Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


 NHỮNG CƠN GIÓ



                    

MỜI QÚY VỊ MỞ NGHE: tiếng violon của Thu Vân.



      []  

      Với ai không biết, còn với tôi, thật không đề tài nào phong phú cho chữ nghĩa mình hơn đề tài Quê Hương. Điều này nằm trong tâm thức ngay khi còn nhỏ, bây giờ ló đầu thành nhận định rõ rệt.  

      Khi vừa lớn, đọc các tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, tôi chỉ thương các giòng ấm áp trong Gió Đầu Mùa của Thạch Lam, các giòng “Lạy Trời cho gió lên!” của Nhất Linh. Lớn hơn chút nữa, trong toàn bộ tác phẩm của Mai Thảo, cũng chỉ thương duy nhất Đêm Nhớ Về Hà Nội. Một vùng đất xa vời ẩn tàng trong trí nhớ các nhà văn ấy làm nên trong tôi niềm chân thành rung cảm.  

      21 năm kết tình bạn với Uyên Thao, có lẽ (anh không biết) điều được tôi quí trọng nhất nơi anh chính là những mẩu vụn nhỏ nhẹ hiền lành anh kể cho nghe về:

      -“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh thuộc Lạng Sơn, sát biên giới Quảng Đông và phía Bắc Chi Lăng.”

      -Gốc gác tôi ở Tuyên Quang, ngăn cách Lạng Sơn bằng 2 tỉnh Cao Bằng-Thái Nguyên.”

      -“Tôi chôn nhau ở Hà Nội nhưng từ lâu rồi khá thân với dòng sông Lô phía sau nhà và thuộc cái tên sông Kỳ Cùng chảy qua Lạng Sơn ra vịnh Hạ Long.”  

      Thuở nhỏ đôi lần nghe mẹ nói về vùng An Cựu Đông xứ Huế, đôi lần đọc các giòng rải rác trong đống giấy tờ lưu lại của cha về đất Thần Kinh… nhưng cha mẹ tôi không phải nhà văn, thành ra chẳng tạo được trong tôi chút nào hình ảnh về cái nơi tôi cất tiếng khóc chào đời thứ nhất.  

      Bây giờ đang ở Mỹ, thời đại lên ngôi của công nghệ Google, khó mà tìm ra trong chữ nghĩa những người cầm viết cái tình thấm đẫm vừa nói. Nhất là về một quê hương đã mất với những cơn gió! Quê hương Thạch Lam & Nhất Linh (lúc ấy) đang mất trong tay người Pháp. Hà Nội trong trí nhớ Mai Thảo đã vĩnh viễn mất vào tay Cộng Sản Hồ Chí Minh.    

      Khuya hôm qua, nửa thức nửa ngủ, nhận thư Phạm Gia Cẩn kể về gió Tháng Mười Dalat, rồi cũng nửa thức nửa ngủ đọc trong Website của anh Từ Vũ bên Tây truyện ngắn Biển Xưa Không Còn Hát của tác giả Túy Hà ở Hoa Kỳ. Vậy là “gió lại nổi lên” trong trái tim héo hắt.  

      Gió Dalat không “giang hồ” như gió Nha Trang từ xa khơi thổi vào thành phố, thúc bách bước chân người lữ thứ; không se se lãng mạn như gió Sàigòn những ngày tháng Năm đứng chờ người yêu ở cuối sân trường; không bóp thắt tâm hồn như gió Paris lần đầu bắt gặp nơi một trạm xe buýt thời gian mới sống đời đất khách; không tê buốt lạnh căm như gió San Francisco lúc đã định cư California, xa lạ, dửng dưng...  

