắt quả tang “trưa trờ trưa trật” mà vẫn say sưa ngủ?

Bây giờ là cuối năm, chỉ vài tuần nữa đến Tết rồi. Trời bỗng trở rét khác thường. Miền nhiệt đới quanh năm gay gắt ánh mặt trời, đột nhiên mấy ngày nay họa hoằn mới có được chút nắng nhàn nhạt. Thiếu nắng nên thừa hoàng hôn. Có ngày chỉ se se lạnh, cũng có ngày bội dư giá rét như sáng nay, khiến người ta phải co ro, phải hít hà, phải bật ngâm câu thơ cảm thán của thi sĩ Nguyễn Bính: “Cả đến ông Trời cũng đổi thay…”, rồi thích thú đón cái lạnh hiếm hoi bằng áo ấm khăn choàng đủ sắc màu, kiểu dáng.

Hoan lại gắt:

-Nhanh lên! Hôm nay ngày rằm, khách đông. Còn ỳ ra nhìn gì?

Bà cụ lẳng lặng tuột khỏi tấm ván mỏng kê trên mấy cục gạch ống, lê từng bước chậm chạp vào trong, tìm vòi nước rửa mặt. Biết Hoan đang bực bội, bà cũng chẳng thể nhanh hơn. Cả đêm qua không ngủ yên giấc, lăn qua trở lại mãi cũng chỉ chập chờn thiếp đi mươi phút, bà thấy người rã rời bải hoải, chẳng muốn động tay nhấc chân. Mỗi khi trời trở lạnh là chứng đau nhức mãn tính hành hạ bà, từng đốt xương thớ thịt buốt như có dao đâm kim chích.

Bà cụ nhìn ra bên ngoài, thấy vẫn mờ mờ tối, còn sớm chứ đâu đã “trưa trờ trưa trật” như Hoan nói? Gần xa im ắng tiếng chân người. Rét thế này, chẳng ai muốn rời bỏ chăn ấm nệm êm mà mở cửa đi đâu.

Hoan lôi “đồ nghề” ra, thoăn thoắt thao tác quen thuộc tới nhàm chán: một mớ vỏ tôm bốc mùi hôi thối đến lợm giọng, vài cuộn băng vải bẩn thỉu cùng lọ nước đỏ tươi màu máu… Vốn liếng thế thôi mà mỗi ngày đem về cho hắn thu nhập bạc triệu. Mồng một hay rằm như hôm nay, tăng gấp mấy lần là bình thường. Nên hắn tận dụng từng phút. Phải đến sớm vừa chiếm vị trí tốt, vừa không phí phạm bỏ sót người khách nào. Hoan chẳng bao giờ dại dột chê vài đồng bạc lẻ, “tích tiểu thành đại” , cuối ngày con số gom về chẳng hề khiêm tốn. Hoan lẩm bẩm một mình như thế.

Hắn siết dải băng vải chặt quá làm bà cụ nhăn nhó, xuýt xoa:

-Đau quá!… Lỏng tay một chút đi…

Hoan lại trừng mắt:

-Bà đừng có lải nhải! Lỏng tay để đống vỏ tôm xổ ra cho người ta nhìn thấy, hả?

Mỗi lần Hoan giận là bà cụ lại sợ sệt cụp mắt xuống, không dám cãi, không cả thở mạnh. Nhưng chân bị bó chặt quá, bà đánh liều nài nỉ trong tiếng nước mũi sụt sịt:

-Đau quá… Mẹ xin con…

“Mẹ? Con?…” Ô kìa, thế ra bà cụ không phải đầy tớ, không phải vú em, cũng không phải một kẻ ăn bám mà là mẹ Hoan đấy ư? Hay đau quá nên bà cụ lú lẫn, mê hoảng thành nói bậy? A ha, thế thì bảo đảm bà sắp được hắn dạy dỗ vài cái tát lệch mặt cho nhớ đời mà chừa tội “phạm thượng”!

