Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

DUYÊN NGHIỆP MỘT ĐỜI NGƯỜI



T iết lau chùi, sửa soạn trang thờ Phật, bàn thờ ông bà, rồi đơm mâm trái cây, cắm hoa vào bình tươm tất. Anh đứng yên một lát, nhìn ngắm quang cảnh ngôi nhà, cảm thấy dường như hôm nay căn nhà anh bỗng sáng hẳn lên, tươi vui hẳn lên - mọi thứ như ánh lên một sức sống mới, về một năm mới nhiều hy vọng và thành công đang ở phía trước. Năm nào cũng vậy, bộn bề bao nhiêu là việc, mãi đến ngày cuối của năm, vợ chồng anh mới lo chuẩn bị cúng tất niên.

Tiết lặng yên, đắm mình trong niềm vui, niềm tin về một mùa xuân mới đang về, thì bỗng nghe tiếng gầm rú của những chiếc xe phân khối lớn chạy vào sân nhà anh. Tiết ngạc nhiên, quay vội ra sân. Anh nhìn thấy gần chục người, tóc nhuộm vàng, nhuộm đỏ, mình xăm đủ hình, nét mặt dữ tợn, người ngồi trên xe, người bước xuống sân, tay cầm dao, tay mã tấu sáng loáng. Anh giật mình, hoảng sợ, thầm nghĩ không biết con trai anh đã làm gì, đã xảy ra gì, nhưng rồi gắng giữ bình tĩnh - anh ôn tồn:

-Mấy cậu đến đây có chuyện gì vậy?

Một cậu ra vẻ đàn anh nhất trong bọn, hất hàm hỏi:

-Thằng Nhơn có ở nhà không?

-Nó đi đâu từ sáng rồi, mấy cậu hỏi nó chi?

-Nó nợ chúng tôi, hôm nay là ngày cuối năm rồi, không hẹn nữa. Nó phải trả trong hôm nay.

Tiết giật mình, hèn chi hai hôm nay, trông nó bần thần đi ra, đi vào, mới ba giờ sáng đã dậy đi đâu không biết. Tiết cảm thấy sợ, người anh như “dún” lên, cảm giác ớn lạnh chạy rần khắp cơ thể. Cả đời, anh chỉ cặm cụi làm việc, không hề biết nghỉ ngơi giây phút nào. Sáng sớm đã vội chạy ra nhà máy, công việc cứ như sắp hàng đợi sẵn, chờ anh giải quyết. Anh xoay qua, rồi xoay lại, chỉ có hai vợ chồng anh, mà không biết bao nhiêu là việc. Anh đã từng năn nỉ hai vợ chồng Nhơn, hãy đến xưởng may làm việc, chỉ cần coi ngó giúp anh mỗi khi vải nhập về, anh sẽ trả lương hằng tháng hai chục triệu hẳn hoi, nhưng Nhơn không chịu làm, anh đành bó tay. Hằng ngày, phải phát tiền cho hai vợ chồng Nhơn ăn sáng, tiêu vặt, ở nhà chơi, thế thôi. Nhiều khi Tiết nghĩ “hay do mình nuông chìu Nhơn từ nhỏ, nó ỷ lại, thành quen”, nhưng bây giờ biết phải làm sao, khi nó đã lớn, lêu lổng, lười biếng không chịu làm việc, đã thành “cái nếp” hằn sâu trong con người của nó rồi?. Tre đã già rồi.

Hai vợ chồng Tiết cưới nhau, ba năm sau mới sinh được một mụn con gái, rồi mười năm sau Nhơn ra đời. Hiếm muộn, nên hai vợ chồng anh rất yêu thương con, nhất là Nhơn - đứa con trai duy nhất mà hai vợ chồng anh đã mong mỏi, cầu xin, khấn nguyện khắp nơi mới có được. Ánh - cô con gái đầu của vợ chồng anh, không giống em chút nào. Cô rất chăm chỉ, ngoan hiền; cho nên nhiều lúc anh nghĩ lại, đâu phải do anh cưng chìu, vì cùng dạy dỗ, yêu thương như nhau, nhưng đứa thì ngoan, đứa thì nghịch. Anh im lặng cam chịu, mà không có thời gian để tìm ra nguyên do vì đâu.

Cậu đầu đàn vẫn lăm le dao trong tay, nhìn Tiết với đôi mắt nảy lửa - cao giọng:

-Trong ngày nay mà nó không trả là tụi tui chơi luật “rừng”, luật “giang hồ” với nó ngay đó - đừng có kêu ca!