      Gió Dalat kỳ ảo, âm u, dễ dàng khiến hình dung đến ngọn gió bấc luôn rú gào ai oán ở vùng đồng hoang Haworth tiếp giáp từ dãy núi Pennine bên Anh trải thẳng đến tận cửa nhà Emily Bronte. Gió Dalat còn như phảng phất mối tình tuyệt vọng của Heathcliff đêm đêm chờ hồn ma Catherine trở về, được một người Pháp yêu văn chương Emily Bronte dựng lên căn biệt thự ở Trại Hầm, lối kiến trúc, bối cảnh y như truyện Wuthering Heights.  

      (Tính chất nhà văn trong tôi có lẽ khởi đi từ những trang nhật ký viết ra thuở đó, tâm hồn còn ngây thơ mà đã biết dạt dào rung cảm theo từng cơn gió Dalat trong những vụ nghỉ hè!?)  

      Trên hết, tôi yêu những cơn gió rừng trong trại café của gia đình Lộ ở vùng Đăng Lèn, Lạc Dương. Giữa khuya, Âu Cơ và cả đám con nít ngủ say, vợ chồng anh K’Jim cũng ngủ say, mình tôi vén mùng ra ngồi bên đống lửa, nghiêng tai lắng nghe cho kỳ hết tiếng rền của gió từ các đồi thông, não nùng, thê thiết.

      Khó mà diễn tả cho đủ bằng chữ nghĩa những xúc động lan tràn làm run rẩy thân hình khi ấy. Chỉ biết cảm nhận nỗi thân thiết diệu kỳ đang được ôm trong tay bà mẹ núi rừng. Gió lúc bấy giờ không còn ai oán mà biến thành như những nụ hôn phủ đầy đôi vai đứa con lạc loài đang trở về sau nhiều tháng năm rời xa quê cũ. Trong óc nghĩ, giá chết mà được chôn nơi vùng núi đồi này, sống kiếp dế giun, đêm đêm tha hồ cất tiếng hòa ca theo nhịp gió hát cũng sướng, chẳng cần đi đầu thai nơi nào làm chi nữa!  

      Tôi không phải dân Dalat chính gốc, (cũng chẳng vùng trời nào trong quê hương được gọi là chính gốc. Tôi nói giọng “pha cả ba Miền” như độc giả Triền Miên ở Quảng Nam có lần bảo.) Cái cách tôi yêu Dalat có lẽ khác với dân Dalat, khác với nhiều người.  

      Thuở trước 1975, mới 7 giờ tối, trong khi các cô da trắng môi hồng thân hình mũm mĩm rút vào nhà then cài chốt khóa, thì tôi, đã quá khuya, còn lang thang hè phố, tay ôm violon, tay cầm điếu thuốc lá, bước vào một quán café còn mở cửa, ngồi suy nghĩ xa xăm.  

      Thuở sau 1975, trở lại Dalat với Âu Cơ trong các vụ nghỉ hè, tôi không còn lang thang nơi các con dốc hẹp ngoài chợ, mà rút vào rừng sâu, ngồi trong chòi café của một người bạn Thượng ở ấp Mangline, ấp Đăng Lèn, nhìn mưa rơi bên ngoài khung gỗ. Dalat khi ấy mới thật là “Dalat của tôi, cô đơn, sâu lắng”, khác hẳn cái cảnh bon chen trên phố phường náo nhiệt.  

      Nhiều người bảo “tâm hồn tôi lệch lạc”. Điều ấy có lẽ đúng. Cái tôi đi tìm khác hẳn với cái kẻ khác đi tìm; trong đó, tiếng gió của quê hương là điều thứ nhất tôi yêu.  

      Bây giờ ngồi đây (California) mà nhớ các cơn gió sắt se trên sân ga Phù Cát, các cơn gió mơn man nơi quán rượu bên lề Quốc lộ Miền Trung, các cơn gió cuồng nộ ở Rạch Giá, Cái Tàu Hạ trong mùa nước nổi, các cơn gió dịu dàng ở biển Qui Nhơn, biển Nha Trang… trong 5 năm Nước Chảy Qua Cầu, mới thấy rõ thế nào là vai trò quan trọng của tiếng gió chiếm hữu trái tim và làm đầy ký ức tôi.

