Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




CÀNH ĐÀO NGUYỄN HUỆ



     N ghĩa quân Tây Sơn vào Thăng Long đã mấy hôm. Bầu trời rực lên một màu cờ đỏ. Để khích lệ tinh thần của các tướng sĩ trước trận thư hùng quyết chiến quyết thắng với hai mươi vạn quân Thanh. Nguyễn Huệ đã tổ chức cho quân sĩ ăn Tết Kỷ Dậu trước vào ngày 30 tháng chạp. Hôm nay, ngày mồng bảy tháng giêng là ngày khao quân như lời hẹn ước.

Trong nỗi hân hoan của nghĩa quân, trong niềm vui chung của dân tộc quét sạch được giặc Thanh xâm lược, dân chúng nô nức đổ ra đường. Từng đoàn người trẻ già, trai gái kéo nhau đi như thác lũ, tiến về kinh thành dâng quà bánh, rượt thịt… cùng những lời tung hô, chúc tụng.

Mặc dầu như vậy, không khí trận mạc vẫn còn bao phủ đất Đế Đô. Ở ngoại thành nhiều nơi lửa khói còn âm ỉ cháy, nhà cửa đổ nát, cầu cống bị hư hại ngổn ngang. Dẫu Tôn Sĩ Nghị nghe các nơi khác thất trận nhanh chóng thảm hại, khiếp đảm không kịp mặc áo giáp, bỏ lại cả ấn tín cùng đám tàn quân chạy thoát nhưng Sầm Nghi Đống và nhiều tay chân dưới trướng đã chết. Tử thi của giặc đứa trợn mắt, đứa há mồm, vắt vẻo còn nằm rải rác quanh các đồn bót, dưới chân thành, giữa ao hồ, quanh những lùm cây bụi chuối hoặc ở phía sông Hồng trôi lềnh bềnh nghẽn dòng nước, bốc mùi nồng nặc còn phải gom góp chôn cất nhiều ngày nữa mới xong.

Đêm đã vào canh hai, trời đầu xuân trở rét. Mảnh trăng thượng tuần chiếu xuyên qua những tàng cây đại thụ cùng với những đuốc lửa cắm rải rác trong Hoàng cung vẽ những vết bóng dài trên khoảng sân Đại triều lát gạch đầy rêu mốc. Nguyễn Huệ vẫn còn khoác chiếc Hoàng bào sạm đen màu thuốc súng, khuôn mặt chữ điền hằn lên bao nét ưu tư thời thế, nghĩ suy bao việc phải làm, và như thầm nói:

Tự biết rằng, mình vốn xuất thân chân đất áo vải, bước ra từ ruộng đồng sông nước, nhưng ngẫm lại kể từ khi cùng với anh em dấy binh khởi nghiệp, biết bao lần xông pha trận mạc, vào Nam ra Bắc. Lần đầu chỉ vì ghét thói chuyên quyền nên ra đây diệt Trịnh phù Lê. Điều ấy muôn dân đã hiểu. Rất tiếc, là triều thần nhà Lê đã quá yếu hèn để cho bọn lộng thần tranh bá đồ vương làm điều trái đạo, gây khổ dân lành…

Đây là lần thứ hai Nguyễn Huệ đặt chân lên đất Bắc với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui là thấy nhân dân bao giờ cũng sẵn sàng đứng về phía chính nghĩa với khát vọng giữ vững độc lập, hoà bình, hạnh phúc cho tổ quốc. Buồn là buồn cho vận nước qua hai trăm năm nghiêng ngửa, nồi da xáo thịt. Chỉ vì bảo vệ lợi ích riêng tư, tranh giành quyền thống trị mà cả Trịnh lẫn Nguyễn không nói được với nhau một lời hoà hoãn trước những yêu cầu bức thiết của lịch sử dân tộc là thống nhất trong hoà bình, đã để xảy ra huynh đệ tương tàn với những trận huyết chiến xương chất thành núi máu chảy thành sông, đến nỗi một cây lau nhỏ cũng trở nên giới hạn chia đôi đất nước. Giận là giận lũ Mãn Thanh xâm lược tham tàn bạo ngược. Nhưng lại bầm gan tím ruột trước những tên vì mưu đồ cá nhân mà quên hết ơn nghĩa như Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm. Còn Lê Chiêu Thống vô tài bất tướng, hoang phí vô độ, dâng đất cho ngoại bang, quên lời dặn của tổ tiên mình là đấng minh quân Lê Thánh Tôn, còn in rõ trên vách đá: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận đừng để cho ai lấy một phân núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại”.