Nhưng phúc đức chưa? Có phải vì hôm nay là ngày rằm cần phát lòng từ bi nên Hoan không tát cái nào, như ta vừa tưởng tượng chăng?

Hắn chỉ lườm lườm mắt, rồi dắt xe máy chở bà cụ đi…

Ngoài đường rét căm căm, gió rít từng cơn. Dù đã mặc cái áo lạnh to sù, Hoan vẫn rùng mình xuýt xoa, thỉnh thoảng lại xòe bàn tay ra trước mặt mà thổi phù phù.

Trên người bà cụ chỉ mặc manh áo vải, nhiều chỗ rách te tua được bàn tay vụng về vá từng miếng rúm ró. Môi thâm tím, mười đầu ngón tay buôn buốt như bị chích kim, bà cụ chợt thèm ghê gớm một ly trà nóng, nóng đến bỏng lưỡi càng tốt. Mùi thơm đặc trưng từ quán phở bên đường bay ra ngạt ngào quyến rũ nhưng nước bọt bà cụ như đã khô sít lại, chẳng còn ứa ra được nữa. Đã lâu lắm, lâu đến không nhớ nổi, bà cụ chẳng còn dịp nào thưởng thức món ăn giờ đã lừng danh toàn cầu ấy.

Hoan thả bà cụ xuống góc đường, gần một ngôi chùa lớn. Trời dần hửng sáng.

Lúc này chùa còn vắng vẻ, lác đác chỉ mươi Phật tử đi lễ sớm, còn ít hơn số hành khất đang kề vai sát cánh trấn giữ hai bên cổng chùa, như quyết không để lọt một khách thập phương nào, kiểu “túm lầm còn hơn bỏ sót”.

Bà cụ nhanh chóng nhập vào “đội quân Cái Bang” ấy. Bà đặt ngửa chiếc nón lá rách bươm trên mặt đất, rồi duỗi dài ống chân tật nguyền ra trước, như thể vừa khiêu khích lại vừa dọa dẫm bá tánh thập phương.

Chẳng bao lâu, lũ ruồi từ đâu đã đánh hơi, vo vo táp lại, thi nhau rúc vào chỗ chân sưng vù mà máu tươi thấm đỏ cả ra ngoài lớp băng vải, bốc lên một mùi kinh hơn mùi… chuột chết.

Bà cụ chẳng cần nhăn nhó kể lể thì nhìn đủ thê thảm rồi, nên hầu như người nào qua cổng chùa cũng mau chóng thả xuống nón tờ giấy bạc, khiến “đồng nghiệp” của bà trơ mắt ngồi quanh không giấu được ít nhiều ganh tị.

Đội “Cái Bang” này góp đủ mặt trẻ, già, nam, nữ và trưng ra đủ loại tật nguyền. Già nhất chính là bà cụ, còn nhỏ nhất là thằng bé dăm tháng tuổi đang ngủ mê mệt trong lòng mẹ. Nó không mặc gì, trên ngực chỉ được mẹ đắp hờ cái khăn tắm rất cũ và rất bẩn, khoe trọn phần đùi lồ lộ mấy vết thâm tím, khó phân biệt do trời rét hay do bị đòn? Theo thói thường mà xét thì do rét hợp lý hơn, chứ làm gì có kẻ nào thú tính đến nỗi hành xử dã man với đứa bé dăm tháng tuổi như thế?

Khách đi cúng chùa chứng kiến cảnh thương tâm ấy, sẽ xúc động sụt sùi mà cho tiền hai mẹ con hậu hĩ hơn chăng? Ồ, không! Trái lại đấy, họ còn thì thầm nhắc nhau: “Bọn chuyên thuê trẻ em bế đi ăn mày đấy, chẳng phải mẹ con thật đâu”.

Có phải vậy không ta? Nhưng nghe chừng cũng hợp lý! Vì làm gì lại có người mẹ ruột nào tham vài đồng tiền lẻ, nỡ phơi truồng đứa con bé bỏng của mình dưới trời rét thế kia?