Tiết hoảng hốt khi nghe họ nói đến luật “rừng - giang hồ” mà anh chẳng hiểu những thứ luật ấy như thế nào. Có lẽ, thứ luật ấy sẽ không có tình thương, luật của bọn côn đồ, nhưng chắc là phải đổ máu. Anh gắng giữ hơi thở, thấp giọng năn nỉ:

-Mấy cậu bớt giận, từ từ vợ chồng tui tính.

-Từ từ là khi nào - cậu ta hét lớn, bữa nay là ba mươi rồi, nợ nần phải thanh toán trong năm, không để sang năm mới được. Xui xẻo!

-Trời ơi! Tiết kêu lên - tiền đâu mà sẵn có đưa liền, phải từ từ chớ.

-Tui nói rồi, tất cả là một tỉ, không thiếu một xu. Chiều tụi tui quay lại lấy, không có là tụi tui “xử” thằng con ông ngay tại nhà nầy đó. Liệu mà trả đi, ông nên biết rõ, tụi tui nói là làm, không biết nói đùa đâu!. Một ngày không thấy máu, tụi tui ăn không ngon.

Nói dứt câu, không để Tiết nói thêm gì, cả bọn lên xe nổ máy chạy. Tiếng hú ầm ầm của loại xe phân khối lớn như cấu xé trái tim anh. Anh đau đớn, xót xa tiếc của mồ hôi nước mắt bao năm đã đành, nhưng xót thương cuộc đời con trai hư hỏng thì nhiều. Anh nấc lên: “sao nó không biết nghe lời, sao nó không biết suy nghĩ, đồng tiền kiếm ra đâu có dễ, mà vung tay cờ bạc, cá độ không thương tiếc, hay nó không xót vì nó không làm ra, nó không biết được giá trị của đồng tiền mình kiếm được?”. Anh khóc - tủi thân cho cuộc đời mình bạc phước, cay đắng, tuyệt vọng cho tương lai con trai, mà đành phải bó bụng, cắn răng, “thôi thì phải trả cho người ta, để con trai được yên ổn, chứ nếu nó có bề gì, Liễu sẽ không sống nổi”.

Tiết ngồi bệt xuống thềm nhà, nghĩ nhớ lại, từ ngày sinh Nhơn ra, nuôi nó lớn lên, chỉ thấy toàn là đau khổ. Lúc nhỏ, rong chơi thì bị người ta đến nhà “mắng vốn”, đi học, luôn gây chuyện chận đánh bạn nầy, rồi bạn khác, gia đình bị quở trách - nó không để anh bình yên phút nào. Lớn lên, Nhơn đàn đúm cùng những đứa bạn rỗi nghề, ăn chơi, la cà, dù anh cố khuyên can thế nào Nhơn cũng không nghe. Hết xì phé đỏ đen, lại đề đóm, như con ma tham lam, lúc nào trông người cũng ốm nhom, phờ phạc. Ráng lắm, Nhơn mới học hết phổ thông, vợ chồng anh muốn Nhơn học lấy một cái nghề nào đó để bước vào cuộc sống khỏi phải tựa vào ai; nhưng Nhơn giả mù, giả điếc, không nghe, không thấy những lời anh khuyên, vợ anh nài nỉ. Cứ thế, Nhơn sống một cuộc sống thác loạn, không nghĩ gì đến những người chung quanh, dù anh có la rầy, nó cũng chẳng cãi lại, nín thinh, làm theo ý mình. La cà, vui chơi để nợ nần chồng chất, anh phải lo trả nợ cho Nhơn mãi rồi thành quen, Có lẽ, Nhơn coi anh như “ngân hàng” riêng của mình, nên cứ mãi rút tiền không cần suy tính. Lần nào cũng mấy trăm triệu chứ không phải ít, mà biết bao nhiêu lần. Hễ vợ chồng anh chắt chiu, dành dụm được bao nhiêu, là Nhơn rút dần mòn, cũng hết. “Của cả kho, không lo cũng hết” cơ mà.

Đến tuổi trưởng thành hơn, Nhơn quen với Ly, một cô gái ở tận miền Nam xa lơ, xa lắc, và đòi cưới vợ. Vợ chồng anh mừng, nghĩ rằng, có thể nó sẽ hồi tâm chuyển ý, lo làm ăn, để lo cho vợ con; nên lật đật trầu cau, mâm quả vào tận miền Nam lo hỏi cưới Ly cho Nhơn. Hồi tâm chuyển ý đâu không thấy, chỉ thấy nuôi thêm một miệng ăn, cũng vẫn như cũ, đá gà, bóng đá, số đề, bài bạc như con nghiện, không dứt ra được. Tiết nản lòng, nhiều lúc muốn bỏ mặc, nhưng nghĩ thương Liễu - vợ anh, bệnh đau liên miên, mỗi khi nghe Nhơn có gì là bệnh vợ anh lại trở nặng; và rồi anh cứ nuôi hy vọng mong manh, rằng một ngày nào đó, Nhơn sẽ hiểu ra, thay đổi, nên đành lặng lẽ, ráng mà chịu.