Nguyễn Huệ đang suy nghĩ miên man, chợt có cơn gió mạnh thổi qua, cây lá rì rào. Nguyễn Huệ sực tỉnh, ngửa mặt nhìn lên muốn gởi vào trời cao đất rộng những loài hoài bão của mình. Ôi! Đây là Hoàng thành từng in dấu bao vị hoàng đế cũ. Nào là Điện Kính Thiên nguy nga tráng lệ, nào là phủ chúa. Trịnh nơi mà một thời gian dài nắm giữ hết mọi giường mối quốc gia đẩy vua Lê vào thế bù nhìn, nào là cung Tây Long, cung Khánh Thuỵ với mỹ nữ sắc nước hương trời.

Và cũng chính tại mảnh đất này, bao thời qua với các vị minh quân “Nhất hô bá ứng” làm nên những chiến công lẫy lừng, vang vọng mãi núi sông. Hình bóng của vua Lý Thái Tổ hiện về uy nghi với luận điểm sâu sắc của chiếu dời đô: “Mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau”, cùng bao hình bóng khác Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… như chuyền thêm ý chí, chuyền thêm sinh lực, thắp sáng tâm hồn Nguyễn Huệ giữa đêm trừ tịch.

Ngoài xa kia, mặt nước Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm phẳng lặng dần, chỉ có Sông Hồng vẫn cuộn sóng với màu nước bầm cuốn phăng ra biển bao nhiêu thứ ô uế còn sót lại. Các doanh trại của giặc ở hai bên bờ sông Hồng, ở Khương Thượng, Hà Hồi, Ngọc Hồi… Ở Tây Long cung… phút chốc đã tan tác. Nghĩ đến đó, Nguyễn Huệ thấy lòng mình rộn ràng hẳn lên. Hương ngọc lan, hương sứ, hương ngâu và hương của biết bao loài kỳ hoa dị thảo từ vườn Thượng uyển đưa sang thơm thoảng như cỏ cây cũng muốn chia sẻ những nhọc nhằn gian nan lửa đạn của đấng quân vương.

Trên đường Trung lộ, Nguyễn Huệ bước thêm mấy bước nữa rồi xoay người lại, thấy ở phía cổng Đoan Môn có hai người tiến vào. Đó là Đại tư mã Ngô Văn Sở và Mưu thần Ngô Thì Nhậm. Gặp Nguyễn Huệ, hai người cung kính vái chào rồi cả ba cùng tiến vào Điện. Khi ba người bước lên khỏi bậc thềm thấy trong đó có nhà thơ Ngô Thế Lân, các tướng Phan Văn Lân, Đặng Văn Chân, đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, đô đốc Lộc, đô đốc Long và nhiều người khác từ bốn phương mới tụ hội.

Đây là cuộc hội kiến sau chiến thắng, Nguyễn Huệ gặp lại cận thần tướng sĩ của mình trong lòng thấy rất vui, tự tay rót rượu mời mọi người. Ai nấy đều phấn chấn, hai tay nâng rượu ngang mày chúc Hoàng đế vạn vạn tuế, rồi tất cả uống cạn ly để thể hiện tình vua tôi một dạ.

Giữa đêm khuya với giọng dõng dạc, Nguyễn Huệ nói:

Trận đánh đã qua đi nhưng công việc còn ngổn ngang trăm thứ. Trẫm triệu tập các khanh vì cuộc đình nghị này rất quan trọng. Trước hết là để nghe việc quân trong mấy ngày qua, sau nữa là để bàn luận công việc an dân sắp tới...

Nguyễn Huệ truyền lệnh là phải tiếp tục bố trí quân sĩ canh phòng cẩn mật, truy đuổi tàn quân, trấn an dân chúng. Mặc dầu hôm nay là ngày khao quân nhưng ở các doanh trại không được để quân sĩ quá chén, say sưa bỏ quên nhiệm vụ, có hành vi không tốt, lời ăn tiếng nói xấu ảnh hưởng đến dân chúng, phải luôn luôn giữ nguyên phép quân, phép nước…

Sau khi nghe các tướng bẩm báo tình hình các mặt trận, Nguyễn Huệ nói tiếp:

Việc mấy ngày qua ta đã rõ. Nay các ngươi cùng ta bàn bạc những việc sắp tới. Chiến thắng vĩ đại vừa rồi đem lại niềm vui, gây được lòng tin trong thiên hạ, nhưng thắng lợi đó mới chỉ là bước đầu. Nó có thể trở thành vô nghĩa nếu ta không đem được cơm áo và hạnh phúc yên vui cho trăm họ. Thống nhất giang sơn là bức thiết nhưng thống nhất lòng người mới là quan trọng.