Mỗi lần nhìn thằng bé bên cạnh, bà cụ thấy bất nhẫn, nhói lòng thương xót mà không mở miệng được. Thì chính bà cũng đang lừa gạt mọi người bằng ống chân thương tích giả tạo đấy thôi.

Bà cụ lại chợt nhớ đến đứa con nuôi của mình ngày ấy: khi được bà xin về nuôi, thằng bé cũng mới dăm tháng tuổi, cũng oặt oẹo gầy còm, từng mẩu xương vêu vao nhô lên trên làn da xanh mét. Nó là con một người mẹ đơn thân và quá nghèo, nghèo đến không nuôi con nổi, phải rứt ruột cho đi.

Ngày ấy, thấy cháu mình lấy chồng hơn chục năm vẫn không sinh đẻ, một người cô bàn nên xin con về nuôi, hy vọng đổi phúc phận mới sinh con bình thường được. Bà cô quả quyết rằng đã chứng kiến nhiều trường hợp như thế rồi. Hiệu quả lắm.

Vợ chồng cháu không mấy tin chuyện “phúc phận”, nhưng nghe ý tưởng xin con nuôi cũng… hay hay. Trong nhà thêm tiếng trẻ bi bô càng ấm áp, gắn kết hơn nhiều. Họ bắt đầu cân nhắc.

Thế nhưng, theo lẽ thường ở đời xưa nay, luôn luôn chuyện gì chẳng “lắm thầy nhiều ma”? Đã có người khuyến khích thì thế nào cũng có không ít người ngăn cản. Họ đưa ra vài dẫn chứng thuyết phục ở đâu đó, để quả quyết: “Con nuôi bạc bẽo, phản phúc lắm. Đừng dại làm quạ nuôi tu hú”, khiến hai ông bà chần chừ đắn đo rất nhiều ngày mới quyết định được.

Chồng chặc lưỡi biện giải:

-Phản hay không do mình. Mình hết lòng thương yêu nó thì sao nó bạc bẽo được?

Ông bà có “hết lòng” với đứa con nuôi không? Chắc chắn có! Chẳng ai nghi ngờ điều đó.

Thằng bé yếu quá nên dễ bệnh mà hễ bệnh thì nhanh trở nặng, ra vào nhà thương thường xuyên. Mẹ nuôi vất vả biết bao, tận tụy, nâng niu, lắm phen “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Người lạ nhìn vào đố biết đó chỉ là cha mẹ nuôi.

Đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại những năm tháng ấy, bà cụ vẫn ứa dòng lệ tủi. Mà chớ để Hoan nhìn thấy, kẻo hắn sẽ đập bàn ầm ầm, giận dữ quát tháo, mắng bà “lúc nào cũng khóc lóc như nhà có… đám ma”, muốn “trù ẻo” cho hắn xui xẻo, không ngóc đầu lên được đấy à?

Hoan còn muốn ngóc đầu lên tới đâu? Suốt ngày, hắn nhong nhỏng ăn chơi bằng tiền bà mẹ đi xin đem về chu cấp thừa thãi. Thừa thãi quá nên hắn vung vãi không tiếc tay, đúng là “vừa ăn vừa phá”.

Tính Hoan nóng, động tí là gầm gào. Hắn lại khỏe như vâm, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Ngày trước, mấy lần hắn bóp cổ ông bố đến lè lưỡi, suýt tắc thở. Bà mẹ già nua yếu ớt chống sao được mà không sợ? Chẳng dám cãi Hoan nửa câu, bà mang thân phận nữ tì hèn hạ, luôn cúi đầu răm rắp chờ mệnh lệnh chủ nhân. Một trong những mệnh lệnh là ngày ngày bám trụ ở cổng chùa, góp nhặt chút lòng thương lẫn đồng tiền của thập phương thiên hạ.

Nhưng bà cụ chẳng hề oán trách, ngay cả khi bị Hoan bỏ đói bỏ rét, bà vẫn tìm lý do bào chữa cho hắn: “Đã là ăn mày thì phải rách rưới, bẩn thỉu, chứ lành lặn béo tốt thì ai thèm bố thí cho?”