Liễu nãy giờ ở dưới bếp, lo nấu mâm cơm cúng tất niên, nghe thấy mọi việc bất ngờ xảy ra như một tai họa khủng khiếp - chị sợ quá, nép mình bên cánh cửa nhà sau nhìn ra sân, theo dõi. Thấy bọn họ đã lên xe ào ào chạy đi, chị lật đật bước lên nhà trước. Nhìn thấy Tiết đang ngồi ủ rũ dưới bậc thềm nhà - chị rươm rướm nước mắt:

-Giờ tính sao anh?

Tiết ngẩng lên - giọng thất vọng:

-Sao trăng gì nữa, đành phải trả chứ sao - anh nói như chực khóc, không trả cho chúng, chúng nó giết thằng nhỏ à?

Liễu đứng yên, như chết lặng.

Tiết dịu giọng:

- Thôi mình ạ! Nợ thì phải trả thôi, đừng lo, còn người thì còn làm ra được, em đừng buồn.

Liễu cúi xuống, nắm lấy tay anh - giọng run run:

-Cảm ơn anh!

-Cảm ơn gì chứ - Tiết gắng giữ bình tĩnh, mình cứ tin vào anh, anh còn khỏe sẽ còn làm ra cái khác. Mong sao cho nó hồi tâm.

-Dạ! Em cũng cầu mong có vậy - Liễu thì thào, em ngày đêm đều nguyện, nếu nó chuyển tâm, thành một người sống có ích, em sẽ ăn chay trường để tạ ơn trên.

Tiết xoa bàn tay lên tay vợ:

-Không ai chịu thế cho ai được đâu, mình phải giữ sức khỏe, đừng để suy sụp đấy. Thôi, mình lo nấu đi, anh ra ngân hàng đây, kẻo bọn nó trở lại không trở tay kịp.

Liễu “dạ” nho nhỏ rồi quay xuống nhà dưới.

Ngoài kia, nắng đã lên cao, những khúc ca xuân rộn ràng từ chiếc máy nhà bên cạnh như thúc giục Tiết phải nhanh chân cho kịp trong buổi sáng hôm nay trước khi ngân hàng đóng cửa.

♣ ♣

Nhơn uể oải bước xuống giường, ra nhà sau. Nhìn theo dáng đi lêu khêu, xiêu vẹo của Nhơn, Tiết lắc đầu. Mấy hôm nay Nhơn kêu tức lưng, đau đầu, mỏi rã người, anh nghĩ, có lẽ nó ăn nhậu thâu đêm, ngồi đánh bài mãi, sao mà không tức, không đau lưng, mỏi cổ được chứ.

Một sáng chủ nhật thật yên bình, cả nhà ngồi quây quần trên chiếc bàn tròn đang ăn sáng. Ánh dắt bé Na bước vào chào cả nhà:

-Hôm nay chủ nhật đông đủ nhỉ! Cho hai mẹ con ăn với.

Bé Na ríu ra, ríu rít:

-Cháu chào ông bà ngoại, chào cậu mợ Ba.

Tiết vui vẻ:

-Chào cháu yêu của ông! Ngoan hè. Lại đây nào.

Bé Na về, làm cả nhà nao nức, ai cũng vui cười, nhộn nhịp hẳn lên. Hôm nay chủ nhật, Ly cùng vào bếp phụ giúp Liễu nấu nồi bánh canh ăn sáng. Chưa khi nào cả nhà đông đủ, vui vẻ như hôm nay - Tiết nhìn con cháu đông vui, nghe lòng mát như vừa uống một ly trà sâm. Bỗng Nhơn nhăn mặt, kêu đau, rồi lật đật đứng dậy, vào giường nằm. Mọi người nhìn Nhơn ái ngại. Ly lo lắng:

-Không biết ảnh bị gì mà kêu đau, tức lưng mấy hôm nay, ngày càng đau nhiều hơn.

Tiết bực mình:

-Ngồi đánh bài riết không đau mới lạ!

Ly nhỏ nhẹ:

-Không phải đâu ba, lâu nay ảnh có la đau đâu.