      “Đi tìm Thời Gian đã mất” có nghĩa rằng đi tìm cái rất đẹp “mình từng cảm biết” rồi ghi thành chữ nghĩa. Nếu không, có gì để gọi là Văn Chương mà hòng chia xẻ cùng độc giả của tôi?  

      Từ ngày sống đời đất khách, tôi không còn yêu những cơn gió. Trái lại, thấy buồn và sợ.

      -Buồn theo tiếng rít thổi vào lò sưởi, làm lạnh căn nhà, làm nhớ cái hôm đứa em ra đi, gió rít nhiều, bẽ quặt hai tay em, dìm sâu thân hình em xuống lòng biển tối. (Lúc này ở Cali. càng thêm buồn theo bước chân đêm đêm đi làm trong cơn gió của Vân San, với khung trời biền biệt nào Âu Cơ đang sống, không biết gió có thổi mạnh?).  

      -Sợ các gốc cây ngả nghiêng trong vườn dễ làm đổ căn nhà Những Người Trăm Năm Cũ, nơi dung thân khiêm nhường của những đứa con chữ nghĩa.

      Gió xứ người không chút nào thơ mộng (hay có phải tâm hồn tôi đã khô cứng để không còn cảm ra cái đẹp của gió?) Đàng nào cũng đúng. Tóm lại, tôi vẫn thấy xa lạ và… không yêu được nó, mà thôi!

      Bây giờ thì gió Tháng Mười Dalat “phũ phàng” (lời Phạm Gia Cẩn) trong mùa mưa bão. Tôi không dám tưởng tượng sâu hơn điều tàn bạo khi nhìn lên YouTube.

      Nhưng, chẳng phải lúc này Dalat, hoặc các vùng đất mẹ, mới được chứng kiến điều ấy. Mà, tất cả những gì làm nên rung cảm về hai chữ Quê Hương đều đã bị cái gió mang đầy hơi độc CS quét đi hết từ ngày 30 tháng Tư 1975! Sự “phũ phàng” còn lại là lẽ “đương nhiên phải thế!”  

* * *

 

      KẾT.

      Sáng nay, cô độc giả bên Paris (đọc kỹ chữ nghĩa tôi), đã giải giùm đáp số bài toán tôi đi tìm suốt cuộc đời, nhất là vào tuần trước! Đầu óc không còn chao đảo, đôi chân không còn chông chênh như đang bước trên mây ở hôm qua (ngày Rằm tháng Chín giỗ cha, bắt đầu thực hiện lời nguyện “từ đây ăn chay trường”).

      Tôi thật mừng! Cái kiếp nạn bị tẩu hỏa nhập ma như Gogol, tôi đã thoát! Có lẽ đêm nay giấc ngủ sẽ không còn bị đánh thức như đêm qua, như những đêm trước bằng một Nightmare.  

      Vừa lúc nãy, đứa con dâu hỏi:

      “Con nghe trên một chương trình đố chữ của VN, có câu tục ngữ này, xin mẹ giảng cho hiểu: ‘Nghề Văn kỵ nhất cái lối thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào.’

      Tôi vừa ngạc nhiên vừa buồn cười. (Con nhỏ rất thông minh, mặt mày xinh xắn, hay tự tìm tòi học hỏi).

      Tôi đáp lời nó:

      “Mai là cái cuốc theo tiếng miền Bắc. Toàn câu có nghĩa ‘bắt chước’ hoặc nói cách khác là ‘a dua!’ Chữ Kỵ dùng ở đây rất đúng. Trong chữ nghĩa người làm văn, làm thơ, điều cần trên hết là một ‘bản sắc độc lập chẳng giống ai!’”

[]  

       (Bài viết xong tại San Jose, Oct. 21, 2021, thứ Năm 5:40 PM). []




VVM.08.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com