Nhiều đêm, nhớ lại lời chồng từng nói, bà tự quy tội cho mình: có lẽ bà chưa “hết lòng” với Hoan đủ để xứng đáng nhận lại chút tình thương còm cõi của hắn. Nhất là mỗi khi hắn bạc miệng chì chiết bà sống bất nhân quá nên chẳng tích được phúc đức cho hắn hưởng nhờ. Những khi ấy, lòng bà đau thắt, chỉ ước chết ngay cho xong!

♣ ♣ ♣

-Ôi bà ơi, sao bà không vào bệnh viện chữa bệnh, hả bà?

Tiếng trong trẻo của một cô gái thình lình vang lên, cắt đứt dòng hồi tưởng của bà cụ.

Ý chừng cô gái rất trẻ ấy vừa lễ Phật trong chánh điện xong. Lúc ra về, cô mủi lòng đứng lại hỏi han bà cụ ăn mày mà cô thấy rất đáng thương với ống chân đang rỉ máu tươi, bốc mùi hôi thối, hút từng đàn ruồi nhặng vo vo. Cô đoán vết thương đã hoại tử rồi.

Bà cụ chỉ lắc đầu, khẽ nhếch môi như muốn cười để đáp lại một người tử tế. Môi bà nứt nẻ và thâm tím, người lẩy bẩy mỗi khi có cơn gió lùa qua.

Cô gái trẻ bùi ngùi thương cảm, cởi ngay cái áo len rất mới đang mặc, choàng lên vai bà cụ:

-Cháu tặng bà mặc cho ấm. Dự báo thời tiết sắp có thêm cơn bão nữa, trời còn lạnh nhiều ngày đấy, bà ạ.

Bà cụ mắt rưng rưng, lí nhí mấy tiếng cám ơn sáo mòn. Chiếc áo len ấm áp mau chóng đuổi cái lạnh ra xa. Bàn tay xương xẩu của bà run run vuốt lên nếp áo, thật khẽ khàng, như sợ làm nó đau.

Cô gái vừa quay lưng đi, Hoan đã từ đâu xuất hiện.

Hắn sấn sổ tiến đến lột phăng chiếc áo len khỏi người bà cụ, khẽ rít lên:

-Mặc cái áo đẹp này thì còn ai cho bà tiền nữa, hả?

Hắn cuộn tròn chiếc áo, kẹp vào nách, không quên vơ nhanh mấy tờ giấy bạc trong nón nhồi vào túi quần, trước khi lừng lững bỏ đi. Mặc gió lạnh cuối đông tiếp tục rít không ngừng. Mặc bà cụ cổ họng khát khô, bụng réo sôi vì đói.

Đứa bé nằm trên đùi người đàn bà ăn mày bên cạnh, bất ngờ thức dậy, cất tiếng khóc khào khào như tiếng mèo hen.

Bất giác, bà cụ lại xót xa nghĩ đến đứa con nuôi. Sao ngày ấy thằng bé nhiều bệnh đến thế? Dù bà chẳng quản khó nhọc chăm bẵm rất tận tâm, kỹ lưỡng thì nó vẫn èo uột, mong manh. Tiếng nó khóc cũng khào khào như mèo hen, rất giống đứa trẻ kia.

Người cô nói đúng, nhận đứa bé về nuôi được hai năm thì bà sinh được thật, lại là con trai. Ôi chao, còn có gì mừng hơn? Hai vợ chồng chẳng khác vừa đào được hũ vàng, càng thêm yêu quý đứa con nuôi như bảo bối, như… thần may mắn.

Tiếc rằng khi thằng bé 5 tuổi thì mẹ ruột nó tìm đến, khóc lóc lạy van ông bà xin nhận lại con, rồi đưa đi đâu chẳng biết. Từ đấy, bà cụ không còn gặp lại nó một lần nào nữa.




VVM.12.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com