Ánh lo lắng:

-Hay nó bị thận, thường thì đau lưng là do thoái hóa đốt sống lưng ở những người lớn tuổi, nó còn nhỏ mà bị đau, chắc chắn là do thận rồi.

Liễu giật mình:

-Sao mầy nói chắc chắn như vậy, Ánh? Như mầy là bác sĩ không bằng.

-Con không phải bác sĩ, nhưng con biết. Không biết đâu mà nói, đưa nó vào Sài Gòn khám cho chắc ăn, có gì phát hiện sớm dễ chữa.

Thế là, cả nhà ăn không ngon, ai cũng vội vàng ăn cho qua bữa. Một cuộc góp ý chớp nhoáng: Ánh cùng đi với hai vợ chồng Nhơn vào Sài Gòn.

Tiết càng lo lắng, hoang mang hơn khi Ánh gọi điện về báo tin Nhơn đã bị bệnh “Thận đa nang”. Anh không hiểu “Thận đa nang” là bệnh gì, như thế nào, nhưng anh nghe đến “nang” là lo sợ, là nghĩ rất nguy hiểm, có thể tử vong.

Trong lòng Tiết rối như tơ vò, không biết gỡ từ đâu. Anh chỉ có Nhơn là con trai, mọi cách phải chạy chữa, không thể để bệnh càng thêm trầm trọng, dù có bán cả nhà máy, nhà cửa, anh cũng phải cứu sống núm ruột của mình.

Sau nửa tháng theo dõi và chữa trị, bác sĩ cho Nhơn xuất viện và hằng tháng phải vào Sài Gòn tái khám. Ánh đưa em trai về. Thấy con về có vẻ khỏe lên, Tiết mừng thầm, anh nghĩ có lẽ Trời Phật thương anh, chứng giám sự cầu xin thành tâm của anh, nên con trai anh đã đỡ hơn.

Tiết nói với con gái:

-Con tìm hiểu xem, bệnh “thận đa nang” là sao, có chữa khỏi không nhé?

Ánh nói:

-Bác sĩ nói, bệnh thận đa nang, là một rối loạn, trong đó cụm u nang phát triển chủ yếu trong thận. U nang là những túi tròn chứa dịch, không phải ung thư, giống như nước.

Tiết mừng rỡ:

-Không phải ung thư là ba mừng rồi.

-Bệnh thận đa nang không giới hạn chỉ có thận, mặc dù thận thường là cơ quan bị ảnh hưởng nặng nhất. Bệnh có thể gây ra u nang phát triển ở nơi khác trong cơ thể nữa, ba à!.

Tiết lại lo lắng:

-Bệnh gì “ghê” vậy con? Phát triển nơi khác nữa là sao?

Ánh chậm rãi, giải thích:

-U nang không phải là ung thư, túi tròn có chứa dịch như nước. Bệnh thận đa nang gây cho thận dần dần mất khả năng loại bỏ chất thải từ máu và duy trì sự cân bằng dịch, điện giải của cơ thể.

-Mầy coi ở đâu hay bác sĩ nói vậy con?

-Hổm nay con lên mạng tìm hiểu chớ ở đâu.

Liễu hỏi - giọng gấp gáp:

-Vậy có chữa được không? Khỏi không?

Ánh tiếp tục:

-Khi u nang lớn, gây tăng áp lực và thúc đẩy sẹo các khu vực bình thường không bị ảnh hưởng của thận. Những kết quả tác động của áp suất máu cao và cản trở khả năng của thận để giữ chất thải tích tụ đến mức độc hại, một tình trạng gọi là tăng ure huyết.

-Mầy nói gì má nghe mệt quá vậy, Ánh? Má muốn biết bệnh đó có chữa khỏi không?

-Thì con đang nói về chứng bệnh đó nè, khỏi hay không cũng còn do mình kiêng cữ, sống lành mạnh, điều độ mọi thứ thì may ra.

Tiết hoảng hốt:

-Vậy theo con thì thằng Nhơn phải thay đổi cách sống thì may ra mới chữa được, phải không?

Ánh thở dài:

-Có lẽ vậy! - ngừng một lát, Ánh tiếp - Khi bệnh nặng hơn, sẽ tiến tới giai đoạn cuối suy thận. Khi giai đoạn suy thận cuối xảy ra, cần phải chạy thận, hoặc ghép thận để kéo dài sự sống.

Tiết chép miệng:

-Cách sống của nó - anh ngập ngừng, tui e không khỏi được.