Như các khanh đã biết, đất nước ta trải qua bao năm chia cắt, dân ta chịu cảnh loạn ly, núi xương sông máu, ruộng đất bỏ hoang, đói cơm rách áo, khốn khổ trăm bề. Nay thời thế tạm yên, muôn dân đang kỳ vọng vào trẫm, nhưng biết rằng nếu một mình trẫm e khó lòng gánh vác. Ta muốn các ngươi cùng ta lo cho trăm họ, làm sao để trong một thời gian ngắn nước ta trở nên cường thịnh, muôn dân được sung sướng và làm mất ý chí xâm lược của quân thù.

Ta biết quân Thanh vì muốn rửa nhục mà sẽ dồn sức tấn công ta lần nữa; các công thần của Lê Trịnh vì quen mùi danh lợi, tiếc rẻ quá khứ, sẽ cấu kết với nhau gây khó khăn cho ta ở phía Bắc Hà. Còn ở Nam Hà, Nguyễn Aùnh lợi dụng thời cơ chúng ta đang bận việc quân ở đất Bắc mà lấn chiếm đất Gia Định và nhiều nơi khác, lại còn cho người liên lạc với bọn Tây San, Xiêm La xin cứu viện. Trước mắt là bọn Lê Chiêu Thống sẵn sàng nối dáo cho giặc. Càng nghĩ ta càng đau lòng.

Riêng ta, trước sau chỉ một ý chí là muốn cứu vớt muôn dân ra khỏi vòng nước lửa, khi đất nước thanh bình ta sẽ dùng xiêm thêu, hia cỏ ngao du sơn thuỷ ngắm cảnh yên vui của dân chúng hai miền. Bởi ta đâu có chí làm quan. Lần đầu ra Bắc, khi xong việc ta đã trao quyền lại cho vua Lê. Ta đâu có muốn danh lợi gì đâu! Mong khanh tướng hiểu lòng ta. Và rồi đây khi ta quay về Phú Xuân, các ngươi ở lại đất Bắc phải ra sức vỗ về dân chúng.

Mọi người lắng nghe hết sức cảm động, rươm rướm nước mắt.

Ngô Thế Lân vốn là nhà thơ được nhiều người tặng danh hiệu “Dật sĩ” vì ông muốn giữ gìn khí tiết trước cảnh băng hoại của triều thần nên ông từ chối lời mời của chúa Nguyễn. Về sau ông thấy cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có chính nghĩa mới chịu ra hợp tác.

Từ buổi đầu của cuộc đình nghị, với khuôn mặt trầm tư, ông đăm đăm nhìn xuống ly rượu đặt trước mặt, bỗng như sực tỉnh, đôi mắt bừng lên, chậm rãi nói:

Thưa bệ hạ, vừa rồi nghe bệ hạ nói, hạ thần như cởi được tấm lòng. Mấy năm trước đây, dưới sự cai quản của chúa Nguyễn, hạ thần đã chứng kiến cảnh thối nát, bất công, tham nhũng của bọn nha lại; đứa nào cũng chỉ lo cho mình nhà cao cửa rộng, giàu sang phú quí, trong lúc dân chúng thắt lưng buộc bụng vì sưu cao thuế nặng, vì chinh chiến khổ sở trăm bề. Cảm thương dân đen, hạ thần có đề xuất nhiều ý kiến nhưng như gió vào nhà trống. Nay hạ thần muốn bày tỏ lại mong bệ hạ soi xét: “Chúng ta nên lập kho ở nhiều nơi, lúc thóc rẻ thì đong vào, lúc thóc đắt thì bán ra. Làm như thế để giữ giá thóc ổn định, khuyến khích được người nông dân sản xuất, ruộng đất sẽ được cày bừa trở lại không còn cảnh hoang hoá như bấy lâu nay”. Nghề canh cửi ta cũng làm tương tự như vậy. Nhờ đó dân sẽ có cơm ăn áo mặc, đời sống khắp nơi sẽ dần dần ổn định. “Việc trị quốc cũng như việc trị bệnh. Người thầy thuốc giỏi không phải chỉ là người chữa bệnh giỏi mà còn là người biết mạng sống hay chết, cũng như công việc trị mọt thì trước hết phải xem xét cái căn bản của gỗ” xã hội ta bấy lâu nay chẳng khác gì một con bệnh nặng, như một khu nhà có nhiều mối mọt. Lời của bệ hạ cũng đã chỉ ra căn do ấy. Hạ thần tin rằng khi ta định được bệnh sẽ bốc được thuốc hiệu nghiệm.

Nghe Ngô Thế Lân bẩm tấu. Nguyễn Huệ rất tâm đắc; khi lời vừa dứt, Nguyễn Huệ đập tay xuống bàn, cười to một tiếng sảng khoái.

Ngô Thì Nhậm ngồi bên cạnh bỗng giựt mình. Ông cúi xuống lấy trong đãy vải ra cuốn “Xuân thu quân kiếm”. Một quyển sách mà khi viết, ông đã đặt hết tâm huyết vào đó. Bây giờ ông muốn bày tỏ với mọi người điều gan ruột của mình.

Ông nói: “Tôn chí của kinh Xuân thu là làm sáng tỏ đạo lớn của vua, cha để dựng cái nghĩa lớn trời đất. Đó là trời không có hai mặt trời, nước không có hai vua, nhà không có hai chủ, tôi không có hai bề trên, mọi sự mọi vật phải có gốc rễ”. Và “phàm những việc quan hệ đến gốc của nền chính trị và tính mạng của nhân dân sai một ly đi một dặm”.

Ngô Thì Nhậm nói một hơi dài. Mọi người chăm chú lắng nghe và hiểu ý là ông phê phán Lê Trịnh và chỉ ra con đường trị quốc an dân. Nguyễn Huệ cầm chiếc bình lên, vói tay rót thêm rượu cho Ngô Thì Nhậm như để thể hiện sự đồng tình và tán thưởng.

Khi quân Thanh ầm ầm tiến vào Bắc Hà, Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở chủ trương bỏ thành Thăng Long để rút quân về Tam Điệp. Lúc Nguyễn Huệ mang đại quân đến Nghệ An đã không quở trách mà còn khen hai người biết hành xử hợp lý để bảo toàn lực lượng, để tạo ra sự chủ quan khinh địch của giặc. Khi tổ chức phản công địch, Ngô Văn Sở được cử chỉ huy đạo quân tiên phong đi bên cạnh Nguyễn Huệ. Trong buổi đình nghị, Ngô Văn Sở nói:

Bệ hạ có lần chỉ dạy: “Quân lính cốt hoà thuận không cốt đông”. Nay đến tiếp tục củng cố và phát triển quân đội ta cần phát huy sức mạnh đoàn kết của tướng sĩ; tổ chức rèn luyện binh lính cho thật tinh nhuệ, rèn thêm vũ khí, đúc thêm súng đạn, đóng thêm chiến thuyền… Thăm dò vũ khí ở các nước để bắt chước, để cải tiến vũ khí của ta. Được như thế thì còn lo gì không dẹp yên nội loạn, đập tan xâm lược.

Sau ý kiến của Ngô Văn Sở, tướng Phan Văn Lân và các đô đốc Tuyết, Long cũng đề xuất nhiều kế sách xây dựng đất nước.

Để trấn an dân chúng nhất là những người có dính dấp tới chính quyền của vua Lê chúa Trịnh, cũng như tư tưởng chiêu hiền đãi sĩ “Dựng nước lấy việc học làm đầu, trị nước chọn nhân tài làm gấp” – Nguyễn Huệ nói với Ngô Thì Nhậm viết chiếu hiểu dụ các quan văn võ cựu triều, chiếu cầu hiền, chiếu lập học, chiếu khuyến nông…

Cuộc đình nghị kéo dài đến canh ba. Gà phía ngoại thành đã gáy ran. Nguyễn Huệ dặn thêm một số công việc rồi đi vào phòng nghỉ. Ai nấy đều bái tạ lùi về phía sau.

Quá mệt mỏi vì phải trải qua những trận đánh thần tốc và với nhiều công việc cần giải quyết, Nguyễn Huệ muốn được ngủ một giấc thật sâu để lấy lại sức nhưng không tài nào ngủ được. Ông trăn trở mãi giữa đêm khuya khoắt với bao hình ảnh chập chờn cùng với bao nỗi nhớ không nguôi.