Thế rồi, cứ một tháng Tiết tự mình đưa con trai vào Sài Gòn tái khám. Anh nghĩ, phải chính mình đưa đi, tự mình chăm sóc để con trai anh thấy được sự nghiêm trọng của bệnh, để sống lành mạnh, điều độ tốt hơn, may ra bệnh mới thuyên giảm. Nhưng con trai anh, như không nghe thấy những lo lắng của mọi người trong nhà, khỏe lên một chút là kiếm cớ ra ngoài, không ai kiểm soát được.

Nửa năm sau, Nhơn lại đau nặng hơn, Nhơn bò lăn trên giường với những cơn đau kéo dài. Tiết đưa gấp con trai vào Sài Gòn nhập viện. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ báo cho anh rằng, con trai anh cần phải cắt bỏ quả thận đang bị đau.

Tưởng cắt quả thận đau là sẽ khỏi, nhưng năm tháng sau quả thận còn lại cũng bị đau dữ dội. Mặc dầu hết mức chạy chữa, bệnh tình của Nhơn ngày càng trầm trọng. Liễu vì lo lắng bệnh tình của con trai, bệnh cũ lại tái phát. Tiết phải đưa vợ vào bệnh viện cấp cứu nhiều lần.

Liễu nằm thiêm thiếp, trên đầu là một hàng chai lọ lủng lẳng lớn nhỏ chuyền hết bình nầy, sang bình khác. Trong lòng chị luôn lo lắng, nên men gan lên cao quá mức, phải chuyền nước liên tục. Nước da chị vàng chái, đau đầu, nôn ói, chỉ hớp được chút sữa, chút nước, người gầy sọm, khiến Tiết càng lo lắng hơn.

Nhiều đêm Tiết thức trắng, đi ra rồi đi vào, lên bàn thờ Phật thắp nhang khấn nguyện, cầu mong Trời Phật phù hộ, độ trì cho gia đình anh tai qua, nạn khỏi; vợ con anh chóng khỏi bệnh, anh nguyện sẽ “trường chay” để tỏ lòng thành, để chuyển nghiệp. Tiết vui mừng, vì Liễu khỏe dần, các bác sĩ đã cho chị xuất viện.

Một đêm, anh trở dậy, lên nhà trên thắp nhang nơi bàn Phật xong, bước ra hiên ngoài. Anh rất đỗi ngạc nhiên thấy vợ đang ngồi trên chiếc ghế đá trước hiên, ôm mặt khóc. Anh vội bước lại, ngồi xuống ôm choàng qua vai vợ - thì thầm:

-Em đừng lo nghĩ nhiều bệnh sẽ tái phát đó. Mình cùng trường chay nghen, cùng cầu nguyện cho thằng Nhơn.

Liễu thút thít:

-Mong trời Phật phù hộ cho nó, em nguyện trường chay với anh mà.

Trăng đã nhô lên cao, soi sáng khắp sân vườn một mầu vàng lạnh lẽo. Hai vợ chồng Tiết - Liễu dựa vào nhau, lặng lẽ nhìn lên bầu trời mênh mông, như tìm kiếm cái gì. Bất chợt, một vì sao lạc vừa rơi xuống bầu trời đêm. Liễu run rẫy, thì thào: “Một linh hồn vừa trở về với cõi hư vô sao?”.

♣ ♣ ♣

Đã hai tháng nay, Nhơn phải quằn quại gánh chịu những cơn đau liên tục. Giờ đây, Nhơn chỉ còn da bọc xương, ốm tong teo, nằm thoi thóp như bị dán chặc trên giường. Thỉnh thoảng hớp được chút sữa, nhưng rồi cũng nôn ra hết. Tiết và Ánh thay phiên nhau có mặt ở xưởng may để giải quyết công việc. Tiết ở giường bệnh thì con gái ở nhà máy, thay đổi nhau.

Đang nằm im thiêm thiếp, bỗng Nhơn ngồi bật dậy, tỉnh táo - đôi mắt sáng bừng, linh hoạt nhìn quanh. Thấy Ánh đang ngồi bên giường, Nhơn hỏi chị - giọng rõ ràng:

-Lâu nay, tui phá của ông ba được mười tỉ chưa chị Hai?

-Sao mười tỉ, mười mấy rồi đó chứ, nhưng mà bao nhiêu kệ, mầy cứ an tâm dưỡng bệnh đi, ba lo cho hết, không sao đâu.

Nhơn lẩm nhẩm:

-Đủ mười tỉ rồi!.

Vừa nói Nhơn vừa nằm xuống, đôi mắt từ từ nhắm lại và trút hơi thở ra cuối cùng.

Ánh hoảng hốt, khóc thét:

-Nhơn ơi! Em sao vậy? Nhơn ơi…em ơi!

10/2018





VVM.08.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com