Ông nhớ về mảnh đất Tây Sơn nơi chôn rau cắt rốn đã mấy đời, có sông Côn in bóng tre trúc chảy giữa cánh đồng lúa rì rào xanh thẳm, có gốc me già, giếng nước trong cùng bến Trầu lưu dấu tuổi thơ. Nhớ về mảnh đất Phú Xuân có núi Ngự thông reo, có dòng Hương dịu dàng xanh biếc, có núi Bân – nơi lập đàn đọc chiếu lên ngôi. Với Nghệ An là quê cũ, tổ tiên gốc gác họ Hồ, mồ mả cha ông còn được đất thiêng ôm ấp giữ gìn, và Tam Điệp! Ở núi ấy, ông với các mưu thần tướng sĩ đã từng nói lời gan ruột, đã cùng uống chung chén rượu trước khi tiến quân ra đất Bắc và đáng thương biết bao nhiêu những người lính đã hy sinh nằm lại dọc đường hành quân, không còn có mặt hôm nay, vĩnh viễn không còn được gặp lại vợ con thân thuộc.

Nguyễn Huệ lại nhớ đến Ngọc Hân. Chưa đầy ba năm cũng chính ở khung cảnh này, Nguyễn Huệ và Ngọc Hân nói với nhau những lời ngọt ngào hạnh phúc giữa đêm tân hôn. Thương cho nàng bởi những lời dèm pha, châm chọc của Hoàng thân quốc thích. Bây giờ người vợ trẻ tuổi còn trăng tròn, làn da trắng mịn, đôi má hồng hồng, đôi mắt đắm đuối đang ở tận Phú Xuân xa ngái. Chắc lúc này nàng cũng quạnh quẽ, buồn nhớ nơi cung cấm.

Nghĩ đến đó Nguyễn Huệ muốn rời bỏ tất cả, muốn được chắp cánh đại bàng để bay về tức khắc bên nàng. Nguyễn Huệ cảm thấy bồn chồn, chống tay ngồi dậy, tựa lưng vào vách và như thầm nói:

Nếu ta còn bận việc quân mà chưa về được thì ta cũng nên gởi tin thắng trận cho nàng biết để khỏi trông, hay ít ra cũng phải gởi cho nàng một món quà đầu xuân để làm vui lòng nàng.

Nguyễn Huệ suy nghĩ mãi chẳng biết gởi món quà gì. Đối với nàng là một công chúa được chìu chuộng nhất của vua cha thì ngọc ngà châu báu, vải vóc lụa là chắc nàng không thiếu thứ gì. Ông cố tìm trong trí nhớ của mình có thứ gì mà nàng thích, bỗng chợt nhớ tới một kỷ niệm đẹp đã có từ mấy mùa xuân trước, khi Nguyễn Huệ dìu Ngọc Hân đi dạo dưới những vườn đào của đất Hà Thành. Lúc ấy, khuôn mặt nàng thật rực rỡ với nụ cười tươi thắm thực sự. Nàng đưa tay nâng nhẹ những cành đào đầy nụ hoa chớm nở và thổ lộ với tình quân đây là loài hoa mà nàng thích nhất, và kể chuyện đã có lần trốn khỏi cung cấm để ra ngắm đào ở Nhật Tân bị vua cha tìm về quở phạt vì tội tự ý ra khỏi hoàng thành.

Thật vậy, mỗi độ tết đến giữa đất Hà Thành này biết bao kỳ hoa dị thảo nở muôn hồng nghìn tía nhưng chẳng có loại nào sánh nổi với hoa đào. Ngoài cái vẻ đẹp bên ngoài, hoa đào còn ẩn chứa bao nhiêu điều muốn nói ở bên trong. Có phải đây là loài hoa mang cốt cách của người chiến sĩ?

Mấy năm nay ở Phú Xuân, Tết đến chỉ có hoa mai. Chắc là nàng mong hoa đào lắm mà không dám đòi hỏi; mà ở trong ấy thì lấy đâu ra hoa đào? Nay ta đang ở đất Bắc chắc nàng càng nghĩ về hoa đào nhiều hơn nữa, và Nguyễn Huệ quyết định dứt khoát món quà ấy phải là một cành đào.

Mới tờ mờ sáng, giữa tiết trời đầu xuân lành lạnh lấm tấm mưa, Nguyễn Huệ khoác áo dạ, chậm rãi dạo qua các lối trong hoàng cung để nhìn ngắm những khóm đoá nở đầy hoa, rồi bỗng nhiên dừng lại thật lâu trước Điện Kính Thiên, ở đó có một cội hoa đào thật tuyệt mỹ. Nguyễn Huệ chọn một cành ưng ý – một cành đào nở muộn còn nhiều nụ búp, rồi sai quân cấp tốc lên đường mang về Phú Xuân.

… Nghe vó ngựa đổ dồn ở phía ngoại thành, Nguyễn Huệ cảm thấy lòng dễ chịu và ấm áp. Mong Phú Xuân hiểu được nỗi nhớ thương của mình.




VVM.13.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com